Phải chăng việc nghiên cứu thân bào phản luân thường đạo lý?
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Lý do tại sao chúng ta cần phải chú trọng đến vần đề này hơn bao giờ hết, đó là vì càng ngày người ta đang nhân danh khoa học và nhân danh lợi ích y khoa đến độ gạt bỏ nguyên tắc luân lý phổ quát, bất chấp đạo lý, để làm một việc phản luân thường đạo lý, đó là việc hủy diệt sự sống con người và phạm đến phẩm giá con người trong vấn đề nghiên cứu tế bào gốc từ tế bào phôi thai của con người rồi sau đó hủy diệt các tế bào phôi thai này đi.
Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào vấn đề, chúng ta nên phân biệt một chút về từ ngữ “stem cell” trong tiếng Mỹ mà tiếng Việt đang được dịch/gọi là “tế bào gốc”. Thế nhưng, theo tôi, cả về ngữ vựng lẫn ý nghĩa của việc nghiên cứu này, thì stem cell nên dịch và nên gọi là “tế bào thân” hay “thân bào”. Vì chữ “stem” ở đây, về danh từ có nghĩa là “thân”, và về động từ có nghĩa là là “xuất phát”, “nẩy sinh”. Thật vậy, “stem cell” là một loại tế bào thân, tức một loại tế bào đưlợc xuất phát hay nẩy sinh từ một tế bào khác, như nguồn gốc của nó, như tế bào của cái nhau hay tế bào từ phôi thai bào con người. Tế bào của cái nhau hay tế bào của phôi thai nhân bào mới là tế bào gốc, chứ không phải “stem cell”, tức loại tế bào được con người chế tạo bởi các thứ tế bào gốc của nó.
Thật vậy, mới đây, tại Âu Châu cũng như tại Hoa Kỳ, những nơi được cho là văn minh nhất thế giới, văn minh Tây Phương, văn minh Âu Mỹ, vấn đề này được bùng lên hết sức dữ dội, giữa hai trào lưu đối chọi nhau, trào lưu duy thực dụng (utilitarianism), một trào lưu chỉ biết cái lợi trước mắt và trên hết, và trào lưu phò sự sống (pro-life) cùng phẩm vị con người.
Đụng Độ tại Hoa Kỳ
Đúng thế, về vấn đề đạo lý sinh học liên quan tới việc nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai nhân bào, tại Hoa Kỳ, trào lưu duy thực dụng có thể nói là đa số lập pháp gia thuộc lưỡng viện của Quốc Hội Hoa Kỳ, với dự luật H.R.810, trước hết được Hạ Viện thông qua vào tháng 5/2006, sau đó được Thượng Viện thông qua hôm thứ ba 18/7 với số phiếu 63-67, một dự luật đã được Hạ Viện thông qua từ tháng 5/2006, một dự luật đề cao việc nghiên cứu làm hủy hoại các phôi thai bào con người, cho phép các đôi phối ngẫu có những phôi thai bào đông lạnh để sử dụng cho những thứ chữa trị về thai nghén được cống hiến cho các nhà nghiên cứu hơn là để các phôi thai bào ấy bị hủy diệt đi.
Thế nhưng, bên phò sự sống, tiêu biểu là cá nhân Tổng Thống Bush và chính phủ của ông, hôm Thứ Tư 19/7, đã dùng quyền phủ quyết dự luật này. Trong cuộc phủ quyết này, Tổng Thống Bush đã nói về lý do khiến ông cần phải phủ quyết, một lý do theo chiều hướng đặc Công Giáo, như sau:
· “Dự luật này sẽ là những gì ủng hộ việc lấy đi mạng sống của con người vô tội với niềm hy vọng mang lại lợi ích về y khoa cho các kẻ khác. Nó vượt quá biên giới lãnh vực luân lý là lãnh vực xã hội nề nếp của chúng ta cần phải tôn trọng. Bởi vậy mà tôi phủ quyết nó”.
