Tình Hình Thế Giới Năm 2002
Theo thông lệ hằng năm, vào dịp đầu năm Dương Lịch, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gặp Ngoại Giao Đoàn gồm tất cả những vị lãnh sự (năm nay tất cả là 177, năm trước 172) các quốc gia trên thế giới đang có liên hệ với Tòa Thánh, và chia sẻ nhận định cùng quan tâm của mình về tình hình thế giới ở khắp nơi trong năm qua. Sau đây là bài diễn từ của Ngài ngỏ với Lãnh Sự Đoàn Thế Giới hôm Thứ Hai 13/1/2003 (năm trước ngày 10/1), trong đó, ở đoạn 3 và 4, Ngài chẳng những nhấn mạnh đến những nguyên tắc cụ thể, 3 điều tích cực cần phải làm và 3 điều tiêu cực cần phải tránh, để có thể thay đổi tình hình thế giới biến loạn, mất thăng bằng, choáng váng đang lao mình xuống vực thẳm hiện nay, mà còn, ở đoạn 5, Ngài nêu lên hai trường hợp điển hình liên quan đến Âu Châu và Phi Châu, cho 6 điểm cần phải áp dụng thực hành như Ngài đã nêu lên và kêu gọi.
Ngài Trưởng Ngoại Giao Ðoàn,
Quí Vị Tôn Nữ Tôn Nam,
1. Cuộc gặp gỡ hôm nay ở vào lúc mở màn cho một Tân Niên là một truyền thống tốt đẹp hiến cho Tôi được dịp vui mừng đón tiếp quí vị, và qua vai trò đại diện của quí vị, một cách nào đó, gắn bó cả với tất cả mọi dân tộc của quí vị nữa! Vì qua quí vị và nhờ quí vị mà Tôi biết được những niềm hy vọng và khát vọng của họ, những thành đạt và suy thoái của họ. Hôm nay, Tôi xin nhiệt tình nguyện chúc cho xứ sở của quí vị được hạnh phúc, an bình và thịnh vượng.
Ở ngưỡng cửa của Tân Niên này, bằng lời nguyện cầu, Tôi cũng xin chúc cho tất cả quí vị, gia đình của quí vị và công dân của quí vị được tràn đầy phúc lành thần linh.
Trước khi chia sẻ với quí vị một số suy tư về hiện tình trên thế giới cũng như trong Giáo Hội, Tôi phải cám ơn Vị Trưởng Phái Đoàn của quí vị là Lãnh Sự Giovanni Galassi, về những lời lẽ tốt đẹp và chúc mừng nồng hậu ông đã nhân danh mọi vị ở đây chân thành bày tỏ về con người và tác vụ của Tôi. Xin nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của Tôi!
Thưa Ông Lãnh Sự, ông cũng vạch ra cho thấy những mong đợi sâu xa của con người nam nữ tân tiến ngày nay, tất cả những niềm mong đợi rất hay thường bị bị tiêu tán bởi những cuộc khủng hoảng về chính trị, bởi cuộc bạo động quân sự, bởi những xung khắc xã hội, bởi nghèo khổ hay những tai ương thiên nhiên. Chưa bao giờ nhân loại cảm thấy thế giới họ đang hình thành đây bị bấp bênh như ở vào lúc mở màn cho một tân thiên niên kỷ này.
2. Bản thân Tôi đã xúc động trước cảm giác sợ hãi thường ngự trị trong tâm can con người đương thời của chúng ta. Một cuộc khủng bố bất ngờ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu; vấn đề không giải quyết nổi ở Trung Đông, trong đó có Thánh Địa và Iraq; tình trạng hỗn loạn gây đổ vỡ ở Nam Mỹ Châu, nhất là ở Á Căn Đình, Colombia và Venezuela; những cuộc xung đột gây cho nhiều quốc gia Phi Châu không thể tập trung nổi vào việc phát triển; những thứ bệnh hoạn lây nhiễm và chết chóc; tình trạng đói khát trầm trọng, nhất là ở Phi Châu; thái độ vô trách nhiệm làm cạn kiệt các nguồn nhiên liệu của trái đất này, tất cả những điều này là các thứ dịch đe dọa sự sống còn của nhân loại, tình trạng an bình của con người cũng như tình trạng an ninh của các xã hội.
