Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Văn Hóa Tây Phương

trong Chuyến Tông Du Bavaria Đức Quốc

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

Cho dù chuyến tông du thứ tư của vị giáo hoàng đương kim Biển Đức XVI của chúng ta đã qua đi, nhưng âm vang của chuyến tông du này chẳng những (khách quan và bất ngờ) làm bấn loạn cả thế giới Hồi Giáo, qua những gì khiến họ cảm thấy nhức nhối, khó chịu và vùng vẫy, liên quan tới vấn đề tôn giáo phi bạo lực, được ngài nói đến trong bài diễn văn ở Đại Học Regensburg Đức Quốc ngày Thứ Ba 12/9/2006, mà còn làm cho cả thế giới Tây Phương, nếu thực sự lắng nghe, không nhiều thì ít, cũng cảm thấy hết sức thấm thía nữa, vì ngài đã mạnh dạn và thẳng thắn động chạm tới tận cốt lõi của nền văn hóa đang bị khủng hoảng và phá sản của họ, đó là chủ nghĩa tương đối muốn được quyền tự do tuyệt đối của họ. Trong 15 bài diễn từ của ngài cho cuộc tông du thứ 4, bài trực tiếp liên quan tới văn hóa Tây Phương, một văn hóa giờ đây đã từng đụng đổ nẩy lửa với văn hóa Hồi Giáo, điển hình là vụ bộ tranh biếm họa ở Đan Mạch xẩy ra vào tháng 2/2006, đó là bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mùng 10/9 tại Neue-Messe ở Munich.

 

Trong bài giảng này chất chứa một chi tiết đã được Tòa Thánh Vatican sử dụng để thanh minh cho bài diễn văn gây căng thẳng với thế giới Hồi Giáo. Trước hết, trong tuyên cáo thanh minh tối hôm Thứ Năm 14/9/2006, linh mục giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh Vatican là Federico Lombardi, SJ, đã viết:  "Những lời diễn văn của Đức Thánh Cha là một lời cảnh giác được ngỏ cùng văn hóa Tây Phương, để tránh đi ‘thái độ tỏ ra khinh thường Thiên Chúa và ngạo mạn cho rằng việc chế diễu sự linh thánh là những gì hành sử quyền tự do'", và câu được trích dẫn ở đây là một câu then chốt cho thấy vị giáo hoàng đương kim của chúng ta cũng nhắm đến việc kêu gọi cả nền văn hóa Tây Phương đang bị khủng hoảng và băng hoại nói chung, và ám chỉ đến biến cố liên quan đến bộ tranh biếm họa ở Đan Mạch vào tháng 2/2006 nói riêng. Sau nữa, trong lời thanh minh của mình, Đức Hồng Y Bertone Tarcisio, SDB, cũng lập lại lời lẽ then chốt đã được bản tuyên cáo của văn phòng báo chí Tòa Thánh trích dẫn trên đây, qua đoạn văn như sau: "Thật vậy, chính ngài, trước lòng nhiệt tình về tôn giáo của các tín đồ Hồi Giáo, đã cảnh giác nền văn hóa Tây Phương bị tục hóa hãy coi chừng trước ‘thái độ khinh miệt Thiên Chúa và thái độ ngạo mạn cho rằng việc diễu cợt sự linh thánh là một thứ hành sử của quyền tự do'". Bởi thế, ở đây, chúng ta không thể nào không trích lại nguyên văn đoạn được ngài nói tới trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mùng 10 tại Neue-Messe ở Munich.   

 

Là thành phần sống trong thế giới Tây Phương này, như những gười Việt hải ngoại, chúng ta cũng chẳng những nên mà còn cần phải sâu xa cảm nhận được những lời vị lãnh đạo tinh thần tối cao của chúng ta nhận định và huấn dụ với riêng dân Đức của ngài cũng như với chung thế giới Tây Phương. Qua sứ điệp này, chúng ta thấy ngài là một vị Giáo Hoàng thực sự xứng danh Biển Đức, vì ngài nỗ lực để cứu vãn văn hóa Tây phương và để văn hóa này có thể trở thành phương tiện truyền bá phúc âm hóa các nền văn hóa khác, kể cả nền văn hóa Hồi Giáo. 

 

Nội dung sứ điệp:

 

“Dân chúng ở Phi Châu và Á Châu cảm phục khả năng về khoa học và kỹ thuật của chúng ta, thế nhưng đồng thời họ sợ hãi trước một thứ hình thức của lý trí hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người, như thể hình thức đó là hình thức cao nhất của lý trí, và là một hình thức cần phải được áp đặt trên cả các nền văn hóa của họ nữa. Họ không thấy mối đe dọa thực sự cho căn tính của họ nơi đức tin Kitô Giáo, nhưng trong việc tỏ ra khinh thường Thiên Chúa và việc ngạo mạn coi vấn đề chế diễu sự linh thánh là việc thực hành quyền tự do, và chủ trương thực dụng là qui chuẩn tối hậu về luân lý cho tương lai của việc nghiên cứu khoa học.

