ĐỜI THÊNH THANG SỐNG
 


Để Biệt tặng giới trẻ dịp
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Tại Denver, Colorado, Hoa Kỳ 11-15/8/1993.


Nội Dung

Lời Giới Thiệu
Nhập Đề: Thân Phận Làm Người

1) Sống Động là Tăng Trưởng Tầm Vóc
2) Lương Tri là Ơn Gọi Làm Người
3) Niềm Tin là Văn Hóa Thần Linh
4) Tự Do là Làm Chủ Cuộc Đời
5) Bình An là Tràn đầy Sức Sống
6) Yêu Thương là Bản Tính Hoàn Thiện
7) Hạnh Phúc là Viên Mãn Yêu Thương (xin xem trong sa'ch)

Tổng Kết: Đi Làm Cuộc Đời
 


Cao Tấn Tĩnh
Copyright 1993 by Cao Tấn Tĩnh
 

 

Lời Giới Thiệu

Tác giả Cao Tấn Tĩnh có nhã ý muốn tôi giới thiệu cuốn sách Đời Thênh Thang Sống của ông.

Thực ra, tác giả không cần ai giới thiệu, vì đã có tiếng tăm, đã viết nhiều sách: Ông đã có tới 9 tác phẩm. Ông có một lối hành văn nhẹ nhàng, trong sáng, quyến dũ, một tâm hồn rất đạo đức.

Chủ tâm ông viết sách là muốn chúng ta như những con chim bay cao trên trời mây thẳm, đời thênh thang sống, sống tận hiệp với Thực Tại Thần Linh, Toàn Chân, Toàn Thiện và Toàn Mỹ. Muốn được vậy, ông khuyên ta nên sống theo lương tri, sống theo một nền văn hóa Thần Linh, sống tự do hào sảng, bình an tự tại, yêu thương mọi người, sống một đời sống hạnh phúc, viên mãn yêu thương. Đó là cuộc sống lý tưởng mà mọi người đều mong ước.

Đây không phải là một ảo tưởng nhưng đó chính là cuộc đời mà tác giả đang cố gắng sống thực. Gặp tác giả, tôi thấy ông hết sức vui vẻ, lễ độ, khiêm cung, bình an tự tại, và luôn cố vươn lên. Đó thực là một tấm gương thúc đẩy mọi người cố gắng.

Văn ông trào dạt từ đáy thẳm lòng sâu tâm hồn ông, nên rất tự nhiên. Mong ông sẽ còn viết thêm được nhiều sách khác nữa.

Chúc ông thành công, sách in ra được hưởng ứng nồng nhiệt.


Bác Sĩ Nhân tử Nguyễn văn Thọ,
Nguyên Giảng Sư Triết học Trung Hoa,
Đại học Văn Khoa Sài Gòn,
Nguyên Giáo Sư Trưởng Ban Triết đông,
Đại Học Minh Đức Sài Gòn.
Chuyết Đề,
Westminster 26/4/1993

 

Nhập Đề


Bầu Trời Cuộc Sống



Con người sống trên đời:

Về phương diện thể lý, thân phận như một hạt giống được gieo trên mặt đất để nẩy mầm và vươn mình lên trời cao.

Về phương diện tâm linh, thâm phận như một loài chim có cánh để tung bay trên bầu trời và làm tổ ở trên cao.

Như Mầm Cây Vươn Thân Lên Cao

Trước hết, về phương diện thể lý, thân phận con người được ví như một hạt giống được gieo trên mặt đất để nẩy mầm và vươn mình lên trời cao.

Mỗi một hạt giống thường được cấu tạo bởi hai phần, vỏ và nhân. Con người cũng có hai phần, thân xác như vỏ và linh hồn như nhân.

Ba yếu tố làm cho hạt giống nẩy mầm và từ đó bắt đầu phát triển thành cây, đó là độ ẩm của lòng đất, hiện tượng vỏ nứt
ra và thời điểm lộ diện của nhân.

Ba yếu tố làm cho con người trưởng thành xứng với phẩm vị của mình, đó là được giáo dục (độ ẩm của lòng đất), phần hạ bị chế ngự (hiện tượng vỏ nứt ra), và phần thượng nên khôn ngoan (thời điểm lộ diện của nhân).

