Trích Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương của Cao Tấn Tĩnh
Chương Sáu
MỸ
1.
Sự Mỹ chính là hiện thân, là tinh hoa của Sự Thiện. Nếu Sự Thật là ngọn lửa, Sự Thiện là ánh sáng phát ra từ ngọn lửa Sự Thật, thì Sự Mỹ là mầu sắc của lửa Sự Thật và ánh sáng Sự Thiện. Cũng vậy, nếu Sự Thật là hạt giống, Sự Thiện là mầm sống của hạt giống Sự Thật, thì Sự Mỹ là tầm vóc trổ sinh thành cây theo bản chất của mầm sống Sự Thiện trong hạt giống Sự Thật.
Cũng thế, năng thể của con người là hiện thân và là tinh hoa của hiện thể con người. Nếu hiện thể là ý thức sống, thì năng thể là tinh thần phản ảnh ý thức sống. Nếu hiện thể là ý thức về mình của con người, thì năng thể là tinh thần làm người. Theo thực hành, năng thể là tầm vóc trở nên như hiện thể nơi con người.
Đối với con người, nếu chính Ý muốn của Thiên Chúa (Ý Muốn của Ngài là gì) là Sự Thật thực tại hiện hữu hữu thể của con người, và nội dung Ý Muốn của Thiên Chúa (Ý Muốn của Ngài muốn gì) là Sự Thiện cùng đích kiện toàn hiện thể của con người, thì tinh thần Ý Muốn của Thiên Chúa (Ý Muốn của Ngài làm gì) là Sự Mỹ sinh lực viên mãn năng thể của con người.
Năng thể của con người, tự nó, tuy là hiện thân, là tinh hoa của hiện thể và là tầm vóc trở nên như hiện thể. Nhưng, ý thức về mình và ý thức sống động của con người là hiện thể của họ đó, tự chúng không phải là chính Sự Thật và Sự Thiện, nếu nó không phản ảnh trung thực Ý Muốn của Thiên Chúa, nghĩa là nếu chúng không được Ý Muốn của Thiên Chúa hình thành, Đấng là chính Sự Hữu tuyệt đối mà họ đã được tạo nên với một hữu thể tự bản chất tương đối (nên bất toàn) để chia sẻ Sự Thiện Toàn của Ngài.
2.
Vỏ của hạt giống không thể nào tự phát triển thành tầm vóc của một cây, nếu vỏ không gắn liền với nhân. Dầu của một cây đèn không thể nào tự tiêu hao thành lửa nếu dầu không được dùng để đốt trong đèn. Sự tiêu hao của dầu là do sự tiêu dụng của lửa và sự mục nát của vỏ hạt giống là bởi sự nẩy nở của nhân trong hạt. Sự tiêu dụng của lửa và sự nẩy nở của nhân này có thể được so sánh với tinh thần Ý Muốn của Thiên Chúa trong việc làm cho năng thể của con người được viên mãn. Và khi năng thể của con người được viên mãn, Sự Toàn Mỹ của Thiên Chúa được hoàn toàn thể hiện nơi con người. Vậy, tầm vóc con người trở nên chính là Sự Mỹ, và quyền lực làm cho con người đạt đến tầm vóc viên mãn này chính là tinh thần Ý Muốn của Thiên Chúa cũng là Sự Mỹ nội tại nơi Thiên Chúa.
Thật vậy, nếu con người, là một tạo vật, không tự mình mà có, tức không phải là chính Sự Hữu như Thiên Chúa, nên, tự bản chất, bất toàn, cần phải trở nên kiện toàn và hoàn toàn theo như Ý Muốn của Thiên Chúa là Sự Hữu đã cho họ thông phần Sự Hữu bằng cách dựng nên họ với Ý Muốn toàn năng của Mình. Tầm vóc kiện toàn và viên mãn của con người theo nội dung Ý Muốn của Thiên Chúa đó chính là năng thể tối hậu của con người. Lại nữa, cũng vì không phải là Sự Hữu như Thiên Chúa, con người chẳng những bất toàn mà còn bất lực trong năng xuất của mình nữa, dù con người cũng là một linh vật, có tự do, có quyền hạn trong hành động của mình, chứ không hoàn toàn lệ thuộc vào định luật tự nhiên như loài thực vật hay hoàn toàn mù quáng theo bản năng tự nhiên như loài động vật. Tầm vóc bất toàn và bất lực này của con người là năng thể bẩm sinh của con người. Ý thức về mình theo thân phận con người, thiên chức là người và ơn gọi làm người của mình, dù chính xác hay lệch lạc, cũng là năng thể hiện hữu của con người.
