Tân Lãnh Tụ Iran:

Loại Trừ Do Thái khỏi bản đồ thế giới

 

Thứ Tư 26/10: Những lời tuyên bố đầy khiêu khích và hận thù của lãnh tụ Iran

 

Mạng điện toán CNN, hôm Thứ Năm 27/10/2005 đã loan tin rằng, theo Cơ Quan Tín Vụ Cộng Hòa Hồi Giáo IRNA (Islamic Republic News Agency) thì vị tân tổng thống Iran là Mahmoud Ahmadinejad, hôm Thứ Tư 26/10/2005, đã tung ra một lời tuyên bố nẩy lửa trong thời điểm đang có biến cố toàn quốc kéo dài cả tháng trời được tổ chức để chống lại Do Thái với chủ điểm “Thế Giới Phi Do Thái Chủ Nghĩa”.

 

Thật vậy, trong cuộc họp tại Bộ Nội Vụ với sinh viên xuống đường, vị tổng thống này đã trích lại lời của vị sáng lập cuộc cách mạng Hồi Giáo của Iran là Ayatollah Khomeini, vị đã nói rằng Do Thái “cần phải được xóa tên trên bản đồ thế giới”. Đoạn vị tổng thống này nhấn mạnh rằng: “Và nếu Chúa muốn, bằng quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sớm thấy được một thế giới phi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Do Thái Chủ Nghĩa”.

 

Quốc gia Do Thái đã có những liên hệ ngoại giao với các quốc gia Hồi giáo chính, như Ai Cập, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, và việc rút khỏi giải Gaza của Do Thái đã giúp vào việc cải tiến liên hệ giữa họ và một số các quốc gia cùng các vị lãnh đạo Hồi giáo khác. Thế nhưng, vị tân tổng thống Iran cho rằng: “đợt sóng mới của những cuộc đụng độ xuất phát ở Palestine cùng với tình trạng gia tăng hỗn loạn ở thế giới Hồi giáo là những gì sẽ không thể nào làm cho Do Thái bị loại trừ”.

 

Ông cho rằng việc Do Thái rút khỏi giải Gaza là một “mưu đồ” có ý làm cho “các quốc gia Hồi giáo nhìn nhận chế độ Do Thái Chủ Nghĩa của Do Thái”. Ông nói rằng Hoa Kỳ và Do Thái đang gieo rắng “tình trạng bất hòa nơi các lực lượng chiến đấu ở Palestine cũng như ở các phần khác thuộc thế giới Hồi giáo”. Theo tiến trình này, theo ông nghĩ, những nỗ lực ấy sẽ buộc các quốc gia Hồi giáo phải bình thường hóa với Do Thái. Đó là lý do ông dữ dội tuyên bố rằng: “Bất cứ ai nhìn nhận nước Do Thái sẽ bị thiêu hủy bởi lửa giận dữ của quốc gia Hồi giáo này”.

 

Nhận định của thoidiemmaria ở đây là, nếu vị tân tổng thống Iran này chủ trương muốn loại trừ Do Thái, mà tình trạng chia rẽ ở khối Hồi Giáo nói chung, như ông công nhận, sẽ không thể nào làm được điều ấy, ngoài ra, nếu các quốc gia Hồi giáo công nhận Do Thái đều bị nước Iran của ông thiêu hủy, thì thử hỏi cuộc chia rẽ giữa Iran và các quốc gia Hồi giáo như thế có thể nào tiêu diệt được Do Thái như ông dự tính hay chăng? 

 

Một vị lãnh đạo tôn giáo hàng đầu của Iran là Ayatollah Nori Hamadani đã viết trong một văn kiện là những người Hồi giáo có phận sự phải giật Palestine khỏi tay Do Thái. Ông thúc giục những người Iran xuống đường vào ngày Thứ Sáu 28/10/2005 – cũng là Ngày Giêrusalem, ngày được người Iran tưởng kính Giêrusalem, nơi Do Thái thiết lập thủ đô của họ, và lập lại việc nhân dân Iran ủng hộ việc thiết lập quốc gia Palestine.

