Vấn Đề Tử Đạo Kitô Giáo với Chủ Nghĩa Bảo Thủ Hồi Giáo

 

 

 

Tờ nhật báo Ý Avvenire đã phỏng vấn tác giả Robert Royal, người viết cuốn “Những Vị Tử Đạo Công Giáo Thế Kỷ 20” xuất bản năm 2002, cũng là vị đương kim chủ tịch của Học Viện Đức Tin và Lý Trí có trụ sở đặt ở Washington DC.

 

Theo vị này thì thủ phạm chính yếu ở đằng sau những cuộc tử đạo Kitô Giáo này như đang được chuyển từ các ý hệ của những năm đã qua sang chủ nghĩa bảo thủ Hồi Giáo ngày nay. Điển hình nhất là vụ một thanh thiếu niên Hồi Giáo đã bắn chết vị linh mục thừa sai người Ý hôm Chúa Nhật 5/2/2005, và thú nhận rằng em làm như thế là bởi vì bộ biếm họa Tây Phương đã phỉ báng giáo tổ Hồi Giáo.

 

Vấn:     Tác động nào đã khiến ông nói tới “các vị tử đạo” cho công chúng đương thời?  

 

Đáp:    Đây là một quan niệm khó hiểu, ngay cả đối với người Công Giáo. Nó được cho là những gì chỉ có thể xẩy ra vào những thời buổi của thành phần Kitô hữu tiên khởi, ở Pháp Trường, và là những gì không còn xẩy ra nữa. Thế nhưng, về số lượng thì việc tử đạo chưa bao giờ lại trở nên thịnh hành như thế.

 

Vấn:     Điều gì khiến nó lại có thể xẩy ra ngày hôm nay đây?

 

Đáp:    Trong tác phẩm của mình, tôi đã cho thấy bản chất ý hệ của thế kỷ vừa qua. Thế nhưng, mới đây tôi nhận thấy một khuynh hướng đáng lo ngại có lẽ trong vòng một năm thôi sẽ sáng tỏ tất cả tính cách trầm trọng của nó.

 

Đó là nỗi bất mãn oán hận của nhiều thành phần bảo thủ Hồi Giáo đối với những người Tây Phương,  cùng với việc nhiều nhà lãnh đạo và chế độ cực đoan thả lỏng cho nỗi uất hận này bừng lên.


Vấn:     Ông có thể nêu lên một thí dụ được chăng?

 

Đáp:    Hãy nhìn vào chính Thổ Nhĩ Kỳ. Nó luôn là một địa điểm nguy hiểm cho các vị linh mục Công Giáo. Mặc dù nước này cho rằng mình là một chế độ trần thế nhưng thực ra họ đã tỏ ra rất kém trong việc chấp nhận thành phần Kitô Hữu.

 

Bởi thế tôi không lạ gì Thổ Nhĩ Kỳ đã là hiện trường của cuộc ám sát Cha Santoro. Thế nhưng, vụ này cho thấy một loại thoái hóa đối với những gì chúng ta sẽ thấy tiếp tục xẩy ra trong những ngày tới đây, vì tình trạng căng thẳng giữa Đông và Tây.

 

Nó cho thấy rằng có nhiều tay cuồng tín, ở trường hợp này là những người Hồi Giáo, sẵn sàng sử dụng bạo lực khi xẩy ra chút xíu va chạm.


Vấn:     Mối căng thẳng này được bắt đầu mãi từ hồi nào? Phải chăng trước ngày 11/9/2001 và cuộc xâm chiếm Iraq?

 

Đáp:    Theo tôi nghĩ thì đúng là thế. Một thí dụ điển hình đó là cuộc sát hại vị giám mục giáo phận Faisalabad ở Pakistan là John Joseph, vị đã chết trong một hoàn cảnh bí mật vào tháng 5/1998, một án mạng cho thấy cái nhãn quan bảo thủ thường xuyên hơn bao giờ hết của người Hồi Giáo đối với thành phần Tây Phương, làm cho những người Hồi Giáo hầu như không thể nào tìm được việc làm hay tham gia vào cuộc sống quần chúng, do đó đã tạo nên một bầu khí hợp lệ cho vấn đề bách hại của họ.

 

Nó là một hình thức cưỡng buộc Hồi Giáo hóa, một hình thức của chiến dịch “thanh tẩy tôn giáo” giờ đây trở thành thông dụng ở nhiều quốc gia Hồi Giáo.

 

Không phải là tất cả mọi học giả thông thạo Sách Kinh Koran và đạo Hồi Giáo đều biện minh cho nó, thế nhưng áp lực của thành phần bảo thủ trở thành mãnh liệt hơn bao giờ hết.

