THÁNH ÐỊA: VẬN ÐỘNG HÒA BÌNH

2002

 

6/11/2002


ĐTC II Ủng Hộ 400 Ngàn Mỹ Kim cho Thánh Địa


Hội Đồng Tòa Thánh “Cor Unum” đã cho biết ĐTC ủng hộ 400 ngàn Mỹ Kim cho dân chúng ở Thánh Địa để bày tỏ mối quan tâm của Ngài đối với những người đang gặp khốn khó như họ ở đấy. Một phần trong số ngân quĩ này từ số tiền dân chúng ủng hộ trong Ngày Chay Tịnh 14/12/2001 được ĐTC phát động. ĐTGM Josef Cordes, chủ tịch của Hội Đồng này sẽ thăm Đất Thánh từ Thứ Năm tới Chúa Nhật tới để trao khoản ngân quĩ ủng hộ này đến Tòa Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem, Dòng Phanxicô Quản Thủ Viên Đất Thánh, các cơ quan Bác Ái địa phương và một số cộng đồng Công Giáo. Bản thông báo hôm nay cho biết: “mục đích của chuyến đi đây không phải chỉ để trao khoản tiền này. Trên hết, vị đại diện của ĐTC hy vọng rằng, qua các cuộc gặp gỡ ở đây, ngài sẽ phấn khích Kitô hữu hãy lưu lại nơi những địa điểm dập nát này như rất nhiều nhà truyền giáo đang thực hiện điều ấy một cách anh hùng. Khoản quĩ ủng hộ đây là để cải tiến những điều kiện sinh sống và làm việc ở mảnh đất của họ, hầu họ có thể trở thành hạt giống nhân bản và bình an. Còn một chứng cớ khác cho thấy việc hiện diện của Kitô hữu ở Thánh Địa cần thiết biết bao, đó là tình trạng Thánh Đường Giáng Sinh ở Bêlem bị chiếm đóng 39 ngày. Những hành động bạo lực liên tục giữa những người Palestine và Do Thái, tiếc thay, cho thấy một mối đe dọa không ngừng đối với mạng sống của tất cả mọi dân cư trong miền này. Các nhà tiếp đón hành hương trở nên trống trơn, trong khi đó ở Bêlem có chừng 80% dân chúng thất nghiệp. Việc dân chúng có ý định rời bỏ xứ sở cũng dễ hiểu. Việc bảo toàn những nơi thánh sẽ gặp nguy hiểm nếu Kitô hữu bỏ rơi những nơi này”. ĐTGM chủ tịch sẽ thăm Bêlem Thứ Sáu 8/11/2002 để khánh thành dự án kiến thiết những ngôi nhà mới, rồi thăm các nhà thương Thánh Gia và Ephata. Thứ Bảy, 9/11/2002, ngài sẽ đến thăm Giêricô, và Chúa Nhật 10/11/2002, ngài sẽ tới Giêrusalem gặp Đức Thượng Phụ Latinh Michel Sabbah cùng các vị thẩm quyền Do Thái cũng như Palestine.
 

7/6/2002 Thứ Sáu

Dân Do Thái và Palestine nên xét lại lương tâm của mình

ĐTGM Pietro Sambi, khâm sứ tòa thánh ở Do Thái, đồng thời cũng là vị đại biểu của Tòa Thánh ở Giêrusalem và Palestine, đã lên tiếng sau vụ cảm tử nổ xe khủng bố hôm Thứ Tư vừa qua như sau: “Với tất cả tâm hồn của mình, tôi lên án những hành động khủng bố tự sát, thế nhưng, tôi cũng cần phải nói rằng họ là biểu hiệu cho một dân tộc đã bị bỏ rơi không nhà không cửa. Họ là những dấu chỉ cho thấy nỗi tuyệt vọng của một giới trẻ không thấy được tương lai”.