Tham dự vào biến cố này ở Tòa Bạch Ốc có một nhóm gia đình với những đứa con được sinh ra từ những phôi thai bào ‘thừa nhận’ đông lạnh đã vốn từng bị bỏ bê không được sử dụng đến ở các y viện cấy thai. Tổng Thống Bush đã nói về những đứa trẻ này như sau:
· “Những em trai em gái này không phải là những thứ dư thừa. Các em nhắc nhở chúng ta về những gì bị mất mát khi các phôi thai bào bị hủy đi cho vấn đề nghiên cứu. Các em nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta bắt đầu cuộc đời của chúng ta như là một tổng hợp nhỏ của các tế bào….
“Nếu dự luật này trở thành luật thì thành phần đóng thuế Hoa Kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, buộc phải tài trợ cho việc cố tình hủy hoại đi những phôi thai bào con người, nên tôi sẽ không để cho nó xẩy ra”.
Thành phần duy thực dụng tất nhiên chống đối việc Tổng Thống Bush phủ quyết cho rằng chính sách của ông quá hạn chế. Ông Lawrence T. Smith, chủ tịch Hiệp Hội Bệnh Tiểu Đường Hoa Kỳ, đã gọi việc phủ quyết này là ‘một thứ thụt lùi kinh khủng đối với 20.8 triệu trẻ em và người lớn Hoa Kỳ mắc bệnh tiểu đường – và những ai yêu thương chăm sóc cho những người ấy’.
Ngược lại, việc phủ quyết của Tổng Thống Bush rất hợp với chủ trương phò sự sống và phẩm vị con người của Giáo Hội Công Giáo. Đó là lý do, hôm Thứ Ba 18/7, vị giám đốc điều hành văn phòng hoạt động phò sự sống của hội đồng giám mục Hoa Kỳ là Gail Quinn đã cảnh báo là việc thông qua dự luật để khuyến khích việc hủy hoại các phôi thai bào của con người để làm thân bào là việc ‘Thượng Viện Hoa Kỳ thực hiện một thứ báo hại cho sự sống con người cũng như cho mục đích tiến bộ của y khoa”. Theo vị giám đốc điều hành này thì:
· “Không có một thứ thành đạt về kỹ thuật nào được gọi là ‘tiến bộ’ nếu nó đưa chúng ta thoái lui đối với sự sống của con người. Dự luật H.R.810 chú trọng tới việc nghiên cứu làm hủy hoại các phôi thai bào con người cũng tỏ ra coi thường những trị liệu hiệu nghiệm và hợp luân lý nơi việc sử dụng các thứ thân bào già và thân bào nhau, những thứ thân bào đã được bắt đầu trị liệu các bệnh nhân bị hằng chục loại bệnh. Vì dự luật này không sử dụng những đường lối hiệu nghiệm này mà động lực nghiên cứu thân bào từ phôi thai bào thực sự là những gì đe dọa gây tác hại cho chính các bệnh nhân vậy”.
Và vào hôm Thứ Tư 19/7, tức vào chính ngày dự luật H.R.810 bị Tổng Thống Bush phủ quyết, vị phó giám đốc của Văn Phòng Hoạt Động Phò Sự Sống của hội đồng giám mục Hoa Kỳ là Richard M. Doerflinger, sau khi Tổng Thống Bush phủ quyết dự luật trên, đã phát biểu như sau tại Tòa Bạch Ốc như sau:
· “Chúng tôi hôm nay ca ngợi Tổng Thống Bush về những lời lẽ và hành động của ông liên quan tới dự luật liên quan tới vấn đề nghiên cứu thân bào.
“Trong bài diễn văn ở East Room Tòa Bạch Ốc, tổng thống đã nhấn mạnh rằng việc tiến bộ của việc chữa trị những bệnh nạn tàn hại cần phải được thực hiện bằng những đường lối lành mạnh vừa hiệu nghiệm vừa hợp luân lý.
“Để diễn chứng cho vấn đề được tổng thống nói tới có sự hiện diện của các con trẻ ở East Room là những em được nhận nuôi khi các em còn là các phôi thai bào đông lạnh ‘thừa thãi’, cũng như sự hiện diện của thành phần bệnh nhân, những người lấy làm biết ơn về những chữa trị họ nhận được liên quan tới bệnh hư não, bệnh lẩy bẩy và các chứng bệnh khác, nhờ việc sử dụng các thân bào già và thân bào máu của cái nhau. Việc chứng thực của họ đối với đường lối của vị tổng thống này đã là những gì cho thấy cần phải chấp nhận mọi sự sống của con người một cách bình đẳng, không được hủy diệt một sự sống nào đó để giúp đáp những người khác.
