Chương Tám
Khuynh hướng thứ nhất của tình yêu là vị tha.
KHUYNH HƯỚNG THỨ HAI CỦA TÌNH YÊU LÀ CHIA SẺ.
Nếu vị kỷ sinh ra chia rẽ thế nào, vị tha cũng sinh ra chia sẻ như vậy. Có thể nói, tình yêu vị tha và tình yêu chia sẻ chỉ là một.
Vị tha là chia sẻ.
Chia sẻ là vị tha.
Khi người ta yêu vị tha, tức đã sống vì người yêu và sống cho người yêu của mình, thì cũng chính là lúc họ chia sẻ với người họ yêu.
Họ chia sẻ những gì và chia sẻ như thế nào?
Điều này tùy ở cường độ mãnh liệt và trương độ to bé của tình yêu nơi mỗi người.
CHIA SẺ NHỮNG GÌ?
Tình yêu một khi không còn lệ thuộc vào đối tượng yêu hay tác nhân yêu, tình yêu chẳng những có thể chia sẻ tất cả những gì tác nhân yêu có, những gì đối tượng yêu cần hay đòi, mà còn là tất cả những gì tình yêu là nữa.
Trước hết,
Tình yêu có thể chia sẻ tất cả những gì tác nhân yêu có.
Đó là của cải, thời gian, công sức, thậm chí cả trinh tiết, danh gía và sự sống là những gì cao qúi nhất của tác nhân yêu.
Tùy theo từng cái được chia sẻ này mà gía trị của đối tượng yêu được đánh gía và mãnh lực yêu nơi tác nhân yêu được thẩm định.
Chẳng hạn,
Tác nhân yêu chỉ có thể hy sinh của cải cho đối tượng yêu của mình, ngoài ra, không thể hy sinh hơn được nữa; nếu bị mất giờ, mất công, nhất là bị chạm tự ái liền giảm yêu hay hết yêu, thì tình yêu nơi tác nhân đó còn thấp kém hạn hẹp như vật chất và đối tượng yêu của họ chỉ có giá tương đương với vật chất mà thôi.
Ngược lại, nếu tác nhân yêu có thể hy sinh cả mạng sống của mình cho người họ yêu, thì tình yêu của họ đã lên đến tuyệt đỉnh. Vì tình yêu là sự sống của họ, họ hy sinh sự sống của họ là họ đã cho chính tình yêu của họ, và đối tượng được họ yêu như thế trở nên như sự sống của họ, đồng hóa nên như tình yêu của họ.
Sau nữa,
Tình yêu còn có thể chia sẻ tất cả những gì đối tượng yêu cần hay đòi.
Nhiều khi những cái trao hiến của tác nhân yêu, dù qúi trọng đến thế nào đi nữa, cũng chưa chắc đã thỏa mãn được đối tượng yêu, được như ý muốn của đối tượng yêu. Cái làm cho con người thỏa mãn nhất là được như ý muốn của họ, chứ không phải là cái này hay cái kia.
Do đó, đáp ứng thỏa đáng những cái đối tượng yêu của mình cần cũng chưa chắc đã làm thỏa mãn họ cho bằng những cái họ đòi.
Nhiều khi những cái họ đòi mới là những thử thách cho tác nhân yêu. Bởi vì, những đòi hỏi của đối tượng yêu mới là những gì tỏ ra sở thích của họ, tỏ ra ý riêng của họ, tỏ ra cá tính của họ, tức là tỏ ra cá nhân của họ.
Nếu họ được đồng hóa với tình yêu của một tác nhân nào đó đối với họ, con người cá nhân của họ phải là tình yêu của tác nhân yêu.
Tức là, tất cả những gì họ muốn, đều được người kia đáp ứng một cách thỏa đáng. Thậm chí cả những ước muốn bất chính của họ cũng được chủ thể yêu hết mình tôn trọng.
Sau hết và hơn hết,
Tình yêu chẳng những có thể chia sẻ tất cả những gì tác nhân yêu có hay đối tượng yêu đòi hỏi, mà còn có thể chia sẻ ngoài cả những gì tác nhân có và đối tượng đòi nữa.
Đó là, chính bản tính của tình yêu, tức cái tình yêu là
Tình yêu, đối ngoại, thực sự chẳng có gì cả, ngoài những gì đối tượng yêu có khi nó hiện thân nơi đối tượng yêu, như nhan sắc và tài năng, hay những gì tác nhân yêu có khi nó sống động nơi tác nhân yêu, như trinh tiết và sinh lực.