Cơ Quan Tín Liệu Tôn Giáo của Hội Đồng Giám Mục Ý Quốc đã phổ biến những lời phát biểu này. “Không thể nào có hòa bình ở Thánh Địa, nếu Do Thái không rút khỏi những Khu Vực Chiếm Đóng cũng như không đồng ý cho việc thiết lập một quốc gia Palestine. Cũng thế, không được chối bỏ quyền lợi của người Do Thái được sống trong những ranh giới an toàn được công nhận. Thế nhưng, trong lúc này đây, thay vào đó là việc hai bên thực hiện những cuộc nổi loạn. Đường lối này không tạo nên tương lai. Tôi tin tưởng vào lòng yêu mến, tôn trọng và giúp đỡ đối với hai dân tộc này. Cả hai bên đều có những lầm lỗi và lý do, thế nhưng không bên nào chịu xét lại lương tâm của mình cả. Khi tôi nghĩ đến hòa bình, đến sự sống của dân chúng, thì không phải là một điều gì đó trừu tượng nẩy lên trong đầu. Để hình thành một tương lai khác hẳn, cần phải tôn trọng sự sống được hiểu như là một điều gì linh thánh, và tôn trọng những hợp đồng ký kết với nhau. Chúng ta hy vọng có thể tiến đến chỗ hòa bình mà không cần phải chờ cho đến khi thấy chất ngất tử thi. Các Giáo Hội hiện diện ở Do Thái chỉ đại diện cho 2% dân số. Vấn đề rõ ràng là chỉ có tình đoàn kết của những ai hoạt động ở thế giới Tây Phương mới chứng tỏ cho thấy tầm quan trọng của hoạt động Kitô hữu có thể làm nơi những miền ấy. Ngày nay có nhiều người đang gõ cửa Giáo Hội Công Giáo. Trước hết là người Do Thái từ Nga tới. Đó là một cơ hội mục vụ chúng ta không được làm mất đi”.

Chúa Nhật 26/5/2002

Cuộc Đi Bộ Vận Động Hòa Bình của 9 ngàn Giới Trẻ Do Thái, Kitô Giáo và Hồi Giáo

Thành phần giới trẻ này sẽ gặp nhau ở Colesseum Rôma Chúa Nhật 26/5/2002 để xác nhận là: “bất chấp mọi sự, vẫn có thể khả thủ một tương lai hòa bình”. Cuộc Đi Bộ này được tổ chức bởi tổ chức “Các Thiếu Nam Thiếu Nữ Cho Sự Hiệp Nhất” thuộc Phong Trào Focolare, khởi hành từ Hí Trường Coliseum và chấm dứt tại Quảng Trường Thánh Phêrô, bao gồm các em nam nữ thuộc các tôn giáo và quốc tịnh từ 12 tới 17 tuổi. Chủ đề cho cuộc họp Colosseum này là “Luật Vàng”. Cuộc đi bộ vào Ngày Chúa Nhật sẽ có cả các vị đại biểu Do Thái ở Rôma, Ba Tây và Do Thái; các vị Hồi Giáo từ Trung Đông, Hoa Kỳ và Pakistan; các vị Phật Giáo từ Nhật Bản và Thái Lan; các vị Ấn Giáo, Sikhs, và Zoroastrian từ Ấn Độ, và các tín đồ của các Cổ Giáo Phi Châu. Các vị chức sắc tham dự cuộc đi bộ này gồm có Tôn Sư Di Degni thuộc cộng đồng Do Thái (Rôma), Thượng Tọa Miyamoto thuộc phong trào Phật Giáo Myochikai (Nhật), Vinu Aram (Ấn Độ Giáo), vị lãnh đạo phong trào Shanti Ashram Ghandi; Spanish Imam Allal Bachar, và ĐHY Francis Arinze, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn. Cuộc đi bộ này sẽ được tiến hành vào Ngày Thứ Bảy 25/5, bằng việc qui tụ tại Marino Sports Palace gần Rôma, với ca nhạc, sinh hoạt và chứng từ của các tham dự viên. Chương trình sẽ được chấm dứt vào ngày 27/5 ở Loppiano (Florence) với một Cuộc Diễn Đàn Quốc Tế của các em nam thuộc các tôn giáo khác nhau và công bố sứ điệp của chương trình tổ chức cho thế giới hiện đại.

