Những Bí Mật quanh nhân vật ám sát

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

 

 

Hôm 12/1/2006, nhân vật đã ám sát Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981, đã được thả ra khỏi nhà tù ở Istanbul, nơi anh ta bị giam giữ, (sau 19 năm tù ở Ý), vì những tội ác khác anh ta đã phạm trước khi ám sát Đức Gioan Phaolô II, như tội giết chết phóng viên báo chí Thổ Nhĩ Kỳ Abdi Ipekci. Vì tội sát nhân người phóng viên ấy, anh ta đã lãnh án 10 năm tù nhưng vì có những hành vị cử chỉ tốt, nên mới sau 5 năm (từ năm 2000) anh ta đã được thả ra. Anh ta bị gọi nhập ngũ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó.

 

Đức Gioan Phaolô II đã công khai tha thứ cho anh ta ngay khi ngài được mang từ chỗ bị ám sát đến bệnh viện và thậm chí đến thăm anh ta ở trong ngục ngày 23/12/1983.

 

Vị Giám Đốc của văn phòng báo chí Tòa Thánh là Joaquín Navarro Valls, hôm Chúa Nhật 8/1/2006, trong một lời phát biểu sau khi nhận được tin này cho biết:

 

“Tòa Thánh mới nhận được tin từ các cơ quán tín vụ rằng Ali Agca có thể được thả ra. Trước vấn đề pháp lý này, Tòa Thánh tin tưởng vào quyết định của pháp đình về vấn đề ấy”.

 

Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Dziwisz ở TGP Krakow, Balan, vị đã từng làm bí thư của Đức Gioan Phaolô II vào lúc ngài bị ám sát, cũng là vị đã ôm lấy ngài khi ngài té xuống bởi trúng đạn, đã chấp nhận quyết định của pháp tòa Thổ Nhĩ Kỳ, như vị tổng giám mục này đã cho biết qua vị phát ngôn viên của mình là Cha Robert Necek vào chính hôm nhân vật ấy được thả ra như sau:

 

“Đức Gioan Phaolô II đã tha cho Ali Agca lâu lắm rồi. Giờ đây ngài đang nguyện cầu cho anh ta ở trên trời và tôi cũng cầu nguyện cho anh ta nữa. Tôi nhớ một câu nói của vị Giáo Hoàng này đại khái là: ‘Làm sao chúng ta có thể ra trước nhan Chúa mà chúng ta lại không thứ tha cho nhau chứ?’”.

Vị thư ký riêng của ĐTC GPII là ĐTGM Stanislaw Dziwisz trước đây cũng đã cho cơ quan tin tức Balan PAP biết là ĐTC GPII đã viết một bức thư cho Ali Agca nhưng không bao giờ gửi.

Theo tờ nhật báo Rzeczpospolita thì trong bức thư ấy, được viết vào khoảng Tháng 5/1981 và 12/1983, ĐTC đã đặt vấn đề với Agca là tại sao người Thổ Nhĩ Kỳ này muốn sát hại ngài: “Tại sao anh lại giết tôi, nếu cả hai chúng ta tin vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất?”

Bức thư này sẽ được trao cho Đức Ông Slawomir Oder, cáo thỉnh viên của tiến trình tôn phong chân phước của ngài.

Tờ L’Osservatore Romano đã tường trình là ở Cuba đã diễn ta một cuộc khánh thành một bức tượng để tôn kính đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại thành phố Holguin. Các vị giám mục ở quốc gia này đã đến tham dự vào ngày Chúa Nhật 26/6/2005, cũng là ngày kỷ niệm 50 thụ phong linh mục của Giám Mục Héctor Luis Pena giáo phận Holguin.

Cũng vào hôm Thứ Năm 12/1/2006, qua những lời phát biểu cho tờ nhật báo La Repubblica, Vị Hồng Y Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh là Angelo Sodano đã nói rằng Tòa Thánh biết được việc cấp tốc thả Ali Agca ra qua tin tức truyền thông mà thôi. Ngài nói rằng:

 

“Không ai đã từng bàn hỏi với chúng tôi trước đó. Chúng tôi không muốn đi sâu vào chi tiết trong lúc này. Chúng tôi tùy theo các tòa án có thẩm quyền”.

