Trích Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương của Cao Tấn Tĩnh

 

Chương Bốn
 

CHÂN

 

Bất cứ một người nào, dù gian dối, xảo quyệt, ma đầu đến đâu đi nữa, thậm chí lừa đảo được cả loài người, tự họ, họ cũng không muốn bị mắc lừa ai, bị ai lường gạt cả.

Đó không phải là chứng cớ rõ ràng con người, dù trong hành động có sai lạc và mâu thuẫn, trong thâm tâm cũng luôn hướng về và tìm kiếm sự thật hay sao? Và, cũng chỉ khi nào nắm được sự thật trong tay, họ mới yên trí và an tâm để mà vui sống. Trái lại, ngày nào họ chưa nắm được nó hay còn sống trong gian dối, họ vẫn còn áy náy, chưa yên, còn bất an, khổ não.

MỌI SỰ ĐỀU BẮT ĐẦU BỞI SỰ CÓ.

(Trừ Thiên Chúa là chính Sự Có).

Không Có, kể như chẳng là gì.

Có, chính là sự thật nơi mọi sự.

Sự Có chính là Sự Thật nơi mọi sự này, tuy cấp độ và phẩm chất của nó khác nhau tùy ở mỗi sự, nhưng cũng chỉ là một Sự Thật.

Sự có trước, chẳng hạn cha mẹ, cũng là sự có, sự có sau, chẳng hạn con cái, cũng là sự có.

Sự có bản tính tốt lành hơn, chẳng hạn con người, cũng là sự có.

Sự có bản tính kém cỏi hơn, chẳng hạn con vật so với con người, cũng là sự có.

Bởi vì,

Chúng cũng chỉ ở trong Sự Thật, cũng chỉ thuộc về một Sự Thật, đó là chính Sự Có.

Không thể nào có hai Sự Thật được.

Bằng không, một trong hai sẽ không phải là Sự Thật.

Đã không phải là Sự Thật thì một là sự giả, hai là sự chưa thật.

Nếu Sự Thật chính là Sự Có, thì sự chưa thật, tức là sự chưa có, hay là hư vô, và sự giả, tức là sự đã có song chưa có hoàn toàn.

Sự có song chưa có hoàn toàn có thể là vì nó đang ở trong tiềm thể, chưa đến lúc phát hiện vì chưa gặp môi trường thuận tiện, chẳng hạn trường hợp hình thù của cây còn nằm trong hạt giống.

Sự có song chưa có hoàn toàn cũng có thể là vì nó đang ở trong tiến trình để hình thành, chẳng hạn trường hợp bào thai của một con vật hay con người.

Sự có song chưa có hoàn toàn còn có thể là vì nó đã có nhưng không biết r, biết thật mình có, chẳng hạn trường hợp của con vật không có trí khôn, hay của con người có trí khôn lại bị chậm trí hoặc mất trí.Đối với Thiên Chúa, nếu sự thật chính là sự có, thì Ngài chính là Sự Thật.

Bởi vì, Thiên Chúa chính là Sự Có.

Nghĩa là, Ngài tự mình mà có, và hằng có, bằng không, nếu cũng được tạo dựng nên cho có như tạo vật, Ngài đã không phải là Thiên Chúa.

Vì Thiên Chúa chính là Sự Có, nên mọi tạo vật có đều bởi Ngài và trong Ngài, để chia sẻ Sự Có, tức hữu thể của Ngài.

Tuy nhiên, sự có nơi tạo vật được tham dự vào Sự Có tuyệt đối của Thiên Chúa theo thân phận của mình như thế không phải là chính Sự Có được trực tiếp thông ra nơi Thiên Chúa, như sự có của một người con được sinh bởi một người mẹ. Nếu thế, sự có nơi tạo vật cũng đồng bản tính với Thiên Chúa, như con cũng có cùng một bản tính với người đã sinh ra mình, và như thế, tạo vật cũng ngang hàng với Thiên Chúa hay cũng là Thiên Chúa?

Không, đã là tạo vật, tức không phải là Thiên Chúa.

Đã không phải là Thiên Chúa, tức không phải là chính sự có.

Sự có của tạo vật và nơi tạo vật chỉ là một sự có gỉa tạo, một sự có bất toàn và một sự có phác họa để diễn tả sự có thật mà thôi.