3. Tuy nhiên, mọi sự đều có thể đổi thay. Nó lệ thuộc vào mỗi một người trong chúng ta. Mỗi người có thể đều có thể kiến tạo nơi bản thân mình cái khả năng tin tưởng, thành tín, tôn trọng nhau và dấn thân phục vụ người.
Hiển nhiên là nó cũng tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo chính trị nữa, thành phần được kêu gọi để phục vụ công ích. Quí vị sẽ không lấy làm lạ lùng khi thấy Tôi, trước một hội đồng các nhà ngoại giao đây, về vấn đề này, Tôi nói lên một số đòi hỏi mà Tôi tin rằng cần phải có để tất cả các dân nước, ngay cả chính nhân loại, không bị chìm xuống vực thẳm.
Trước hết, đó là “PHÒ SỰ SỐNG”! Hãy tôn trọng chính sự sống và mạng sống của con người: hết mọi sự được bắt đầu ở chỗ này, vì quyền lợi trọng yếu nhất của loài người phải là quyền sống. Phá thai, trợ an tử, tạo sinh theo kỹ thuật phi tính dục cloning chẳng hạn, đều là những nguy cơ hạ con người xuống thành một đối vật thuần túy, ở chỗ có thể sử dụng sự sống và sự chết tùy ý! Khi loại trừ tất cả mọi qui tắc về luân lý thì việc nghiên cứu khoa học liên quan đến các nguồn mạch sự sống trở thành việc chối bỏ bản vị và phẩm giá của con người. Chính chiến tranh là một cuộc tấn công sự sống con người, vì nó gây ra khổ đau và chết chóc. Cuộc chiến đấu cho hòa bình bao giờ cũng là một cuộc chiến đấu cho sự sống vậy!
Sau nữa, đó là TÔN TRỌNG LUẬT LỆ. Sinh hoạt trong xã hội, nhất là sinh hoạt quốc tế, đặt ra những nguyên tắc chung bất khả vi phạm, với mục đích là để bảo toàn nền an ninh và quyền tự do của cá nhân người công dân cũng như của các quốc gia. Những qui luật hành động này là nền tảng cho sự bền vững của quốc gia và quốc tế. Hôm nay đây các vị lãnh đạo chính trị đang có trong tay những văn bản và những thiết định rất thích đáng. Chỉ cần mang chúng ra thực hiện mà thôi. Thế giới sẽ hoàn toàn trở nên khác hẳn nếu người ta bắt đầu áp dụng một cách thẳng thắn những hiệp ước đã ký kết với nhau!
Sau hết, đó là PHẬN VỤ ĐOÀN KẾT. Trong một thế giới tràn ngập những tín liệu, thế nhưng, ngược đời thay, lại là những gì rất khó truyền đạt, ở những nơi điều kiện sinh sống chênh lệch một cách đáng hổ ngươi, cần phải hết sức nỗ lực để bảo đảm rằng hết mọi người đều cảm thấy mình có trách nhiệm đối với việc phát triển và phúc hạnh của tất cả mọi người. Tương lai của chúng ta đang gặp nguy hiểm. Người trẻ bị thất nghiệp, người tật nguyền bị loại trừ, người lão thành bị bỏ bê, các quốc gia quằn quại với đói khát và bần cùng: tất cả những tình trạng này thường làm cho con người thất vọng và trở thành mồi ngon cho khuynh hướng khép kín bản thân hay vùng vẫy bằng võ lực.
4. Đó là lý do tại sao cần phải thực hiện những quyết chọn để nhân loại vẫn còn thấy được tương lai của mình. Bởi thế, các dân tộc trên trái đất này, cùng với các nhà lãnh đạo chính trị của họ, đôi khi phải biết can đảm nói lên tiếng “không”.
