THÁNH ÐỊA: DAI DẲNG GIẰNG CO

2003

    

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

viết và dịch theo tin tức liên tục của CNN và Zenit.

 

Thánh Địa: “Vì họ không thuộc nhóm của chúng ta” (Mk 9:38)

Thứ Hai 22/12/2003, tại Giêrusalem, ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Maher, sau cuộc nói chuyện với Thủ Tướng Do Thái Sharon, đã được đưa vào nhà thương vì bị những người Hồi Giáo tấn công khi ông đang cầu nguyện ở Đền Thờ Al Aqsa, một trong những nơi linh thánh nhất của Hồi Giáo.

Câu truyện xẩy ra là có cả mấy chục tín đồ ở trong Đền Thờ bấy giờ, được cho là thuộc nhóm Hồi Giáo quá khích mang danh là Đảng Giải Phóng, đã ném giầy vào ông ngoại trưởng này và hô hoán rằng “Allahu Akbar” (Thiên Chúa là Đấng cao cả). Cảnh sát canh ở bên ngoài đền thờ đã nghe thấy tiếng xáo trộn ở bên trong, và đoàn tùy tùng của vị ngoại trưởng đã vội vã hộ tống ông ra khỏi đến thờ.

Các viên chức Do Thái cho biết cảnh sát Giêrusalem đã đưa ông lên xe cứu thương đậu ở Cổng Mugrabi để ông được khám nghiệm rồi đưa ông đến Trung Tâm Y Khoa Hadassah ở Giêrusalem. Thẩm Quyền Palestine, qua phát ngôn viên Saeb Erakat, đã lên án hành động tấn công này.

Sau khi gặp gỡ thủ tướng Do Thái Sharon, ngoại trưởng Maher cho biết là ông hy vọng Do Thái và Palestine chẳng bao lâu nữa sẽ tiến đến chỗ áp dụng thi hành cái được gọi là “lộ trình” hòa bình. Ông Maher cho biết thủ tướng Sharon có thể sẽ chiều theo vấn đề ngừng chiến của Palestine: “Tôi đã nghe thấy được là Do Thái quyết tâm tái tấu những cuộc thương thảo sớm bao nhiêu có thể. Tôi cũng nghe thấy rằng Do Thái muốn cho cuộc sống của người Palestine được dễ thở hơn, và tôi xin nói rõ là việc làm cho cuộc sống của những người Palestine được dễ thở hơn đây chắc chắn cũng sẽ làm cho cuộc sống của những người Do Thái được dễ thở nữa, vì cả hai cuộc sống này liên hệ với nhau, cả hai đang chịu khổ gây ra bởi tình trạng hiện nay”.

Thủ Tướng Sharon đã ra văn thư chính thức mời Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak đến Israel. Theo vị thủ tướng này thì: “Tôi hy vọng rằng cuộc viếng thăm này sẽ giúp mang lại mối liên hệ của chúng tôi với Thẩm Quyền Palestine tiến bộ, cũng như sẽ giúp vào việc nỗ lực tiến tới một giải pháp chính trị sớm bao nhiêu có thể. Tôi đang đón tiếp vị ngoại trưởng Ai Cập và tôi cũng đang mời cả tổng thống Ai Cập đến Israel nữa”.

Ai Cập là nước Ả Rập đầu tiên ký kết hiệp ước hòa bình với Do Thái vào năm 1979. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa Do Thái và Ai Cập đã trở nên lạnh nhạt hơn, từ sau cuộc bạo động bùng nổ vào Tháng 9/2000 ở Thánh Địa.

Ngoài ra, còn một nỗ lực nữa giữa hai phe Do Thái và Palestine là làm sao để cho hai vị Thủ Tướng của hai bên được dịp gặp gỡ nhau lần đầu tiên.

Giữa hai phe Do Thái và Palestine, vấn đề là ở chỗ hai bên vẫn cứ giằng co nhau và không bên nào chịu dấn thân đi nước trước. Palestine thì cứ nhất quyết đòi Do Thái phải di chuyển những khu cư trú đi chỗ khác cũng như phải thôi những hoạt động khác của người Do Thái trong các phần thổ của Palestine; còn bên Do Thái cũng nhất quyết muốn bên Palestine phải giải thể các tổ chức chiến đấu quân và ngưng ngay các cuộc khủng bố tấn công Do Thái. Nhưng vì hai bên dường như không muốn đi tiên phong thực hiện ý muốn của đối phương, mà những vấn đề gai góc khác cũng vẫn chưa được giải quyết, như vấn đề biên giới và vị thế của thành Giêrusalem.
 

Thánh Địa: Gay Go Việc Ngưng Chiến

Hôm Thứ Hai 1/12/2003, một nhóm người thuộc cả bên Do Thái lẫn Palestine, mỗi nhóm có 30 đại diện, đã họp lại ở Geneva Thụy Sĩ với 400 người của cả đôi bên tham dự để khai trương một dự án bất chính thức về hòa bình ở Thánh Địa. Trong lễ nghi khai mạc có nhiều bậc vị vọng, trong đó có cả cựu tổng thống Carter, dự án hòa bình này, một dự án đã được âm thầm bàn luận và họp hội hai năm trời, được chính thức công khai loan báo. Mỗi bên bày tỏ việc ủng hộ dự án này bằng việc thắp lên những ngọn nến. Bên Do Thái gồm có những chính trị gia chống lại chính phủ của Thủ Tướng Arial Sharon, còn bên Palestine bao gồm những vị bộ trưởng gần gũi với vị lãnh đạo khối Palestine Yasser Arafat. Hai vị tác giả của bản dự thảo này là nguyên Bộ Trưởng Công Lý Do Thái Yossi Beilin và nguyên Bộ Trưởng Thông Tin Palestine Yasser Abed Rabbo.

Bản dự án hòa bình không được hỗ trợ bởi cả hai chính phủ Do Thái và Palestine này kêu gọi hai phe xung khắc ở Trung Đông nhượng bộ nhau. Bản dự án kêu gọi bên Do Thái hoàn toàn rút khỏi Tây Ngạn, ngoại trừ 2% còn lại. Nó cũng kêu gọi phe Palestine chấm dứt những cuộc tấn công của các nhóm chiến đấu quân Palestine, và lấy Giêrusalem làm thủ đô của cả nước Do Thái lẫn quốc gia (dự trù) Palestine. Cả hai bên đều muốn chiếm thành này, một thành đã được phân chia kiểm soát giữa Do Thái và Ả Rập cho tới năm 1967, thời điểm thành bị quân đội Do Thái chiếm đóng trong Trận Chiến Sáu Ngày. Những người Palestine muốn phần bên đông làm thủ đô của họ, còn Do Thái nhấn mạnh là thành này sẽ vĩnh viễn bất phân chia và ở dưới quyền kiểm soát của Do Thái. Bản dự án hòa bình cũng đề cập đến một vấn đề được gọi là “quyền trở lại” cho những người Palestine và giòng dõi của những ai tị nạn đã phải rời bỏ hay bị bắt buộc rời Do Thái khi quốc gia Do Thái được thành lập vào năm 1948. Những người Palestine đòi quyền trở lại với những miền đất hiện nay thuộc về Do Thái.

Ở Thánh Địa, dân chúng Palestine cho những ai tham dự vào cuộc khai trương dự án hòa bình này là “những kẻ phản bội”. Riêng hai vị tác giả viết lên bản dự án hòa bình gợi ý này đã cho biết nhận định của họ như sau.

Ông Beilin: “Phải chấm dứt thời gian tranh cãi này”. và kêu gọi những nhà lãnh đạo Do Thái và Palestine “hãy lập tức trở lại thương thảo với nhau vô điều kiện”. Theo ông việc cả hai bên chấp nhận bản dự thảo bất chính thức này sẽ làm cho việc bắt đầu áp dụng lộ trình hòa bình Trung Đông được dễ dàng hơn: “Chúng tôi đang đặt bản dự án chung của chúng tôi lên bàn của những nhà có quyền quyết định như là một giải pháp có thể để chấm dứt cái vòng lẩn quẩn bạo loạn xấu xa này”.

Ông Rabbo nói thêm: “Hôm nay chúng tôi giang tay của chúng tôi ra trong hòa bình cho vấn đề hòa bình. Những người phê bình của chúng tôi nói rằng những viên chức chính phủ cần phải thực hiện những hiệp định này, chứ không phải là những đãi diện của xã hội dân sự. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý như thế. Nhưng chúng tôi phải làm gì nếu các viên chức chính phủ không gặp gỡ nhau, nếu các chính quyền không thương thảo với nhau đây? Chúng tôi không thể đợi chờ và trông nhìn khi thấy tương lai của hai quốc gia chúng tôi đang rơi sâu xuống vực tai ương. Đây là giải pháp đơn giản cho cuộc xung khắc này, và nó là giải pháp duy nhất. Tại sao lại phải đợi chờ? Tại sao lại gây thêm những hy sinh đẫm máu chỉ để đạt tới cùng một giải pháp chúng tôi có thể đạt tới hôm nay đây chứ?”

Cựu Tổng Thống Carter nói: “Bản thỏa hiệp này sẽ giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất của cuộc xung khắc này, bao gồm cả việc phân định ranh giới, việc định cư người Do Thái, việc chiếm cứ quá nhiều đất đai của người Palestine, vấn đề tương lai của thành Giêrusalem cùng các nơi thánh ở đây, và vấn đề rắc rối liên quan đến thành phần tị nạn Palestine. Chúng ta không thể thấy được một nền tảng hòa bình nào hứa hẹn hơn nữa”.

Hội nghị này cũng đọc cả những bức thư khen ngợi của những viên chức Liên Hiệp Quốc, của Khối Hiệp Nhất Âu Châu và của nhiều quốc gia. Nhiều người Palestine và Do Thái lên tiếng nói ở Geneva, nhưng nhiều lơiụi phát biểu xoay quanh việc lên án Do Thái trong khi chỉ có tương đối ít lời nhắc đến việc khủng bố tấn công của người Palestine.

Ở Giêrusalem, cha David Jaeger, phát ngôn viên của Vai Trò Bảo Quản Viên Thánh Địa do Dòng Phanxicô đảm trách, trong cuộc phỏng vấn với cơ quan SIR của hàng giáo phẩm Ý hôm Thứ Ba 2/12, đã cho biết bản hiệp định này “là một gương mẫu và là một thách đố”.

Thật vậy, về thẩm quyền thì bản hiệp định này là một văn kiện riêng tư giữa những người công dân với nhau, được viết ra và phổ biến “để thách đố chính quyền hiện hành của mình, như thể nói rằng: ‘nếu chúng tôi có thể đạt đến hiệp định này thì quí vị cũng thế, nếu quí vị muốn’. Nó như lời ngấm trách rằng: ‘nếu quí vị không làm việc ấy cho tới nay, và nếu quí vị vẫn không muốn làm điều này, không phải là vì nó không thể làm mà vì quí vị không muốn làm mà thôi’ Tác giả của bản hiệp định này là những con người thận trọng, chẳng những về trí thức mà còn có cả kinh nghiệm làm việc trong chính quyền nữa. Thật ra không ai bảo rằng bản văn kiện này là hoàn hảo cả, nhưng nó bao gồm đầy đủ những chi tiết cho thấy nó là một bản hiệp định hòa bình khả thể”.

Theo chiều hướng thuận lợi này, tại Washington DC, hôm Thứ Ba 2/12/2003, các ĐHY William H. Keeler TGP Baltimore, Theodore E. McCarrick TGP Washington và ĐGM Wilton Gregory, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với 29 vị lãnh đạo thượng cấp của các tôn giáo khác như Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo đồng thanh tuyên bố thực hiện một nỗ lực hợp tác mới trong việc vận động công chúng ủng hộ vấn đề thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tích cực và dứt khoát hơn nơi vấn đề theo đuổi hòa bình ở Trung Đông đối với dân Do Thái, Palestines và các quốc gia Ả Rập. Họ tin rằng việc đình trệ nơi vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ làm tăng thêm cuộc xung đột, làm suy yếu cuộc chiến chống khủng bố, và đe dọa nền an ninh quốc gia ở miền đó và trên khắp thế giới.
 

Trong khi đó, ngược lại, ở Ai Cập, sau 4 ngày bàn luận ở một nơi bí mật ở miền nam Cairo, được kết thúc hôm Chúa Nhật 7/11/2003, bên Palestine vẫn không đi đến một giải pháp tốt đẹp nào trong việc giải quyết hòa bình với phe Do Thái. Những ngày bàn luận này nhắm mục đích triệu tập tất cả các đảng phái Palestine lại, nhất là hai đảng Hamas và Thánh Chiến Hồi giáo, những đảng vẫn công khai nhận trách nhiệm về các cuộc khủng bố tấn công những người Do Thái, để tuyên bố chấm dứt các cuộc tấn công như vậy.

Hai đảng chính này tỏ ý là họ sẵn sàng chấm dứt các cuộc tấn công như thế, thế nhưng chỉ khi nào Do Thái ngưng những gì được họ gọi là những cuộc ám sát những chiến đấu quân, chấm đứt các cuộc đột kích vào lãnh thổ Palestine và thả các tù nhân ra. Họ không chịu chấp nhận một thứ ngừng chiến mà không có những điều kiện này, và họ cũng không chịu trao quyền cho Thủ Tướng Ahmed Qorei thay họ thương thảo với phe Do Thái. Họ còn nhất định giữ khoảng cách với “lộ trình hòa bình” của Khối Tứ Tượng (Nga, Mỹ, Liên Hiệp Quốc và Khối Hiệp Nhất Âu Châu).

Đại biểu của đảng Fatah của Tổng Thống Yasser Arafat cho biết những cuộc bàn luận này “giống như thúc vào thân một con ngựa đã chết… Chúng tôi đã bàn luận trong vòng 3 ngày mà vẫn chẳng thể nào quyết định được gì cả”. Đại diện đảng Hamas là Mohamed Nazzal cho biết là Hamas, Islamic Jihad và 3 đảng Palestine khác đều đồng ý rằng, trong tháng 6 vừa rồi, họ đã đồng ý với việc ngưng chiến toàn diện nhưng bên Do Thái đã loại trừ nó bằng việc tiếp tục “tấn công dân chúng Palestine”. Ông này còn nói Hamas “sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu võ trang” dưới hình thức “chống cự toàn diện”.

Các vị đại biểu đã thức tới 3 giờ sáng địa phương để nẩy ra những chi tiết cho vào bản thảo văn kiện. Có lúc họ đã đồng ý rằng thôi tấn công dân chúng Do Thái ở miền đất Do Thái, nhưng vẫn tấn công những dân cư Do Thái hay quân đội Do Thái ở những miền thuộc Palestine như Đông Giêrusalem, Gaza và Tây Ngạn. Các đại biểu Ai Cập thúc các đảng phái Palestine tiến đến một thỏa định để Cairô trình lên cho Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng những người đại diện đảng Hamas nói rằng chỉ có một đường lối duy nhất để giải phóng các lãnh thổ của Palestine khỏi việc kiểm soát của Do Thái đó là bằng một hình thức chống cự nào đó. Đảng Fatah của Arafat muốn có một cuộc đình chiến toàn diện với Do Thái với điều kiện là Do Thái thôi những cuộc đột kích và bắt đầu áp dụng lộ trình hòa bình.
 

Khủng Bố mở rộng giới tuyến

Tổng Thống Bush đã viếng thăm Hiệp Vương Quốc 3 ngày, một cuộc viếng thăm đầu tiên của một vị tống thống Hoa Kỳ thăm Hiệp Vương Quốc. Cuộc viếng thăm của ông bị cả hằng ngàn ngàn người xuống đường phản đối tại Công Trường Trafalgar ở Thủ Đô Luân Đôn. Họ thổi kèn và la hò những câu phản chiến. Họ cấm bức hình lộn ngược đầu của Tổng Thống Bush để nhắc lại cảnh quân Hoa Kỳ tiến vào thủ đô Baghdad lật đổ tượng Tổng Thống Iraq Saddam Hussein. Hôm Thứ Năm, 19/11/2003 Tổng Thống Bush và Thủ Tướng Toni Blair đã thực hiện một cuộc họp báo. Theo tường trình cuộc thăm dò được thực hiện trước khi Tổng Thống Bush đến và được tờ Thời Điểm phổ biến hôm Thứ Ba, thì có 59% người trả lời cho biết vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới bị giảm sút trong thời Tổng Thống Bush, và 60% không đồng ý với việc ông này hành sử vấn đề Iraq. 47% cho rằng vị tổng thống này dường như không làm trọn vai trò tổng thống Hoa Kỳ, 49% cho rằng hành động quân sự là sai lầm trong khi có 37% lại chủ trương ngược lại.

Vấn đề ở đây là ngay trong cuộc viếng thăm lịch sử này của Tổng Thống Bush, ông tổng lãnh sự Hiệp Vương Quốc Roger Short và hai người đồng hương của ông đã bị chết trong số 30 người tử thương và cả 450 người bị thương trong vụ khủng bố tấn công bằng xe bom hôm Thứ Năm 19/11/2003 tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố đông dân nhất nước vừa xẩy ra vụ khủng bố tấn công người Do Thái hôm Thứ Bảy 15/11/2003 vừa rồi. Một vụ nổ khác cùng ngày xẩy ra làm hủy hoại các trung tâm ngân hàng HSBC có gốc ở Luân Đôn. Sau hai cuộc nổ khủng bố này một chút thì một văn phòng chính phủ ở Istanbul đã nhận được một cú điện thoại từ al Qaeda và một nhóm chiến đấu quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, Great Eastern Islamic Raiders’ Font (IBDA-C), đã tuyên bố cùng chịu trách nhiệm về vụ khủng bố tấn công. IBDA-C tự động lãnh nhận trách nhiệm về cả hai vụ tấn công hôm Thứ Bảy vừa rồi. Tòa lãnh sự này đã trở thành mục tiêu tấn công bằng chất nổ từ Tháng Tư vừa rồi, nhưng bấy giờ may không có ai bị thương.

Trong khi đó, chính quyền Thổ, nhờ cuộc thử chất DNA, đã biết được hai người Thổ liều mạng khủng bố tấn công hôm Thứ Bảy tuần trước, đó là Mesut Cabuk 29 tuổi tấn công hội đường Beit Israel, và Gokhan Elaltuntas 22 tuổi tấn công Neve Shalom.

Được tin khủng bố tấn công này, Tòa Thánh Vatican, qua vị giám đốc văn phòng báo chí, hôm Thứ Năm 20/11/2003, đã lên tiếng như sau: “Lý lẽ man di của việc khủng bố chỉ gây ra chết chóc cho thành phần vô tội và tình trạng hủy hoại. Ngoài ra, nó còn làm tăng phát những vấn đề nó cho rằng nó ra tay để giải quyết. Cần phải nhớ những lời của Đức Thánh Cha: ‘Khủng bố là do việc khinh thị phẩm giá của con người và vì thế nó là một tội ác phạm đến nhân loại, nhất là khi nó trở thành một chiến thuật chính trị”.

ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano cũng đã nhân danh ĐTC gửi điện tín đến thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là ông Recep Tayyip Erdogan, phân ưu. Trong bức điện tín, ĐTC đã bày tỏ nỗi đau buồn sâu xa nhất và lòng gắn bó thiêng liêng của ĐTC với quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ cũng như với các gia đình của nạn nhân. ĐTC xin Chúa đón nhận những người đã chết vào Vương Quốc của Ngài và ban sức mạnh cùng can đảm cho những ai bị thương tích, cho các gia đình của họ cũng như cho những ai dấn thân hoàn thành việc dọn dẹp. “Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng còn thực hiện một lời kêu gọi nữa, đó là việc Ngài lên án hoạt động khủng bố đã trầm trọng ảnh hưởng đến các thành phần vô tội. Việc bạo động giết người là việc khinh thị con người và phạm đến nhân loại. Đối thoại là đường lối xứng đáng duy nhất đối với con người trong việc đương đầu với những căng thẳng khiến con người và các nhóm người kình chống nhau. Đức Thánh Cha xin Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng soi sáng cho lương tâm của những ai dính dáng tới việc khủng bố để họ bắt đầu can đảm đi vào con đường hòa bình”.

Phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ bị khủng bố là vì đã ủng hộ Hoa Kỳ trong cuộc chiến đánh Iraq và thân thiện với Do Thái? Nếu vậy thì trường hợp Ấn Độ thế nào?! Vì hôm Thứ Sáu 21/11/2003 vừa rồi, tức sau vụ khủng bố tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc khủng bố tấn công vào ngày kết thúc Tháng Chay Tịnh Ramadan tại tỉnh Parbhani ở tiểu bang Maharshtra, cách thủ đô của tiểu bang này là Mumbai (thành phố Bombay trước kia) khoảng 185 dặm (hay 300 cây số) về phía Đông. Người ta thấy có 3 người chạy các xe gắn máy khác nhau ném vào đền Mahamad Diya khoảng 2 giờ chiều địa phương và ném chất nổ vào trong ngôi nhà thờ phượng của người Hồi giáo này. Tỉnh Parbhani là một nơi đa số là Hồi giáo ở một xứ sở toàn tòng Ấn giáo.

 

 

Khủng Bố Tấn Công Hội Đường Do Thái tại Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ là Abdullah Gul cho biết những cuộc bùng nổ xẩy ra vào Thứ Bảy 15/11/2003 vào giờ thờ phượng của người Do Thái này gần hai Hội Đường Do Thái ở Istanbul, đã gây thiệt mạng cho 20 người (trẻ nhất là 1 em gái 8 tuổi và già nhất là bà của em ỏ vào tuổi 85) và làm bị thương 257 người (hầu hết là những người qua đường ở bên ngoài hội đường, vì hội đường được kiểm soát rất nghiêm ngặt), một cuộc khủng bố tấn công được cho là bởi những tay khủng bố ngoại quốc.

Trước đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tường trình về cuộc khủng bố tấn công này cho là bởi một nhóm Hồi giáo Thổ cực đoan, đó là the Islamic Great Eastern Raiders Front. Cảnh sát vẫn điều tra xem sự vụ xẩy ra là do ôm bom tự tử tấn công (suicide attackers), do bộ phận viễn khiến ( remote controlled devices) hay do bom gài giơ (time bombs).

Sau khi xẩy ra vụ nổ bất ngờ, dân chúng bên trong hội đường tuôn ra lối sau. Con trai của vị tôn sư trưởng người Thổ là Yosef Halefa bị thương. Hội Đường Neve Shalom sở dĩ được an ninh kỹ lưỡng, với những máy quay chụp ở bên trong và chung quanh nơi thờ phượng, vì nó đã trở thành mục tiêu tấn công chết người vào năm 1986 do một nhóm hiếu chiến Palestine nhào vô bắn quạt bằng súng máy sát hại 22 mạng người. Chẳng những hội đường này mà các hội đường Do Thái khác ở khắp Âu Châu cũng thế, vì tình trạng khủng bố xẩy ra, đã được kiểm soát chặt chẽ hơn từ mấy năm nay. Một hội đường ở Tunisia bị tàn phá năm 2002 vừa rồi, sát hại 20 mạng người. Ở cảng Kenyan Mombassa, cũng vào năm 2002, có 15 người bị chết vì cuộc tấn công bằng xe chở vũ khí ở một khách sạn đa số du lịch Do Thái, và hai phi đạn bắn hụt chiếc máy bay Do Thái đang hạ cánh ở thành phố này. Vào năm 1994, một cuộc tấn công vào một trung tâm Do Thái ở Á Căn Đình sát hại 85 người.

Cuộc nổ thứ hai ở gần Hội Đường Beth Israel cũng dữ dội như cuộc nổ trước, nhưng ở phía sau hội đường, gây thiệt hại cho nhà cửa vá bốc cháy. Tất cả hai cuộc khủng bố cùng ngày này đã làm thiệt mạng 6 người Do Thái, trong số 25 ngàn người ở một xứ sở 68 triệu dân Thổ đa số Hồi giáo. Vấn đề ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay không hề có chuyện bài Do Thái. Hai nước Do Thái và Thổ Nhĩ Ký không hề có xích mích gì với nhau, trái lại, từ năm 1948, Thổ là nước Hồi giáo đầu tiên nhìn nhận quốc gia Do Thái. Ngoài ra, cũng vào ngày thứ bảy 15/11/2003 này, tại Balê Pháp quốc, một trường học Do Thái đã bị cháy thảm thê, và chính quyền phỏng đoán gây ra bởi đám bài Do Thái.

Các nhóm Do Thái khắp thế giới đã được báo động về tình trạng bài Do Thái nổi lên trên khắp thế giới, mà một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy đó là lời tuyên bố của ngoại trưởng Mã Lai Mahathir Mohamed cho rằng Do Thái đang cai trị thế giới này “bằng ủy nhiệm quyền”.

Cũng vào ngày Thứ Bảy 15/11 này, tại Islamabad Pakistan, chính phủ của nước này đã cấm các nhóm chiến đấu quân Hồi giáo và phong tỏa hơn 300 phòng ốc vốn được các tổ chức này sử dụng. Lệnh cấm xẩy ra sau cuộc họp giữa các viên chức an ninh và các vị lãnh đạo tối cao của nước này, trong đó có cả tổng thống Pervez Musharraf và thủ tướng Zafarullah Khan Jamali. Các nhóm bị cấm là Islami Tehreek Pakistan, Milat-e-Islami Pakistan và Khudamul Islam. Một nhóm khác là Jamatul Dawa được liệt kê vào sổ đen. Thủ lãnh của nhóm thứ nhất là Allama Sajid Naqvi đã bị tống giam vào sáng Chúa Nhật ở Rawalpindi chừng 15 dặm cách Islamabad. Tổ chức của tay lãnh đạo vừa bị bắt này là phần tử của Mutihida Majlis Amal, một liên minh tôn giáo lớn nhất chống lại chính quyền Pakistan.

Trong huấn từ truyền tin Chúa Nhật 16/11/2003, ÐTC GPII đã lên tiếng về cả nạn khủng bố của phe Palestine lẫn việc kiến thiết tường lũy của Do Thái ở Thánh Ðịa như sau: "Theo chiều hướng này, Tôi cũng lập lại việc mạnh mẽ lên án của Tôi đối với bát cứ hành động khủng bố nào được thực hiện mới đây ở Thánh Địa. Đồng thời Tôi cũng muốn nói lên rằng ở những nơi ấy, bất hạnh thay, guồng máy hòa bình dường như đã bị dừng lại. Việc kiến thiết một bức tường giữa nhân dân Do Thái và Palestine được nhiều người cho là một cản trở mới trên con đường tiến đến việc chung sống hòa bình. Thật vậy, Thánh Địa không cần những bức tường lũy mà là những cây cầu nối! Không thể nào có hòa bình nếu không có tinh thần hòa giải".

Hưởng ứng bài huấn từ truyền tin của ĐTC Gioan Phaolô II hôm Chúa Nhật 16/11/2003 về bức tường ngăn và chiếc cầu nối hòa bình ở Trung Ðông, các chức bậc Công Giáo ở Thánh Địa đã lên tiếng qua Đài Phát Thanh Vatican hôm Thứ Hai 17/11/2003 như sau.

ĐTGM Pietro Sambi, khâm sứ tòa thánh ở Giêrusalem nhận định là bức tường ngăn đang được phe Do Thái xây cất là những gì “phân cách giữa học đường với học sinh, bệnh nhân với các trung tâm điều trị, cá nhân với các chỗ làm việc, gia đình với họ hàng thân quyến. Tường lũy không bao giờ từng là hay đang là dấu hiệu của hòa bình”.

Vị TGM này cũng cho chính quyền Do Thái biết là bức tường ngăn này có mục đích chia cách lãnh thổ Do Thái với Palestine cũng chia cắt làm đôi các đan viện, nữ viện, giáo hội và nghĩa trang. Còn cha Giovanni Battistelli, bề trên dòng Phanxicô Bảo Quản Viên Thánh Địa cũng đã lên tiếng với Đài Phát Thanh Vatican là: “Những gì chúng tôi đang thực sự cần đó là một thứ tình yêu liên kết chứ không phải phương tiện phân cách là những gì chỉ làm tăng thêm nỗi đắng cay chua xót, lòng hận thù và tôi nghĩ cả bất công nữa”.

 

Vai trò của dân Do Thái vào lần Chúa Kitô đến thứ nhất và thứ hai

Ông Roy Schoeman, người đã sinh trưởng trong một gia đình Truyền Thống Do Thái và đã học hỏi rất nhiều với các bậc tôn sư Do Thái, đã nhận thấy rằng tầm vóc hoàn toàn của Do Thái giáo được tỏ hiện nơi tín lý Công Giáo sau khi ông trở lại. Từ đó, nhân vật trước kia dạy khoa Thương Mại ở Đại Học Harvard này đã học hỏi ở một số chủng viện và mới viết cuốn “Ơn Cứu Độ phát xuất từ người Do Thái”. Tác giả này đã chia sẻ với Zenit về lý do tại sao Do Thái giáo và Kitô giáo chỉ có thể hoàn toàn hiểu được trong mối tương quan với nhau, và vai trò của người Do Thái không cần phải kết thúc vào lần đến thứ nhất của Người.

Vấn     Cái gì đã thúc đẩy ông viết tác phẩm này?

Đáp     Đối với tôi thì rất rõ ràng, vì tôi là một người Do Thái đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo, mà Giáo Hội này chẳng là gì khác hơn là một thứ Do Thái Giáo “Hậu Thiên Sai”, tức là một thứ tiếp tục của Do Thái Giáo sau cuộc xuất hiện của Đấng Thiên Sai Do Thái, một thứ tiếp tục giờ đây mở ra cho tất cả mọi dân tộc.

Trước khi trở lại tôi hãnh diện là một người Do Thái, với cảm nhận về tầm quan trọng và đặc ân được làm người Do Thái, được là một người trong thành phần “dân được tuyển chọn”, được chọn để nhận lãnh mạc khải đích thực của Thiên Chúa trong Cựu Ước cũng như để sửa soạn thế giới cho việc xuất hiện của Đấng Thiên Sai. Thế nhưng, chính cái cảm quan được đặc ân và hãnh diện làm người Do Thái ấy được bùng lên cả trăm lần khi, là người Công Giáo, tôi nhận thấy tầm vóc hoàn toàn của Do Thái Giáo được tỏ hiện nơi tín lý Công Giáo.

Chẳng hạn tín lý Công Giáo dạy rằng người Do Thái, trong việc nguyện cầu và dọn đường cho Đấng Thiên Sai, thực sự đã làm cho việc nhập thể của Thiên Chúa làm người xẩy ra; rằng tạo vật cao cả Thiên Chúa chưa từng tạo nên hay sẽ tạo nên, một sự toàn hảo hoàn toàn về bản tính nhân loại, là một con người Do Thái, đó là Đức Trinh Nữ Maria; rằng ngay cả chính Thiên Chúa, khi làm người, đã trở thành một người Do Thái và là một tín đồ trung thành của đạo Do Thái.

Chúng ta cũng biết rằng tất cả những gì được Thiên Chúa mạc khải thành văn giành cho dân Do Thái trong Cựu Ước đã được xác nhận và thừa nhận hoàn toàn bởi Kitô giáo khắp thế giới, và ơn cứu độ của toàn thể nhân loại xẩy ra nhờ người Do Thái – chính Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 4 câu 22 là “Ơn cứu độ từ người Do Thái mà ra”, bởi đó mới có tên của cuốn sách này- và người Do Thái thực sự đã thành đạt trong công việc được Chúa trao phó là làm cho ơn cứu độ ấy xẩy ra.

Thánh Kinh Kitô giáo cũng cho thấy rằng, chẳng hạn ở đoạn 11 Thư gửi giáo đoàn Rôma, tầm quan trọng độc nhất vô nhị của người Do Thái nơi công cuộc cứu độ sẽ kéo dài bao lâu thế giới còn hiện hữu, cho tới khi Người tới lần thứ hai.

Tuy nhiên, tôi không thấy những đề tài này được tích cực bàn đến và đào sâu trong Giáo Hội ngày nay, mặc dù có những giai đoạn, như vào cuối thế kỷ 19 những đề tài ấy được đề cập tới. Tôi cảm thấy rằng người Do Thái bị bị hụt hẫng cơ hội để thấy tất cả vinh hiển, cao quí và tầm quan trọng của căn tính và tôn giáo họ, và người Công Giáo đã được cống hiến cho một quan niệm hết sức hạn hẹp về những gì Do Thái giáo thực sự là.

Vấn     Tác phẩm của ông được nhắm đến chính yếu là Kitô hữu hay Do Thái giáo hoặc là cả hai?

Đáp     Tác phẩm của tôi viết cho cả hai thứ độc giả Công giáo và Do Thái, mặc dù tôi biết rằng đa số các độc giả có thể sẽ là người Công giáo.

Đối với người Do Thái, tác phẩm này tỏ cho họ thấy tầm vóc hết sức uy nghi và quan trọng được làm một người Do Thái, quan điểm về người Do Thái cũng như về Do Thái giáo được nói đến trong tín lý Công giáo một cách thân tình, và là người Công giáo không có nghĩa không còn là Do Thái nữa.

Đối với người Công giáo, tác phẩm này chẳng những dạy về Do Thái giáo, về Thánh Kinh Do Thái và về nguồn gốc của đức tin Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo, thế nhưng cũng có cả một phần lớn nói về cấu trúc của chính lịch sử cứu độ và cách thức Chúa hoạt động qua lịch sử và các dân tộc để tác hiệu các dự án của Người.

Vấn     Vai trò của Do Thái giáo trong lịch sử cứu độ là gì? Trong cả định mệnh của thế giới nữa ra sao?

Đáp     Nếu nhìn lại thì chúng ta rất dễ thấy được vai trò của Do Thái giáo. Tối thiểu thì người Do Thái đã được tuyển chọn để lãnh nhận mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước; để mong đợi, nguyện cầu và sửa soạn cho thế giới trước cuộc xuất hiện của Đấng Thiên Sai; để đón tiếp Người khi Người đến; để trở thành thế hệ đầu tiên làm môn đệ và tông đồ của Người; và để loan truyền Phúc Âm khắp thế giới.

Mặc dù có những hiểu lầm là người Do Thái đã không thực hiện sứ vụ của họ, thật ra họ đã đi tới chỗ thành đạt – chính Kitô giáo là một chứng cớ cho thấy sự thành đạt này. Đúng là chỉ có một thiểu số người Do Thái theo Chúa Giêsu thôi, nhưng Thiên Chúa đã chẳng hoạt động đại quát với loài người qua “những thành phần còn lại tín trung” này mà thôi hay sao? Dường như từ thời này đến thời kia Thiên Chúa vẫn cậy dựa vào lòng trung thành của một số ít chứ không phải số nhiều.

Nếu nhìn về phía trước từ thực tại của lịch sử cứu độ, người ta tự nhiên cảm thấy mình đi vào một lãnh vực có tính cách suy diễn nhiều hơn. Vào thời Các Giáo Phụ, nhiều vị đã có lý để kết luận là vai trò của dân Do Thái đã được nên trọn và kết thúc nơi lần đến thứ nhất của Chúa Kitô, ngoại trừ họ còn có thể đóng vai trò phụ thuộc trong việc trở thành những chứng nhân vô tình về chân lý của các Phúc Âm.

Thế nhưng chúng ta có cả 2000 năm lịch sử như một bằng cớ hơn nữa, đó là sự sống sót của người Do Thái trước tất cả mọi thứ trắc trở cũng như trước hầu hết cuộc bắt bớ liên tục; vai trò nổi bật khôn sánh của họ trong sinh hoạt thế giới; đặc tính lạ lùng của chính nạn chống Do Thái Ả Rập chủng; việc tái thiết lập quê hương Do Thái trước tất cả mọi trắc trở; và thảm cảnh lạ lùng của biến cố Tế Thần.

Nhìn vào tất cả những sự kiện lịch sử ấy, và liên kết chúng với những gợi ý thật sự bí hiểm dường như nhiệm huyền trong Sách Thánh, người ta có thể vẽ lên được một bức tranh cho thấy người Do Thái, với tư cách là một dân tộc, đóng một vai trò dẫn đến cuộc Tái Giáng của Chúa Kitô nữa. Tôi đã cố gắng để làm sáng tỏ bức tranh này một cách luôn luôn thận trọng và hợp với tín lý của Giáo Hội.

Vấn     Người Do Thái dính dáng đến cuộc Tái Giáng của Chúa Kitô như thế nào?

Đáp   Trong tác phẩm của mình, tôi đã hết sức cẩn thận để tránh việc suy diễn một cách cẩu thả, thế nhưng vẫn có cái gì đó nguy hiểm khi tỏ ra muốn làm điều này, khi cố gắng đưa ra một câu trả lời cho quí vị ở đây.

Xin cho tôi nói ngay rằng chúng ta biết Thánh Phaolô nói rằng sẽ có những người Do Thái vào lúc Chúa Kitô tái giáng và bấy giờ sẽ có một cuộc trở lại rộng lớn của người Do Thái là những gì liên hệ một cách nào đó tới việc Chúa Kitô Tái Giáng. Theo các Phúc Âm, chúng ta biết rằng người Do Thái đóng một vai trò quan trọng dẫn tới việc Chúa Kitô đến lần thứ nhất, kể cả vai trò liên quan đến khổ đau và hy sinh, điển hình là “cuộc sát hại những kẻ vô tội” được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở đoạn 2 câu 16-18.

Chúng ta biết rằng Cuộc Tế Thần đã xẩy ra và là cuộc tế thần độc nhất vô nhị trong lịch sử, nếu không theo nghĩa của con số tử vong hay về khía cạnh đau khổ thì cũng theo khía cạnh cho thấy một thứ hận thù thuần túy về chủng tộc và tôn giáo phạm đến một dân tộc duy nhất và là một dân tộc duy nhất liên quan với huyết thống Chúa Kitô như thế.

