HÀNH TRÌNH VIỆT NAM
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Ấn Tượng Việt Nam
Hành trình Việt Nam! Trước đây chưa một lần thực hiện… Không phải vì đã mất gốc. Không phải vì sợ mang tiếng tài trợ cho cộng sản Việt Nam. Không phải vì thân nhân ruột thịt đã được đoàn tụ gia đình theo diện ODP trước cả thời điểm Người Việt Hải Ngoại từ số phận Ngụy thành Khúc Ruột Nối Dài để có thể bắt đầu về thăm quê hương đất nước. Không phải vì không đủ phương tiện tài chính v.v. Mà chính vì chưa tới thời điểm.
Phải, vị linh hướng duy nhất muôn vàn đáng kính đáng mến của tôi năm nay đúng 100 tuổi (1906-2006). Không có ngài, tôi chắc chắn không có ngày hôm nay. Không biết sống đạo là gì. Không được một gia đình như bây giờ. Đó là lý do chính yếu khiến tôi dẫn cả gia đình về kính thăm ngài và chúc mừng bách niên giai lão của ngài. Tiện thể, chúng tôi thăm quê hương sau 31 năm xa cách, nhất là đến những nơi tinh thần tông đồ thúc đẩy chúng tôi đến để chia sẻ vật chất của mình với họ, và đặc biệt cho 3 đứa con sinh tại Mỹ đã đến tuổi trưởng thành của chúng tôi biết được nguyên quán Việt Nam của chúng.
Thế là chuyến xuyên Việt của chúng tôi được thực hiện, 3 tuần lễ (20/6-11/7/2006), “từ bắc vô nam”. Năm 1954, tôi đã cùng cha mẹ “từ bắc vô nam”, ở phi trường Gia Lâm. Năm mươi hai năm sau tôi đã đáp xuống phi trường Nội Bài cũng ở Bắc Việt. Năm 1975, một người tị nạn Việt Nam như tôi đã lênh đênh trên biển cả 9 ngày trời, từ hải phận quốc tế ngoài khơi Việt Nam sang tới Đảo Guam của Mỹ quốc vào ngày 9/5, và sau khi ở Wake Island 2 tháng rưỡi (10/5-25/7), và ở trại tạm cư Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas, 2 tuần (25/7-8/8) đã được xe buýt đưa về sống đời tha hương ở Carthage, tiểu bang Missouri. Ba mươi mốt năm sau, một người Việt kiều như tôi đã bay về nước, và được một hãng du lịch đưa đi thăm chẳng những các danh lam thắng cảnh Việt Nam tôi chưa từng thấy, mà còn tìm lại dấu vết thân thương riêng tư của chúng tôi trước khi rời bỏ Việt Nam.
Qua những gì được thấy tận mắt, được nghe tận tai, được nếm tận lưỡi, được hưởng tận nguồn, được thấu tận tâm, trong chuyến rảo bước tái ngộ quê hương lần đầu tiên này, riêng tôi đã có được một Ấn Tượng Việt Nam, một ấn tượng đã ghi khắc sâu xa trong tâm hồn tôi, đến nỗi, như tôi đã chia sẻ với những người hỏi tôi về chuyến đi của tôi, là lòng tôi vẫn còn ở Việt Nam! Cái Ấn Tượng Việt Nam này đã càng làm tôi bồi hồi xót xa, nhất là lúc tôi ra phi trường lên máy bay từ giã quê hương yêu dấu của mình một lần nữa. Đến nỗi, tôi cảm thấy thổn thức khôn nguôi, cho đến khi tôi phải tạm bày tỏ nó ra trên mặt giấy, trên chuyến bay về Mỹ (từ Sài Gòn đến Hồng Kông và từ Hồng Kông đến Los Angeles), vượt qua tất cả 8.183 dặm hay 13.162 cây số, kéo dài 16 tiếng đồng hồ.
|
Cái hình ảnh sâu đậm nhất về Việt Nam vẫn còn theo đuổi tôi cho đến nay, và đã trở thành biểu hiệu cho cái Ấn Tượng Việt Nam trong tôi, đó là hình ảnh một nước Việt Nam hầu như toàn là xe “mô-tô”. Nhất là ở đường phố Hà Nội và Sài Gòn. Những chiếc xe mô-tô chạy ồ ạt, chạy loạn xạ, chạy đâm đầu vào nhau, chạy xoẹt qua mặt nhau, chạy chen lấn nhau, chạy không cho ai qua đường v.v. Đúng thế, Việt Nam quê hương tôi, trước con mắt của một người Việt kiều như tôi, sau 31 năm tái ngộ, chẳng khác gì như một đàn chiên không chủ chăn về phương diện chính trị. Vâng, Ấn Tượng Việt Nam trong tôi đó là một nước Việt Nam cần có một vị chủ chiên. Chính vì thế, ngay từ khi Ấn Tượng Việt Nam này từ từ hiện hình nơi tôi trong chuyến xuyên Việt vừa rồi, tôi càng thiết tha khẩn cầu hơn cho quê hương tôi, cho dân tộc tôi, sớm được Đấng Quan Phòng Thần Linh là Chúa của lịch sử sai đến đất nước tang thương rách nát, bần cùng, hết sức tội nghiệp đáng thương của tôi, đang gắng gượng chỗi dậy về kinh tế, một Gioan Phaolô II và một Mikhail Gobarchev Việt Nam, để một Đông Âu sụp đổ không đổ máu năm 1989, và một Liên Sô giải thể tốt đẹp năm 1991, được mau chóng tái diễn ở Việt Nam.
Nghèo Nàn Khổ Sở
Trước hết, nơi Ấn Tượng Việt Nam như đàn chiên không chủ chăn này trong tôi ấy, tôi đã thấy dân tộc tôi long đong lận đận quá sức. Trước khi rời Việt Nam về Mỹ hai ngày, tôi đã đến thăm một gia đình thật là giầu có ở Phú Nhuận, với căn nhà trị giá 400 ngàn Mỹ Kim nhiều năm trước đây, còn đắt hơn cả căn nhà của tôi đang ở Hoa Kỳ hiện nay, mới mua cuối năm 2000. Người chồng đã từng xuất ngoại trên 20 quốc gia. Tủ kính ở phòng khách trưng bày đầy những kỷ vật bốn phương. Tôi cũng có thấy những dinh thự khá sang trọng và độ sộ của tư nhân ở Hà Nội và Sài Gòn.
|
Thế nhưng, đấy chỉ là những đốm sáng trong một bầu trời đen tối nghèo nàn. Cũng vào mấy ngày cuối trước khi về lại Mỹ, tôi cũng đến thăm một thân nhân ở khu Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn. Gia đình 6 người lớn này được xây dựng trên vùng bùn lầy. Nhà thật là chật chội. Không cửa sổ. Ba chiếc xe mô-tô phải đậu ở ngay giữa nhà. Tối mới dám lên gác mở quạt ngủ không giường. Tất cả diện tích không bằng garage 3 xe của nhà tôi. Tôi đã thấy còn những căn nhà tranh vách đất và nhà tranh vách lá hơn một nửa thế kỷ trước đây, trên đoạn đường từ Sapa lên Bắc Hà thuộc miền thượng du Bắc phần.
|
Tôi đã thấy những thửa ruộng với những con người gò lưng cấy lúa hay nhổ mạ, thậm chí cầy ruộng bằng những con trâu con bò, trên đường từ Hà Nội đi Hạ Long. Tôi đã thấy khu chợ Bắc Hà ở miền thượng du Bắc Việt, hôi hám, bụi bặm, bẩn thỉu, có người ngồi bán mấy nhánh tỏi, vài trái ớt và dăm thứ rau, không biết có được nửa Mỹ Kim một buổi họp chợ như vậy hay chăng. Tôi đã thấy khu chợ nổi ở nhánh Tiền Giang thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, đầy những chiếc thuyền bán trái cây, ngũ cốc, rau cỏ, từ các nơi tụ về. Tôi đã thấy những phụ nữ chèo thuyền bán rong trên biển, ghé vào chiếc du thuyền từ Hạ Long sang Cát Bà của nhóm du lịch chúng tôi.