Thế nhưng, đối nội, tự bâm sinh, tình yêu có một điều duy nhất, đó là bản chất của nó, một bản chất Chân, Thiện, Mỹ.
Thế nên, một khi tình yêu không còn lệ thuộc vào cả tác nhân yêu lẫn đối tượng yêu, nó sẽ trở nên thuần túy, làm chủ thể yêu nơi con người yêu, chi phối và điều khiển con người yêu trở thành tác nhân yêu, theo bản tính toàn hảo và quyền lực toàn năng của nó.
Bấy giờ, tình yêu thuần túy nơi tác nhân yêu sẽ làm cho tác nhân yêu thực hiện được tất cả những gì mà đối tượng yêu của họ mãn nguyện nhất, hạnh phúc nhất, ngoài cả ước vọng của đối tượng yêu.
CÁI CHIA SẺ MÀ TÌNH YÊU THỰC HIỆN NGOÀI CẢ KHẢ NĂNG CỦA TÁC NHÂN YÊU VÀ ƯỚC MUỐN CỦA ĐỐI TƯỢNG YÊU, ĐÓ LÀ HOÀN HẢO HÓA CẢ TÁC NHÂN YÊU VÀ ĐỐI TƯỢNG YÊU.
Tác nhân yêu được tình yêu hoàn hảo hóa ở chỗ trở nên phương tiện hữu hiệu nhất, thừa hành đắc lực nhất trong việc ban phát tình yêu.
Có thể nói, tác nhân yêu trở nên một với tình yêu thuần túy, một Tình Yêu Chân, Thiện, Mỹ để chia sẻ bản chất của Tình Yêu thuần túy và đích thực ấy cho đối tượng yêu.
Và cũng chỉ có Tình Yêu Chân Thiện Mỹ này mới có thể bù đắp tất cả những bất toàn, khiếm khuyết nơi đối tượng yêu, kể cả những bất nhân, bất nghĩa, thất trung, thất tín của đối tượng yêu trực tiếp đối với tác nhân yêu và gián tiếp đối với chính tình yêu.
Tâm trí của con người, dù mù tối và xấu xa mấy đi nữa, tự bản chất, vốn hướng về chân, thiện, mỹ là thực tại kiện toàn của con người họ và cũng là bản chất của tình yêu được tỏ ra nơi người yêu họ, làm sao không bị chinh phục bởi tình yêu trọn hảo này, để mà cải thiện và thăng tiến trong chân, thiện, mỹ.
CHIA SẺ NHƯ THẾ NÀO?
MỘT TÌNH YÊU HOÀN HẢO KHÔNG PHẢI CHỈ Ở TẠI NỘI DUNG CỦA NHỮNG GÌ NÓ CHIA SẺ THÔI, MÀ CÒN Ở TẠI CÁCH THỨC CHIA SẺ, CÁCH THỨC THÔNG BAN CỦA NÓ NỮA.
Nếu thông ban và chia sẻ với điều kiện và một cách giới hạn, tác động thông ban và chia sẻ này không bắt nguồn từ yêu thương, không đáng gọi là của yêu thương, mà là của công bằng và từ công bằng mà thôi.
Tôi cho anh, vì anh đã cho tôi trước, đó là trả ơn.
Tôi cho anh, vì anh có một cái gì xứng đáng, đó là tưởng thưởng.
Tôi cho anh, vì anh có gía trị lợi dụng đối với tôi, đó là đào mỏ.
Tôi cho anh, anh cũng phải cho tôi lại cái gì, bằng không, lần sau đừng hòng, đó là đòi hỏi.
Tôi cho anh, miễn là anh đừng làm phiền tôi hay tố cáo tôi, đó là bịt miệng.
Tôi cho anh, vì nể nang người khác, đó là gượng ép.
Tôi cho anh, kẻo anh buồn, đó là lo sợ.
v.v.
Vì hành động cho có tính cách vị kỷ và điều kiện hóa như vậy, nó cũng không thể nào cho một cách hết mình, trái lại, nó chỉ cho khi nào có lợi và cùng lắm cho bằng với mức độ được lợi mà thôi.
Thế nhưng, đối với Tình Yêu, cho là sở thích của Tình Yêu.
Càng cho mới càng thỏa.
Càng cho càng viên mãn.
Càng cho càng là Tình Yêu.
Nguyên lý và động lực cho, chia sẻ, thông ban của Tình Yêu là chính Tình Yêu, không phải một cái gì khác, tác nhân yêu, đối tượng yêu hay môi trường yêu.