Do đó,

Càng tiến đến Sự Thật, tức Sự Có thuần túy, Sự Có viên mãn, Sự Có tuyệt đối là Thiên Chúa, tạo vật càng tiến đến và đạt được tầm vóc lý tưởng của mình, theo như ý muốn của Đấng đã dựng nên mình, ý muốn mà nhờ đó nó có, ý muốn mà trong đó nó được hình thành và ý muốn mà theo đó nó được kiện toàn.

Phải,

Đối với chung tạo vật và riêng con người, Ý Muốn của Thiên Chúa chính là Sự Thật của họ.

Ý Muốn của Thiên Chúa, Đấng Tự Hữu vô cùng Toàn Chân, Toàn Thiện và Toàn Mỹ, là Sự Thật của tạo vật, trước hết, ở chỗ, chính nhờ Ý Muốn này của Ngài mà chúng được có, theo thể thức bản tính của mình nói chung và cá tính của mình (như nơi con người) nói riêng.

Nếu Ngài muốn không có (chứ không phải nếu Ngài không muốn có, vì nơi Ngài không bao giờ có tiêu cực hay phủ định, bởi bản tính Thuần Hữu và Hằng Hữu của Ngài) một vật nào đó, vật đó sẽ không bao giờ có. Tức đời đời vật đó sẽ chỉ là hư vô. Hay nói cách khác, hư vô là những gì ngoài Ý Muốn của Sự Hữu hay không phải là Ý Muốn của Thiên Chúa, thế thôi.

Mà, vì Thiên Chúa là chính Sự Hữu, tự hữu và hằng hữu, không bao giờ là không có, nên, tất cả những gì Ngài muốn, dù trên thực tế và trong giòng thời gian chưa có, vật nào đó mà Ngài đã có ý định dựng nên cũng đã có ở nơi Ngài từ trước vô cùng.

Ý định dựng nên này của Thiên Chúa, đối với chung tạo vật, chính là tiềm thể của chúng.

Đó là bước đầu tiên của tạo vật trong việc thông công và chia sẻ Sự Có với Thiên Chúa, Sự Thật tuyệt đối của chúng.

Ý Muốn của Thiên Chúa là Sự Thật của tạo vật, sau nữa, còn ở chỗ, chính trong ý muốn này mà tạo vật được hình thành.

Tức là,

Thiên Chúa chẳng những dựng nên tạo vật bằng ý muốn toàn năng của Ngài, muốn chúng có là chúng có, Ngài còn dựng nên chúng theo ý muốn toàn tri của Ngài, muốn thế nào thì chúng có như vậy.

Phần tạo vật, vì không tự mình mà có như Thiên Chúa, nên cũng không thể nào muốn có hay không, hoặc muốn có thế này hơn là thế kia, muốn làm con người hơn làm con vật, muốn làm con người đệ nhất thiên hạ về mọi mặt hơn làm con người bần cùng khốn nạn trên thế gian v.v.

Do đó,

Ý Muốn của Thiên Chúa ở đây chính là thực tại của chung tạo vật, và là định mệnh của riêng con người.

Ngoài ra,

Ý muốn của Thiên Chúa ở đây còn là chính sự sống còn của mọi tạo vật nữa.

Bởi vì,

Nếu nhờ Ý Muốn của Thiên Chúa mà tạo vật có, thì tạo vật chỉ tồn tại khi Thiên Chúa còn muốn. Một khi Thiên Chúa hết muốn, chúng sẽ hết có.

Thế nhưng, vì Ngài là chính Sự Có, không bao giờ ngừng có, nên Ngài cũng không bao giờ ngừng muốn. Để rồi, những gì Ngài đã muốn là phải có, và có mãi như Ngài muốn, kể cả khi chúng chết đi.

Tạo vật chết đi không phải là chúng ngừng có, nghĩa là chúng trở về với hư vô, từ đó mà chúng đã đến trong thế gian, mà chỉ là tình trạng thay đổi hình thái của sự có nơi chúng mà thôi.

Cũng giống như trường hợp của một hạt giống, sau khi mục chết đi, sẽ biến thành một hình thể thảo mộc nào đó theo mầm giống của nó vậy.

Đó là bước thứ hai của tạo vật trong việc thông công và chia sẻ sự có với Thiên Chúa, Sự Thật tuyệt đối của mình.

