TÌNH HÌNH THẾ GIỚI 2005

 

 

 

ĐTC BĐXVI - Diễn Từ Mừng tân Niên với Phái Đoàn Ngoại Giao Chư Quốc ngày Thứ Hai 9/1/2006:

Việc dấn thân cho sự thật là linh hồn của công lý

 

 

Quí Vị Lãnh Sự, Quí Bà và Quí Ông,

 

Tôi hân hoan chào đón tất cả quí vị hiện diện trong cuộc gặp gỡ theo truyền thống này giữa Giáo Hoàng và Phái Đoàn Ngoại Giao Chư Quốc làm việc với Tòa Thánh. Sau việc chúng tôi cử hành các đại lễ Kitô Giáo là Giáng Sinh và Hiển Linh, Giáo Hội tiếp tục lấy sinh lực từ niềm vui do các ngày lễ này mang lại: niềm vui ấy là những gì lớn lao, vì nó xuất phát từ sự hiện diện của Emmanuel – Thiên Chúa ở với chúng ta – thế nhưng nó cũng là những gì âm thầm lặng lẽ, vì nó được nghiệm cảm trong khung cảnh nội bộ của Thánh Gia, một gia đình sống giản dị và gương mẫu được Giáo Hội làm sống lại một cách sâu đậm vào thời điểm này. Tuy nhiên, nó cũng là niềm vui cần phải được truyền đạt, vì niềm vui chân thực không thể bị cô lập hóa mà lại không trở thành phai nhạt và tàn tạ. Bởi vậy, tôi xin chúc niềm vui Kitô Giáo đến tất cả quí vị Lãnh Sự, cũng như tới nhân dân và Chính Quyền được quí vị xứng đáng đóng vai đại diện, cho gia đình thân yêu của quí vị và cho thân hữu của quí vị. Chớ gì nó là niềm vui của tình yêu thương huynh đệ được Chúa Kitô mang đến, một niềm vui phong phú phong phú về các giá trị chân thực và được chia sẻ một cách cởi mở và quảng đại; chớ gì nó ở với quí vị và hằng ngày gia tăng thêm trong năm vừa được bắt đầu.

 

Quí Vị Lãnh Sự, Vị Niên Trưởng của quí vị đã chuyển những lời chào chúc tốt đẹp của Phái Đoàn Ngoại Giáo bày tỏ một cách tốt đẹp những niềm cảm mến của quí vị. Tôi xin cám ơn vị niên trưởng và cám ơn quí vị. Ông cũng đề cập tới một số trong nhiều vấn đề trầm trọng đang hành khổ thế giới ngày nay. Chúng là mối quan tâm đối với quí vị cũng như đối với Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo khắp thế giới, mối quan tâm liên kết với hết mọi hình thức khổ đau, với mọi niềm hy vọng và với hết mọi nỗ lực kèm theo lịch sử của con người. Bởi thế chúng ta cảm thấy liên kết lại trong cùng một sứ vụ chung, một sứ vụ để đương đầu với những thách đố luôn mới mẻ và dữ dội. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng nói đến chúng, nhiệt tình nâng đỡ nhau – mỗi người theo trách nhiệm xứng hợp của mình – trên con đường chúng ta tiến tới các mục tiêu cao cả chung.

 

Tôi đã nói tới “sứ vụ chung của chúng ta”. Và nó là gì, nếu không phải là sứ vụ hòa bình? Công việc của Giáo Hội không là gì khác ngoài việc quảng bá sứ điệp của Chúa Kitô, Đấng đã đến, như Thánh Phaolô viết trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, để loan báo hòa bình cho những ai ở xa cũng như những người ở gần (x 2:17). Phần quí vị, thành phần Đại Diện Ngoại Giáo đáng kính của nhân dân quí vị, theo các qui định của quí vị (Hiệp Định Vienna về Những Liên Hệ Ngoại Giao) quí vị có được điều này nơi những mục đích cao quí của quí vị, đó là việc cổ võ những mối liên hệ quốc tế thân tình. Trên nền tảng này hòa bình thực sự mới phát triển.