 

“Các bạn thân mến, cái ngạo mạn này không phải là một thứ nhân nhượng và có tính cách cởi mở về văn hóa được dân chúng trên thế giới tìm kiếm và tất cả chúng ta đều muốn! Sự nhân nhượng chúng ta hết sức cần đến bao gồm cả lòng kính sợ Thiên Chúa – tôn trọng những gì người khác cho là linh thánh. Việc tôn trọng đối với những gì người khác cho là linh thánh ấy đòi hỏi là chính chúng ta cần phải học biết lại việc tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa. Cảm quan tôn trọng này có thể được tái sinh nơi thế giới Tây Phương chỉ khi nào niềm tin tưởng vào Thiên Chúa được phát sinh, chỉ khi nào Thiên Chúa một lần nữa trở nên hiện hữu đối với chúng ta và trong chúng ta.

 

“Chúng ta không áp đặt niềm tin này trên bất cứ một ai. Việc dụ giáo như thế là những gì nghịch lại với Kitô Giáo. Đức tin chỉ có thể phát triển trong tự do. Thế nhưng chúng ta muốn kêu gọi quyền tự do của con người nam nữ hãy hướng về Thiên Chúa, hãy tìm kiếm Ngài, hãy nghe tiếng của Ngài. 

 

“Thế giới cần đến Thiên Chúa. Chúng ta cần đến Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa như thế nào? Trong bài đọc thứ nhất, vị tiên tri nói với một người đang chịu áp đảo rằng: ‘Ngài sẽ đến báo oán’ (Is 35:4). Chúng ta có thể dễ dàng cho rằng tại sao con người nghĩ đến báo oán. Thế nhưng chính vị tiên tri này tiếp tục tỏ cho thấy những gì thực sự là, đó là sự thiện hảo chữa lành của Thiên Chúa. Lời giải thích cuối cùng nơi lời của vị tiên tri này được thấy nơi Đấng đã chết trên thập giá: Nơi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể. ‘Việc trả oán’ của Người là thập tự giá: một tiếng ‘không’ đối với bạo lực và là ‘một tình yêu thương cho đến cùng’. Đó là vị Thiên Chúa chúng ta cần.

 

“Chúng ta không thôi tỏ lòng tôn trọng đối với những tôn giáo và văn hóa khác, việc sâu xa tôn trọng niềm tin của họ, khi chúng ta minh nhiên và dứt khoát loan truyền vị Thiên Chúa chống lại bạo lực bằng nỗi đớn đau của Người; Đấng trước quyền lực sự dữ tỏ ra tình thương của Người, để kìm hãm và chế ngự sự dữ”.

 

Phân tích sứ điệp:

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha trên đây là sứ điệp liên quan trực tiếp tới văn hóa Tây Phương, bao gồm 4 nhận định và 4 huấn dụ chính yếu, có thể được tóm gọn như sau:

 

1.      Nhận định thứ nhất: So với văn hóa của phần thế giới còn lại, vốn được gọi là thế giới thứ ba, hầu như được tập trung ở Á Châu và Phi Châu, với nhiều quốc gia đang cố gắng phát triển về kinh tế, thì văn hóa Tây phương có một nền văn minh tân tiến “về khoa học và kỹ thuật”, nhưng lại là một nền văn minh vô thần, vì nó “loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhân sinh quan” của con người.

 

Nguyên văn sứ điệp về văn hóa Tây phương của ĐTC như sau: “Dân chúng ở Phi Châu và Á Châu cảm phục khả năng về khoa học và kỹ thuật của chúng ta, thế nhưng đồng thời họ sợ hãi trước một thứ hình thức của lý trí hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người”.