3.
Trên thực tế, Sự Mỹ chính là hành động và công trình của Thiên Chúa, Sự Thiện vô cùng khôn ngoan và toàn năng. Vì là chính Sự Hữu, tự mình mà có, nên, Ngài cũng chính là Sự Thiện, nơi Ngài không thể có bất toàn, theo bản tính, ưu phẩm cũng như quyền năng, bằng không, Ngài sẽ không phải là Thiên Chúa, cũng phải trở nên hoàn thiện như tạo vật mà Ngài đã dựng nên trong thời gian và không gian, những phạm trù mà Ngài là Bản Thể thần linh bất tử không thuộc về và bị lệ thuộc như tạo vật trên trần gian của Ngài. Và vì là chính Sự Toàn Thiện như thế, Ý Muốn của Ngài cũng thiện hảo và là chính Sự Thiện tuyệt đối đối với chung tạo vật và riêng con người. Vì là chính Sự Hữu, không lệ thuộc không gian và thời gian, Thiên Chúa cũng tuyệt đối tự do, muốn làm gì thì làm, hễ làm gì được nấy, vô cùng toàn năng trong Ý Muốn của Ngài, bằng không, Ngài sẽ không phải là Thiên Chúa, cũng bất toàn ở tại bất lực như tạo vật của Ngài mà thôi. Theo bản tính tuyệt đối Toàn Thiện của mình, sự sống thần linh vô cùng viên mãn nội tại nơi Thiên Chúa không thể nào không thông mình ra ngoại tại. Việc tạo dựng của Ngài và các tạo vật của Ngài là thể hiện phần nào Sự Thiện Hảo của Ngài. Vì việc tạo dựng và các tạo vật của Thiên Chúa là thể hiện Sự Thiện của Ngài, nên cả hai cũng là Sự Mỹ của Ngài, vì Sự Mỹ chính là hiện thân, là
tinh hoa của Sự Thiện.
4.
Tuy nhiên,
Dù việc tạo dựng của Thiên Chúa và các tạo vật của Ngài là thể hiện Sự Toàn Thiện của Thiên Chúa, nên là Sự Mỹ của Ngài, nhưng, tự bản chất của các tạo vật, theo bẩm sinh, chúng mới chỉ có tính cách tốt lành tự nhiên mà thôi, chứ chưa có tính cách thiện hảo siêu nhiên là tầm vóc mà chúng phải đạt được trong một thời gian hạn định trên thế gian, để có thể hoàn toàn nên giống và trọn vẹn tham hưởng Sự Toàn Thiện vô cùng viên mãn nội tại nơi Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng với ý định cho chúng thông phần tối đa bản tính và sự sống thần linh của mình.
Tầm vóc tốt lành tự nhiên của tạo vật chính là năng thể bẩm sinh của chúng. Tầm vóc thiện hảo siêu nhiên chính là năng thể tối hậu của chúng. Đối với riêng con người là loài sinh linh duy nhất trên thế gian, chẳng những họ có năng thể bẩm sinh như các tạo vật khác, mà còn phải có năng thể tối hậu nữa mới kiện toàn hữu thể của mình. Giữa năng thể bẩm sinh và năng thể tối hậu, con người còn có một năng thể hiện hữu, tức là một năng thể đang trở nên từ năng thể bẩm sinh chưa hoàn hảo tới năng hể tối hậu đã hoàn hảo đúng như ý định của Thiên Chúa, Sự Thiện tuyệt đối tối cao của họ.
5.