“Trước bài diễn văn của mình, tổng thống đã phủ quyết dự luật H.R.810 là dự luật buộc thành phần đóng thuế Hoa Kỳ phải ủng hộ việc hủy hoại các phôi thai bào của con người cho các thứ thân bào. Tổng thống cũng ký thành luật S.3504 một dự luật được đồng thanh thông qua bởi cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện , để ngăn ngừa việc thực hành lố bịch vấn đề ‘cấy’ trẻ em thai nhi nơi tử cung của con người hay con vật hầu đạt được các mô sử dụng vào việc nghiên cứu.
“Dự luật thứ ba, đạo luật tài trợ cho những đường lối tạo được các tế bào có những đặc tính của thân bào từ phôi thai bào song không gây ra hay hại tới phôi thai bào con người (S.2754), tiếc thay chưa được ở trong tay tổng thống hôm nay, vì nó không được ớ ủng hộ ở Hạ Viện, cho dù đã được đồng thanh chấp thuận ở Thượng Viện. Tuy nhiên, chúng ta phải tỏ lòng biết ơn tổng thống vì ông nói rằng ông sẽ dùng quyền hành sự của mình để bảo đảm là đường lối nghiên cứu hứa hẹn ấy được tài trợ thực hiện.
“Chúng ta cùng với tổng thống kêu gọi quốc hội và cộng đồng khoa học hãy cùng nhau làm việc về vấn đề này cho thiện ích của tất cả mọi người. Như tổng thống nói trong bài diễn văn của ông, đạo lý và khoa học không được trở thành những gì đối nghịch nhau, mà cùng nhau làm việc để phục vụ lợi ích của nhân loại”.
Đụng Độ ở Âu Châu
Ở Âu Châu cũng thế, về vấn đề đạo lý sinh học liên quan tới việc nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai nhân bào, vào ngày 15/6/2006, trào lưu duy thực dụng, được tiêu biểu nơi Quốc Hội Âu Châu, thành phần trong phiên họp đầu tiên đã bỏ phiếu về Nội Dung Chương Trình Thứ 7 liên quan tới việc nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học, và kêu gọi Khối Hiệp Nhất Âu Châu tài trợ cho việc nghiên cứu phôi thai bào con người và tế bào gốc từ phôi thai bào. Thành phần chủ trương duy thực dụng ở Âu Châu này còn được tiêu biểu nơi Hôi Đồng Chư Vị Bộ Trưởng Âu Châu, thành phần vào ngày 24/7/2006, đã quyết định chấp nhận Nội Dung Chương Trình Thứ 7 trên đây.
Tất nhiên, cũng như ở Hoa Kỳ, thành phần duy thực dụng bị thành phần phò sự sống và phẩm vị con người phản đối, nổi bật nhất và mãnh liệt nhất vẫn là Giáo Hội Công Giáo. Mới nhất phải kể đến Hội Đồng Giám Mục Balan, và Ủy Ban Chư Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu.
Bản Tuyên Cáo của Hội Đồng Giám Mục Balan về Việc Khối Hiệp Nhất Âu Châu Quyết Định tài trợ cho Vấn Đề Nghiên Cứu Phôi Thai Bào và Thân Bào Từ Phôi Thai Bào.
“Vào ngày 15/6/2006, Quốc Hội Âu Châu trong phiên họp đầu tiên đã bỏ phiếu về Nội Dung Chương Trình Thứ 7 liên quan tới việc nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học, và kêu gọi Khối Hiệp Nhất Âu Châu tài trợ cho việc nghiên cứu phôi thài bào con người và thân bào từ phôi thai bào. Vì bản chất của quyết định này hiển nhiên có chiều kích về đạo lý, hội đồng giám mục Balan nhóm họp lần 336 ở Poznan muốn trình bày quan điểm của mình về vấn đề ấy.