|
Tôi đã hết sức xót xa trông thấy một em gái khoảng 9-10 tuổi, trong số những người phụ nữ bán rong trên biển ấy; đối với tôi, em chẳng chẳng khác gì như một con chim trong lồng, cho dù cái lồng chim thiên nhiên Hạ Long, với cả 3.000 thạch đảo, bao chiếm một vùng biển rộng 3.880 cây số, có được kể từ năm 1994 là di sản của thế giới đi nữa, cũng chỉ là những gì che khuất chân trời tương lai của em. Tôi đã thấy một trường học nhỏ xíu trên biển, được thiết lập cho nhóm các gia đình sống từng chùm trên biển. Tôi đã nghe một em trai, cũng khoảng 9 hay 10 tuổi, ở bến xe và bến đò đưa đón khách tham quan Động Phong Nha, Tỉnh Quảng Bình, đã năn nỉ khách du lịch mua cho em một tập ảnh Phong Nha, 10 tấm, 10.000 đồng Việt Nam (khoảng 60 cents Mỹ), với những lời lẽ đứt ruột như sau: “Làm ơn mua cho con một bộ để con lấy tiền mua sách học”.
|
Tôi đã thấy đầy những anh xe thồ (hay xe ôm) săn đón, ngay trước mỗi khách sạn tôi ở, mời mọc để chở khách du lịch đi đây đi đó bằng chiếc xe mô-tô của họ, mỗi chuyến trung bình là 10.000 đồng Việt Nam, và mỗi ngày may mắn được 5 hay 6 chuyến, tức được khoảng 3 Mỹ Kim một ngày, một tháng quãng 100 Mỹ Kim. Tôi đã nghe các giáo viên ở Phan Rang cho biết, lương tháng của họ chỉ được tương đương với 100 Mỹ Kim. Tôi đã được các người tài xế du lịch cho biết lương của họ khá lắm vào khoảng tương đương từ 100 đến 150 Mỹ Kim một tháng.
|
Tôi đã nghe một người đầu bếp ở một khách sạn sang trọng tại Sài Gòn cho biết lương của anh hằng tháng tương đương với 100 Mỹ Kim. Tôi đã nghe tâm sự của một người canh gác (security officer), ở khu nghỉ mát Đen Giòn Ninh Chữ thuộc thị xã Phan Rang tỉnh Ninh Thuận, về số lương 12 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần là 500.000 đồng Việt Nam, tương đương với 30 Mỹ Kim, tức mỗi ngày 1 Mỹ kim. Tôi thấy những người đánh giầy ở khu vực nhà ga Lào Cai thuộc miền thượng du Bắc phần, cắm cúi ngồi lau giầy cho khách du lịch, 5.000 đồng Việt Nam (hay 30 cents Mỹ) một đôi, mỗi ngày may mắn kiếm được số tiến tương đương với hai hay ba Mỹ kim.
Bản Sắc Quê Hương
|
Thế nhưng, cho dù nghèo nàn mấy đi chăng nữa, tôi cũng chỉ thấy một số rất ít người dân tôi đi “ăn xin”, ngoài mấy người tôi gặp, vì tật nguyền quả thực không còn làm gì được nữa mới đành vuốt mặt làm như thế. Bởi thế, tôi rất hãnh diện về tinh thần tự lực mưu sinh của dân tôi. Cho dù có phải đội thúng cát để xây cất trên đầu, rất nặng nề mệt nhọc, từ thuyền lên bờ như ở bến cảng Cát Bà, hay từ đồi xuống thung lũng, như ở Saba, không biết có được lấy một Mỹ kim một ngày hay chăng, song tôi cũng không thấy một người dân tôi lành lặn nào ở Việt Nam đứng đường “ăn xin” như ở Mỹ, vùng Los Angeles và Orange County California chẳng hạn, hầu như toàn Mỹ trắng, với tờ giấy giơ lên “work for food”. Trái lại, tôi đã gặp 2 em gái Hmong ở Saba, nhất định không lấy tiền cho không, mà chỉ lấy tiền bán đồ của các em mà thôi.
Thậm chí tôi cũng chẳng thấy, hoặc chưa thấy, những vụ cướp giật ngoài đường, suốt chuyến xuyên Việt của tôi. Trước khi về thăm quê hương, tôi đã được không ít người cảnh giác về tình trạng trộm cướp ở Việt Nam, nhất là nơi các thành phố. Họ khuyên chúng tôi mua sắm những thừ đeo cổ hay đeo bụng. Họ chỉ cho chúng tôi cách thức giấu tiền, giấu giấy tờ. Họ dặn chúng tôi đừng đi sát người nào hay để người nào đi sát mình. Đừng mở bóp hay ví trước mặt người khác v.v. Tôi cũng có nghe nói tới nạn mãi dâm trắng trợn và khiếp đảm ở các bờ biển nổi tiếng, như Đồ Sơn Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, và Vũng Tầu, cả 4 nơi tôi đều tới, nhưng chỉ chứng kiến, từ trên sân thượng lầu hai của khách sạn Cap Saint Jacques, một cảnh nam đánh nữ ở lề đường ven bãi biển của bãi sau Vũng Tầu vào đêm 6/7 mà thôi.
Trong chuyến xuyên Việt, tôi thấy ở bên đường, có những tấm bảng kêu gọi sử dụng bao cao su làm tình để tránh hội chứng liệt kháng, và kêu gọi mỗi gia đình chỉ được có một hay hai đứa con. Trái lại, tôi cũng thấy dân tôi rủ nhau làm đám cưới, linh đình lập gia đình. Vào hai ngày Thứ Bảy, một ở khách sạn Hải Yến Nha Trang, và một ở khách sạn Kim Đô Sài Gòn, tôi thấy hai đám cưới. Cũng trưng hình cô dâu chú rễ, như ở Mỹ, ngay trước cửa phòng tiệc. Cũng hát những bài tình ca, như ở Mỹ, như bài 60 năm cuộc đời hay bài đám cưới miền quê v.v. Hôm Chúa Nhật 9/7, ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng Sài Gòn, sau Thánh Lễ 8 giờ sáng, tôi thấy nhà thờ sửa soạn cho một lễ cưới tập thể 4 cặp sau đó.
Dù không có thống kê trong tay, tôi vẫn không tin dân tôi ly dị và phá thai nhiều như ở Mỹ. Tôi đã thấy một em người dân tộc Hmong ở Saba, chạc tuổi thiếu niên, đang ngồi trước nhà, vạch vú cho con bú một cách tự nhiên. Cách đây mấy năm, tôi đã nghe một người mẹ có con là thân chủ hơi bị chậm phát triển của tôi kể rằng, chị đã rủ một em Hmong dễ thương sang Mỹ để làm vợ đứa con này của chị, nhưng em đã khẳng khái từ chối, chỉ muốn ở lại bản (buôn/làng) với gia đình và họ hàng nghèo khổ của em. Nếu các em thanh thiếu nữ Việt Nam sống ở miền quê của tôi, ai cũng như người con gái Hmong ấy, hay như hai em Hmong cho tiền cũng không lấy kia, thì đâu còn nạn “dấn thân” đi làm vợ ngoại kiều ở Đại Hàn và Đài Loan, vô cùng thảm thương, như tôi vẫn thường nghe thấy tin tức ở Mỹ. Tuy nhiên, đó cũng là một hiện tượng cho thấy dân nước tôi như chiên thiếu chủ chăn vậy!
|
Dầu sao tôi cũng lấy làm hãnh diện, mặc dù không có chủ chăn, dân tôi vẫn cần cù sống, vẫn lam lũ sống, tay làm hàm nhai, ít thấy cảnh ăn xin, và chưa thấy cảnh cướp giật như tin đồn. Tôi còn hãnh diện hơn nữa khi chứng kiến thấy cái tài tiểu công nghệ khéo léo của dân tôi. Ở Phố Cổ Hội An Đà Nẵng, trong một khu vực xe ô-tô và mô-tô không được phép chạy ồn ào vào ngày Thứ Bảy, tại xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ, tôi đã thấy một chị ngồi sử dụng mấy ngón tay, với một bộ phận máy xoay xoay, để làm một bộ ly tách và ấm uống trà trong vòng mấy phút, và thấy một anh ngồi đục khoét một gốc tre tua tủa rễ để làm đầu ông thọ, trông rất ư là truyền thần! Cũng ở khu Phố Cổ Hội An này, tại một xưởng tiểu công nghệ khác, tôi được hướng dẫn chẳng những xem cách dệt tơ kết sợi, từ lúc con tằm ăn dâu nhả tơ, đến khi thành những loại vải vóc, mà còn thấy những bàn tay khéo léo của các em nữ nhi dùng chỉ thêu thùa thành những tác phẩm nghệ thuật sống động.
