Chương 9 

 

HIỆP NHẤT

 

 

 

Hiệp nhất là khuynh hướng và là tính chất thứ ba cũng là tính chất hoàn tất của tình yêu. Nếu tình yêu chỉ là một xu hướng hướng ngoại (vị tha) và chỉ biết cho đi (chia sẻ), tình yêu sẽ là một thừa thãi cần được vung vãi một cách bừa bãi. Như thế, dù bản tính của nó có Chân Thật như vị tha, có Thiện Hảo để chia sẻ, song không Mỹ Diệu trong hiệp nhất. Mà đã không hiệp nhất, Tình Yêu không còn là một bản tính duy nhất vô cùng trọn hảo nữa.

 

Thật vậy, tình yêu chẳng những là cho đi mà còn là thu phục, đúng hơn, cho đi để thu phục. Dù tình yêu, khi cho đi, không có ý vị kỷ như vậy, cho đi để đoạt chiếm lại, hoàn toàn ngược với tính chất hướng ngoại của mình, song, về phần đối tượng yêu, trước mãnh lực vô địch và tốt lành vô đối của tình yêu, càng bất toàn, đối tượng yêu lại càng dễ bị thu hút bởi tất cả những gì là Chân, Thiện, Mỹ được tỏ ra bởi tình yêu và từ tình yêu.

 

Hiệp nhất là tác dụng thần kỳ và là sứ mệnh tối thượng của tình yêu nơi môi trường yêu, làm cho cả tác nhân yêu và đối tượng yêu làm nên môi trường yêu hòa hợp với nhau, hiệp nhất với nhau, dù cả hai có những tương phản hay tương đồng, tương dị hay tương đương, về thể chất cũng như tinh thần.

 

Trước hết, tình yêu có thể làm cho tác nhân yêu và đối tượng yêu kết hiệp với nhau theo thể chất. Về tác động kết hợp theo thể chất này, chỉ có tình yêu phái tính, tình yêu hôn nhân, tiêu biểu nhất của tình yêu và cho tình yêu, mới có thể thực hiện được. Đó là tác động giao hợp giữa thân xác của một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, tự việc giao hợp giữa hai thân xác chưa hẳn đã là một tác động diễn đạt yêu thương của hai người khác phái tính nhau. Chẳng hạn trong trường hợp giao hợp vì bị cưỡng hiếp, kể cả trong trường hợp vợ chồng giao hợp vì gượng ép, một người hứng, một người không. Trái lại, đã yêu thương nhau, nếu không bị bất lực về sinh lý, bao giờ cũng đưa đến tác động giao hợp theo thể chất này. Nhiều khi tình yêu có thể đam mê đến nỗi làm cho hai kẻ yêu nhau không thể giữ mình, vội vàng hiến thân cho nhau trước khi chính thức thành hôn hay bừa bãi ngoài phạm vi hôn nhân được phép của mình.

 

Tác động giao hợp thể chất bởi tình yêu thương nhau giữa hai người nam và nữ là mức độ hợp nhất đầu tiên của tình yêu. Tác động giao hợp do bản năng tình dục không phải là tác động hiệp nhất của tình yêu. Nó chỉ là một tác động đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu của bản năng như con vật, bởi thế, trên lãnh vực nhân bản, nó là một tác động vị kỷ, hơn là vị tha, hiến thân cho nhau. Dù sao đi nữa, tác động giao hợp bề ngoài nơi hai con người nam và nữ yêu thương nhau mới là một diễn đạt phần nào sự kết hợp sâu xa, chân thật và bền vững trong tinh thần mà thôi. Sự kết hợp bề ngoài này không thể liên lỉ kéo dài như không thể tách rời nhau, trái lại, nhiều khi nó còn làm cho hai đương sự cảm thấy bải hoải, mỏi mệt, mềm nhũn ngay sau giây phút kích ngất nhất của thể xác nữa là đàng khác. Do đó, sự kết hợp thể lý nơi hai con người yêu thương nhau theo phái tính của mình không phải là một sự kết hợp trọn vẹn và hoàn hảo, cho bằng sự kết hợp về phương diện tinh thần của họ.

