Thị Trường Các Tay Tử Đạo:
Kỹ Nghệ Khủng Bố Tự Sát
Ông Massimo Introvigne, một xã hội gia về tôn giáo, giám đốc sáng lập viên Trung Tâm Nghiên Cứu Các Tân Tôn Giáo, cùng với Lawrence Iannaccone, là tác giả của tác phẩm "Il Mercato dei Martiri. L'Industria del Terrorismo Suicida" (Thị Trường Các Tay Tử Đạo: Kỹ Nghệ Khủng Bố Tự Sát), do Lindau xuất bản ở Ý. Trong cuộc phỏng vấn với Zenit, ông đã nói đến tác phẩm này, một tác phẩm phân tách hiện tượng khủng bố tự sát theo quan điểm được gọi là kinh tế tôn giáo, tức là một thị trường liên quan tới vấn đề của luật cung cầu. Theo ông, tay khủng bố sát hại mạng sống mình không coi hành động của mình ấy là một hành động tự vẫn mà là một hành đồng lập công.
“Các tổ chức khủng bố không thực hiện những cuộc tấn công chỉ vì họ thích hay chỉ vì họ bị thôi thúc bởi một ý muốn được khải thị trong việc sát hại. Họ hoạt động như ‘các thứ kỹ nghệ’ khủng bố theo lý lẽ giá trả cùng lợi nhuận thường tình của vấn đề làm ăn thương mại”.
Vấn: Vậy thì một kẻ khủng bố đâu phải là một tay tử đạo?
Đáp: "Martyres non facit poena sed causa," Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã nói như thế. Họ là những tay tử đạo không phải đường lối họ chết mà là vì lý tưởng họ hy sinh mạng sống.
Tuy nhiên, như huấn quyền của Giáo Hội dạy, cũng như các bản tuyên ngôn long trọng của Liên Hiệp Quốc xác nhận, những bản tuyên ngôn được hầu như tất cả mọi quốc gia trên thế giới chấp nhận, thì việc khủng bố bao giờ cũng là đường lối bất hợp pháp, bất kể mục tiêu của kẻ khủng bố có là gì đi nữa. Nó là một lý tưởng xấu và những ai phụng sự lý tưởng này đều không phải là thành phần tử đạo.
Ngay cả theo quan điểm của người Hồi giáo đi nữa thì thật sự rất cần phải đặt vấn đề xem tay khủng bố tự sát có quyền được hưởng danh xưng “shahid” tử đạo hay chăng.
Trong cuốn “Thị Trường Các Tay Tử Đạo” chúng tôi đã phổ biến như một phụ đính “fatwa” tức một sắc dụ về tôn giáo của những nhóm Saudi thân cận với Osama bin Laden, một sắc dụ cố gắng cho thấy rằng việc khủng bố là tử đạo. Thế nhưng, trong cuốn sách này chúng tôi đã nhấn mạnh rằng, để tiến đến kết luận ấy, người ta đã phải cưỡng ép các nguồn trích dẫn là Sách Coran và Sách Sunna.
Vấn: Tại sao họ lại đi tự sát?
Đáp: Cho dù, theo khách quan, vì lý do như tôi vừa nói, việc khủng bố tự sát không phải là tử đạo, song theo chủ quan thì nó là một cuộc tử đạo đối với thành phần khủng bố.
Ngoài ra, khi phỏng vấn mấy năm trước đây các tay diễn giải thuộc Nhóm Hamas ở Tây Ngạn, tôi nhận thấy rằng mối quan tâm chính của họ đó là phải thực sự bảo đảm rằng những gì họ dự định làm không phải là tự tử, vì nó là một cử chỉ bị Hồi giáo cấm không cho phép làm và là hành động khiến họ bị xuống hỏa ngục.
Những nhà lãnh đạo của họ khuyến khích họ bằng những lập luận thần học để thuyết phục họ, cho dù những nhà lãnh đạo này có nghi ngờ và trích dẫn từ những nguồn nguyên thủy của phái Hồi giáo Shiite để chuyển dịch, một cách không phải là dễ dàng gì, sang giáo điều về môi trường của phái Hồi giáo Sunni.
Bởi thế, “kẻ tử đạo” này, dù đối với chúng ta không phải là thế, vẫn thực sự nghĩ rằng họ đang thực hiện một hành động lập công theo quan điểm tôn giáo.
