Trích Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương của Cao Tấn Tĩnh

 

Chương Bảy


VỊ THA



KHUYNH HƯỚNG CĂN BẢN VÀ ĐỆ NHẤT CỦA TÌNH YÊU LÀ VỊ THA.

Không vị tha, kể như không có tình yêu hay không phải là tình yêu.

Vị Tha là "vì người", ngược với vị kỷ là "vì mình".

Khuynh hướng vị tha này của tình yêu được thể hiện lộ liễu nhất và mãnh liệt nhất là khi con người bắt đầu yêu nhau. Ở chỗ, họ, chủ thể yêu cũng là tác nhân yêu, không còn sống cho chính mình nữa, mà hoàn toàn cho đối tượng hầu như vô cùng đáng yêu duy nhất của mình. Đến nỗi, không có đối tượng đó họ sẽ không thể nào sống nổi, không thể nào chịu nổi. Dù có phải hy sinh đánh đổi tất cả họ cũng vui lòng, miễn là được gần gũi, ngắm nhìn, trò chuyện, nhất là, sống đời với đối tượng đó, không bao giờ còn bị xa hay bị mất đối tượng đó nữa.

Khuynh hướng vị tha ban đầu của tình yêu làm cho chủ thể yêu hoàn toàn bỏ mình và quên mình như thế, tiêu biểu nhất, điển hình nhất là tình yêu phái tính, đặc biệt vào thời điểm tình yêu đang dẫn họ tiến dần đến cuộc sống hôn nhân, dù hôn nhân của họ có thành hay không.

Lúc bấy giờ, đối với nhau, họ là chủ thể yêu (người yêu) hay đối tượng yêu (người tình hay tình nhân, ý trung nhân). Nhưng, đối với chính tình yêu, họ lại là tác nhân của tình yêu, mù quáng làm theo đòi hỏi của tình yêu.

Và, cũng chính vì tình yêu là nguyên lý tối cao, là sinh lực mạnh như sự chết chi phối và điều khiển trong mình, họ đã có thể làm được tất cả những gì mà họ, (hay bất cứ người nào khác), không thể làm được nếu không yêu.

Phải,

Một khi đã sống theo khuynh hướng và đòi hỏi của tình yêu, con người không thể nào vị kỷ được nữa. Con người, bấy giờ, hầu như ra khỏi bản ngã của mình, vì vừa bị đẩy lại vừa bị hút một cách không thể chống cưỡng.

Bị đẩy, vì tình yêu là động lực nội tại của họ đã thổi phồng họ lên như qủa bóng, để họ có thể bay bổng lên khỏi mặt đất tầm thường và hạn hẹp, tượng trưng cho xác thể với đầy những bản năng thấp hèn và chóng chán của họ.

Bị hút, vì đối tượng yêu đã hớp hồn họ, đã mê hoặc họ, đã cám dỗ họ. Vì yêu mà con người đã bị thu hút hay vì bị thu hút mà con người đã yêu, chẳng qua cũng chỉ là hiện tượng xả kỷ và vị tha, thế thôi. Con người không thể nào bị thu hút, nếu không có tình yêu. Trái lại, con người cũng không thể nào yêu nếu không bị thu hút.

Thật ra,

Không phải vì tình yêu là yếu tố nội tại của chủ thể yêu và đối tượng thu hút chủ thể yêu là yếu tố ngoại tại của họ hợp với nhau mà họ đã yêu, hay đã làm họ yêu. Đúng hơn, trong cuộc tình của con người, tình yêu chính là chủ thể xe duyên cho con người.

Tình yêu tìm kiếm, chọn lựa và giới thiệu đối tượng cho con người. Nói chính xác hơn, chính tình yêu tạo nên đối tượng yêu cho con người.

Phần con người, tình yêu đặt đâu, họ ngồi đấy, một cách hoàn toàn tự do, thích thú, say mê, điên dại v.v.

Đối với họ, bất cứ tình yêu làm gì trong họ và cho họ, như việc tạo nên đối tượng yêu cho họ, đều chân thật, thiện hảo và tuyệt mỹ. Đến nỗi, con người dám bỏ mọi sự để nên một với đối tượng bao giờ cũng hợp với họ, miễn là đẹp mắt tình yêu và do tình yêu tạo nên.