“KHÔNG VỚI SỰ CHẾT!” Tức là chối từ tất cả những gì tấn công phẩm giá vô giá của hết mọi con người, bắt đầu từ phẩm giá của những thai nhi. Nếu sự sống thực sự là một kho tàng thì chúng ta cần phải biết làm sao để có thể bảo trì nó và làm cho nó sinh hoa kết trái mà không làm nó bị méo mó. “Không” với tất cả những gì làm suy yếu đời sống gia đình là tế bào gốc của xã hội. “Không” với tất cả những gì hủy hoại nơi trẻ em cái cảm quan tranh đấu, lòng tôn trọng bản thân chúng và tha nhân, cũng như cảm quan phục vụ.
“KHÔNG VỚI VỊ KỶ!” Nói cách khác, đó là chối từ tất cả những gì thúc đẩy con người đi đến chỗ tự vệ bản thân mình trong ốc đảo của một thứ giai cấp xã hội ân huệ hay của một thứ sảng khoái văn hóa tẩy chay các nền văn hóa khác. Cần phải xét lại lối sống của thành phần giầu thịnh, kiểu cách hưởng thụ của họ, căn cứ vào ảnh hưởng của những cách hưởng thụ này tác dụng trên những xứ sở khác. Chúng ta hãy đề cập đến vấn đề như nguồn nhiên liệu về nước là những gì Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đã xin tất cả chúng ta hãy lưu ý tới trong năm 2003 này. Vị kỷ còn là thái độ dửng dưng của các quốc gia giầu thịnh đối với các quốc gia bị lạnh lẽo bên ngoài. Tất cả mọi dân nước đều có quyền lãnh hưởng một phần công bằng nơi những sản vật của thế giới này, cũng như nơi những kỹ thuật của các quốc gia tân tiến hơn. Chẳng hạn chúng ta làm sao lại không nghĩ đến phương tiện để mọi người có thể hưởng được những thứ thuốc men về di truyền cần thiết để tiếp tục chống lại những chứng bệnh đang lan tràn khắp nơi hiện nay, một phương tiện mà, than ôi, thường gặp trở ngại bởi những yếu tố kinh tế ngắn hạn?
“KHÔNG VỚI CHIẾN TRANH!” Chiến tranh không phải lúc nào cũng bất khả tránh. Nó bao giờ cũng là một vấn đề thảm bại đối với nhân loại. Luật lệ quốc tế, thành tâm đối thoại, tình đoàn kết giữa các Quốc Gia, việc làm cao quí của ngành ngoại giao, đó là những phương pháp xứng hợp với cá nhân cũng như quốc gia trong việc giải quyết những cái khác biệt. Tôi nói đến điều này khi Tôi nghĩ đến những ai vẫn còn đặt niềm tin vào các thứ vũ khí hạch nhân, cũng như đến muôn vàn tất cả những vụ xung đột tiếp tục bắt anh chị em trong nhân loại của chúng ta làm con tin. Vào Ngày Lễ Giáng Sinh, Bêlem đã nhắc chúng ta nhớ đến cuộc khủng hoảng khó giải quyết ở Trung Đông, nơi mà hai dân tộc, Do Thái và Palestine, được kêu gọi để sống bên nhau trong sự tương kính, có tự do và chủ quyền như nhau. Không cần phải lập lại ở đây những gì Tôi đã nói với quí vị cũng vào dịp này năm trước, hôm nay Tôi chỉ muốn thêm là, khi phải đối diện với tình hình liên tục suy bại trong cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, thì để giải quyết không bao giờ được ép uổng bằng việc sử dụng đến vấn đề khủng bố hay xung đột võ khí, như thể chiến thắng về quân sự có thể mang lại câu giải đáp vậy. Và chúng ta phải nói gì đây về mối đe dọa của một cuộc chiến tranh có thể giáng xuống trên nhân dân Iraq, mảnh đất của các Vị Tiên Tri, một dân tộc đã bị thử thách đớn đau vì bị cấm vận kinh tế hơn 12 năm trời? Chiến tranh không bao giờ biện minh cho phương tiện con người có thể dùng để giải quyết những khác biệt giữa các quốc gia. Như Bản Hiến Chương của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc và chính luật lệ quốc tế đã nhắc nhở chúng ta là không thể đi đến chỗ chiến tranh, cho dù là vấn đề cần phải bảo đảm cho công ích, trừ khi không còn chọn lựa nào khác, những chọn lựa phù hợp với những điều kiện ngặt nghèo, liên quan đến các thành quả xẩy ra cho thành phần thường dân cả trong khi lẫn sau khi xẩy ra những cuộc đụng độ quân sự.