Vấn: Nếu nghèo khổ và tuyệt vọng không phải là những căn nguyên khiến cho thành phần khủng bố tự sát hại bản thân mình thì điều gì đã thúc đẩy họ làm như thế?
Đáp: Trong cuốn sách chúng tôi đã nói rằng những thứ giải thích dựa vào nghèo khổ và nỗi tuyệt vọng về vấn đề kinh tế xã hội là những gì vô nghĩa, bởi vì có nhiều tay khủng bố tự sát có một cuộc sống sung túc.
Dĩ nhiên, người ta có thể nói đến “nỗi tuyệt vọng về văn hóa”, thế nhưng cái loại tuyệt vọng mập mờ ấy có thể hiểu về mọi thứ hay chẳng về cái gì cả.
Có những người nói đến “việc tẩy não” và việc mạo động tâm thần, những loại mà tôi không muốn nói một cách tổng quát, như tôi giải thích trong tác phẩm “Việc Tẩy Não, một Huyền Thoại hay Có Thực” của tôi là những gì khó áp dụng vào trường hợp của một người như Mohammed Atta, tay lãnh đạo cuộc khủng bố tấn công ngày 11/9/2001, một tay biệt kích, một sinh viên đại học được đẳng cấp danh dự của đại học Hamburg, con người chưa bao giờ sống ở một trại huấn luyện nào hay trong một môi trường bảo thủ Hồi giáo nào. Phải chăng hắn đã bị tẩy não chỉ bằng những bài giảng trong đền thờ vào ngày Thứ Sáu?
Iannaccone và tôi đều tin rằng tất cả mọi thứ “cắt nghĩa” này đều là kết quả của một thứ thành kiến phản tôn giáo, cũng như theo chiều hướng qui nạp kiểu chính trị hay tâm lý cho rằng hiện tượng này bề ngoài là tôn giáo song không phát xuất bởi các nguyên do tôn giáo. Theo quan điểm ấy thì tôn giáo, như Marx đã nói, chỉ là một thứ “siêu cơ cấu” của một thứ cơ cấu có thực, đó là thứ cơ cấu có thực về kinh tế đối với Marx và về tâm lý đối với Freud.
Dĩ nhiên, không có một hiện tượng nào lại chỉ có một nguyên do duy nhất, nên việc cho rằng các động lực thúc đẩy thành phần khủng bố tự sát ra tay chỉ liên quan tới vấn đề tôn giáo thôi thì ý nghĩ ấy như là một thứ hí họa nực cười. Tuy nhiên, tôn giáo cũng đã đóng một vai trò quan trọng.
Vấn: Có hay chăng một thứ “kỹ nghệ khủng bố tự sát” như ông nói đến?
Đáp: Có. Chúng tôi đã phân biệt các thứ nguyên động lực thúc đẩy các con người được chúng tôi nói tới cũng như những nguyên động lực của những tổ chức khủng bố.
Nơi nhiều nền văn hóa có những con người, đối với họ, cách thức giải thích tôn giáo, cách riêng Hồi giáo, dẫn họ tới những hành động bạo lực, bao gồm cả việc khủng bố tự sát. Thế nhưng, không phải đâu đâu cũng có “những thứ làm ăn thương mại” (và) “những thứ kỹ nghệ” đáp ứng một ước muốn khả dĩ nào đó, thực hiện việc tuyển mộ và tạo cơ hội trở thành những tay khủng bố đích thực.
Không có nạn khủng bố Hồi giáo ở Senegal hay Mali, những xứ sở có nhiều người Hồi giáo nhiệt thành, thành phần cũng nghèo khổ. Có nạn khủng bố, mặc dù không căng thẳng, ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các tay khủng bố Hồi giáo tấn công thành phần ngoại kiều hay tấn công các tay khủng bố thuộc một tổ chức Cộng Sản hay Kurdish biệt lập có những nguyên động lực không phải là tôn giáo.
Có nạn khủng bố ở Saudi Arabia, một xứ sở giầu thịnh, ở Ai Cập, Nam Dương, Pakistan, ở các cộng đồng Do Thái lưu vong Ý quốc, Tây Ban Nha, Pháp (và) Đức, vì nơi những xứ sở ấy có những tổ chức có khả năng chiêu mộ các tay có thể trở thành những kẻ khủng bố.