Nhưng, đối với con người, ngoài việc biết mình, ý thức về mình để làm nên hiện thể nơi mình và cho mình, (nhờ lý trí hướng về đối tượng Sự Thật), nếu không có Ý Muốn vô cùng khôn ngoan và toàn năng của Thiên Chúa, con người vẫn không thể tự mình làm cho mình nên hoàn thiện được, cũng như đã không thể nào tự làm cho mình từ không ra có vậy, dù sau khi có lòng muốn của họ luôn hướng về Sự Thiện và tinh thần sống động của họ luôn hướng về Sự Mỹ.
Chính nhờ Ý Muốn toàn năng của Thiên Chúa, Sự Hữu tuyệt đối, mà con người cùng với mọi tạo vật đã có để chia sẻ sự có nơi bản tính của Ngài.
Chính trong Ý Muốn toàn thiện của Thiên Chúa mà con người đã là một hiện thể thượng quan (nếu cần, xin xem lại các trang 44 và 70 về hiện thể thượng quan ... ), và sẽ được kiện toàn hiện thể khách quan (xim xem lại trang 27 về hiện thể khách quan) cũng là hữu thể hiện hữu bất toàn và bất lực của mình.
Và,
Chính như Ý Muốn vừa toàn năng lẫn toàn thiện này của Thiên Chúa mà con người từ năng thể bẩm sinh trở nên năng thể tối hậu theo đúng như Ý Muốn toàn thiện của Thiên Chúa về họ.
Nếu tầm vóc tốt lành tự nhiên là năng thể bẩm sinh của con người là hình ảnh Sự Mỹ của Thiên Chúa, thì tầm vóc siêu linh thiện hảo là năng thể tối hậu của con người lại càng phản ảnh Sự Mỹ của Ngài hơn nữa, càng tỏ ra Sự Mỹ của Ngài hơn nữa, vì bấy giờ, con người càng giống Ngài là Sự Toàn Thiện hơn khi họ mới được dựng nên.
Ý Muốn của Thiên Chúa là Sự Thật, Sự Thiện và là Sự Mỹ đối với con người là vậy.
Là Sự Thật của hữu thể con người, sự có của con người hay cái con người có.
Là Sự Thiện của hiện thể con người, sự là của con người hay cái con người là.
Là Sự Mỹ của năng thể con người, sự làm của con người hay cái con người làm.
Nếu việc tạo dựng nên cho có muôn loài và bản tính tự nhiên của muôn loài bởi Ý Muốn của Thiên Chúa đã là hình ảnh Sự Mỹ tốt lành của Ngài, thì việc hoàn thiện hóa tạo vật và tầm vóc kiện toàn của chúng nơi tạo vật tiêu biểu là con người lại càng phản ảnh Sự Mỹ của Ngài hơn nữa.
Bởi vì,
Trong việc hoàn thiện hóa tạo vật đệ nhất thế gian này của mình, Thiên Chúa đã tỏ ra hết cỡ, theo khả năng tiếp nhận của chúng, Sự Toàn Thiện của Ngài, nơi tầm vóc kiện toàn và viên mãn của chúng, một việc vượt ra ngoài quyền năng tự nhiên của chúng, một việc chỉ nhờ thượng trí vô cùng khôn ngoan và quyền phép vô cùng toàn năng của Thiên Chúa mà thôi.
Thượng trí vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa được tỏ ra ở chỗ, dù tạo vật của Ngài vô hồn như khoáng vật, hay chỉ có sinh hồn như thực vật, hoặc có cả giác hồn như động vật, cũng có thể thông hưởng sự hoàn thiện có tính cách siêu nhiên của Ngài, (dù chúng không biết gì đến Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng), khi Ngài hoàn thiện hóa con người là tạo vật chính yếu, tạo vật tụ hợp, tạo vật tiêu biểu của chúng và cho chúng.
Không một tạo vật nào từ không ra có rồi lại từ có trở về không, bởi Thiên Chúa là Đấng dựng nên chúng không bao giờ muốn chúng thôi có. Tạo vật nào đã có cũng sẽ trở nên đúng như Ý Muốn của Ngài định về chúng, dù một số có thể không trở nên hoàn hảo như chúng phải là, song Ý Muốn của Ngài, tự nó, vẫn là Sự Thiện đối với chúng.