 

2.      Nhận định thứ hai: Nguyên nhân Thiên Chúa bị loại trừ ra khỏi nhân sinh quan của con người đó là vì con người Tây phương văn minh vật chất theo chủ nghĩa duy lý, tức chủ nghĩa cho tất cả những gì mình nghĩ là đúng, là chân thiện mỹ, và tất cả những gì con người đã chủ quan cho rằng chân thiện mỹ thì đều được làm theo chiều hướng duy thực dụng, tức chiều hướng duy lợi, ở chỗ, bất cứ điều gì có lợi là tốt, mà đã tốt thì đều được làm và cần phải làm, dù chúng là những gì phản luân thường đạo lý và phi nhân bản, như phá thai triệt sản, hôn nhân đồng tính, tạo sinh ngoại nhiên, tạo sinh sao bản (cloning), triệt sinh an tử, triệt sinh trợ tử v.v. Ở đây, ĐTC có ý nói tới cái được ngài, trong bài giảng cho mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng ngày Thứ Hai 18/4/2005, gọi là “cái độc đoán của chủ nghĩa tương đối”, một chủ nghĩa được ngài đích thân dẫn giải cái tính chất “độc đoán” của nó ngay sau đó trong cùng đoạn bài giảng như sau: “một chủ nghĩa tương đối độc đoán cho rằng không có gì là tuyệt đối cả, và là một chủ nghĩa chỉ biết căn cứ vào cái tôi cùng với những ước muốn của cái tôi mà thôi”.

 

Nguyên văn sứ điệp về văn hóa Tây phương của ĐTC như sau: “một thứ hình thức của lý trí hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người, như thể hình thức đó là hình thức cao nhất của lý trí, và là một hình thức cần phải được áp đặt trên cả các nền văn hóa”.

 

3.      Nhận định thứ ba: Đức Thánh Cha phân biệt đức tin Kitô Giáo với văn hóa Tây phương và tách biệt đức tin Kitô Giáo ra khỏi văn hóa Tây phương. Bởi vì, văn hóa Tây phương đang sống theo những gì hoàn toàn phản lại đức tin Kitô Giáo, một đức tin chủ trương và nắm giữ lề luật tự nhiên nói chung và bản thập điều nói riêng; và vì phản lại đức tin Kitô Giáo, văn hóa Tây phương văn minh ngày nay đã tỏ ra “khinh thường Thiên Chúa”, tỏ ra “ngạo mạn… chế diễu sự linh thánh” cho mình có quyền tự do làm thế, một quyền tự do lấy lợi lộc thực tế trước mặt là “qui chuẩn tối hậu về luân lý cho tương lai của việc nghiên cứu khoa học, điển hình nhất là việc nghiên cứu thân bào từ tế bào phôi thai của con người. Đó mới là những gì đe dọa đến căn tính của các nền văn hóa khác, nhất là các nền văn hóa không được văn minh tân tiến về vật chất, dễ bị ảnh hưởng và áp đảo bởi áp lực kinh tế của những nền văn hóa tân tiến, như thực tế vẫn hiển nhiên chứng thực.

 

Nguyên văn sứ điệp về văn hóa Tây phương của ĐTC như sau: “Họ (dân chúng ở Á Châu và Phi Châu) không thấy mối đe dọa thực sự cho căn tính của họ nơi đức tin Kitô Giáo, nhưng trong việc tỏ ra khinh thường Thiên Chúa và việc ngạo mạn coi vấn đề chế diễu sự linh thánh là việc thực hành quyền tự do, và chủ trương thực dụng là qui chuẩn tối hậu về luân lý cho tương lai của việc nghiên cứu khoa học”.

 

4.      Nhận định thứ bốn: Cho dù tự bản chất của chủ nghĩa tương đối có tính cách độc đoán như thế, nhưng đối với nhân sinh quan vô thần của con người Tây phương văn minh vật chất thì đó lại là “một thứ nhân nhượng”, và “có tính cách cởi mở về văn hóa”. “Nhân nhượng” và “cởi mở về văn hóa” đây, theo nền văn hóa Tây phương, là ở chỗ, luôn làm sao để có thể biết thích ứng với hoàn cảnh hiện sinh của con người, thông cảm với con người, qua những đạo luật cho phép triệt sinh an tử hay triệt sinh trợ tự, giúp con người được giải thoát khỏi tình trạng đớn đau, và qua những đạo luật cho phép nữ giới được sử dụng những loại thuốc hậu sự làm tình after morning pills để khỏi phải mang thai ngoài ý muốn, khỏi phải nặng gánh sau các cuộc truy hoan khoái lạc về dục tính v.v.

 

Nguyên văn sứ điệp về văn hóa Tây phương của ĐTC như sau: “Cái ngạo mạn này không phải là một thứ nhân nhượng và có tính cách cởi mở về văn hóa được dân chúng trên thế giới tìm kiếm và tất cả chúng ta đều muốn!

