Đừng để sự dữ chế ngự nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành
 

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

để Cử Hành Ngày Hòa Bình Thế Giới thứ 38, 1/1/2005
 


1.     Vào lúc mở màn cho Tân Niên này, một lần nữa, tôi xin ngỏ lời cùng các vị lãnh đạo quốc gia cũng như với tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm, những người nhận thấy nhu cầu cần phải xây dựng hòa bình trên thế giới. Về đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2005, tôi đã chọn những lời của Thánh Phaolô trong Thư gửi giáo đoàn Rôma: “Anh em đừng bị sự dữ chế ngự, nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành” (12:21). Sự dữ không bao giờ bị chế ngự bởi sự dữ; một khi thực hiện đường lối này thì thay vì thắng được sự dữ thì người ta lại bị sự dữ đánh bại.

Vị đại Tông Đồ này đã làm sáng tỏ một sự thật nồng cốt: hòa bình là thành quả của một trận chiến lâu dài và gay go, một trận chiến chỉ thắng được khi chế ngự sự dữ bằng sự lành mà thôi. Nếu chúng ta chú ý tới cảnh tượng thê thảm của những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn ở các phần đất khác nhau trên thế giới, cũng như những tình trạng khổ đau và bất công khôn tả gây ra bởi những cuộc xung đột này, thì điều chọn lựa thực sự xây dựng duy nhất, như Thánh Phaolô đề nghị, đó là hãy xa lánh những gì là xấu xa và hãy gắn bó với những gì là tốt lành (x Rm 12:9).

Hòa bình là một sự thiện cần phải được phát động bằng sự thiện: Nó là một sự thiện cho cá nhân, gia đình, quốc gia và toàn thể nhân loại; tuy nhiên nó là một sự thiện cần phải được gìn giữ và nuôi dưỡng bằng những quyết định và hoạt động theo sự thiện. Chúng ta có thể cảm nhận được sự thật sâu xa này nơi câu nói khác của Thánh Phaolô: “Anh em đừng lấy oán trả oán” (Rm 12:17). Đường lối duy nhất để thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn hằn học của sự dữ oán thù sự dữ đó là hãy chấp nhận những lời của Vị Tông Đồ này: “Anh em đừng bị sự dữ chế ngự, nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành” (Rm 12:21).

Sự Dữ, Sự Thiện và Yêu Thương

2.     Từ ban đầu, nhân loại đã biết đến thảm trạng của sự dữ và đã nỗ lực để thấu triệt được các nguồn gốc của nó và giải thích những nguyên nhân của nó. Sự dữ không phải là một thứ quyền lực định đoạt một cách vô hình chung đang hoạt động trên thế gian này. Nó là hậu quả của tự do con người. Tự do, một tự do làm cho con người trổi vượt trên mọi tạo vật khác trên thế gian này, hằng hiện diện trong chính cốt lõi của màn bi kịch sự dữ. Sự dữ bao giờ cũng có một danh xưng và một bộ mặt: đó là tên gọi và bộ mặt của những con người nam nữ tự ý chọn sự dữ. Thánh Kinh dạy rằng, vào lúc bình minh của lịch sử, Adong và Evà đã phản loạn chống lại Thiên Chúa, và Abel đã bị Cain anh mình sát hại (x Gen 3:4). Đó là những việc chọn lựa sai lầm đầu tiên, những chọn lựa được tiếp nối bằng vô vàn những chọn lựa sai lầm khác qua các thế kỷ. Mỗi một chọn lựa này tự nó đều có một chiều kích luân lý, liên quan tới những trách nhiệm riêng biệt của cá nhân mỗi người cũng như mối liên hệ sâu xa của mỗi người với Thiên Chúa, với tha nhân và với tất cả mọi tạo vật.