Bởi thế,
Nhưng không và trọn vẹn là hai kiểu cách cho, chia sẻ, thông ban chính thức của Tình Yêu.
Chia sẻ một cách nhưng không:
Ở tại tính cách tự động, chủ động và linh động của Tình Yêu thuần túy nơi tác nhân yêu.
Trước khi cho,
Tác nhân yêu không cần đối tượng yêu phải xin xỏ, phải năn nỉ, phải ngỏ ý, phải cùng quẫn, phải cuống lên mới cho, trái lại, Tình Yêu của họ luôn sẵn sàng ban phát mình cho đối tượng yêu bất cứ lúc nào nó muốn qua việc thúc đẩy tác nhân yêu hiến thân, xả thân. Đó là chia sẻ một cách tự động.
Chính khi cho,
Dù đối tượng yêu có xứng hợp hoặc xứng đáng hay không đối với Tình Yêu, (hơn là đối với chính tác nhân yêu), kể cả trước khi, đang khi hay sau khi cho, đối tượng yêu cũng không thay đổi được quyền ban phát vô đối của Tình Yêu nơi tác nhân yêu. Đó là chia sẻ một cách chủ động.
Khi đã cho,
Tùy đối tượng yêu biết lợi dụng và sử dụng Tình Yêu đã được thông ban hay không từ tác nhân yêu, để nhờ mãnh lực vô địch của Tình Yêu đó mà đối tượng yêu phát triển, cho đến khi đạt được bản chất đích thực của Tình Yêu là Chân, Thiện, Mỹ. Đó là chia sẻ một cách linh động.
Chia sẻ một cách trọn vẹn:
Ở tại tính cách hoàn toàn nơi Tình Yêu và hoàn hảo nơi tác nhân yêu cũng như đối tượng yêu.
Chia sẻ một cách trọn vẹn ở tính cách hoàn toàn nơi Tình Yêu, đó là Tình Yêu cho đi tất cả những gì Tình Yêu có.
Tất cả những gì Tình Yêu có chính là bản chất Chân, Thiện, Mỹ của Tình Yêu.
Khuynh hướng, sở thích và khoái thú của Tình Yêu là cho đi, là thông ban, là chia sẻ. Nên, một khi đã chia sẻ, đã thông ban, đã cho đi, Tình Yêu không thể nào cầm hãm, giữ lại, rụt rè, lưỡng lự, nửa vời.
KHÔNG CHO THÌ KHÔNG PHẢI LÀ YÊU.
THÔI CHO THÌ KHÔNG CÒN LÀ YÊU.
Cho mà còn cảm thấy mất mát, thiệt thòi, tức cho vị kỷ theo kiểu thừa số: 1 - 1 = 0, chứ không phải cho vị tha theo kiểu thương số: 1/1 = 1.
Phần tác nhân yêu và đối tượng yêu là môi trường sinh động của Tình Yêu nhận được nhiều hay ít trong tổng số tất cả những gì được Tình Yêu thông ban cho đó, hoàn toàn tùy ở tầm mức và khả năng nhận lãnh của họ mà thôi.
Tầm mức hoàn hảo nơi tác nhân yêu, vật phát Tình Yêu, và nơi đối tượng yêu, vật nhận Tình Yêu, nói lên tính cách ban phát trọn vẹn của Tình Yêu.
Môi trường yêu thương là tác nhân yêu và đối tượng yêu càng hoàn hảo, càng hưởng trọn vẹn Tình Yêu, càng thông dự vào Tình Yêu, càng sống động như Tình Yêu và càng là hiện thân của Chân, Thiện, Mỹ, bản chất của Tình Yêu, tầm vóc viên mãn của họ.
Tầm vóc hoàn hảo của con người yêu, vật phát ra Tình Yêu ở tại họ không còn là chủ thể yêu nữa, mà là tác nhân yêu, là thừa hành của Tình Yêu, để có thể cho đi vô tận những gì mình không có, mà là Tình Yêu có.
9.
HIỆP NHẤT
Hiệp nhất là khuynh hướng và là tính chất thứ ba cũng là tính chất hoàn tất của tình yêu. Nếu tình yêu chỉ là một xu hướng hướng ngoại (vị tha) và chỉ biết cho đi (chia sẻ), tình yêu sẽ là một thừa thãi cần được vung vãi một cách bừa bãi. Như thế, dù bản tính của nó có Chân Thật như vị tha, có Thiện Hảo để chia sẻ, song không Mỹ Diệu trong hiệp nhất. Mà đã không hiệp nhất, Tình Yêu không còn là một bản tính duy nhất vô cùng trọn hảo nữa.
