Tình Hình Thế Giới trong Năm 2007
Nếu vào dịp tất niên, trước Lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha chia sẻ cảm nhận của ngài với nội bộ Giáo Triều Rôma về những sinh hoạt mục vụ chính yếu của ngài trong cả một năm thế nào, thì ngài cũng chia sẻ cảm nhận của ngài về tình hình thế giới với Ngoại Giao Đoàn Chư Quốc Có Liên Hệ Ngoại Giao với Quốc Đô Vatican vào thời điểm tân niên, một thời điểm, theo truyền thống vào Ngày Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh, như năm 2008 vào ngày 7/1, vì ngày sau Lễ Hiển Linh vẫn mang một ý nghĩa Chúa Kitô tỏ mình ra cho chư dân ngày xưa và ngày nay vẫn còn tiếp tục viêc tỏ mình n ày qua Giáo Hội của Người là “Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium”. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của ngài với thành phần đại diện 176 quốc gia trên thế giới.
Trọng Kính Quí Vị Lãnh Sự,
Cùng Quí Nữ Vị và Nam Vị
1.- Tôi muốn gửi lời chào thân ái đến Trưởng Đoàn của quí vị là Lãnh Sự Giovanni Galassi, và xin cám ơn ông về những lời lẽ tốt đẹp ông ngỏ cùng tôi thay mặt cho Ngoại Giao Đoàn có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Tôi cũng trân trọng gửi lời chào tới từng người trong quí vị, nhất là những ai đang hiện diện trong buổi gặp gỡ này lần đầu tiên. Qua quí vị, tôi xin chuyển những lời nguyện cầu thiết tha của tôi đến dân nhân và chính quyền được quí vị đại diện cách xứng đáng và uy tín. Cộng đồng của quí vị đã bị mất đi một người thân mấy tuần trước đây, đó là vị Lãnh Sự Pháp Bernard Kessedjian đã chấm dứt cuộc hành trình trần thế của mình; xin Chúa đón nhận ông vào chốn an nghỉ của Ngài! Hôm nay tôi đặc biệt nghĩ đến các quốc gia chưa thiết lập ngoại giao với Tòa Thánh: cả họ nữa cũng chiếm được chỗ đứng trong lòng vị Giáo Hoàng này. Giáo Hội sâu xa thâm tín rằng nhân loại là một gia đình, như tôi đã nhấn mạnh đến điều này trong Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới của năm nay.
Mỹ Châu - Latinh
2.- Chính vì tinh thần gia đình này mà các mối liên hệ ngoại giao đã được thiết lập năm ngoái với Liên Hiệp Ả Rập Emirates. Cũng trong cùng một tinh thần ấy, tôi đã được viếng thăm một số quốc gia thân thương với tôi. Việc nhiệt liệt đón tiếp giành cho tôi của nhân dân Ba Tây vẫn còn ấm cúng lòng tôi! Ở quốc gia ấy, tôi đã hoan hỉ gặp gỡ chư vị đại diện cho đại gia đình của Giáo Hội ở Mỹ Châu Latinh và Caribbean qui tụ lại ở Aparecida cho Tổng Hội Nghị Lần V của CELAM (Chư Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu Latinh và Caribbean). Về lãnh vực kinh tế và xã hội, tôi đã thấy được những dấu hiệu hy vọng hùng hồn đối với châu lục này, cùng với một số lý do đáng quan ngại. Tất cả chúng tôi đều hướng tới chỗ làm sao để thấy được việc gia tăng hợp tác giữa các dân tộc ở Mỹ Châu Latinh, và trong mỗi một quốc gia làm nên châu lục ấy, thấy được cả vấn đề giải quyết các cuộc xung khắc nội bộ đi tới chỗ đồng thuận về các thứ giá trị lớn lao được xuất phát từ Phúc Âm. Tôi muốn đề cập tới Cuba là quốc gia đang sửa soạn mừng 10 năm cuộc viếng thăm của vị Tiền Nhiệm tôi. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được nồng hậu tiếp đón bởi cả chính quyền lẫn dân chúng, và ngài đã khuyến khích tất cả mọi người dân Cuba hãy cùng nhau hoạt động cho một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi cũng muốn lập lại sứ điệp hy vọng vẫn còn nguyên ý nghĩa của ngài ấy.
