BÌNH MINH TRÊN QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM,
Một Việt Nam... Thuyền Chờ Cập Bến!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Cái hình ảnh sâu đậm nhất về Việt Nam vẫn còn theo đuổi tôi cho đến nay, sau chuyến xuyên Việt 21 ngày vào đầu hè 2006 vừa rồi, và đã trở thành biểu hiệu cho cái Ấn Tượng Việt Nam trong tôi, đó là hình ảnh một nước Việt Nam hầu như toàn là xe “mô-tô”. Nhất là ở đường phố Hà Nội và Sài Gòn. Những chiếc xe mô-tô chạy ồ ạt, chạy loạn xạ, chạy đâm đầu vào nhau, chạy xoẹt qua mặt nhau, chạy chen lấn nhau, chạy không cho ai qua đường v.v.
Đúng thế, Việt Nam quê hương tôi, trước con mắt của một người Việt kiều như tôi, sau 31 năm tái ngộ, chẳng khác gì như một đàn chiên không chủ chăn về phương diện chính trị. Vâng, Ấn Tượng Việt Nam trong tôi đó là một nước Việt Nam cần có một vị chủ chiên. Chính vì thế, ngay từ khi Ấn Tượng Việt Nam này từ từ hiện hình nơi tôi trong chuyến xuyên Việt vừa rồi, tôi càng thiết tha khẩn cầu hơn cho quê hương tôi, cho dân tộc tôi, sớm được Đấng Quan Phòng Thần Linh là Chúa của lịch sử sai đến đất nước tang thương rách nát, bần cùng, hết sức tội nghiệp đáng thương của tôi, đang gắng gượng chỗi dậy về kinh tế, một Gioan Phaolô II và một Mikhail Gobarchev Việt Nam, để một Đông Âu sụp đổ không đổ máu năm 1989, và một Liên Sô giải thể tốt đẹp năm 1991, được mau chóng tái diễn ở Việt Nam.
Trước hết, nơi Ấn Tượng Việt Nam như đàn chiên không chủ chăn này trong tôi ấy, tôi đã thấy dân tộc tôi long đong lận đận quá sức. Trước khi rời Việt Nam về Mỹ hai ngày, tôi đã đến thăm một gia đình thật là giầu có ở Phú Nhuận, với căn nhà trị giá 400 ngàn Mỹ Kim nhiều năm trước đây, còn đắt hơn cả căn nhà của tôi đang ở Hoa Kỳ hiện nay, mới mua cuối năm 2000. Người chồng đã từng xuất ngoại trên 20 quốc gia. Tủ kính ở phòng khách trưng bày đầy những kỷ vật bốn phương. Tôi cũng có thấy những dinh thự khá sang trọng và độ sộ của tư nhân ở Hà Nội và Sài Gòn.
Thế nhưng, đấy chỉ là những đốm sáng trong một bầu trời đen tối nghèo nàn. Cũng vào mấy ngày cuối trước khi về lại Mỹ, tôi cũng đến thăm một thân nhân ở khu Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn. Gia đình 6 người lớn này được xây dựng trên vùng bùn lầy. Nhà thật là chật chội. Không cửa sổ. Ba chiếc xe mô-tô phải đậu ở ngay giữa nhà. Tối mới dám lên gác mở quạt ngủ không giường. Tất cả diện tích không bằng garage 3 xe của nhà tôi. Tôi đã thấy còn những căn nhà tranh vách đất và nhà tranh vách lá hơn một nửa thế kỷ trước đây, trên đoạn đường từ Sapa lên Bắc Hà thuộc miền thượng du Bắc phần.
Tôi đã thấy những thửa ruộng với những con người gò lưng cấy lúa hay nhổ mạ, thậm chí cầy ruộng bằng những con trâu con bò, trên đường từ Hà Nội đi Hạ Long. Tôi đã thấy khu chợ Bắc Hà ở miền thượng du Bắc Việt, hôi hám, bụi bặm, bẩn thỉu, có người ngồi bán mấy nhánh tỏi, vài trái ớt và dăm thứ rau, không biết có được nửa Mỹ Kim một buổi họp chợ như vậy hay chăng. Tôi đã thấy khu chợ nổi ở nhánh Tiền Giang thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, đầy những chiếc thuyền bán trái cây, ngũ cốc, rau cỏ, từ các nơi tụ về. Tôi đã thấy những phụ nữ chèo thuyền bán rong trên biển, ghé vào chiếc du thuyền từ Hạ Long sang Cát Bà của nhóm du lịch chúng tôi.
