BẮT NẠT

Những nhà khoa học cho rằng trẻ con bị bắt nạt chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn người ta tưởng.

Giống như phần lớn bạn học tại trường trung học Washington, tiểu bang Wisconsin, La Shanda Trimble, 18 tuổi, rất quan tâm tới các trào lưu thời trang. Chính các kiểu cách “thời trang” mà cô mặc đã làm cô tách biệt với các bạn bè khác. Cô là một người gốc Đức thích dùng son môi màu đen và sơn móng tay cũng màu đó. Cô thích nghe những ban nhạc Linkin Park và Rob Zombi hơn là R&B với ngôi sao Ciara. Cô thích cột tóc đuôi gà thay vì kết tóc kiểu nhiều người ưa thích. Những cô bé khác không thích vậy. Một em lớp 11 nói, “bọn chúng tôi thích nghe nhạc rap và pop và ăn mặc như mọi người, chẳng hạn như đi giày mới nhất mới được!”

Vì những kiểu cách khác bạn bè như vậy, Trimble thường bị bạn bè “trừng phạt”. “Khi tôi đi từ đầu lớp đến cuối lớp, tôi nghe những tiếng xầm xì và có ai đó nói ‘Coi đó nó sắp sửa dạy khôn chú mày đó!’” Một thằng bé lấy cây chổi quét lớp cưỡi lên trên và chọc ghẹo Trimble. Đứa khác gọi cô bé là “phô hết sức”, là khùng. Cuối cùng có một ngày cuối tháng tư vừa qua cô bé không thể chịu đựng được nữa. Trimble nói: “Tôi bắt đầu khóc như mưa”. Và bây giờ cô bé học hành thua sút bạn bè vì cô tránh đến lớp ngay cả những lúc không bận rộn gì.

Bắt nạt đã tràn lan khắp ngõ ngách trong trường ngay cả ngoài sân chơi từ khi bắt đầu có nhà trường đầu tiên trên thế giới và mãi cho đến gần đây, giải quyết vấn đề đó vẫn được xem như là bài học đau đầu cần thiết cho cuộc sống học sinh. Nhưng mọi chuyện đang thay đổi. Năm 2002, Hiệp hội Y học Mỹ cảnh báo rằng bắt nạt là một vấn đề liên quan đến sức khỏe công cộng với những hệ lụy kéo dài về thể xác và tinh thần cho cả người bị bắt nạt lẫn người bắt nạt. Mới tháng 4-2005 vừa qua, những nhà nghiên cứu thuộc Đại học UCLA (Đại học California ở thành phố Los Angeles) đã cho ấn hành hai ấn phẩm cho thấy bạo lực kiểu bắt nạt trong nhiều trường hợp đã lan truyền rộng rãi hơn và nguy hại hơn người ta tưởng!

Tân là một học sinh bình thường lớp 8. Ít lúc sau này gia đình thấy em hay lo sợ và ít hăng hái hơn mỗi lần đi học. Hỏi cô giáo, cô nói em vẫn đi học đầy đủ. Trong lớp không có gì đáng phàn nàn. Một hôm, mẹ em đến trường vào giờ chơi. Bà thấy em bị một số em khác rượt đuổi, nắm tóc, kéo áo, nhéo tai, vò đầu. Bà nghĩ các em đùa nghịch. Nhưng khi thấy con mình mệt nhoài, đổ mồ hôi hột và muốn khóc mà lũ bạn không tha, bà hiểu vấn đề không còn nằm trong giới hạn đùa nghịch. Bà nhớ hồi nhỏ đi học, cũng vẫn bị hai chị em hàng xóm học yếu hơn chơi trò đuổi bắt, ký đầu, nắm tóc, giựt áo … không phải đùa chơi, nhưng cố tình phá “cái con nhỏ học hơn mình này” cho bõ ghét.

Bà Adrianne Nishima, một học giả tại Trường Nghiên Cứu Giáo Dục và Thông Tin sau đại học tại trường UCLA cho biết gần một nửa số 192 học sinh mà bà phỏng vấn cho hay họ đã bị bắt nạt ít nhất một lần. Nhiều em còn cho hay họ đã thấy nhiều người là mục tiêu bị bắt nạt. Điều quan trọng – theo bà Nishima – là những đứa trẻ bị bắt nạt cũng như những đứa bắt nạt người khác cả hai đều bị ức chế, căng thẳng và rồi sống không bình thường.

Tại sao chuyện bắt nạt người khác lại hay xảy ra? Không ai biết được nguyên nhân. Nhưng vào cuối tháng 4-2005, một nghiên cứu khác được Viện Lưu Trữ Y Học Trẻ Em và Thiếu Niên phát hành (và đăng trên báo Time, 2-5-2005, cho thấy vấn đề này một phần nào đó gắn liền với việc trẻ em xem TV quá nhiều. Có lẽ thời gian xem TV là thời gian các em không học được gì hết về các kỹ năng phát triển tính cách xã hội của con người. Nhưng (như người ta nói) chuyện bắt nạt người khác đã có từ lâu trước khi có TV, ngay cả ở những nơi không có TV, và mặc dầu nó đã giải thích một phần nào sự tồn tại của vấn đề, nó chẳng giúp được gì cho việc giải quyết cả.