Ý Muốn của Thiên Chúa còn là Sự Thật của tạo vật, sau hết, ở chỗ, tạo vật được kiện toàn trong Ý Muốn này.

Thật vậy,

Ý Muốn của Thiên Chúa chẳng những là tiềm thể nguyên ủy trrong việc hình thành tạo vật, là thực tại hiện hữu sô<161>ng còn của chúng, mà còn là mô thức đích điểm kiện toàn chúng.

Ý Muốn của Thiên Chúa ở đây là sứ mệnh của chung tạo vật và là ơn gọi của riêng con người cũng như của riêng mỗi người.

Ý Muốn của Ngài ở đây chính là ý định của Ngài về tạo vật, ý định muốn chúng phải là gì, phải trở nên như thế nào, như thượng trí vô cùng khôn ngoan của Ngài.

Nếu tạo vật nào không trở nên đúng như ý định của Ngài, sẽ là những tạo vật đời đời ở trong sự bất toàn của mình khi thời gian hiện hữu trên đời của chúng qua đi. Vì không đạt được Sự Thật của mình là Ý Muốn của Thiên Chúa về mình, nên chúng đời đời ở trong tình trạng gỉa dối, tức ở trong tình trạng hoàn toàn bất toàn, đó là tình trạng hư đi của tạo vật.

Tuy nhiên,

Tạo vật, một khi đã có sẽ không trở về với hư vô nữa, một là sẽ nên kiện toàn theo Ý Muốn của Thiên Chúa, hai là sẽ mãi mãi ở trong thực trạng bất toàn.

Mà trong ci đời đời, sự bất toàn của một vật trước một thực tại kiện toàn của vật khác cũng là tạo vật như mình, không phải là một bất hạnh vô cùng cho vật bất toàn hay sao?

Vật bất toàn và bất hạnh đời đời ấy giống như một hạt giống cũng bị chết đi để có thể biến thể thành hình thù theo giòng giống thảo mộc của mình, song loại thảo mộc này lại không có khả năng sống được với khí hậu của trời đất mà chúng mọc lên.

Còn những tạo vật được kiện toàn theo Ý Muốn của Đấng đã tạo dựng nên mình, tức Ý Muốn của chính Sự Có, sẽ vĩnh viễn ở trong ánh sáng và tham hiệp với Sự Có vô cùng toàn thiện và toàn năng là Thiên Chúa tối cao.

Đó là bước thứ ba cũng là bước cuối cùng của tạo vật trong việc thông công và chia sẻ Sự Có với Thiên Chúa, Sự Thật tuyệt đối của mình.

Thế nhưng,

Làm thế nào tạo vật có thể nên kiện toàn nếu chúng không có khả năng nhận biết Sự Thật, tức nhận biết Ý Muốn của Thiên Chúa về chúng và nơi chúng, để có thể trở nên như những gì đã được tiền định cho chúng như một ơn gọi, đang khi chúng hiện hữu và sống động trong không gian hữu hình và thời gian hữu hạn là thế gian này?

Thật vậy,

Trên thế gian này, chỉ có con người, mà thân xác của họ là một tiểu vũ trụ, gồm tóm tất cả mọi nguyên lý và chất liệu trong trời đất, để trở thành trung tâm của đất trời, mới có khả năng để nhận biết Sự Thật, nhận biết Ý Muốn của Thiên Chúa, nhận biết Đấng Tạo Hóa của mình mà thôi, thay cho các vật không có khả năng nhận biết Ngài và ý định của Ngài như họ.

Khả năng nhận biết Tạo Hóa và Ý Muốn của Ngài là Sự Thật tuyệt đối của mình để con người có thể nên kiện toàn, đó là trí khôn của họ.

Chính vì thế, con người đã được dựng nên với một linh hồn là một bản thể tự nó thiêng liêng bất tử như chính Thiên Chúa. Và cũng nhờ linh hồn giống Thiên Chúa và có khả năng nhận biết Ngài này mà con người có thể tìm kiếm, tiến đến và thông hiệp với Ngài, Sự Có vô cùng toàn hảo và toàn năng là cùng đích của họ.