“Chúng tôi ủng hộ việc phát triển khoa học ở Khối Hiệp Nhất Âu Châu và chúng tôi tranh đấu cho vấn đề tài trợ nhiều hơn nữa cho việc nghiên cứu khoa học. Chúng tôi tôn trọng và chúng tôi ủng hộ quyền tự do nghiên cứu, quyền của mỗi người về vấn đề sức khỏe và chữa trị, và phận vụ trợ giúp những ai bị yếu bệnh. Chúng tôi nhận thấy sự kiện là việc nghiên cứu về các thứ thân bào con người có nhiều hứa hẹn theo quan điểm kiến thức và trị liệu.
“Tuy nhiên, thành quả của việc bỏ phiếu nơi Quốc Hội Âu Châu đã khiến chúng tôi phải phản đối về vấn đề đạo lý hệ trọng, vì việc nghiên cứu thân bào từ phôi thai bào con người không màng chi tới mối quan tâm về sức khỏe và sự sống của một số người là những gì được thực hiện bằng giá hủy hoại con người khác. Những việc phản đối này không thể nào qua đi trong thinh lặng, bởi thế, chúng tôi cần phải bày tỏ việc cương quyết phản đối của mình đối với việc Khối Hiệp Nhất Âu Châu tài trợ nghiên cứu gây ra việc hủy diệt các phôi thai bào con người. Cuộc nghiên cứu các tế bào phôi thai được thực hiện với giá của các phôi thai bào con người là thành phần ngay từ ban đầu, tức ngay từ lúc được thụ thai, đã có quyền phải được tuyệt đối tôn trọng về luân lý vì là con người (Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, 60).
“Bản Hiến Chương của Khối Hiệp Nhất Âu Châu về Những Quyền Lợi Căn Bản có khoản nói rằng: ‘Phẩm giá của con người là những gì bất khả vi phạm. Nó cần phải được tôn trọng và bảo vệ’ (khoản 1). Phẩm giá này hợp với hết mọi con người từ khi được thụ thai cho tới lúc tự nhiên qua đi. Việc đối xử với một phôi thai bào như là một đồ vật để thực hiện các cuộc thí nghiệm, và vì thế phôi thai bào này bị biến thành phương tiện là một thứ vi phạm ràng ràng tới phẩm giá ấy.
“Tòa Hiến Định Cộng Hòa Balan đã ấn định rằng các hoạt động như thế là những gì bất xứng với nguyên tắc của một quốc gia dân chủ được cai trị bằng qui tắc luật lệ: ‘Một quốc gia dân chủ được cai trị bằng qui tắc luật lệ coi con người cùng với hạnh phúc quí báu của họ là một giá trị tối hậu. Nói tới hạnh phúc này chúng tôi hiểu đó là sự sống trong một quốc gia dân chủ được cai trị bởi qui tắc luật lệ cần phải được hưởng sự bảo vệ theo hiến pháp nơi từng giai đoạn phát triển của nó’ (Ruling by the Constitutional Court of the Republic of Poland dated May 28, 1997).
“Quyết định của Quốc Hội Âu Châu cũng gây ra những chống đối hệ trọng liên quan tới sự kiện là nguyên tắc phụ trợ căn bản của Khối Hiệp Nhất Âu Châu là những gì không được tôn trọng trong trường hợp này. Khối Hiệp Nhất Âu Châu được yêu cầu tài trợ cho việc nghiên cứu không xứng hợp với những thể chế pháp lý của quốc gia đang có nơi nhiều quốc gia hội viên, bao gồm cả Balan. Lãnh vực khơi lên cuộc tranh luận như thế là ở chỗ việc qui định về các vấn đề đạo lý chỉ thuộc về thẩm quyền của các quốc gia hội viên mà thôi.
“Theo quyết định của Quốc Hội Âu Châu thì việc nghiên cứu bất hợp pháp theo luật lệ quốc gia cần phải được tài trợ bởi ngân quĩ Khối Hiệp Nhất Âu Châu, nếu vậy, cũng bởi cả những đóng góp của các quốc gia không cho phép cuộc nghiên cứu này. Việc cổ động một việc làm như thế ở Khối Hiệp Nhất Âu Châu sẽ gây hại cho mối liên kết của nó, cho chủ tính của nó, và chắc chắn sẽ dẫn tới những thứ xung khắc vô ích. Đó là lý do tại sao chúng tôi lớn tiếng chống lại những giải pháp như thế.