Tuy nhiên, cho dù bắt nạt người khác có nguồn gốc từ đâu, hệ quả của chuyện này thật rõ ràng. Bà Nishima khám phá ra rằng nạn nhân thường cảm thấy mình như bị bệnh nặng và thường hay vắng mặt ở lớp hoặc học hành sa sút. Họ cũng cảm thấy bị ức chế nhiều hơn và hay thu mình lại – đây là một phản ứng tự nhiên. Bà Nishima nói chính tâm lý ấy sẽ dẫn tới việc dễ trở thành nạn nhân hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy nhà trường ít quan tâm tới chuyện bắt nạt này. Đánh nhau thì bị cấm, nhưng còn những hình thức quấy rối khác thì không thấy có biện pháp gì. Chị ABC có hai con đang học lớp 11. Nói chung chị không còn phải là một em bé học sinh khi chị đang ở vào tuổi có tới 40 cái xuân xanh. Ấy vậy mà chị cũng thường hay bị bắt nạt. Ai bắt nạt chị? Một nhóm những bà bạn vô công rỗi nghề. Thấy con cái chị đàng hoàng, thành đạt, họ cũng không quên “Ơi dào, lúc này thằng con chị …”; mốt kia, “À há, con bé của chị lúc này giỏi quá!” Thấy chị có cái áo mới, họ cũng “À, mình cũng có ba bốn cái áo này!” Đại loại những chuyện như vậy. Bắt nạt không còn chỉ là chuyện trẻ nhỏ!

Từ ganh ghét đó chuyển qua chia bè, chia nhóm. Ganh tị và nịnh bợ là hai anh em sinh đôi trong dòng họ tính xấu. Từ trường học trong những nhóm nhỏ bạn bè bắt nạt, lan sang người lớn với những biến tướng trơ trẽn hơn nhiều, thường diễn tiến theo thứ tự: ganh tị, bè phái, nịnh bợ, ngồi lê đôi mách, và nói xấu nhau. Chẳng phải phụ nữ mới có, mà những nhà nghiên cứu cho thấy trong giới đàn ông cũng không thiếu gì những “ông tám”. Tệ hơn nữa là có thêm những người lớn khác về hùa làm cho những quan hệ trên dưới, trong ngoài càng thêm rối rắm. Có điều mấy người mới lớn, hay mới người làm lớn thường hay ưa nịnh hay tối mắt trước những lời ton hót mà làm hỏng cả bản chất con người, mở đường cho “bắt nạt”.

Tiến sĩ William Coleman, giáo sư môn nhi khoa tại Trường Đại Học Y Khoa vùng Bắc California nói, “Bắt nạt có vẽ như dễ dàng thúc đẩy một đứa trẻ phạm tội khi đến tuổi 24, so với những đứa trẻ bình thường khác”. Bắt nạt cũng khiến trẻ trở thành những người lớn thiếu tinh thần tập thể, không sẵn sàng hòa nhập và biến mất kỹ năng sống hòa hợp và hòa nhập với người khác. Lớn lên họ sẽ có ít bạn bè chân thật, có chăng chỉ là những bạn bè “cùng băng cùng nhóm” ngồi lê nói xấu và nịnh bợ. Thích bắt nạt còn làm cho trẻ em thành những người lớn lúc nào cũng cay cú, hằn thù.

Bắt nạt không còn phải là chuyện giỡn chơi của trẻ em đối với cha mẹ và những người có trách nhiệm. Donald MacIntyre và Kim Yoo Seung (tại Seoul) vừa cho biết trong bài viết về South KoreaYouth Gangs (Các băng nhóm thanh thíếu niên Nam Triều Tiên) đăng trên tạp chí Time (2-5-2005) rằng “từ chuyện bè phái bắt nạt bạn bè cùng lớp (như của bà Nishima) đến bắt bạt qua mạng (syberbullying) và cưởng hiếp tập thể chỉ còn cách nhau một bước ngắn. Bà Nishima sau khi nghiên cứu 5.500 thanh thiếu niên tại Los Angeles cho biết 72% số em được hỏi cho biết “bắt nạt trên mạng đã gây stress cho các em không thua gì bắt nạt trước mặt”. Donald MacIntyre và Kim Yoo Seung nói tại Hàn quốc có đến 400.000 học sinh trung học – tức 5% số học sinh toàn quốc – tham gia vào các trò bắt nạt có tổ chức, đe dọa để làm tiền và đôi khi cưởng hiếp tập thể”. Thày giáo Jong dạy tại Trường Trung học Jeon Nong ở Seoul cho hay các nhóm thanh thiếu niên này dùng mạng Internet để tạo thành hệ thống bè phái toàn quốc. “Một điều cha mẹ phải quan tâm là số vụ cưởng hiếp học sinh đã tăng lên gấp ba làn từ giữa khoảng 2001-2003”. Cuối tháng 4-2005, cảnh sát Miryang đã đưa 10 thiếu niên ra tòa án xét xử dành riêng cho tội phạm thiếu niên về tội cưởng hiếp một bé gái 14 tuổi.