Nếu con người không có hay thiếu mất khả năng để nhận biết Thiên Chúa là Sự Có mà họ được thông phần và là Sự Thật mà họ phải trở nên, thì họ vẫn ở trong sự giả dối, không đạt đến tầm mức kiện toàn của mình theo ý định của Thiên Chúa.

Do đó, vật nào mất sự thật, thiếu sự thật là mất tất cả, thiếu tất cả, không vô cùng bất hạnh là gì?

Tuy nhiên,

Ý Muốn của Thiên Chúa là Sự Thật tuyệt đối của con người và cho con người thì Ý Muốn đó được tỏ ra ở đâu và tỏ ra như thế nào để con người có thể nhận biết, chấp nhận và tuân theo, trong việc kiện toàn bản thân của mình?

Thật ra,

Ý Muốn của Thiên Chúa Thần Linh đối với con người tâm linh ở trong thân xác bị giới hạn bởi không gian và thời gian là một mầu nhiệm khôn lường, song không phải vì thế mà con người không thể nào nhận biết và tuân theo, nhờ đó có thể tiến đến với Ngài và thông hiệp với Ngài là Sự Hữu vô cùng toàn hảo của mình.

Chính vì con người có linh hồn mà con người có thể nhận ra Ý Muốn của Ngài, và từ đó, có thể nhận ra Ngài.

Bởi vì,

Trong chính thâm tâm của mình, trải suốt cuộc đời, từ khi biết sử dụng trí khôn cho tới khi xuôi tay nhắm mắt, con người, dù vô thần hay hữu thần, dù duy linh hay hiện sinh, cũng không thể chối cãi được có một tiếng nói âm thầm nhưng rất rõ ràng liên quan đến mọi và mỗi hành động lớn nhỏ có tính cách luân lý của mình.

Trước khi làm một việc gì có liên quan đến vấn đề luân lý, nhất là những việc có liên hệ đến quyền lợi của tha nhân, có thể làm lợi hay tác hại họ, chẳng hạn như muốn giết hay hiếp người ta, hoặc cứu người ta đang thập tử nhất sinh trong khả năng của mình, con người đều cảm thấy có tiếng nói nên hay đừng, một tiếng nói có một mãnh lực đến nỗi, ngay lúc bấy giờ, nó làm cho tác nhân băn khoăn, bối rối, lưỡng lự, nếu đang toan tính bất lợi cho người, và sau khi đã thực hiện được toan tính bất lợi ấy cho người hay từ chối cứu vớt họ, nó sẽ làm cho tác nhân không thôi áy náy, hối hận, bất an, và vô cùng khổ tâm.

Phải,

Lương Tâm của con người chính là hiện thân cho Ý Muốn của Thiên Chúa nơi con người, là cái loa phát ra tiếng nói của Thiên Chúa mỗi khi cần, (nó không phải là chiếc máy vo<131> tuyến truyền thanh mà con người phải vặn đúng làn sóng nó mới phát thanh), là ngôn sứ của Thiên Chúa sai đến với con người để thông báo và hướng dẫn con người đường ngay nẻo chính cho tới khi con người đạt được chân lý của cuộc đời họ, một chân lý được tiềm tàng ngay nơi thiên chức là người và ơn gọi làm người của họ ở trên đời.

Cũng với trí khôn là khả năng để nhận biết và tìm kiếm sự thật nơi mình, con người cũng không thể phủ nhận là, hạnh phúc thật ở trên đời mà họ có thể có, trong tầm tay của họ, dù họ là một kẻ bần cùng và khốn nạn nhất trên thế gian này, không công danh, sự nghiệp, giầu sang, phú qúi, quyền bính, thế lực, thông minh, tài giỏi, duyên dáng, mỹ miều v.v., không phải tại những gì họ có, (như vừa kể), cho bằng tại những gì họ là, đúng như thiên chức là người và ơn gọi làm người của họ.

Bởi vì,

Chỉ khi nào họ hết sức nỗ lực để đạt được hay đã đạt được những gì họ là, họ mới có được một sự bình an chân thực và bền bỉ, một bình an không gì có thể cướp mất hay phá hủy, một bình an là dấu chứng và bảo chứng cho hạnh phúc viên mãn và bất diệt của họ đời đời, sau khi họ đi qua và đi hết cuộc đời ngắn ngủi song đầy cám dỗ, thử thách và chiến đấu này.