15/4/2002 Thứ Hai

Ủy Ban Đối Thoại Hồi Giáo và Công Giáo cùng yêu cầu chấm dứt bạo loạn ở Trung Đông

Mục tiêu của Ủy Ban Đối Thoại Hồi Giáo và Công Giáo được thành lập vào tháng Năm 1998 là để phát động việc trao đổi giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo. Thành phần gồm có những vị đại diện của Hội Đồng Tòa Thánh Phụ Trách Đối Thoại Liên Tôn cũng như của Ủy Ban Thường Trực Al-Azhar Phụ Trách Đối Thoại Với Các Tôn Giáo Độc Thần. Đại Học Al-Azhar ở Cairo Ai Cập được thành lập trên một ngàn năm, và là một trung tâm học hỏi và nghiên cứu nổi tiếng nhất của thế giới Hồi Giáo. Sau đây là Bản Tuyên Ngôn về Thánh Địa.

“Không ai có thể hờ hững với những gì đã xẩy ra và đang diễn tiến ở Thánh Địa. Những người Hồi Giáo, Kitô Giáo và Do Thái Giáo, cùng với tất cả mọi người yêu chuộng hòa bình và những người nam nữ thiện chí, được kêu gọi cùng nhau tác hành để chấm dứt thảm trạng kinh hoàng này, cũng như để cùng nhau tiến đến việc thiết lập một nền hòa bình chân chính và bền vững. Bởi thế:

1.- Chúng tôi kêu gọi hãy lập tức ngừng chiến, và bỏ đi các thứ máy móc chiến tranh, để có thể cứu lấy các mạng sống con người, nhất là mạng sống của những người vô tội, đặc biệt của trẻ em, phụ nữ và lão thành.

2.- Chúng tôi kêu gọi hãy chấm dứt việc hủy hoại tài sản, dù là nhà cửa hay dinh thự, việc làm cỏ cây cối và việc tiêu diệt những phương tiện khác của cuộc sống.

3.- Chúng tôi kêu gọi hãy tôn trọng các quyền lợi của dân chúng trong tình trạng chiến tranh; không được cản trở ai phương tiện có được nước uống, thức ăn, chăm sóc y tế và tất cả mọi nhu yếu của đời sống. Chúng tôi lên án hành động chối từ các phương tiện này, một việc chối từ được sử dụng như một thứ vũ khí trong tình trạng xung khắc.

4.- Chúng tôi kêu gọi hãy tôn trọng tính cách linh thánh của Các Nơi Thánh là những nơi cần phải được bảo toàn.

5.- Chúng tôi xác tín rằng bạo lực làm nẩy sinh bạo lực. Cần phải ngưng lại cái vòng bạo lực. Chúng tôi chứng thực và đồng ý là đối thoại là lối thoát duy nhất cho ngõ bí hiện tại. Bởi thế chúng tôi kêu gọi những cuộc thương thảo dẫn đến một nền hòa bình chân chính và bền vững cho cả những người Do Thái lẫn Palestine, cho phép họ sống tự do, an ninh và hòa bình trong Quốc Gia độc lập hiện tại của họ.

6.- Là những tín đồ tin vào Một Vị Thiên Chúa Duy Nhất, Kitô Hữu và Hồi Giáo chúng tôi nhìn nhận rằng hòa bình trước hết là quà tặng từ Đấng Toàn Năng. Bởi thế, chúng tôi kêu gọi hãy cầu nguyện liên lỉ cho hòa bình, và theo đó hãy ủng hộ tất cả mọi sáng kiến, cũng như những sáng kiến khác từ trong miền này hay ở các nơi khác, thuận lợi cho việc giải quyết xung khắc một cách an bình.

Giám Mục Michael L. Fitzgerald, Thư Ký Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Đối Thoại Liên Tôn.