5. Thế nên, chúng ta có thể thay đổi được cục diện của những biến chuyển, một khi chúng ta có thiện chí, biết tin tưởng nhau, trung thành với những cuộc dấn thân và hợp tác giữa thành phần hữu trách. Tôi xin đưa ra hai thí dụ điển hình.
Âu Châu ngày nay, một địa lục đã có một thời hiệp nhất và vươn rộng. Âu Châu đã thành công trong việc phá đổ những bức tường làm nó hổ ngươi ê mặt. Nó đã dấn thân phác họa và kiến tạo nên một thực thể mới có khả năng liên kết tính cách duy nhất và đa diện, chủ quyền quốc gia và sinh hoạt chung, tiến bộ kinh tế và công lý xã hội. Tân lục địa Âu Châu này là nơi mang những giá trị đã từng sinh hoa trái qua hai ngàn năm ở “nghệ thuật” suy nghĩ và sinh hoạt mang lại thiện ích cho toàn thế giới. Trong số những giá trị này phải kể đến vị thế nổi bật của Kitô Giáo, vì tôn giáo này đã làm phát sinh ra một nền nhân bản làm thấm nhuần lịch sử Âu Châu cùng các cơ chế của lục địa này. Nhắc đến gia sản này, Tòa Thánh Vatican và tất cả mọi Giáo Hội Kitô Giáo đã thôi thúc những ai phác họa Bản Hiệp Định Hiến Pháp sau này của Khối Hiệp Nhất Âu Châu hãy bao gồm cả chi tiết liên quan đến các Giáo Hội và các định chế tôn giáo. Với tấm lòng hoàn toàn tôn trọng quyền bính trần thế, chúng tôi tin tưởng là ba yếu tố bổ túc cho nhau sau đây đáng phải được nhìn nhận, đó là quyền tự do tôn giáo, không phải chỉ liên quan đến khía cạnh cá nhân và lễ nghi, mà còn đến cả những chiều kích xã hội và cơ cấu nữa; tính cách thích hợp của các cấu trúc để trao đổi và tham vấn giữa những Cơ Cấu Cai Trị và các cộng đồng tín hữu; việc tôn trọng tính cách pháp nhân của các Giáo Hội cũng như của các định chế tôn giáo thuộc các Quốc Gia Phần Tử của Khối này đã được hưởng. Một Âu Châu chối bỏ quá khứ của mình, phủ nhận sự kiện tôn giáo, và không có một chiều kích thiêng liêng, sẽ hoàn toàn trở thành hèn yếu trước một dự án đầy tham vọng cần đến mọi nỗ lực của nó trong việc kiến tạo nên một Âu Châu cho tất cả mọi người!