Chúng ta cũng biết rằng có một số lời tiên tri trong Cựu Ước mà nhiều người hiểu rằng ám chỉ về năm cùng tháng tận hay về cuộc Tái Giáng của Chúa Kitô, cần đến sự hiện hữu của một quốc gia Do Thái quyền lực có thủ đô là Giêrusalem, một quốc gia mới đây đã tái hiện hữu sau thời gian vắng bóng gần 2 ngàn năm.

Vấn     Người Kitô hữu thường có những hiểu lầm thông thường nào đối với người Do Thái và ngược lại?

Đáp     Nhiều điều hiểu lầm như vậy xẩy ra ở lãnh vực thuộc bản tính sa ngã mà thôi. Tuy nhiên, những hiểu lầm đặc biệt làm tôi chú ý là những hiểu lầm về thần học.

Những hiểu lầm này bao gồm cả những niềm tin tưởng lẫn lộn về phía Kitô hữu đó là người Do Thái không thực hiện được việc làm của họ khi Chúa Kitô, và ý nghĩa về căn tính của người Do Thái đã được chấm dứt nơi Chúa Kitô.

Về phía người Do Thái, họ thường tin tưởng một cách lầm lẫn là Kitô Giáo dạy khinh dễ người Do Thái, bất chấp sự kiện chính Thiên Chúa “của họ” là Thiên Chúa duy nhất, và dạy rằng khi người Do Thái nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai Do Thái thì họ không còn là người Do Thái nữa.

Vấn     Làm sao có thể sửa chữa lại mối liên hệ này và làm sáng tỏ những hiểu lầm giữa người Do Thái và Kitô hữu? Công Đồng Chung Vaticanô II và giáo triều Đức Gioan Phaolô II đã giúp gì vào tiến trình này?

Đáp     Về đường dài thì việc sửa chữa này cần phải dựa vào việc tôn trọng nhau và vào sự thật, chứ không che giấu những cái khác biệt cũng không bất trung với niềm tin tưởng riêng của mình. Tôi hy vọng rằng cuốn sách của tôi, một cuốn sách trình bày cho cả người Do Thái lẫn Kitô hữu một quan điểm hầt sức tích cực về Do Thái giáo, nhưng lại là tác phẩm theo đường hướng tín lý Công Giáo, có khả năng để phần nào đó giúp vào việc này.

Dĩ nhiên Đức Thánh Cha của chúng ta đã hết sức giúp vào việc này bằng nhiều cử chỉ yêu thương và kính trọng Ngài đã tỏ ra cho cộng đồng Do Thái thấy, cũng như nơi nhiều bài nói Ngài bày tỏ lòng tôn trọng và tôn kính đạo giáo cùng nhân dân Do Thái, thậm chí gọi họ là “những người anh lớn” trong đức tin.

Mở màn cho kỷ nguyên hiện tại với giáo huấn hết sức tích cực của Giáo Hội liên quan tới người Do Thái và Do Thái giáo tất nhiên là Công Đồng Chung Vaticanô II và giáo huấn của công đồng này nơi sắc lệnh “Nostra Aetate” và hiến chế “Lumen Gentium”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 10/11/2003

 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Ðề Palestine

Ngày Thứ Hai 3/11/2003, về vấn đề Palestine, với Tiểu Ban Thứ Tư bàn đến khoản 83 trong chương trình liên quan đến “Việc LHQ Hỗ Trợ và Cơ Quan Hoạt Động cho Dân Tị Nạn Palestine ở Cận Đông”, ĐTGM Celestino Migliore đã nhận định và khuyến dụ như sau:

……….
Thưa Ngài Chủ Tọa, những phát ngôn viên trước đã nói đến những vấn đề định cư, giới nghiêm, vây hãm, ám sát, ôm bom tự sát khủng bố, cũng như đến ảnh hưởng của các biến cố này nơi việc người Palestine tìm kiếm công ăn việc làm, học vấn và các phương tiện chăm sóc y tế. Giáo Hội Công Giáo với những tổ chức nhân đạo và xã hội của mình, tức qua Văn Phòng Sứ Vụ Tòa Thánh Đối Với Palestine hoạt động ở vùng này từ năm 1949, Hội Caritas Quốc Tế, Các Dịch Vụ Công Giáo Hỗ Trợ, hằng ngày tường trình về những thử thách của thành phần dân chúng được phục vụ. Trong vòng 3 năm qua, những cơ quan này đã càng ngày càng cảm thấy khó khăn hơn nữa nơi việc thi hành sứ vụ của mình.

Qua sự kiện thất bại mới đây về vấn đề ngưng chiến, mức độ bạo loạn tăng lên kinh khủng, để rồi thành phần thường dân Palestine và Do Thái tiếp tục bị sát hại. Tòa Thánh tin tưởng rằng cuộc xung đột này ở Trung Đông sẽ tìm thấy được một giải pháp bền vững chỉ khi nào có hai Quốc Gia độc lập và chủ quyền sống bên nhau trong an bình và an ninh. Để đạt được mục đích này, những vấn đề liên quan tới thành phần tị nạn Palestine cũng như đến những việc định cư của người Do Thái chẳng hạn, hay vấn đề đặt ranh giới lãnh thổ và phân định tình trạng của các nơi linh nhất nhất ở Thành Giêrusalem, cần phải là chủ đề cho một cuộc đối thoại cởi mở và thương thảo chân tình.

Thưa Ngài chủ tọa, đại biểu tôi xác tín mãnh liệt là cộng đồng quốc tế cần phải hỗ trợ cho mọi phía trong cuộc để họ nhận thức được rằng việc chiếm đóng các lãnh thổ ở vùng Tây Ngạn và giải Gaza cũng như những cuộc khủng bố tấn công là những gì đang châm mồi cho cơn lốc bất tận của các hành động bạo lực và trả đũa giáng xuống trên cả người Palestine lẫn Do Thái. Phần nguyên vẹn của ‘lộ trình’ tiến đến hòa bình hiện nay rõ ràng kêu gọi giải pháp thành lập hai quốc gia. Nó là phận sự của cả hai phe, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, chấp nhận ‘lộ trình’ này như dụng cụ để thương thảo và tin tưởng xây dựng, nhờ đó những vấn đề khác nhau có thể được đề cập đến và những hiệp định giải quyết được ký kết.

Trong khi những việc thương thảo này hiện nay đang ở ngã tư đường, chúng ta cần phải tiếp tục hỗ trợ những ai gặp phải bạo loạn như cơm bữa. Về phần mình, Văn Phòng Sứ Vụ Tòa Thánh Đối Với Palestine hết sức cậy dựa vào sự hợp tác toàn cầu trong việc cải thiện tình trạng khổ đau của nhiều người nơi những phần đất bị chiếm đóng. Được nâng đỡ bởi một số tổ chức nhân đạo trên khắp thế giới, văn phòng này sử dụng việc giúp đỡ về luân lý và tài chính để phát động những công việc phát triển cộng đồng hăng say lao động để chống lại tình trạng thất nghiệp ở những miền đất bị chiếm đóng trên 60%. Việc nâng đỡ về tài chính của những hợp tác viên này giúp việc giáo dục, từ lớp mẫu giáo đến hết đại học.
…………
Ngoài việc nêu lên những nhu cầu nhân đạo quan trọng cần phải ghi nhận trên đây, Thư Ngài Chủ Tọa, đại biểu tôi hy vọng rằng bất cứ giải pháp nào được nêu lên cho các vấn đề đa diện của miền này cũng sẽ bao gồm cả vấn đề Thánh Thánh Giêrusalem. Theo nhiều diễn tiến bạo động và những tình trạng khắc nghiệt gây ra bởi việc vây hãm, Tòa Thánh xin lập lại lời kêu gọi liên tục của mình về “những khoản được quốc tế bảo đảm trong việc bảo toàn quyền tự do tôn giáo và lương tâm cho dân cư của thành này, cũng như bảo toàn cách thức thường trực, tự do và phi ngăn trở để tín hữu thuộc các tôn giáo và quốc tịch có thể đến với những nơi thánh” (A/Res/ES 10-2, 5 May 1997). Mức độ bạo loạn hiện nay đã khiến những người hành hương không dám đến Thánh Địa nữa, bởi thế càng chất thêm gánh nặng về kinh tế trên tất cả mọi người trong vùng này, ngoài việc làm ngăn trở quyền lợi của con người trên khắp thế giới trong việc họ viếng thăm và cầu nguyện ở những địa điểm thánh. Đại biểu tôi cũng nhận thấy rằng dân chúng địa phương cũng không dễ dàng đi đến những đền thờ và những nơi thánh.
………….

Ðaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được màn điện toán Zenit phổ biến ngày 6/11/2003

 

Trung Đông: Iraq hỗn loạn bất an, Do Thái ngăn chặn khủng bố, Palestine lập nội các mới

Tháng vừa qua, sau khi có hai nhân viên và 10 người khác bị sát hại trong cuộc xe bom khủng bố tấn công ngày 27/10 ở các văn phòng của mình tại thủ đô Baghdad, Hội Hồng Thập Tự có trung tâm ở Thụy Sĩ đã giảm số nhân viên quốc tế của mình. Ngoài ra, cơ quan này đã đi đến quyết định tạm đóng cửa các văn phòng của mình ở Baghdad và Basra (trừ miền bắc Iraq), sau khi xẩy ra những cuộc tấn công quân đội Mỹ ở Iraq hôm Thứ Bảy 8/11 và cuộc bao vây của lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực gần 6 người lính Mỹ bị sát hại bởi chiếc Trực Thăng Black Hawk bị bắn rơi. Cũng vào Ngày Thứ Bảy 8/11, hai quân nhân Mỹ nữa bị tử thương và 1 bị thương vì chiếc xe của họ bị nổ tung trên đường ở phía tây Fallujah. Tai nạn này xẩy ra vào lúc khoảng 8 giờ 30 sáng giờ địa phương gần làng Sichir, giữa Fallujah và Ramadi, khoảng 30 đặm (48 cây số) phía tây Baghdad.

Trong khi đó, ở Thánh Địa, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Phòng Vệ Do Thái đã ra lệnh tịch biên đất đai để lập một hàng rào an ninh cần thiết trong việc ngăn cản những tên khủng bố Palestine đột nhập vào Do Thái. Hàng rào an ninh này chỉ cách Tây Ngạn ít cây số một ít nơi nhưng bọc vòng theo biên giới của Do Thái.

Đối với phe Palestine thì việc làm này của bên Do Thái là việc xây bức tường ngăn cách, tố cáo là bên Do Thái đã tịch thu đất của Palestine để làm việc này. Trước đây bên Palestine cũng nhận thấy rằng việc kiến thiết hàng rào chung quanh vùng cư trú là việc không theo cái được gọi là Green Line, tức biên giới giữa Do Thái và Tây Ngạn trước Cuộc Chiến Trung Đông 1967.

Phe Do Thái bắt đầu xây bức tường ngăn cách này từ năm ngoái. Ở một số nơi nó là một hàng rào điện tử với những giây nhọn trên nóc và ở những chỗ khác là một bức tường xi măng cốt sắt. Do Thái đã kiến thiết bức tường ngăn cách hay hàng rào an ninh này được 93 dặm (150 cây số) ở phía bắc. Khi hoàn thành thì công trình này sẽ dài 217 dặm (350 cây số) với chi phí ước lượng lên tới 200 triệu Mỹ kim.

Thủ Tướng Palestine Qorei đã đồng ý thành lập hội đồng nội các mới, sau khi hội đồng lâm thời (với một số vị đã từ chức ngay từ đầu) vừa hết hạn hôm Thứ Ba 4/11/2003. Tuy nhiên, vị thủ tướng này cho biết những vấn đề còn lại cần phải giải quyết, mà một trong những vấn đề ấy là việc chọn một bộ trưởng nội vụ Palestine và vị bộ trưởng này có thẩm quyền đến đâu đối với các lực lượng an ninh Palestine. Dù được Hoa Kỳ thôi thúc trong vấn đề trao quyền kiểm soát và điều khiển các lực lượng an ninh Palestine cho Thủ Tướng, Tổng Thống Arafat vẫn không chịu. Thứ Ba 11/11, Hội Đồng Lập Pháp Palestine sẽ họp bỏ phiếu tân nội các được vị thủ tướng lưu nhiệm chọn.

Vị thủ tướng lưu nhiệm trước đây đã hơn một lần tuyên bố từ chức sau khi Tổng Thống Arafat do dự bổ nhiệm Nasser Yusef, tư lệnh quân lực Palestine làm bộ trưởng nội vụ, thay vào đó, ông đã chọn Jabril Rajoub làm cố vấn an ninh quốc gia cho ông. Vị thủ tướng lưu nhiệm có thể sẽ tiếp tục muốn Yusef làm bộ trưởng nội vụ, nhưng cũng có thể chọn người khác hay chính ông kiêm nhiệm luôn.

Theo vị thủ tướng được lưu nhiệm này thì vào Chúa Nhật 9/11/2003, Tổng Thống Yasser Arafat đã đồng ý về bộ tân nội các do vị thủ tướng này lập và trình báo hôm Thứ Bảy 8/11, gồm 24 chức vụ khác nhau. Tuy nhiên, Hội Đồng Lập Pháp Palestine sẽ bỏ phiếu về bộ tân nội các này vào Thứ Tư 12/11. Trong bộ tân nội các này, tướng tham mưu trưởng Nasser Yusef không được bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng nội vụ như vị thủ tướng lưu nhiệm mong muốn, một chức vụ đã được Hakam Balawi trung thành với Tổng Thống Arafat thay, song ông này phụ trách điều hành những gì không liên quan đến vấn đề an ninh. Quyền lực điều hành và kiểm soát ngành an ninh được trao cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia do Tổng Thống Arafat lãnh đạo, và thủ tướng, bộ trưởng nội vụ, bộ trưởng tài chính và các vị làm đầu các cơ quan an ninh cũng là phần tử của hội đồng này. Yusef không thuộc về hội đồng này.

 

 

Hòa Bình Trung Đông: tương lai mù mịt


 

Tình trạng mắt đền mắt răng đền răng vẫn tiếp diễn hầu như bất khả ngưng ở Thánh Địa. Để trả đũa cuộc tấn công vào Chúa Nhật 19/10/2003, bằng đầu đạn Qassam vào miền nam Do Thái cũng như bằng phục kích ở Tây Ngạn làm thiệt 3 mạng quân nhân Do Thái, hôm sau, Thứ Hai, lực lượng Do Thái đã phản công bằng sáu cuộc dội bom, làm bị thương khoảng 130 người, thiệt mạng 11 người. Cuộc dội bom đầu tiên và thứ năm đều tấn công vào cùng một địa điểm được Do Thái cho rằng đó là cơ dinh của nhóm khủng bố Hamas. Izzedine al Qassam đã nhận trách nhiệm tấn công thường dân và quân nhân Do Thái. Sau những trận trả đũa của Do Thái hôm Thứ Hai, Do Thái lại bị phe Palestine tấn công bằng hai quả đại pháo vào vùng dân cư của họ ở Gush Katif, Gaza và một đầu đạn Qassam bắn đi từ Gaza.


 

Đêm Thứ Ba 21/10, người ta thấy khoảng 20 chiếc xe chở quân đội Do Thái tiến vào trung tâm thành phố Ramallah ở Tây Ngạn. Đoàn quân này ra lệnh giới nghiêm và bắt đầu cuộc lục soát. Người ta cũng nghe thấy tiếng súng nổ.


Do Thái vẫn tiến hành việc định cư dân chúng của họ. Họ đã ra cáo thị đấu thầu để xây 143 nhà ở Karnei Shomron và 180 căn ở Givat Zeev gần Giêrusalem. Từ đầu năm 2003 tới nay, Do Thái đã ra 1627 cáo thị đấu thầu xây cất các khu định cư ở Gaza và Tây Ngạn. Vào đầu tháng 10 này, Do Thái đã ban hành dự án cất thêm 600 căn nhà nữa ở các vùng định cư Tây Ngạn là Beitar Illit (530 căn), Ariel (24 căn) và Maale Adumim (50 căn). Theo tờ nhật báo Do Thái Haaretz, tờ phổ biến các cáo thị đấu thầu cho chính phủ, thì có khoảng 231 ngàn người Do Thái đang định cư ở các vùng Palestine.

 

Hòa Bình Trung Đông: Palestine vuốt râu hùm Mỹ Quốc

Hôm Thứ Tư 15/10/2003, một trái lựu đạn đã nổ dưới đoàn xe chở những nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Gaza, làm thiệt mạng 3 người. Tổng Thống Bush đã trách cứ các viên chức Palestine, cho rằng họ “phải tác hành lâu rồi để chống lại hết mọi hình thức khủng bố”. Ông cũng yêu cầu trao quyền hành kiểm soát các lực lượng an ninh cho thủ tướng Palestine và qui trách cho Tổng Thống Arafat trong việc tiếp tục gây trở ngại cho giải pháp hòa bình Trung Đông của Khối Tứ Tượng (Mỹ, Nga, LHQ và Khối Hiệp Nhất Âu Châu).

Đây là lần tấn công Hoa Kỳ lần thứ hai tại Trung Đông. Lần trước vào Tháng 6/2003, không gây thiệt hại gì. Lần này, đoàn xe chở các viên chức Lãnh Sự Hoa Kỳ đến Gaza để phỏng vấn các sinh viên Palestine xin học bổng Fulbright ở Hoa Kỳ. Đoàn xe này chở ít là 12 người. Bốn nạn nhân Hoa Kỳ lần này được Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ thuê từ cơ quan Dyncorp, một hãng cung cấp nhân viên an ninh cho Hoa Kỳ ở Do Thái, Iraq, A Phú Hãn và các nơi khác thuộỉc miền Trung Đông, trong đó có hai bị chết tại hiện trường, một trên đường tới bệnh viện và 1 được điều trị tại bệnh viện.

Một nhóm sáu nhân viên FBI đã được sai đến từ Hoa Thịnh Đốn để điều tra hiện trường xẩy ra tội ác. Sau cuộc tấn công mấy tiếng đồng hồ, Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ đã phổ biến lời kêu gọi công dân Hoa Kỳ hãy rời bỏ Gaza, nơi có hằng trăm công dân Mỹ hiện ở đó. Theo một viên chức cao cấp Hoa Kỳ thì đoàn xe vừa tiến vào Gaza, qua trạm kiểm soát Erez và đi theo con đường vốn đi của ngoại giao đoàn Hoa Kỳ. Theo Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ thì một trái bom ở bên đường đã được gài nổ ngay sau khi những chiếc xe cảnh sát Palestine trong đoàn xe này vượt qua, làm đụng vào chiếc xe của Mỹ.

Không ai (như nhóm Hamas và Thánh Chiến Quân Hồi Giáo) đã dám hiên ngang nhận mình gây ra cuộc tấn công du kích kiểu cộng sản này, như đã tỏ ra ngay sau khi xẩy ra những cuộc khủng bố tấn công người Do Thái trước đây. Trái lại, một số nhóm chiến đấu quân còn lên tiếng phê trách cuộc tấn công này, cho rằng đó là hành động phản lại cuộc chiếm đóng của Do Thái. Thủ Tướng Palestine Ahmed Qorei mạnh mẽ lên án cuộc tấn công này và hứa sẽ điều tra nội vụ.