|
Cũng ở Đà Nẵng, tôi đã đến thăm khu Ngũ Hành Sơn, ngoài thắng cảnh 5 ngọn núi, còn là một nơi qui tụ các xưởng tiệm làm tượng đá, những pho tượng đá đủ kiểu, đủ cỡ, cả về nghệ thuật lẫn tôn giáo, rất đáng được trưng bày ở những đền chùa, thánh đường hay các ngôi nhà sang trọng. Bên bờ sông Tiền Giang, tôi đã ghé đến Lò Cốm Cửu Long gần khu chợ nổi, và thấy cách thức những hạt thóc được rang với cát nóng, nở ra thành những vụn cốm trắng, cho đến khi thành kẹo cốm và được cho vào bao nhựa. Ở đây, tôi còn thấy người ta làm bánh tráng, làm nón lá, làm nhãn xấy. Ở Đà Lạt, ghé thăm XQ Sử Quán, tôi đã ngất ngây trước những bức tranh thêu tuyệt mỹ, tuyệt kỷ, cả những bức truyền thần thật là sống động, lẫn những bức tranh đồng quê thật là truyền cảm.
|
Ngoài kỹ thuật và nghệ thuật tài khéo của dân tôi trên đây, tôi còn được thưởng thức các thứ nghệ thuật trình diễn đầy mầu sắc dân tộc nữa. Ở trung tâm giải trí Hàm Rồng Sapa Bắc Việt, trong vòng 45 phút đồng hồ, tôi đã thưởng thức đủ thứ vũ điệu của các thành phần dân tộc thiểu số thuộc vùng thượng du ở quê hương tôi. Rất dễ thương. Rất duyên dáng. Ở Huế, trên sông Hương, tôi đã được nghe hát hò và đàn ca thật chính gốc Huế, chưa bao giờ thấy, suốt 1 tiếng đồng hồ. Tôi cảm thấy văn hóa Việt Nam cô đọng đâu đây, đêm hôm ấy. Ở Cù Lao Minh, từ Cái Bè sang Vĩnh Long, tôi còn được thưởng thức những giọng ca, tiếng hát, điệu đàn. Thuần túy miền Nam. Thật xúc động. Nhất là ở vở bi kịch vọng cổ ép duyên kết thúc. Thành phần nữ giới trong nhóm của tôi đã không cầm được giọt lệ. Phải chăng dân nước tôi cũng đang bị ép duyên, sống với một người chồng “vô duyên đối diện bất tương phùng”?!
|
Chưa hết, tính chất và bản sắc văn hóa dân tộc bốn ngàn năm văn hiến của tôi còn được bộc lộ và thể hiện qua các món ăn thức uống nữa. Phải thú thật, suốt cả cuộc đời gần lục tuần của mình, chưa bao giờ, trong gần ba tuần lễ liền, tôi đã được ăn uống thịnh soạn như thế. Cho dù 3 tháng sống đời tị nạn năm 1975 (10/5-8/8) trước khi được định cư tại Hoa Kỳ, tuy thảnh thơi xơi nước, chỉ ăn chơi nói chuyện suốt ngày chẳng làm gì, ngoài việc chính yếu là xếp hàng ba bữa, cũng không bằng 3 tuần du lịch Việt Nam 2006. Với bữa điểm tâm với mấy chục món, ăn theo kiểu buffet, tha hồ chọn, trong đó hầu như bao giờ cũng có cả các món chính như sôi, phở, bánh cuốn, bánh mì v.v. Với bữa trưa và tối, bữa nào cũng gần cả chục món, toàn là các món đặc sản quê hương ở mỗi địa phương. Ăn không hết. Nhớ không nổi. Cũng cá, thịt, tôm, cua, rau, trái v.v. nhưng mỗi miền, mỗi nơi làm một kiểu, nấu một cách. Thật là đặc sản. Thật là đặc thù. Chưa từng thấy. Chỉ biết rằng ngon thật là ngon. Lạ thật lạ.
|
Qua dịp này, ở Đà Lạt, tôi mới được nếm thử món ếch chiên và heo rừng, ở Bảo Lộc món thỏ, và ở Sài Gòn món nai. Món thịt chó tôi thấy đầy giẫy ở các tiệm miền Bắc. Món tôi đã từng nếm từ lâu. Còn về thức uống, tôi không thể quên được hương vị trà, đắng lưỡi ngọt cổ, thật là đậm đà, ở khu Trà Tiên Phong Quán Bảo Lộc, nằm trên quốc lộ 20, cách Đà Lạt 100 cây số về phía nam. Nơi đây, sau khi dùng bữa trưa ở Khu Vườn Ẩm Thực, tại một trong ba ngôi nhà sàn cổ của người dân tộc, khách du lịch được đưa tới một quần thể kiến trúc bao gồm hơn 5 ngôi nhà cổ Hội An lớn nhỏ, và một khu sân vườn đậm đà bản sắc Việt Nam. Tại một trong 5 ngôi nhà này, Tịnh Tâm Trà, Tri Kỷ Trà hay Vọng Nguyệt Trà v.v. gì đó, tôi không nhớ rõ, tôi đã được thấy tận mắt một cô gái trẻ duyên dáng, vừa thuyết vừa biểu diễn, nghệ thuật pha trà, dụng cụ pha trà, nước pha trà, câu truyện về trà và cách thưởng thức trà. Thật lạ đối với tôi. Đầy hương vị quê hương tôi chưa từng cảm nghiệm.
Tinh Thần Phục Vụ
Dân tôi lam lũ vất vả, tay làm hàm nhai, với đủ mọi ngành nghề như thế, nhất là với những công việc đậm đà bản sắc quê hương như vậy, một bản sắc Việt Nam tôi chưa từng biết tới, và không thể nào cảm nghiệm hết, nếu không có chuyến xuyên Việt 2006 này. Ngoài ra, tôi còn hãnh diện với tinh thần phục vụ của dân tộc tôi nữa, nơi một số cá nhân tôi gặp.
|
Chẳng hạn, nơi một em hướng dẫn viên du lịch (tour guide), khoảng hai mươi mấy tuổi, tuổi ra trường đại học ngành du lịch Việt Nam, trẻ như ba người hướng dẫn viên du lịch của tôi ở 3 miền bắc trung nam. Em dẫn một nhóm thanh niên nam nữ sinh viên ngoại kiều tham quan Vịnh Hạ Long. Họ là nhóm ngủ trên chiếc du thuyền nhóm chúng tôi đi ké vào ngày hôm sau, từ Cát Bà về Hạ Long. Tuy nhiên, chiếc du thuyền này đã ngừng lại ở ngoài khơi, nhất định không chịu vào bờ. Vì một chiếc chìa khóa bị gẫy, theo nhân viên của chiếc du thuyền, gây ra bởi một nam sinh viên của em hướng dẫn viên du lịch. Tuy người sinh viên này nói rằng chiếc chìa khóa ấy bị gẫy trước rồi, song anh ta vẫn sử dụng để đóng mở được cửa phòng như thường, như anh chứng minh cho nhân viên du thuyền thấy rõ điều ấy.
Nhưng chủ thuyền, khi được nhân viên lái thuyền gọi điện thoại di động về văn phòng trung ương xin giải quyết vấn đề, đã bắt người sinh viên này phải bồi thường 100.000 đồng Việt Nam (tương đương với 6 Mỹ kim). Bằng không, thuyền sẽ không vào bến. Bất kể các du khách khác có muốn lên bờ tiếp tục cuộc du hành. Nhưng anh chàng sinh viên ấy nhất định không trả, vì cảm thấy mình không có lỗi. Biết được đầu đuôi câu truyện, tôi đã nói với người lái thuyền rằng, tôi sẽ bồi thường cho chiếc chìa khóa. Nhưng ngay sau đó, tôi đã thấy chính em hướng dẫn viên du lịch đưa tiền cho người lái thuyền. Chiếc thuyền bắt đầu tiến vào bờ, khi người lái thuyền cho biết, số tiền bồi thường của em hướng dẫn viên du lịch ấy còn lớn hơn cả số tiền em làm một ngày nữa. Gia đình tôi và một gia đình Việt kiều khác, thấy vậy, đã góp nhau bù lại cho em trọn số tiền em đã hy sinh bỏ ra vì quyền lợi của tha nhân.
