Trích Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương của Cao Tấn Tĩnh
Chương Một
HỮU THỂ CON NGƯỜI
Hữu Thể là "sự có" của con người.
Nói cách khác, là "cái con người có".
Trong khi,
Hiện thể là "sự là" của con người.
Nói cách khác, là "cái con người là".
Và,
Năng thể là "sự làm" của con người.
Nói cách khác, là "cái con người làm".
Có con người hay con người Có.
Là con người hay con người Là;
Làm con người hay con người Làm.
Đó là ba thành phần của con người, nếu xét theo hình thức cấu tạo nên thực thể của con người.
Đó cũng là ba vị thế nơi con người, nếu xét theo chức phận sinh hoạt nơi thực thể của con người.
Thế nhưng,
Trong ba thành phần làm nên thực thể và ba chức phận thể hiện thực thể của con người đó, thiết yếu nhất và căn bản nhất, (tuy không cao trọng nhất), vẫn là "cái con người có", hay là "sự có", tức "hữu thể" của con người.
Thật vậy,
Không có con người, tức không có hữu thể của con người, (như con người thể lý không có thân mình là thành phần gồm cả đầu và tay chân), thì cũng không thể nào có hiện thể và năng thể là những thành phần và chức phận xuất thân từ hữu thể, như đầu và tay chân từ thân mình và thuộc về toàn thân mình của con người.
Có con người đã rồi mới có thể là con người và nhờ đó, nhờ cả hữu thể (sự có) và hiện thể (sự là), mới có thể làm con người được.
Vậy,
"Có con người" là thế nào?
Hay "Cái con người có" là gì?
Hoặc "sự có" của con người là những gì?
Hay "hữu thể" của con người được hình thành ra sao?
"Có con người,
Không phải hay sao, là có nhân tính, nghiã là, có bản tính của con người.
Nhân tính chính là thực tại sự có của con người.
Nhân tính là cái con người có.
Nhân tính là yếu tố làm nên hữu thể của con người.
Thật vậy,
Không thể nào là con người mà lại không có nhân tính, nghiã là không có hữu thể. Lại càng không thể nào làm con người nếu thiếu mất nhân tính.
Bởi vì,
Nhân tính chính là bản tính làm nên con người, làm cho con người là con người, chứ không phải là linh vật thuần túy như các thiên thần, hay là động vật như chim trời, cá biển, côn trùng, muông thú, hoặc là thực vật như rau cỏ, cây cối, hay là khoáng vật như kim, mộc, thủy, hỏa, thổ v.v., để rồi, nhờ đó, nhờ là con người, họ mới có thể làm con người được.
Thế rồi,
Vì là con người để làm con người như thế, con người không thể nào chỉ có thân xác mà không có linh hồn. Một là có con
người hai là không có con người, chứ không thể nào con người chỉ có xác hay chỉ có hồn mà có thể hiện hữu như là một hữu thể con người thực sự.
Vẫn biết,
Nhân tính là bản tính làm nên con người, làm cho con người có.
Vẫn biết,
Nếu thiếu một trong hai yếu tố cấu thành bản tính của con người đó, con người sẽ không phải là con người và sẽ không còn làm con người nữa.
Tuy nhiên,
Yếu tố làm cho con người sống, làm cho con người là vẫn là linh hồn của con người.
Dù thân xác có trước linh hồn đi nữa, như điều kiện để linh hồn nhập vào, nếu không có linh hồn, thân xác đó chỉ là thân xác của một con vật hay không hơn gì thân xác của một con vật, không biết nói năng, nhất là biết khám phá và kiến tạo nên văn minh loài người của mình như hiện nay.
Và,
Dù thân xác có vĩ đại và mỹ miều mấy đi nữa, nếu không còn linh hồn, nó chỉ là một cái xác chết mất sự sống, dần dần sẽ
tan rữa ra thành khoáng chất, chẳng khác gì bùn đất.