Tôi đã hết sức xót xa trông thấy một em gái khoảng 9-10 tuổi, trong số những người phụ nữ bán rong trên biển ấy; đối với tôi, em chẳng chẳng khác gì như một con chim trong lồng, cho dù cái lồng chim thiên nhiên Hạ Long, với cả 3.000 thạch đảo, bao chiếm một vùng biển rộng 3.880 cây số, có được kể từ năm 1994 là di sản của thế giới đi nữa, cũng chỉ là những gì che khuất chân trời tương lai của em. Tôi đã thấy một trường học nhỏ xíu trên biển, được thiết lập cho nhóm các gia đình sống từng chùm trên biển. Tôi đã nghe một em trai, cũng khoảng 9-10 tuổi, ở bến xe và bến đò đưa đón khách tham quan Động Phong Nha, Tỉnh Quảng Bình, đã năn nỉ khách du lịch mua cho em một tập ảnh Phong Nha, 10 tấm, 10.000 đồng Việt Nam (khoảng 60 cents Mỹ), với những lời lẽ đứt ruột như sau: “Làm ơn mua cho con một bộ để con lấy tiền mua sách học”.
Tôi đã thấy đầy những anh xe thồ (hay xe ôm) săn đón, ngay trước mỗi khách sạn tôi ở, mời mọc để chở khách du lịch đi đây đi đó bằng chiếc xe mô-tô của họ, mỗi chuyến trung bình là 10.000 đồng Việt Nam, và mỗi ngày may mắn được 5 hay 6 chuyến, tức được khoảng 3 Mỹ Kim một ngày, một tháng quãng 100 Mỹ Kim. Tôi đã nghe các giáo viên ở Phan Rang cho biết, lương tháng của họ chỉ được tương đương với 100 Mỹ Kim. Tôi đã được các người tài xế du lịch cho biết lương của họ khá lắm vào khoảng tương đương từ 100 đến 150 Mỹ Kim một tháng.
Tôi đã nghe một người đầu bếp ở một khách sạn sang trọng tại Sài Gòn cho biết lương của anh hằng tháng tương đương với 100 Mỹ Kim. Tôi đã nghe tâm sự của một người canh gác (security officer), ở khu nghỉ mát Đen Giòn Ninh Chữ thuộc thị xã Phan Rang tỉnh Ninh Thuận, về số lương 12 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần là 500.000 đồng Việt Nam, tương đương với 30 Mỹ Kim, tức mỗi ngày 1 Mỹ kim. Tôi thấy những người đánh giầy ở khu vực nhà ga Lào Cai thuộc miền thượng du Bắc phần, cắm cúi ngồi lau giầy cho khách du lịch, 5.000 đồng Việt Nam (hay 30 cents Mỹ) một đôi, mỗi ngày may mắn kiếm được số tiến tương đương với hai hay ba Mỹ kim.
Thế nhưng, cho dù nghèo nàn mấy đi chăng nữa, tôi cũng chỉ thấy một số rất ít người dân tôi đi “ăn xin”, ngoài mấy người tôi gặp, vì tật nguyền quả thực không còn làm gì được nữa mới đành vuốt mặt làm như thế. Bởi thế, tôi rất hãnh diện về tinh thần tự lực mưu sinh của dân tôi. Cho dù có phải đội thúng cát để xây cất trên đầu, rất nặng nề mệt nhọc, từ thuyền lên bờ như ở bến cảng Cát Bà, hay từ đồi xuống thung lũng, như ở Saba, không biết có được lấy một Mỹ kim một ngày hay chăng, song tôi cũng không thấy một người dân tôi lành lặn nào ở Việt Nam đứng đường “ăn xin” như ở Mỹ, vùng Los Angeles và Orange County California chẳng hạn, hầu như toàn Mỹ trắng, với tờ giấy giơ lên “work for food”. Trái lại, tôi đã gặp 2 em gái Hmong ở Saba, nhất định không lấy tiền cho không, mà chỉ lấy tiền bán đồ của các em mà thôi.
Thậm chí tôi cũng chẳng thấy, hoặc chưa thấy, những vụ cướp giật ngoài đường, suốt chuyến xuyên Việt của tôi. Trước khi về thăm quê hương, tôi đã được không ít người cảnh giác về tình trạng trộm cướp ở Việt Nam, nhất là nơi các thành phố. Họ khuyên chúng tôi mua sắm những thừ đeo cổ hay đeo bụng. Họ chỉ cho chúng tôi cách thức giấu tiền, giấu giấy tờ. Họ dặn chúng tôi đừng đi sát người nào hay để người nào đi sát mình. Đừng mở bóp hay ví trước mặt người khác v.v. Trái lại, tôi đã thấy ít là hai trường hợp hoàn toàn ngược hẳn lại, xẩy ra nơi giới trẻ, một ở giới trẻ trong nước và một ở giới trẻ Việt kiều, trong chuyến xuyên Việt hè 2006 này.