“Các vị giám mục Balan đang tham dự phiên họp thứ 336 của hội đồng giám mục Balan hoàn toàn tán thành với chủ trương của ủy ban chư hội đồng giám mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu, như đã được bày tỏ trong cuộc họp thường niên của mình vào tháng 11/2005. Chủ trương này sau đó còn được lập lại bởi văn phòng Ủy Ban Chư Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu trong tháng 5 năm nay. Chúng tôi tin rằng Khối Hiệp Nhất Âu Châu cần phải tập trung việc nghiên cứu của mình vào nhiều lãnh vực hứa hẹn khác cũng liên quan tới những thứ thân bào nhưng là những thứ thân bào được lấy từ thành phần người lớn.
“Như được bày tỏ theo chủ trương của Hội Đồng Thường Trực và Hội Đồng Khoa Học của hội đồng giám mục Balan ngày 26/2/2004: ‘một thứ hình thức trị liệu như thế không gây ra bất cứ một nghi nan nào về đạo lý và là một niềm hy vọng chân thực cho những ai bị bệnh và khổ đau, không giống như cuộc kiến tạo và sử dụng các thân bào từ phôi thào bào con người’.
“Chúng tôi tha thiết kêu gọi Quốc Hội Âu Châu hãy điềi chỉnh lại quyết định của mình về vấn đề này. Nó không cổ võ vấn đề tôn trọng phẩm giá của con người cũng không giúp cho công ích. Một quyết định sai lầm như thế không chú ý gì tới một thứ giá trị nồng cốt, đó là giá trị sự sống con người, làm suy yếu đi niềm tin tưởng vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu và các tiến trình quyết định của nó.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người thiện chí, kêu gọi Hội Đồng và Ủy Ban Âu Châu, hãy thực hiện tất cả mọi biện pháp để ngăn ngừa việc áp dụng quyết định của Quốc Hội Âu Châu về vấn đề tài trợ cho việc nghiên cứu phpôi thai bào và thân bào từ phôi thai bào.
(Chữ ký của các vị hồng y, các vị tổng giám mục và giám mục tham dự hội nghị)
Poznan – Gniezno, 25/6/2006
Theo chiều hướng phò sự sống và phẩm vị con người ấy của Hội Đồng Giám Mục Balan đối với vấn đề nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai nhân bào, Ủy Ban Chư Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu (COMECE) cũng phổ biến một tuyên cáo hôm 26/7/2006 về những ứng dụng của Nội Dung Chương Trình Nghiên Cứu thứ 7 của Khối Hiệp Nhất Âu Châu trong thời đoạn 2007-2013, bao gồm cả việc tài trợ để thực hiện chương trình nghiên cứu bằng việc sử dụng phôi thai bào con người rồi sau đó hủy diệt đi những phôi thai bào con người ấy. Nhan đề của bản Tuyên Cáo này là: “Kiểm Điểm Về Việc Bảo Vệ Các Phôi Thai Bào: Khối Hiệp Nhất Âu Châu Trước Cuộc Thánh Đố Về Đạo Lý Sinh Học”.
“Văn Phòng Ủy Ban Chư Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu đã theo dõi việc sửa soạn của Nội Dung Chương Trình Nghiên Cứu thứ 7 của Khối Hiệp Nhất Âu Châu trong thời đoạn 2007-2013. Văn phòng này cảm thấy hết sức thất vọng về quyết định của Hôi Đồng Chư Vị Bộ Trưởng Âu Châu hôm 24/7/2006.
“Giáo Hội Công Giáo công nhận tầm quan trọng của việc phát triển một nền kinh tế được xây dựng trên kiến thức, nghiên cứu và đổi mới của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Để đạt được mục đích phát triển theo chiều hướng như thế, Nội Dung Chương Trình Nghiên Cứu Thứ 7 là một phương tiện thiết yếu để ủng hộ việc nghiên cứu và canh tân ở tầm cấp Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Khóa họp thường niên của COMECE vào tháng 11/2005 đã nhìn nhận rằng: ‘Khoa học và việc nghiên cứu đã thực hiện những việc đóng góp chính yếu cho phẩm chất của sự sống, nhất là nơi lãnh vực sức khỏe, một lãnh vực thuận lợi với những giải pháp trị liệu mới. Chúng cũng là một yếu tố quan trọng cho việc phát triển kinh tế nữa’.
