SỨ ĐIỆP CHO NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI NĂM THỨ 34, 1/1/2002

Hòa Bình Không Thể Thiếu Công Lý, Công Lý Không Thể Thiếu Thứ Tha
 

1.-        Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay được cử hành trong cái ám ảnh thê thảm của biến cố 11/9 vừa qua. Ngày hôm ấy đã xẩy ra một tội ác khủng khiếp, đó là, trong một vài giờ khắc ngắn ngủi đã có cả mấy ngàn người vô tội thuộc nhiều chủng tộc khác nhau bị thảm sát. Từ đó, dân chúng trên khắp thế giới đã cảm thấy mình có thể bị tổn thương một cách sâu xa cũng như cảm thấy một mối phập phồng lo sợ mới trong tương lai. Đối với tâm trạng này, Giáo Hội chứng tỏ cho thấy niềm hy vọng của mình với một xác tín là sự dữ, mầu nhiệm bất chính “mysterium iniquitatis“, không phải là phán quyết tối hậu nơi sinh hoạt trần thế.

Đó là niềm hy vọng nâng đỡ Giáo Hội bước vào năm 2002, ở chỗ, với ơn Chúa, cái thế giới mà, một lần nữa, quyền lực sự dữ như đang làm chủ tình thế, thực sự sẽ được biến thành một thế giới được chủ trì bởi những khát vọng cao cả nhất của con tim nhân loại, một thế giới được sống trong hòa bình đích thực.

Hòa Bình Là Công Cuộc Của Công Lý Và Yêu Thương

2.-        Những biến cố mới đây, kể cả những cuộc giết hại khủng khiếp vừa được đề cập tới, đã đưa Tôi trở về với đề tài thường khuấy động tận đáy lòng Tôi, khi Tôi nhớ lại những biến cố lịch sử đã ghi dấu vết vào cuộc đời của Tôi, nhất là hồi Tôi còn trẻ.

Nỗi khổ đau vĩ đại của các dân tộc cũng như của những con người, ngay cả của những người trong số bạn bè và quen biết của Tôi, do chế độ độc tài Nazi và Cộng Sản gây ra, Tôi không bao giờ quên được và cũng không thôi nguyện cầu. Tôi thường ngẫm nghĩ đến một vấn đề dai dẳng này là chúng ta làm thế nào để phục hồi lại trật tự về luân lý và xã hội, một trật tự bị lọt vào bàn tay của tình trạng bạo loạn khiếp đảm như thế?… Những cột trụ của nền hòa bình chân thực là công lý và là một mẫu yêu thương biết thứ tha.

3.-        Thế nhưng, trong những hoàn cảnh hiện nay, chúng ta làm sao có thể nói đến công lý và thứ tha như là nguồn gốc và là điều kiện để tạo lập hòa bình đây? Cho dù có khó khăn đến mấy đi nữa, chúng ta cũng có thể nói và phải nói đến những vấn đề này… Thứ tha phản ngược lại với uất hận và trả thù, chứ không phải với công lý. Thật vậy, hòa bình thực sự là “việc của công lý” (Is 32:17).

Bởi thế hòa bình đích thực là hoa trái của công lý, một nhân đức luân lý và là một bảo toàn về pháp lý đưa đến chỗ biết hoàn toàn tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của con người, cũng như đưa đến việc phân phối công bằng cả về những thiện ích lẫn gánh nặng. Thế nhưng, vì công lý của loài người luôn mỏng dòn và bất hảo, lệ thuộc hẳn vào những giới hạn và cái tôi của con người cũng như của phái nhóm, mà nó phải cần đến lòng thứ tha và cần phải thực hiện bằng một tấm lòng thứ tha, một lòng thứ tha hàn gắn chữa lành và tái thiết những mối liên hệ trần thế bị trục trặc tận căn gốc của chúng. Điều này đúng là như thế, ở những hoàn cảnh lớn nhỏ, ở tầm mức riêng tư hay bao rộng, ở cả ngay lãnh vực quốc tế nữa. Thứ tha không thể nào phản ngược lại với công lý, như thể thứ tha là bỏ qua nhu cầu cần phải sửa lại những gì sai quấy. Trái lại, nó là tầm mức trọn vẹn của công lý… Công lý và thứ tha đều là những gì thiết yếu cho việc hàn gắn ấy.