Cái gì đã làm cho chiếc du thuyến chạy lại, dù nó không bị hỏng - phải chăng vì khả năng của người lái tầu, hay vì sức mạnh của đồng tiền, của 6 Mỹ kim bồi thường? Đối với chủ chiếc du thuyền này thì đúng là vì tiền bạc vật chất. Song đối với khách du lịch thì chính là do bởi tinh thần dấn thân phục vụ của con người trẻ biết hy sinh sống cho tha nhân. Chớ gì chiếc tầu Việt Nam quê hương tôi, đang vẫn còn ngập ngừng lưỡng lự chưa muốn cập bến bờ tự do dân chủ trước mắt, tuy đã thực sự hướng về phía chân trời này rồi, vì những trục trặc nơi một số cá nhân nào đó hiện nay, cũng sẽ bị chi phối bởi sức mạnh tinh thần của một thiểu số nào đó hết sức yêu thương dân tộc. Nếu lịch sử được làm chủ bởi Đấng Quan Phòng Thần Linh, thì chắc chắn, nơi một số cá nhân nào đó được Ngài sử dụng và sai đến, như vẫn thường xẩy ra trong lịch sử loài người, với sức mạnh của tinh thần nơi họ, một quyền lực mạnh hơn sự chết, hơn tất cả mọi sự dữ, lịch sử chắc chắn sẽ được đổi thay, không sớm thì muộn, vào thời điểm thần linh của Ngài!
|
Ở Trại Cùi Di Linh Lâm Đồng, nơi tôi đã ghé một lần duy nhất vào năm 1970, trước 3 năm vị sáng lập trại cùi này vĩnh viễn nằm xuống, nhưng bấy giờ tôi không được diễm phúc chiêm ngưỡng dung nhan của một vị thừa sai Pháp đáng kính đáng phục như một vị thánh ấy. Lần này, tôi đã lên thăm phòng làm việc rất đơn sơ của ngài, và đến viếng mộ của ngài, một ngôi mộ có tấm bảng nhỏ bên trên: “Jean Cassaigne. Amor et Caritas. 1895-1973”. Jean Cassaigne là một vị linh mục thừa sai Pháp Quốc. Nhập Chủng Viện của Hội Thừa Sai ngày 7/9/1920. Ngày 19/12/1925 được thụ phong linh mục. Ngày 5/5/1926, ngài đã đến Sài Gòn sau 30 ngày lênh đênh trên sóng nước. Ngày 18/11/1926, ngài nhận được bài sai “về truyền giáo vùng đất mới Djiring”. Ngày 24/1/1927, ngài tới một nơi mà bản đồ thời ấy ghi là “Đất Hoang, Bộ Lạc Mọi”. Chúa Nhật 30/1/1927, ngài dâng Thánh Lễ đầu tiên ở đây với 5 người duy nhất. Ngày 24/6/1941, ngài được tấn phong làm giám mục Sài Gòn. Ngày 19/12/1945, ngày kỷ niệm thụ phong linh mục cũng là ngày ngài khám phá ra mình đã bị nhiễm bệnh phong. Ngày 2/12/1955, ngài đã trở về với đoàn con cái phong cuì của mình ở Di Linh, cho tới khi qua đời, với khẩu hiệu: Yêu Thương và Bác Ái (Amor et Caritas), như một người cùi giữa người phong! Thật vậy, theo chúc thư của Đức Cha Giang Cát Sanh tại nhà tưởng niệm của Khu Điều Trị Phong Di Linh, thì ngài đã quyết định thành lập Làng Cùi Di Linh hay Trại Phong Di Linh (theo những tên gọi trước 1975), bởi vì, như ngài đã thú nhận: “Tôi đã thấy họ trần truồng, la hét, đói khát, tuyệt vọng. Tôi đã thấy những vết thương của họ lúc nhúc ruồi trong những túp lều dơ bẩn…”.
|
Cũng tại nơi đây, tôi còn thấy được truyền nhân của ngài, còn thấy được một hiện thân của Mẹ Têrêsa Calcutta Việt Nam. Đó là một nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn. Bà đã phục vụ ở đây 38 năm, từ năm mới lên 27 tuổi. Bà đã mở mang cho rộng lớn hơn rất nhiều công trình được vị sáng lập gầy dựng từ ban đầu. Bà đã hết sức vui vẻ dẫn chúng tôi đến thăm cả khu nạn nhân (cũ) và bệnh nhân (mới), lẫn phòng làm giầy trị liệu cho những người anh chị em xấu số này. Ánh mắt và thái độ tỏ ra mến thương của mọi thành phần nạn nhân và bệnh nhân đối với bà, chứng tỏ bà đã biết hết mọi người và từng người bà phục vụ như con cái. Nên bà đã được 95% số người ở đây, thuộc dân tộc K’Ho và Nùng, gọi là Mơi Mậu (tức là Mẹ Mậu). Trong tổng số 219 người, một số là con cái của họ, và trong số những người con ấy, bà đã nuôi cho ăn học thành 3 bác sĩ và 2 kỹ sư, đang phục vụ cho chính trại cùi này.
Đó là một nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn Việt Nam. Bà đã phục vụ ở đây 38 năm, từ năm mới lên 27 tuổi. Đúng thế, cô thiếu nữ Mai Thị Mậu, năm 12 tuổi, đã theo gia đình từ Hải Hậu – Nam Định di cư vào Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, có một lần cô tình cờ cùng với một người bạn vào thăm thân nhân ở Bệnh Viện Nhi Đồng, cảm thấy thương các em nhỏ đớn đau lối la liệt nằm ở đó, cô đã thầm nguyện theo ngành y học để phục vụ thành phần bệnh nhân ở bất cứ nơi nào. Và thiên ý đã định cho cô đến với Trại Phong Di Linh từ năm 1972 cho tới nay. Vào năm phục vụ thứ 33 ở đây, người nữ tu này đã tâm sự rằng:
“Làm sao tôi bỏ đi đâu được, khi họ luôn luôn chờ tôi. Cũng giống như nếu tôi lấy chồng thì trại phong này chính là gia đình chồng tôi vậy. Tôi đã thuộc về nơi ấy!”
Phải, chính vì người nữ tu này đã nhận nơi này làm nhà chồng của mình, và có lẽ chính vì những người anh chị em xấu số được bà phục vụ đã chẳng những trở thành nguyên cớ để bà đã đến không thể bỏ đi, mà còn là động lực để bà hăng say phục vụ hơn nữa, như bà đã tâm sự như sau:
“Người cùi vẫn luôn khao khát cuộc sống. Khi bị bệnh, họ bị buôn làng và gia đình ruồng rẫy. Đàn ông mất vợ. Đàn bà mất chồng… Vào trại, những con người bị ruồng ray ấy gặp nhau, rồi lại nên vợ nên chồng, để tiếp tục cuộc sống bằng sức lực và thân thể đã tàn phế. Tôi học được ở chính những bệnh nhân của mình phẩm chất biết chấp nhận số phận một cách bình thản, không kêu ca oán than…”
Vì biết chấp nhận số phận của mình, đúng hơn vì trung thực sống ơn gọi sống đời tận hiến của mình cho Thiên Chúa nơi việc phục vụ tha nhân, thành phần bị bất hạnh ở Trại Phong Di Linh này, nữ tu Mai Thị Mậu đã nỗ lực mở mang cho rộng lớn hơn rất nhiều công trình được vị sáng lập của bà gầy dựng từ ban đầu. Thật vậy, bà cho biết:
“Năm 1972, tôi tình cờ có dịp chăm sóc cho một bác sĩ người Pháp ở Lâm Đồng bị bệnh nặng. Sai khi giúp ông khỏi bệnh, để trả ơn, ông hỏi tôi muốn gì? Khi biết ông có rất nhiều đất ở vùng này, tôi liền xin mua một miếng đất để sau này giúp cho con cháu người cùi tự lực làm ăn sinh sống. Vị bác sĩ đồng ý ngay và để cho tôi một vạt rừng rộng 53 mẫu, với giá chỉ tròm trèm 15 cây vàng. Tôi tìm mọi cách chắt mót để có được số tiền ấy mua đất”.
Thế là sau bao nhiêu công lao khốn khó do đích thân người nữ tu chân yếu tay mềm này, cùng với những người được Thiên Chúa sai tới vào thời điểm của Ngài, mảnh đất là một vạt rừng chẳng những đầy những thân cây mấy người ôm mới hết, mà còn chập chờn bóng hoang thú, như cọp, beo, công, vượn v.v. từ từ đã trở thành nơi trồng cấy khoai mì, khoai lang, bắp, cà phê v.v. Chưa kể khu nhà trẻ mẫu giáo khang trang, tường hồng, gạch men, với vườn hoa thược dược đỏ thẵm trước sân.