Giáo Sư Tiến Sĩ Hamid A al-Rifaie, Chủ Tịch Diễn Đàn Hồi Giáo Quốc Tế Về Đối Thoại

4/4/2002 Thứ Năm

Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình ở Trung Đông

ĐTC Gioan Phaolô II đã gửi thư cho ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, ngỏ xin toàn thể Giáo Hội hãy dành Ngày Chúa Nhật 7/4, Ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, để xin ơn hòa bình ở Trung Đông như sau:

“Tình hình thê thảm ở Thánh Địa thúc giục Tôi một lần nữa khẩn khoản kêu gọi toàn thể Giáo Hội, xin tất cả mọi tín hữu hãy tăng lời cầu nguyện cho thành phần dân chúng hiện đang bị xâu xé bởi những hình thức bạo lực chưa từng thấy. Chính trong giai đoạn này đây, tâm hồn của Kitô hữu hướng về nơi Chúa Giêsu đã chịu nhiều đau khổ, tử nạn và sống lại, chúng ta nhận được những tin tức thảm thương chưa từng thấy, gây thêm những ý nghĩ chán nản, làm cho người ta có cảm giác về một thứ ẩu đả phi nhân bản có chiều hướng không thể nào chấm dứt nổi.

“Đối diện với tình trạng cả hai bên cứ tiếp tục theo đường lối nhất định cương quyết trả thù rửa hận, những gì tâm hồn sầu khổ của tín hữu có thể nghĩ được đó là cầu nguyện cùng Vị Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể thay đổi lòng người, cho dù lòng có cứng đến mấy đi nữa.

“Chúa Nhật tới đây là ngày 7/4, Giáo Hội sẽ sốt sắng cử hành mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa, và sẽ tạ ơn Đấng đã nhận lấy nơi bản thân Người những đau thương khốn khó của nhân loại chúng ta. Còn cơ hội nào thuận lợi hơn để chúng ta hợp tiếng dâng lên trời cao lời cầu ơn tha thứ và xót thương để nài xin Trái Tim Thiên Chúa đặc biệt can thiệp với tất cả những ai có trách nhiệm và quyền lực trong việc họ thực hiện những bước tiến cần thiết, cho dù những bước tiến này có phải khổ công đi nữa, để đưa đôi bên đang tham chiến vào con đường tiến đến chỗ thuận hợp chính đáng và xứng đáng đối với tất cả mọi người.

“Thế nên, Huynh thân mến, Tôi xin tri ân Huynh trong việc Huynh làm môi giới, bằng cách nào Huynh nghĩ là thích thuận nhất, để chuyển đạt ước muốn này của Tôi cho những vị chủ chăn ở các Giáo Hội riêng, kêu mời tất cả các vị, vào Chúa Nhật tới, hãy liên kết hiến dâng lên lời nài xin cho giờ khắc trầm trọng đối với toàn thể loài người này. Chớ gì sứ điệp về một thứ hòa bình vững chắc và bền bỉ đến với mảnh đất rất thân yêu của ba tôn giáo độc thần ấy.

“Với niềm hy vọng này, một niềm hy vọng tận đáy lòng của Tôi, Tôi gửi đến Huynh cùng tất cả anh em của Tôi trong hàng giáo phẩm phép lành tòa thánh đặc biệt”.

2/4/2002 Thứ Ba

Bệnh Phong Khớp Đầu Gối của ĐTC và Tình Hình Trung Đông

Sáng hôm nay, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Tiến Sĩ Joaquin Navarro-Valls, đã cho biết chi tiết về chứng bệnh phong khớp đầu gối của ĐTC Gioan Phaolô II, cũng như về tình hình Trung Đông như sau:

Trước hết, để làm sáng tỏ tin đồn về việc ĐTC có thể sẽ phải vào bệnh viện để được giải phẫu chữa trị phong khớp đầu gối của ĐTC, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh tuyên bố như sau: "Tôi xác nhận là việc tiến đến chỗ cần phải giải phẫu đầu gối bên phải của ĐTC là vấn đề chưa hề được xét đến. Tin tức cho rằng Đức Giáo Hoàng cần phải nhập một bệnh viện ở Rôma để thực hiện một cuộc magnetic resonance imaging đều là những tin không thật. Cũng không đúng với sự thật về tên tuổi của những chuyên viên được phổ biến nơi những bài báo cho rằng họ là những vị đã khám ĐTC hay đã được bàn hỏi tới".