Vị cố vấn cao cấp Dore Gold của Thủ Tướng Do Thái cho biết rằng những người Do Thái “hiểu rõ được thù sầu thương gây ra bởi cuộc khủng bố kinh hoàng khiếp đảm này. Những cuộc tấn công này rõ ràng được thôi thúc bởi những cảm thức chống Tây Phương, chống Mỹ Quốc là những gì vốn liên kết các lực lượng ở Trung Đông này lại với nhau”. Ông này còn nhấn mạnh là “cuộc tấn công này sẽ không bao giờ xẩy ra” nếu Thẩm Quyền Palestine triệt hạ các nhóm khủng bố.

Trong khi đó, đêm Thứ Tư 15/10, phe Do Thái đã chuyển 40 chiếc xe tăng cùng với các chiếc xe được võ bị đến một vùng lận cận Gaza là thành phố Rajah, để, theo phe Palestine, tiếp tục hành động của họ tuần vừa qua. Đúng thế, Thứ Sáu tuần trước, 9/10, lực lượng Do Thái bắt đầu cuộc xâm chiếm và đã tìm thấy 3 đường hầm được phe Palestine sử dụng để buôn lậu võ khí từ Ai Cập.
Thủ Tướng Do Thái Sharon cho tờ Jerusalem Post biết rằng việc Do Thái dự tính loại trừ vị lãnh đạo Palestine là Arafat đã loan truyền nơi Do Thái từ nhiều năm nay không phải là vấn đề mới mẻ và nghiêm trọng.

Phản ứng về những lời lẽ của thủ tướng Do Thái trong cuộc phỏng vấn này, được tờ báo hàng đầu của Do Thái trên đây phổ biến hôm Thứ Sáu 17/10, thương lượng gia Palestine Saeb Erakat đã cho CNN biết rằng: “Mối đe dọa về Arafat vẫn còn đó. Đây không phải là một thứ thoái lui nơi chủ trương của phe Do Thái trong việc lưu đầy hay sát hại Arafat. Chính quyền Do Thái đã quyết định thì chưa từng bị hủy bỏ. Vấn đề quan trọng trong lời phát biểu của Thủ Tướng Sharon ở đây đó là ông ta nhấn mạnh đến việc tiếp tục tăng thêm việc định cư cũng như việc xây cất một bức tường vốn là kẻ thù đệ nhất của tiến trình hòa bình”.

Tuy nhiên, cũng trong cuộc phỏng vấn này, Thủ Tướng Sharon vẫn công nhận là cuộc giải tỏa chính trị sẽ không có hy vọng gì “bao lâu Arafat còn đó. Khi ông ta không còn nữa thì mới có cơ hội. Việc đồng ý của những người Palestine sẽ không tự động xẩy ra. Nó đòi Palestine phải có một vị thủ tướng rất mạnh tay. Cho đến nay, vấn đề canh tân vẫn chưa được áp dụng thi hành. Bất cứ một vị thủ tướng nào của Palestine hiện nay cũng bị Arafat trói tay không làm gì được cả”.

 

Trung Đông: Phe Palestine lại lủng củng nội bộ

Sau khi Thủ Tướng Mahmoud Abbas từ nhiệm vào ngày 6/9/2003, Tổng Thống Yasser Arafat bổ nhiệm ông Qorei thay thế. Tuy nhiên, hôm Chúa Nhật 12/10, qua một buổi họp báo bất ngờ ở Ramallah, vị thủ tướng thay thế này đã tuyên bố rằng ông không biết ông sẽ tiếp tục đóng vai trò làm thủ tướng của Palestine được nữa hay chăng, vì hội đồng nội các cấp thời của ông sẽ bị giải tán trong vòng ba tuần lễ nữa.

Sau cuộc ôm bom khủng bố của một phụ nữ Palestine tuần vừa qua, sát hại 19 người Do Thái ở Haifa cũng như sau cuộc tấn công của Do Thái vào một địa điểm ở Syria bị Do Thái cho rằng đã dùng làm trại huấn luyện khủng bố, Tổng Thống Arafat đã ban sắc lệnh khẩn cấp bổ nhiệm ông Qorei làm thủ tướng như đã bổ nhiệm ông này trước đó. Ông Qorei đã tuyên thệ nhậm chức hôm Thứ Ba tuần trước, 7/10, cùng với 6 trong 8 phần tử thuộc hội đồng nội các cấp thời. Một trong hai vị không tuyên thệ vào dịp này là Nasser Yousef, người sẽ làm thư ký cho Thủ Tướng Qorei, cũng là người nắm quyền an ninh Palestine đối đầu với các cuộc gây lộn xộn của nhóm chiến đấu quân khủng bố của Palestine, tuyên bố ông không tuyên thệ cho tới khi Hội Đồng Lập Pháp Palestine (PLC Palestine Legislative Council) bỏ phiếu tin tưởng.

Cũng vào hôm Chúa Nhật ủy ban trung ương của đảng chính trị Fatah của Tổng Thống Arafat đã quyết định giữ nguyên hội đồng nội các cấp thời tuần vừa rồi thêm 3 tuần nữa. Tuy nhiên, tương lai của hội đồng nội các cấp thời này không biết sẽ ra sao vì PLC đã dời cuộc bỏ phiếu tin tưởng vào hội đồng này hôm Thứ Năm 2/10 vừa qua. Các nguồn tin cho biết sở dĩ PLC phải làm như thế là vì họ đang bàn luận không biết có nên chuẩn nhận hội đồng nội các cấp thời này hay chăng hay đợi cho tới khi Thủ Tướng Qorei hình thành xong hội đồng nội các nhiều người hơn. Tuy nhiên, cũng vào cùng ngày Chúa Nhật, Uỷ Ban Trung Ương Fatah đã đồng ý rằng Tân Thủ Tướng này sẽ đặc trách hội đồng nội các lâm thời trong vòng 3 tuần lễ cho đến khi hình thành một chính phủ khác sau thời hạn đó. Uỷ ban này cũng quyết định chính Tổng Thống Arafat không thuộc về hội đồng cấp thời này, trao trách nhiệm an ninh ở West Bank và Gaza cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC National Security Council) vốn nằm trong tay vị tổng thống này. Đây cũng là vấn đề tranh chấp giữa vị tổng thống này và cựu thủ tướng Abbas mới đây, đến nỗi đã làm cho phe Do Thái đi đến chỗ dự tính loại trừ Tổng Thống Arafat.

 

Hòa Bình Trung Đông: Tiếp tục tình trạng mắt đền mắt răng đền răng

Hôm Thứ Năm 2/10/2003, bất chấp những giải pháp được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận tuần trước, liên quan đến việc ngưng các cuộc định cư mới của phe Do Thái, phe Do Thái vẫn tiếp tục thực hiện dự định tăng thêm 600 ngôi nhà nữa ở vùng Tây Ngạn (530 nhà ở Beitar, 24 ở Ariel và 50 ở Maale Adumim). Theo tờ nhật báo Do Thái Haaretz, có khoảng 231 ngàn người sống ở các khu định cư Do Thái trong những lãnh thổ Palestine.

Hôm Thứ Bảy 4/10/2003, một cuộc ôm bom tự tử đế khủng bố tấn công do một phụ nữ Palestine đã xẩy ra tại một nhà hàng Maxim (có chủ nhân là một người Ả Rập) đông người ở tỉnh Haifa thuộc miền bắc Do Thái, làm 19 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em, và 50 người bị thương. Cuộc khủng bố tấn công ở Haifa này xẩy ra vào dịp Do Thái đang cử hành kỷ niệm 30 năm Trận Đánh Yom Kippur, trận đánh do Syria và Ai Cập tấn công Do Thái bất ngờ vào Ngày Lễ Yom Kippur của dân Do Thái, một lễ được cử hành từ chiều tối Chúa Nhật tới chiều tối Thứ Hai, nhưng Do Thái cuối cùng vẫn đã oanh liệt chiến thắng. Thứ Hai 6/10 là ngày kỷ niệm 30 năm trận đánh này.
 

Để trả đũa cho cuộc khủng bố tấn công này, sau đó mấy tiếng, vào sáng sớm Chúa Nhật, 5/10, trực thăng Do Thái đã bắn ít là hai phi đạn tầm xa vào ngôi nhà của Rezik Kamita (thuộc nhóm Hamas hay Thánh Chiến Quân Palestine) ở Thành Phố Gaza, tiếp theo còn dội bom ở trại tị nạn Al-Bureij ở trung độ Gaza nữa. Trong khi hai viên chức cao cấp thuộc thẩm quyền Palestine lên án cuộc khủng bố tấn công ở Haifa, và một viên chức Do Thái là Bộ Trưởng Sức Khỏe Danny Naveh đã cho CNN biết là “Chúng tôi đã được mớm cho đầy những ngôn từ và lời hứa hẹn của các nhà lãnh đạo Palestine. Đã đến lúc phải loại trừ Arafat”.

Các cơ quan thông tin cho biết Thánh Chiến Quân Palestine đã tuyên bố là họ đã thực hiện cuộc khủng bố tấn công này. Theo các nguồn tin an ninh của Palestine thì người phụ nữ ôm bom khủng bố tấn công này 23 tuổi, vì chị muốn trả thù người Do Thái về các mạng sống của họ hàng chị, như chính chị tận mắt chứng kiến thấy người anh em ruột và anh em họ thứ hai của chị bị sát hại hôm Tháng Sáu vừa rồi.

Bên Palestine, vị thủ tướng được bổ nhiệm là Ahmed Qorei đã tuyên bố “bài bác và lên án cuộc tấn công ghê tởm này”. Ông kêu gọi nhân dân Palestine cũng như tất cả mọi phe phái Palestine “hãy tự chế và ngưng tất cả mọi cuộc tấn công nhắm vào các thường dân Do Thái”. Ông nhận định là những cuộc tấn công ấy “tác hại cho cuộc chiến đấu chân chính và hợp pháp của quốc gia chúng ta”. Đồng thời ông cũng không quên kêu gọi phe Do Thái hãy ngưng thực hiện chính sách tịch biên đất đai và tấn công các tay khuấy động và lãnh đạo Palestine.
 

Hôm Chúa Nhật 5/10, Lực Lượng Quốc Phòng Do Thái đã cho biết Do Thái đã tấn công vào trại tị nạn Ein Saheb là khu vực huấn luyện khủng bố. Trại này, cũng theo cơ quan Do Thái ấy, ở sâu trong nước Syria, đã được sử dụng để huấn luyện bởi “nhiều tổ chức khủng bố”, bao gồm cả Thánh Chiến Quân Hồi Giáo. Vị phát ngôn viên chính quyền Do Thái là ông Ra’anan Gissin cho biết trại ấy cách thủ đô Damascô có độ 10 dặm: “Chúng tôi sẽ sử dụng bất cứ biện pháp nào cần thiết để bênh vực cho những người công dân của chúng tôi, bất kể vị thế về địa dư của những loại trại này”. Cũng theo vị phát ngôn viên này thì Do Thái đã quyết “mở rộng mục tiêu hoạt động của chúng tôi chống lại Thánh Chiến Quân Hồi Giáo và Nhóm Hamas”. Ông này cho biết thêm cuộc tấn công của Do Thái là một tín hiệu gửi cho Syria và Iran nhắn nhủ hai nước này hãy chấm dứt việc nâng đỡ nạn khủng bố tấn công Do Thái: “Chúng tôi sẽ không nhân nhượng việc tiếp tục của cái trục khủng bố giữa Tehran, Damasco và Gaza này cứ hoạt động sát hại những con người nam nữ và trẻ em vô tội”. Ðây là cuộc tấn công vào phần đất của Syria sau 30 năm, sau Trận Đánh Yom Kippur.

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: Giải Quyết Chướng Vật Arafat

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Ba 16/9/2003 đã bỏ phiếu cho giải pháp được Khối Liên Hiệp Ả Rập phác họa và qua quốc gia thành viên của hội đồng này là Syria đệ trình. Theo giải pháp này thì “Do Thái, quyền lực chiếm đóng, phải ngưng lại bất cứ hành động đầy ải nào cũng như phải thôi không được đe dọa đến sự an toàn của vị tổng thống được tuyển cử của Thẩm Quyền Palestine”. Giải pháp này cũng kêu gọi chấm dứt “tất cả mọi hành động khủng bố, khơi động, kích động và phá hoại”. Giải pháp cũng đã lên án cả việc Do Thái tấn công các tay lãnh đạo chiến đấu quân lẫn những cuộc liều mạng khúng bố tấn công của Palestine”. Kết quả xẩy ra là trong 15 quốc gia thành viên, 11 nước bỏ phiếu thuận, 3 nước (Hiệp Vương Quốc, Đức và Bulgaria) không bỏ phiếu và Hoa Kỳ phủ quyết.

Ông Nasser al-Kidwa, trưởng phái đoàn quan sát viên của Palestine ở Liên Hiệp Quốc cảnh giác là “những hậu quả trầm trọng có thể gây ra bởi việc phủ quyết này, và Liên Hiệp Quốc sẽ chịu các hậu quả bởi đó mà ra”.

Sau cuộc bỏ phiếu, vị đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc là John Negroponte đã lập lại chủ trương của Hoa Kỳ là bản giải thuyết thiếu cân bằng: “Như chúng tôi đã nói hôm qua là chúng tôi không ủng hộ bất cứ một giải pháp nào lảng tránh mối đe dọa tỏ tường cho tiến trình hòa bình Trung Đông gây ra bởi nhóm Hamas và các nhóm khủng bố khác giống như thế”. Ông đại sứ Mỹ này cũng lập lại là bộ trưởng nội vụ Colin Powell đã nói rõ không ủng hộ “việc loại trừ Ông Arafat hay ủng hộ việc buộc ông phải lưu đầy”. Ông đại sứ tiếp: “Cho dù Ông Arafat có là một phần của vấn đề rắc rối, chúng tôi cũng tin rằng vấn đề này được giải quyết hay nhất bằng việc cô lập ngoại giao, và chúng tôi đã làm sáng tỏ quan điểm này rồi”.

Vị đại sứ của Syria ở Liên Hiệp Quốc là Fayssal Mekdad nhận định là “Sự kiện đại biểu Hoa Kỳ sử dụng quyền phủ quyết là một điều hết sức đáng tiếc. Nếu Do Thái muốn sống an bình ở miền này, và rõ ràng là họ không muốn sống an bình ở miền ấy, họ muốn sống với cuộc lan rộng của họ, với những cuộc định cư của họ, với cuộc chiếm cứ của họ, những gì chẳng những các người Ả Rập và Palestine không thể chấp nhận mà cả mọi người trên thế giới cũng không chấp nhận nữa”.

Trong khi đó, vị đại sứ Do Thái ở Liên Hiệp Quốc là Dan Gillerman nhận định về việc bất thành của bản giải pháp này như sau: “Đây là một giải pháp rất hạ cấp, một giải pháprất thiên lệch, bởi thế tôi muốn lên tiếng khen những quốc gia đã tỏ ra không ủng hộ nó. Đây là một giải pháp hết sức ghê gớm trong việc phê phán các nạn nhân bị khủng bố hơn là các kẻ ra tay khủng bố”.
 

Thứ Năm 18/9/2003, sau khi Hoa Kỳ phủ quyết giải thuyết của Khối Liên Hiệp Ả Rập qua quốc gia hội viên HĐBA LHQ là Syria hôm Thứ Ba, ông Arafat và các viên chức cao cấp của phe Palestine đã họp lại để bàn về hai vấn đề, trong đó có vấn đề ngưng chiến liên quan tới các nhóm chiến đấu quân. Hôm Thứ Tư, ông này đã nói bằng tiếng Ả Rập với một đài truyền hình Do Thái phỏng vấn ông tại cơ dinh của ông là các nỗ lực liên quan đến vấn đề ngưng chiến với những nhóm chiến đấu quân Palestine đang diễn tiến tốt đẹp: “Vẫn tiếp tục có những giao tiếp với các phái nhóm khác nhau. Hôm qua tôi đã họp với tất cả mọi thành phần thuộc Tổ Chức Giải Phóng Palestine PLO. Ngay cả thành phần Thánh Chiến Hồi Giáo cũng nói rằng họ sẵn sàng tôn trọng vấn đề ngưng chiến. Chúng tôi đang tiếp tục giao tiếp với nhóm Hamas, trong cũng như ngoài”. Ông còn hứa hẹn là một bản thỏa hiệp về vấn đề ngưng chiến sắp sửa xẩy ra, nhưng ông nói thêm vấn đề “quan trọng là Do Thái cần phải giúp cho chúng tôi”.

Vị cố vấn cho Thủ Tướng Sharon là ông Ra’anan Gissin, đã gọi cuộc phỏng vấn này là “Màn trình diễn 3-D (deceit – dối trá, deception - lường gạt và defiance – thách thức) của Arafat. Nó là một “màn trình diễn thực sự nhắm đến việc chiếm được lòng quần chúng Do Thái”. Cũng hôm Thứ Tư xẩy ra cuộc phỏng vấn 3-D này, nhà lãnh đạo Palestine ấy còn nói với phái đoàn đại biểu hàn lâm Palestine tại cơ dinh của ông về việc Hoa Kỳ phủ quyết giải pháp được nêu lên ở HĐBA/LHQ là “Không có một quyết định này ở bất cứ đâu có thể làm rung chuyển chúng ta. Chúng ta còn bự hơn và cao hơn tất cả những quyết định ấy nữa kìa”.
 

Bị Hoa Kỳ phủ quyết giải pháp của mình, Khối Liên Hiệp Ả Rập và các nước trung lập đã yêu cầu một cuộc họp bất thường của Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để cứu xét vấn đề, lấy lý là Hội Đồng Bảo An “bất lực” trong việc “hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc bảo trì nền hòa bình và an ninh quốc tế”. Kết quả cuộc bỏ phiếu hôm Thứ Sáu 19/9/2003 có 133 phiếu thuận, 4 phiếu chống (Do Thái, Hoa Kỳ, Micronesia và the Marshall Islands), và 15 phiếu không bỏ. Tuy nhiên, giải pháp này dù được Tổng Hội Đồng LHQ đa số chấp thuận song không buộc thi hành như của Hội Đồng Bảo An. Dầu sao cũng cho thấy đườn chiều hướng chung của các quốc gia trên thế giới không muốn Do Thái hành động như đã dự tính đối với vị lãnh đạo của phe Palestine.

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: Chướng Ngại Vật nào cần phải loại trừ?

Tình trạng xung khắc quyền lực bên phe Palestine giữa Tổng Thống Arafat và Thủ Tướng Abbas, khiến Thủ Tướng Abbas xin từ chức, nhân vật theo phe Do Thái có thể hợp tác tích cực trong việc làm chủ các nhóm chiến đấu quân khủng bố của Palestine, làm cho phe Do Thái đi đến chỗ nghĩ rằng cần phải tiêu diệt chính Arafat, nhân vật bị họ cho như dung dưỡng các nhóm chiến đấu quân này, làm cho các nhóm chiến đấu quân ấy dễ dàng thực hiện những cuộc khủng bố tấn công sát hại dân chúng Do Thái.