 

Hòa bình, than ôi, đang bị trở ngại hay phá hãi hoặc bị đe dọa ở nhiều phần đất trên thế giới. Đâu là đường lối dẫn đến hòa bình? Trong Sứ Điệp tôi gửi cho Ngày Thế Giới Hòa Bình năm nay, tôi đã nói rằng: ‘Bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào con người nam nữ được soi động bằng ánh quang chân lý, thì họ mới có thể bắt đầu con đường hòa bình’ (đoạn 3). Hòa Bình trong chân lý”.

 

Việc dấn thân cho sự thật là linh hồn của công lý.

 

Điểm thứ nhất đó là việc dấn thân cho sự thật là linh hồn của công lý. Những ai dấn thân cho sự thật không thể nào kại không loại trừ đi luật của sức mạnh là thứ luật bắt nguồn từ dối trá và rất hay thường gây thê lương cho lịch sử của con người, quốc gia cũng như quốc tế. Cái dối trá này thường tỏ mình ra như là chân lý, nhưng thực tế bao giờ nó cũng là những gì chọn lựa và có dụng ý, vị kỷ mưu đồ mạo dụng con người, để rồi cuối cùng khống chế con người. Những chế độ chính trị trong quá khứ, song không phải chỉ có trong quá khứ, đã là một điển hình xót xa về điều này. Ngược lại, có sự thật và sự trung thực là những gì dẫn đến việc gặp gỡ người khác, dẫn đến việc chân nhận và cảm thông: sự thật không thể nào không tỏa ra qua ánh quang nổi bật của mình – rạng ngời chân lý splendor veritatis; và lòng mến yêu sự thật tự bản chất là những gì hướng tới sự hiểu biết cũng như việc tái hữu nghị một cách chính đáng và vô tư không thiên vị, cho dù có khó khăn mấy đi nữa. 

 

Kinh nghiệm của quí vị là thành phần ngoại giao có thể khẳng định rằng, nơi cả những liên hệ quốc tế nữa, nhờ việc tìm kiếm chân lý, người ta mới có thể thấy được những sắc thái tinh tế nhất của tính cách đa dạng, cùng với những đòi hỏi bởi đó mà ra, do đó cũng thấy cả những giới hạn cần phải tôn trọng, không được vượt quá, để bảo vệ những gì là ích lợi hợp lý. Việc tìm kiếm chân lý này đồng thời cũng dẫn quí vị tới việc mạnh mẽ chủ trương rằng cần phải tôn trọng cả những gì chung, liên quan tới chính bản tính của con người, của tất cả mọi dân tộc và mọi văn hóa. Chỉ khi nào những khía cạnh về tính cách đa dạng và bình đẳng này – những gì biệt phân nhưng bổ túc – được nhận biết và công nhận, bấy giờ mới giải quyết được những trục trặc và mới ổn định được những bất đồng theo công lý, và mới có được những cảm thông sâu xa bền vững. Ngược lại, khi nào một trong chúng bị hiểu lầm hay không được trân trọng xứng đáng, thì hiểu lầm sẽ xuất hiện cùng với tình trạng xung khắc và khuynh hướng sử dụng bạo lực để áp đảo.

 

Đối với tôi, căn cứ vào những điều cân nhắc ấy, thì một điển hình hầu như đệ nhất trong cái cảnh tượng kinh động của thế giới đó là Thánh Địa. Ở đó, Nước Do Thái cần phải được sống bằng an hợp với các qui chuẩn quốc tế; ở đó, cũng thế, nhân dân Palestine cần phải làm sao có thể phát triển một cách yên hàn những cơ cấu dân chủ của mình cho một tương lai tự do và thịnh vượng.

 