 

Vị nguyên tổng thư ký Tòa Thánh đặc trách văn phòng liên hệ chư quốc là ĐHY achille Silvestrini đã nói với tờ II Messaggero rằng “hình ảnh về Ali Agca là những gì mâu thuẫn”: “Anh ta bắt đầu nói tới cái dính dáng của nước Bulgaria, rồi sau đó lại chối bỏ hết mọi sự”.

 

Vị hồng y này còn nói thêm rằng Ali Agca không lên tiếng “công khai xin lỗi. Chúng tôi không biết anh ta có làm điều này khi nói chuyện riêng với Đức Gioan Phaolô II ở nhà tù Rebibbia hay chăng. Anh ta thực sự là không bày tỏ lòng hối hận bằng những lời phát biểu sau đó”.

 

Vị hồng y này còn xác nhận rằng Tòa Thánh quả có hồ nghi về sự liên hệ giữa cuộc ám sát này với Cộng Sản Âu Châu thời bấy giờ.

 

“Vấn đề được cho rằng bắt nguồn từ Đông Âu. Ali Agca đưa nước Bulgaria lên bản đồ này. Họ đã muốn sử dụng một người Thổ Nhĩ Kỳ, một tay đã từng là tên sát thủ, như đã được thực hiện trong Thời Trung Cổ qua các tay sát thủ được thuê mướn. Hiển nhiên là họ không muốn trao việc này cho một Kitô hữu thực hiện”.

 

Hôm Thứ Ba 5/4/2005, Agca đã đệ đơn xin tạm ân dung một thời gian ngắn là những gì vốn được luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho phép một số phạm nhân thường để cho họ dự lễ án táng của thân nhân trong gia đình.

Agca đã viết “một bức thư ngỏ gửi cho thế giới”, trong đó, anh lập lại rằng anh ta là “vị thiên sai thứ hai”. Anh ta viết về cái chết của ĐTC GPII như sau: “Tôi đã mất đi một người anh tinh thần. Tôi chia sẻ nỗi thương tiếc với thành phần Kitô hữu Công giáo của tôi”.

Luật sư của anh ta cho biết thêm rằng gia đình của anh ta vẫn có thể tham dự lễ an táng này hôm Thứ Sáu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tiếp người anh và bà mẹ của anh ta ở Vatican nhiều năm trước đây.

Agca đã bắn vị giáo hoàng này vào bụng trong buổi triều kiến chung ở Quảng Trường Thánh Phêrô vào ngày kỷ niệm hiện ra của mẹ Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, ở gần Fatima Bồ Đào Nha.

Vị giáo hoàng này nói rằng ngài tin là Đức Trinh Nữ đã nhúng tay vào cứu mạng của ngài. Qua nhiều năm tháng, Agca đã nhấn mạnh rằng điều này đã biến anh ta thành một công cụ của dự án thần linh, điều đã bị tòa thánh Vatican phủ nhận.

Trong bức thư ngỏ cùng thế giới, anh ta còn viết: “Dự án thần linh đã đạt được mục đích của mình. Bởi thế chúng ta đang ở vào ngày cùng tận của thế giới”. Anh ta còn cho biết anh ta đang viết lại Thánh Kinh và sẽ sớm tiết lộ “Bí mật Fatima”.

 

Qua nhiều năm tháng, Agca đã đưa ra những lý do xung khắc nhau về việc anh ta cố sát Đức Gioan Phaolô II, bao gồm cả những điều tố giác về một cuộc âm mưu với mật vụ cộng sản nước Bulgaria và tình báo KGB Nga.

Agca thuộc về đảng chiến quân thiên hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối thập niên 1970 và đã bị tù về tội sát hại một viên chủ bút nhật báo cấp tiến năm 1979.

Trước năm sang Rôma, anh ta đã thoát ngục nhờ sự giúp đỡ của những tay an ninh Thổ Nhĩ Kỳ có cảm tình với đảng phái của anh ta. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ luôn phủ nhận có bất cứ liên hệ nào với Agca và phủ nhận việc hắn bị bệnh loạn trí.
 