Trước dự định này của phe Do Thái, hàng ngàn ngàn người Palestine ở Ramallah, Gaza City, Nablus, Tulkarem và Khan Younis xuống đường phản đối. Nhiều người trong họ đã bắn chỉ thiên, diễn hành qua đường phố tối Thứ Năm 11/9/2003 hô hoán “Arafat, chúng tôi xin lấy máu mình, lấy mạng sống mình hy sinh cho ông”, “Hỡi Sharon, hãy nghe đây, Arafat không đi đâu hết”.

Ngoại Trưởng Palestine Nabil Shaath đã cho lời loan báo của Do Thái là “một lời tuyên bố khai chiến”. Theo một bản tường trình của truyền hình, Tổng Thống Arafat tuyên bố: “Đây là đất thánh (terra sancta). Không ai có thể đá tôi đi được hết”. Trả lời cho phóng viên về sinh mạng của mình, vị tổng thống này đã nói họ “có thể giết tôi bằng bom của họ”, nhưng tôi “nhất định không” rời chỗ này.

Được CNN hỏi hội đồng nội các Do Thái có muốn dùng võ lực bắt Arafat phải rời tổng hành dinh Ramallah của ông ta chăng, phát ngôn viên của Thủ Tướng Ariel Sharon trả lời: “Không hẳn là như vậy. Hôm nay Hội Đồng Nội Các này đã quyết định loại trừ chướng ngại vật này. Thời điểm, phương pháp – những đường lối thực hiện điều này – sẽ được quyết định riêng rẽ, và những chương trình an ninh sẽ tiếp tục thanh tra tình hình và nêu lên những đề nghị về việc thích hợp như chúng đã được thực hiện trong quá khứ”. Vấn đề ỏ đây là “làm sao để loại trừ chướng ngại vật này mà không gây ra đổ vỡ hơn nữa” cho tình trạng hòa bình với người Palestine. Phe Do Thái còn khôn ở chỗ không để cho Arafat trở thành một vị tử đạo, trái lại, theo lời phát ngôn viên này, “chúng tôi chỉ muốn biến hắn thành một tay khủng bố đáng ngại hơn nhiều”.

Tân Thủ Tướng Palestine Qorei cho biết lời tuyên bố của Do Thái về Arafat là “nó sẽ làm leo thang tình hình. Nó sẽ làm cho tất cả mọi nỗ lực… đang cố gắng thực hiện lộ trình này… bất khả, vô dụng”. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ “hãy yêu cầu chính quyền Do Thái thay đổi quyết định này và cởi mở đối thoại với Palestine lập tức hay chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội”. Đối với phe Palestine, như ông ngoại trưởng Palestine Nabil Shaath cho biết thì “việc loại trừ chướng ngại vật cần phải được bắt đầu bằng cách loại trừ việc chiếm đóng. Chính việc chiếm đóng của Do Thái mới là chướng ngại vật. Chúng tôi không xâm chiếm lãnh thổ của Do Thái. Các lực lượng Do Thái đang chiếm chiếm cứ xứ sở của chúng tôi. Chướng ngại vật ngăn trở hòa bình bắt đầu từ đó. Chướng ngại vật thứ hai liên quan đến vấn đề chiếm cứ bằng việc định cư, bằng việc xây những bức tường ngoằn nghèo vào thung lũng Vùng Tây Ngạn, như Tổng Thống đã diễn tả”. Ông này có ý nói đến “hàng rào an ninh” ở đây.

Hôm Thứ Năm 11/9/2003, Hội Đồng Nội Các an ninh Do Thái cũng đã quyết định “đẩy mạnh việc kiến tạo hàng rào an ninh” ở vùng Tây Ngạn để đề phòng các tên khủng bố lọt vào Do Thái. Bản thông báo của Do Thái hôm Thứ Năm còn cho biết: “Do Thái phải nhấn mạnh chủ trương của mình là Do Thái sẽ thương thảo chỉ với vị thủ tướng nào lập tức thực hiện việc giải giới và loại trừ các tổ chức khủng bố”.

Phản ứng của thế giới về việc Do Thái quyết định loại trừ Arafat như sau: Về Hoa Kỳ, phát ngôn viên Bộ Nội Vụ Richard Boucher nói rằng Hoa Kỳ thấy Arafat “là một phần của vấn đề, chứ không phải là một phần của việc giải quyết. Đồng thời chúng tôi nghĩ rằng loại trừ ông ta không có ích lợi gì, vì tạo nên cho ông ta một sân khấu khác để tiếp tục trình diễn”. Tổng thống Hosni Mubarak cũng cảnh giác việc loại trừ Arafat: “Không ai có thể nói những gì sẽ xẩy ra ở các lãnh thổ Palestine một khi Arafat bị loại trừ. Khủng bố, bạo loạn sẽ bùng lên khắp nơi. Nó sẽ là một tình hình rất là nguy hiểm”. Nga Sô, qua lời của phát ngôn viên của ngoại trưởng Alexander Yakovenko, cũng chống lại việc loại trừ Arafat: “Việc thực hiện quyết định này sẽ là một lầm lỗi chính trị trầm trọng là những gì sẽ mang lại tác dụng tiêu cực tệ hại nhất cho tình hình ở một miền vốn dĩ đã hết sức phức tạp”.

Cả hàng trăm con người trẻ Hồi giáo Palestine khi xong việc cầu nguyện ban chiều ở Giêrusalem hôm Thứ Sáu đã ném đá vào những người Do Thái đang nguyện cầu ở Bức Tường Than Khóc để tỏ ra phản đối bất cứ quyết định nào của Do Thái bất lợi cho Arafat.

Hôm Thứ Sáu, 12/9/2003, trong một bản văn, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã nói: “Việc dùng võ lực để thuyên chuyển Tổng Thống Arafat la ụ những gì nguy hiểm và phản chứng trong một tình hình đang căng thẳng và bất ổn ở vùng này”. Pháp, Nga, Đức, Ý và Hiệp Vương Quốc đã cảnh giác là việc loại trừ Arafat sẽ là một lầm lẫn và Khối Liên Hiệp Ả Rập đã nói rằng Do Thái thực sự đã “tuyên chiến” đối với tiền trình hòa bình, như phát ngôn viên của Khối Hiệp Nhất Âu Châu là Diego Ojeda cho The Associated Press biết: “Chúng tôi tin rằng đó là một lầm lẫn kinh khủng sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng khắp cả miền ấy”.

Vị phó thủ tướng Do Thái là ông Ehud Olmert hôm Chúa Nhật 14/9/2003 đã nói với CNN rằng: “Theo quan điểm luân lý cơ bản, tôi muốn đặt vấn đề này với hết mọi con người còn lương tâm: Còn bao nhiêu người dân nữa cần phải bị sát hại… trức khi có người đến nói rằng ‘Này, hãy ngăn chặn kẻ đã từng chịu trách nhiệm về tất cả những điều ấy?’”

Phản ứng lời của vị phó thủ tướng Do Thái này, bộ trưởng Palestine Saeb Erakat đã cho Đài Phát Thanh CNN biết rằng: “Các chính quyền quốc gia phải gắn bó với qui tắc của lề luật. Tôi nghĩ rằng những gì chính quyền Do Thái đang làm hiện nay không phải là hành động của một quốc gia nữa, mà giống như băng đảng”.

Ông Olmert nói rằng Arafat “là đầu của một hoạt động sát nhân là hoạt động đã từng phạm đến thành phần vô tội nhiều lần trên đường phố của chúng tôi. Mọi người đều biết hắn là một tên xúi bẩy và ủng hộ tất cả mọi tổ chức đang gieo rắc những hành động gian ác này, bởi thế mới cần phải làm một điều gì đó”.

Trong ba ngày liền, các đám đông dân chúng Palestine đã tụ họp hôm Chúa Nhật 14/9 ở bên ngoài khu vực của Arafat tỏ dấu ủng hộ vị lãnh thụ bị công hãm này.

 

Mắt Đền Mắt Răng Đền Răng tại Thánh Địa vẫn dữ dội tiếp diễn

Hôm Thứ Ba 9/9/2003, lại xẩy ra hai vụ khủng bố tấn công cùng một ngày ở thủ đô Tel Aviv và Giêrusalem đã sát hại 13 mạng người Do Thái nữa. Trước hết là vụ xẩy ra vào lúc 6 giờ chiều ở một trạm xe buýt gần đồn quân đội Do Thái phía đông thủ đô Tel Aviv, kết quả là 15 người bị trọng thương và 7 người bị tử thương. Sự vụ thứ hai xẩy ra sau đó 5 tiếng ở bên ngoài quán cà phê ăn khách Hillel ở phía Tây Giêrusalem, cách độ 5 dặm, nơi có cả chục bàn được kê ở ngoài quán. Một nhân viên cứu thương tên Eli Beer cho CNN biết tên khủng bố thoạt tiên cố đột nhập vào quán cà phê song không được vị lính gác ngoài cửa, tuy nhiên, hắn vẫn cho nổ bom ở ngoài quán vì thấy cũng có nhiều người ngồi ở đó.

Nhóm chiến đấu quân Hamas tuyên bố là họ đã thực hiện hai cuộc khủng bố tấn công này. Đây là một cuộc trả đũa chưa đầy một ngày quân đội Do Thái hạ sát vị lãnh đạo quân đội của họ là Ahmed Bader ở Hebron vùng Tây Ngạn, nhân vật sở dĩ bị giết là vì bên Do Thái cho biết đã thực hiện cuộc khủng bố tấn công ngày 19/8 làm thiệt mạng 21 người. Sau hai cuộc khủng bố tấn công cùng một ngày, cùng một buổi tối trên đây, cả mấy chục đám trẻ Palestine tuốn ra đường phố mù mịt vào đêm khuya la hò chiến thắng.

Ông Mark Sofer, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Do Thái, nói với CNN là Do Thái sẽ không bỏ quyền bảo vệ dân chúng của mình: “Đây là lần thứ hai trong cùng một buổi tối những người Do Thái đã bị chặt chém bởi những tay khủng bố man rợ. Đúng thế, nạn khủng bố xẩy ra dữ dội, thế nhưng việc Do Thái dứt khoát bảo vệ nhân dân của mình lại càng dữ dội hơn”.

Ông Ahmed Qorei, vị thủ tướng Palestine mới được bổ nhiệm thay ông Abbas, đã lên án những cuộc tấn công này, cho rằng chẳng giúp ích gì cả. Riêng Thủ Tướng Do Thái Ariel Sharon khi biết được những gì xẩy ra tại quốc nội, trước khi ông dùng bữa tối với Thủ Tướng Ấn Độ Atal Behari Vajpayee, đã phát biểu như sau: “Khủng bố là một vấn đề toàn cầu cần phải dứt khoát không ngừng chống phá. Không có vấn đề hòa hoãn trong việc chống phá khủng bố”.

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: Cựa quậy loay hoay

 

Cho dù Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine là Arafat có phủ nhận những xung khắc giữa ông và Thủ Tướng Abbas, nhưng sự thật là trong phiên họp tường trình 100 ngày làm việc của mình cho quốc hội Palestine hôm Thứ Năm 4/9/2003, Thủ Tướng Abbas đã yêu cầu Hội Đồng Lập Pháp này cho ông thêm quyền lực chính trị. Ông nói: “Một là quí vị ủng hộ tôi để tôi có thể trung thành với lòng quí vị tin tưởng nơi tôi hai là quí vị lấy nó lại”. Trong bản tường trình của mình, ông cũng kêu gọi tất cả mọi phe đảng hãy loại bỏ bạo lực ở Trung Đông để tìm kiếm những giải pháp chính trị hầu giải quyết tình trạng xung khắc giữa Do Thái và Palestine: “Giờ đây tôi kêu gọi mọi người hãy hoạt động để thoát khỏi cơn lốc tác động và phản động. Chúng ta hãy học lấy kinh nghiệm quá khứ”, và thực hiện “nỗ lực hết sức để mang lại sự sống cho lãnh vực chính trị cùng xa tránh việc sát hại và hủy hoại”. Ông này cũng kêu gọi cả Khối Tứ Tượng đã khởi xướng Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: “Chúng tôi tin rằng khối tứ tượng này cần phải hoạt động nhiều hơn nữa để cứu vãn tình thế, mang sự sống lại cho dự án đã được nhiều người phê chuẩn và chấp thuận”.

 

Hội Đồng Lập Pháp Palestine sẽ có một cuộc họp kín với Thủ Tướng Abbas vào Thứ Ba tuần tới, và muốn có cả sự hiện diện của Tổng Thống Arafat. Hội Đồng Trung Ương Palestine gồm có 143 phần tử và Hội Đồng Lập Pháp Palestine có 88 ghế, trong đó có 3 chỗ còn trống. Sở dĩ Arafat lập thêm chức thủ tướng vào Tháng 3/2003 vừa rồi là vì áp lực quốc tế trong việc muốn Thẩm Quyền Palestine phải cải tiến. Ông đã mời Abbas,vị Lãnh Đạo Tổ Chức Giải Phóng Palestine giữ vai trò này. Chủ trương của vị đệ nhất thủ tướng Palestine này là muốn nắm lực lượng an ninh để đối đầu với các nhóm chián đấu quân đang thực hiện những cuộc khủng bố tấn công Do Thái. Ông nói không muốn dùng võ lực mà là đối thoại với các nhóm này. Những lý do thủ tướng Abbas muốn xin từ chức được ông liệt kê như sau:

“Vấn đề chính yếu là Do Thái không chịu áp dụng những cuộc dấn thân theo lộ trình này cũng như không thực hiện những biện pháp xây dựng. Liên Hiệp Quốc (và cộng đồng quốc tế) không hết sức gây ảnh hưởng trên Do Thái trong việc thi hành những cuộc dấn thân trên lộ trình đẩy mạnh tiến trình hòa bình hơn nữa hay chấm dứt việc leo thang quân lực. Thiếu sự nâng đỡ từ các qui chế chính quyền. Tình trạng nổi loạn nội bộ dữ dội và nguy hiểm chống lại chính quyền và làm ngăn trở việc tác hành của chính quyền. Những cáo giác bất công cho rằng chính quyền và thủ tướng đã có khuynh hướng hoặc là muốn kiểm soát mọi sự, hai là không nắm giữ gì hết”.

Tóm lại, Thủ Tướng Mahmoud Abbas đã nộp đơn lên Tổng Thống Arafat xin từ chức hôm Thứ Bảy 6/9/2003, vì thấy rằng cả lộ trình hòa bình Trung Đông không được phe đối phương Do Thái tích cực cộng tác, cộng đồng quốc tế (nhất là Hoa Kỳ) bất lực và phe Palestine lại không cho ông đủ quyền hành để thực hiện những việc làm cần thiết hợp với lộ trình này.

 

Để thay thế vị trí của vị thủ tướng 100 ngày này, Tổng Thống Arafat đã bổ nhiệm ông Qorei, cũng gọi là Abu Ala, sinh tại Abu Dis gần Giêrusalem năm 1937 và là một trong những phần tử tiên khởi của phong trào Fatah của Arafat.Ông đã là vị lãnh đạo của tiểu ban phân bộ kinh tế của Tổ Chức Giải Phóng Palestine năm 1983, làm bộ trưởng kinh tế và giao thương của Thẩm Quyền Palestine giữa năm 1994-1996, thời gian ông được tuyển vào Hội Đồng Lập Pháp Palestine. Sau đó ông được bầu là phát ngôn viên của hội đồng này, vị sẽ thay tổng thống khi trống ngôi.
 

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông đã bị hủy diệt hay đang gặp trở ngại?

Thứ Ba 2/9/2003, Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine là Arafat đã tuyên bố: “Lộ trình hòa bình này đã chết, chỉ vì những cuộc tấn công quân sự mới đây của Do Thái”. Vị tổng thống này cho rằng US đã không làm hết sức để thực hiện lộ trình hòa bình này, vì vấn đề Iraq và lo bầu cử tổng thống tới đây đã chi phối họ. Ông cũng phủ nhận nguồn tin cho rằng ông và Thủ Tướng Abbas có vấn đề với nhau, vì đó là nguồn tin của phe Do Thái muốn chia rẽ nội bộ bên Palestine.

Trong khi đó, bên Do Thái đã công nhận họ đã sai lầm vì không loại trừ vị tổng thống này hai năm trước đây. Theo vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Do Thái Shaul Mofaz, qua cuộc phỏng vấn với đài phát thánh quân đội Do Thái thì vị tổng thống này là trở ngại cho Thủ Tướng Abbas trong việc thực hiện lộ trình hòa bình Trung Đông này đối với các nhóm chiến đấu quân của Palestine. Ông bộ trưởng này nói: “Arafat không bao giờ muốn tiến tới chỗ thỏa hiệp với chúng ta. Tôi tin rằng ông ta cần phải biến mất khỏi khấu trường lịch sử. Nước Do Thái đã vấp phải một lỗi lầm lịch sử vì đã không loại trừ ông này khoảng hai năm trước đây… Trong tương lai, tôi tin rằng chúng ta sẽ cấn phải đưa ra vấn đề này trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, rất có thể nội trong năm nay thôi. Thời điểm loại trừ vị này cần phải được đề ra để không làm tổn hại tới vai trò lãnh đạo hiện nay của Palestine hầu họ có thể thực hiện các chính sách đã được họ phác họa, họ đã làm và chúng ta đã thấy được kết quả”. Ông bộ trưởng này còn cho biết thế giới đã thấy được vai trò lãnh đạo tích cực hiện nay của bên Palestine gồm có Thủ Tướng Abbas, Bộ Trưởng An Ninh Vụ Muhammad Dahlan và Bộ Trưởng Tài Chính Salem Fayad.

Ở Ramallah, một tờ nhật báo do Thẩm Quyền Palestine phổ biến có một bản thỉnh nguyện với 250 chữ ký của các học giả, chính trị gia và các vị lãnh đạo cộng đồng kêu gọi Tổng Thống Arafat và Thủ Tướng Abbas hãy giải quyết những bất đồng với nhau. Tổng Thống Arafat đã bổ nhiệm một vị lãnh đạo an ninh. Cho dù đã được Hoa Kỳ kêu gọi để cho Thủ Tướng Abbas quyền hành hơn nữa, Tổng Thống Arafat vẫn không chịu. Thủ Tướng Arafat sẽ ra trước quốc hội Palestine vào Thứ Năm tới đây để tường trình về những thành đạt của mình trong thời gian làm thủ tướng 100 ngày vừa qua.
 