3.- Tâm tưởng và lời nguyện cầu của tôi đặc biệt hướng tới những con người bị ảnh hưởng bởi các thiên tai kinh hoàng. Tôi nghĩ tới các trận bão tố và lụt lội đã tàn phá một số vùng ở Mễ Tây Cơ cũng như ở Trung Mỹ Châu, cùng các quốc gia ở Phi Châu và Á Châu, nhất là ở Bangladesh, và cả những phấn đất ở Đại Dương Châu; đó là chưa kể đến những trận cháy dữ dội. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, vị đã đến Peru vào cuối tháng Tám, đã trình thuật cho tôi những gì mắt thấy tai nghe về tình trạng bị hủy hoại và tàn phá gây ra bởi trận động đất khủng khiếp ở đó, thế nhưng ngài cũng nói cả tới lòng can đảm và đức tin của dân chúng bị gặp nạn nữa. Trước những biến cố thảm thương như thế, cần phải liên kết chặt chẽ các nỗ lực. Như tôi đã viết trong Bức Thông Điệp về niềm hy vọng, đó là “cái thực sự đo lường về nhân loại chính yếu là ở mối liên hệ với khổ đau cũng như với thành phần đau khổ. Điều này là những gì đúng thực đối với cả cá nhân cũng như xã hội” (Encyclical Letter Spe Salvi, 38).
Trung Đông - Quằn Quại
4.- Cộng đồng quốc tế tiếp tục sâu xa quan tâm tới Trung Đông. Tôi vui mừng khi thấy Hội Nghị ở Annapolis đã tiến đến chỗ loại trừ đi những giải quyết có tính cách thiên lệch hay đơn phương, hướng tới một phương sách toàn cầu tỏ ra tôn trọng các quyền lợi và thiện ích hợp lý của tất cả mọi dân tộc trong vùng ấy. Một lần nữa tôi kêu gọi người Do Thái và Palestine hãy tập trung nỗ lực của mình vào vấn đề áp dụng những quyết tâm nêu lên trong dịp ấy, cũng như hãy đẩy mạnh cái tiến trình đã được hân hoan tái tấu. Ngoài ra, tôi xin mời gọi cộng đồng quốc tế hãy mạnh mẽ hỗ trợ cho hai dân tộc này và hãy cảm thông những nỗi khổ đau và lo sợ riêng của họ. Ai có thể ngồi yên trước tình trạng khốn khổ của Lebanon đang quằn quại giữa các thử thách cùng với tất cả những gì là bạo động đang tiếp tục làm rúng động quốc gia thân yêu này? Tôi hết sức thiết tha mong muốn thấy được nhân dân Lebanon có thể tự do quyết định cho tương lai của mình, và tôi xin Chúa hãy soi sáng cho họ, bắt đầu từ những vị lãnh đạo đời sống quần chúng, nhờ đó, dẹp đi những ích lợi riêng biệt, họ tỏ ra sẵn sàng tiến tới con đường đối thoại và hòa giải. Chỉ có thế quốc gia này mới có thể tiến bộ cách vững chắc và một lần nữa mới trở nên tấm gương của việc chung sống thuận hòa giữa các cộng đồng khác nhau. Cả ở Iraq nữa cũng hết sức cần đến việc hòa giải! Hiện nay, các cuộc khủng bố tấn công, các thứ đe dọa và bạo động vẫn tiếp tục xẩy ra, nhất là chống lại cộng đồng Kitô hữu, và những tin tức hôm qua đã khẳng định mối quan tâm này của chúng ta; rõ ràng là có một số vấn đề chính trị khó khăn vẫn chưa được giải quyết. Bởi thế, cần phải canh tân hiến pháp một cách thích đáng để bảo toàn những quyền lợi của các thành phần thiểu số. Cần phải thực hiện vấn đề trợ giúp nhân đạo cho dân chúng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh; tôi đang đặc biệt nghĩ đến những người bị phân tán trong đất nước này và những người tị nạn đã thoát được ra hải ngoại, trong số đó có nhiều Kitô hữu. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tỏ ra rộng lượng đối với họ, cũng như đối với các chủ quốc mà khả năng của các nước này trong việc chấp nhận những người tị nạn ấy đã bị thử thách một cách nghiêm trọng. Tôi cũng xin bày tỏ lòng ủng hộ của mình đối với việc liên tục không ngừng theo đuổi con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề chương trình nguyên tử của Iran, bằng cách chân thành thương thảo, bằng cách chấp nhận những giải pháp được đưa ra để gia tăng tính cách liêm khiết và tin tưởng lẫn nhau, và bằng cách luôn lưu tâm tới những nhu cầu chân thực của các dân tộc cũng như công ích của gia đình nhân loại.