Sau nữa, về tình hình Trung Đông, vị giám đốc này cho biết: "ĐTC liên lỉ theo dõi những biến chuyển về tình hình thê thảm ở Trung Đông. Ngoài những can thiệp mới đây của mình, Ngài đã ngỏ ý muốn vị sứ thần tòa thánh ở Do Thái cũng như vị đại biểu tòa thánh ở Giêrusalem phải thực hiện những việc ngoại giao thích thuận. Bộ Nội Vụ của Tòa Thánh cũng đã thực hiện những liên lạc ngoại giao với những văn phòng lãnh sự khác nhau, như Hiệp Chủng Quốc, Chính Quyền Do Thái, Khối Liên Hiệp Ả Rập, Thẩm Quyền Palestina và các tổ chức cộng đồng Âu Châu".

Tòa Thánh và Tình Hình Khủng Hoảng ở Trung Đông

Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh là tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls hôm nay cũng đã tuyên bố những điều liên quan đến tình hình khủng hoảng ở Trung Đông một cách chi tiết như sau:

“Đối diện với tình hình ở Thánh Địa càng ngày càng tệ hại đến lo ngại cùng với nhiều lời kêu gọi xin ĐTC trợ giúp từ nhiều phía, Bộ Nội Vụ của Tòa Thánh cũng như văn phòng đại diện của Tòa Thánh ở Giêrusalem đã liên lạc với các phái nhóm liên hệ. Bởi thế, hôm qua, 2/4, ĐTGM Jean-Louis Taurann thuộc Trưởng Phòng Ngoại Giao của Tòa Thánh đã mời Vị Lãnh Sự Do Thái là Yosef Neville Lamdan, và hôm nay, 4/3, Vị Lãnh Sự Hiệp Chủng Quốc James Nicholson, đến để bàn về tình hình thê thảm ở Bêlem.

“Trong một số các cuộc họp, chủ trương của Tòa Thánh, được ĐTC Gioan Phaolô II dứt khoát bày tỏ cũng như được lập lại qua những vụ can thiệp công khai ở những ngày gần đây, tái xác nhận những điều như sau:

1) Cương quyết lên án việc khủng bố gây ra từ bất cứ bên nào. 2) Không chấp nhận những tình trạng bất công và áp đặt trên dân Palestina, cũng như những cuộc nổi loạn và trả thù là những hành động chỉ làm tăng thêm cảm giác khó xử và hận thù mà thôi. 3) Bên nào cũng phải tôn trọng những giải quyết của Liên Hiệp Quốc. 4) Tính cách cân xứng cần phải có nơi những phương tiện tự vệ hợp pháp. 5) Phận vụ của những phe xung khắc trong việc bảo vệ những nơi thánh, (là những gì) rất quan trọng đối với ba tôn giáo độc thần cũng như đối với gia sản của toàn thể nhân loại.

“Sáng hôm nay, ớ, Đức Ông Celestino Migliore, Phụ Tá Ngoại Giao của Tòa Thánh, đã tiếp ông Mohamad Ali Mohamad, giám đốc Phái Đoàn Đại Biểu của Liên Hiệp Các Quốc Gia Ả Rập với Tòa Thánh, và nhấn mạnh đến chủ trương của Tòa Thánh đặc biệt về vấn đề cần phải chấm dứt những hành động loạn khủng bố.

“ĐHY Quốc Vụ Khánh Angelo Sodano và vị phụ tá là ĐTGM Leonardo Sandri, đã liên lạc chặt chẽ với Tòa Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem cũng như các cộng đồng tôn giáo ở Bêlem để chuyển đạt đến họ tấm lòng hoàn toàn gắn bó của ĐTC đối với họ trong giây phút đau thương này”.
 