Thế mà,

Trên thực tế, con người không dễ gì có thể nhận biết và đạt được chân lý của cuộc đời mình là Ý Muốn tối cao của Thiên Chúa, Sự Hữu vô cùng Hoàn Thiện, Đấng dựng nên mình, vì con người có tự do mà lại vô cùng yếu đuối.

Con người yếu đuối ở chỗ, dù biết được chân lý, biết được những gì phải làm hay phải tránh hoặc phải chịu để kiện toàn hữu thể tạo vật bất toàn của mình, con người vẫn không thể nào thắng vượt hay thực hiện được.

Để rồi, càng thất bại trong việc đi tìm chân lý nơi mình, con người càng trở nên mù tối và lầm lạc, đến nỗi, không còn biết đâu là chân lý, đâu là thật và đâu là gỉa nữa.

Nhiều khi họ cứ tưởng những gì họ nghĩ ra đều đúng, đều là chân lý, chứ không phải thực tại mà họ thuộc về, mà họ có, mà họ là.

Từ đó, họ theo đuổi những chân lý mà họ nghĩ ra và được họ coi như thần tượng của họ. Cho đến khi thần tượng của họ không thể cứu vớt hay giải cứu được họ trong những lúc họ khẩn thiết hay hiểm nghèo, họ trở nên uất hận, chán chường hay cố chấp.

Họ cảm thấy chính khi họ đi tìm mình lại là lúc họ đánh mất mình, vì không thể có chân lý trong họ hay do họ tạo ra, mà chỉ có chân lý ở trên họ và soi sáng cho họ mà thôi.

Dù họ có phủ nhận chân lý, thậm chí tìm cách tiêu diệt nó, bằng những hành động vô luân theo đam mê và thú tính của mình, nó vẫn không thể bị tiêu diệt, vì nó phát xuất từ và là chính bản chất của Sự Hữu Đời Đời.

Trái lại, dù muốn hay không, dù lành hay dữ, trước khi nhắm mắt xuôi tay, nhất là sau khi chết, chân lý sẽ hoàn toàn tỏ mình ra cho họ, để họ thấy rằng nó là gì và họ là gì.

Nếu họ giống như chân lý, họ sẽ đời đời tồn tại trong ánh sáng vĩnh phúc của Sự Hữu vô cùng toàn thiện; nếu họ không giống như chân lý, họ sẽ đời đời ở trong sự tăm tối giả tạo của cuộc vĩnh tử.

Thế nên,

Đời sống của con người trên trần gian, mà có không tự mình và chết cũng không tùy mình, biết và muốn, kể cả sống cũng không do mình định, thì việc quan hệ nhất của họ không phải là tìm kiếm, nhận biết và đạt được chân lý đời đời hay sao?

Tuy nhiên,

Chân lý đời đời không ở đâu xa xôi hay cao vời đến nỗi họ không thể tới được, mà ở ngay nơi lương tâm được phú bẩm cho họ khi họ vào đời như một con người (chứ không phải như một con vật vô linh). Do đó, họ chỉ cần lắng nghe là họ sẽ thấy, và họ chỉ cần cố gắng là họ sẽ gặp được nó.

Chính khi họ gặp được chân lý nơi lương tâm của mình là họ gặp được chính mình. Vì thiên chức là người và ơn gọi làm người nơi họ đều tàng ẩn trong chân lý mà lương tâm thông đạt cho họ suốt dọc cuộc đời của họ.

Nhưng, để có thể lắng nghe, nhận biết và đạt được chân lý là người và làm người này của mình, con người không thể làm gì khác hơn là từ bỏ, là tự đánh mất mình đi trong chân lý, bằng không, đời đời họ sẽ không đạt được cùng đích và đối tượng tối cao là chân lý của họ.

Thế nên,

Chính lúc con người từ bỏ và đánh mất mình đi lại là lúc họ tìm được chính mình, là lúc họ sống và kiện toàn bản tính bất toàn của mình hơn bao giờ hết.

Để rồi,

Một khi làm cho mình nên hoàn thiện trong chân lý như thế, không phải là con người đã thật sự yêu mình một cách chân chính và trọn hảo hay sao!

"Hạnh Phúc là viên mãn yêu thương":

Bắt đầu từ chân lý này vậy.