Thật vậy, có một em hướng dẫn viên du lịch (tour guide), khoảng hai mươi mấy tuổi, tuổi ra trường đại học ngành du lịch Việt Nam, trẻ như ba người hướng dẫn viên du lịch của tôi ở 3 miền bắc, trung, nam. Em dẫn một nhóm thanh niên nam nữ sinh viên ngoại kiều tham quan Vịnh Hạ Long. Họ là nhóm ngủ trên chiếc du thuyền nhóm chúng tôi đi ké vào ngày hôm sau, từ Cát Bà về Hạ Long. Tuy nhiên, chiếc du thuyền này đã ngừng lại ở ngoài khơi, nhất định không chịu vào bờ. Vì một chiếc chìa khóa bị gẫy, theo nhân viên của chiếc du thuyền, gây ra bởi một nam sinh viên của em hướng dẫn viên du lịch. Tuy người sinh viên này nói rằng chiếc chìa khóa ấy bị gẫy trước rồi, song anh ta vẫn sử dụng để đóng mở được cửa phòng như thường, như anh chứng minh cho nhân viên du thuyền thấy rõ điều ấy.
Nhưng chủ thuyền, khi được nhân viên lái thuyền gọi điện thoại di động về văn phòng trung ương xin giải quyết vấn đề, đã bắt người sinh viên này phải bồi thường 100.000 đồng Việt Nam (tương đương với 6 Mỹ kim). Bằng không, thuyền sẽ không vào bến. Bất kể các du khách khác có muốn lên bờ tiếp tục cuộc du hành. Nhưng anh chàng sinh viên ấy nhất định không trả, vì cảm thấy mình không có lỗi. Biết được đầu đuôi câu truyện, tôi đã nói với người lái thuyền rằng, tôi sẽ bồi thường cho chiếc chìa khóa. Nhưng ngay sau đó, tôi đã thấy chính em hướng dẫn viên du lịch đưa tiền cho người lái thuyền. Chiếc thuyền bắt đầu tiến vào bờ, khi người lái thuyền cho biết, số tiền bồi thường của em hướng dẫn viên du lịch ấy còn lớn hơn cả số tiền em làm một ngày nữa. Gia đình tôi và một gia đình Việt kiều khác, thấy vậy, đã góp nhau bù lại cho em trọn số tiền em đã hy sinh bỏ ra vì quyền lợi của tha nhân.
|
Cái gì đã làm cho chiếc du thuyến chạy lại, dù nó không bị hỏng - phải chăng vì khả năng của người lái tầu, hay vì sức mạnh của đồng tiền, của 6 Mỹ kim bồi thường? Đối với chủ chiếc du thuyền này thì đúng là vì tiền bạc vật chất. Song đối với khách du lịch thì chính là do bởi tinh thần dấn thân phục vụ của con người trẻ biết hy sinh sống cho tha nhân. Chớ gì chiếc tầu Việt Nam quê hương tôi, đang vẫn còn ngập ngừng lưỡng lự chưa muốn cập bến bờ tự do dân chủ trước mắt, tuy đã thực sự hướng về phía chân trời này rồi, vì những trục trặc nơi một số cá nhân nào đó hiện nay, cũng sẽ bị chi phối bởi sức mạnh tinh thần của một thiểu số nào đó hết sức yêu thương dân tộc. Nếu lịch sử được làm chủ bởi Đấng Quan Phòng Thần Linh, thì chắc chắn, nơi một số cá nhân nào đó được Ngài sử dụng và sai đến, như vẫn thường xẩy ra trong lịch sử loài người, với sức mạnh của tinh thần nơi họ, một quyền lực mạnh hơn sự chết, hơn tất cả mọi sự dữ, lịch sử chắc chắn sẽ được đổi thay, không sớm thì muộn, vào thời điểm thần linh của Ngài!
Ngoài ra, tôi còn thấy ‘hy vọng đã vươn lên’ cho một quê hương Việt Nam tôi, nơi một người trẻ Việt kiều trong nhóm du lịch xuyên Việt hè 2006 của tôi nữa. Đúng vậy, em này vừa ra trường ở đại học tiểu bang California ở Irvine UCI, với cấp bằng lưỡng cử nhân tâm lý và xã hội, hôm Thứ Bảy 17/6/2006, khi em mới 21 tuổi rưỡi. Cùng với hai em (1 trai 20 và 1 gái 15), cả ba đều sinh ở Mỹ, các em đã theo bố mẹ về thăm nguyên quán quê hương gốc Việt của các em. Hôm Thứ Năm ngày 6/7, phái đoàn Việt kiều chúng tôi, trên đường từ Đà Lạt về Vũng Tầu, có chương trình đến thăm trại cùi Di Linh Lâm Đồng. Khi vừa gặp sơ điều hành trại cùi này ở phòng tiếp tân, người đại diện phái đoàn đã trao cho sơ 1.000 Mỹ kim (góp lại từ ba nơi, gia đình của 3 em trên đây, 1 người chồng vừa góa vợ đang ở Orange County, và 1 em gái vừa lập gia đình ở Tổng Giáo Phận Los Angeles), một số tiền được sơ nói ngay là ‘lớn quá’. Không ngờ, sau khi viếng thăm các nơi, được thấy tận mắt những con người đáng thương, cả già lẫn trẻ, cả nam lẫn nữ v.v. mà em chưa từng gặp, trước khi từ giả lên đường, em đã tự động âm thầm đến gặp riêng sơ điều hành, đưa cho sơ thêm 500.000 đồng Việt Nam (khoảng 33 Mỹ kim), số tiền được em cho biết là từ quà tặng ra trường của em. Sơ điều hành hết sức ngỡ ngàng cảm động trước đồng tiền bà góa so với số tiền 1.000 Mỹ kim của người lớn lúc đầu!