13/3/2002 Thứ Tư
 

Hy Vọng Cho Nền Hòa Bình Trung Đông

Vị Thứ Trưởng Ngoại Giao Vụ Do Thái kiêm Lãnh Đạo Viên đảng tôn giáo Meimad, Tôn Sư Michael Melchior, đã gặp ĐTC hôm nay để xin Tòa Thánh Vatican nâng đỡ những nỗ lực hoạt động cho hòa bình ở Trung Đông. Vị này đã cắt nghĩa lý do tại sao ông đến thăm Rôma, qua cuộc phỏng vấn với đài Telepace truyền hình Công Giáo như sau:

Vấn:     Hình như Do Thái để cho Vatican nắm vai trò chính yếu trong cuộc đối thoại liên tôn, nhưng lại không chấp nhận vai trò của Vatican trong lãnh vực chính trị và ngoại giao?

Đáp:     Chắc chắn chúng tôi phải cần đến sự hỗ trợ của Vatican. Đó là lý do tại sao tôi đã đến Rôma để gặp ĐTC cũng như gặp các vị thoại hữu Palestina. Những nhà chính trị không phải là những người duy nhất tin tưởng vào tương lai. Không biết mở lòng mình ra, ngay cả những chính trị gia thiện tâm nhất – mà không phải bao giờ họ cũng có thiện tâm – họ không thể nào thành đạt được. Chúng ta đã từng chứng kiến thấy tận mắt lúc nào cũng thế tiến trình hòa bình bùng nổ ra sao, ngay cả khi chúng ta có thiện ý đi nữa. Cần phải bắt đầu thực hiện một tiến trình hợp pháp hóa hòa bình. Chúng tôi tin rằng thế giới Công Giáo, cũng như Giáo Hoàng là vị thủ lãnh thế giới Công Giáo, có thể hết sức hỗ trợ chúng tôi về cả hai lãnh giới.

Vấn:     Tiến trình hòa bình Trung Đông là lịch sử của nhiều cơ hội bị lỡ làng. Do Thái có “bị lỡ” cơ hội trong dự án hòa bình Saudi Arabian không, như Palestina đã bỏ lỡ cơ hội được Ehud Barak cống hiến cho?

Đáp:     Tôi thuộc về phái đoàn đại biểu Camp David: các điều dự thảo của Barak muốn cống hiến phẩm giá cho những người Palestina, hòa bình và tương lai họ đáng được. Trong khi họ không có biên cương, chúng tôi cũng không có bờ cõi. Trong khi họ không có hòa bình, chúng tôi cũng chẳng có bình an. Chính vì vậy mà chúng tôi đang tìm mọi cách thực hiện thuận lợi, bao gồm cả Saudi nữa.

Chúng tôi chưa hiểu được những gì thực sự xẩy ra. Chúng tôi đã nghe nói về một dự án hòa bình, nhưng đó chỉ là một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times mà thôi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không chú trọng đến nó. Tôi nghĩ rằng đây là một ý kiến xây dựng và chúng ta cần phải tìm hiểu vấn đề kỹ hơn nữa. Có thể nó chỉ là một chiến thuật, nhưng chúng ta cần phải nghe ngóng và nhận định những gì xẩy ra từ đó. Chung chung người Do Thái cho rằng đó là điều rất hay. Bình thường không thể đơn phương thiết lập những điều kiện hòa bình. Chúng phải là hoa trái của những cuộc thương thảo. Thế nhưng chúng ta đã từng và còn đang sẵn sàng thực hiện những quyết tâm thực sự trong việc tiến đến một tình trạng bình thường hóa đích thực nơi các mối liên hệ. Đây là một tin vui thực sự phát xuất từ Saudi Arabia, đó là, lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy rằng chế độ bảo thủ nhất trong các chế độ của người Ả Rập sẵn sàng bắt tay liên hệ với chúng tôi. Chỉ nguyên sự việc nói về “cuộc bình thường hóa” đã có thành quả rồi vậy. Chúng tôi hết mọi khe hở, mọi lỗ hổng nơi tường vách hận thù với mình để tiến đến việc đổ máu chẳng có lợi gì cho ai hết. Tôi nghĩ rằng, không nhiều thì ít, chúng ta đều đã biết được hậu quả ra sao. Thật vô nghĩa khi tiếp tục sát hại mạng người. Việc quyết tâm của chúng tôi, và đó cũng là lý do tôi đến Rôma, đó là làm một cái gì đó để phá đổ bức tường hận thù ghen ghét.