Từ đó, các con em thuộc Trại Phong Di Linh được chuyển đến đây, cách 12 cây số, ở xã Gia Hiệp để sinh sống biệt lập. Thật là một chuyện hình như chưa hề xẩy ra trong lịch sử các trại phong cùi. Các em dù có gia đình hay chưa, đều được hướng dẫn trồng trọt và chăn nuôi, trong vòng 5 năm, rồi sau đó sống tự lập. Cách đây mấy năm đã có 30 hộ gia đình tự lập, với 4 sào đất được cấp cho và một căn nhà trị giá 12 triệu đồng Việt Nam (tương đương với trên 700 Mỹ kim). Trẻ em trong trại đều được đi học. Nay đã có 3 em làm bác sĩ và 2 em làm kỹ sư đang phục vụ tại chính Trại Phong Di Linh.
|
Khi bà đang dẫn chúng tôi từ khu nạn nhân đến khu bệnh nhân, tôi thấy một nữ tu trẻ đẹp, đang phục vụ bệnh nhân ở đấy, đang tiến ngược về phía phái đoàn viếng thăm của chúng tôi. Tôi tránh sang một bên, đợi đến khi người nữ tu bước ngang qua trước mặt mình, tôi lên tiếng nói: “ngưỡng phục, ngưỡng phục!” Một nữ tu trẻ đẹp, mới 32 xuân xanh, như Mơi Mậu cho biết. Kể như chôn vùi cuộc đời thanh xuân phơi phới đầy tương lai của mình trong trại cùi này. Hoàn toàn tự nguyện. Nếu trong trại này, như Mơi Mậu kể, có hai người đàn bà nạn nhân cùi, một người đã chết 80 tuổi, và một người đang sống 70 tuổi, vẫn còn muốn lập gia đình, để tìm hạnh phúc cho tấm thân tàn ma dại đầy già nua tuổi tác của mình vào những ngày cuối đời, thì lại càng phải ngưỡng phục biết bao trước con người nữ tu trẻ đẹp hiến thân phục vụ ở một ngọn đồi hoang vắng hầu như ít người biết đến ấy. Hạnh phúc của người nữ tu trẻ đẹp ấy không phải là tình yêu phái tính mà là đức ái trọn hảo!
Chắc chắn người nữ tu Việt Nam trẻ đẹp ấy không thể nào tự mình có thể hy sinh tận tuyệt đến như thế, ít là cho tới bấy giờ, nếu không được thu hút bởi Đấng là Tình Yêu, Đấng cũng đã bất ngờ chiếm đoạt con tim của một chiêu đãi viên hàng không người Pháp. Cô chiêu đãi viên xinh đẹp duyên dáng Pháp quốc này đã trở thành một nữ tu, và đã hiến trọn cuộc đời để phục vụ những anh chị em xấu số của mình, cũng tại chính trại cùi Di Linh này, người nữ tu được Mơi Mậu cho biết là “trẻ đẹp” và “chết rồi”. Người chiêu đãi viên hàng không trở thành người nữ tu phục vụ trại cùi Di Linh ấy, như truyện kể, đã thực sự được Vị Tình Quân là Tình Yêu của cô chinh phục trên một chuyến bay, sau khi nghe thấy một vị hồng y nói rằng: cô đẹp lắm, nhưng cái duyên sắc mà cô có được là do Thiên Chúa đã lấy của bao nhiêu người cùi để trang điểm cho cô đó!
Ngưỡng Vọng Việt Nam
|
Ôi, nếu tính chất cần cù làm ăn, tinh thần tự lập tay làm hàm nhai, khả năng tiểu thương tài khéo mỹ thuật, và tinh thần hy sinh quên mình phục vụ trên đây của dân tôi, gặp được thời cơ nhỉ, như Nhật sau hai trái bom nguyên tử năm 1945, thì chắc tôi không còn cơ hội để xót xa đau lòng nhìn thấy những khu nhà ổ chuột của dân tôi ở Quận Tám Thành Phố Hồ Chí Minh đầy hôi thối, hay ở một khu đông dân cư Hà Nội, đi trên xe mà còn phải bịt mũi, bởi những chất phóng uế được thải ra bừa bãi xuống cái cống lộ thiên, dọc theo đường phố. Tại sao sau hai trái bom nguyên tử, trong vòng một phần tư thế kỷ 25 năm, Nhật Bản đã tỉnh giấc và đã trở thành một trong đệ nhất bát cường trên thế giới, thuộc nhóm G8 (Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Ý, Nga, Nhật, Gia Nã Đại), mà Việt Nam tôi, sau 31 năm trường, sau 31 năm được gọi là “giải phóng”, vẫn được kể là một trong những nước nghèo nhất thế giới, một trong các quốc gia thuộc thế giới đệ tam? Phải chăng, đúng như Ấn Tượng Việt Nam nơi tôi, đó là một Việt Nam hiện nay như chiên không chủ chăn, cần phải có một thành phần lãnh đạo, biết dấn thân sống vì dân vì nước.
Trong chuyến xuyên Việt 2006 của mình, khi có dịp, tôi đều chân thành chia sẻ tâm sự của mình với tất cả những ai có vẻ tâm đầu ý hợp với mình. Dù là những người hướng dẫn viên du lịch, những người tài xế, những giáo viên, những tiếp viên nhà hàng v.v., dù họ là lương hay giáo, mà phần đông không phải người đồng đạo, thậm chí dù họ là cộng sản nằm vùng. Tôi đã bày tỏ niềm xác tín của tôi về một định mệnh Việt Nam, một tương lai Việt Nam, chủ yếu ở những tư tưởng tiêu biểu sau đây:
1. Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng Thần Linh mới hoàn toàn làm chủ lịch sử, chứ không phải con người, dù là Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh v.v. Đến thời điểm của mình, Ngài sẽ thực hiện dự án của Ngài, như Ngài đã làm ở Đông Âu năm 1989 và Liên Sô năm 1991. Sự tồn tại hiện nay của cộng sản Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba và Trung Hoa là chứng cớ hùng hồn cho thấy Vị Chúa của lịch sử đã quả thực nhúng tay vào biến cố Đông Âu Sụp Đổ và Liên Sô Giải Thể. Bởi vì, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, không một lực lượng bên ngoài nào có thể dẹp được cộng sản, vậy thì tại sao đầu não cộng sản Liên Sô và Đông Âu tự động biến mất chứ, nếu không phải có bàn tay thần linh nào đó nhúng vào, qua những nhân vật lịch sử được Ngài sai đến vào đúng thời điểm của Ngài. Hiện tượng Việt Nam và Trung Quốc đang biến hình, bề trong với một tinh thần glasnost (cởi mở) và perestroika (cải tổ) như Gobarchev trước đây, và bề ngoài với một bộ mặt kinh tế tư bản cạnh tranh thị trường, phải chăng là dấu chỉ thời đại cho thấy chính quyền Việt Nam sau 1975 đã công nhận rằng chủ nghĩa cộng sản là sai lầm, là hoàn toàn lỗi thời? Phải chăng thời cơ đã điểm!
2. Đúng thế, lịch sử, nếu thuần túy do con người cho mình có quyền lèo lái, thì có những lúc, nếu không muốn nói là rất nhiều khi, trở thành như một trò hề chính trị: trước 1975, bên này thì vênh vang đuổi được Mỹ ngụy, giờ đây, lại kéo mời Mỹ trở lại (trong chuyến xuyên Việt 2006, tôi chẳng thấy chữ Nga hay chữ Tầu là bậc quan thày của cộng sản Việt Nam đâu cả, mà chỉ thấy toàn là chữ Mỹ ở những chỗ cần phải viết thêm tiếng ngoại quốc; con đường từ phi trường Tân Sơn Nhất tiến vào thành phố Hồ Chí Minh, như người tài xế taxi chở tôi ra phi trường về lại Mỹ cho biết, chính phủ đang có dự định sửa sang cho rộng lớn để đón tiếp Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush vào tháng 11/2006, nhân dipịHội Nghị APEX ngày 18-19, cũng chính người tài xế này thành thật cho tôi biết rằng những điều tôi chia sẻ rất hay và mới lạ, anh chưa hề nghe thấy); cũng trước 1975, bên kia bỏ rơi Việt Nam, (làm cho dân tôi vô cùng điêu linh khốn đốn, chẳng những vào Tháng Tư Đen ở miền Nam nói chung và Sài Gòn thất thủ nói riêng, mà còn trong suốt thập niên 1980, với phong trào vượt biên đầy tử vong và uất nhục kinh hoàng khôn xiết tả), giờ đây lại trở lại ve vãn Việt Nam v.v. Thật chẳng ra làm sao. Y như trò trẻ con vậy!