Tôi muốn trình bày về hai khía cạnh hòa bình này nơi sứ điệp đây.

Thực Tại Của Việc Khủng Bố

4.-        Chính vì hòa bình phát xuất từ công lý cũng như từ thứ tha mà hôm nay đây nó đã bị cuộc khủng bố thế giới tấn công. Trong những năm vừa rồi, nhất là từ khi kết thúc tình trạng Chiến Tranh Lạnh, công cuộc khủng bố đã phát triển thành một hệ thống tổ chức tinh vi về cấu kết chính trị, kinh tế và kỹ thuật, một kết cấu vượt ra ngoài lãnh địa quốc gia, tới chỗ bao trùm toàn thể thế giới.

Khi những tổ chức khủng bố sử dụng những tay sai của mình như khí cụ để khai chiến chống lại người vô phương chống đỡ và ngay lành là họ rõ ràng chứng tỏ cho thấy họ đang nung nấu một ý muốn sát hại. Khủng bố phát xuất từ hận thù và gây ra tình trạng cô lập, ngờ vực và khép kín… Khủng bố xẩy ra là do lòng khinh thường sự sống con người. Bởi thế, nó không chỉ gây ra những tội ác bất khả dung, mà tự mình nó còn là một tội ác phạm đến nhân loại nữa, bởi nó dùng đến những đường lối khủng bố về chính trị và quân sự.

5.-        Thế nên, cần phải có quyền tự vệ đối với hành động khủng bố, một quyền bao giờ cũng phải thi hành bằng cách tôn trọng những giới hạn về luân lý và pháp lý, trong việc chọn lựa giữa cùng đích và phương tiện. Lỗi lầm cần phải nhận diện một cách xác đáng, vì tính chất vấp phạm tội ác bao giờ cũng thuộc về cá nhân, không thể qui cho cả một dân nước, cả một nhóm chủng tộc hay tôn giáo có phần tử là những người khủng bố. Việc quốc tế hợp tác vào việc chống lại những hoạt động khủng bố cũng đòi phải là một việc làm chính trị đầy can đảm và quyết tâm, một việc dấn thân về ngoại giao và kinh tế, để làm giảm bớt những tình trạng đè nén và hất hủi là những gì sinh ra mưu cơ tác hành của thành phần khủng bố.

Ngoài ra, cũng cần phải nhấn mạnh là tình trạng bất công hiện nay trên thế giới không bao giờ được lấy đó là cớ cho những hành động khủng bố cả.

Không Được Nhân Danh Thiên Chúa Để Sát Hại!

6.-        Những ai sát hại bằng những hành động khủng bố là những người thực sự thất vọng về nhân loại, về sự sống cũng như về tương lai. Theo quan niệm của mình, họ cần phải ghét bỏ và hủy diệt tất cả mọi sự. Những người khủng bố chủ trương rằng sự thật mà họ tin tưởng hay khổ đau họ phải chịu đựng là tất cả những gì biện minh cho phản ứng của họ trong việc hủy hoại ngay cả những mạng sống vô tội. Hiện tượng khủng bố thường là hậu quả của khuynh hướng cực đoan bảo thủ cuồng loạn phát xuất từ niềm tin tưởng rằng quan điểm riêng của mình về sự thật cần phải bắt mọi người khác phải chấp nhận… Việc cố gắng dùng võ lực để áp đặt trên người khác những gì chúng ta cho là chân lý là một hành động phạm đến phẩm vị con người, đúng hơn phạm đến Thiên Chúa mà con người là hình ảnh của Ngài. Vì lý do ấy, những gì thường được nói đến như là khuynh hướng cực đoan bảo thủ đều là những thái độ thực sự phản lại niềm tin vào Thiên Chúa. Việc khủng bố không lợi dụng người ngay lành mà là chính Thiên Chúa, ở chỗ, nó cố ý biến Ngài thành một ngẫu tượng để thực hiện mục đích riêng tư của mình. 