 

Thế nhưng, từ ban đầu, đức tin Kitô giáo là một trong những yếu tố chính yếu, cùng với yếu tố Hy-La, đã hình thành văn hóa Tây phương, đến nỗi, có thể nói văn hóa Tây phương là văn hóa Kitô Giáo, một thứ văn hóa nhân bản Kitô Giáo, một thứ văn hóa tôn trọng, cổ võ và bảo vệ phẩm vị lẫn sự sống của con người, một thứ văn hóa phục vụ không hưởng thụ, một thứ văn hóa hiệp thông toàn cầu hóa tình đoàn kết huynh đệ, giúp cho mọi dân tộc có thể chung sống với nhau như một đại gia đình, trong công lý và hòa bình.

 

Bởi thế, chẳng những để cứu vãn mà còn sử dụng như phương tiện truyền bá phúc âm hóa thứ văn hóa Tây phương đã lạc xa đức tin Kitô giáo, và chính vì tách khỏi gốc gác thần linh của mình được thể hiện nơi đức tin Kitô giáo hồn sống ấy, mà văn hóa Tây phương đã trở thành lạc loài, băng hoại, đến độ trở thành một thứ văn hóa được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “văn hóa sự chết”, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nêu lên 4 lời huấn dụ thực tế nguyên văn như sau:

 

5.      Huấn dụ thứ nhất: “Sự nhân nhượng chúng ta hết sức cần đến bao gồm cả lòng kính sợ Thiên Chúa – tôn trọng những gì người khác cho là linh thánh. Việc tôn trọng đối với những gì người khác cho là linh thánh ấy đòi hỏi là chính chúng ta cần phải tái học biết việc tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa. Cảm quan tôn trọng này có thể được tái sinh nơi thế giới Tây Phương chỉ khi nào niềm tin tưởng vào Thiên Chúa được phát sinh, chỉ khi nào Thiên Chúa một lần nữa trở nên hiện hữu đối với chúng ta và trong chúng ta”.

 

6.      Huấn dụ thứ hai: “Chúng ta không áp đặt niềm tin này trên bất cứ một ai. Việc dụ giáo như thế là những gì nghịch lại với Kitô Giáo. Đức tin chỉ có thể phát triển trong tự do. Thế nhưng chúng ta muốn kêu gọi quyền tự do của con người nam nữ hãy hướng về Thiên Chúa, hãy tìm kiếm Ngài, hãy nghe tiếng của Ngài”.

 

7.      Huấn dụ thứ ba: “Thế giới cần đến Thiên Chúa. Chúng ta cần đến Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa như thế nào?” Theo ngài, đó là vị Thiên Chúa mà “‘việc báo oán’ của Người là thập tự giá: một tiếng ‘không’ đối với bạo lực và là ‘một tình yêu thương cho đến cùng’. Đó là vị Thiên Chúa chúng ta cần”.

 

8.      Huấn dụ thứ bốn: “Chúng ta không thôi tỏ lòng tôn trọng đối với những tôn giáo và văn hóa khác, việc sâu xa tôn trọng niềm tin của họ, khi chúng ta minh nhiên và dứt khoát loan truyền vị Thiên Chúa chống lại bạo lực bằng nỗi đớn đau của Người; Đấng trước quyền lực sự dữ tỏ ra tình thương của Người, để kìm hãm và chế ngự sự dữ”.

 

Căn cứ vào 4 điều huấn dụ này của ngài, chúng ta thấy quả đúng như lời ngài đã trả lời cho một ký giả Đức trong cuộc phỏng vấn ngày 5/8/2006, tại dinh nghỉ hè của giáo hoàng ở Castel Gandolfo, liên quan tới mục đích và sứ điệp của chuyến tông du thứ bốn của ngài. Ngài nói:

 

“Đúng thế. Mục đích của chuyến viếng thăm này chính là vì tôi muốn nhìn lại những nơi tôi đã sinh trưởng, những người đã liên hệ và hình thành cuộc sống của tôi. Tôi muốn cám ơn những người này. Dĩ nhiên tôi cũng muốn nói lên những gì vượt ra ngoài xứ sở của mình, theo thừa tác vụ của tôi.

 

“Tôi chỉ căn cứ vào phụng vụ để lấy ra những đề tài. Đề tài căn bản đó là chúng ta cần phải tái nhận thức Thiên Chúa, không phải bất cứ vị Thiên Chúa nào, mà là vị Thiên Chúa có một bộ mặt con người, vì khi chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô là chúng ta thấy Thiên Chúa. Khởi đi từ đó chúng ta cần phải tìm cách gặp gỡ nhau trong gia đình, giữa các thế hệ, rồi giữa các nền văn hóa và dân tộc nữa. Chúng ta cần phải tìm cách hòa giải và chung sống thuận hòa trên thế giới này, những đường lối dẫn tới tương lai. Chúng ta sẽ không thấy được những con đường dẫn đến tương lai ấy nếu chúng ta không lãnh nhận ánh sáng từ trên cao”.