3. Bởi vậy, cần phải có một thành phần lãnh đạo vì dân vì nước, không tham quyền cố vị. Nhờ Mỹ nhưng dứt khoát không lụy Mỹ, dù có vì thế mà bị Mỹ sát hại, như một chí sĩ Ngô Đình Diệm bất khuất thời đệ nhất cộng hòa. Trong thành phần chính phủ Việt Nam hiện nay, tôi tin rằng, không thể nào tất cả đều là cá mè một lứa. Trong một gia đình thân tình với nhau mà còn có lúc bất hòa với nhau, huống chi trong một chính phủ, dù là độc đảng. Chắc chắn có một cá nhân hay thiểu số nào đó, còn tâm huyết với dân nước, mà chưa thể làm gì nổi, vì chưa tới thời cơ, cơ chưa đến tay. Trong chuyến xuyên Việt 2006, tôi được nghe cả người tài xế lẫn người hướng dẫn viên du lịch ở miền trung của nhóm tôi, khi xe chạy dọc theo bờ biển Đà Nẵng, thi nhau thuật lại rằng, bờ biển Đà Nẵng không còn một em thanh thiếu niên lang thang lêu lổng. Tất cả đã được phục vụ ở những trung tâm giành cho các em trong thành phố. Người nào còn thấy một em nào bụi đời mà báo cáo với chính quyền sẽ được thưởng hiện kim. Hai người này cho biết đó là công trình của ông nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Đà Nẵng, nay được thăng chức Bí Thư Thành Ủy. Vị này, còn được anh tài xế cho biết là, dân chúng thường tụ họp tại nhà tư của ông, để gặp ông sau giờ làm việc của ông, và được ông giải quyết cho rất nhiều vấn đề. Tôi rất mừng khi nghe được có ít là một cá nhân như thế. Vậy, nếu cờ đến tay, ở vào vị trí của một Gobarchev Liên Sô trước đây, những cá nhân vì dân vì nước như thế chẳng lẽ không làm được việc hay sao? Mà nếu lịch sử thuộc về chủ quyền của Thần Linh hơn là loài người, thì dù một cá nhân, cũng vẫn làm được những gì Ngài muốn, khi đến thời điểm của nó.
4. Thế nhưng, tôi vẫn không cầu xin Vị Chủ Tể Lịch Sử ban cho dân nước Việt Nam tôi một thứ hòa bình kiểu Mỹ quốc. Hòa bình kiểu dân chủ quá khích, theo cá nhân chủ nghĩa, theo trào lưu “pro choice” trong mọi sự, theo chiều hướng duy nhân bản, duy ngã độc tôn, ý dân là ý trời. Ở chỗ, đặt nặng quyền làm người hơn tình làm người. Ở chỗ, ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính v.v. là tất cả những gì được pháp luật công nhận thuộc về quyền làm người. Không ai được đụng đến. Không ai được ngăn cản. Tôi cũng không cầu xin Đấng Quan Phòng Thần Linh cho quê hương Việt Nam tôi trở thành một đệ nhất cường quốc như Hoa Kỳ. Một đệ nhất cường quốc đã hơn cả chục năm nay đi đâu cũng bị khủng bố, vì thái độ tân thực dân đế quốc về kinh tế của họ, lạm dụng quyền lực kinh tế, viện trợ “nhân đạo”, để nhúng tay vào guồng máy chính trị của thành phần tiểu quốc. Bởi thế, tôi còn dám xin Đấng Toàn Năng rằng, thà cứ để cho dân tộc tôi quằn quại dưới chế độ hiện nay, mà giữ được đạo, mà mạnh đức tin, mà còn nhân nghĩa, còn hơn được tự do, được thái hòa, mà trở thành vô thần, trở thành bất nhân. Nhưng tôi vẫn hết sức tin tưởng rằng, nếu tôi là một tạo vật còn biết yêu giống thương nòi, thì Vị Chúa Hòa Bình, Đấng dựng nên con người không phải để đọa đầy họ, mà là để cho họ được hưởng sự sống, một sự sống viên mãn ngay trên đời này, nhất là được trường sinh vinh phúc, còn thương yêu quê hương dân tộc tôi biết là chừng nào. Chắc chắn, một ngày kia, sắp tới (?), Ngài sẽ ban cho dân nước Việt Nam rất thân yêu của tôi, một quê hương bé nhỏ trải qua cả một lịch sử toàn tranh đấu, với “một ngàn năm đô hộ giặc tầu, một trăm năm đô hộ giặc tây, 30 năm nội chiến từng ngày”, 31 năm “giải phóng” long đong v.v., được bình an trong chân lý, một thứ bình an của nền văn hóa sự sống, một thứ bình an của văn minh yêu thương!
Cải Tiến Việt Nam
Cuộc Hành Trình Việt Nam cần phải hướng tới và tiến tới là như thế. Tiến tới một chân trời đầy văn hóa sự sống và văn minh yêu thương. Chứ không phải chỉ thuần túy có dân giầu nước mạnh, chỉ biết có bánh kinh tế mà thiếu lòng đạo hạnh là nền tảng cho mọi liên hệ nhân bản, cơ cấu xã hội và phát triển văn minh.
|
Qua chuyến xuyên Việt 2006, tôi thấy Việt Nam quê hương tôi đang cố gắng vươn mình chỗi dậy, một cách loạng choạng làm sao ấy, cả về ý hệ lẫn kinh tế. Thật vậy, tình hình Việt Nam hiện nay, theo tôi thấy, có thể so sánh với những thứ khách sạn 3 sao tôi trú ngụ từ bắc vô nam. Bề ngoài có vẻ ngon lành lắm. Nhất là đối với thành phần lam lũ trong dân tôi, như thành phần lái xe thồ chực trước khách sạn, mỗi ngày chỉ được khoảng 2 Mỹ kim, làm sao có thể thuê phòng ngủ một đêm 30-40 Mỹ kim. Thế nhưng, với kinh nghiệm đã từng trọ đêm ở các khách sạn cũng 3 sao, trong những chuyến đi hè hằng năm của gia đình, tại Mỹ quốc cũng như hải ngoại, thì hình như bên trong các khách sạn 3 sao ở Việt Nam tôi vẫn còn có những chi tiết “văn minh” chỉ hợp với tập tục Việt Nam, hơn là với thành phần khách du lịch ngoại quốc hay Việt kiều. Mà khách sạn là nơi mở ra để nhắm vào khách du lịch ngoại quốc và Việt kiều hơn là đồng bào trong nước. Ngoài khách sạn ra, kinh nghiệm cho thấy đi đâu lúc nào cũng nên có sẵn giấy vệ sinh trong túi. Bụng dạ Việt kiều thường biến chuyển bất ngờ, vì lạ nước lạ cái. Bất ngờ, có thể phải xót xa vò nhàu cả đến những thứ giấy tờ khá cần thiết, may còn sót trong túi, để giải quyết vấn đề bất đắc kỳ cục.
Cho dù một ngay kia dân tôi có được một thành phần lãnh đạo thiên sai, quê hương tôi vẫn cần phải mất một thời gian không ngắn, mới có thể vượt thoát khỏi cảnh bần cùng hiện nay, mới có thể cải cách xã hội, mới có thể theo kịp nền văn minh thế giới đang càng ngày càng phát triển đến chóng mặt, mới có thể hòa nhập vào xã hội càng ngày càng toàn cầu hóa về kinh tế và truyền thông.
|
Đúng thế, Việt Nam không thể phát triển về kinh tế, nếu không có một hạ tầng cơ sở vững chắc và thuận lợi, thực tế và điển hình nhất là về đường xá. Một Việt Nam phát triển về kinh tế không thể có nhiều xe mô-tô hơn xe ô-tô như hiện nay. Mà càng nhiều ô-tô thì không thể có một hệ thống đường xá mà chỉ cần đám mô-tô chạy cũng đủ nghẹt phố. Chứ chưa nói đến những chỗ đậu xe, thậm chí chưa đủ cho mô-tô bây giờ. Tương lai, một Việt Nam phát triển về kinh tế sẽ là một Việt Nam có những thành phố mới, hoàn toàn mới. Được thiết lập ở những cánh đồng đang được cầy lúa bằng sức người và sức trâu hiện nay. Có những xa lộ xuyên Việt, và có những vòng đai xa lộ bọc quanh mỗi thành phố mới này. Năm Thành phố chính, những thành phố được xếp vào loại cấp một ở Việt Nam hiện nay: miền Bắc có Hà Nội và Hải Phòng, miền Trung có Đà Nẵng, và miền Nam có Thành Phố Sài Gòn / Hồ Chí Minh và Cần Thơ, theo chiều hướng phát triển tung hoành cả xã hội như thế, sẽ phải và cần phải trở thành các trung tâm hành chánh hơn là kinh tế, trở thành những thành phố cổ “có tiếng mà không có miếng”, như một downtown Nữu Ước, Los Angeles, Chicago, Houston, Dallas v.v. ở Hoa Kỳ, những thành phố thường đầy những người anh chị em da mầu nghèo khổ hay homeless, không thể di chuyển ra vùng ngoại ô phồn thịnh.