Thượng Trí vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa còn tỏ ra ở chỗ, nhất là, đối với loài người là loài mà dù Ngài đã ban cho họ tự do để có thể hành động theo ý riêng của họ, Ngài vẫn có thể thực hiện được tất cả những gì Ngài đã định về họ từ trước vô cùng, chung cũng như riêng, từng người một.
Bằng không, Ngài không phải là Thiên Chúa, vì Ngài đã không biết những gì sẽ xẩy ra; nếu biết, Ngài cũng đã không thể kiểm soát và làm chủ được mọi sự như ý của mình.
Nghĩa là, nếu không phải là Thiên Chúa, Ngài chẳng những sẽ không khôn ngoan thượng trí, Ngài lại còn bất lực nữa. Đằng này, ngược lại, kể cả tội lỗi của con người, (cũng như sự vô tri về Ngài của các tạo vật không phải là con người ở trên thế gian), là những gì phản lại và bất xứng với Sự Toàn Thiện là bản tính của Ngài, Ngài vẫn có thể biến dữ nên lành.
Mà, Sự Toàn Thiện của Ngài chỉ có thể tỏ ra hết mình khi có những sự bất toàn hết cỡ như thế nơi tạo vật mà thôi. Sự bất toàn hết cỡ này, đối với Thiên Chúa toàn thiện, không phải chỉ là sự hư không, hay là bản tính tự nhiên bất toàn của tạo vật, mà là chính tâm trạng cũng như hành động tội lỗi của tạo vật, những gì phản nghịch lại với Ý Muốn toàn thiện của Ngài, một Ý Muốn vô cùng khôn ngoan và toàn năng.
Để rồi
Một khi được kiện toàn và viên mãn theo như Ý Muốn toàn thiện của Thiên Chúa, nghĩa là được nên một với Ý Muốn vô cùng khôn ngoan và toàn năng của Ngài, tạo vật cũng trở nên thiện hảo, khôn ngoan và toàn năng như Ngài.
Tạo vật trở nên thiện hảo như Thiên Chúa ở chỗ, hữu thể của họ sẽ phục sinh và trở thành một bản thể linh thiêng, bất biến và viên mãn sự sống thần linh, không khổ đau, chết chóc và đổi thay bao giờ nữa.
Tạo vật trở nên khôn ngoan như Thiên Chúa ở chỗ, hiện thể là ý thức hiện hữu của họ, biết được chính mình là gì một cách hết sức chính xác, đúng như Ý Muốn của Đấng mà họ chưa bao giờ thấy bằng mắt, nghe bằng tai, sờ bằng tay của họ, cũng như họ biết được Ngài như Ngài thực sự là và như Ngài biết mình Ngài. Nghĩa là, họ biết được những gì thuộc thế giới siêu linh, vượt trên cả trí khôn chỉ có khả năng hiểu biết tầm thường của họ là một phàm nhân như mọi người.
Tạo vật trở nên toàn năng như Thiên Chúa ở chỗ, năng thể của họ có thể làm được những gì Thiên Chúa muốn là những gì vượt trên khả năng tự nhiên của lòng muốn dễ bị hướng hạ của họ, và là những gì thuộc về thế giới siêu linh hoàn toàn huyền nhiệm đối với trí khôn vốn mù tối thiên về thực nghiệm hơn là duy linh của con người.
Tầm vóc kiện toàn và viên mãn của con người đó, như thế, không phải là Sự Mỹ của Thiên Chúa, hiện thân của Sự Toàn Thiện nơi Ngài hay sao?
Có thể nói, Tạo vật nào càng trở nên đúng như Ý Muốn của Thiên Chúa về mình và càng phản ảnh Ý Muốn của Ngài nơi mình thì càng thiện hảo và tuyệt mỹ.
Đó cũng có thể là một con người không gì có thể làm họ giảm bớt hay thay đổi tình yêu của họ đối với mọi người và từng người, dù người mà họ yêu thương có phản bội họ hay có ám hại họ đi nữa. Đối với họ, không bao giờ có kẻ thù; trái lại, ai cũng là người yêu của họ. Họ đối xử với mọi người như họ là anh em của mọi người hơn là mọi người là anh em của họ. Họ có thể yêu mọi người như một và yêu một người như mọi người, đúng như bản tính của tình yêu là duy nhất và sự sống của tình yêu là hiệp nhất.