Do Thái tiếp tục tấn công chiến đấu quân Palestine để tận diệt khủng bố

Hôm Thứ Hai, 1/9/2003, sau cuộc họp hội đồng nội các, ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Do Thái là Shaul Mofaz cho biết là cuộc khủng bố tấn công ở Giêrusalem ngày 19/8/2003 của các chiến đấu quân Palestine đã “làm gẫy nhịp cầu cần có cho tiến trình đối thoại có được một cơ hội”. Trước lời tuyên bố này, các máy bay trực thăng quân sự Do Thái đã bắn các phi đạn vào các phần tử Hamas ở Thành Phố Gaza. Theo các nguồn tin an ninh của Do Thái thì chiếc trực thăng đã bắn vào “một chiếc xe chở vũ khí… giết chết hai tay chủ chốt quân sự của nhóm Hamas”, đó là Khader Housari, 40 tuổi, và Munther Kanitha, 32 tuổi. Ngoài ra, cuộc tấn công này còn gây cho 25 người bị thương nữa. Trong hai tuần vừa qua, sau vụ khủng bố tấn công 19/8, những cuộc tấn công của trực thăng Do Thái đã làm thiệt mạng 10 tay chủ chốt của nhóm khủng bố Hamas và gây thương tích cho trên 50 người Palestine.

Bản công bố của Do Thái được phổ biến ngày Thứ Hai 1/9/2003 có những điểm chính yếu sau đây: “Một cuộc chiến tận diệt phe Hamas và các yếu tố khủng bố khác, kể cả những cuộc tấn công liên tục vào các tay lãnh đạo của tổ chức này”; “áp đảo nhắm vào nạn khủng bố” ở Tây Ngạn; và ngưng “tiến trình ngoại giao với {Thẩm Quyền Palestine)… trừ phi (Do Thái) thấy rằng Thẩm Quyền này tỏ ra những hành động cụ thể trong việc đối xử với những phe nhóm khủng bố”. Cũng theo bản công bố này thì từ cuộc khủng bố tấn công 19/8, Do Thái đã thực hiện “năm cuộc loại trừ được nhắm tới” các phần tử Hamas và đẩy mạnh những hoạt động hành quân ở vùng Tây Ngạn. Bản công bố viết: “Việc thiết lập an ninh đang sửa soạn cho những gì có thể liên quan đến một cuộc leo thang về an ninh cũng như đến làn sóng khủng bố tái diễn tấn công Do Thái”.
 

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: càng đi vào đường cùng không ngõ thoát….

Vào lúc 9 giờ 55 sáng địa phương ngày Chúa Nhật 24/8, một chiếc trực thăng của Do Thái đã bắn ít là hai phi đạn vào 4 người đang ngồi ở một lô đất trống gần khu nhà của Lực Lượng 17, phòng vệ riêng của Tổng Thống Arafat. Bốn người này thuộc nhóm Hamas, đó là Walid el Hams, Ahmed Eshtwi, Ahmed Abu Halala và Muhammad Abu Lubda. Người thứ năm bị thương nặng. Sau đó hai bên (nhóm Hamas và Do Thái) đã bắn đầu phi đạn vào phần đất của nhau. Sáng Chúa Nhật, tướng Abdel Razek al Majaydeh, vị lãnh đạo an ninh của tổng thống Arafat ở Gaza, đã ra lệnh cho các lực lượng của ông đi ngăn chặn các nhóm chiến đấu quân trong việc bắn đầu phi đạn vào các tỉnh và khu dân cư Do Thái. Thứ Năm 28/8, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ được Thủ Tướng Ariel Sharon hạ lệnh cho các lực lượng phải “lợi dụng tất cả mọi bước cần thiết” chống lại nhóm Hamas, thì một chiếc trực thăng Do Thái đã bắn vào một chiếc xe lừa ở miền nam Gaza, làm một chiến đấu quân Hamas tử thương và làm cho ba người bị thương. Cuộc tấn công bằng đầu đạn hôm nay là cuộc tấn công thứ bốn trong tuần vừa qua.
 

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông lại bị gián đoạn nghiêm trọng bởi khủng bố

Thật vậy, sau khi hai nhóm chiến đấu quân của phe Palestine là Hamas và Thánh Chiến Quân Hồi Giáo đã đồng ý ngưng chiến tạm 3 tháng tấn công Do Thái. Bản công bố của hai nhóm này được phổ biến hôm Chúa Nhật 29/6/2003, một bản công bố bao gồm một số điều kiện. Một số viên chức Do Thái đã ngờ vực về bản tuyên cáo này; một viên chức cao cấp của phe này cho CNN biết rằng nó “có thể là một cái bẫy” đối với Do Thái. Nhóm Al Aqsa Martyrs Brigades là nhóm chiến đấu quân liên quan tới phong trào Fatah của Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine Yasser Arafat không ký vào bản công bố ấy. Cuộc họp của các nhóm chiến đấu quân, ngoài hai nhóm ký vào bản công bố, còn có ba nhóm khác nữa, đó là Al Aqsa Martyrs Brigades, the Polular Front for the Liberation of Palestine, và the Democratic Front for the Liverationof Palestine. Những nhóm này cũng dính dáng đến các cuộc tấn công Do Thái.

Những điều kiện được nêu lên trong bản công bố này như sau:
1. Lực lượng Do Thái phải chấm dứt các cuộc xâm chiếm trong lãnh thổ Palestine.
2. Quân đội Do Thái phải chấm dứt việc phá hoại nhà cửa của các chiến đấu quân bị theo dõi.
3. Phải dẹp bỏ tất cả mọi trạm kiểm soát quân đội của Do Thái ở Gaza.
4. Phải chấm dứt cuộc phong tỏa cầm giữ Tổng Thống Palestine Yassar Arafat ở Ramallah vùng Tây Ngạn.
5. Bảo vệ những nơi thánh của Hồi giáo.
6. Phải thả hết tất cả mọi người Palestine đang bị Do Thái cầm tù.

 

Phải chăng Do Thái đã thực sự trúng bẫy của hai nhóm ký vào bản thỏa ước tạm ngưng chiến này? Bởi vì, những điều kiện để ngưng chiến chỉ buộc bên Do Thái mà thôi, còn bên Palestine thì không thấy nói gì, như ngưng các cuộc khủng bố tấn công Do Thái chẳng hạn. Phải chăng vì thế mà phe Palestine, trong thời hạn ba tháng ngưng chiến này đã tiếp tục tấn công phe Do Thái hai lần, một lần vào đầu tháng 8, với một cặp ôm bom khủng bố làm thiệt mạng 2 người Do Thái và thương tích cho cả chục người khác, và một lần vào hôm Thứ Ba 19/8, với cuộc ôm bom khủng bố trên một chiếc xu buýt ở Giêrusalem đầy người Do Thái theo Chính Thống giáo, làm thiệt mạng 20 người, trong đó có 6 trẻ em, và làm thương tích cho 100 người, trong đó có 40 trẻ em. Đây là vụ khủng bố đẩm máu nhất trong vòng 3 năm qua. Trong hai cuộc khủng bố tấn công trong thời hạn tạm ngưng chiến trong vòng 3 tháng này, nhóm Hamas đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công lần hai, và nhóm Al Aqsa Martyrs Brigades nhận đã tấn công lần thứ nhất.

 

Đó là lý do, sau cuộc khủng bố tấn công lần hai, phe Do Thái đã tuyên bố thỏa ước tạm ngưng chiến không còn hiệu lực nữa. Nếu bị khủng bố tấn công hai lần, phe Do Thái cũng tấn công khủng bố hai lần. Tuần vừa rồi, phe Do Thái đã tấn công nhóm chiến đấu quân Palestine và đã giết Muhammad Sadr, 26 tuổi, một tướng lãnh trong Thánh Chiến Quân Hồi Giáo. Sau cuộc khủng bố tấn công hôm Thứ Ba vừa rồi, vị phát ngôn viên Ngoại Giao Do Thái là Gideon Meir đã tuyên bố là xứ sở của ông “không còn chọn lựa nào khác” ngoài việc bắn 3 phi đạn hôm Thứ Năm, 21/8, vào một chiếc xe chở ông Abu Shanab, 53 tuổi một viên chức cao cấp của nhóm chiến đấu quân Hamas, đã làm ông này bị thiệt mạng. Ông phát ngôn viên ngoại giao Do Thái Meir cho biết: “Chúng tôi đã chờ đợi gần 8 tuần lễ từ khi lộ trình hòa bình được áp dụng, trong đó, Thẩm Quyền Palestine phải ra tay bắt đầu giam giữ các tay khủng bố. Nhưng cho tới nay chúng tôi chẳng thấy gì cả”.

Còn bên phe Palestine, trước hết, Thẩm Quyền Palestine, qua Thủ Tướng Abbas, lên tiếng cho vụ nhóm chiến đấu quân Hamas khủng bố tấn công Do Thái hôm Thứ Ba 19/8 là “một tội ác ghê rợn”, cũng như cho việc Do Thái tấn công khủng bố chiến đấu quân Hamas hôm Thứ Năm 21/8 là “một tội ác ghê tởm… phản lại hòa bình và tiến trình hòa bình”, một cuộc tấn công, qua bộ trưởng thông tin Amr, là một cuộc tấn công “vô trách nhiệm”, một cuộc tấn công làm ngăn trở nỗ lực của thẩm quyền này trong việc ngăn chặn những cuộc khủng bố của các phe chiến đấu quân. Bộ trưởng thông tin Palestine là Nabil Amr đã cho biết: “Giờ đây Thẩm Quyền Palestine phải tái xét những quyết định đêm hôm qua cùng với những đường lối cần thiết để bảo vệ dân chúng Palestine”. Còn đối với các thành phần chiến đấu quân, cả hai nhóm ký vào bản thỏa ước tạm ngưng chiến đã lên tiếng chấm dứt bản thỏa ước này sau cuộc tấn công khủng bố của Do Thái hôm Thứ Năm 21/8. Khi xác của ông Abu Shanab được đưa đến Bệnh Viện Shifa thì cả ngàn người Palestine kéo tới, trong đó có nhiều người yêu cầu Thủ Tướng Abbas phải từ chức.

Sự việc Do Thái tấn công khủng bố Hamas hôm Thứ Năm 21/8, như trưởng ban an ninh của Thẩm Quyền Palestine là ông Mohammed Dahlan cho biết, tiếc thay đã xẩy ra chỉ ít phút trước khi Thẩm Quyền Palestine ra tay săn lùng những nhóm khủng bố. Theo ông Elias Zananiri, phát ngôn viên của vị trưởng ban an ninh này thì các lực lượng an ninh Palestine đã được lệnh mới cho phép họ giam giữ những tay chiến đấu quân và tịch thu các thứ khí giới của họ. Ông này cho biết, nếu chương trình này được thực hiện thì các nhóm chiến đấu quân sẽ bị tước lột hết mọi thứ vũ khí để trở thành một đảng phái chính trị thuần túy, nhưng tiếc thay: “Giờ đây mọi sự đều bị khựng lại”.

 

Cuộc khủng bố tấn công nhóm chiến đấu quân Hamas hôm Thứ Ba 19/8 xẩy ra cùng ngày với cuộc khủng bố nổ bom tại Trung Tâm Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Baghdad Iraq, làm thiệt mạng ít là 24 người, trong đó có trưởng phái đoàn đại sứ của Liên Hiệp Quốc là ông Sergio Vieira de Mello. Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là Kofi Annan đã lên tiếng như sau: “Tất cả chúng tôi ở Liên Hiệp Quốc đều lấy làm xúc động và kinh sợ trước cuộc tấn công hôm nay, một cuộc tấn công làm cho nhiều đồng nghiệp của chúng tôi bị thương tích và một số chưa biết bị thiệt mạng, cả người Iraq lẫn nhân viên quốc tế. Không gì có thể biện hộ cho hành động bạo hành vô lý và sát hại này đối với những con người nam nữ đến Iraq chỉ vì một mục đích duy nhất là giúp đỡ nhân dân Iraq phục hồi nền độc lập và chủ quyền của họ, cũng như để tái thiết xứ sở của họ sớm bao nhiêu có thể, dưới quyền lãnh đạo do họ chọn lựa”.

Về hai cuộc khủng bố tấn công cùng ngày ở hai nơi khác nhau này, sau buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần, 20/8, Đức Thánh Cha đã nói “chỉ có thể gây cho lòng chúng ta nỗi buồn sâu xa và việc đồng loạt lên án mà thôi”.

Riêng về vụ khủng bố tấn công ở Giêrusalem, ĐTC thêm: “Trong khi chúng ta ký thác cho lòng thương xót Chúa những người bị thiệt mạng và nài xin ơn an ủi cho những ai thương khóc, chúng ta cũng cầu cùng Vị Thiên Chúa của an bình để khôn ngoan ngự trị nơi các tấm lòng cũng như để những ai có trách nhiệm với việc chung có thể phá vỡ cơn lốc tử vong của hân thù và bạo loạn này”.

Còn vụ khủng bố tấn công trung tâm LHQ ở Iraq, qua ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, ĐTC đã nhờ ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc, đưa một điện tín đến tận tay cho ông TTK/LHQ với lời lẽ là ĐTC “gửi lời phân ưu chia buồn tới ông, tới tất cả mọi người hoạt động cho tổ chức LHQ, cũng như tới các gia đình cùng bạn bè của những người đã chết. Ngài dâng lời cầu nguyện tha thiết cho những nạn nhân và xin Thiên Chúa Toàn Năng an ủi những ai đang than khóc vào lúc này đây về việc mất mát thảm thương. Trong khi kêu xin cho tất cả những ai can dự vào những hành động bạo lực tội ác biết từ bỏ những đường lối hận thù, ĐTC cũng cầu xin để đường lối hòa giải được yêu chuộng cũng như để nhân dân Iraq thấy được một kỷ nguyên mới hòa bình, công chính và xã hội thái hòa”.

 

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: hồi hộp dò dẫm

Hai nhóm chiến đấu quân của phe Palestine là Hamas và Thánh Chiến Quân Hồi Giáo đã đồng ý ngưng chiến tạm 3 tháng tấn công Do Thái. Bản công bố của hai nhóm này được phổ biến hôm Chúa Nhật 29/6/2003, một bản công bố bao gồm một số điều kiện. Một số viên chức Do Thái đã ngờ vực về bản tuyên cáo này; một viên chức cao cấp của phe này cho CNN biết rằng nó “có thể là một cái bẫy” đối với Do Thái. Nhóm Al Aqsa Martyrs Brigades là nhóm chiến đấu quân liên quan tới phong trào Fatah của Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine Yasser Arafat không ký vào bản công bố ấy. Cuộc họp của các nhóm chiến đấu quân, ngoài hai nhóm ký vào bản công bố, còn có ba nhóm khác nữa, đó là Al Aqsa Martyrs Brigades, the Polular Front for the Liberation of Palestine, và the Democratic Front for the Liverationof Palestine. Những nhóm này cũng dính dáng đến các cuộc tấn công Do Thái.

Những điều kiện được nêu lên trong bản công bố này như sau:

1. Lực lượng Do Thái phải chấm dứt các cuộc xâm chiếm trong lãnh thổ Palestine.
2. Quân đội Do Thái phải chấm dứt việc phá hoại nhà cửa của các chiến đấu quân bị theo dõi.
3. Phải dẹp bỏ tất cả mọi trạm kiểm soát quân đội của Do Thái ở Gaza.
4. Phải chấm dứt cuộc phong tỏa cầm giữ Tổng Thống Palestine Yassar Arafat ở Ramallah vùng Tây Ngạn.
5. Bảo vệ những nơi thánh của Hồi giáo.
6. Phải thả hết tất cả mọi người Palestine đang bị Do Thái cầm tù.

Một phát ngôn viên ở Gaza là Ismail Abu Shanab đã trả lời cuộc phỏng vấn của CNN qua điện thoại là hai nhóm này thoạt tiên muốn thấy 932 người Palestine được thả ra và nếu tất cả những tù nhân ấy không được thả ra cũng không gây hại cho vấn đề ngưng chiến. Tuy nhiên, mục tiêu tối hậu vẫn là việc thả nhóm tù nhân này ra. Các nguồn tin Palestine cho CNN biết là Tổ Chức Popular Front for the Liberation of Palestine bác bỏ cuộc ngưng chiến.

Trong khi đó, theo nguồn tin từ phe Do Thái, quân đội của Do Thái đã sửa soạn bắt đầu rút khỏi Gaza. Các viên chức an ninh của cả hai bên đã gặp nhau vào sáng Chúa Nhật để bàn đến vấn đề rút quân của Do Thái được bắt đầu vào đêm nay. Trong một cuộc họp vào đêm Thứ Năm 26/6/2003 tuần vừa rồi tại tư dinh lãnh sự Hoa Kỳ ở Herzliya gần Tel Aviv các viên chức hai phe đã đồng ý trên nguyên tắc việc trao quyền kiểm soát an ninh ở Gaza cho phe Palestine ở phía bắc Gaza và dẹp bỏ hầu hết các trạm kiểm soát của Do Thái ở Gaza. Tuy nhiên, quân đội Do Thái vẫn ở tại những nơi có dân Do Thái định cư. Nguồn tin Do Thái cho hay họ đã tiến tới chỗ đồng ý về “các thứ bom gài giờ” hay những cuộc tấn công bất thình lình. Ở chỗ, khi họ được tình báo cho hay các cuộc tấn công có thể xẩy ra họ sẽ cho phe Palestine biết. Nếu phe Palestine không phản ứng gì họ sẽ phải hành động tùy nghi.
 

“Lộ Trình Trung Đông”: vẫn cứ trằn trọc

Trước tình hình càng ngày càng căng thẳng và bế tắc trước Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông do mình phác họa, Nhóm Tứ Tượng Mỹ, Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Liên Hiệp Quốc lại ngồi lại với nhau ở Jordan hôm Chúa Nhật 22/6/2003 để xét lại vấn đề và tìm ngõ thoát.

Vị đặc sứ của Liên Hiệp Quốc là Terje Roed-Larsen đã nói với CNN rằng: “Giờ đây phải cố gắng đi tới một hợp đồng như là bước khởi đầu để các người Do Thái rút khỏi Gaza và Bêlem về lãnh vực quân đội. Còn một số những chướng ngại cần phải được giải quyết”. Theo nhận định của ông này thì nếu đảng Hamas “đồng ý trở thành một đảng phái chính trị”, loại trừ khủng bố và “giải giới để Thẩm Quyền Palestine được toàn quyền kiểm soát bất cứ loại vũ khí nào, thì tôi thấy rằng không còn lý do nào đảng Hamas không trở thành một phần của cộng đồng chính trị Palestine”.

Sau cuộc họp của khối Tứ Tượng Trung Đông, bộ trưởng nội vụ Powell cho báo chí biết rằng: “Chúng tôi cần phải tiếp tục tiến tới. Tôi tiếc rằng chúng ta tiếp tục cảm thấy mình bị rơi vào tình trạng hành động và phản động này”.

Ngoại trưởng Hy Lạp George Papandreou, nước đang tới phiên làm chủ tịch Khối Hiệp Nhất Âu Châu, cho biết: “Cộng đồng quốc tế cần phải hiệp nhất với nhau để hoạt động cho hòa bình. Chúng tôi xin nói rằng chúng tôi sẽ không để cho tiến trình này có thể bị mai một đi, và để cho những ai đang cố gắng làm mai một đi ý muốn chính trị của cộng đồng quốc tế. Đây là một cơ hội lịch sử. Chúng ta cần phải lợi dụng thời cơ và chúng tôi cương quyết đến đây là để hỗ trợ”.

