“Lời Chúa là đèn soi bước con đi và là ánh sáng soi đường con bước”

(Ps 119[118]:105)

(Đức Thánh Cha Biền Đức XVI:

Sứ Điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI, Lễ Lá 9/4/2006)

 

Quí Bạn Giới Trẻ thân mến!

Tôi cảm thấy rất vui mừng gửi lời chào đến quí bạn trong khi quí bạn đang sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI, và tôi đang sống lại hồi niệm về những cảm nghiệm dồi dào chúng ta có được vào Tháng Tám năm ngoái ở Đức Quốc. Năm nay, Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được tổ chức ở Giáo Hội địa phương, và nó sẽ là một cơ hội tốt để tái khêu lên ngọn lửa nhiệt tình đã được thắp lên ở Cologne và là nhiệt tình được nhiều quí bạn đã mang về cho gia đình, giáo xứ, hội đoàn và phong trào của quí bạn. Đồng thời nó cũng là một dịp tuyệt vời để mời gọi nhiều bạn bè của quí bạn tham dự vào cuộc hành trình thiêng liêng tiến đến với Chúa Kitô này của thế hệ trẻ.

Đề tài tôi muốn nêu lên co quí bạn đó là một câu được trích từ Thánh  Vịnh 119 (118): Lời Chúa là đèn soi bước con đi và là ánh sáng soi đường con bước” (câu 105). Đức Gioan Phaolô II rất thân yêu của chúng ta đã dẫn giải câu thánh vịnh này như sau: “Con người nguyện cầu tuôn lời cảm tạ của mình về Lề Luật của Thiên Chúa được họ chấp nhận như ngọn đèn soi bước chân của họ trên con đường thường tối tăm của cuộc sống” (Buổi Triều Kiến Chung, Thứ Tư 14/11/2001). Thiên Chúa đã tỏ mình trong lịch sử. Ngài đã nói với con người, và lời Ngài nói có quyền năng sáng tạo. Quan niệm ‘dabar’ của Do Thái thường được chuyển dịch là ‘lời’, thật sự chuyển chở cả ý nghĩa về lời lẫn việc. Thiên Chúa phán những gì Ngài làm và làm những gì Ngài phán. Cựu Ước thông báo cho con cái Yến Duyên biết việc Đấng Thiên Sai đến và việc thiết lập một giao ước “mới”; nơi Lời hóa thành nhục thể, Người đã làm trọn lời hứa này. Điều ấy đã được nói rõ trong Cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo: “Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hóa thân làm người, là Lời duy nhất, trọn hảo và siêu việt của Cha. Nơi Người, Ngài đã nói hết mọi sự; không còn lời nào khác ngoài lời duy nhất này” (khoản 65). Thánh Thần, Đấng đã dẫn dắt thành phần dân tuyển chọn bằng việc linh ứng cho các vị tác giả Sách Thánh, mở lòng tín hữu cho họ có thể hiểu được ý nghĩa của Sách Thánh. Cũng vị Thần Linh này đang chủ động hiện diện nơi việc cử hành Thánh Thể khi vị linh mục, “thay cho Chúa Kitô”, đọc lên những lời truyền phép, để biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, để làm của linh dưỡng cho tín hữu. Để tiến bước trong cuộc hành trình trần thế về Vương Quốc thiên đình, tất cả chúng ta cần phải được dưỡng nuôi bởi Lời Chúa cũng như bởi Bánh Sự Sống trường sinh này, và những điều này là những gì bất khả tách biệt nhau!