Tuy nhiên, con người không sống nguyên bởi bánh, bởi kinh tế và chính trị, văn hóa và nghệ thuật, mà trên hết và trước hết còn phải sống và cần phải sống theo những nguyên tắc luân thường đạo lý, theo lòng nhân ái thứ tha. Đó là lý do, để phát triển về kinh tế trên thế giới nói chung, cách riêng tại Việt Nam hiện nay nói riêng, điều kiện tiên quyết và trên hết, đó là nhổ tận gốc rễ tệ trạng bại hoại về luân lý, liên quan đến nạn tham lam hối lộ hay biển thủ. Theo tin tức hôm 29/8/2006 cho biết, cả trăm người dân ở tỉnh Hưng Yên, cách Hà Hội 50 cây số, (nơi tôi cũng đã ghé thăm hôm 26/6/2006 để gặp một người bác gái ruột bên ngoại sau 54 năm xa cách ở Ngọc Đồng), đã biểu tình một cách bất bạo động trước tòa nhà quốc hội, vì vấn đề đất đai của họ không được bồi thường thỏa đáng cho việc phát triển thành phố của chính phủ. Và ngày 5/9/2006, tin tức lại cho biết đoàn dân chúng xuống đường biểu tình phản đối này đã thành công, ở chỗ, vị phó thủ tướng đã ký văn thư đình chỉ công trình kiến thiết thành phố, và xác định rằng vấn đề chính phủ bồi thường cho dân là thỏa đáng, song nhân viên chính phủ đã bớt xén cho vào túi riêng của họ. Đó là lý do, cho dù một ngày kia cuộc Hành Trình Việt Nam có bắt đầu khởi hành tiến về chân trời phát triển kinh tế đi nữa, qua việc cố gắng “nâng cấp” hạ tầng cơ sở, thành phần lãnh đạo phục vụ không hưởng thụ, nếu có bấy giờ, ngoài nỗ lực bài trừ tệ nạn tham lam biển lận và hối lộ trong thành phần nhân viên chính phủ, vẫn cần phải và còn phải cải tổ cả một guồng máy giáo dục đã bị “xuống cấp” quá cỡ như hiện nay nữa.
|
Nhân chuyến xuyên Việt 2006, tôi ghé thăm các ngôi trường cũ của tôi, trường Lasan Đức Minh Tân Định, và vợ tôi thăm trường cũ của nàng, Regina Pacis ở 42 Tú Xương Sài Gòn. Cả hai trường này còn đó, nhưng đều bị thu hẹp, thật hẹp. Còn may hơn là Đại Học Công Giáo Thụ Nhân Đà Lạt (một đại học bách khoa trước đây, song giờ đây bằng cấp ra trường từ đại học đổi chủ này không có giá trị bằng các đại học chuyên khoa khác), Trường Trung Học Lasan Tabert Sài Gòn (nơi đã đào tạo biết bao nhân tài Việt Nam trước 1975, nơi thành phần tai to mặt lớn đua nhau gửi con đến học), và Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức (nơi có một anh hùng phi công Trần Thế Vinh, một văn nhạc sĩ nổi tiếng Hà Thúc Sinh v.v.), những nơi tôi đã có dịp ghé qua, song đã thuộc quyền sử dụng của chính phủ, với những tên tuổi khác.
|
Tại Phan Rang, tôi đã gặp một đại gia đình toàn là giáo viên ở địa phương, trong đó, có một chị mới 55 tuổi đã được cho về hưu, còn anh chồng gần 60 vẫn được tiếp tục dạy. Anh chồng này là hiệu phó của trường anh đã từng là hiệu trưởng trước 1975, xuống làm giáo viên sau năm quốc biến, lại mò lên tới chức hiệu phó cho tới nay, chứ cũng không được hồi chức hiệu trưởng dù có thực lực đi nữa, vì nhất định không chịu ra nhập đảng. Lương tháng mỗi người tương đương với 100 Mỹ kim. Giờ đây, vì không đủ sống, và vì tương lai của các em trong làng, chị đã mở lớp kèm tại nhà cho các em. Các phần tử giáo chức trong gia đình cho biết rằng ngày nay có nhiều “bằng chép” lắm. Tức là bằng được người khác làm hộ, thi giúp. Nói đâu xa, chính trong gia đình này, một người làm giám thị, với cấp bằng được người chị em trong nhà thi cho.
Trong số báo “Công Giáo và Dân Tộc” tháng 7/2006, trong bài “Đạo Đức Xã Hội Suy Đồi? Vì Sao Nên Nỗi”, tác giả Hồ Ngọc Nhuận, cựu sinh viên trường Tabert Sài Gòn, một người không Công Giáo, ở trang 16 đã viết:
“Với một nền đạo đức xã hội ngày nay được báo động đang suy đồi hằng ngày. Bắt đầu từ một nền giáo dục không chỉ là ‘tuột dốc’, như đã từng xẩy ra trong lịch sử, mà là ‘hoàn toàn đổ nát’ (complètement en ruines) như tôi từng nghe nhận xét được lập đi lập lại mấy ngay qua trên vài báo đài nước ngoài.
“Chắc có người nghĩ: lý do, theo tôi, là vì các trường đạo đã bị đóng cửa, và giải pháp, cũng theo tôi, là cho mở lại các trường đạo. Tôi không hẳn nói vậy. Tôi chỉ xin có vài câu hỏi, để học, như sau: Giáo dục là cái gốc của con người, là nền tảng của xã hội. Nếu trong một xã hội mà người lãnh đạo giáo dục liên tục bày ra không thiếu một loại trường nào, kể cả các loại trường không đâu có trên thế giới, và không ai trên thế giới muốn học, nhưng lại loại trừ các trường ‘có đạo’, và bày ra nhiều hình thức gian dối được mặc nhiên hoặc minh thị chánh thức thừa nhận, trong tổ chức, trong học hành, trong thi cử, trong công nhận bằng cấp, kể cả gian lận thành tích các loại, mà người thụ hưởng giáo dục liên tục bị bắt buộc quanh năm chạy trường như ‘chạy chợ’, mà người lo lắng cho sức khỏe tinh thần con cái không thể và không có quyền tự do lựa chọn một trường học phù hợp với nguyện vọng đạo đức của mình… thì nền đạo đức xã hội đó có đi dần đến phá sản hay không?...”
Mối lo âu ‘phá sản’ này, cũng trong cùng tờ nguyệt san trên, trang 10, qua bài “Giáo Dục Đi Về Đâu?”, tác giả Thiện Cẩm đã có những nhận định như thế này:
“Chuyện giáo dục đào tạo ở Việt Nam ‘bốn ngàn năm văn hiến’ này đã từ lâu ‘có vấn đề’. Nhưng trong những ngày gần đây nguy cơ phá sản đã lên tới mức ‘báo động đỏ’, khi báo chí phanh phui những chuyện bê bối nghiêm trọng trong việc tổ chức thi cử… Trước đây đã có chuyện khám phá ra hằng tá tiến sĩ giả…
“Đến chuyện thi cử ngay từ cấp THPT mà đã gian dối như vậy, thử hỏi giá trị đích thực của trình độ giáo dục của thế hệ tương lai sẽ ra như thế nào? Vậy mà chưa từng bao giờ các phụ huynh học sinh phải tốn tiền tốn của cho con em mình đi học đến như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ học sinh phải học hành vất vả quá sức tưởng tượng như thời đại này: học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm; học ở nhà, học ở lớp, học ở nhà thày cô, đến nỗi ngày nay người ta phải đổi câu châm ngôn ‘Tiên học lễ hậu học văn’ thành ‘Tiên học phí, hậu học thêm’! Học như thế, mà nào có giởi thêm đâu, trái lại, thường lại đạt tỉ lệ nghịch…
“Hôm 26-6-2006, khi xem tivi, tôi thấy mấy ông bộ trưởng giáo dục châu Phi sang học hỏi kinh nghiệm giáo dục của Việt Nam, tôi cảm thấy hổ thẹn và tự hỏi: không biết người ta sẽ học hỏi chúng ta được điều gì đây? Chẳng lẽ học được cách viết sách giáo khoa sai, ra đề thi sai, thi cử, cho lên lớp bằng cách nhận tiền hối lộ, hoặc để mặc sinh viên thuê người viết luận án, hay tìm trong đống luận án cũ tồn kho đem ra sào nấu lại qua loa… Tiến sĩ nào mà chẳng là tiến sĩ ‘giấy’! Đèn mình tù mù, leo lét, sao soi sáng được cho người ta!...