Cuộc họp báo trên đây diễn ra sau mấy tiếng đồng hồ xẩy ra vụ lực lượng Do Thái bắn chết hai người Palestine, trong đó có Abdullah Kawasme, phần tử cao cấp của đảng Hamas, người được lực lượng Do Thái truy lùng sát nút và cố gắng tẩu thoát khỏi bị phe Do Thái bắt ở Hebron vùng Tây Ngạn. Một phụ tá cao cấp của Thủ Tướng Sharon là Ra’anan Gissin cho biết “chúng tôi không cố sát hại hắn. Chúng tôi muốn bắt giữ hắn”, người phải trực tiếp chịu trách nhiệm về 25 mạng người Do Thái và gián tiếp chịu trách nhiệm về 25 mạng khác, kể cả cuộc ôm bom tự sát ngày 11/6 trên chuyến xe buýt ở trung tâm Giêrusalem làm thiệt mạng 17 người Do Thái và 70 người bị thương. Ông phụ tá này còn nói việc sát hại là chính đáng “khi chúng tôi phải đương đầu với những thứ bom căn giờ hay với những kẻ đặt những thứ bom tíc tắc nổ tung này”. Nếu không đương đầu với tên Kawasme thì “chúng tôi sẽ bị tai nạn nữa”.

Về phía Palestine thì cho việc sát hại là một phần thuộc qui chế sát sinh của Do Thái đối với các chiến đấu quân Palestine. Thượng Lượng Viên Palestine Nabil Shaath đã gọi cuảc tấn công ấy là “ghê tởm”, “nó nhắc nhở dân chúng về hết mọi sự chiếm cứ bị chúng tôi vốn đã thù ghét. Đây là lúc phải chấm dứt điều ấy. Đây là thời gian phải chấm dứt tất cả mọi cuộc sát sinh cũng như tất cả mọi bạo loạn cùng tất cả mọi thứ khủng bố của các phe”.

Một tay cao cấp của đảng Hamas là Abdel Aziz Rantissi, người sống sót bị Do Thái sát hại hai tuần trước, đã nói rằng phải rửa hận cho cái chết của Kawasme. Tay này còn nói đảng Hamas vẫn còn đang cứu xét về đề nghị dứt chiến của Thủ Tướng Abbas biệt danh là Abu Mazen: “Cho tới lúc này đây chúng tôi vẫn chưa đi đến chỗ quyết định, nhưng chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ trả lời Abu Mazen trong những ngày tới đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với những người Palestine như thể không có cuộc khủng bố của người Do Thái, và chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cự khủng bố như thể không có vấn đề đối thoại với những người Palestine”.

Bộ Trưởng Thông Tin Palestine Nabil Amr đã nói hôm Thứ Bảy 21/6 là “chúng tôi sẵn sàng chiếm lại tất cả những lãnh địa mà người Do Thái rút quân”. Tuy nhiên, để Do Thái có thể rút quân, phe Palestine cũng phải thôi khủng bố. Đó là vần đề phe Palestine đang tìm cách giải quyết. Thực sự hôm Thứ Ba 17/6 đã có những cuộc họp giữa Thủ Tướng Palestine Mahmoud Abbas và các đại diện của đảng Hamas, của nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo và của nhóm Al Aqsa Martyrs Brigades, nhưng những người đại diện này cuối cùng cho biết họ cần thêm giờ để cứu xét việc tiến thoái của họ, nhưng họ vẫn nhất định lập lại ý định của họ là trước khi họ chấm dứt các cuộc tấn công Do Thái, Do Thái phải chấm dứt chương trình hạ sát những tay lãnh đạo chiến đấu quân của họ.

Phần Thủ Tướng Do Thái Sharon hôm Thứ Hai 16/6 đã nói các nhà lập luật ở Knesset rằng Do Thái sẽ “cương quyết đương đầu với bất cứ hình thức khủng bố nào cho đến khi chúng ta làm chủ tình thế. Sẽ không có vấn đề nhân nhượng gì hết một khi đụng đến nền an ninh của Do Thái. Không thể nào đạt tới một thứ dàn xếp về ngoại giao, chứ chưa thực sự là hiệp định hòa bình, khi mà nạn khủng bố đang còn náo loạn”. Thủ Tướng Sharon còn cho biết Thẩm Quyền Palestine đã tiến đến chỗ cương quyết với nạn khủng bố, thế nhưng “cuộc chiến tranh trọn vẹn của người Palestine đối với lực lượng khủng bố tự vệ là ở chỗ hoàn toàn giải tỏa lực lượng này”.

Cũng vào ngày Thứ Hai, trước khi Thủ Tướng Abbas tới gặp nhóm chiến đấu quân Palestine mấy tiếng thì phái đoàn đại biểu Ai Cập đã rời Gaza sau khi không thuyết phục được đảng Hamas chấm dứt chiến đấu. Nhóm Hamas và Thánh Chiến Quân Hồi Giáo đã nói rằng họ có thể nghĩ đến vấn đề tạm đình chiến chỉ khi nào phe Do Thái cho thấy một cách cụ thể việc phe này rút quân khỏi những miền Tây Ngạn và Gaza cũng như thôi tấn công các chiến đấu quân cao cấp.

Còn phe Do Thái lại nói rằng Do Thái sẽ không sẵn sàng trao lại quyền kiểm soát an ninh cho Thẩm Quyền Palestine nếu đảng Hamas không chịu ngừng chiến. Phe Do Thái thấy rằng cuộc thứ thách bây giờ cần phải giải quyết đối với Thủ Tướng Abbas là làm sao để tất cả mọi lực lượng Palestine hợp lại với nhau thành một lực lượng an ninh duy nhất đó là Thẩm Quyền Palestine, và làm sao để các lực lượng chiến đấu quân chẳng những sẵn sàng bỏ khí giới xuống mà còn giải giới nữa.

Kêu gọi hòa bình Trung Ðông

Hôm qua, Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, 15/6/2003, trong khi tại Thánh Địa phe Palestine bắn 4 đầu phi đạn Qassam từ Gaza sang các tỉnh của người Do Thái, một bắn từ miến bắc Gaza vào tỉnh Sderot, còn 3 bắn từ miền nam trúng một tỉnh lân cận Do Thái, tuy nhiên không xẩy ra một thiệt mạng nào, thì tại Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban huấn từ truyền tin về Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi liên quan đến đời sống gia đình và vấn đề tị nạn. Tuy nhiên, sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC kêu gọi về hòa bình Trung Đông như sau:

Một lần nữa, lại xẩy ra những ngày máu đổ và chết chóc cho dân cư ở Thánh Địa, bị lọt vào trong cơn lốc bạo lực và rửa hận.

Tôi xin lập lại với tất cả mọi người lời kêu gọi thường được nhắc đến trong quá khứ: đó là “không thể nào có hòa bình nếu không có công lý, và không thể nào có công lý nếu không biết thứ tha”. Khi ngỏ lời cùng tất cả cư dân ở Thánh Địa, hôm nay, một lần nữa, Tôi nhắc cho họ nhớ đến điều này một cách ý thức hơn.

Ngoài ra Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng chán nản trong việc giúp cho những người Do Thái và Palestine tái khám phá ra ý nghĩa về con người cũng như về tình huynh đệ, để cùng nhau xây dựng tương lai của mình.

Xin Rất Thanh Trinh Nữ cầu bầu cho tất cả chúng ta, để Thiên Chúa làm cho chúng ta “trở thành những khí cụ bình an của Ngài”.

 

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: bị tắc nghẽn, đầy căng thẳng và càng sôi động

Một vị lãnh đạo Hồi Giáo ở Đại Đền Thờ Hồi Giáo Rôma đã kêu gọi một “cuộc thánh chiến”. Vị này là giáo trưởng Abdel-Samie Mahmoud Ibrahim Moussa đã kêu gọi tín đồ Hồi giáo tham dự bấy giờ là “hãy tận diệt các kẻ thù của Hồi Giáo và bảo đảm chiến thắng cho Quốc Gia Hồi Giáo ở khắp nơi trên thế giới”. Hằng tuần, nếu ngày chính của Kitô giáo là Chúa Nhật, Do Thái giáo là Thứ Bảy thì Hồi giáo là Thứ Sáu. Bài giảng cho tín đồ Hồi giáo hôm Thứ Sáu 6/6/2003 này đã được tờ nhật báo Ý La Repubblica phổ biến vào ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, theo linh mục Justo Lacunza Balda, viện trưởng Viện Tòa Thánh Nghiên Cứu về Ả Rập và Hồi Giáo, đã cho hãnh thông tấn Fides biết nhận định của ngài về bài giảng kêu gọi thánh chiến này như sau:

“Không thể nào lại có thể xẩy ra chuyện con người thôi thúc hận ghét và khiêu dụ sát hại được cả. Đây là một vấn đề thiếu lành mạnh. Đây là một vấn đề công khai ra lệnh mà chính phủ cần phải đương đầu. Việc sử dụng những nơi thuộc các tổ chức, như các nhà thờ, đền thờ hay công trường để khiêu dụ người ta bạo động và đánh nhau là những gì bất khả chấp ở một xứ sở dân sự và dân chủ. Đây không phải là vấn đề tự do tôn giáo. Cần phải nói rõ là Hiến Pháp Ý Quốc không cho phép thực hiện việc công khai khiêu dụ bạo động và hận thù đối với những kẻ thù của óc tưởng tượng, những kẻ thù dầu sao cũng chưa rõ ràng. Vấn đề hôm Thứ Sáu vừa rồi không thể nào lại là chuyện bất ngờ xẩy ra: Nó là một sự kiện trầm trọng, bất khả chấp ở một xã hội dân chủ. Vấn đề này gây nên vấn đề nghiêm trọng về các mối liên hệ giữa các nền văn hóa và tôn giáo ở Ý Quốc, một vấn đề ảnh hưởng đến việc dân chúng sống chung trong xứ sở này. Lời kêu gọi thánh chiến, jihad, là một mối de dọa thậm chí cho cả cộng đồng người Hồi Giáo ở Ý nữa, vì nó bồi dưỡng một thứ văn hóa bất dung nhượng, bằng việc phát động ngờ vực và việc loại trừ của những người Hồi giáo”.

Cha Lacunza cho biết ngài lấy làm lạ khi thấy chiều hướng thay đổi của đền thờ Hồi Giáo ở Rôma, một đền thờ được thiết dựng từ năm 1995 ở đây. Vị giáo trưởng trước đây của đền thờ này là Mahmoud Hammad Sheweita thuộc về một số ít người Hồi giáo lên án vụ khủng bố 911. Vị này có tinh thần khoan nhượng và cởi mở, thường xuyên tham dự các cuộc họp liên tôn. Vị linh mục viện trưởng trên đây kết luận là: “Chúng ta mong muốn và chúng ta ủng hộ tính cách đa diện cùng quyền tự do về chính trị, tôn giáo và văn hóa. Nhưng chúng ta không thể nào cho phép bất cứ một vị giảng thuyết nào làm bừng lên hận thù hay khuyến dụ con người đi sát hại”.

Còn vị chủ tịch Cộng Đồng Hồi Giáo Ý Quốc ở Milan là Abd al Wahid Pallavicini đã bày tỏ thái độ bất đồng của mình đối với những lời lẽ của đạo trưởng Moussa, và nói rằng những thứ đe dọa ấy không phải là những gì của một người Hồi giáo bản xứ Ý Quốc. Ông Pallavicini đã là vị đại diện Hồi giáo ở cuộc họp liên tôn năm 1986 ở Assisi. Ông cũng đại diện đền thờ Hồi Giáo ở Rôma tại Hội Đồng Tòa Thánh về Vấn Đề Đối Thoại Liên Tôn.

Sở dĩ có những lời công khai kêu gọi thánh chiến này là vì những biến động ở Thánh Địa liên quan đến Lộ Trình Hòa Bình được phe Tứ Tượng (Mỹ, Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Liên Hiệp Quốc) phác họa từ Tháng Tư 2003. Lộ Trình Hòa Bình này đã được diễn tiến từ thương thảo ở thượng tầng cơ sở đến bạo lực ở hạ tầng cơ sở tuần tự như sau:

Thứ Tư 4/6: Cuộc họp thượng đỉnh ở Jordan bàn đến tiến trình hòa bình Trung Đông, có Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush, Thủ Tướng Do Thái Ariel Sharon, Thủ Tướng Palestine Mahmoud Abbas, và Quốc Vương Jordan Abdullah II. Kết thúc cuộc họp này, mỗi vị phát biểu cảm nhận và chủ trương của mình về Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông.

Thủ Tướng Do Thái Sharon tuyên bố: “Tôi muốn lập lại rằng Do Thái là một xã hội được cai trị bởi qui tắc luật pháp. Bởi thế chúng tôi sẽ lập tức bắt đầu di chuyển khỏi những địa điểm không thuộc thẩm quyền của mình. Hòa bình cần thiết cho tình trạng vĩnh viễn an ninh. Do Thái không có ý cai trị những người Palestine, mà để người Palestine tự cai trị lấy nhau”.

Thủ Tướng Palestine Abbas tuyên bố: “Chúng tôi sẽ dồn tất cả nỗ lực của mình, bằng cách sử dụng tất cả nguồn lực của mình để chấm dứt các cuộc quân lực sát hại, và chúng tôi sẽ tiến hành. Cần phải chấm dứt cuộc sát hại bằng võ lực, và chúng tôi phải sử dụng và lợi dụng phương tiện ôn hòa trong việc chúng ta đi đến chỗ chấm dứt việc xâm chiếm cùng tình trạng khổ đau của những người Palestine cũng như những người Do Thái mà thiết lập một quốc gia Palestine. Sẽ không có chuyện giải quyết quân sự cho tình trạng xung khắc này. Nó không hợp với truyền thống tôn giáo và luân lý của chúng tôi”.

Thứ Sáu 6/6: Nếu ở cuộc họp thượng đỉnh, Thủ Tướng Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố chấm dứt việc sát hại bằng võ lực, thì Đảng Hamas, ngay cùng ngày Thứ Tư 4/6/2003, bên phe Palestine đã bác bỏ lời kêu gọi của vị thủ tướng này, nhưng vị phát ngôn viên của đảng Hamas là Mahmoud Zahar nói rằng nhóm này sẽ tiếp tục bàn luận xem có nên chấp thuận việc đình chiến với Do Thái hay chăng. Vị lãnh đạo của đảng Hamas là Abdel Aziz Rantissi tuyên bố chấm dứt việc nói chuyện với Thủ Tướng Abbas về vấn đề có thể ngưng chiến.

Chúa Nhật 8/6: Đảng Hamas, Tổ Chức Thánh Chiến Hồi Giáo và Al Aqsa Martyrs Brigades tuyên bố họ đã gây ra cuộc tấn công vào một căn cứ quân sự ở miền bắc Gaza, làm thiệt mạng 4 người lính Do Thái và gây thương tích cho 4 người khác. Ông Ra’anan Gissin, cố vấn cao cấp của Thủ Tướng Do Thái Ariel Sharon, tuyên bố Do thái sẽ ra tay nếu Thẩm Quyền Palestine không tìm cách kiểm soát các nhóm khủng bố.

Thứ Hai 9/6: Thủ Tướng Abbas tuyên bố ông sẽ không dính dáng vào một cuộc nội chiến bằng cách sử dụng võ lực chống lại các nhóm cực đoan. Vị thủ lãnh đảng Hamas là Ismail Haniyeh nói rằng nhóm của ông về nguyên tắc không chống lại việc nói chuyện với Abbas về việc ngừng chiến.

Thứ Ba 10/6: Một phi đạn Do Thái đã bắn vào Gaza làm Rantissi bị thương và gây tử thương cho hai người khác. Thủ Tướng Abbas gọi việc này là một cuộc tấn công “tội ác và khủng bố” làm ngăn chặn tiến trình chính trị. Mấy tiếng sau, một trực thăng của Do Thái nhắm vào một chiếc xe gần một nhóm Palestine ở Gaza đang bắn những

đầu đạn tự chế tạo vào Do Thái. Cuộc tấn công bằng trực thăng này gây cho 3 người tử thương. Trong bệnh viện, Rantissi cho biết: “Chúng tôi phải chiến đấu với những người làm tổn thương chúng tôi ở trong nhà của chúng tôi. Ở Hamas chúng tôi sẽ không buông khí giới, cho dù tất cả mọi tay lãnh đạo có bị sát hại. Chúng tôi sẽ không buông khí giới. Đây là giải pháp duy nhất đối với nhân dân Palestine. Sharon biết rằng cuộc họp thượng đỉnh ở Aqaba đã bật đèn xanh cho hắn để hắn sát hại dân Palestine. Ngày nay chúng tôi đang trải qua một cuộc chiến Phục Quốc Do Thái chống lại người Palestine”. Về phần mình, Thủ Tướng Do Thái Sharon tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu với những tay lãnh tụ của những tổ chức khủng bố cực đoan, những tổ chức phát động, tài trợ và sai phái các tay khủng bố đi giết các người Do Thái. Chúng tôi sẽ tiếp tục ra tay chống lại tất cả mọi kẻ thù của hòa bình”.

Thứ Tư 11/6: Một cuộc ôm bom tự sát nổ trên một chiếc xe buýt ở Giêrusalem, vào lúc 5 giờ 30 chiều, bởi một người ăn mặc kiểu một người Do Thái Chính Thống, sát hại tối thiểu 16 người và 70 người bị thương. Trong vòng một tiếng đồng hồ, các trực thăng của Do Thái đã tấn công ở Gaza, làm thiệt mạng 7 người và làm 40 người bị thương. Bảy tiếng sau, Do Thái lại tấn công đảng Hamas bằng trực thăng ở vùng đông của Thành Phố Gaza, sát hại 2 người. Thủ Tướng Sharon thề là lực lượng Do Thái sẽ truy lùng “những tổ chức khủng bố sát nhân”, nhưng đồng thời vẫn theo đuổi tiến trình Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông. Phần Thủ Tướng Abbas và Tổng Thống Arafat lên án cả cuộc ôm bom khủng bố lẫn cuộc tấn công khủng bố của Do Thái ở Gaza.

Thứ Sáu 13/6: Các trực thăng của Do Thái tấn công Đảng Hamas hai lần, lần đầu đánh vào một chiếc xe chở một số tay hiếu chiến, gây tử thương 1 và bị thương 29, rồi sau đó 3 tiếng đồng hồ lại tấn công về đêm vào một kho chứa các đầu đạn Qassam (bắn xa 6 dặm hay 10 cây số) của đảng này. Trong ngày này, người Palestine đã bắn một đầu đạn ấy từ miến bắc Gaza vào tỉnh Sderot của Do Thái, không làm ai bị thương. Theo Lực Lượng Phòng Vệ Do Thái IDF (Israel Defense Forces), từ ngày 5/6, Palestine đã bắn 15 đầu đạn Qassam vào Do Thái. Ngược lại, cứ mỗi lần bị khủng bố tấn công, Do Thái liền bắn phi đạn vào các phần tử của Đảng Hamas suốt cả tuần này.