Á Châu - Khủng Hoảng
5.- Giờ đây hướng mắt tới toàn thể Á Châu, tôi muốn quí vị hãy chú trọng tới một số tình hình khủng hoảng khác, trước hết đến Pakistan, nơi đã trải qua tình trạng trầm trọng bạo động trong những tháng gần đây. Tôi hy vọng rằng tất cả mọi lực lượng chính trị và xã hội sẽ dấn thân xây dựng một xã hội thái hòa, tôn trọng quyền lợi của tất cả mọi người. Ở A Phú Hãn, ngoài tình trạng bạo động, còn có những vấn đề xã hội nghiêm trọng khác nữa, chẳng hạn như việc sản xuất các thứ thuốc phiện; cần phải nâng đỡ nhiều hơn nữa cho việc phát triển, thậm chí cần phải gia tăng hoạt động để xây đắp một tương lai thanh bình. Ở Sri Lanka không thể trì hoãn những nỗ lực quyết liệt hơn nữa trong việc chữa trị những khổ đau muôn vàn gây ra bởi tình trạng liên tục xung đột. Và tôi cũng cầu xin Chúa để ở Myanmar, nhờ cộng đồng quốc tế nâng đỡ, một mùa đối thoại giữa Chính Quyền và phe chống đối được bắt đầu, để bảo đảm việc thực sự tôn trọng tất cả mọi nhân quyền cùng với các quyền tự do căn bản.
Phi Châu - Khốn Khổ
6.- Giờ đây hướng tới Phi Châu, trước hết tôi cần phải lập lại nỗi sâu xa thống khổ của tôi, khi nhận thấy rằng niềm hy vọng hầu như bị biến mất bởi tình trạng liên tục bị đe dọa bởi đói khổ và chết chóc xẩy ra ở Darfur. Với tất cả tấm lòng của mình, tôi nguyện cầu để việc liên kết hoạt động của Liên Hiệp Quốc và Khối Hiệp Nhất Phi Châu là khối mới bắt đầu thi hành sứ vụ của mình, sẽ mang lại sự trợ giúp và niềm an ủi cho các thành phần dân chúng khổ đau. Tiến trình hòa bình ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo đang gặp phải tình trạng dữ dội chống cự ở vùng lân cận Đại Hồ, nhất là ở những miền phía Đông, trong khi đó Somalia, nhất là Mogadishu, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi bạo động và nghèo khổ. Tôi kêu gọi các phe phái xung đột hãy ngưng lại các hoạt động quân sự của mình, hãy dễ dàng hóa cho vấn đề hoạt động nhân đạo, và hãy tôn trọng các thành phần dân sự. Trong những ngày gần đây, Kenya đã trải qua một cuộc bùng nỗ bạo động bất ngờ. Tôi xin hiệp lời kêu gọi của các Vị Giám Mục hôm 2/1, xin tất cả mọi dân cư, đặc biệt là các vị lãnh đạo chính trị, hãy tìm kiếm một giải pháp ôn hòa qua việc đối thoại trong công lý và tình huynh đệ. Giáo Hội Công Giáo không phải là dửng dưng lạnh lùng trước những tiếng kêu thương đau xuất phát từ những miền đất này. Giáo Hội đang cảm thấy được những lời van nài xin được trợ giúp của những người tị nạn và những người bị phân tán, và Giáo Hội quyết tâm phát động việc hòa giải, công lý và hòa bình. Năm nay, Ethiopia đang đánh dấu việc khai mào cho ngàn năm thứ ba Kitô Giáo, và tôi tin tưởng rằng những việc cử hành được tổ chức cho dịp này cũng sẽ giúp vào việc nhắc nhở hoạt động xã hội và tông đồ dồi dào rộng lớn được Kitô hữu thi hành ở Phi Châu.