 

Thứ Năm 27/10: Phản ứng của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia Tây Phương

 

Trong bản văn được phổ biến hôm Thứ Năm 27/10/2005, ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là Kofi Annan đã nhắc nhở rằng: “tất cả mọi quốc gia phần tử của LHQ mà Do Thái là một phần tử lâu đời đều có các quyền lợi và trách nhiệm giống như mọi quốc gia khác. Theo Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc thì tất cả mọi phần tử cần phải kiềm chế việc đe dọa hay sử dụng võ lực phạm đến tính chất nguyên vẹn về lãnh thổ hay quyền độc lập về chính trị của bất cứ quốc gia nào”.

 

Phản ứng của chính Do Thái đó là, theo Thủ Tướng Ariel Sharon, Iran cần phải được loại trừ khỏi LHQ, vì, qua lời ông tuyên bố được văn phòng báo chí chính phủ Do Thái phổ biến, bất cứ nước nào đòi hủy diệt nhau không thể nào lại là một phần tử của Liên Hiệp Quốc được.

 

Bản văn của LHQ không đề cập đến chi tiết này, nhưng cho biết là ông “đã quyết định viếng thăm Iran trong vài tuần tới để bàn luận về các vấn đề khác”.

 

Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair cho những nhận định của Tổng Thống Iran là những gì “hoàn toàn và hết sức bất khả chấp. Tôi cảm thấy có một ý nghĩa thực sự là rùng rợn nơi những lời nhận định ấy… vì anh chị em tưởng tượng thấy một quốc gia như thế, với một thái độ như thế, có trong tay khí giới nguyên tử”.

 

Phát ngôn viên của Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ là Sean McCormack nói rằng quan điểm của vị tân tổng thống Iran “càng làm gia tăng mối quan tâm của chúng ta cũng như của cộng đồng quốc tế về việc Iran theo đuổi các thứ khí giới nguyên tử”. 

 

Bộ Trưởng Ngoại Giao Canada là Pierre Pettigrew cũng phản ứng như sau: “Chúng ta không thể nào chấp nhận những lời lẽ hận thù như thế, những lời lẽ bài Do Thái như thế, những lời lẽ bất nhẫn như thế. Những lời lẽ này lại càng là những gì gây rắc rối trong khi chúng ta đang biết được tham vọng nguyên tử của Iran”.

 

Vị Chủ Tịch của Ủy Ban Âu Châu là Jose Manuel Barroso, hôm Thứ Năm 27/10/2005, đã nói với đài phát thanh BBC về lời lẽ của vị tân tổng thống Iran: “Dĩ nhiên nó là một lời phát biểu hoàn toàn bất khả chấp. Chúng ta cần phải tôn trọng biên giới và tôn trọng tính cách nguyên vẹn của Do Thái, và chúng ta muốn Do Thái sống an bình với các nước láng giềng của họ. Tôi hết sức lên án lời phát biểu ấy”.

 

Ở Balê, vị bộ trưởng ngoại giáo Pháp là Philippe Douste-Blazy đã triệu mời vị đại sứ của Iran tới để tìm hiểu về lời tuyên bố của vị tân tổng thống Iran mà ông được nghe từ tin tức: “Nếu những lời lẽ ấy là đúng thì không thể chấp nhận được. Tôi hết sức lên án những lời lẽ ấy và tôi xin vị đại sứ Iran ở Balê đến Bộ Ngoại Giao để giải thích vấn đề. Đối với Pháp quốc, không được bàn luận gì tới quyền hiện hữu của Do Thái. Quốc gia này được thành lập bởi quyết định của Tổng Hội Đồng LHQ. Luật quốc tế này áp dụng cho tất cả mọi quốc gia. Vấn đề xung khắc giữa Do Thái và Palestine không thể được sử dụng như tấm bình phong để đặt vấn đề quyền hiện hữu chính yếu của Do Thái ở đây”. 

 

Các bộ ngoại giao ở Bá Linh Đức Quốc, Ma Ní Tây Ban Nha và Rôma Ý quốc đều lên tiếng chống lại những lời lẽ của vị tân tổng thống Iran. Trong khi Tây Ban Nha và Đức Quốc đòi đại sứ hay đại diện của Iran giải thích về lời lẽ của vị tổng thống Iran này, thì Ý nói rằng những lời lẽ ấy càng khẳng định mối quan tâm về chương trình nguyên tử của Iran, và bộ ngoại giao của Ý đã bày tỏ “việc khó chịu và quân tâm tới vị đại sứ Iran ở Rôma”: “Nội dung và giọng điệu của những lời phát biểu bất khả chấp đó là những gì củng cố những mối lo âu về những chủ trương chính trị đang được vị tân lãnh đạo Iran này theo đuổi, nhất là liên quan tới hồ sơ hạch nhân”.

