LÀM CON PHẢI HIẾU
Trần Mỹ Duyệt
“Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”. Thử hỏi có Kitôi hữu nào mà không một lần đọc hoặc nghe câu này. Vậy mà trong đời sống thực hành, nhiều người đã coi như chưa bao giờ nghe và chưa bao giờ đọc nó cả.
Những chuyện chửi cha, mắng mẹ. Những chuyện khinh thường và bất kính với cha mẹ là những chuyện xảy ra thường ngày như cơm bữa, đặc biệt, trong bối cảnh xã hội thời nay. Cây thơ sau đây không chỉ đúng ở vào thời điểm 40, 50, mà ngay trong thời đại của chúng ta:
“Nhà kia lỗi đạo, con khinh bố.
Mụ nọ chanh chua, vợ chửi chồng”
(Tú Xương)
Đâu đâu và hầu như trong mọi câu chuyện mà các phụ huynh lớn tuổi nói về con cái, thường bao giờ cũng kèm theo lời ca thán, phàn nàn. Ngược lại, khi các thanh thiếu niên nói đến cha mẹ mình thì cũng lại phàn nàn, ca thán. Những kinh nghiệm này tôi đã tiếp nhận được bằng những va chạm thường ngày trong nghề nghiệp của mình. Và mới đây qua báo chí và truyền thông, tôi đọc được câu truyện một người con đã giết chết mẹ mình, chặt đầu, chặt chân tay và xẻ thịt mẹ mình đem nướng chín để vào tủ lạnh vì sợ rằng để ở ngoài sẽ bị hôi thối và bị lộ tẩy. Rốt cuộc đứa con có máu lạnh này cũng sa lưới pháp luật. Những điều này càng làm cho tôi thâm tín hơn giới luật “thảo kính cha mẹ”, mà Chúa đã truyền cho con người.
1. Ảnh hưởng băng hoại của xã hội
Nghĩ đến những đối xử tàn tệ với cha mẹ, tự nhiên tôi lại nghĩ thêm về điều mà ta gọi là “nhân quả”, là “quả báo”, khi thấy cha mẹ thời nay “giết” con mình một cách không gớm tay. Giết một cách tàn bạo. Giết không những một đứa, mà có khi hai hoặc ba đứa. Đó là những vụ phá tha, giết thai nhi một cách công khai hay lén lút. Tôi muốn nhắc lại kết quả khảo cứu mà các nhà xã hội và tâm lý gần đây cho biết, đó là quan niệm ngày nay, không mấy ai cho hành động phá thai là một hành động giết người và tội lỗi nữa. Mặc cảm tội lỗi do hành động phá thai đã bị loại khỏi danh sách những hội chứng tâm lý. Khoảng chừng gần 20 năm trước, khi đề cập đến việc giết thai nhi, các nhà tâm lý đã liệt kê nó là một hội chứng tâm bệnh. Các phụ nữ thời đó cũng cùng một quan niệm như vậy. Nhiều phụ nữ sau khi phá thai đã đau khổ và hối hận suốt đời. Một vài người đã rơi vào tình trạng tâm bệnh vì những ảnh hưởng dồn nén và hối hận. Trái lại, ngày nay hành động phá thai đối với nhiều phụ nữ được coi như một động tác đau bụng và đi cầu. Có nghĩa là chỉ nhói đau dăm ba phút để rồi sau đó thấy mình nhẹ nhõm, quẳng đi được “cái của nợ” mà mình đã không may vướng vào. Cha mẹ thời nay, ở một nghĩa nào đó, quả thật có quá nhiều tội lỗi đối với con cái. Tuy Thượng Đế không liệt kê những tội danh nào mà cha mẹ đã làm đối với con cái, nhưng ít nhất những hành động sau đây là những gì vẫn thường xẩy ra mà cha mẹ đã làm đối với con cái:
1. Phá thai: Mỗi năm có bao nhiêu triệu, triệu thai nhi bị giết. Ai giết và giết bằng cách nào thì những phụ huynh đã trải qua những lần phá thai đều biết. Đây là một tội danh ghê tởm nhất mà những kẻ làm cha mẹ có thể làm cho con cái. Tội danh này đến các loài thú vật cũng không làm cho con cái mình, ngoại trừ con người.
2. Thiếu trách nhiệm giáo dục: Trong bổn phận làm cha mẹ, rất nhiều phụ huynh đã bỏ rơi con cái mà không hề để ý quan tâm giáo dục chúng. Điều này đã được kiểm chứng qua những hồ sơ phạm pháp của các em tuổi vị thành niên. Có thể nói, đến 99% các vụ phạm pháp của các trẻ em tuổi này có xuất xứ từ một ảnh hưởng giáo dục xấu trong gia đình, đặc biệt, là ảnh hưởng của cha mẹ.