Cảnh sát và những nhà tư vấn giáo dục cho rằng nguyên nhân gây ra tình trạng từ ganh đua đến bè phái, ganh ghét và làm hại nhau là vì hệ thống trường học cạnh tranh với nhau tại Hàn Quốc, là vì thiếu sự chăm sóc của cha mẹ khi cả hai cùng bận đi làm, và là vì phim ảnh, trò chơi bạo lực tràn ngập trên TV và trên mạng. Trẻ em bắt chước những thói quen xấu do tò mò, đặc biệt là khi chúng núp đằng sau những băng nhóm.

Có lẽ phải thêm một nguyên nhân nữa đó là chính người lớn làm gương xấu cho trẻ em: ganh tị, nói xấu, bè phái, cửa quyền – và cứ tưởng không hại gì. Nói như Kim Yang Young Hee, tư vấn viên của Trung Tâm Ngăn Ngừa Bạo Lực Hàn Quốc (Korea Sex Violence Relief Center) “trẻ em nghĩ rằng tình dục cũng là một trò chơi, một thứ game. Đó là vấn đề xã hội.

Trở về vấn đề cơ bản: từ đâu hình thành cách ứng xử của thanh thiếu niên? X. sinh trưởng ở miền quê. Anh được gởi vào học ở những trường thành phố. Ngày đi, cha mẹ đưa anh đến gặp cụ già nhất và có quyền nhất trong làng để chào tạm biệt. Cụ già chỉ khuyên anh là anh nên lúc nào cũng nghĩ đến cha mẹ già nua ít học. Anh lên thành phố, đậu đạt và có vai có vế trong xã hội. Dĩ nhiên bên anh có vô số kẻ hầu người hạ và không thiếu gì những kẻ xu nịnh. Anh cũng thích mọi người tôn mình lên làm thần tượng. Dù không nói ra nhưng cứ nhìn những đám “Công Công” và “Tần Cối” bao bọc bên anh thì kẻ ít kinh nghiệm sống nhất cũng biết anh thuộc loại gì. Và bây giờ anh đã quên lời khuyên của ông cụ già làng. Tại sao vậy? Anh không còn ở gần cha mẹ “già nua ít học” và cụ già làng “khó tính, lỗi thời” nữa.

Trong một tài liệu của bộ sách Bách Khoa Toàn Thư Về Gia Đình (the Marshall Cavendish Encyclopedia of Family Health), người ta đọc thấy câu này: “Từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, trẻ em cần cha mẹ cung cấp một môi trường sống an toàn, yêu thương và chính môi trường này có được qua một tình bạn sâu đậm, dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau”. Vai trò cha mẹ thật phức tạp và luôn biến hóa. Có điều chắc chắn là nếu cha mẹ buông rời con cái thì con cái sẽ bị lôi cuốn vào xã hội với những tập thể không có gì bảo đảm là sẽ giúp con cái mình trở thành những người tốt, đó là chưa kể khi cha mẹ còn là “những tấm gương xấu”. Một thí dụ rất nhỏ, ngay trong gia đình nếu một người nào đó không gần gủi và không sống với trẻ em như những người bảo bọc, lo lắng và yêu thương thì đừng trách sao trẻ không yêu mến và gần gũi. “Luôn luôn bị phê bình, trẻ sẽ nghi ngờ mọi giá trị. Trẻ thường thấy ngay là giữa chúng và cha mẹ có những xung khắc giữa quyền hành và ước muốn. Cái gì quá độ, dù khen hay chê, cũng dễ làm cho trẻ khó chấp nhận và rồi sẽ nẩy sinh một thứ “hận thù” nào đó cho đến khi trẻ trưởng thành. Đối thoại khi con cái đã lớn và đã phát triển cá tính trong tình bạn sẽ dễ dàng làm cho con cái dễ chấp nhận vì tính độc lập của trẻ được phát huy.”

Hơn ai hết, cha mẹ phải thấy trước để giúp con cái mình ngăn ngừa hệ quả của bắt nạt, để cứu con cái mình khỏi vòng xoáy của bè phái và nịnh bợ, kể cả của thứ bắt nạt hiện đại trên mạng toàn cầu. Và chính điều đó cũng sẽ giúp con cái trưởng thành biết xa lánh những “tập thể không tốt” của bè phái và nịnh bợ trong xã hội./.

Trần Bá Nguyệt