Cho đến nay người ta vẫn cố gắng điều tra vụ ám sát ĐTC GPII, nhất là sau ngày ra mắt tác phẩm thứ 5 của ĐTC hôm 22/2/2005, ngày lễ ngai tòa thánh Phêrô, tác phẩm mang tựa đề “Hồi Niệm và Căn Tính”, trong đó, ở phần cuối, ĐTC có đề cập đến biến cố ngài bị ám sát.

 

Trong cuốn “Hồi Niệm và Căn Tính”, tác phẩm cuối cùng của mình, một tác phẩm về triết học luân lý là những gì đã được thai nghén từ năm 1993, một tác phẩm xuất bản 2 tháng trước khi tác giả của nó là Đức Gioan Phaolô II vĩnh viễn nằm xuống, ở phần phụ trương cuối cùng, phần nói tới cuộc ám sát của mình, Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thuật lại cảm nhận của bản thân ngài cũng như của kẻ ám sát ngài như sau.

 

Tại Quảng Trường Thánh Phêrô, vào lúc 5 giờ chiều ngày 13/5/1981, ngay trước buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần, đã đột nhiên vang tiếng súng……, thật ra là my tiếng súng chứ không phải một, những tiếng súng vang lên chỉ cách chiếc giáo hoàng xa của Đức Gioan Phaolô II có 20 bộ (hay 6 thước), khi ngài ở trên chiếc xe đang chạy chung quanh quảng trường này theo thường lệ để chào tín hữu đang qui tụ chờ ngài bấy giờ. Hậu quả là viên đạn phát ra từ nòng súng lục tự động 9 ly ấy đã xuyên vào thân thể của vị Giáo Hoàng này, trúng bao tử của ngài, cùi trỏ bên cánh tay phải của ngài và ngón tay trỏ bên trái của ngài. Ngài đã được cấp tốc đưa vào bệnh viện, và chỉ khi tới bệnh viện ngài mới hoàn toàn bất tỉnh nhân sự. Cuộc giải phẫu cứu mạng ngài đã kéo dài 5 tiếng 20 phút, và thân thể ở vào tuổi gần 61 của ngài bấy giờ đã bị mất đi tới 60% lượng máu loang chảy trong mình. Tuy nhiên, kể từ biến cố bị ám sát hụt ấy, sức khỏe của con người vốn yêu chuộng thể thao này đã trở nên suy kém, cho tới ngày ngài qua đời 24 năm sau bởi một cơn kịch bệnh cuối cùng, kết thúc cuộc đời gần 85 tuổi đời của ngài (18/5/1920-2/4/2005).

 

Đức Gioan Phaolô II đã cho biết những gì xẩy ra sau đó, sau tiếng súng nổ và sau khi ngài được đưa vào bệnh viện thế này: “Tôi đã không tỉnh dạy cho đến ngày hôm sau, vào khoảng buổi trưa” (ấn bản Anh ngữ trang 161). Cũng trong phần phụ trương này, (ở trang 163-164), ngài còn cho biết thêm về con người ra tay ám sát ngài như sau:

 

·        Vào khoảng Giáng Sinh năm 1983, tôi đã thăm kẻ tấn công tôi đang bị nhốt trong tù. Chúng tôi nói chuyện lâu giờ. Alì Agca, ai cũng đều biết, là một tay sát thủ chuyên nghiệp. Tức là cuộc tấn công này không phải bởi sáng kiến riêng tư của anh ta, mà là từ ý nghĩ của một người khác; một người nào đó đã sai khiến anh ta thực hiện điều này. Trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, Alì Agca vẫn còn tỏ ra lấy làm ngạc nhiên không hiểu tại sao một cuộc cố tình ám sát như vậy mà lại có thể bất thành cho được. Anh ta đã rất ư là thận trọng xếp đặt mọi sự, chú ý tới từng chi tiết nhỏ một. Thế mà nạn nhân được nhắm tới của anh ta lại thoát chết. Làm sao có thể xấây ra như thế được cơ chứ? Cái hay là ở chỗ tình trạng bối rối của anh ta đã dẫn anh ta tới vấn đề về đạo giáo. Anh ta muốn biết về bí mật Fatima, và bí mật này thực sự là gì. Đó là mối quan tâm chính của anh ta; anh ta muốn biết điều này hơn bất cứ một cái gì khác. Có lẽ những vấn nạn dai dẳng đã cho thấy rằng anh ta đã nắm được một điều gì đó thực sự là hệ trọng. Alì Agca có lẽ đã cảm thấy được rằng có một quyền lực cao cả, vượt trên cả quyền lực của anh ta, trên cả khả năng bắn giết nữa. Bởi vậy anh ta đã bắt đầu tìm kiếm quyền lực cao cả này. Tôi hy vọng và cầu xin cho anh ta tìm thấy quyền lực cao cả ấy”. 


Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh còn nói: “Đức Giáo Hoàng tin rằng Ali Agca không hành động một cách tình cờ”. Theo vị giám đốc này thì ở lời kết, “tư ụkhi ở trong tù được nói chuyện với Đức Giáo Hoàng, người ta thấy Ali Agca đã hoàn toàn bị ám ảnh ra sao với mầu nhiệm Fatima. Ở chỗ, anh ta không thể nào hiểu được có một cái gì đó đáng lẽ anh ta phải làm chủ về phương diện kỹ thuật trong cuộc tấn công Giáo Hoàng lại không xẩy ra như dự định. Ali Agca chỉ quan tâm tới những vấn đề về kỹ thuật mà thôi chứ không phải những vấn đề về luân lý”. Vị giám đốc này tiết lộ cho biết là kẻ ám sát này “không hề xin Đức Giáo Hoàng thứ tha”.

ĐHY Ratzinger đã cho biết Đức Giáo Hoàng đã nói về Agca như là “nạn nhân của một thứ lý lẽ lỏng lẻo bất toàn xét về mọi khía cạnh. Anh ta là một người Hồi giáo, và có lẽ cũng vì thế mà anh ta đã rơi vào một cơn lốc sợ hãi làm cho anh ta không bao giờ thoát khỏi, vì anh ta tiếp tục tin rằng anh ta là một phần của điềm báo trong phần bí mật Fatima thứ ba. Thế nhưng, ngoài những suy đoán này ra, Agca đã không bao giờ tự hỏi mình về những gì anh ta làm, sự kiện rõ ràng về cuộc ám sát vị Giáo Hoàng này chưa hề làm cho anh ta cảm thấy phiền hà gì hết. Anh ta chỉ quan tâm có một điều duy nhất thực sự đó là anh ta đã bị hụt mất mục tiêu”.

Được các ký giả hỏi về việc có nhận được những bức thư của tay ám sát ĐTC hay chăng, ĐHY Ratzinger cho biết rằng ngài đã nhận được các bức thư của Mehmet Ali Agca:

“Anh ta cũng đã viết thư cho tôi mà nói rằng: ‘Xin nói cho tôi mầu nhiệm Fatima này là gì’. Ali Agca tin rằng nơi mầu nhiệm này anh ta sẽ tìm thấy câu giải đáp về kỹ thuật cho một mầu nhiệm không thể nào hiểu nổi, đó là cái lý do tại sao cuộc tấn công ĐGH không thành. Thế nhưng, như ai cũng đã quá biết, cái liên hệ duy nhất giữa Agca với Fatima là ngày 13/5, và những gì anh ta suy nghĩ chỉ hạn hẹp ở mức độ này thôi”.

Vào ngày 15/2/2005, tức sau khi Nữ Tu Lucia, thụ khải Fatima cuối cùng qua đời 2 ngày, anh ta đã gửi cho một tờ nhật báo một bản văn mang tựa đề “Bức Thư Ngỏ với Vatican”. Trong bản văn này, anh ta bày tỏ niềm cảm thông với việc qua đời của vị nữ tu này, và nhấn mạnh rằng bí mật Fatima có liên quan đến ngày tận thế, và yêu cầu Vatican vạch mặt tên Phản Kitô (Quỉ Vương).

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh, sau buổi ra mắt tác phẩm của ĐTC, đã cho các phóng viên truyền hình biết nhận định của mình về anh ta như sau: “Chúng là những cơn mê sảng, một thứ ám ảnh đã từng đeo đuổi Ali Agca nhiều năm trời”. Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh còn cho biết tay sát nhân này chưa hề lên tiếng xin lỗi ĐGH, dù có được ngài đến viếng thăm và xin chính phủ Ý ân xá cho, và yêu cầu của ngài đã được chấp nhận để rồi tay sát thủ này đã được chính phủ Ý ân xá vào chính Đại Năm Thánh 2000, nhưng anh tạ lại bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ 19 năm vì hai trọng tội phạm khác.