 

Thứ Sáu 28/10: Cuộc xuống đường chống Do Thái và Hoa Kỳ

 

Thứ Sáu 28/10/2005, bất chấp những lời chỉ trích và lên án của các cường quốc Tây phương trên đây, theo lời kêu gọi của vị lãnh đạo tôn giáo cao cấp của mình ngày hôm trước, hàng ngàn người Iran đã xuống đường chống Do Thái theo chiều hướng của vị tân tổng thống cực bảo thủ tuyên bố hôm Thứ Tư, trong số thành phần xuống đường này có cả chính vị tổng thống này nữa, nghĩa là ông cương quyết giữ lời tuyên bố của mình chứ không rút lại trước áp lực quốc tế và dù có được các viên chức của ông ở các nước chữa chạy lời lẽ của ông.

 

Ông nói với IRNA rằng: “Lời của tôi vẫn không thay đổi như là lời của quốc gia Iran này thôi. Họ có quyền tự do phát biểu nhưng các lời lẽ của họ chẳng có một uy tín nào cả”.

 

Trong số các biểu ngữ của thành phần xuống đường người ta thấy có những giòng chữ như sau: “Giết Chết Do Thái đi, giết chết Hoa Kỳ đi”. Cuộc xuống đường toàn quốc đầu tiên diễn ra ở Iran xẩy ra vào năm 1979 sau khi giáo phái Shiite Hồi giáo lên nắm chính quyền ở nước này.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu của CNN ngày 27-28/10/2005

 

 

TOP

 

 

Vấn Đề Diệt Chủng Do Thái: Tòa Thánh và Thế Giới phản đối Tổng Thống Iran

 

Mới đây, cách 2 tháng, vào Tháng 10/2005, vị tân Tổng Thống Iran (từ Tháng 6/2005) là Mahmoud Ahmadinejad lên tiếng muốn “xóa bỏ Do Thái khỏi bản đồ thế giới”, nay lại tuyên bố về biến cố diệt chủng Do Thái do Nazi thực hiện là một câu truyện hoang đường vô thực.

 

Đó là lý do, ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo kiêm lãnh đạo Ủy Ban Tòa Thánh về Các Mối Liên Hệ với Người Do Thái, trong khi nhận phần thưởng của Hiệp Hội Chống Bôi Nhọ hôm Thứ Sáu 16/12/2005 đã nói rằng:

 

“Thật là rợn người khi nghe thấy phát ra từ môi miệng của vị tổng thống lãnh đạo một quốc gia có nền văn hóa cổ kính và đáng kính… những lời bày tỏ về việc bài Do Thái không thể chấp nhận đối với mọi người”.

 

Đúng thế, hôm Thứ Tư 14/12/2005, lời nhận định này của vị tổng thống Iran đã khiến cho Do Thái, Hoa Kỳ và Âu Châu lên án tức khắc, và cảnh giác là thái độ của ông làm tổn hại tới vị thế của Iran trong việc giải quyết những ngờ vực về dự án nguyên tử của nước này.

 

Trong cuộc du hành ở miền tây nam nước Iran là Zahedan, ông đã nói trên truyền hình trực tiếp trình chiếu rằng nếu những người Âu Châu cứ nhất định cho rằng việc Diệt Chủng Do Thái là sự kiện xẩy ra thật thì họ phải chịu trách nhiệm và trả giá cho chủ trương của họ:

 

“Ngày nay, nhân danh cuộc Diệt Chủng Do Thái họ đã tạo ra một câu truyện hoang đường và coi nó trên cả Thiên Chúa, tôn giáo và các vị tiên tri. Nếu quí vị phạm cái tội đại ác này thì tại sao quốc gia Palestine bị áp bức lại phải trả giá như thế vậy?