Nếu lòng đất quá khô hay quá ẩm ướt, hạt giống dù tốt mấy đi nữa cũng khó có thể nẩy mầm và nhú lên khỏi mặt đất được; ngược lại, nếu lòng đất có một độ ẩm thích thuận, song hạt giống lại xấu hay nhân bị hư, hạt giống sẽ mãi mãi bị chôn vùi dưới lòng đất.

Việc giáo dục thái quá hay bất cập đều tác hại đến việc phát triển nhân cách của con người được giáo dục. Trái lại, một con người bẩm sinh mang bản chất khó dạy, như quá nhiều đam mê nhục dục, lại lười biếng, thêm chủ quan cố chấp, thì việc
giáo dục dù khéo léo nghệ thuật đến đâu cũng dễ trở thành một bài toán mà đáp số thường là hay hầu như vô nghiệm hoặc vô hiệu.

Điều kiện cho một hạt giống nẩy mầm là độ ẩm thích thuận của lòng đất và hiện tượng nứt vỏ của hạt giống. Thế nhưng, nguyên nhân chính yếu làm cho hạt giống nẩy mầm lại là thời điểm lộ diện của nhân. Do đó, nếu nhân của một hạt giống bị hư, hạt giống sẽ không bao giờ nẩy mầm được.

Tuy nhiên, cho dù độ ẩm của lòng đất rất thích thuận, nếu chưa đến thời điểm lộ diện của nhân, vỏ của hạt giống vẫn chưa nứt rạn được. Tức là, vỏ của hạt giống chỉ rạn nứt khi nhân của nó đến thời kỳ lộ diện, chứ không phải vỏ nứt rồi nhân mới
lộ diện. Giống như trường hợp của con gà con, khi được ấp đủ ngày, phải tự mình mổ cho vỡ cái vỏ bao bọc mình để có thể đi vào đời.

Nơi con người cũng vậy, việc giáo dục và việc chế ngự phần hạ, tuy cần thiết không thể thiếu trong việc trưởng thành của con người, nhưng, nguyên tố chính làm cho con người trưởng thành lại là do sự khôn ngoan của phần thượng, ở chỗ ý thức và ý chí sống thân phận làm người đích thực của mình.

Do đó, khi con người chưa có hay chưa đủ khôn ngoan, được tỏ hiện qua ý thức và ý chí làm người này, việc giáo dục vẫn còn đầy gian nan thử thách, bởi phần hạ vẫn còn ở trong tư thế tự trị, đam mê và bản năng của nó chưa được chế ngự thích đáng.

Khi hạt giống được nẩy mầm, nó bắt đầu biến dạng từ một hạt giống trở thành hình thù của một cây theo tầm vóc mà nhân phát triển.

Khi con người bắt đầu trưởng thành với ý thức và ý chí làm người chân chính và kiên trì của mình, họ sẽ phát triển từ một con người tự nhiên vốn hướng chiều về bản năng, đam mê và tự lợi của mình, đến tầm mức của một con người khôn ngoan và hoàn thiện trong Chân-Thiện-Mỹ, đối tượng của tâm linh con người.

Hiện tượng tăng trưởng của một cây, sau khi hạt giống nẩy mầm, là do rễ cây hút các dưỡng chất từ lòng đất lên, để làm
nhựa nguyên chuyển lên thân cây, rồi nhờ lá hấp thụ thán khí trong trời đất và dưới ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời,
nhựa nguyên biến thành nhựa luyện để làm nhựa sống cho toàn cây cũng như từng phần thể của cây.

Nhờ thân xác sống trên đời, con người hấp thụ tất cả những cảm nghiệm sống thực tế. Sau đó, nhờ tâm linh theo bản chất vốn hướng thượng, hấp thụ những nguyên tắc luân lý phổ cập và đạo lý linh thiêng, con người biến những cảm nghiệm sống thực tế thành kinh nghiệm sống siêu linh, để điều hành cả con người mình cũng như từng tư tưởng, ước muốn, lời nói và tác hành của mình.

Một cây phát triển hết cỡ theo tầm mức của mình là lúc nó sinh hoa kết trái.

Con người cũng trưởng thành cho đến khi đạt được tầm vóc kiện toàn của mình bằng đời sống thơm ngon hoa trái tự do, bình an và yêu thương.

Như Loài Chim Có Cánh Bay Cao

Sau nữa, về phương diện tâm linh, thân phận con người còn được ví như một loài chim tung bay trên bầu trời và làm tổ ở trên cao.