“Như chương trình trước đây, qua hình thức hiện tại của mình, Nội Dung Chương Trình Nghiên Cứu Thứ 7, được Quốc Hội Âu Châu ủng hộ, vẫn tiếp tục cổ võ việc nghiên cứu thân bào từ những phôi thai bào con người. Đó là tình trạng hiện nay, bất chấp xẩy ra việc chống đối của một số Quốc Gia Phần Tử đã không thể chiếm được những sự bảo vệ hơn nữa đối với vấn đề tôn trọng phẩm giá con người trong các cuộc điều đình ở Hội Đồng Chư Bộ Trưởng Âu Châu hôm Thứ Hai 24/7.
“Để bổ khuyết cho sự thỏa thuận ở Hội Đồng Chư Bộ Trưởng này, Ủy Ban Âu Châu đã thêm vào lời tuyên ngôn 12 điểm đặc biệt dự liệu là Nội Dung Chương Trình Nghiên Cứu Thứ 7 sẽ không tài trợ việc hủy diệt các phôi thai bào con người, song sẽ tài trợ cho việc nghiên cứu thân bào từ phôi thai bào bị hủy diệt như thế.
“Lời tuyên ngôn này hầu như không thỏa đáng, vì việc Âu Châu tài trợ nghiên cứu thân bào từ phôi thai bào bao gồm cả cái nguy cơ cổ võ việc hủy diệt các phôi thai bào con người ở cấp Các Quốc Gia Hội Viên. Bởi thế, Văn Phòng Ủy Ban Chư Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu lập lại việc phản đối của mình đối với việc Khối Hiệp Nhất Âu Châu tài trợ cho cuộc nghiên cứu liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới vấn để hủy diệt các phôi thai bào con người. Theo chiều hướng ấy, văn phòng này xin được nhắc lại bản tuyên cáo do Tiểu Ban Điều Hành của Ủy Ban Chư Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu phổ biến ngày 31/5/2006 như sau: ‘Việc đối xử với phôi thai bào con người như là một thứ đồ vật để nghiên cứu là những gì không xứng hợp với phẩm giá con người’.
“Việc sử dụng các phôi thai bào con người cho những mục đích nghiên cứu (chẳng hạn như cho việc hủy hoại chúng hay việc nghiên cứu thân bào từ những phôi thai bào này) là những gì bất khả chấp. Ngoài ra, không cần phải thực hiện việc nghiên cứu ấy; theo các chuyên gia thì các thân bào từ tế bào già và các thân bào từ cái nhau, cũng cống hiến một cách thức khác mở ra một viễn tượng lợi ích thực sự cho vấn đề trị liệu.
“Văn Phòng Ủy Ban Chư Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu cảm thấy khó hiểu trước sự mâu thuẫn giữa cái quyết định tấn công phẩm giá con người ở vào lúc sơ khai của sự sống với mục tiêu của Khối Hiệp Nhất Âu Châu muốn cổ võ các thứ trị liệu nhằm mục đích cứu lấy sự sống con người. Quyết định này cũng nghịch lại với bản Hiến Chương của Khối Hiệp Nhất Âu Châu về Các Quyền Lợi Chính Yếu là bản tuyên ngôn đã xác định ở Khoản 1 như sau: ‘Phẩm giá của con người là những gì bất khả vi phạm. Nó cần phải được tôn trọng và bảo vệ’.
“Bởi thế, chúng tôi kêu gọi dư luận quần chúng hãy chú trọng tới tầm quan trọng của quyết định này. Chúng tôi nhấn mạnh một lần nữa về tầm quan trọng sâu xa của các chiều kích đạo lý xã hội và đạo lý sinh học nơi cuộc tranh luận này đối với Âu Châu cũng như với tương lai của Âu Châu. Chúng tôi mời gọi đồng bào của chúng tôi, nhất là những người Công Giáo, hãy nhận thức tầm quan trọng về nhân loại học này nơi cuộc tranh luận liên quan tới phẩm giá con người ấy. Chúng tôi kêu gọi họ hãy làm tất cả những gì có thể để bảo trì một cuộc tranh luận như thế ở tầm mức các cơ cấu tổ chức Âu Châu, ở các Quốc Gia Phần Tử và ở xã hội dân sự. Đây là điều hệ trọng liên quan tới việc Quốc Hội Âu Châu nhóm họp lần thứ hai vào mùa thu tới.