 

“Đây là chủ trương của chúng tôi, đó là, nếu các người đã phạm tội ác thì hãy cống hiến một phần đất đai của các người ở Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada hay Alaska cho họ để những người Do Thái có thể thành lập quốc gia của họ”.

 

Các vị lãnh đạo Khối Hiệp Nhất Âu Châu đang gặp nhau ở Brussels đã cảnh cáo trong một bản văn được soạn thảo hôm Thứ Sáu 16/12/2005 là lời phát biểu của vị tổng thống này có thể là nguyên cớ cho những biện pháp trừng trị mà Iran phải chịu:

 

“Những nhận định này hoàn toàn bất khả chấp và không có chỗ đứng trong cuộc tranh luận chính trị có tính cách văn minh”.

 

Trong nội quốc Iran, thành phần ôn hòa kêu gọi hàng giáo sĩ lãnh đạo Hồi giáo hãy chế ngự vị tổng thống này. Vì cuộc bầu ông lên đã làm ngưng đọng tình trạng suy thoái lâu dài của trào lưu cải cách Iran, một trào lưu đã làm bớt đi rất nhiều thứ ngôn từ chống Do Thái và Hoa Kỳ của cuộc Cách Mạng Hồi Giáo năm 1979 để tìm cách thiết lập các mối liên hệ quốc tế.

 

Các quốc gia trên thế giới đã lên án lời phát biểu của vị tổng thống này. Tòa Bạch Ốc đã cho biết những lời lẽ của ông “chỉ làm sáng tỏ lý do tại sao thật là quan trọng vấn đề cộng đồng thế giới cần phải tiếp tục cùng nhau làm việc để cầm chân Iran khỏi chế tạo các loại vũ khí nguyên tử”.

 

Ngoại Trưởng Do Thái nói rằng những lời phát biểu ấy chứng tỏ cho thấy “tâm địa của bè lũ cầm quyền ở Tehran và rõ ràng cho thấy những mục đích của chính sách cực đoan quá khích nơi chế độ này”.

 

Ủy viên liên hệ ngoại bộ Khối Liên Hiệp Âu Châu là Benita Ferrero-Waldner, đã gọi quan điểm của vị tổng thống Iran này là những gì “hoàn toàn vô trách nhiệm”. Việc chối bỏ cuộc Diệt Chủng Do Thái – một cuộc diệt chủng đã làm cho 6 triệu người Do Thái bị tàn sát bởi tay Đảng Nazi – là một tội ác ở một số quốc gia Âu Châu.

 

Trung Hoa là quốc gia vốn có liên hệ tốt với cả Do Thái và Iran, qua phát ngôn viên Qin Gang của vị Ngoại Trưởng hôm Thứ Năm đã cho biết những lời phát biểu ấy là những gì có thể làm suy yếu đi tình trạng vững vàng của thế giới: “Chúng tôi không hài lòng với bất cứ lời phát biểu nào gây tác hại cho sự bền vững và hòa bình. Do Thái là một quốc gia chủ quyền”.

 

Nga sô không trực tiếp phê phán vị tổng thống Iran nhưng lên án bất cứ nỗ lực nào chối bỏ cuộc Diệt Chủng Do Thái và khẳng định rằng cần phải lập lại “chủ trương theo nguyên tắc” của Nga sô, như vị Ngoại Trưởng Nga nói: “Việc suy đoán về những đề tài này là những gì phản nghịch lại với các nguyên tắc của Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc cũng như ý nghĩ của cộng đồng thế giới”.

 

Các chính quyền Ả Rập tỏ ra lưỡng lự lên án tổng thống Iran. Ở Saudi Arabia, các tờ nhật báo do chính quyền kiểm soát có trích lại lời lẽ của ông từ các cơ quan tín vụ quốc tế nhưng không phê phán gì cả.

 

Khi nói bên lề của hội nghị Nhã Điển về vấn đề di dân, ông Mostafa Pur Mohammadi đã nói với hãng thông tấn AP rằng “Thật ra vụ này đã bị hiểu lầm mà thôi. (Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad) không có ý đưa vấn đề này ra. Ông muốn nói rằng nếu có ai gây ra trục trặc cho cộng đồng Do Thái thì họ phải trả giá chứ không phải kẻ khác phải chịu thay”.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit 15/12/2005 và CNN ngày 16/12/2005 

 

 

TOP