Những điều cân nhắc ấy cũng áp dụng rộng rãi hơn vào bối cảnh hoàn vũ ngày nay, một bối cảnh đã thực sự kéo chú ý tới mối nguy hiểm của một thứ đụng độ về các nền văn minh. Mối nguy hiểm này lại càng trở nên kịch liệt hơn bởi nạn khủng bố có tổ chức, một nạn khủng bố đã lan tràn khắp thế giới này. Những căn nguyên của nó thì nhiều và phức tạp, không phải chỉ có những căn nguyên liên quan tới ý hệ chính trị được lồng với những chủ trương đạo giáo lầm lẫn. Nạn khủng bố không nương tay tấn công cả thành phần bất khả tự vệ, bất kể là ai, hay áp đặt những thứ đe dọa vô nhân, gây hoảng sợ trong dân chúng, để bắt buộc các nhà lãnh đạo chính trị phải đáp ứng những mưu đồ của thành phần khủng bố. Không có một trường hợp nào lại có thể biện minh cho cái hoạt động tội ác như thế, một hoạt động che chở cho thành phần gây ra những điều ô nhục bỉ ổi, và nó lại càng tệ hại hơn nữa khi nó mang cái mặt nạ tôn giáo, khiến sự thật tinh tuyền về Thiên Chúa bị hạ xuống tầm mức của cái mù quáng và việc xuyên tạc về luân lý của thành phần khủng bố.

 

Việc dấn thân cho sự thật về phía sứ vụ Ngoại Giao, cả ở mức độ song phương lẫn đa phương, là những gì thiết yếu có thể cống hiến vào việc hòa giải những khác biệc bất khả phủ nhận giữa các dân tộc ở những phần đất khác nhau trên thế giới cũng như những nền văn hóa của họ, chẳng những ở chỗ chung sống thuận hòa mà còn hợp với dự án cao cả hơn và phong phú hơn của nhân loại nữa. Ở những thế kỷ qua, các thứ trao đổi về văn hóa giữa Do Thái Giáo và Triết Lý Hy Lạp, giữa thế giới Rôma, thế giới Đức và thế giới Slav, cũng như giữa thế giới Ả Rập và thế giới Âu Châu, đã làm phong phú cho văn hóa và đã làm thuận lợi cho các thứ khoa học và các nền văn minh. Điều này cần phải được tái thực hiện cả ở ngày hôm nay nữa, thậm chí còn hơn thế nữa, vì những cơ hội trao đổi và tương kiến trở nên thuận lợi hơn nhiều. Để đạt được mục đích ấy, trước hết ngày nay cần phải loại bỏ đi những gì làm ngăn trở việc thông tin qua báo chí và kỹ thuật truyền thông tân tiến, lại còn cần phải gia tăng việc trao đổi giữa thành phần học giả và sinh viên ở các phân khoa đại học về nhân bản trong các miền văn hóa khác nhau.

 

Việc dấn thân cho sự thật là những gì thiết lập và củng cố quyền tự do

 

Điểm thứ hai tôi muốn nói tới là thế này: việc dấn thân cho sự thật là những gì thiết lập và củng cố quyền tự do. Cái cao cả đặc thù của con người trên hết là ở khả năng nhận biết chân lý. Và con người muốn biết sự thật. Tuy nhiên, sự thật chỉ có thể đạt được trong tự do. Điều này áp dụng cho tất cả mọi sự thật, như hiển nhiên thấy nơi lịch sử của khoa học; thế nhưng nổi bật nhất là những sự thật mà trong đó chính bản thân thực sự của con người lại đang gặp nguy hiểm, những sự thật về thần linh, những sự thật về thiện ác, về những mục đích cao cả và về chân trời của cuộc sống, về những liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Những sự thật này không thể đạt tới mà lại không mang lại thành quả sâu xa cho đường lối sống của chúng ta. Và một khi được tự do chiếm đoạt, chúng đòi hỏi một phạm vi rộng lớn của tự do, nếu chúng được sống một cách xứng hợp với hết mọi chiều kích của đời sống con người.

 