Giám Mục Adrianus Van Luyn, giám mục Rotterdam, chủ tịch
Đức Ông Noel Treamor, tổng thư ký
Vào ngày 16/9/2006, tai tông dinh nghỉ mát của mình ở Castelgandolfo, trong buổi gặp gỡ thành phần tham dự hội nghị do Giáo Hoàng Học Viện về Sự Sống tổ chức cùng với tổ chức Liên Hiệp Thế Giới Chư Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, dù khách quan mấy đi nữa, ngài cũng không thể không nhấn mạnh tới một số điểm chính yếu liên quan tới vấn đề “Các Thứ Thân Bào: Tương Lai Ra Sao Đối Với Việc Trị Liệu?”.
“Nhân dịp này, tôi muốn lập lại những gì tôi đã nói ở Buổi Triều Kiến Chung gần đây, đó là ‘việc tiến bộ trở thành tiến bộ thực sự chỉ khi nào nó phục vụ con người, và chỉ khi nào con người phát triển, chẳng những về quyền lực kỹ thuật của họ, mà còn về ý thức luân lý của họ nữa’ (16/8/2006).
“Theo chiều hướng ấy thì việc nghiên cứu thân bào cũng đáng được chấp nhận và khuyến khích khi nó khéo léo hòa hợp lại với nhau kiến thức khoa học, kỹ thuật tân tiến nhất nơi ngành sinh học, và lãnh vực đạo lý liên quan tới việc tôn trọng con người ở mọi giai đoạn cuộc đời họ sống.
“Những viễn tượng được mở ra bởi khúc quanh mới này là những gì tự chúng đang có sức lôi cuốn, vì chúng cống hiến một thoáng nhìn thấy việc khả trị những chứng bệnh mô sợi bị suy thoái đi đến chỗ gây nguy hiểm tật nguyền và chết chóc cho những ai bị nhiễm mắc.
“Làm sao lại không cảm thấy có nhiệm vụ trong việc ca ngợi tất cả những ai dấn thân cho việc nghiên cứu này, cũng như tất cả những ai nâng đỡ tổ chức ấy cùng gánh chịu các thứ tốn kém của nó?
“Tôi đặc biệt thiết tha xin các cơ cấu khoa học đã lôi kéo hứng khởi của họ, cũng như tổ chức của Giáo Hội Công Giáo hãy gia tăng thứ nghiên cứu này, và hãy thiết lập việc liên hệ chặt chẽ khả dĩ nhất với nhau cũng như với những ai tìm cách làm giảm bớt đi sự đớn đau của con người bằng những đường lối thích đáng.
“Trước những cáo buộc phi cảm ứng thường xuyên xẩy ra một cách bất công nhắm đến Giáo Hội, xin cho tôi cũng được nói lên ở đây việc Giáo Hội liên lỉ ủng hộ việc nghiên cứu nhắm đến chỗ chữa lành các thứ bệnh tật để đem lại thiệc ích cho nhân loại qua 2000 năm lịch sử của Giáo Hội.
“Nếu đã từng xẩy ra việc chống cự nào – và nếu vẫn đang còn xẩy ra việc chống cự ấy – thì đó đã là và đang là những thứ chống đối những hình thức nghiên cứu nhắm đến việc cố tình làm triệt tiêu con người đang hiện hữu, cho dù họ chưa được sinh ra. Trong các trường hợp như thế thì việc nghiên cứu, bất kể có những thành quả trị liệu hiệu năng, thực sự không phải là những gì phục vụ nhân loại.
“Thật thế, việc nghiên cứu này đạt được tiến bộ bằng việc triệt tiêu sự sống con người, một sự sống có giá trị tương đương với các sự sống của những cá nhân khác cũng như sự sống của chính thành phần nghiên cứu.
“Chính lịch sử đã lên án một thứ khoa học như thế trong quá khứ và sẽ lên án nó trong tương lai, chẳng những vì nó thiếu ánh sáng của Thiên Chúa mà còn vì nó thiếu cả nhân tính nữa.