 

ĐTC tiếp nhận tân lãnh sự Do Thái về Hòa Bình Trung Ðông

Hôm Thứ Hai, 2/6/2003, trước khi gặp bộ trưởng nội vụ Hoa Kỳ Colin Powell, ĐTC đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Do Thái Oded Ben-Hur. Đây cũng là thời điểm hai phe Do Thái và Palestine đang tỏ ra nỗ lực để muốn thực hiện “lộ trình” hòa bình được Hiệp Hội Bốn Bên (là Mỹ, Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Liên Hiệp Quốc) phác họa. Sau đây là bài diễn từ của ĐTC ngỏ cùng vị tân lãnh sự Do Thái.

Thưa Ngài Lãnh Sự,

Tôi vui mừng tiếp nhận việc ngài đến với Vatican và chấp nhận Bổ Nhiệm Thư chỉ định ngài làm Lãnh Sự Ngoại Hạng và Toàn Quyền của Quốc Gia Do Thái với Tòa Thánh. Sự hiện diện của ngài ở nơi đây hôm nay là một chứng từ cho thấy chúng ta có cùng ước vọng muốn sát vai xây dựng một thế giới hòa bình và an ninh, chẳng những ở Do Thái và Trung Đông, mà còn ở hết mọi phần đất trên thế giới nữa, cho tất cả mọi dân tộc ở khắp mọi nơi. Đây là một công việc chúng ta không đảm nhận một mình mà là với toàn thể cộng đồng thế giới: thật vậy, có lẽ không giống như bất cứ một thời nào trong quá khứ, toàn thể gia đình nhân loại ngày nay đang cảm thấy nhu cầu cần phải thắng vượt bạo lực và khủng bố, cần phải tẩy xóa đi thái độ bất nhượng và cuồng tín, cần phải loan báo một kỷ nguyên công lý, hòa giải và hòa đồng giữa các cá nhân, các phái nhóm và các quốc gia với nhau.

Nhu cầu này có lẽ không nơi nào cảm thấy thấm thía cho bằng ở Thánh Địa. Chắc chắn không thể chối cãi là các dân tộc và các quốc gia được thừa hưởng quyền sống an ninh. Tuy nhiên, thứ quyền lợi này bao hàm cả một nhiệm vụ tương xứng, đó là phận sự tôn trọng quyền lợi của kẻ khác. Bởi thế, như bạo lực và khủng bố không bao giờ được coi là phương tiện khả chấp cho việc quyết định về chính trị, thì việc trả đũa cũng không thể nào dẫn đến một nền hòa bình chân chính và bền vững cả. Những hành động khủng bố bao giờ cũng cần phải bị lên án như là những tội ác thực sự phạm đến nhân loại (x Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình 2002, đoạn 4). Hết mọi quốc gia có quyền tự vệ chống lại khủng bố, nhưng quyền này bao giờ cũng phải được thi hành trong phạm vi luân lý và pháp lý về cả mục đích lẫn phương tiện của quyền ấy (cf. ibid, 5).

Như các phần tử khác của cộng đồng quốc tế, và hoàn toàn ủng hộ vai trò cùng với nỗ lực của gia đình các quốc gia lớn hơn trong việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, Tòa Thánh tin tưởng rằng cuộc xung đột hiện nay chỉ được giải quyết chỉ khi nào có hai Quốc Gia độc lập và chủ quyền. Như Tôi đã nói vào đầu năm nay với Phái Đoàn Ngoại Giao: “Hai dân tộc, Do Thái và Palestine, được kêu gọi sống bên nhau, có tự do và chủ quyền như nhau, trong sự tương kính” (13/1/2003, đoạn 4). Cần cả hai phe tỏ ra cho thấy những dấu hiệu rõ ràng việc họ dứt khoát dấn thân trong việc thực hiện việc sống chung này. Làm như thế, việc đóng góp vô giá mới được thể hiện nhắm đến chỗ xây dựng một mối liên hệ của lòng tin tưởng lẫn nhau và của việc cộng tác với nhau. Về khía cạnh này, Tôi lấy làm hài lòng nhận thấy việc Chính Quyền Do Thái mới đây bỏ phiếu hỗ trợ cho tiến trình hòa bình: đối với tất cả những ai dính dáng đến tiến trình này thì vị thế của Chính Quyền là một dấu hiệu tích cực của hy vọng và phấn khởi.

Dĩ nhiên nhiều vấn đề và khó khăn do cuộc khủng hoảng này gây nên cần phải được giải quyết một cách công bằng và hiệu lực. Những vấn đề liên quan đến các người tị nạn Palestine và định cư của người Do Thái chẳng hạn, hay vấn đề phân định ranh giới lãnh thổ và ấn định vị thế của các nơi linh thánh nhất ở Thành Giêrusalem, cần phải là chủ đề cho những cuộc trao đổi cởi mở và thương thảo chân tình. Đừng bao giờ để xẩy ra những quyết định đơn phương. Trái lại, việc tôn trọng, tương kiến và kết đoàn đòi phải tiếp tục đường lối đối thoại không bao giờ được bỏ. Những thất bại thực sự và hiển nhiên cũng không được làm cho đôi bên nản chí trong việc trao đổi và thương thảo. Trái lại, chính trong những hoàn cảnh như vậy mà “họ lại càng phải đồng lòng tái bắt đầu lại trong việc không ngừng đi đến chỗ đối thoại chân tình hơn nữa, bằng việc cất đi những chướng ngại cũng như bằng việc loại trừ những yếu kém nơi vấn đề trao đổi với nhau”. Nhờ đó họ mới có thể cùng nhau bước đi trên con đường “dẫn đến hòa bình, theo tất cả những gì hòa bình đòi hỏi và cần thiết” (Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 1983, đoạn 5).

Thưa Ngài lãnh sự, như ngài đã nhận định, 10 năm trước đây, Tòa Thánh và Quốc Gia Do Thái đã ký kết vào Bản Thỏa Hiệp Căn Bản. Chính Bản Thỏa Hiệp này đã mở đường cho việc thiết lập sau đó những mối liên hệ ngoại giao hoàn toàn giữa chúng ta, và là bản thỏa hiệp tiếp tục hướng dẫn chúng ta đối thoại và trao đổi với nhau về những chủ trương liên quan đến các vấn đề quan trọng cho cả hai chúng ta. Sự kiện chúng ta đã có thể tiến tới một thỏa hiệp về việc hoàn toàn nhìn nhận tính cách pháp nhân của các tổ chức Giáo Hội là điều đáng mừng, và Tôi lấy làm vui khi thấy rằng cũng gần có một bản thỏa hiệp về những vấn đề tài chính và kinh tế liên hệ nữa. Theo những chiều hướng này, Tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công trong việc phác họa những hướng dẫn hữu ích cho những trao đổi về văn hóa sau này giữa chúng ta nữa.

Tôi cũng muốn bày tỏ niềm hy vọng thiết tha là bầu khí hợp tác và thân hữu này sẽ giúp cho chúng ta có thể hành sử một cách hiệu nghiệm với những khó khăn khác tín hữu Công Giáo ở Thánh Địa phải đối diện hằng ngày. Nhiều điều trong các vấn đề này, chẳng hạn như việc Kitô hữu đi lại các đền thờ và các nơi thánh, việc cô lập và đau khổ của các cộng đồng Kitô hữu, việc thu hẹp của thành phần Kitô hữu vì vấn đề di tản, một cách nào đó có liên quan tới tình hình xung đột hiện nay, thế nhưng tình trạng này cũng không được làm cho chúng ta nản chí trong việc tìm kiếm các thứ phương trị hiện nay, bằng việc hoạt động hiện nay để đương đầu với những khó khăn thách đố ấy. Tôi tin rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ có thể tiếp tục cổ võ thiện chí nơi các dân tộc và thăng tiến phẩm giá con người nơi những học đường cũng như bằng những chương trình giáo dục của mình, qua cả các tổ chức bác ái và xã hội nữa. Việc thắng vượt những khó khăn được đề cập đến trên đây sẽ chẳng những giúp vào việc làm tăng bổ những đóng góp Giáo Hội Công Giáo đang thực hiện cho xã hội Do Thái, mà còn củng cố những bảo đảm ev62 quyền tự do tôn giáo nơi xứ sở của ngài nữa. Vấn đề này cũng sẽ làm mạnh mẽ cảm giác bình đẳng giữa các người công dân, để rồi, mỗi cá nhân, được tác động bởi những niềm tin linh thiêng của mình, mới có thể xây dựng xã hội tốt đẹp hơn như một ngôi nhà chung cho tất cả mọi người.

Ba năm trước đây, trong cuộc hành hương Năm Thánh của Tôi ở Thánh Địa, Tôi đã nhận định rằng “nền hòa bình thực sự ở Trung Đông chỉ có thể xẩy ra như là thành quả của việc hiểu biết nhau và tôn trọng nhau giữa tất cả mọi dân tộc trong vùng: Do Thái hữu, Kitô hữu và Hồi Giáo hữu. Theo chiều hướng ấy mà chuyến hành hương của Tôi là một cuộc hành hương của niềm hy vọng: niềm hy vọng là thế kỷ 21 sẽ dẫn tới một tình đoàn kết mới giữa các dân tộc trên thế giới, với niềm xác tín rằng việc phát triển, công lý và hòa bình sẽ không thể nào đạt thành trừ phi những điều này được tất cả mọi người thực hiện” (Visit to Israeli President Ezer Weizman, 23 March 2000). Chính niềm hy vọng và quan niệm về tình đoàn kết này phải thúc đẩy tất cả mọi con người nam nữ, ở Thánh Địa cũng như ở các nơi khác, hoạt động cho một thứ trật tự mới trên thế giới được xây dựng trên những mối liên hệ thuận hòa và việc hợp tác giữa các dân tộc. Đó là việc làm của nhân loại cho ngàn năm mới đây. Đó là đường lối duy nhất để bảo đảm tương lai hứa hẹn và rạng ngời cho tất cả mọi người.

(Những lời chào chúc cuối cùng)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 2/6/2003.
 

Lộ Trình Hòa Bình ở Trung Đông

Phe Do Thái đã thôi phong tỏa giải Gaza và vùng Tây Ngạn vào nửa đêm Thứ Bảy 31/5/2003. Sở dĩ phe Do Thái phải trấn đóng vùng Tây Ngạn vào ngày 18/5 là vì một loạt tấn công của những nhóm hiếu chiến Palestine đối với thường dân Do Thái vào cuối tuần đó. Còn giải Gaza phe Do Thái cũng sử dụng cùng một biện pháp từ ngày 12/5, vì được những nhóm khủng bố cảnh báo sẽ có những cuộc khủng bố tự sát.

Thủ Tướng Do Thái Ariel Sharon và Thẩm Quyền Palestine Mahmoud Abbas sẽ gặp Tổng Thống Bush ở một cuộc họp thượng đỉnh 3 chiều vào Thứ Tư 4/6/2003 tại phố Aqaba ở Jordan. Thứ Năm ngày 29/5/2003 vừa rồi hai vị thủ tướng của hai phe này đã gặp nhau lần thứ hai.

Kết quả là phe Do Thái sẽ giảm bớt một số những hạn chế đối với phe Palestine. Chẳng hạn phe Do Thái sẽ thả 100 người Palestine bị giam giữ và 2 bản án bị bỏ tù miễn là những người này hứa không “dính dáng đến khủng bố nữa”. Ngoài ra, phe Do Thái cũng cho phép người Palestine đi lại dễ dàng hơn từ giải Gaza cũng như từ vùng Tây Ngạn. Phe Do Thái còn dự định sẽ cấp giấy phép cho 25 ngàn người Palestine làm việc ở Do Thái và cung cấp giấy phép di chuyển vĩnh viễn cho các giới chức cao cấp của Palestine trong việc đi lại giữa vùng Tân Ngạn và giải Gaza. Phe Do Thái còn lập lại lời hứa sẽ rút quân khỏi vùng bắc giải Gaza cũng như ở một số tỉnh ở vùng Tây Ngạn, để những người Palestine chịu trách nhiệm về an ninh ở những vùng ấy.

Phần Thủ Tướng Palestine Abbas cho biết ông hy vọng sẽ tiến tới chỗ thỏa hiệp với nhóm hiếu chiến Hamas vào tuần tới trong việc chấm dứt tấn công những người Do Thái. Nhóm khủng bố này là một nhóm cực bảo thủ Hồi Giáo, đã nhận trách nhiệm về 4 cuộc khủng bố tấn công vừa rồi cũng như đã nhìn nhận nhúng tay vào các cuộc khủng bố tấn công vào cả thường dân lẫn quân đội Do Thái trước đây. Nhóm này bị nội vụ Hoa Kỳ xếp vào loại tổ chức khủng bố. Thế nhưng phe Do Thái cho biết vấn đề ngưng chiến không phải là một giải pháp dài hạn khả dĩ, song phải là việc hoàn toàn “giải tỏa” tất cả mọi nhóm Palestine thực hiện các cuộc tấn công dân Do Thái. Tuy nhiên Thủ Tướng Palestine Abbas vẫn nhấn mạnh đến giải pháp ngắn hạn của ông, như ông bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền Hình Số Một của Do Thái hôm Thứ Sáu 30/5/2003: “Tôi lấy làm lạc quan và tôi mong rằng chúng tôi sẽ tiến tới một thỏa hiệp chung với mọi người về một cuộc hoàn toàn ngưng chiến nơi tất cả mọi lãnh địa”. Ông cho biết ông sẽ thực hiện được những thỏa hiệp này “không ngoài 3 tuần lễ”: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể tiền tới chỗ hoàn toàn thỏa hiệp, và chúng tôi có thể tin tưởng vào đó và nhờ đó mà tác hành”. Ông còn cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu nói chuyện với nhóm Hamas và các tổ chức khác. Cuối cùng, 10 ngày trước đây, chúng tôi đã hoàn tất việc bàn bạc này và chúng tôi đã tiến đến chỗ đồng ý với nhau không nhiều thì ít, tôi không nói là đã đồng ý, thế nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi cần phải chấm dứt lập tức tất cả mọi hành động bạo loạn hay những hoạt động giữa các phe phái Palestine. Đây là một hiệp ước rất ư hệ trọng. Tôi đã giải thích cho vị thủ tướng Do Thái như thế, và tôi nghĩ ông không phủ nhận điều ấy, vì đây là đường lối duy nhất mở ra cho chúng ta. Chúng ta không muốn gây ra chiến tranh giữa anh em với nhau vì nó hủy diệt chúng ta”.

Với những bước tiến khả quan sửa soạn cho “lộ trình” tiến đến hòa bình ấy giữa hai phe Do Thái và Palestine, một tờ nhật báo Do Thái hôm Thứ Sáu 30/5/2003 đã phổ biến một bản thăm dò với kết quả là 57% dân Do Thái ủng hộ việc thiết lập một quốc gia Palestine tạm thời, và 38% chống lại. Cũng trong bản thăm dò này thì có 62% người Do Thái ủng hộ việc Do Thái chấm dứt đóng quân ở vùng Tây Ngạn và giải Gaza, trong khi đó có 32% chống lại.
 

Cho đến ngày hôm nay, thời điểm hậu chiến Iraq, cả hai phe Palestine và Do Thái đều đã chấp nhận “lộ trình” (road map) kiến tạo hòa bình, bằng một loạt nỗ lực tiến đến chỗ thành lập một quốc gia Palestine trong vòng 3 năm. Hội Đồng Nội Các Do Thái đã bỏ phiếu 12-7 với 4 phiếu trống hôm Chúa Nhật 25/5/2003 chấp nhận “lộ trình” này với điều kiện, một biến cố đầu tiên cho thấy chính quyền Do Thái chính thức chấp thuận trên nguyên tắc một quốc gia Palestine. Phe Palestine cũng chấp nhận “lộ trình” này khi bản lộ trình này vào Tháng Tư 2003 đã Tứ Khối Trung Đông là Hiệp Chủng Quốc, Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Liên Hiệp Quốc bàn đến.

Tuy nhiên, để thực hiện “lộ trình” hòa bình này giữa hai phe trong cuộc thì cả là một vấn đề khó khăn, vấn đề “vạn sự khởi đầu nan”. Thật vậy, những bước đầu tiên hết sức quan thiết cho thấy thiện chí chân thực của đôi bên trong việc hết sức muốn chấp nhận dấn thân đi vào “lộ trình” này là việc phe Do Thái phải rút quân ra khỏi những vùng họ tái chiếm đóng thuộc phe Palestine, những vùng đang có những cuộc nổi loạn, nhất là ở giải Gaza và vùng Tây Ngạn là nơi dân Do Thái đang phát triển việc định cư của mình; còn phần phe Palestine cũng cần phải kiểm chế những nhóm chiến đấu quân thực hiện những cuộc tấn công những người Do Thái. Ngay bước đầu tiên này đã làm cho cả hai dội lại, vì cả hai bên đều bất đồng với nhau về việc ai sẽ dấn thân đi tiên phong đây. Phe Do Thái thì nhấn mạnh là phe Palestine cần phải chấm dứt những cuộc tấn công dân Do Thái; còn phe Palestine thì lại muốn phe Do Thái phải chấm dứt các cuộc hành quân cùng với việc nới rộng cuộc định cư dân Do Thái.

Cuộc họp giữa Thủ Tướng Do Thái là Ariel Sharon và Thủ Tướng Palestine là Mahmoud Abbas được ấn định vào Thứ Tư 28/5/2003 đã bị bãi bỏ, vì những trục trặc về chương trình, hy vọng cả hai sẽ gặp nhau vào cuối tuần. Tuy nhiên, căn cứ vào những lời tuyên bố của Thủ Tướng Sharon bên phe Do Thái thì phe này muốn rút quân, không muốn chiếm đóng những vùng của phe Palestine nữa. Hôm Thứ Hai 26/5/2003, Thủ Tướng Sharon đã tuyên bố rằng:

“Quí vị không thích tiếng ấy, thế nhưng những gì đang xẩy ra đó là một cuộc chiếm đóng, một việc nắm giữ 3 triệu rưỡi dân Palestine bằng việc chiếm đóng này. Tôi tin rằng đó là một điều ghê rợn cho cả Do Thái lẫn người Palestine. Việc chiếm đóng này không thể tiếp tục mãi mãi. Quí vị có muốn vĩnh viễn ở Jenin, Nablus, Ramallah, Bethlehem chăng? Tôi không nghĩ điều này là đúng”.

Tuy nhiên, vào hôm sau, Thứ Ba 27/5/2003, văn phòng báo chí của vị thủ tướng này ở Giêrusalem đã phổ biến một bản tuyên cáo nói rõ về những gì ông nói hôm trước như sau:

“Hôm nay ông muốn làm sáng tỏ… là khi ông dùng lời diễn tả việc ‘chiếm đóng’ ở buổi họp hôm qua… ông có ý nói rằng chúng tôi không muốn cai trị nhân dân Palestine trong những vùng đang bị tranh giành”.