7.-        Bởi thế mà không một nhà lãnh đạo tôn giáo nào có thể bỏ qua được hành động khủng bố, lại càng không truyền dạy khủng bố. Khi tuyên bố mình nhân danh Thiên Chúa để khủng bố, để bạo hành người khác, là việc làm tục hóa đạo giáo.

Tuân theo giáo huấn và mẫu gương của Chúa Giêsu, Kitô hữu tin rằng việc tỏ lòng xót thương là việc sống chân lý cuộc đời của mình… Thành phần môn đệ theo Đức Kitô, thành phần được rửa trong Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh cứu độ của Người, bao giờ cũng phải là những con người nam nữ của lòng xót thương và tha thứ.

Nhu Cầu Cần Phải Thứ Tha

8.-        Tuy nhiên, thứ tha ở đây thực sự nghĩa là gì? Và tại sao chúng ta cần phải thứ tha?

Trước hết, thứ tha là một việc chọn lựa riêng tư, là một quyết định của cõi lòng muốn đi ngược lại với bản năng tự nhiên trong việc lấy ác báo ác. Quyết định này được căn cứ vào tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã kéo chúng ta lại với Ngài bất chấp tội lỗi của chúng ta.

Bởi thế, thứ tha có một nguồn gốc và tiêu chuẩn thần linh. Điều này không có nghĩa là tính cách quan trọng của nó không thể hiểu được theo lập luận trần gian… Tất cả mọi người đều mong ước là mình có thể bắt đầu lại từ khởi sự, và không muốn mình cứ mãi mãi bị bế tắc trong những lầm lẫn và tội lỗi của mình.

9.-        Bởi thế, là một tác động hoàn toàn nhân bản, thứ tha trước hết là một khởi động của cá nhân. Tuy nhiên, cá nhân là những hữu thể chính yếu của xã hội … Do đó, cả xã hội nữa thật sự cũng cần phải biết thứ tha… Khả năng tha thứ bắt nguồn sâu xa từ tư tưởng về một xã hội mai hậu, một xã hội làm nên bởi công lý và tình đoàn kết. Ngược lại, việc không biết thứ tha, nhất là đối với một cuộc xung khắc lâu dài, sẽ phải trả một giá hết sức đắt đỏ đối với việc phát triển của con người. Những nguồn lợi được sử dụng cho việc chế tạo các thứ vũ khí thay vì cho việc phát triển, hòa bình và công lý.

Tha Thứ Là Một Con Đường Dài

10.-      Tha thứ… dầu sao… cũng là một sứ điệp nghịch thường. Thật vậy, thứ tha bao giờ cũng bao gồm một hình thức thua thiệt ngắn hạn để cho một lợi lộc dài hạn thật sự. Bạo lực thì hoàn toàn ngược lại; chọn làm một việc bề ngoài có lợi ngắn hạn lại bao hàm cả một mất mát thực sự và vĩnh viễn. Thứ tha là việc xem ra có vẻ hèn yếu, song nó lại đòi phải có một sức mạnh về tinh thần cao cả cũng như phải có một tấm lòng can đảm về luân lý, cả hai điều này cần phải có trong việc thực hiện thứ tha cũng như trong việc chấp nhận được tha thứ.