“Tôi xin lập lại ở đây những gì tôi đã viết cách đây ít lâu: Vấn đề ở đây là chúng ta không thể nào cứ chạy loanh quanh; không ai được quyền triệt hạ sự sống con người. Cần phải thiết lập một giới hạn bất khả vượt qua đối với khả năng thực hiện và thí nghiệm của chúng ta. Nhân loại không phải là một đối tượng khả triệt, trái lại, hết mọi cá thể đều cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới này (cf. J. Ratzinger, God and the World, Ignatius Press, 2002).
“Không thể nào có vấn đề dung hòa hay lảng tránh trước việc thực sự triệt hạ con người. Người ta không thể nghĩ rằng một xã hội có thể chiến đấu với tội ác một cách hiệu nghiệm khi chính xã hội lại hợp pháp hóa tội ác trong lãnh vực của sự sống được thụ thai.
“Vào dịp của các Cuộc Hội Nghị gần đây của Giáo Hoàng Học Viện Về Sự Sống, tôi đã có cơ hội để tái thẩm định giáo huấn của Giáo Hội, một giáo huấn được ngỏ cùng tất cả mọi con người thành tâm thiện chí, về giá trị nhân bản của một con trẻ vừa mới được thụ thai, cũng như ở thời điểm được coi là tiền cấy vào tử cung.
“Sự kiện quí vị ở Hội Nghị này đã bày tỏ việc quí vị quyết tâm và hy vọng chiếm đạt được những thành quả trị liệu mới từ việc sử dụng các thứ tế bào nơi thân thể người lớn mà không cần đến đường lối triệt tiêu những con người mới được thụ thai, và sự kiện hoạt động của quí vị đang được tưởng thưởng bằng những thành quả, là những gì khẳng định tính cách hiệu năng của lời Giáo Hội liên lỉ mời gọi hết sức tôn trọng con người từ khi được thụ thai. Thiện ích của con người chẳng những cần phải tìm kiếm theo những mục đích hiệu năng phổ quát, mà còn bằng những phương pháp được sử dụng để đạt tới những mục đích ấy nữa.
“Một thành quả tốt đẹp không bao giờ có thể biện minh cho những phương tiện tự bản chất bất hợp pháp. Vấn đề không phải chỉ là vấn đề của một thứ qui chuẩn về sức khỏe liên quan tới việc sử dụng những nguồn tài chính giới hạn, mà còn, trên hết, là vấn đề tôn trọng các thứ nhân quyền căn bản của con người nơi chính việc nghiên cứu khoa học nữa”.
Căn cứ vào chủ trương của Giáo Hội Công Giáo, qua các thẩm quyền thuộc hội đồng giám mục Hoa Kỳ, hội đồng giám mục Balan và chư hội đồng giám mục Âu Châu trên đây, nhất là của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thì:
1) Việc nghiên cứu thân bào là điều tốt. Nhưng, cho dù được phép thực hiện như việc được ngừa thai, nhưng chỉ được ngừa thai tự nhiên chứ không theo nhân tạo thế nào, thì cũng không được thực hiện cuộc nghiên cứu này từ loại nhân bào phôi thai rồi hủy diệt nó đi, vì nhân bào phôi thai là một con người, bởi thế không thể trở thành một phương tiện để khoa học thí nghiệm, lại càng không thể bị hủy diệt đi, dù là mang lại lợi ích về sức khỏe hay sự sống cho kẻ khác.
2) Việc nghiên cứu thân bào từ nhân bào phôi thai, cho đến nay, chưa thực sự và tỏ tường chứng minh được hiệu quả tốt đẹp của nó trong việc chữa trị các chứng bệnh nan y hay nguy tử, trong khi đó, việc nghiên cứu thân bào từ loại tế bào già hay tế bào trưởng thành (adult cell) lại mang đến công hiệu hiển nhiên, thì nên tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu thân bào từ loại thân bào già này, hơn là mạo hiểm với loại nhân bào phôi thai, một việc hoàn toàn phản luân thường đạo lý, phi nhân bản, trầm trọng phạm đến sự sống và phẩm giá con người.