Các Vị Tông Đồ đã lãnh nhận lời cứu độ và truyền đạt lời này cho thành phần thừa kế của mình như một viên ngọc quí báu được an toàn giữ trong hộp đựng đồ châu báu Giáo Hội: không có Giáo Hội, hạt châu ngọc này có nguy cơ bị mất đi hay bị hủy hoại. Quí bạn trẻ thân mến, quí bạn hãy yêu mến lời Chúa và mến yêu Giáo Hội, nhờ đó quí bạn có thể đến được kho tàng rất ư là quí giá và quí bạn sẽ biết trân quí sự phong phú dồi dào của kho tàng này. Hãy mến yêu và theo Giáo Hội, vì Giáo Hội đã lãnh nhận từ Đấng Sáng Lập của mình sứ vụ tỏ cho con người biết con đường dẫn đến hạnh phúc chân thật. Không dễ dàng nhận ra và tìm được hạnh phúc đích thực trên trần gian là nơi chúng ta đang sống đây, nơi con người thường bị giam cầm bởi những đường lối suy tưởng hiện đại. Họ có thể nghĩ rằng họ ‘tự do’, thế nhưng họ đang bị lừa đảo và lạc hướng giữa những lầm lạc hay ảo tưởng của các thứ ý hệ dị thường. ‘Chính tự do cần phải được giải thoát’ (x Thông Điệp Rạng Ngời Chân Lý, đoạn 86), và bóng tối đang làm con người lần mò cần phải được sáng soi. Chúa Giêsu dạy chúng ta làm thế nào để thực hiện được điều ấy, đó là “nếu quí vị nghe lời Tôi thì quí vị thực sự là môn đệ của Tôi; và quí vị sẽ nhận biết sự thật, rồi sự thật sẽ giải thoát quí vị” (Jn 8:31-32). Lời Nhập Thể, Lời Chân Lý, giải thoát chúng ta và hướng tự do của chúng ta tới thiện hảo. Quí bạn trẻ thân mến, hãy năng suy niệm Lời Chúa, và hãy để cho Thánh Thần dạy dỗ quí bạn. Để rồi quí bạn sẽ khám phá ra rằng đường lối suy tưởng của Thiên Chúa không giống với đường lối suy nghĩ của nhân loại. Quí bạn sẽ thấy mình được dẫn tới chỗ chiêm ngắm Thiên Chúa thực sự và đọc được các biến cố lịch sử bằng ánh mắt của Ngài. Quí bạn sẽ được hoan hưởng trọn vẹn thứ niềm vui xuất phát tự chân lý. Trong cuộc hành trình của cuộc sống, một cuộc hành trình chẳng dễ đi và không thiếu những dối trá, quí bạn sẽ gặp phải những khó khăn cùng đau khổ, và có những lúc quí bạn sẽ tiến đến chỗ kêu lên như thánh vịnh gia rằng: ‘Tôi cảm thấy thật là tái tê’ (Ps 119[118]:7). Quí bạn đừng quên, như vị tác giả thánh vịnh này, thêm rằng: ‘Ôi Chúa, xin hãy ban cho con sự sống theo lời của Ngài… Tôi liên tục sống cuộc đời của mình nhưng không quên lề luật của Chúa’ (như vừa dẫn, các câu 107,109). Sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, qua Lời của Ngài, là ngọn đèn xua tan bóng tối và thắp sáng đường đi nước bước cho dù ở vào những lúc khốn khó nhất.

Vị tác giả của Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đã viết: ‘Thật thế, lời Chúa thì sống động và linh hoạt, sắc hơn thanh gươm hai lưỡi, xuyên thấu tâm thần, đến tận xương tủy; lời này có thể thẩm phán tư tưởng và ý hướng của cõi long’ (4:12). Cần thận trọng trước lời khuyến dụ ấy để coi lời Chúa là một ‘khí giới’ bất khả thiếu trong cuộc đối chọi thiêng liêng. Điều ấy sẽ có hiệu năng và sinh hoa kết trái nếu chúng ta biết lắng nghe lời Chúa để rồi tuân giữ lời Chúa. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo giải thích rằng: ‘Vâng lời (từ tiếng Latinh là ob-audire, tức là ‘nghe thấy hay lắng nghe’) theo đức tin là việc tự ý thuận phục lời đã nghe thấy, vì sự thật của lời này được Thiên Chúa bảo đảm, Đấng chính là Sự Thật’ (số 144). Trong lúc Abraham làm gương về vấn đề lắng nghe là tuân phục này, thì phần Solomon chứng tỏ mình là một con người hăng say khai phá đức khôn ngoan được chất chứa nơi Lời Chúa. Khi Thiên Chúa nói cùng vua rằng: ‘Hãy xin điều Ta ban cho ngươi’, vị vua khôn ngoan này trả lời: ‘Vậy xin hãy ban cho tôi tớ Chúa một tấm lòng hiểu biết’ (1Kgs 3:5,9). Cái bí mật để có được ‘một con tim hiểu biết’ đó là việc huấn luyện cho cõi lòng của qúi bạn biết lắng nghe. Điều này đạt được nhờ việc liên lỉ suy niệm lời Chúa cũng như bằng việc mạnh mẽ đi sâu vào Lới Chúa qua việc dấn thân kiên trì tìm hiểu Lời Chúa hơn nữa.