Cả Phi Châu nữa, hôm nay cũng cho chúng ta cơ hội để hoan hỉ: đó là một Angola đã bắt đần được tái thiết; một Burundi đã đi vào con đường có thể dẫn đến hòa bình và đang mong đợi cộng đồng thế giới thông cảm hỗ trợ về tài chính; một Cộng Hòa Dân Chủ Congo đang thực sự dấn thân vào một cuộc đối thoại quốc gia để tiến đến một nền dân chủ. Nước Sudan cũng đã cho thấy thiện chí, cho dù con đường dẫn đến hòa bình vẫn còn dài dòng và khổ công. Dĩ nhiên chúng ta phải cảm nhận được những dấu hiệu tiến bộ này và chúng ta phải khuyến khích các vị lãnh đạo chính trị đừng bỏ qua một nỗ lực nào trong việc bảo đảm từ từ là dân chúng Phi Châu cảm thấy những mầm mống nhú lên của một tiến trình hòa bình mang theo thịnh vượng, của một thứ an toàn không còn những đối chọi chủng tộc, khỏi tình trạng thay đổi bất thường và băng hoại. Vì lý do này chúng ta lấy làm thương tiếc về những đụng độ trầm trọng xẩy ra đã làm rung chuyển cả nước Côte-d’Ivoire cũng như nước Cộng Hòa Trung Phi, và kêu gọi nhân dân của những xứ sở này hãy bỏ khí giới xuống, hãy tôn trọng hiến pháp hiện hành của họ và hãy đi đến chỗ đối thoại nội bộ quốc gia. Thế nên mới cần phải bao gồm tất cả mọi yếu tố của cộng đồng quốc gia vào việc phác họa một xã hội có chỗ đứng cho hết mọi người. Ngoài ra, chúng ta còn để ý thấy là những người Phi Châu đã càng ngày càng cố gắng tìm kiếm những giải quyết hợp với những vấn đề của họ, nhờ sinh hoạt của Khối Hiệp Nhất Phi Châu và những hình thức tác hiệu của việc dàn xếp theo từng miền.
6. Quí Vị Tôn Nữ Tôn Nam, rất cần phải ghi nhận là nền độc lập của các Quốc Gia không thể hiểu được nếu không nói đến vấn đề liên thuộc. Tất cả mọi Quốc Gia đều có tương quan liên hệ với nhau để trở nên tốt đẹp hơn cũng như trở thành tệ hại hơn. Đó là lý do, và thực sự là thế, chúng ta cần phải phân biệt lành với dữ và điểm đích danh của chúng. Như lịch sử đã dạy cho chúng ta hết lần này đến lần khác là chính lúc tình trạng ngờ vực hay lầm lẫn về những gì đúng sai làm chủ tình thế thì con người lại sợ những sự dữ cả thể nhất xẩy ra.
Nếu chúng ta tránh khỏi tình trạng chao đảo này, theo Tôi, cần phải hội đủ hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất đó là việc tái nhìn nhận nơi Quốc Gia và giữa các Quốc Gia cái giá trị tối cao của lề luật tự nhiên là nguồn khơi lên những quyền lợi của quốc gia cũng như những công thức đầu tiên của lề luật quốc tế. Cho dù ngày nay vẫn còn một số người đặt vấn đề giá trị của lề luật tự nhiên này, Tôi vẫn xác tín rằng những nguyên tắc chung và phổ quát của nó vẫn có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn mối hiệp nhất của loài người, cũng như giúp chúng ta nuôi dưỡng việc phát triển lương tâm của cả những ai có trách nhiệm cai trị lẫn những ai thuộc quyền cai trị. Điều kiện thứ hai là chúng ta cần đến hoạt động kiên trì của những Vị Chính Quyền thành tâm và vô tư. Thật vậy, khả năng chuyên nghiệp bất khả thiếu của các vị lãnh đạo chính trị không thể nào thuận hợp, trừ phi khả năng này của họ gắn liền với những niềm xác tín mạnh mẽ về luân lý. Làm sao người ta có thể cho rằng mình hành sử công việc của thế giới mà lại không để ý gì tới một bộ những nguyên tắc làm căn bản cho “công ích đại đồng” được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nói đến trong bức Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế của ngài chứ? Một vị lãnh đạo bao giờ cũng có thể hành động hợp với niềm xác tín của họ trong việc loại bỏ những tình trạng bất công hay tình trạng băng hoại về cơ cấu, hoặc đi đến chỗ chấm dứt chúng. Chính là điểm này mà Tôi tin rằng chúng ta đang tái khám phá ra cái ngày nay chúng ta gọi là “việc cai trị tốt đẹp”. Tình trạng phúc hạnh về vật chất lẫn tình thần của nhân loại, việc bảo vệ tự do và các quyền lợi của con người, việc vô tư phục vụ cộng đồng, việc gần gũi với những hoàn cảnh sống cụ thể, tất cả những điều này cần phải đi trước tất cả mọi dự phóng chính trị và phải kiến tạo nên một thứ nhu cầu luân lý tự nó là những gì bảo đảm nhất cho nền hòa bình nơi các quốc gia cũng như hòa bình giữa các Quốc Gia.