Chim có cánh để bay. Con người có tâm linh hướng thượng. Vì có cánh nên chim có khả năng bay. Vì có tâm linh con người có khả năng hướng thượng, với trí khôn hướng về sự Toàn Chân, với lòng muốn hướng về sự Toàn Thiện, với tinh thần hướng về sự Toàn Mỹ, và với tự do như năng lực để bay về chân trời Toàn Chân-Thiện- Mỹ này.

Chim có cả cánh để bay trên bầu trời cao và có cả chân để nhẩy nhót dưới mặt đất. Con người có tâm linh hướng thượng, song cũng có cảm giác dính líu với những gì hữu hình, hữu hạn.

Chim dùng cả chân lẫn cánh để đi kiếm lương thực, vừa ở trên mặt đất, như thóc lúa, và vừa ở trên cây, như hoa trái. Con người cũng dùng cả cảm giác để thâu lượm cảm nghiệm sống trên đời, đồng thời dùng tâm linh để thưởng thức những chất sống tinh thần cao qúi.

Dù được tẩm dưỡng bởi lương thực thuộc về đất, nhưng thân chim cũng được bay bổng trên trời khi chim tung cánh bay cao. Dù thân xác của con người vốn hướng hạ theo bản chất hữu hình của nó và nặng nề theo bản năng duy vật của nó, nhưng nó cũng sẽ được thăng hóa bởi tâm linh hoàn thiện của con người trong bầu trời đầy tự do, bình an và yêu thương.

Cá có vây để bơi nên thuộc về nước: cá nước; chim có cánh để bay nên thuộc về bầu trời: chim trời; con người có tâm linh để hướng thượng nên thuộc về thần linh: thần nhân.

Bên trên trái đất chật hẹp, vướng víu, hạ cấp, bầu trời tượng trưng cho những gì phóng khoáng, bao la và cao cả: phóng khoáng biểu hiệu cho tự do, bao la biểu hiệu cho bình an, và cao cả biểu hiệu cho yêu thương.

Sông ngòi biển cả mênh mông là thế giới của loài cá, bầu trời cao rộng là thế giới của loài chim thế nào, cuộc sống tự do, bình an và yêu thương cũng là thế giới của loài người như vậy.

Để bay, chim cần sự cộng tác ăn khớp với nhau của cả chân lẫn cánh: động tác nhẩy lên của chân và động tác đập vỗ của cánh. Để bắt đầu sống một đời sống thiện hảo trong thế giới linh thiêng mà mình hướng về, con người cũng cần vận dụng hai động tác căn bản, đó là tác động của cảm giác, hưởng dùng mà không dính bén, và tác động của tâm linh, ý thức bằng cả ý chí làm người của mình.

Chim có cánh thường làm tổ ở trên cây. Tổ của con người là tầm vóc tăng trưởng của họ, từ một hạt giống đến khi trở thành một cây vươn lên bầu trời, làm chỗ ẩn náu cho chim chóc, biểu hiệu tâm linh của con người.

Thật vậy, con người khác với con vật và vượt trên con vật ở chỗ có linh hồn, có tâm linh.

Là con người, nếu chúng ta không sống đúng với thân phận linh ư vạn vật của mình, thì chúng ta cũng không hơn gì các loài sinh vật khác, sống theo định luật tự nhiên như cây cối, hay theo bản năng tự nhiên như thú vật.

Là loài sinh vật có tâm linh, chúng ta phải lợi dụng mọi sự trên đời để hướng về trời cao, như một hạt giống mọc lên từ lòng đất, hút dinh dưỡng từ đất, cắm rễ sâu trong lòng đất, song thân cây lại vươn lên cao trong bầu trời phóng khoáng, bao la, cao cả.

Là loài sinh vật có tâm linh, chúng ta phải tung bay trên tất cả mọi sự trên đời, đừng trở thành những con chim bị nhốt trong cái lồng chủ quan cố chấp, hay thành những con gà, con vịt sống theo bản năng hướng hạ không còn biết tung bay là gì.

Cuộc sống trên đời của chúng ta chỉ có ý nghĩa và giá trị khi chúng ta sống đúng với thân phận làm người của mình, như cây mọc vươn lên trong trời đất và như chim tung bay giữa bầu trời cao cả.

Đó mới là "Đời Thênh Thang Sống".
 


Los Angeles, California 1/3/1993
 CAO TẤN TĨNH.