Âu Châu - Hiệp Nhất
7.- Sau hết, khi nhắm tới Âu Châu, tôi hân hoan trước tiến bộ đạt được ở một số quốc gia khác nhau thuộc vùng Balkans, và tôi xin bày tỏ một lần nữa niềm hy vọng là tình hình dứt khoát ở Kosovo sẽ cứu xét tới những đòi hỏi hợp lý của những phe trong cuộc và sẽ bảo đảm tình trạng an ninh cùng việc tôn trọng các quyền lợi của tất cả mọi cư dân thuộc vùng đất này, nhờ đó, bóng ma bạo động sẽ hoàn toàn bị loại trừ và tình trạng vững chắc của Âu Châu được củng cố. Tôi cũng muốn đề cập tới Cyprus, hân hoan nhớ lại chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II vào Tháng Sáu vừa rồi. Tôi hết sức ước mong là, trong bối cảnh của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, mọi nỗ lực sẽ được thực hiện trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài quá lâu. Tháng Chín vừa rồi, tôi đã đến viếng thăm Áo Quốc, một phần là để đề cao việc đóng góp chính yếu mà Giáo Hội Công Giáo có thể và muốn cống hiến cho việc thống nhất hóa Âu Châu. Về vấn đề Âu Châu, tôi xin quí vị hãy biết rằng tôi đang chuyên chú theo dõi giai đoạn mới được mở đầu với việc ký kết Hiệp Ước Lisbon. Bước tiến này đã đẩy mạnh tiến trình xây dựng “ngôi nhà Âu Châu”, một chốn “sẽ trở thành một nơi tốt đẹp để sống cho hết mọi người, chỉ khi nào nó được xây dựng trên nền tảng vững chắc về văn hóa và luân lý của những thứ giá trị chung bắt nguồn từ lịch sử của chúng ta cùng với các truyền thống của chúng ta” (Meeting with the Authorities and the Diplomatic Corps, Vienna, 7 September 2007), và nếu nó không chối bỏ những cội nguồn Kitô Giáo của mình.
Thế Giới - Bất Ổn
8.- Cái nhìn tổng quan nhanh chóng này rõ ràng cho thấy là tình hình an ninh và ổn định của thế giới vẫn còn đang mong manh mỏng dòn. Có những yếu tố quan ngại khác nhau song tất cả đều chứng thực sự kiện là tự do của con người không phải là những gì tuyệt đối, mà là một sự thiện được chia sẻ, một sự thiện mà tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm. Như thế thì luật lệ và trật tự là những bảo đảm viên của tự do. Tuy nhiên, luật lệ có thể trở thành một quyền lực hiệu nghiệm cho hòa bình chỉ khi nào các nền tảng của nó được gắn liền với luật tự nhiên như Hóa Công ấn định. Đó là một lý do nữa cho thấy tại sao Thiên Chúa không thể nào bị loại trừ ra khỏi chân trời của con người hay của lịch sử. Danh hiệu của Thiên Chúa là một danh hiệu của công lý, nó tiêu biểu cho lời kêu gọi hòa bình khẩn trương.
