Chương Mười
CÔNG CHÍNH
Nếu hình thức của luật lệ là những nguyên tắc công bằng, thì tinh thần của luật lệ sẽ là đức công chính.
Mọi điều sai lầm, nhất là tội lỗi, đều là những điều, không trực tiếp thì gián tiếp, phạm đến luật lệ, tức phạm đến sự công bằng. Tất nhiên, theo tinh thần của luật lệ, mọi điều sai lầm và tội lỗi cũng phạm đến đức công chính.
Bởi vì, những gì sai lầm và tội lỗi, tự bản chất của chúng, đều là những gì gỉa dối, không thật. Chúng giả dối, không thật ở chỗ chúng đã đi qúa phạm vi quyền năng hay quyền hạn mà tác nhân của chúng có theo thân phận của họ.
Sự chết chính là tiêu biểu cho và là hậu qủa của sự gỉa dối, không thật này.
Theo thể lý, khi làm hay chịu quá quyền năng hay khả năng không làm được của mình, con người tự nhiên sẽ bị chết đi. Cũng vậy, theo luân lý, khi đi qúa quyền hạn không được làm của mình, con người không còn sống trong sự thật nữa, tức đã chết đi vậy.
Một con người chết về phương diện thể lý sẽ ở trong tình trạng hoàn toàn bất động và tuyệt đối bất lực, không thể sinh hoạt theo bản tính tự nhiên của mình nữa.
Cũng thế, con người đã chết đi về phương diện luân lý, ở chỗ: Về trí khôn, tự mình, họ không thể nào phân biệt được lành dữ, đúng sai, lợi hại theo cùng đích kiện toàn của mình, nếu không có lương tâm chỉ dẫn.
Cả những cái rất tự nhiên trong đời sống thường nhật, con người nghĩ rằng làm thế này sẽ đỡ hại hơn và có lợi hơn cho mình, song, đến khi tay đã nhúng chàm họ vẫn phải than lên rằng: tránh hùm phải hạm, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
Về phương diện lòng muốn, con người còn chết đi ở chỗ muốn cả những cái có hại cho mình, hay dù muốn những cái có lợi cho mình song lại không có sức thực hiện, hoặc làm cả những cái mà họ không muốn v.v.
Sở dĩ con người, về mặt luân lý là một hiện thể đã chết, song, về mặt thể lý, họ vẫn còn sống, là vì tình yêu như sự sống ở trong họ.
Nếu họ không yêu nữa, tức khắc họ sẽ chết.
Đó là trường hợp của một kẻ chán đời, tuyệt vọng, không còn thiết tha với bất cứ sự gì nữa, kể cả mạng sống cao qúi nhất của mình, đã đi đến chỗ tự tử.
Họ còn sống, như thế, là vì họ còn yêu chính mình họ, dù tình yêu này hoàn toàn chỉ là tự ái. Nhưng, nhờ tự ái này mà họ còn tồn tại và hồn xác họ còn hiệp nhất với nhau trong cùng một sự sống thể lý.
Tự ái làm họ sống theo bản tính của mình một cách hết sức tự nhiên, như nguyên lý sống và như động lực sinh hoạt của họ.
Khi sợ, họ không sợ đối tượng cho bằng họ sợ họ bị thiệt hại. Nếu không sợ bị phạt, họ đã không sợ cảnh sát công lộ.
Khi buồn, họ cũng không buồn đối tượng làm họ buồn, cho bằng họ bị mất mát một cái gì đó. Nếu kẻ chết không phải là ruột thịt của mình, họ cũng không khóc than thương tiếc mà làm gì. Kể cả kẻ chết có là ruột thịt của họ đi nữa, nhiều khi họ còn mong cho nhau chết sớm nữa là đàng khác, nếu kẻ đó sống mà cứ đọa đầy làm khốn họ.