Trong lời kết của cuốn sách, ĐGH đã nhận định về giây phút bị ám sát như sau: “Tất cả đều là những gì chứng tỏ cho thấy ân sủng thần linh: Agca đã biết bắn ra sao và chắc chắn anh ta bắn là phải chết. Dường như có ai đã làm lệch đi viên đạn được bắn tới. Tôi có cảm giác rằng tôi sẽ sống sót: Tôi cảm thấy đớn đau, tôi đã có lý để lo sợ, nhưng tôi đã có cảm giác tin tưởng lạ lùng này. Tôi nói với Don Stanislaw là thư ký riêng của tôi rằng tôi tha thứ cho kẻ tấn công tôi”.

Cũng trong phần cuối sách này ĐTC cũng đề cập tới việc ngài viếng thăm Ali Agca trong tù vào dịp Giáng Sinh 1983, ngài viết: “Ali Agca, như mọi người nói, là một tay sát thủ lành nghề. Điều này có nghĩa là cuộc tấn công không phải do anh ta khởi xướng mà là một ai đó âm mưu, một ai đó truyền khiến. Trong suốt cuộc gặp gỡ này rõ ràng là Ali Agca cứ tiếp tục ngẫm nghĩ tại sao cuộc tấn công lại có thể bất thành được chứ. Có lẽ Ali Agca trực giác thấy rằng, ngoài quyền lực của mình, ngoài khả năng bắn hạ, còn có một quyền lực cao tay hơn thế nữa. Để rồi anh ta bắt đầu tìm kiếm quyền năng này. Tôi hy vọng rằng anh ta đã tìm thấy quyền năng ấy”.

Căn cứ vào những chi tiết mới nhất từ tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” của ĐTC GPII về vụ ngài bị ám sát, một ủy ban của quốc hội Ý đã quyết định mở lại hồ sơ vụ này. Vị chủ tịch của Ủy Ban Điều Tra của Quốc Hội này là ông Paolo Guoffanti đã cho các cơ quan Ý biết hôm Thứ Tư 23/2/2004 là “Chúng tôi sẽ lập tức mở lại vụ tấn công Đức Giáo Hoàng này”.

Ông này nói thêm là cuộc tái điều tra ấy sẽ được bắt đầu bằng “việc thu tích hồ sơ theo thủ tục liên quan đến tội ác ghê tởm ấy, bằng cách mở lại những gì liên quan tới Nga Sô, cả KGB lẫn GRU” là cơ quan tình báo quân sự của Nga. Vị chủ tịch này khẳng định là quyết định tái điều tra vụ này được thực hiện “sau những điều được chính Đức Giáo Hoàng chứng thực về nguồn gốc ý hệ của tội ác này”.

Mới đây, tờ nhật báo Corriere della Sera xuất bản ở Ý vào ngày 30/3/2005 đã cho biết người ta đã tìm phá thấy hồ sơ về vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1981, và căn cứ theo sở mật vụ của cộng sản Đông Đức ngày xưa thì hồ sơ cho thấy mật vụ KGB của cộng sản Nga đã ra lệnh lệnh cho nhân viên tình báo của Bulgaria thi hành âm mưu ám sát ĐGH.

Thế nhưng, dù loài người có chủ mưu và âm mưu sát hại người của Thiên Chúa, vẫn không ra khỏi việc quan phòng thần linh vô cùng khôn ngoan và toàn năng của Ngài, như việc Ngài đã dùng cộng sản để đưa ngài vào hàng giáo phẩm trước đây. Nếu vụ ám sát ĐTC GPII liên quan đến Bí Mật Fatima, như chính ĐTC đã thấy hình ảnh của mình nơi vị giám mục áo trắng bị sát hại trong phần thứ ba Bí Mật Fatima, thì nguyên do ngài bị ám sát là vì Thiên Chúa muốn làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, qua việc ngài bị ám sát không chết vào chính ngày kỷ niệm biến cố Fatima, nhờ đó, ngài đã nhận ra được dấu chỉ thời đại và mới dứt khoát đáp ứng điều trời cao chính thức yêu cầu từ ngày 13/6/1929 song vẫn chưa được thực hiện, đó là việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, việc hiến dâng của ngài đã thực sự làm cho Nước Nga trở lại!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Tay Sát Thủ Ám Sát Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại bị vào tù sau khi được thả ra 8 ngày