Linh hồn chính là mô thể làm cho thân xác là chất thể trở nên thân xác của con người. Phần thân xác, nhờ được hợp nhất với linh hồn trong cùng một nhân tính làm nên con người như thế, đã được trở thành thân xác của con người, một thân xác biết phát biểu tâm tưởng bên trong con người của mình, một thân xác biết chế tạo nên những phương tiện sinh sống thích
hợp với giá trị của mình và môi trường chung quanh theo thời gian tính v.v.
Không ai đã được nhìn thấy tận mắt hay sờ được tận tay linh hồn vốn linh thiêng vô hình của mình. Nhưng cũng không ai có thể chối bỏ hay chối cãi được sự hiện diện rất chân thật và sống động của nó nơi bản thân mình nói riêng, và nơi lịch sử loài người nói chung, khi so sánh mình với mọi loài vật chất hữu hình cũng ở trong thế gian này như mình.
Chẳng những con người không thể chối bỏ hay chối cãi được sự hiện diện rất chân thật và sống động của linh hồn nơi bản thân mình, vì những chứng cớ khách quan do nó tạo nên cho xã hội loài người bên cạnh loài vật là loài muôn đời lạc hậu, ăn lông ở lỗ, sống theo luật rừng, mà còn vì những chứng cớ chủ quan mà họ nghiệm thấy nơi chính nội tâm của họ.
Chứng cớ chủ quan này là, họ cảm thấy r ràng trong họ có hai khuynh hướng hầu như luôn luôn chống đối nhau:
- Một khuynh hướng thượng, một khuynh hướng hạ;
- Một hướng về trường sinh, một hướng về hiện sinh;
- Một hướng theo tinh thần, một hướng theo vật chất.
Khuynh hướng thượng, hướng về trường sinh, và hướng theo tinh thần không phải là bản chất và biểu hiệu của linh hồn thiêng liêng, vô hình và vô hạn nơi con người hay sao!?
Và,
Khuynh hướng hạ, hướng về hiện sinh, và hướng theo vật chất không phải là bản chất và biểu hiệu của xác thể thực nghiệm, hữu hình và hữu hạn nơi con người hay sao!?
Mặc dù,
Theo tâm linh, con người luôn luôn cảm thấy có những giằng co, tranh chấp và xâu xé nhau trong mình, gây ra bởi những
bất đồng giữa hai khuynh hướng của linh hồn và của thân xác là hai yếu tố làm nên nhân tính con người của họ, đến nỗi, dù họ có thẩm quyền trên những gì mình có (là linh hồn và thân xác) đó, chính họ cũng khó lòng mà giải quyết cho êm đẹp, để có thể bằng an vui sống như lòng họ hằng mơ ước và đời họ luôn kiếm tìm, trái lại, họ càng tìm kiếm, thì, hình như, nó càng vượt khỏi tầm tay với và tầm mắt trông của họ ...
Thế nhưng,
Theo tự nhiên, được bẩm sinh nên một với nhau để làm nên hữu thể của con người, linh hồn và thân xác sống với nhau chẳng khác gì như một cặp vợ chồng, yêu thương gắn bó với nhau chặt chẽ đến nỗi, chỉ có sự chết mới chia rẽ nổi sự hiệp nhất vừa bẩm sinh vừa có tính cách bảo tồn này của chúng.
Người chồng trong cuộc tình xẩy ra nơi hữu thể của con người này không phải là linh hồn của con người, và người vợ của người chồng linh hồn này không phải là thân xác hay sao!? Và, tất cả những gì được cưu mang trong thân xác và được sinh ra bởi thân xác không phải là con cái được sinh ra do việc giao hợp giữa thân xác và linh hồn hay sao!?
Việc giao hợp nơi hữu thể của con người mà linh hồn là chồng và thân xác là vợ này có thể xẩy ra trong bốn trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất: thân xác đòi hỏi và linh hồn chiều theo;
Trường hợp thứ hai: linh hồn muốn và thân xác chấp nhận;
Trường hợp thứ ba: thân xác cần và linh hồn đáp ứng;
Trường hợp thứ bốn: linh hồn muốn và thân xác chịu vậy.