Khi yêu cũng vậy, nếu không hợp với họ, dù xinh đẹp, tài hoa đối với ai đi nữa, đối tượng đó vẫn không thể nào lôi cuốn được họ. Kể cả đối tượng lôi cuốn được họ, vì không phải là chính bản thân bẩm sinh của họ, một khi không còn được như ý của họ, họ vẫn ly dị như thường.
Thế nhưng,
Theo kinh nghiệm, tự ái chỉ làm cho con người tồn tại song không thể nào làm cho con người phát triển.
Thậm chí, nếu thái quá, tự ái chẳng những không làm cho con người tồn tại, lại còn làm cho họ tan rã, mất đi. Đó là trường hợp con người tự tử, vì muốn mình thoát khỏi khổ đau trên đời.
Chính khi con người tự ái, đi tìm mình đó mà con người đã đánh mất mình, đã không còn là mình.
Như thế, con người đã đi sai đường lạc lối, muốn hạnh phúc mà lại gặp toàn bất hạnh, do đó, con người sống theo tự ái không thể nào là một con người công chính được.
CON NGƯỜI CÔNG CHÍNH PHẢI LÀ MỘT CON NGƯỜI SỐNG TRONG SỰ THẬT VÀ SỐNG THEO SỰ THẬT.
Sự thật ở chỗ, họ không thể nào tự mình mà có, nên họ không có toàn quyền trên tất cả những gì họ có.
Tất cả những gì họ có, kể cả thân xác, tài năng và sự sống thể lý của họ, là những gì họ đem vào đời một cách nhưng không, họ chỉ có quyền quản lý sử dụng như ý chủ của mình mà thôi, chứ không có quyền định đoạt số phận của chúng theo ý riêng của mình như một chủ nhân ông.
Chẳng hạn:
Cắt buồng trứng để khỏi phải vừa giao hoan vừa sợ có con, mất cả hạnh phúc.
Tự hủy mạng sống của mình để khỏi khốn khổ.
Phá bào thai là cái do con người tự tạo, theo lý, còn thuộc về quyền định đoạt của con người hơn chính những gì thuộc về bản thân họ, (như buồng trứng hay mạng sống của ho)<139>, họ lại càng không có quyền phá.
Bởi vì, một khi họ đã không có toàn quyền trên chính bản thân họ, họ làm sao có toàn quyền trên những gì không phải là họ đó.
Cho dù bào thai đó có tật nguyền mấy đi nữa, hay vì bị hiếp mà bào thái độ được thành hình oan uổng trong tử cung của họ, họ cũng không được quyền phá hủy nó đi, chỉ vì họ không có toàn quyền trên những gì không phải là họ, dù thuộc về họ.
Như thế,
Sống công chính chẳng qua chỉ là sống bỏ mình, không sống theo tự ái, thế thôi.
Đối với cuộc sống trên đời giữa nhân gian, sống bỏ mình như thế chính là sống xả kỷ hay sống vị tha cũng vậy.
Càng bỏ mình, càng vị tha, theo kinh nghiệm, con người càng cảm thấy mình vươn lên, bao la, cao cả, như cả một sức sống sung mãn được triển nở không cùng.
Sức sống sung mãn đó chắc chắn không thể nào phát xuất từ một con người tự ái, trái lại, phải từ một con người bác ái.
Thật ra,
Bác ái chỉ là mức độ hoàn hảo của tự ái.
Nói cách khác,
Tự ái một cách chính đáng sẽ trở thành bác ái.
Bởi vì, tự ái là yêu mình.
Mà, theo nguyên tắc căn bản, bác ái cũng là yêu mình, ở chỗ, yêu tha nhân như chính bản thân mình.
MÌNH YÊU MÌNH THẾ NÀO, HÃY YÊU THA NHÂN NHƯ VẬY, ĐÓ LÀ LÝ LẼ, LÀ ĐƯỜNG LỐI CÔNG CHÍNH.
Về phương diện thực hành,
Công chính là yêu tha nhân như chính bản thân mình phải được thể hiện cả hai phần, tiêu cực cũng như tích cực.