Vai trò thừa tác của Tôi trong việc phục vụ Phúc Âm đã thúc buộc Tôi, đồng thời cũng cho tôi sức mạnh, để Tôi lập lại việc cần phải thứ tha này. Hôm nay đây, một lần nữa, Tôi xin nhắc lại điều này, hy vọng làm khơi dậy việc nghiêm chỉnh và chín chắn suy nghĩ về vấn đề ấy, để nhờ đó thực hiện một việc quật khởi xa tầm tay đối với tinh thần con người, nơi con tim của từng người cũng như trong mối liên hệ giữa các dân tộc trên thế giới với nhau.

11.-      Khi suy tư về việc thứ tha, tâm trí chúng ta tự nhiên nghĩ đến một số trường hợp xung khắc không ngừng nuôi dưỡng những mối hận thù sâu đậm và chia rẽ, cùng với thảm cảnh cá nhân cũng như đoàn thể liên tục diễn ra hầu như không thể chấm dứt được. Tôi muốn đặc biệt nói đến những gì đang xẩy ra ở Thánh Địa, nơi ân phúc cho việc Thiên Chúa gặp gỡ loài người ấy là nơi Chúa Giêsu, Vua Bình An, đã sinh sống, tử nạn và phục sinh từ trong cõi chết.

Tình hình quốc tế rắc rối hiện nay lại càng thúc đẩy việc cần phải giải quyết vấn đề xung khắc giữa Ả Rập và Yến Duyên, một tình trạng xung khắc xẩy ra cho tới nay đã trên 50 năm… Quyền lợi và đòi hỏi của mỗi bên có thể được cứu xét một cách xứng hợp và phân xử một cách quân bình, trừ phi họ muốn chấp nhận công lý và hòa giải.

Việc Thông Cảm Và Hợp Tác Liên Tôn

12.-      Các nhà lãnh đạo tôn giáo có một trọng trách đối với tất cả những nỗ lực này. Các tín hữu Kitô giáo, cũng như các tôn giáo lớn trên thế giới, cần phải cùng nhau hoạt động để loại trừ những căn gốc về xã hội cũng như về văn hóa gây ra hành động khủng bố. Các vị có thể làm điều này bằng việc giảng dạy sự cao cả và phẩm vị của con người, cũng như bằng việc truyền bá cảm quan rõ nét hơn nữa về tính cách hiệp nhất nên một của gia đình nhân loại.

Tôi đặc biệt mong rằng những vị lãnh đạo Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo giờ đây phải dẫn đầu trong việc công khai lên án hành động khủng bố, cũng như phải chối bỏ những người khủng bố bất cứ hình thức hợp pháp nào về tôn giáo hay luân lý.

13.-      Để đảm trách một việc dấn thân như vậy, các tôn giáo khác nhau không thể nào đi ra ngoài con đường thứ tha, một con đường tiến đến chỗ thông cảm nhau, tôn trọng nhau và tin tưởng nhau.

Việc Cầu Nguyện Cho Hòa Bình

14.-      Chính vì lý do này, việc cầu nguyện cho hoà bình không phải là một việc hậu xét trong việc hoạt động cho hòa bình. Nó phát xuất từ chính yếu tính của việc xây dựng hòa bình trong trật tự, công bằng và tự do. Cầu nguyện cho hòa bình là việc con người mở lòng mình ra cho quyền năng canh tân tất cả mọi sự của Thiên Chúa chiếm đoạt… Cầu nguyện cho hòa bình là cầu nguyện cho công lý… Đó là việc cầu nguyện cho tự do, nhất là cho tự do tôn giáo là một thứ nhân quyền căn bản và là một thứ dân quyền của hết mọi người. Cầu nguyện cho hòa bình là tìm cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Vì tất cả những lý do đó, Tôi đã mời những vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đến Assisi là phố thị của Thánh Phanxicô vào ngày 24/1/2002 để cầu nguyện cho hòa bình thế giới vậy. 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo bản tin của Màn Điện Toán Vatican Information Service ngày 11/12/2001)