Dĩ nhiên, cũng có nạn khủng bố ở cả Chechnya, Palestine, Kashmir. Thế nhưng, nhóm al-Qaida tuyển mộ hầu hết các phần tử của mình ở Saudi Arabia, Ai Cập và nơi thành phần di dân Hồi giáo ở Âu Châu, những nơi không thuộc vùng chiến tranh.
Vấn: Ông nói rằng hay hơn thì nến giải quyết vấn đề “cung” của nạn khủng bố hơn là “cầu”. Xin ông làm ơn giải thích cho biết ở đây ông có ý muốn nói gì?
Đáp: Ai nghĩ rằng nạn khủng bố tự sát phát xuất từ nghèo khổ là người tin rằng Các Dự Án Marshall để loại trừ tình trạng nghèo khổ ở Palestine hay ở những chỗ khác đều có thể giải quyết được vấn đề. Xin nói rõ là những dự án này là những gì hữu ích và thiết thực, nhưng vì những lý do khác, chúng tôi cho rằng những dự án ấy không giải quyết được gì lắm vấn đề khủng bố.
Như chúng tôi đã vạch ra cho thấy, hầu hết, chứ không phải là tất cả, các tay khủng bố xuất phát từ những gia đình khá giả cũng như từ các quốc gia giầu thịnh.
Thật vậy, các thứ giải pháp thường được đề ra đều thiếu đề cập tới việc cất đi khỏi đầu óc thành phần khủng bố ý nghĩ trở thành một “vị tử đạo” tự sát. Có thể làm một điều gì đó ở mức độ này, thế nhưng rất chậm và mang lại những thành quả cần phải được thẩm định một cách dài hạn.
Chúng tôi nghĩ rằng trong nhiều năm trời, giới trẻ sẽ tiếp tục ra đời hiểu Hồi giáo một cách, theo tâm trí của họ, cần phải trở thành cực đoan là những gì thậm chí có thể đưa đến nạn khủng bố.
Điều này sẽ xẩy ra ngay cả trong những điều kiện kinh tế xã hội thượng thặng, cũng như nơi những miền không có chiến tranh và là những miền không có nhu cầu khủng bố hoặc bị Tây phương chiếm đóng như ở Saudi Arabia và Nam Dương. Ở đây tôi không nói đến những hải đảo hay những vùng biệt lập của quần đảo Nam Dương, nơi có nhiều tay khủng bố xuất thân từ Jakarta.
Những gì có thể đạt được trong một thời gian ngắn hạn hơn đó là cái nhu cầu khủng bố ấy không được cung ứng; tức là, có thể nhổ tận gốc các tổ chức tuyên truyền và huấn luyện các tay khủng bố. Những tổ chức ấy có thể bị ngăn chặn ở lãnh vực quân sự, một sự kiện không thể lơ là, như một số “tâm hồn tốt lành” chủ trương cầu an mong muốn.
Cũng cần phải hạn chế những tổ chức này cả ở lãnh vực tài chính, vì họ tiếp tục nhận được những số tiền quá dễ dàng, thường từ các tổ chức “nhân đạo” giúp vào việc chi phí của các tay khủng bố.
Tác phẩm của chúng tôi cố gắng để trình bày một cách đặc biệt là những tổ chức khủng bố không thực hiện những cuộc tấn công hoàn toàn để thỏa mãn việc thi hành những cuộc tấn công ấy, hay vì họ được tác động bởi một ý muốn khải thị trong việc sát hại. Họ hoạt động như là “những thứ kỹ nghệ” khủng bố, theo lý lẽ giá cả và lợi nhuận của việc làm ăn thương mại bình thường.
Những lợi lộc về chính trị được đặt ra và đôi khi đạt tới. Nhóm Hamas đã từng làm cho hơn một dự án hòa bình thất bại ở Palestine. Cuộc tấn công ngày 11/3 đã ảnh hưởng tới cuộc tuyển cử ở Tây Ban Nha v.v. Vào lúc họ nhận thấy rằng những cuộc tấn công tự sát không “thích hợp” và chẳng mang lại kết quả gì, mà lại gây ra phản chứng, những tổ chức khủng bố liền thay đổi sách lược của họ.
Tuy nhiên, vấn đề giải quyết cho nạn khủng bố tự sát ở lãnh vực cung ứng, nói cho cùng, thì đó là một vấn đề chính trị vậy.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 20/1/2005