9.- Ý thức này, trong số những yếu tố khác, có thể giúp vào vấn đề định hướng cho những thứ khởi động về vần đề đối thoại liên văn hóa và liên tôn. Những khởi động gia tăng hơn bao giờ hết này có thể duy trì vấn đề hợp tác về những ích lợi hỗ tương, chẳng hạn như phẩm vị của con người, việc tìm kiếm công ích, việc xây dựng hòa bình và việc phát triển. Về vấn đề này, Tòa Thánh cảm thấy đặc biệt quan trọng khi tham phần vào việc đối thoại cao cấp đối với vấn đề hiểu biết nhau giữa các tôn giáo cũng như các nền văn hóa và sự hợp tác cho hòa bình, trong khuôn khổ bàn luận của Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (4-5/10/2007). Để chân thực thì việc đối thoại này cần phải rõ ràng minh bạch, tránh chủ nghĩa tương đối và khuynh hướng pha trộn, đồng thời mang tính cách chân thành tôn trọng người khác cùng với tinh thần hòa giải và tình huynh đệ. Giáo Hội Công Giáo hết sức dấn thân cho mục đích này. Tôi hân hoan nhắc lại một lần nữa về bức thư gửi cho tôi hôm 13/10 năm ngoái bởi 138 Vị Lãnh Đạo Hồi Giáo, và lập lại lòng biết ơn của tôi về những cảm tình cao quí được bày tỏ trong bức thư này.
10.- Xã hội của chúng ta có lý để mà trân trọng gìn giữ tính chất cao cả và phẩm vị của con người qua những bản tuyên ngôn khác nhau, những bản tuyên ngôn được hình thành sau Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền được chuẩn nhận đúng 60 năm trước đây. Tác động long trọng này, theo lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, là một trong những thành đạt cả thể nhất của Liên Hiệp Quốc. Ở mọi châu lục, Giáo Hội Công Giáo cố gắng bảo đảm rằng các thứ quyền lợi của con người không phải chỉ là những gì được công bố nhìn nhận mà còn phải được áp dụng hành sử nữa. Hy vọng rằng những cơ quan được thiết lập lên để bênh vực và cổ võ nhân quyền sẽ dồn mọi nỗ lực của mình cho công cuộc này, và đặc biệt là Hội Đồng Nhân Quyền cũng sẽ đạt được chỉ tiêu đúng với mục đích hiện hữu của nó.
Sự Sống – Tự Do
11.- Về phần mình, Tòa Thánh không bao giờ thôi tái khẳng định những nguyên tắc và quyền lợi ấy là những yêu tố được đặt trên nền tảng những gì thiết yếu và thường hữu nơi con người. Giáo Hội sẵn sàng đảm trách việc phục vụ cho phẩm vị đích thực này của con người là loài được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Và căn cứ vào những nhận định ấy thì tôi không thể nào không cảm thấy tiếc xót một lần nữa về những tấn công liên tục gây ra ở mọi châu lục phạm đến sự sống con người. Tôi cũng xin nhắc lại, cùng với nhiều con người nam nữ dấn thân vào việc nghiên cứu và khoa học, là những giới tuyến mới đạt được nơi khoa đạo đức sinh học không đòi chúng ta chọn lựa giữa khoa học và luân lý, trái lại, chúng buộc chúng ta phải sử dụng khoa học một cách luân lý. Mặt khác, khi lập lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhân dịp Năm Thánh 2000, tôi cảm thấy hân hoan về ngày 18/12 vừa rồi Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận nghị quyết kêu gọi các Quốc Gia hãy thiết lập lệnh đình chỉ việc sử dụng án tử hình, và tôi thiết tha hy vọng rằng việc khởi động này sẽ dẫn tới chỗ công khai tranh luận về tính chất linh thánh của sự sống con người. Một lần nữa, tôi cảm thấy tiếc xót trước những đe dọa đáng ngại về tính chất nguyên vẹn của gia đình là cơ cấu được thiết lập trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Các vị lãnh đạo chính trị, ở lãnh vực nào đi nữa, cũng cần phải bênh vực cơ cấu cốt yếu này, một tế bào căn bản của xã hội. Ngoài ra còn phải nói đến những gì nữa? Ngay cả quyền tự do tôn giáo, “một đòi hỏi thiết yếu của phẩm vị nơi hết mọi con người và là nền tảng nơi cấu trúc của quyền lợi con người” (Message for the 1988 World Day of Peace, Preamble) cũng thường bị tác hại. Có nhiều nơi quyền lợi này không được hoàn toàn hành sử. Tòa Thánh bênh vực thứ quyền lợi này, muốn nó phải được tôn trọng một cách phổ quát, và quan tâm tới tình trạng kỳ thị phạm đến Kitô hữu cũng như đến những tín đồ thuộc các tôn giáo khác.