Không những lơ là việc giáo dục, nhiều phụ huynh còn hành hạ và ức chế con cái mình về tinh thần cũng như thể xác. Đánh đập, hành hạ, và khủng bố tâm lý. Nhiều em đã mất hẳn tình cảm đối với gia đình và cha mẹ vì bị những ảnh hưởng trầm trọng về tâm lý dưới sức khống chế độc đoán của người cha hay người mẹ, hoặc cả hai.
3. Bỏ rơi con cái: Hành động bở rơi ở đây không chỉ có trong lãnh vực tâm lý mà còn ở trong lãnh vực thể xác nữa. Những văn phòng xã hội, những hiệp hội bảo vệ trẻ em ngày đêm hoạt động. Những tổ chức buôn bán trẻ vị thành niên, tất cả ít nhiều đều liên quan đến việc bỏ rơi con cái của nhiều phụ huynh.
4. Con cái gánh tội cha mẹ: Những cha mẹ nghiện hút, rượu chè. Những cha mẹ ngày đêm hoang phí sức lực và tinh thần mình bằng việc sử dụng cần sa, ma tuý, và trác táng dục tình. Họ không hề nghĩ rằng qua những hành động ích kỷ ấy, những đứa con bệnh hoạn đang chuẩn bị vào đời sẽ phải gánh lấy hậu quả những hành động của họ. Hội chứng Down Syndrome, Cerebral Palsy, Mental Retardation, Autism, schizophrenia, buồn chán, tự tử, hay các tâm bệnh khác đều bắt nguồn từ những hậu quả mà những cha mẹ vô trách nhiệm đã để lại cho con cái mình.
Cũng chính vì thế, mà tình trạng hành hung, đối xử tàn tệ với người già cả, lớn tuổi ngày nay đang trở thành một hành động bình thường. Những người già cả, lớn tuổi ở các nước Âu Mỹ, nhất là nước Mỹ không mong gì được sự kính nể, nhường bước của giới trẻ như những gì chúng ta thường nghe và thấy ở những quốc gia như Việt Nam. Tuy nhiên, tại Việt Nam lúc này cái hậu quả của “quả báo” kia xem ra cũng khá nhiều và khá trầm trọng, vì rằng tỷ số phá thai ở Việt Nam bây giờ được coi như nhất nhì Đông Nam Á.
2. Đạo hiếu và giới răn thứ 4:
Tuy nhiên, giới luật của Chúa vẫn là “đèn soi lối con đi”, và vẫn là những gì mà “một chấm, một phẩy cũng không qua đi”. Và vì thế, bổn phận người làm con vẫn là phải làm thế nào để đáp lại công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ.
Chúng ta được sinh ra làm người, và đặc biệt hơn là người Công Giáo. nhân dịp tháng Năm, tháng hoa kính Đức Mẹ, và cũng có ngày hiền mẫu, chúng ta hãy cùng nhau suy tư về một số quan điểm thần học Kitô Giáo đối với nền văn hoá dân tộc, ứng dụng vào hành động thảo hiếu không chỉ dành riêng cho người mẹ mà cả cha lẫn mẹ.
Tại Việt Nam do ảnh hưởng của Nhọ Học, hiếu thảo không còn thuầy túy chỉ là một hành động có tính cách đạo đức xã hội, mà còn được gọi là một đạo: Đạo hiếu. Nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên, nhang khói, và hoa quả. Điều đó nói lên rằng, với truyền thống văn hóa từ lâu đời, người Việt chúng ta vẫn sống và thực hành đức hiếu thảo một cách hết sức cung kính và trang trọng, không chỉ có tính cách xã hội mà còn đi vào tâm thức tâm linh và cuộc sống nội tâm của con người nữa. Do đó, việc bất kính hay hành động bất hiếu với cha mẹ được coi như một trọng tội. Điều này không khác với những gì mà Thiên Chúa đã truyền dậy cho con người qua quan niệm thần học Kitô Giáo.: “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”.
Trước đây, do sự hiểu lầm và cắt nghĩa một chiều của một số nhà truyền giáo, Đạo Công Giáo đã được coi như một tà đạo, một đạo ngoại lai chối bỏ cội nguồn, bất hiếu, vì đã chối bỏ hành động tôn kính tổ tiên.
Thật ra như vừa trình bày do hai cái nhìn và hai quan niệm mới gặp nhau nên sự hiểu lầm đã xẩy ra và ảnh hưởng ác cảm cũng phần nào đi vào với lối sống đạo và suy tư của một phần các tín hữu Kitô Giáo Việt Nam.