Quí bạn trẻ thân mến, tôi khuyên quí bạn hãy làm quen với Thánh Kinh, và có Thánh Kinh trong tay để Thánh Kinh trở thành địa bàn chỉ đường dẫn lối bước đi. Nhờ việc đọc Thánh Kinh, quí bạn sẽ biết Chúa Kitô. Hãy ghi nhớ những gì Thánh Giêrônimô nói về vấn đề này là: ‘Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (Pl 24,17; x Hiến Chế Lời Chúa, đoạn 25). Đường lối một thời được trân trọng để học hỏi và thưởng thức lời Chúa đó là lectio divina, một đường lối trở thành cuộc hành trình thiêng liêng thực sự qua các giai đoạn của nó. Sau khi lectio là việc đọc đi đọc lại một đoạn Thánh Kinh, để rồi căn cứ vào những yếu tố chính của đoạn này, chúng ta tiến tới việc meditation - suy niệm. Đó là giây phút suy tư trong long, nhờ đó linh hồn hướng về Thiên Chúa và cố gắng hiểu những gì lời Ngài có ý muốn nói với chúng ta hôm nay đây. Đoạn tới việc oratio là lúc lân la nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa. Sau heat, chúng ta tiến đến chỗ comtemplatio – chiêm niệm. Điều này giúp chúng ta giữ long của mình chuyên chú trước sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng có lời là ‘đèn soi trong tăm tối, cho đến khi ngày rạng đông và sao mai hiện lên trong long anh em’ (2Pt 1:19). Đọc lời Chúa, tìm hiểu lời Chúa và suy niệm lời Chúa, bởi thế, cần phải biến thành một đời sống liên lỉ trung thành với Chúa Kitô và các giáo huấn của Người.

Thánh Giacôbê nói với chúng ta rằng: ‘Hãy thực hành lời Chúa, chứ đừng nghe xuông kẻo đánh lừa mình. Vì nếu ai nghe lời Chúa mà không làm thì họ là những kẻ soi mình trong gương; họ thấy họ đoạn bỏ đi liền quên ngay những gì họ thấy. Thế nhưng những ai nhìn vào lề luật trọn hảo, thứ lề luật của tự do, và kiên trì, không phải là kẻ nghe thấy rồi quên khuấy mà là kẻ thực hiện, thì họ được chúc phúc nơi việc làm của họ’ (1:22-25). Những ai lắng nghe lời Chúa và liên lỉ chuyên chú tới lời của Ngài là thành phần đang xây dựng cuộc sống của mình trên những nền tảng vững chắc. Chúa Giêsu phán: ‘Ai nghe những lời này của Thày mà thi hành sẽ là người khôn ngoan xây nhà mình trên đá’ (Mt 7:24). Nó sẽ không sụp đổ khi thời tiết xấu xẩy ra.