Hòa Bình - Giải Giới
12.- Hòa bình không thể chỉ là một lời nói thuần túy hay là một ước vọng hão huyền. Hòa bình là một quyết tâm và là một cách sống làm sao để cho những ước vọng hợp lý của tất cả mọi người đều được mãn nguyện, chẳng hạn như có phương tiện về lương thực, nước nôi và năng lượng, về thuốc men và kỹ thuật, hoặc ngay cả đến việc biết được tình hình thay đổi khí hậu nữa. Chỉ nhờ đó chúng ta mới có thể xây dựng tương lai cho nhân loại; chỉ có thế chúng ta mới có thể dễ dàng hóa việc phát triển toàn diện vững chắc cho hôm nay và ngày mai. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, 40 năm trước đây, trong Thông Điệp Populorum Progressio – Việc Phát Triển Của Các Dân Tộc, đã khéo léo nhấn mạnh rằng “phát triển là tên gọi mới của hòa bình”. Bởi thế, để củng cố hòa bình, những thành quả tích cực về lãnh vực đại kinh tế đạt được bởi nhiều quốc gia đang phát triển trong năm 2007 cần phải được hỗ trợ bởi những chính sách hiệu nghiệm về xã hội cũng như bởi việc các quốc gia giầu thịnh áp dụng những dấn thân trợ giúp của mình.
13.- Sau hết, tôi tha thiết xin cộng đồng quốc tế hãy hãy thực hiện việc dấn thân toàn cầu về vấn đề an ninh. Nỗ lực chung nơi phần của các Quốc Gia trong việc áp dụng tất cả những đòi buộc đã cam đoan, cũng như trong việc ngăn ngừa thành phần khủng bố có cơ hội nắm được những thứ vũ khí đại công phá, chắc chắn sẽ là những gì làm kiên cố chính sách ngưng leo thang nguyên tử và làm cho nó được thêm hiệu năng. Tôi hoan hô thỏa ước đạt được về việc giải giới chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, và tôi khuyến khích việc chấp thuận những phương sách thích hợp trong vấn đề giảm thiểu các thứ vũ khí qui ước cũng như trong việc giải quyết những vấn đề về nhân đạo gây ra bỡi những loại bom đạn chùm.
Trọng Kính Quí Vị Lãnh Sự, cùng Quí Nữ Vị và Nam Vị
14.- Ở một nghĩa nào đó, vấn đề ngoại giao là nghệ thuật của niềm hy vọng. Nó sống nhờ hy vọng và tìm cách nhận thức được cả những dấu hiệu mong manh nhất của mình. Ngoại giao cần phải cống hiến niềm hy vọng. Việc cử hành Lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta mỗi năm rằng khi Thiên Chúa hóa thân làm một con trẻ nhỏ bé thì Hy Vọng đã đến sống trong thế giới của chúng ta đây, trong cõi lòng của gia đình nhân loại. Hôm nay, niềm tin này đã trở thành một lời nguyện cầu: Xin Thiên Chúa mở lòng của những ai cai trị gia đình chư dân hướng về Niềm Hy Vọng không bao giờ thất vọng này! Với những cảm thức ấy, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến từng quí vị, để quí vị, nhân viên của quí vị, và nhân dân quí vị đại diện được soi dẫn bởi Ân Sủng và Bình An chúng ta lãnh nhận được từ Con Trẻ Bêlem.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh (trừ những chỗ in đậm và phân chi tiểu mục do chính người dịch thực hiện)
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2008/january/documents/hf_ben-xvi_spe_20080107_diplomatic-corps_en.html