Tình hình thế giới năm 2001
ĐTC tiếp phái đoàn ngoại giao các nước để trao đổi những lời chúc Tân Niên theo truyền thống. Hiện diện trong buổi gặp gỡ Tân Niên truyền thống này có 172 Quốc Gia hoàn toàn có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh, ngoài ra còn có Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Khối Thượng Binh Malta, Liên Bang Sô Viết Vụ và Cơ Quan Tổ Chức Giải Phóng Palestina (PLO). Sau khi nghe vị đại diện phái đoàn ngoại giao này là ông Gionanni Galassi, lãnh sự của Nước Cộng Hòa San Marino chúc xuân, ĐTC Gioan Phaolô II đã đáp từ với những trích dẫn chính yếu như sau:
“Chân trời thực sự đã trở nên mù mịt, nhiều kẻ thuộc lớp người đã trải qua cuộc đại biến động tìm về tự do cùng với những biến đổi của thập niên 1990, hôm nay đây, họ đã bàng hoàng thấy rằng mình lọt vào một gọng kìm lo âu sợ hãi trước một tương lai lại trở thành bất định.
“Thế nhưng, đối với những ai đặt tin tưởng và hy vọng vào Chúa Giêsu,… thì sứ điệp thiên thần lại vang lên trong đêm Giáng Sinh tĩnh lặng… Ánh sáng của Giáng Sinh chiếu tỏa ý nghĩa cho tất cả mọi nỗ lực của con người trong việc làm cho trái đất của chúng ta trở thành một trái đất hữu nghị và thân tình hơn, trở nên một nơi chốn sinh sống tốt đẹp, cũng như làm sao để bảo đảm rằng phán quyết cuối cùng không bao giờ sẽ là tách biệt, bất công và hận thù.
“Một trong những lý do làm cho chúng ta lấy làm mãn nguyện cần phải nhắc đến đó là tình trạng phát triển của mối hiệp nhất chung Aâu Châu, điển hình nhất là mới đây 12 quốc gia ở châu này đã thừa nhận một hệ thống tiền tệ chung… Thế nhưng, việc nới rộng Khối Hiệp Nhất Aâu Châu vẫn cần phải tiếp tục là một việc ưu tiên. Tôi cũng biết đến vấn đề đã được quan tâm tới đó là một Hiến Chế thích hợp cho Khối Hiệp Nhất ấy. Đối với vấn đề này, cần phải minh bạch hơn nữa về những mục tiêu của tiến trình xây dựng Châu Aâu, cũng như về những giá trị nền tảng của nó. Bởi thế, Tôi hơi đáng tiếc thấy rằng những cộng đồng tín hữu đạo giáo trong số những người đã cộng tác góp phần suy tư làm nên bản ‘Nghị Kiến Chung’ đã không được đề cập đến một cách rõ ràng … Việc loại trừ các tôn giáo ra ngoài, những tôn giáo đã góp phần và tiếp tục đóng góp cho văn hóa và nền nhân bản làm cho Aâu Châu hãnh diện, đã làm cho Tôi sững sờ cho đó vừa là một sự bất công và sai lầm về quan điểm. Việc nhận biết một sự kiện lịch sử bất khả phủ nhận đó không có nghĩa là gạt ra ngoài nhu cầu tân thời đòi phải có tính chất phi tôn giáo nơi các Quốc Gia, cũng là nơi Châu Âu vậy!
“Tôi cũng lấy làm hài lòng nhắc đến một tin vui từ lâu mong mỏi, đó là các nhà lãnh đạo của hai cộng đồng ở đảo Cyprus đã bắt đầu trực tiếp thương thảo với nhau. Một dấu hiệu tiên báo khác cho thấy một tương lai dân chủ hơn ở Kosovo là họ đã có một quốc hội hợp pháp. Từ tháng 11 vừa qua, các vị đại biểu của Nhân Dân Cộng Hòa Trung Quốc cũng như của Nước Cộng Hòa Trung Quốc đã có chỗ của mình trong Tổ Chức Thương Mại Thế Giới… Cần phải khích lệ những cuộc đàm đạo đang diễn tiến giữa đôi bên xung khắc nhau, một cuộc xung khắc đã dai dẳng xâu xé Sri Lanka. Những sự kiện này là những tiến triển quan trọng trên con đường sống bình an thái hòa giữa con người với nhau cũng như giữa các dân tộc với nhau.