Trong cả bốn trường hợp,
Nếu linh hồn chủ động trong việc ái ân, thì con cái sinh ra bởi thân xác sẽ giống linh hồn, cũng mang những hình thức và tính cách hướng thượng, trường sinh và tinh thần.
Chẳng hạn, trong trường hợp linh hồn muốn và thân xác chấp nhận, con cái của chúng sẽ là khôn ngoan, là tài đức, v.v. Còn trường hợp linh hồn muốn mà thân xác chịu vậy, con cái của chúng sẽ là nhẫn nại, là nghị lực v.v.
Ngược lại,
Nếu thân xác chủ động trong việc yêu thương này, thì con cái được sinh ra bởi chính thân xác sẽ y hệt như nó, cũng phản ảnh nguyên vẹn hình hài như nó, và nguyên tính hướng hạ, hiện sinh và vật chất của nó.
Chẳng hạn, trong trường hợp thân xác cần và linh hồn đáp ứng, con cái của chúng sẽ là khỏe mạnh, là đắc lực v.v.. Còn trường hợp thân xác đòi hỏi mà linh hồn chiều theo, con cái của chúng sẽ là yếu nhược, là lệ thuộc v.v.
Trong đàn con cái của mối tình hữu thể nơi con người đó, bình an và hạnh phúc đều không phải là máu mủ ruột thịt được sinh ra bởi bố linh hồn và mẹ thể xác của con người. Đúng hơn, chúng là hoa trái của chính tình yêu.
Về phương diện chủ quan,
BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC LÀ TRẠNG THÁI VIÊN MÃN CỦA TÌNH YÊU NƠI CHỦ THỂ YÊU CẢM NGHIỆM ĐƯỢC HAY ĐƯỢC THAM HƯỞNG.
Vì thế,
Muốn cảm nghiệm được và được tham hưởng bình an và hạnh phúc, con người cần phải kết hợp với tình yêu, phải sống trong tình yêu, đến nỗi tình yêu có thể sống trong con người, lấy hữu thể cá nhân của họ làm cứ điểm để hoạt động, và dùng nhân tính (gồm cả hồn lẫn xác của họ) làm phương tiện để thông ban sự thiện hảo là bản chất của nó ra, theo khuynh hướng sinh động của nó.
Thật ra,
Đối với con người, tình yêu không ở đâu xa xôi không thể đến được, cũng không phải là chi xa lạ không hề quen biết, trái
lại, nó ở chính ngay trong mỗi con người, và mỗi con người, chẳng những nhận biết nó, mà còn lệ thuộc vào nó, bị nó chi phối và sai khiến nữa là đàng khác.
Thế nhưng,
Tại sao được tình yêu sống động trong con người mình như thế, đến nỗi có thể tự tử vì yêu mình và có thể chết vì yêu người, con người vẫn không cảm nghiệm được và được tham hưởng thế nào là bình an và hạnh phúc, như lòng họ hằng mơ tưởng và đời họ luôn tìm kiếm?
Nếu không phải,
Tại vì, tối thiểu, con người đó chưa thực sự yêu hay chưa yêu thực sự; hoặc, tối đa, con người đó chưa viên mãn yêu thương hay chưa yêu thương viên mãn, thế thôi!
Tự mình, là con đẻ của chân, thiện, mỹ, tình yêu cũng phải phản ảnh, phải có một bản chất bẩm sinh toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, và sống động một cách tự nhiên theo bản chất đó của mình, để rồi, nhờ đó, tình yêu sẽ chỉ có thể sinh ra những gì
là chân, như công chính, là thiện, như tốt lành, là mỹ, như khôn ngoan, mà thôi.
Sở dĩ tình yêu nơi mỗi người chưa trổ sinh, hay không trổ sinh những gì là chân, thiện, mỹ theo như bản chất bẩm sinh của nó, là vì, mỗi người chưa là môi sinh thuận lợi cho nó phát triển, trái lại, còn là một môi trường bất lợi cho nó nữa, thành ra, nơi họ, toàn sinh ra những bất chính, bất toàn và bất an.