“Làm thế nào để phục hồi lại một nền giáo dục xứng đáng với truyền thống của những Lê Qúy Đôn, hay Lương Thế Vinh, Ngô Thời Nhiệm…? Theo tôi nghĩ, vấn đề ở đây, trước hết là vấn đề ‘danh chính ngôn thuận’, nghĩa là: vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha ra cha, mẹ ra mẹ, thầy ra thầy, trò ra trò. Nhưng thể hỏi, trong xã hội ngày càng trở nên giả tạo này, một xã hội mà nhiều giá trị bị đảo lộn, đồng tiền và vật chất đã lên ngôi, nó có quyền lực ghê gớm sai khiến con người, làm cho con người ra mù quáng, quên đi tất cả: chữ hiếu, chữ trung, tình nghĩa vợ chồng, lòng nhân ái đối với mọi người. Vì thế mới có nạn tham nhũng, cửa quyền, cướp đất cướp nhà của dân, xử oan cho người vô tội, cậy chức cậy quyền để buôn lậu, phá rừng… Nếu người lớn chúng ta, nếu người lãnh đạo mà như thế thì làm sao có thể giáo dục con em mình được.
“Khi người ta ăn bớt thép xây dựng cột móng cầu cống và nhà cao tầng, khi người ta lấy tre thay cho sắt để làm trụ mốc bên lề quốc lộ, thì lạ gì mà chẳng có chuyện ‘rút ruột’ trong công việc đạo tạo giáo dục, ăn bớt cái chữ, nhồi nhét những cái khác vào để làm ra những tiến sĩ giả, với những học sinh không cần thi mà vẫn đậu, nhờ tiền mua điểm, mua bằng, hay đơn giản nhở chỉ tiêu cấp trên giao cho trường…”
Hiện tượng giáo dục bị phá sản hiện nay ở Việt Nam cũng là một chứng cớ hiển nhiên và cụ thể cho thấy thật là xác thực cái Ấn Tượng Việt Nam nơi tôi, một Việt Nam như đàn chiên vô chủ, cần phải có một thành phần lãnh đạo hữu hiệu hơn bao giờ hết, khẩn cấp hơn ở đâu hết. Phải chăng hiện tượng giáo dục như đang nhiễm chứng phong cùi này, cần phải được những bàn tay lãnh đạo như Mơi Mậu ở Trại Cùi Di Linh Lâm Đồng chăm sóc?
Chân Trời Việt Nam
Nếu thực sự Đấng làm chủ lịch sử, vào thời điểm của Ngài, sai đến cho Việt Nam thành phần lãnh đạo, như Gioan Phaolô II cho một Đông Âu sụp đổ năm 1989, hay Mikhail Gobarchev cho một Liên Sô giải thể năm 1991, thì, tôi tin rằng, với một dân tộc cần cù cầu tiến, với một ý hệ đang chới với khủng hoảng, với một nền kinh tế đang trằn trọc trở mình, với một xã hội đang khao khát công lý và hòa bình, hy vọng như rạng đông chắc chắn sẽ ló rạng trong lòng tôi, trong lòng anh, trong cuộc Hành Trình Việt Nam.
|
Dù tượng Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Tao Phùng ở cuối bãi trước Vũng Tầu, một bức tượng Chúa Kitô lớn nhất thế giới, cao 32 mét, với hai cánh tay dang dài 18 mét 40, (nơi tôi đã ghé thăm hôm 7/7), tuy hơn cả bức tượng Chúa Giêsu ở Rio de Janerio bên Ba Tây chỉ cao 26 mét và hai tay giang rộng có 16 mét, vẫn hơi thua tượng Nữ Thần Tự Do ở Nữu Ước Hoa Kỳ, cao 111’1” (33.86 mét), (nơi tôi đến tham quan năm 1998), thế nhưng, Giáo Hội Việt Nam, nhờ ơn Chúa, vẫn chưa xẩy ra nạn linh mục lạm dụng tình dục vị thành niên như ở Hoa Kỳ.
|
Dù Trung Tâm Giải Trí Tuần Châu kỳ thú và thơ mộng đệ nhất nước Việt Nam ở Thành Phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh, (nơi tôi đến chơi hôm 23/6), không vĩ đại và tối tân kỹ thuật bằng Disneyland ở Anaheim California hay Disney World ở Florida, Mỹ quốc, (những nơi tôi đã từng đến giải trí một số lần), nhưng Hoa Kỳ vẫn cảm thấy hết sức thòm thèm một Vịnh Cam Ranh hay hải thế Đà Nẵng của Việt Nam.
|
Dù khu nhà thờ Phát Diệm là một quần thể bao gồm 10 công trình với một nhà thờ lớn, 4 nhà thờ nhỏ chung quanh, 1 nhà thờ đá, hang đá táng xác v.v., được linh mục Phêrô Trần Lục (1825-1899) xây dựng từ năm 1875 theo kiến trúc Á Đông cổ bằng đá rất đồ sộ và mỹ thuật, (nơi tôi đến viếng ngày 27/6), vẫn không nguy nga bằng vương cung thánh đường Nữu Ước, (nơi tôi có dịp chiêm ngắm năm 1998), nhưng, nhờ ơn Chúa, ơn gọi linh mục Việt Nam vẫn dồi dào hơn ở Mỹ, đến nỗi khiến các vị giám mục Hoa Kỳ phải tỏ ra khâm phục.
|
Dù cố đô Hoa Lư ở Phát Diệm Bắc Việt, (nơi tôi ghé coi ngày 27/6), và kinh thành Huế, cùng với lăng Khải Định và Tự Đức, (những nơi tôi đến tham quan ngày 28/6), có hợp lại, cũng không bằng di tích cung đình của Trung Hoa, (nơi tôi chưa từng đến, song đã từng được nghe người hướng dẫn viên du lịch miền trung của tôi ca tụng), thế nhưng, Việt Nam vẫn không bị mất gốc suốt cả “một ngàn năm đô hộ giặc Tầu”, trái lại, còn đại thắng quân Nguyên 3 lần, đám quân đã làm náo loạn cả Âu Châu một thời.
|
Dù trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tầu, (nơi tôi đến kính viếng ngày 7/7), và trung tâm Đức Mẹ Lavang Quảng Trị, (nơi tôi đến viếng thăm ngày 30/6), cả hai cộng lại cũng không bằng trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức ở miền nam Pháp quốc, (nơi tôi cũng đã được diễm phúc ở 2 ngày vào giữa Năm Thánh 2000), thế nhưng, các nhà thờ ở Việt Nam vẫn chật chỗ ngồi vào các Chúa Nhật, dù có nhiều lễ trong ngày này, chứ không phải là những nhà thờ đồ sộ mà trống không hay bỏ không như ở Pháp đã lâu.
|
Nếu Vịnh Hạ Long ở Tỉnh Quảng Ninh Bắc Việt, (nơi tôi đã tham quan ngày 22/6), và Động Phong Nha ở Tỉnh Quảng Bình Trung Việt, (nơi tôi cũng đã tham quan ngày 29/6), là những địa danh không đâu có trên thế giới, những cảnh sắc thiên nhiên đầy hữu tình và kỳ thú, được liệt kê vào bộ gia sản đặc thù quí báu của thế giới, thì Việt Nam cũng hãnh diện về căn tính văn hóa chuyên biệt của mình, một nền văn hóa của một dân tộc nhỏ bé nhưng bất khuất, nghèo khổ nhưng cần cù, chật vật nhưng khéo léo, đau thương nhưng kiên cường, lận đận nhưng nung nấu, bất hạnh nhưng lạc quan... Những yếu tố văn hóa tối cần cho tương lai rạng ngời của một cuộc Hành Trình Việt Nam!