Đó là nơi mà hoạt động của mọi Quốc Gia, và sinh hoạt ngoại giao giữa các Quốc Gia theo bản chất của mình phải thực hiện. Trong việc phát triển luật lệ quốc tế ngày nay, càng ngày càng hiển nhiên thấy được rằng không một Chính Quyền nào có thể cảm thấy tránh khỏi việc lơ là với nhiệm vụ của mình, trong việc bảo đảm những điều kiện tự do xứng hợp giành cho thành phần công dân của mình, nhờ đó mới không tác hại tới uy tín của mình trong việc lên tiếng về các vấn đề quốc tế. Đúng thế, vì trong việc bảo toàn các thứ quyền lợi thuộc về con người như thế, các thứ quyền lợi được quốc tế bảo đảm như thế, là con người dĩ nhiên cần phải ưu tiên chú trọng tới việc bảo đảm các quyền lợi tự do trong từng Quốc Gia, trong đời sống chung riêng, trong những mối liên hệ về kinh tế và chính trị, cũng như nơi các lãnh vực về văn hóa và tôn giáo. Về vấn đề này, chính quí vị đã thừa biết rằng vì chính bản chất của mình mà hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh là những gì liên quan tới việc cổ võ, trong số các hình thức khác của tự do, khía cạnh tự do về tôn giáo. Tiếc thay, ở một số Quốc Gia, thậm chí nơi những quốc gia có thể hãnh diện về truyền thống văn hóa ngàn năm thì tự do tôn giáo chẳng những không được bảo đảm mà lại còn bị vi phạm trầm trọng nữa, nhất là ở những nơi có thành phần thiểu số. Ở đây tôi chỉ xin nhắc lại những gì đã được phác họa rất rõ ràng trong Bản Hiến Chương Chung về Nhân Quyền. Các quyền lợi căn bản của con người đều là những gì giống nhau ở mọi nơi; trong đó, cần phải chú trọng tới vị trí cao cả của quyền tự do tôn giáo, vì nó bao gồm những mối liên hệ quan trọng nhất của con người, đó là mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Tôi xin nói cùng tất cả những ai có trách nhiệm với đời sống của Chư Quốc là, nếu quí vị không sợ sự thật thì quí vị chẳng lo gì tự do! Tòa Thánh, trong việc yêu cầu quyền tự do chân thực cho Giáo Hội Công Giáo ở khắp nơi cũng yêu cầu quyền tự do ấy cho hết mọi người nữa.

 

Việc dấn thân cho chân lý là những gì mở đường cho thứ tha và hòa giải

 

Giờ đây tôi sang tới điểm thứ ba, đó là việc dấn thân cho chân lý là những gì mở đường cho thứ tha và hòa giải. Cái liên kết cần thiết giữa hòa bình và việc dấn thân cho chân lý này đã làm xuất phát ra tình trạng chống đối như thế này, đó là những xác tín khác nhau về chân lý gây ra những thứ căng thẳng, hiểu lầm, tranh cãi, và nếu tất cả những tình trạng ấy càng trở nên nghiêm trọng hơn thì các niềm xác tín lại càng sâu xa hơn ở bên trong những tình trạng ấy. Theo giòng lịch sử thì những cái khác biệt ấy đã gây ra những cuộc đụng độ bạo lực, những cuộc xung đột về xã hội và chính trị, thậm chí những trận chiến tranh về tôn giáo nữa. Đó là sự thật không thể phủ nhận, thế nhưng, trong tất cả những trường hợp như thế, nó là thành quả của một chuỗi những nguyên nhân đồng phát chẳng dính dáng mấy hay chẳng dính dáng gì tới sự thật hay tôn giáo cả, mà do đó bao giờ nó cũng chỉ vì phương tiện được sử dụng không thích hợp với việc chân thành dấn thân cho chân lý hay với việc tôn trọng tự do theo đòi hỏi của chân lý. Đây là vấn đề liên quan tới Giáo Hội Công Giáo, liên quan tới những lầm lẫn trầm trọng xẩy ra trong quá khứ bởi một số phần tử của Giáo Hội cũng như bởi những tổ chức của Giáo Hội, Giáo Hội đã lên án những lầm lỗi ấy và đã không ngần ngại lên tiếng xin thứ tha. Điều này là những gì cần phải thực hiện theo đòi hỏi của việc dấn thân cho chân lý.