 

Sự kết hợp về tinh thần giữa con người với nhau nói chung, và giữa hai vợ chồng nói riêng, mới là tâm điểm nhắm đến của tình yêu, và mới phản ảnh trọn vẹn hơn tính chất linh thiêng và mãnh lực vô địch của tình yêu. Sự kết hợp về tinh thần giữa hai người yêu nhau phản ảnh tính chất linh thiêng của tình yêu ở chỗ, nó làm cho hai con người đó, dù không mặt kề mặt, tay trong tay, chung chăn chung gối, vẫn có thể gần nhau được bằng tâm trí của họ. Không gian dù cách trở, thời gian dù xa xưa, cũng không chia cắt được sự quyến luyến và gắn bó nhau của họ. Tất cả hình ảnh và con người nhau luôn luôn sống

động trong họ. Họ luôn luôn tưởng nhớ, nghĩ đến, lo cho nhau. Bởi thế, kể cả nhân gian cũng không thể phá đám sự kết hợp về phương diện tinh thần này của họ được. Nhân gian dù có đe dọa hay cản trở lại càng làm cho họ quấn chặt với nhau hơn. Nhân gian dù có quyến rũ và thu hút họ đi nữa, một khi tình yêu nhau nơi tâm trí của họ đã đầy, hình ảnh trong nhau vẫn thần tượng, cũng không thể nào làm sứt mẻ.

 

Nhân gian còn là chính đối tượng yêu, dù có tự thay đổi hay bị đổi thay đi nữa, tình yêu thuần túy trong tác nhân yêu vẫn hiến cho đối tượng yêu, hướng về đối tượng yêu, chờ đợi đối tượng yêu. Để rồi, khi sống bên nhau, họ kết hợp với nhau trong tinh thần ở chỗ, họ luôn luôn chú ý đến người yêu và làm theo ý của người yêu hơn là ý nghĩ, ý thích và ý muốn của họ. Có thể nói, ý của người yêu là ý của họ. Hạnh phúc của người yêu là sung sướng của họ. Đến nỗi, dù họ không được người yêu của họ đối xử với họ như họ đã đối xử với người họ yêu, người yêu của họ vẫn sống trong họ và họ vẫn sống cho người yêu. Tình yêu tự nó là một bản tính duy nhất, nên tình yêu cho đi và tình yêu nhận lại, đối với họ cũng chỉ là một. Nên, dù không được người yêu đáp lại tình yêu của mình, thì, tình yêu cho đi của họ, tự nó, cũng vẫn là một tình yêu trọn vẹn. Chính tình yêu này sẽ phản hồi, khi nó thu phục đối tượng yêu, làm cho đối tượng yêu quay về nguồn phát xuất Chân, Thiện, Mỹ là tác nhân yêu đích thực, một tác nhân yêu bằng một tình yêu thuần túy, một tình yêu nhưng không.

 

Khi con người đã kết hợp với nhau đến độ không còn lệ thuộc vào cả chính đối tượng yêu, thì tác nhân yêu không phải là kết hợp với đối tượng yêu cho bằng với chính tình yêu. Kết hợp với chính tình yêu mới là mức độ an toàn nhất và hoàn hảo nhất của tác nhân yêu. Nhờ kết hợp với tình yêu mà chính con người tác nhân yêu hiệp nhất với nhau trước tiên. Thân xác luôn luôn hợp với linh hồn, phần hạ hợp với phần thượng. Bằng không, tác nhân yêu sẽ không thể nào có thể hy sinh cho đối tượng yêu được. Do đó, phải nói rằng, khi yêu, tác nhân yêu bằng cả con người của mình, yêu hết lòng (bề trong, phần thượng) và hết sức (bề ngoài, phần hạ) của mình. Hơn nữa, một khi kết hợp với chính tình yêu, tác nhân yêu đã trở nên như tình yêu, sống động như tình yêu, có thể yêu hết mọi người như một và yêu một người như tất cả mọi người, và làm cho mọi sự được kết hợp với họ, hiện thân trung thực và tác nhân sống động của tình yêu, kiện toàn trong Chân, Thiện, Mỹ, bản tính của tình yêu cũng là bản tính của họ bấy giờ.

 

Tình yêu là một bản tính vô cùng viên mãn, đồng thời cũng là bản tính duy nhất là như thế. Tình yêu vô cùng viên mãn, nên tác nhân yêu cảm thấy hướng ngoại (vị tha) và cảm thấy hiến thân (chia sẻ) là vậy, kể cả những gì họ chưa có, không có hay tự mình không làm được. Thế mà, với tình yêu và trong tình yêu, nếu họ biết lột xác để hóa thân nên một với tình yêu, họ có thể làm và có thể có tất cả những gì mắt họ chưa hề thấy, tai họ chưa hề nghe, lòng họ chưa hề cảm. Bởi vì, lúc ấy, họ đã được siêu thoát ra khỏi bản thân bé nhỏ, bản ngã vị kỷ, và hữu thể hạn hẹp của họ, để trở thành vô biên, vô tận, vô cùng, bất biến và bất diệt như chính tình yêu. Và cũng chính lúc họ được siêu thoát, họ trở nên đơn thuần như thần linh như thế, họ đã có thể thẩm thấu tất cả và nên một với mọi sự. Thực tại hiệp nhất cuối cùng của tình yêu chính là ở chỗ này vậy.