Đó còn là một con người ở hiền mà gặp lành thì ít, gặp dữ thì nhiều, vì tinh thần một nhịn chín lành nhân ái của họ đối với tha nhân, và vì tinh thần mưu sự tại nhân thành sự tại thiên sẵn sàng thuận theo ý trời của họ. Họ luôn luôn bằng an vui sống một cách thản nhiên, không lo, không sợ gì cả, kể cả bất công, bất hạnh, và sự chết.
Đó cũng còn là một con người bần cùng khốn khổ nhất trên đời, nhưng vẫn không ham ước được giầu sang phú qúi cho bằng được sống đúng với phẩm cách là người và nhân cách làm người của mình. Ngược lại, họ cũng có thể là một con người có tiền của, chức quyền, danh tiếng, song không bao giờ vì thế mà lên mặt với đời, trái lại, đã tận dụng tất cả những gì trời ban cho mình để phục vụ công ích mà thôi.
Những con người như thế không phải là những con người trọn hảo và tuyệt mỹ hay sao?
Chẳng nhẽ những con người đó chỉ là những con người không bao giờ có mặt trên đời này hay sao?
Nếu có chăng nữa, những con người đó phải là thần thiêng nhập thể mà thôi, không thể nào một phàm nhân thuần túy lại mỹ hảo như thế được?
Thế thì Chúa Kitô, vị sáng lập Kitô giáo, là một con người Do Thái, mà ngày sinh nhật của Ngài khai mở một tân kỷ nguyên cho lịch sử loài người, (đến nay là năm 1990 kể từ năm sinh của Ngài), vị mà muôn vàn sinh mạng đã sẵn sàng chịu chết vì Ngài và như Ngài một cách bác ái vị tha đối với chính kẻ tàn sát mình, qua suốt lịch sử tân nguyên của nhân loại, ở khắp nơi trên thế giới, không phải là một con người lý tưởng và mô phạm cho trường hợp thứ nhất là gì!
Thế thì Đức Khổng Tử, vị được mệnh danh Vạn Thế Sư Biểu, Chí Thánh Tôn Sư, sinh vào năm 445 trước Đức Kitô tại nước Trung Hoa, người mà, nhờ triết thuyết có thể gọi là đạo làm người của mình, đã đào tạo bao nhiêu là thánh nhân quân tử cho đời, nhất là ở các nước Á Đông, đặc biệt là Trung Hoa, Việt Nam, không phải là một con người có tinh thần tiêu biểu cho trường hợp thứ hai hay sao!
Thế thì Đức Thích Ca Mâu Ni, được tôn sùng như Phật Tổ Như Lai, sinh tại Ấn Độ vào năm 644 trước Đức Kitô, người mà nhờ gương lành và giáo thuyết của mình khi còn sống truyền lại, đã hàn dịt bao vết thương đau cho chúng sinh đang sống trong cuộc đời là bể khổ này, nhờ họ biết thoát tục, từ bỏ tham sân si là nguyên nhân khổ ải trên đời, không phải là một con người gương mẫu cho trường hợp thứ ba hay sao?
"Hạnh phúc là viên mãn yêu thương":
Kết qủa là ở chỗ đó.
Nó bắt đầu từ Sự Thật được con người nhận biết, hoàn tất trong Sự Thiện mà con người được nên một, và viên mãn như Sự Mỹ mà con người phản ảnh. Chính sự viên mãn này của con người, được phát xuất từ sự sống nội tâm bởi bản tính tốt lành của họ mà Sự Mỹ, hiện thân và tinh hoa của Sự Thiện, được hoàn toàn thể hiện.
Chính sự bằng an và hạnh phúc mà họ có nơi chính bản thân mình, mà nhiều khi, nhờ họ và qua họ, tha nhân cũng được chung hưởng, là hình thức, là biểu hiệu của Sự Mỹ trong họ vậy.