Nhưng nếu chúng ta để ý đọc và suy niệm lời Chúa, và nhất là sống lời Chúa, thì chúng ta sẽ thấy rằng không phải chỉ trong giáo thuyết của Ngài, mà chính Chúa Giêsu đã làm gương thực hành đạo hiếu một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất. Hiếu thảo đối với Cha Trên trời. Hiếu thảo đối với hiền mẫu mình là Maria, và hiếu thảo với Thánh Phụ Giuse, Cha nuôi công chính của Ngài. Thánh Kinh đã ghi rõ: “Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài” (Luca 2:51). Ý ám chỉ sau biến cố lạc nhau ở đền thờ Giêrusalem, và sau khi cha mẹ Ngài tìm gặp Ngài, thì Ngài đã trở về nhà vâng phục cha mẹ mình. Và khi nói đến kết quả của sự vâng phục và hiếu kính ấy, Thánh Kinh đã ghi rõ: “Phần mình, Giêsu lớn lên khẻo mạnh, khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và con người” (Luca 2:52). Điều này nói lên rằng Chúa Giêsu có lớn lên, khỏe mạnh, khôn ngoan và đầy ơn sủng Thiên Chúa, chính là vì Ngài là một người con có hiểu và vâng phục.
10 điều luật mà Thiên Chúa đã ban cho Maisen để làm tiêu chuẩn và thước đo sự thánh đức của mỗi người, trong đó có luật: “Hãy thảo kính cha mẹ”. Điều luật này, Ngài xếp thứ 4 sau ba điều dành ưu tiên cho Ngài. Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, và nhất là khi nghĩ tới giới luật thứ 4 của Thiên Chúa, chúng ta cũng cần phải suy nghĩ và tự hỏi: “Giới luật thứ 4 là thảo kính cha mẹ” đối với tôi có nghĩa gì? Có bao giờ tôi nghĩ rằng nếu phạm 1 trong những giới luật của Thiên Chúa như bỏ lễ Chúa Nhật, tà dâm, gian dối, và ngoại tình với vợ chồng người sẽ đem tôi vào hỏa ngục, thì liệu việc tôi bất hiếu, bất kính với cha mẹ tôi có đủ lý để đưa tôi vào hỏa ngục hay không? Hay nếu tôi không muốn nhìn khía cạnh này bằng cặp mắt bi quan, và tiêu cực, thì liệu tôi có bao giờ nghĩ rằng những lời nói, hành động, và tâm tư tôi đối với cha mẹ mình cũng sẽ là một phần phúc cho chính cuộc đời của mình và con cháu mình sau này không?
3. Hãy thảo kính cha mẹ:
Một trong những việc làm hiếu thảo nhất là sống sao nên người con của cha mẹ. Đừng để vì mình mà cha mẹ bị mang tiếng xấu và tủi hổ. Trong Nho Giáo, vì mình mà để cho người khác xúc phạm đến cha mẹ mình là một tội bất hiếu. Riêng đối với Công Giáo, và theo tinh thần giới răn thứ 4, thì việc bất hiếu, bất kính và coi thường cha mẹ không chỉ là một trọng tội mà nó còn có khả năng đẩy ta xuống hỏa ngục, như đã trình bày trên.
Chúng ta thấy một hình ảnh tương phản này, là khi con còn bé thơ, cha mẹ mong cho con chóng biết đi, biết chạy. Khi còn tập tễnh bước những bưóc đầu đời cha mẹ theo sát để bảo vệ. Nếu không may, con vấp ngã thì chính cha mẹ là người cảm cái đau trước khi con cất tiếng khóc. Nhưng khi về già, con cái đi trước, cha mẹ già lủi thủi theo sau. Và nếu không theo kịp sẽ bị con quay lại mắng vốn: “Đi đứng gì mà chậm chạp, và lâu la thế”. Qua cái nhìn của giới răn thứ 4, và qua cái nhìn của Đạo Hiếu, chúng ta, những người con hãy nghĩ xem rằng mình phải có bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ như thế nào?
1. Trọng kính vâng lời khi còn bé: Điều này cũng áp dụng cả khi chúng ta đã khôn lớn. Hành động trọng kính và vâng lời là hành động của những người con, dù những người con ấy là bất cứ ai và ở vào tuổi tác nào.
2. Giúp đỡ an ủi khi cha mẹ khi già yếu: Sự giúp đỡ không chỉ nhằm tới tính cách vật chất, mà còn cả về mặt tâm lý và tinh thần.
3. Đừng để vì mình mà cha mẹ bị người đời khinh dể.
4. Cầu nguyện cho cha mẹ khi các ngài đã qua đời: Không phải chỉ là mỗi năm một lần xin lễ, mà là mọi ngày trong lời kinh nguyện của chúng ta.
5. Nhắc nhớ về cội nguồn: Nhiều gia đình treo đầy các thứ hình ảnh, nhưng không có một hình ảnh cha mẹ, ông bà nào được treo lên để con cháu biết mà hãnh diện về nguồn gốc của mình.
6. Bảo tồn ngôn ngữ: Đối với những người Việt tha hương thì vấn đề ngôn ngữ vẫn là một trăn trở lớn lao mà các bậc phụ huynh cần để ý. Chúng ta không thể nào nghĩ rằng con cái mình sẽ duy trì được truyền thống và tinh thần văn hóa của minh, khi chúng không biết đọc, không biết viết, và không biết nói tiếng Việt.