Khuynh hướng vị tha của tình yêu chẳng những là động lực thúc đẩy tác nhân yêu thương ra khỏi mình (xả kỷ), tiến đến với đối tượng yêu, mà còn là trạng thái liên lỉ ở lại với, gắn bó với, quấn quít và quyến luyến đối tượng yêu, tình nhân của mình.

Dù xa mặt nhưng không bao giờ lòng họ tách khỏi tình nhân của họ.

Luôn luôn họ tưởng nhớ đến người tình.

Luôn luôn lo nghĩ cho người tình.

Luôn luôn mong gặp người tình.

Luôn luôn sợ mất người tình.

Luôn luôn sợ làm buồn người tình.

Luôn luôn không muốn xa người tình.

Luôn luôn muốn nhìn ngắm, muốn nghe tiếng, muốn nói chuyện với người tình.

Luôn luôn để ý làm vui lòng, làm thỏa mãn người tình dù người tình chưa kịp muốn, và dù mình có phải hy sinh đến đâu đi nữa.

Người họ yêu vui là họ sướng.

Người họ yêu buồn là họ phiền.

Người họ yêu đau là họ khổ.

Cái gì nơi người tình cũng tuyệt vời, kể cả những lỗi lầm của người ấy.

Ai phạm đến người họ yêu là phạm đến họ.

Họ luôn luôn bênh vực, che chở, bảo vệ người tình của họ như hay hơn cả chính bản thân họ.

Tóm lại,

Họ như sống bởi người yêu của họ và người yêu của họ sống trong họ.

Thậm chí, lẽ sống và ý nghĩa cuộc đời của họ là chính con người họ yêu.

Mất người yêu, đối với họ, chẳng khác gì như mất sự sống. Cuộc đời kể như mất hết ý nghĩa, giống như đã chết vậy; có còn sống, cuộc đời họ cũng chỉ là một cái xác vô hồn, không hơn, không kém, cho đến khi họ gặp được một đối tượng yêu thương khác...

Bởi vì, cuộc đời con người hình như chỉ hướng về và tìm kiếm một đối tượng hợp với mình nhất. Ly di<180> là một phản chứng nói lên sự thật không thể chối cãi này. Tự phái tính của mình, con người có thể nào tự nhiên sống độc thân, có thể là một hòn đảo... Như thế, đối với con người, theo hình thức, sống chính là xả kỷ, là vị tha vậy.

Khuynh hướng vị tha của tình yêu không phải chỉ có thế, chỉ làm con người xả thân để tiến đến với người yêu, và giữ lòng con người ở lại với người họ yêu. Tình yêu vị tha còn sâu xa hơn nữa, còn thể hiện trọn vẹn bản tính của mình hơn nữa, khi thực hiện việc thứ tha.

Thật vậy,

Tình yêu là gì?

Nếu không phải:

Tình Yêu là một bản tính duy nhất vô cùng tốt lành.

Tình Yêu duy nhất, vì không bao giờ chia rẽ, đổi thay, và khuynh hướng cũng như sứ mạng của nó là làm cho tất cả nên một.

Tình Yêu vô cùng, vì không gì có thể hủy diệt được nó, trái lại, nó còn cho đi tất cả và có thể bù đắp tất cả, kể cả những gì trái ngược với nó, thù địch của nó.

Tình Yêu tốt lành, vì chứa đựng, tỏ ra và chuyên chở tất cả những gì là Chân, Thiện, Mỹ, làm cho cả tác nhân yêu lẫn đối tượng yêu nên hoàn hảo, nên kiện toàn khi yêu thương nhau.

Do đó,

Khi yêu thương, nhất là yêu thương một cách hoàn toàn xả kỷ và vị tha, người ta sẽ không bao giờ chấp nhất nhau. Đến nỗi, dù có bị bỏ rơi, khinh miệt, hiểu lầm, phản bội, lạm dụng v.v. đi nữa, họ vẫn trung thành với nhau, vẫn thông cảm cho nhau, vẫn bỏ qua cho nhau, và vẫn chấp nhận nhau như thường.