 

Việc xin tha thứ, và việc thứ tha nữa cũng là một nhiệm vụ – vì hết mọi người đều bao gồm nơi lời Chúa Kitô khuyên can là: ai không có tội thì hãy ném đá trước đi (x Jn 8:7) – là những yếu tố bất khả châm chước cho hòa bình. Nhờ đó, ký ức chúng ta được thanh tẩy, tâm hồn chúng ta được yên hàn, và ánh mắt của chúng ta sáng ngời gắn chặt vào những đòi hỏi của chân lý nếu chúng ta cần phải gieo vãi tư tưởng về hòa bình. Ở đây tôi xin nhắc lại những lời lẽ khôn ngoan của Đức Gioan Phaolô II: “Không thể nào có hòa bình nếu không có công lý, không thể nào có công lý mà lại thiếu thưa tha” (Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2002). T6oi xin lập lại những lời này một cách khiêm nhượng và với lòng sâu xa yêu mến với các vị lãnh đạo chư quốc, nhất là với những nơi đau thương nhất bởi các cuộc xung đột về thể lý và luân lý và cần đến hòa bình nhất. Người ta nghĩ ngay tới nơi sinh hạ của Chúa Giêsu Kitô, Ông Hoàng của Bình An, Đấng đã ban cho tất cả mọi người một sứ điệp hòa bình và thứ tha; người ta nghĩ tới Lebanon là nơi nhân dân nước này, nhờ việc hỗ trợ của tình đoàn kết quốc tế, cần phải tái khám phá ra ơn gọi lịch sử của mình trong việc cổ võ vấn đề hợp tác chân thành và tốt đẹp giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau; và tới toàn thể Trung Đông, nhất là Iraq là cái nôi của các nền văn minh cao cả, nơi mà trong mấy năm qua hằng ngày đã trải qua những hành động bạo lực của nạn khủng bố. Người ta nghĩ tới Phi Châu, nhất là các xứ sở thuộc vùng Đại Hồ là nơi vẫn còn chịu đựng những hậu quả thê thảm của những thứ chiến tranh huynh đệ tương tàn trong những năm gần đây; tới nhân dân Darfur bất khả tự vệ, đang trải qua cuộc bạo lực tệ hại, gây những âm hưởng nguy hiểm cho quốc tế; và tới nhiều quốc gia khác khắp thế giới đang là khấu trường cho cuộc xung đột bạo lực.

 

Chắc chắn một trong những mục đích cao cả của việc ngoại giao cần phải thực hiện đó là dẫn tất cả mọi bên trong cuộc xung đột hiểu được rằng, nếu họ muốn dấn thân cho hòa bình thì họ cần phải nhìn nhận lầm lỗi – không phải chỉ có lỗi lầm của kẻ khác – hay không chối từ hướng tới việc thứ tha, cả khi được yêu cầu lẫn khi ban phát. Việc dấn thân cho sự thật – một việc chắc chắn là thiết tha đối với tâm can của họ – là những gì triệu tập họ tới hòa bình bằng việc thứ tha. Việc đổ máu không đòi phải trả đũa mà là van xin việc tôn trọng sự sống, tgôn trọng hòa bình! Chớ gì Ủy Ban Thiết Lập Hòa Bình mới được Tổ Chức Liên Hiệp Quốc thiết lập hiệu nghiệm đáp ứng nhu cầu căn bản này của loài người, bằng việc tất cả mọi phần tử liên hệ sẵn lòng cộng tác.

 

 

Việc dấn thân cho hòa bình mở đường cho những niềm hy vọng mới.

 

Giờ đây, Thưa Quí Vị Lãnh Sự, tôi xin nói đến điểm cuối cùng: đó là việc dấn thân cho hòa bình mở đường cho những niềm hy vọng mới. Ở một nghĩa nào đó thì đây là điểm đúc kết tất cả những gì tôi nói tới. Con người có khả năng biết được sự thật! Họ có một khả năng liên quan tới các vấn đề quan trọng đối với hữu thể và tác hành: là một cá nhân và là một phần tử của xã hội, hoặc một nước hay toàn thể nhân loại. Hòa bình, những gì họ có thể và cần phải dấn thân cho, không phải chỉ là tình trạng im hơi lặng tiếng cuộc đụng chạm vũ khí; hơn thế nữa, nó là một thứ hòa bình có thể phấn khích những nghị lực mới trong các mối liên hệ quốc tế, những mối liên hệ trở thành phương tiện gìn giữ hòa bình. Thế nhưng, điều này có thể xẩy ra nếu những mối liên hệ ấy đáp ứng sự thật về con người và về phẩm giá của họ. Bởi thế mà người ta không thể nói về hòa bình ở những trường hợp con người thiếu thốn cả đến những nhu cầu căn bản nhất để sống xứng với phẩm giá của họ. Ở đây, tôi nghĩ tới vô vàn con người đang chịu đựng đói khổ. Không thể nói rằng họ sống trong hòa bình, cho dù họ không ở trong tình trạng chiến tranh: thật vậy họ là những nạn nhân bất khả tự vệ của chiến tranh. Ngay sau đó là những hình ảnh buồn thảm của các trại khổng lồ khắp thế giới cho những người di tản và tị nạn, thành phần sống trong những điều kiện hết sức cố gắng để thoát khỏi số phận tệ hại song vẫn sống trong cảnh thiếu thốn thảm khốc. Chẳng lẽ những con người này không phải là anh chị em của chúng ta hay sao? Con cái của họ không vào đời có cùng những niềm mong đợi được hạnh phúc như những đứa trẻ khác hay sao? Người ta cũng có thể nghĩ tới tất cả những ai bị những điều kiện sinh sống bất xứng buộc phải di tản xa nhà cửa và gia đình, ôm niềm hy vọng có được một cuộc sống nhân bản hơn. Chúng ta cũng không bỏ qua được nạn buôn người vẫn còn là những gì hổ ngươi ô nhục trong thời đại của chúng ta. 