 

Hôm Thứ Sáu 20/1/2006, Mehmet Ali Agca lại bị bắt nhốt vào tù sau 8 ngày được thả ra. Theo đài truyền hình NTV thì tay sát thủ này không hề chống cự việc bị bắt khi cảnh sát mang trát tòa tới gõ cửa căn chung cư của anh ta ở Istanbul. Anh ta đã nói với các nhân viên cảnh sát rằng: “Tôi đang chờ đợi quí vị đây”. Sau đó anh ta được giải trở lại nhà tù Kartal là nơi anh ta đã được thả ra cách đó 8 ngày.

 

Sở dĩ anh ta bị bắt nhốt vào tù lại là vì hội đồng tòa kháng án phủ quyết pháp định của tòa án thả can phạm này ra hôm 12/1/2006. Anh ta đã bị tù 19 năm ở Ý vị tội ám sát Đức Gioan Phaolô II, rồi được vị giáo hoàng này xin Tổng Thống Ý ân xá cho anh ta nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 và anh ta đã được thả ra ngày 14/6/2000, nhưng đã bị giam nhốt vào tù tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ từ đó cho tới khi được thả ra là 5 năm rưỡi, thời hạn già một nửa số thời gian 10 năm tù đáng lẽ anh ta phải tiếp tục chịu trừng phạt về tội ám sát phóng viên Abdi Ipekci năm 1979.

 

Việc tòa án thả anh ta ra đã làm cho dân chúng Thổ phẩn nộ. Nhất là trong giai đoạn Thổ Nhĩ Kỳ đang được cứu xét để gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu, và tuần tới khối này sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để xem xét hệ thống pháp luật của nước này ra sao.

 

Bộ Trưởng Tư Pháp Cemil Cicek đã yêu cầu tòa án xét lại vụ này, và các vị thẩm phán đã đồng loạt phán quyết hôm Thứ Sáu 20/1/2006 rằng anh ta phải bị giam tù tiếp tục trong một thời hạn lâu dài hơn nữa. Tòa án tái phán quyết này đã cho biết rằng “không có cơ sở pháp lý nào trong việc trừ đi thời gian Agca bị tù ở Ý với thời hạn anh ta bị tù ở Thổ Nhĩ Kỳ hết”. Vì tòa án trước đây đã thực hiện việc trừ thời gian bị tù như vậy cho anh ta.

 

Anh ta đã bị còng tay dẫn đến tổng hành dinh của cảnh sát ở Istabul, nơi truyền hình đã quay anh ta đã la lối bằng Anh ngữ, Thổ ngữ và Ý ngữ như sau:

 

“Tôi tự xưng là Đấng Thiên Sai! Tôi không phải là con Thiên Chúa, tôi là Đấng Thiên Sai!”. Chính anh ta trước đây cũng đã hô lên những lời tương tự: “Tôi công bố ngày cùng tận!”.

 

Luật sư của anh ta là Mustafa Demirbag đã lên tiếng là “Truyền thông đã thắng và luật pháp đã thua”.

 

Thủ Tướng Recep Tayyip Erdogan nói rằng anh ta sẽ được mang đến trước cống tố viện Thứ Bảy 21/1/2006 để “lúc ấy họ sẽ làm bất cứ những gì cần phải làm”.

 

Công tố viện sẽ quyết định bao nhiêu năm nữa anh ta sẽ bị tù. Tin tức cho biết có thể anh ta sẽ ở tù cho tới năm 2014.

 

Tổng Trưởng Tư Pháp là Cicek cho rằng anh ta phải ở trong tù trọn 10 năm vì tội giết phóng viên Ipekci. Ông đề nghị là bản án tù này phải được tính từ ngày 14/6/2000 là ngày anh ta được thả từ Ý về. Anh ta cũng bị cáo buộc là cướp phá một hãng xưởng và đánh cắp xe hơi năm 1979, nên anh ta có thể bị thêm 4 năm tù nữa cho các tội phạm này, và đó là lý do người ta nghĩ đến năm 2014 anh ta mới ra khỏi tù.