Thật vậy,
Đối với hữu thể của con người, tình yêu, từ ban đầu, chính là một hạt giống, cần phải được mọc lên thành cây sự sống trong hữu thể của con người được dựng nên với linh hồn bất tử, và làm cho hữu thể của con người phát triển cho đến khi viên mãn trong thực tại của hữu thể con người là chân, đối tượng của trí khôn, thiện, đối tượng của lòng muốn, và mỹ, đối tượng của tinh thần.
Bởi thế,
Trên thực tế, con người dù yêu bất cứ một sự vật hay sự việc gì đi nữa, như hồn yêu xác (nội tại), hay như chồng yêu vợ (ngoại tại), nếu hữu thể của con người không được thăng hóa đến kiện toàn bởi tình yêu này, thì kể như tình yêu trong họ sẽ chẳng khác gì như một hạt giống đã bị gieo vào vệ đường vị ngã, vào đá sỏi chia rẽ, hay vào bụi gai tham lam, hơn là vào một mảnh đất tốt thiện chí khao khát chân, thiện, mỹ.
Phải,
Hạt giống tình yêu nơi hữu thể của con người ở ngay chính lòng muốn của con người là một trong hai tài năng thuộc phần thượng, linh hồn của con người. Lòng muốn của con người, bởi đó, đối với tình yêu, chẳng khác nào như lớp màng của tình yêu, bao bọc tình yêu, gắn bó với tình yêu như nhân trung, như sự sống của mình.
Thế mà,
Theo tự nhiên, để một hạt giống nẩy mầm, mọc lên thành cây và sinh hoa kết qủa phong phú, hạt giống đó, trước hết, bên trong vỏ, tức lớp màng trực tiếp với nhân, và bên ngoài lớp màng là chính vỏ của hạt giống, cả hai phải bị nứt nẻ và mục nát trong lòng đất, theo sức nẩy nở nội tại của chính nhân tình yêu, khi đến thời điểm thuận tiện của nhân nói riêng và của hạt giống nói chung.
Theo tâm lý cũng vậy.
Nhân tình yêu chỉ có thể nẩy nở khi lớp màng ý muốn và lớp vỏ thân xác bên ngoài của con người bị mục nát đi mà thôi.
Nghiã là,
Nếu ý muốn của con người không bị nứt nẻ, bị hủy đi, bị tiêu đi, bằng những hy sinh, chịu khó, nhẫn nhịn bởi nỗ lực của thân xác thì tình yêu trong họ không thể nào phát triển được.
Bởi đó,
Cả con người của họ được tập trung nơi ý muốn cũng vẫn trơ trơ, không thể nào thăng tiến, trái lại, còn có thể bị băng hoại vì sự tiêu tan của tình yêu là nhân sự sống của họ sau hạn kỳ chờ đợi để nẩy mầm, đâm rễ và mọc lên cây hạnh phúc trong họ và cho họ.
Tình trạng toàn hữu thể con người là lớp màng ý muốn, tiêu biểu cho linh hồn phải nứt nẻ ra, và lớp vỏ xác thể bị mục nát đi để cho nhân tình yêu nẩy nở, đó là tình trạng càng yêu càng khổ, và càng khổ, tình yêu càng nẩy nở!
Vậy,
Đối với hữu thể của con người,
Theo nghĩa chủ động,
"Hạnh phúc là viên mãn yêu thương"
Ở tại
HỮU THỂ CỦA HỌ ĐẠT ĐƯỢC THỰC TẠI CHÂN, THIỆN, MỸ CỦA NÓ BẰNG TÌNH YÊU CỦA MÌNH.
Hoặc,
Theo nghĩa thụ động,
"Hạnh phúc là viên mãn yêu thương"
Ở tại,
TÌNH YÊU LÀM CHO HỮU THỂ CỦA HỌ ĐƯỢC KIỆN TOÀN TRONG BẢN CHẤT CHÂN, THIỆN, MỸ CỦA NÓ.