 

Trước những “thứ nguy ngập về nhân đạo” này cũng như những thảm trạng nhân bản khác, nhiều người thiện tâm, cùng với các tổ chức quốc tế và các cơ quan phi chính phủ khác nhau, thật sự đã tỏ ra đáp ứng. Thế nhưng vẫn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa từ toàn thể cộng đồng ngoại giao để cương quyết trong chân lý và can đảm quảng đại khắc phục những chướng vật vẫn còn cản trở những giải quyết nhân đạo hiệu nghiệm. Và sự thật đòi hỏi là không một Quốc Gia trù phú nào chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc ra tay giúp đỡ, bằng cách trích ra một cách quảng đại hơn nữa các nguồn lợi của mình. Căn cứ vào những dữ kiện thống kê sẵn có, có thể nói rằng gần một nửa số lượng khổng lồ chi phí trên thế giới cho vấn đề vũ trang quá đủ để giải thoát vô số nhiều người nghèo khỏi cảnh cơ cực. Đây là điều thách đố lương tâm nhân loại. Việc dấn thân chung của chúng ta cho sự thật có thể và cần phải mang lại niềm hy vọng mới cho những người sống dưới mức nghèo khổ, phần nhiều là do bởi những mối liên hệ chính trị, thương mại và văn hóa quốc tế, hơn là bởi những hoàn cảnh vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của họ.

 

Quí Vị Lãnh Sự!

 

Trong việc Hạ Sinh của Chúa Kitô, Giáo Hội thấy rằng lời tiên tri của Thánh Vịnh Gia đã nên trọn, đó là “tình thương và lòng trung thành gặp nhau; công lý và hòa bình ôm lấy nhau; chân lý từ đất vọt lên và công lý từ trời nhìn xuống” (85:10-11). Khi chú giải những lời được linh ứng này, vị Đại Giáo Phụ của Giáo Hội là Âu Quốc Tinh, khi bày tỏ niềm tin tưởng của toàn thể Giáo Hội, đã kêu lên rằng: “Chân lý thật sự đã vọt lên từ đất, đó là Chúa Kitô, Đấng đã tự xưng: ‘Thày là Sự Thật’, đã được hạ sinh bởi Vị Trinh Nữ” (Bài Giảng 185).

 

Giáo Hội luôn kín múc sự sống từ chân lý này, thế nhưng, vào giai đoạn phụng niên đây, Giáo Hội thấy nó là một nguồn ánh sáng và niềm vui. Và trong ánh sáng của sự thật này, chớ gì những lời này của tôi ngỏ cùng quí vị đây, thành phần đại diện cho hầu hết các quốc gia trên thế giới, như lời bày tỏ niềm xác tín và hy vọng rằng chỉ có trong chân lý mới có hòa bình mà thôi!

 

Theo tinh thần ấy, tôi xin gửi đến tất cả quí vị lời chân thành chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi cho một Tân Niên  hạnh phúc!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/january/documents/hf_ben-xvi_spe_20060109_diplomatic-corps_en.html