“Thế nhưng, ánh sáng phát ra từ hang Bêlem đồng thời còn chiếu sáng cả… những mập mờ và chầp chờn trong những việc chúng ta đảm trách nữa…. Than ôi, (chúng ta), buộc lòng phải nhận thấy rằng Thánh Địa, nơi Đấng Cứu Thế đã sinh vào trần gian, qua lầm lỗi của con người, vẫn còn là một mảnh đất máu lửa. Không ai có thể làm ngơ trước bất công mà dân Palestina là nạn nhân phải chịu hơn 50 năm qua. Không ai có thể phản đối quyền sống an ninh của dân Do Thái. Thế nhưng, không ai được quên đi những nạn nhân vô tội ở cả hai bên hằng ngày vẫn bị dập vùi dưới những trận bạo lực. Vũ khí và các cuộc tấn công sắt máu không bao giờ là cách đúng đắn về mặt chính trị để nói cho bên kia biết mặt cả.
“Tôi đã nhiều dịp nói là, chỉ khi nào biết tỏ ra tôn trọng kẻ khác cũng như tôn trọng những ước nguyện hợp pháp của họ, biết áp dụng luật lệ quốc tế, biết giải tỏa những phần đất bị chiếm cứ và tình trạng đặc biệt được quốc tế bảo đảm cho hầu hết các nơi thánh ở Giêrusalem, mới có thể mở màn cho cuộc sống an bình nơi phấn đất thế giới ấy, cũng như mới có thể giải được cái vòng vây nung nấu hận thù và trả đũa.
“Cuộc chiến hợp pháp chống khủng bố, điển hình nhất trong những cuộc tấn công kinh khiếp là cuộc khủng bố vào ngày 11 tháng Chín vừa rồi, một lần nữa đã làm cho tiếng vũ khí lại vang lên. Cuộc tấn công và sát hại dã man ấy chẳng những gây nên vấn đề tự vệ hợp pháp mà còn cả đến vấn đề sử dụng phương sách hữu hiệu nhất để khử trừ khủng bố, đến vấn đề tìm hiểu những yếu tố nào ngấm ngầm gây ra những hành động ấy, cũng như đến những giải pháp cần phải thực hiện để mang lại tiến trình ‘chữa lành’ hầu chế ngự nỗi sợ hãi cũng như tránh khỏi tình trạng làm cho sự dữ chất chồng trên sự dữ, bạo lực trên bạo lực. Bởi thế, cần phải khuyến khích tân chính phủ ở Kabul nỗ lực đạt đến tình trạng an bình tốt đẹp cho toàn dân A Phú Hãn. Sau hết, Tôi phải đề cập đến những căng thẳng lại xẩy ra giữa Ấn Độ và Pakistan, để tha thiết yêu cầu các vị lãnh đạo hai đại quốc này hãy hết lòng giành ưu tiên cho việc đối thoại và thương thảo với nhau.
“Chúng ta cũng cần lắng nghe vấn đề xẩy ra cho chúng ta phát xuất từ đáy vực này, đó là vấn đề về vị trí và về tác dụng của tôn giáo nơi cuộc sống của con người cũng như của các xã hội. Ở đây, một lần nữa, Tôi muốn nói trước toàn thể cộng đồng quốc tế là hành động nhân danh Thiên Chúa để sát hại là một hành động lộng ngôn phạm thượng và bại hoại về tôn giáo. Sáng hôm nay đây, Tôi muốn lập lại những gì Tôi đã viết trong Sứ Điệp cho Ngày 1/1, đó là ‘Làm tục hóa đạo giáo khi nhân danh Thiên Chúa cho mình là một kẻ khủng bố, lấy danh Ngài vi phạm kẻ khác. Việc tấn công khủng bố là hành động phản nghịch lại với niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng nên con người, săn sóc con người và yêu thương con người’
“Khi gặp phải những cuộc bạo lực bùng nổ vô loài và bất chính này, cái nguy hiểm nhất đó là có những trường hợp sẽ xẩy ra bất ngờ làm cho cả khối người bị rơi vào số phận buồn thảm.