Lúc bấy giờ, theo tự nhiên, con người yêu bị chạm tự ái, nghĩa là chạm đến tình họ yêu họ, nên họ chỉ muốn bỏ nhau, thậm chí muốn trả thù nhau cho b ghét. Nhưng, nếu yêu nhau như mình, tức, nếu tình yêu người như tình yêu mình, thì họ sẽ không bao giờ làm thế, bởi vì họ không bao giờ ghét bỏ bản thân mình. Trái lại, họ lại càng thương yêu và hy sinh cho bản thân của mình hơn, cho đến khi nó được như ý của mình.

Như thế,

Khi đã đạt đến mức độ tuyệt đỉnh, tình yêu thương nhau chính là tình yêu thương mình, hay ngược lại.

XẢ KỶ LÀ VỊ THA.

VỊ THA LÀ XẢ KỶ.

Phản bội Tình Yêu đúng là một trọng tội không thể tha thứ.

Thế nhưng, cái bị phản bội lại không phải là tác nhân yêu cho bằng chính Tình Yêu.

Bởi vì, về tâm lý, nếu con người không yêu, dù là yêu mình (tự ái) theo tâm tính của mình, yêu người (bác ái) theo nhân tính của mình, hay yêu nhau (tình ái) theo phái tính của mình, con người sẽ không bị khổ đau.

Một con người không tự ái có thể nào cảm thấy nhức nhối khi bị xỉ nhục.

Một con người không bác ái có thể nào cảm thông được những khốn cùng của đồng loại.

Một con người không tình ái có thể nào cảm thấy khổ sở khi bị người yêu lạnh nhạt, hất hủi v.v.

Có yêu, con người mới có đau.

Càng yêu, con người yêu mới càng đau.

Tuy Tình Yêu mới là mục tiêu bị mũi tên phản bội nhắm bắn, và cũng chính vì Tình Yêu bị bắn trúng mà con người đã đau, nhưng, không phải là Tình Yêu đau, mà lại là tác nhân yêu đau.

Hay, nói cách khác, Tình Yêu cảm thấy đau nơi con người yêu.

Bởi vì,

Tình Yêu là một bản tính linh thiêng vô cùng cao cả không gì có thể chạm vào được hay tiêu diệt được.

Chỉ có tác nhân yêu chết vì yêu, chứ Tình Yêu không thể nào hết sau khi tác nhân yêu chết.

Trái lại, Tình Yêu được đồng hóa hay hiện thân nơi đối tượng yêu có sống động và khả ái đến đâu đi nữa, thậm chí đã làm cho con người yêu say đắm đến mê tín điên cuồng sùng bái đối tượng của mình, khi đối tượng yêu ấy chết đi hay thay đổi, Tình Yêu vẫn còn đó, không thể nào qua đi khi đối tượng yêu đó không còn.

Như thế, Về mặt tiêu cực,

Tình Yêu không lệ thuộc vào cả đối tượng yêu lẫn tác nhân yêu để tồn tại.

Về mặt tích cực,

Tình Yêu làm cho con người yêu thương gắn bó với nhau, làm cho họ chấp nhận và chịu đựng nhau như chính bản thân mình.

TÌNH YÊU

CHÍNH LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI BẤT DIỆT NƠI CON NGƯỜI

VÀ LÀ SINH LỰC SỐNG ĐỘNG HIỆN THỰC CỦA CON NGƯỜI,

LÀM CHO CON NGƯỜI VIÊN MÃN,

ĐẾN NỖI,

CON NGƯỜI CÀNG YÊU CÀNG CHO ĐI,

CÀNG CHO ĐI LẠI CÀNG CÓ,

CÀNG CÓ LẠI CÀNG SUNG SỨC,

CÀNG SUNG SỨC LẠI CÀNG VIÊN MÃN,

CÀNG VIÊN MÃN LẠI CÀNG HẠNH PHÚC,

NHƯ VÔ CÙNG,

NHƯ BẬT TẬN...