Hỡi giới trẻ của ngàn năm thứ ba, chương trình sống của quí bạn cần phải được thực hiện như sau: đó là hãy xây dựng đời sống của mình trên nền tảng Chúa Kitô, hãy hân hoan chấp nhận lời Chúa và hãy thực hành giáo huấn của lời Chúa! Rất khẩn trương cho việc làm nổi lên một thế hệ mới thành phần tông đồ gắn chặt với lời của Chúa Kitô, có khả năng đáp ứng với các thách đố của thời đại chúng ta và sẵn sàng quảng bá Phúc Âm một cách sâu rộng. Chính vì thế mà Chúa Kitô đã xin quí bạn, chính vì vậy mà Giáo Hội kêu mời quí bạn, và chính bởi đó mà thế giới mong đợi nơi quí bạn, cho dù nó không hay biết gì về niềm mong đợi này! Nếu Chúa Giêsu kêu gọi quí bạn thì đừng sợ đáp ứng Người một cách quảng đại, nhất là khi Người xin quí bạn hãy theo Người sống đời tận hiến hay sống thiên chức linh mục. Đừng sợ; hãy tin tưởng vào Người thì quí bạn sẽ không bị thất vọng.

Quí bạn thân mến, vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 21 được chúng ta cử hành vào ngày 9/4 Chúa Nhật Lễ Lá tới đây, chúng ta sẽ bắt đầu, trong tâm hồn của mình, một cuộc hành trình hướng về cuộc hội ngộ quốc tế của giới trẻ sẽ được tổ chức ở Sydney vào Tháng Bảy năm 2008. Chúng ta sẽ sửa soạn cho cuộc hẹn trọng đại này bằng việc cùng nhau suy nghĩ về đề tài Thánh Linh và Sứ Vụ Truyền Giáo ở những giai đoạn kế tiếp. Năm nay chúng ta chú trọng tới Thánh Linh là Thần Chân Lý, Đấng tỏ Chúa Kitrô cho chúng ta, Lời nhập thể, hướng lòng của mỗi người chúng ta tới Lời cứu độ là lời dẫn chúng ta tới Sự Thật trọn vẹn. Năm tới, năm 2007, chúng ta sẽ suy niệm một câu của Phúc Âm Thánh Gioan, đó là câu: ‘Như Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng phải yêu thương nhau như thế’ (13:34). Chúng ta sẽ khám phá ra hơn nữa về Thánh Thần, Thần Yêu Thương, Đấng thấm nhập đức ái thần linh trong chúng ta và làm cho chúng ta nhận thức được những nhu cầu vật chất cũng như thiêng liêng của anh chị em chúng ta. Sau heat, chúng ta sẽ tiến đến cuộc hội họp thế giới này vào năm 2008 với đề tài là ‘Các con sẽ lãnh nhận quyền năng khi Thánh Thần đến với các con; và các con sẽ là những chứng nhân của Thày’ (Acts 1:8).

Từ giờ phút này trở đi, hỡi quí bạn trẻ thân mến, trong bầu khí liên lỉ lắng nghe lời Chúa, quí bạn hãy kêu cầu Thánh Linh, Vị Thần dũng mãnh và chứng từ, để quí bạn có thể hiên ngang loan báo Phúc Âm cho tới tận cùng trái đất. Đức Mẹ là vị hiện diện trong nhà tiệc ly với các Tông Đồ khi họ đời chờ Lễ Hiện Xuống. Xin Người là Mẹ và là vị hướng đạo của quí bạn. Xin Mẹ dạy cho quí bạn biết lãnh nhận lời Chúa, biết bảo quí lời Chúa và biết suy niệm lời Chúa trong lòng mình (x Lk 2:19), như Mẹ đã làm suốt cuộc đời của Mẹ. Xin Mẹ phấn khích quí bạn để quí bạn thân thưa ‘vâng’ với Chúa khi quí bạn sống ‘đức tin tuân phục’. Xin Mẹ giúp cho quí bạn kiên vững trong đức tin, kiên trì trong đức cậy và kiên quyết trong đức mến, lúc nào cũng lắng nghe lời Chúa. Tôi cùng với quí bạn nguyện cầu và tôi ban phép lành cho từng quí bạn bắng tất cả tấm lòng của tôi.

Tại Điện Vatican ngày 22/2/2006, Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/youth/documents/hf_ben-xvi_mes_20060222_youth_en.html