 

Chỉ cần nghĩ rằng có một số quốc gia Hồi Giáo đã chính thức yêu cầu Liên Hiệp Quốc cấm các nhóm bênh vực nhân quyền sử dụng chữ “Hồi Giáo hóa”.


Vấn:     Những xứ sở nào Kitô hữu bị nguy hiểm nhất?

 

Đáp:    Chắc chắn là Saudi Arabia, một nước thậm chí còn khắt khe hơn cả Pakistan. Tất cả mọi bày tỏ công khai về niệm tin Kitô Giáo đều bị cấm chỉ, và theo lý thuyết thì người ta có thể bị bắt nhốt khi cầu nguyện tại gia của họ.

 

Chẳng hạn vào lúc những người Hoa Kỳ ở Saudi Arabia trong Trận Chiến Vùng Vịnh đầu tiên, họ được lệnh không cầu nguyện trước khi xuất trận. Ở đó, cũng như ở bất cứ nơi nào trên thế giới Hồi Giáo, một người Hồi Giáo nào mà trở lại với Kitô Giáo thì có thể bị trừng phạt bỏ mạng.

 

Thế nhưng, các quyền lợi của người Kitô hữu lại thường bị vi phạm, bởi luật pháp, như ở Kuwait, Qatar, Oman, Tiểu Vương Quốc Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ. Và những sự việc đã trở thành tệ hại hơn nữa. Chẳng hạn như tôi thấy xẩy ra những cuộc bùng nổ bạo động chống Kitô hữu ở Ai Cập, dĩ nhiên, chưa kể tới Iraq.


Vấn:     Vậy ông có nghĩ là trong những năm tháng tới đây việc tử đạo của Kitô hữu sẽ xẩy ra thường xuyên hơn ở thế giới Ả Rập Hồi Giáo hay chăng?

 

Đáp:    Cũng xẩy ra cả ở Trung Quốc và Bắc Hàn nữa, và những cuộc đe dọa xẩy ra cả ở chính các quốc gia Tây Phương. Ở nhiều các quốc gia Âu Châu, chúng ta đang chứng kiến thấy thực sự xuất phát những phong trào chống Kitô Giáo và chống tôn giáo có thể là rất dữ dội.

 

Cũng không được quên rằng ở thế giới Hồi Giáo cũng gia tăng các cơ hội đối thoại nữa. Thế nhưng, vấn đề ở đây là rất khó đối thoại, cuộc đối thoại liên lỉ đụng độ với quyết tâm của các chế độ muốn khai thác bất cứ cơ hội nào để thúc đẩy quần chúng vào cuộc bạo động chống Tây Phương.


Vấn:     Theo ông thì cái hận thù nơi các xứ sở ấy nhắm vào thành phần Kitô hữu như vậy hay vào người Tây Phương?

 

Đáp:    Ở nhiều quốc gia thuộc thế giới Hồi Giáo thì không có vấn đề phân biệt như vậy. Cảm giác chống Tây Phương bao gồm những người Hoa Kỳ và Âu Châu, Do Thái và Kitô Hữu.

 

Vị tu sĩ như Cha Santoro được coi như đại diện cho các chính phủ Tây Phương, cũng giống như ở thế giới Hồi Giáo thì tôn giáo và chính trị chỉ là một.

Nó là một thứ hận thù xuất phát từ một thứ cảm giác hết sức nhục nhã bắt nguồn ở lịch sử của thế kỷ vừa qua liên quan tới Thế Chiến Thứ Nhất.

 

Thế nhưng, giờ đây mối uất hận này trở nên dữ dội. Dĩ nhiên là có nhiều lý do cho thấy tư cách của Tây Phương liên quan tới Trung Đông. Thế nhưng, vấn đề khác nhau là ở chỗ trong khi Kitô hữu sẵn sàng đối thoại thì ở nhiều quốc gia Hồi Giáo bầu khí lại hết sức bị đầu độc không thể thực hiện một cuộc chân tình đối chất về bình đẳng.

 

Chỉ cần nói rằng, mặc dù những tấm biếm họa về Mohammed thật sự là những gì lộng ngôn phạm thượng đối với một người Hồi Giáo, những tấm hí họa cùng với những bài viết chống Kitô Giáo và Do Thái đang là những gì thường tình xẩy ra ngày nay nơi các tờ nhật báo Ả Rập. Thế nhưng lại rất ít người tỏ ra sẵn sàng nhìn nhận điều ấy.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 13/2/2006