7. Đối với các tín hữu thì những động lực này thực sự đã được thăng hoa bởi niềm tin vào một Vị Thiên Chúa là Đấng Hóa Công và là Cha của tất cả mọi người, Đấng đã trao phó cho con người vai trò làm quản lý trái đất cùng với nhiệm vụ yêu thương anh em mình. Đó là lý do tại sao, vì thiện ích riêng của mình, Quốc Gia cần phải bảo đảm là tất cả mọi người được thi hành một cách hiệu lực quyền tự do tôn giáo, một quyền tự nhiên, tức là một thứ quyền của cá nhân cũng như xã hội cùng một lúc. Như Tôi đã có dịp nhắc đến trong quá khứ, các tín hữu cảm thấy đức tin của mình được tôn trọng và cộng đồng của họ được hưởng tính cách pháp nhân, sẽ thâm tín dấn thân hoạt động hơn nữa cho dự án chung để xây dựng một xã hội dân sự mà họ là phần tử. Thế nên quí vị mới hiểu là tại sao Tôi đã nói lên thay cho tất cả mọi Kitô hữu, từ Á Châu đến Âu Châu, thành phần tiếp tục trở thành những nạn nhân của bạo động và bất dung nhượng, như mới xẩy ra trong cuộc cử hành lễ Giáng Sinh vừa rồi. Cuộc đối thoại đại kết giữa Kitô hữu cũng như việc kính cẩn liên hệ với các tôn giáo khác, nhất là với Hồi Giáo, là phương dược hay nhất để chữa trị những sứt mẻ về giáo phái, về sự cuồng tín hay về vấn đề khủng bố tôn giáo. Liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, Tôi muốn đề cập đến một trường hợp duy nhất đã khiến Tôi hết sức đau lòng, đó là tình hình của các cộng đồng Công Giáo nơi Liên Bang Nga, một tình hình hiện nay qua nhiều tháng trời đã chứng kiến thấy một số vị Mục Tử của các cộng đồng này bị ngăn cản không được trở về với họ vì những lý do trị sự. Tòa Thánh mong các vị có thẩm quyền trong Chính Phủ có những quyết định cụ thể để chấm dứt cuộc khủng hoảng này, và giữ đúng những hiệp định quốc tế được một Nước Nga tân tiến và dân chủ đồng ý. Những người Công Giáo Nga muốn sống như những người anh em của họ trên khắp thế giới, được hưởng cùng một thứ quyền tự do và cùng một phẩm giá.
8. Quí Vị Tôn Nữ Tôn Nam, chớ gì tất cả chúng ta hợp nhau ở chốn này đây, một biểu hiệu của việc trao đổi và hòa bình thiêng liêng, bằng những hoạt động hằng ngày của mình, đóng góp vào việc thăng tiến tất cả mọi dân tộc trên trái đất, trong công lý và hòa hợp, cho việc tiến bộ của họ hướng đến những điều kiện tạo cho họ một đời sống hạnh phúc hơn và công bằng hơn, thoát được tình trạng nghèo khổ, bạo lực và những mối đe dọa chiến tranh! Xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn phúc lành của Ngài xuống trên quí vị và tất cả mọi người quí vị đại diện. Chúc Mừng Tân Niên cho tất cả mọi người!
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ bản Anh ngữ do Zenit phổ biến ngày 13/1/2003, tài liệu nguyên ngữ Pháp văn của Vatican Press Office).