Chưa hết, mấy hôm sau, khi phái đoàn Việt Nam xuyên Việt hè 2006 chúng tôi đến thăm Vương Cung Chính Tòa Sài Gòn, chiêm ngưỡng pho tượng Đức Mẹ Hòa Bình, (với dung nhan không còn thấy những giọt nước mắt như phim ảnh quay chụp được hôm xẩy ra biến cố Thánh Mẫu Châu Lệ Sài Gòn ngày Thứ Bảy 29/10/2005), có ghé sang thăm khu nhà xứ ở ngay bên kia đường. Vì hôm ấy là Thứ Hai, 10/7/2006, nhà sách khá lớn ở trong khu này đóng cửa, chỉ có lớp dạy các em câm điếc là mở thôi. Bấy giờ, cũng đã hết giờ học. Có một số em nam nữ, trong thời gian đợi ở cổng, chờ người nhà đến đón về, đang chơi đùa với nhau một cách vui tươi hồn nhiên, như không hề cảm thấy cái bất hạnh của thứ tật nguyền câm điếc nơi các em. Người đàn ông đứng ở đấy bấy giờ, được hỏi chuyện, đã cho biết lớp học câm điếc này là do một nữ tu xuất khởi xướng và đảm trách, nhận được trợ cấp ít nhiều từ các nơi để phục vụ thành phần trẻ em xấu số này.
Con người trẻ mới ra trường về ngành tâm lý xã hội này đến làm quen với các em, bằng những cử điệu cố gắng diễn tả mối thân tình với các em. Khi phái đoàn sửa soạn sang Vương Cung Thánh Đường dự lễ hằng ngày vào buổi chiều, lúc 5 giờ 30, để tạ ơn cho chuyến đi, trước khi lên đường về lại Hoa Kỳ vào ngày hôm sau. Kiểm điểm người thì thấy thiếu con người trẻ này. Tìm mãi mới thấy em đang ở trên lầu hai, trong phòng khách của bà giám đốc sáng lập viên, người cho biết là em vừa tặng cho trường lớp câm điếc của bà một số tiền là 180.000 đồng Việt Nam, tương đương với 10 Mỹ kim. Tuy số tiền chẳng là bao nhiêu so với những nguồn trợ cấp bà nhận được từ trước tới nay, nhưng cũng không khỏi làm bà, như những lời bà bày tỏ bấy giờ, hết sức cảm kích trước cử chỉ cao đẹp rộng lượng của một em thanh niên Việt kiều đầy tình người này. Cái lớn lao ở đây không phải là tiền bạc mà là tinh thần quảng đại hy sinh bản thân cho người khác!
|
Về lại Mỹ quốc, người thanh niên Việt kiều này được cha mẹ tổ chức một bữa tiệc ra trường, vì khi em vừa ra trường thì phải lên đường về Việt Nam ngay, chưa kịp thực hiện. Bạn bè thân thiết cùng họ hàng thân quyến của em được mời đến tham dự. Chúng tôi cũng có mặt trong buổi mừng với con số trên 50 người này. Đối với tôi, cảm động nhất là lúc em mở quà. Em đã bóc một số bao thư có tiền ra, sau đó tuyên bố rằng em sẽ mở một saving account. Mẹ em nói rằng em đã có một trương mục tiết kiệm rồi mà. Em đáp cái saving account mới này là để giành “cho Việt Nam”.
Nếu quả thực giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và xã hội, thì, qua hành vi cử chỉ hiệp thông đầy tình người của hai người trẻ tôi được hân hạnh gặp gỡ trên đây, hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa độc đảng ở Việt Nam và cá nhân chủ nghĩa ở Hoa Kỳ hiện nay, thì nơi mảnh đất quê hương đầy huyết lệ suốt giòng lịch sử của nó đang âm thầm nẩy lên những mầm sống chân thiện bất diệt, và tôi cảm thấy như bình minh đang le lói ở Chân Trời Việt Nam!