“Tôi đang nghĩ đến Phi Châu, cũng như đến tình hình nguy cấp về sức khỏe cùng với những đối chọi bằng vũ lực đang hủy diệt đi từng loạt dân lành của mình. Mới đây, trong cuộc tranh luận ở Công Nghị của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc người ta thấy có 17 vụ xung khắc đang xẩy ra ở đại lục Phi Châu! Trong trường hợp này thì việc thành lập một ‘Khối Hiệp Nhất Phi Châu’ tự nó là một tin mừng. Tổ Chức Liên Hiệp Quốc cần phải giúp phác họa những nguyên tắc chung có thể hiệp nhất tất cả mọi Quốc Gia phần tử, liên quan đến những thách đố chính, như việc ngăn ngừa những xung khắc, việc giáo dục cũng như việc chống lại tình trạng nghèo khổ.
“Làm sao Tôi lại không đề cập đến Mỹ Châu Latinh là nơi Tôi quí mến được? Nơi một số quốc gia thuộc đại lục này đang liên tục xẩy ra những chênh lệch về xã hội, việc buôn bán thuốc phiện, tình trạng bại hoại và bạo chiến là những gì có thể tác hại đến nền tảng của chủ nghĩa dân chủ và làm mất uy tín của đẳng cấp chính trị. Gần đây nhất là tình hình khó khăn xẩy ra ở Á Căn Đình đã làm xáo trộn cộng đồng, khiến cuộc sống dân chúng phải chịu đựng đau thương.
“Tôi hết lòng muốn khuyến khích nhân dân Mỹ Châu Latinh, nhất là nhân dân Á Căn Đình, hãy giữ vững niềm hy vọng ngay giữa những khốn khó hiện nay, đừng quên rằng, với những nguồn lợi về nhân lực và thiên nhiên sẵn có trong tay, tình hình hiện nay, với sự giúp đỡ của mọi người, không thể nào bất khả lật ngược và chế ngự. Để điều này xẩy ra, cần phải loại trừ lợi lộc cá nhân và phe phái, cũng như cần phải cổ võ hết cách thiện ích của quốc gia, bằng việc trở về với những giá trị luân lý, với việc đối thoại cởi mở thẳng thắn, cũng như với việc từ bỏ những gì là dồi dào dư dật để giúp đỡ những ai gặp phải thiếu thốn. Trong tinh thần này, cần phải nhớ rằng hoạt động chính trị trước hết là một hoạt động phục vụ cao quí, cần thiết và quảng đại cho cộng đồng.
“Chúng ta đừng choáng váng trước tình trạng buồn thảm trong lúc này đây. Trái lại, chúng ta hãy mở lòng trí của mình ra trước những thách đố lớn lao đang hiện lên trước mắt chúng ta: Đó là việc bảo vệ tính cách linh thánh của sự sống con người trong tất cả mọi hoàn cảnh, nhất là trong trường hợp liên quan đến những khó khăn gây ra do việc méo mó nơi ngành di giống – Đó là việc nâng đỡ đời sống gia đình, cơ cấu nền tảng của xã hội – Đó là việc loại trừ tình trạng nghèo khổ, bằng những nỗ lực cổ võ phát triển, giảm nợ và mở rộng thương vụ quốc tế – Đó là việc tôn trọng quyền lợi con người trong tất cả mọi trường hợp, đặc biệt là những quyền liên quan đến thành phần dễ bị vi phạm nhất là trẻ em, phụ nữ và tị nạn – Đó là việc giải giới, là bớt đi việc buôn bán vũ khí cho các nước nghèo, cùng với việc củng cố hòa bình sau khi chấm dứt các vụ xung khắc – Đó là việc chống lại các thứ tật bệnh chính yếu và giúp cho người nghèo có cơ hội được chăm sóc sức khỏe và thuốc uống – Đó là việc bảo vệ môi sinh cũng như việc ngăn ngừa cho khỏi những vụ hủy hoại thiên nhiên – Đó là việc áp dụng nghiêm ngặt lề luật và công ý quốc tế.
“Dỉ nhiên là còn nhiều những đòi hỏi khác nữa cũng cần phải được nhắc đến. Thế nhưng, một khi những việc ưu tiên này trở thành mối quan tâm chính yếu của các vị lãnh đạo chính trị; một khi con người thiện chí lấy chúng làm những nỗ lực thực hiện hằng ngày của mình; và một khi tín đồ các tôn giáo thực hành giáo huấn của mình, thì thế giới này chắc chắn sẽ là một nơi hoàn toàn khác hẳn”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ bản Anh ngữ do Zenit phổ biến ngày 10/1/2002, tài liệu nguyên ngữ Pháp văn của Vatican Press Office).