Phần tiêu cực,
Sống công chính đó là:
Không làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình (Khổng Tử).
Chẳng hạn,
Mình không muốn bị người ta xét đoán, kết án hay giết hại, cũng không bao giờ được đoán xét, lên án hay giết hại ai bao giờ.
Phần tích cực,
Sống công chính còn là:
Hãy làm cho tha nhân những gì mình muốn tha nhân làm cho mình (Đức Kitô).
Chẳng hạn,
Muốn được người khác tha thứ cho mình, thông cảm với mình, hãy cảm thông và tha thứ cho họ như vậy.
Yêu tha nhân như chính mình ấy cũng là yêu chính mình. Yêu mình ở trong tha nhân và yêu tha nhân ở trong mình, vì có cùng một bản tính loài người với nhau.
Tình yêu thể hiện được bản chất duy nhất của mình ở chỗ này, ở chỗ, tự ái và bác ái cũng là tình yêu, không còn tương phản và tương dị với nhau nữa.
Con người khi tự ái đã hy sinh cho chính mình, thậm chí có thể chết đi (tự tử) vì mình thế nào, khi bác ái, họ cũng xả thân hy sinh và chết đi cho tha nhân như vậy.
Hai hữu thể, tác nhân yêu và đối tượng yêu, dù khác cá tính và phái tính, (mà có khác mới cần phải kết hợp với nhau, và mới có thể kết hợp với nhau, theo thân phận và chức phận của mình), nhờ tình yêu duy nhất nơi mỗi con người họ, (dù mới chỉ là tự ái và tình ái tự nhiên, chứ chưa thực sự là bác ái có tính cách siêu nhiên cao cả), họ đã chấp nhận nhau như bản thân mình và đã nên một thân thể với nhau.
Yêu nhau như bản thân mình trong đời sống vợ chồng mới chỉ là biểu hiệu bề ngoài của bản chất duy nhất của mình mà thôi.
Dù mới chỉ là bề ngoài, hai hữu thể được nên một với nhau, qua tác động giao hợp sinh lý, cũng đã cảm thấy ngất ngây vui thú lắm rồi.
Nếu họ được nên một với nhau trong tinh thần, theo đức bác ái đối với nhau, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc siêu thoát là chừng nào.
Tình yêu chẳng những là một bản tính duy nhất mà còn là một bản tính vô cùng viên mãn.
Bản tính Chân (duy nhất), Thiện (vô cùng), Mỹ (viên mãn) của tình yêu càng được thực hiện nơi con người, con người càng trở nên công chính.
Tóm lại,
Trên thực hành, sống công chính là sống xả kỷ, bỏ mình, vị tha, nhưng, theo nguyên tắc, lại là sống cho mình và sống như mình, bằng tự ái và tình ái. Dù nguyên tắc hay thực hành, muốn hạnh phúc, con người đừng bao giờ tìm mình, và cũng phải làm sao đừng đánh mất mình, trái lại, hãy làm cho nó phát triển cho đến khi đạt đến tầm vóc đích thực, tầm vóc viên mãn của họ, phản ảnh sống động cho tình yêu và hiện thân trung thực của tình yêu.
Bản tính của tình yêu là Chân, Thiện, Mỹ.
Mọi sự đều sống theo bản tính của mình.
Tình yêu sống theo bản tính Chân, Thiện, Mỹ của mình, khi thể hiện những tác động và tinh thần Chân, Thiện, Mỹ nơi con người.
Tác động và tinh thần đầu tiên của tình yêu đó là công chính, một nhân đức kiện toàn hữu thể của con người, một hữu thể nhờ tự ái mà tồn tại về thể lý, nhờ tình ái mà phát triển về tâm lý, và nhờ bác ái mà hoàn hảo về luân lý, nghĩa là toàn diện hữu thể con người được công chính hóa trong tình yêu và bởi tình yêu vậy.