Thật vậy, tình yêu chẳng những là cho đi mà còn là thu phục, đúng hơn, cho đi để thu phục. Dù tình yêu, khi cho đi, không có ý vị kỷ như vậy, cho đi để đoạt chiếm lại, hoàn toàn ngược với tính chất hướng ngoại của mình, song, về phần đối tượng yêu, trước mãnh lực vô địch và tốt lành vô đối của tình yêu, càng bất toàn, đối tượng yêu lại càng dễ bị thu hút bởi tất cả những gì là Chân, Thiện, Mỹ được tỏ ra bởi tình yêu và từ tình yêu.
Hiệp nhất là tác dụng thần kỳ và là sứ mệnh tối thượng của tình yêu nơi môi trường yêu, làm cho cả tác nhân yêu và đối tượng yêu làm nên môi trường yêu hòa hợp với nhau, hiệp nhất với nhau, dù cả hai có những tương phản hay tương đồng, tương dị hay tương đương, về thể chất cũng như tinh thần.
Trước hết, tình yêu có thể làm cho tác nhân yêu và đối tượng yêu kết hiệp với nhau theo thể chất. Về tác động kết hợp theo thể chất này, chỉ có tình yêu phái tính, tình yêu hôn nhân, tiêu biểu nhất của tình yêu và cho tình yêu, mới có thể thực hiện được. Đó là tác động giao hợp giữa thân xác của một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, tự việc giao hợp giữa hai thân xác chưa hẳn đã là một tác động diễn đạt yêu thương của hai người khác phái tính nhau. Chẳng hạn trong trường hợp giao hợp vì bị cưỡng hiếp, kể cả trong trường hợp vợ chồng giao hợp vì gượng ép, một người hứng, một người không.
Trái lại, đã yêu thương nhau, nếu không bị bất lực về sinh lý, bao giờ cũng đưa đến tác động giao hợp theo thể chất này. Nhiều khi tình yêu có thể đam mê đến nỗi làm cho hai kẻ yêu nhau không thể giữ mình, vội vàng hiến thân cho nhau trước khi chính thức thành hôn hay bừa bãi ngoài phạm vi hôn nhân được phép của mình.
Tác động giao hợp thể chất bởi tình yêu thương nhau giữa hai người nam và nữ là mức độ hợp nhất đầu tiên của tình yêu. Tác động giao hợp do bản năng tình dục không phải là tác động hiệp nhất của tình yêu. Nó chỉ là một tác động đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu của bản năng như con vật, bởi thế, trên lãnh vực nhân bản, nó là một tác động vị kỷ, hơn là vị tha, hiến thân cho nhau. Dù sao đi nữa, tác động giao hợp bề ngoài nơi hai con người nam và nữ yêu thương nhau mới là một diễn đạt phần nào sự kết hợp sâu xa, chân thật và bền vững trong tinh thần mà thôi. Sự kết hợp bề ngoài này không thể liên lỉ kéo dài như không thể tách rời nhau, trái lại, nhiều khi nó còn làm cho hai đương sự cảm thấy bải hoải, mỏi mệt, mềm nhũn ngay sau giây phút kích ngất nhất của thể xác nữa là đàng khác. Do đó, sự kết hợp thể lý nơi hai con người yêu thương nhau theo phái tính của mình không phải là một sự kết hợp trọn vẹn và hoàn hảo, cho bằng sự kết hợp về phương diện tinh thần của họ.
Sự kết hợp về tinh thần giữa con người với nhau nói chung, và giữa hai vợ chồng nói riêng, mới là tâm điểm nhắm đến của tình yêu, và mới phản ảnh trọn vẹn hơn tính chất linh thiêng và mãnh lực vô địch của tình yêu. Sự kết hợp về tinh thần giữa hai người yêu nhau phản ảnh tính chất linh thiêng của tình yêu ở chỗ, nó làm cho hai con người đó, dù không mặt kề mặt, tay trong tay, chung chăn chung gối, vẫn có thể gần nhau được bằng tâm trí của họ. Không gian dù cách trở, thời gian dù xa xưa, cũng không chia cắt được sự quyến luyến và gắn bó nhau của họ. Tất cả hình ảnh và con người nhau luôn luôn sống động trong họ. Họ luôn luôn tưởng nhớ, nghĩ đến, lo cho nhau. Bởi thế, kể cả nhân gian cũng không thể phá đám sự kết hợp về phương diện tinh thần này của họ được. Nhân gian dù có đe dọa hay cản trở lại càng làm cho họ quấn chặt với nhau hơn. Nhân gian dù có quyến rũ và thu hút họ đi nữa, một khi tình yêu nhau nơi tâm trí của họ đã đầy, hình ảnh trong nhau vẫn thần tượng, cũng không thể nào làm sứt mẻ.