 

Thoạt tiên anh ta bị án tử vì tội giết phóng viên Ipekci, nhưng luật ân xá năm 1991 đã giảm án đó thành 10 năm. Vào năm 2000, một tòa án kết tội anh ta về những phạm pháp khác và đã kết án anh ta 36 năm tù. Nhưng một tòa án khác phán quyết rằng anh ta không thể bị tù trên 36 năm về tất cả các tội ác của anh ta.

 

Một luật ân xá vào năm 2000 đã giảm 10 năm trong thời gian tù này của anh ta, song tòa kháng án hôm Thứ Sáu 20/1/2006 đã phủ quyết quyết định đó.

 

Vào năm 1979, anh ta đã trốn khỏi một nhà tù quân đội ở Thổ Nhĩ Kỳ sau thời gian bì tù mới có 5 tháng. Sau đó anh ta đã đến Vatican ám sát Đức Gioan Phaolô II. Trước khi bắn vị giáo hoàng này, anh ta đã có dính dáng với nhóm Gray Wolves Sói Xám là một nhóm quân đội cánh hữu của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN ngày 20/1/2006

 

 

Bàn Tay Chủ Mưu Ám Sát Đức Gioan Phaolô II: Ý cáo giác – Nga bác bỏ

 

Kể từ khi tác phẩm cuối đời của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát hành ngày 22/2/2005, trước khi vị tác giả vĩnh viễn ra đi 1 tháng rưỡi, tác phẩm mà ở phần phụ trương cuối sách ngài đã kể lại biến cố và cảm nhận của ngài về vụ ngài bị ám sát, và cho rằng có bàn tay nhúng vào vụ ám sát ngài, thì Ý quốc hứa sẽ điều tra nội vụ một lần nữa.

 

Cuối cùng, ủy ban của quốc hội Ý đã đi đến chỗ kết luận rằng chính Nga Sô đã giật giây mưu sát vị Giáo Hoàng người Balan. Vị chủ tịch của ủy ban này là Paolo Guoãanti đã nói rằng ông tin tưởng “không hề nghi ngờ tí nào là các nhà lãnh đạo Sô Viết bay giờ đã ra lệnh thực hiện cuộc ám sát này”.

 

Sau khi bản tường trình này được Moscow biết đến thì một nhân vật phát ngôn viên cho cơ quan vốn được biết đến là KGB là Boris Labusov đã nói với cơ quan thông tin Interfax rằng:

 

“Bất cứ lời phát biểu nào về việc tham dự của đặc vụ Sô Viết vào việc tấn công vị Giáo Hoàng Rôma, bao gồm cả những dịch vụ tình báo mặt nổi, đều hoàn toàn phi lý và đã và đang không có một tí dính dáng nào với những hoạt động của chúng tôi. Tiếc thay kiểu võ đoán này vẫn liên tục tái diễn hầu như 2 năm một lần trong vòng 15 năm qua”.

 

Về phần mình, vị nguyên giám đốc của Tiểu Ban An Ninh Quốc Gia của cơ quan KGB là Vladimir Kriuchkov, cũng cho cơ quan thông tín trên đây biết rằng tin tức được tiết lộ “là một điều dối trá, thậm chí là một việc trêu ngươi, vô nghĩa”.

 

Cũng theo lời vị nguyên giám đốc này thì bản tường trình đây là một điều gì đó “tạo tĩnh và tín liệu xuâá phát từ những ai không chú trọng tới việc phát triển liên hệ giữa Nga và Ý. Loại tín liệu này có thể đánh lừa dân chúng thiếu hiểu biết và không sửa soạn. Tuy nhiên, những khiêu khích như thế đã thất bại và sẽ that bại trong lần này nữa”.

 

Theo bản tường trình của Ý thì Khối Liên Bang Sô Viết đã tổ chức cuộc ám sát này là vì việc Đức Gioan Phaolô II ủng hộ Công Đoàn Balan là phong trào được thấy là nguy hiểm cho sự hiện diện của chế độ cộng sản ở Đông Âu.

 

Bản tường trình này cũng cho biết rằng nhân vật ám sát Đức Gioan Phaolô II là Mehmet Ali Agca là người được đặc vụ Bulgaria liên lạc theo lệnh của các đồng chí Nga Sô của họ.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/3/2006