Nhân gian còn là chính đối tượng yêu, dù có tự thay đổi hay bị đổi thay đi nữa, tình yêu thuần túy trong tác nhân yêu vẫn hiến cho đối tượng yêu, hướng về đối tượng yêu, chờ đợi đối tượng yêu. Để rồi, khi sống bên nhau, họ kết hợp với nhau trong tinh thần ở chỗ, họ luôn luôn chú ý đến người yêu và làm theo ý của người yêu hơn là ý nghĩ, ý thích và ý muốn của họ. Có thể nói, ý của người yêu là ý của họ. Hạnh phúc của người yêu là sung sướng của họ. Đến nỗi, dù họ không được người yêu của họ đối xử với họ như họ đã đối xử với người họ yêu, người yêu của họ vẫn sống trong họ và họ vẫn sống cho người yêu. Tình yêu tự nó là một bản tính duy nhất, nên tình yêu cho đi và tình yêu nhận lại, đối với họ cũng chỉ là một. Nên, dù không được người yêu đáp lại tình yêu của mình, thì, tình yêu cho đi của họ, tự nó, cũng vẫn là một tình yêu trọn vẹn. Chính tình yêu này sẽ phản hồi, khi nó thu phục đối tượng yêu, làm cho đối tượng yêu quay về nguồn phát xuất Chân, Thiện, Mỹ là tác nhân yêu đích thực, một tác nhân yêu bằng một tình yêu thuần túy, một tình yêu nhưng không.
Khi con người đã kết hợp với nhau đến độ không còn lệ thuộc vào cả chính đối tượng yêu, thì tác nhân yêu không phải là kết hợp với đối tượng yêu cho bằng với chính tình yêu. Kết hợp với chính tình yêu mới là mức độ an toàn nhất và hoàn hảo nhất của tác nhân yêu. Nhờ kết hợp với tình yêu mà chính con người tác nhân yêu hiệp nhất với nhau trước tiên. Thân xác luôn luôn hợp với linh hồn, phần hạ hợp với phần thượng. Bằng không, tác nhân yêu sẽ không thể nào có thể hy sinh cho đối tượng yêu được. Do đó, phải nói rằng, khi yêu, tác nhân yêu bằng cả con người của mình, yêu hết lòng (bề trong, phần thượng) và hết sức (bề ngoài, phần hạ) của mình. Hơn nữa, một khi kết hợp với chính tình yêu, tác nhân yêu đã trở nên như tình yêu, sống động như tình yêu, có thể yêu hết mọi người như một và yêu một người như tất cả mọi người, và làm cho mọi sự được kết hợp với họ, hiện thân trung thực và tác nhân sống động của tình yêu, kiện toàn trong Chân, Thiện, Mỹ, bản tính của tình yêu cũng là bản tính của họ bấy giờ.
Tình yêu là một bản tính vô cùng viên mãn, đồng thời cũng là bản tính duy nhất là như thế. Tình yêu vô cùng viên mãn, nên tác nhân yêu cảm thấy hướng ngoại (vị tha) và cảm thấy hiến thân (chia sẻ) là vậy, kể cả những gì họ chưa có, không có hay tự mình không làm được. Thế mà, với tình yêu và trong tình yêu, nếu họ biết lột xác để hóa thân nên một với tình yêu, họ có thể làm và có thể có tất cả những gì mắt họ chưa hề thấy, tai họ chưa hề nghe, lòng họ chưa hề cảm. Bởi vì, lúc ấy, họ đã được siêu thoát ra khỏi bản thân bé nhỏ, bản ngã vị kỷ, và hữu thể hạn hẹp của họ, để trở thành vô biên, vô tận, vô cùng, bất biến và bất diệt như chính tình yêu. Và cũng chính lúc họ được siêu thoát, họ trở nên đơn thuần như thần linh như thế, họ đã có thể thẩm thấu tất cả và nên một với mọi sự. Thực tại hiệp nhất cuối cùng của tình yêu chính là ở chỗ này vậy.