Ở tầm mức sâu xa nhất của mình, sự dữ là việc loại bỏ một cách đáng tiếc những đòi hỏi của yêu thương (1). Trái lại, sự thiện luân lý xuất phát từ yêu thương, cho thấy mình là yêu thương và hướng về yêu thương. Tất cả những điều này đặc biệt hiển nhiên đối với Kitô hữu, thành phần biết rằng việc họ thuộc về cùng một Nhiệm Thể của Chúa Kitô duy nhất làm cho họ đặc biệt liên hệ chẳng những với Chúa mà còn với anh chị em của họ nữa. Cái lý lẽ sâu xa của tình yêu thương Kitô giáo, một tình yêu thương, theo Phúc Âm, là nguồn mạch sống động của sự thiện hảo về luân lý, thậm chí làm cho con người yêu thương cả kẻ thù địch của mình nữa: “Nếu kẻ thù của anh em đói khổ, hãy cho họ ăn; nếu họ khát, hãy cho họ uống” (Rm 12:20).

Thứ “Văn Phạm” của lề luật luân lý phổ quát

3.     Nếu chúng ta nhìn vào hiện tình thế giới, chúng ta không thể nào không nhận thấy được tình trạng lan tràn đáng lo ngại nơi những thứ bộc phát khác nhau của sự dữ về lãnh vực xã hội và chính trị: từ những lệch lạc về xã hội đến tình trạng vô chính phủ và chiến tranh, từ tình trạng bất công tới những hành động bạo lực và sát hại. Để xoay chiều đường hướng giữa những đòi hỏi xung khắc giữa thiện và ác, gia đình nhân loại khẩn trương cần phải bảo trì và tôn trọng gia sản chung những giá trị về luân lý được chính Thiên Chúa ban cho. Đó là lý do Thánh Phaolô khuyến khích tất cả những ai quyết tâm chế ngự sự dữ bằng sự lành là hãy cao thượng và vô tư trong việc nuôi dưỡng lòng quảng đại và bình an (x Rm 12:17-21).

Mười năm trước đây, khi ngỏ lời cùng Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về nhu cầu cần phải cùng nhau dấn thân để phục vụ hòa bình, tôi đã đề cập tới một “thứ văn phạm” của lề luật luân lý phổ quát (2), một thứ lề luật Giáo Hội, qua những lời công bố về lãnh vực này, kêu gọi áp dụng. Bằng những giá trị và nguyên tắc chung mang tính cách tác động, lề luật này liên kết nhân loại lại với nhau, bất chấp những thứ văn hóa khác biệt của họ, và là những gì tự nó không đổi thay: “nó tồn tại theo các luồng tư tưởng và tập tục, cũng như hỗ trợ việc tiến bộ của những tư tưởng và tập tục ấy… Cho dù nó có bị loại trừ ở nơi chính các nguyên tắc của mình, nó vẫn không thể bị hủy hoại hay bị loại trừ khỏi tâm can con người. Nó luôn bừng lên nơi đời sống của cá nhân con người cũng như của xã hội” (3).

4.     Thứ văn phạm chung về lề luật luân lý này đòi phải thực hiện việc dấn thân và trách nhiệm hơn nữa trong vấn đề làm sao để bảo đảm sự sống của cá nhân con người cũng như của các dân tộc được tôn trọng và tiến triển. Như thế, những sự dữ có tính chất về xã hội và chính trị đang hành hạ thế giới này, nhất là những sự dữ xuất phát từ các cuộc bùng nổ về bạo lực, là những gì cần phải mạnh mẽ lên án. Tôi nghĩ ngay đến châu lục thân yêu Phi Châu, nơi mà các cuộc xung đột đã gây thiệt hại cho hằng triệu triệu nạn nhân vẫn đang tiếp tục xẩy ra. Hay tình trạng nguy hiểm ở Palestine, Quê Hương của Chúa Giêsu, nơi mà vấn đề hiểu biết nhau, vì bị xâu xé bởi một cuộc xung đột hằng ngày gây ra từ những hành động bạo lực và trả đũa, vẫn chưa thể nào hàn gắn lại trong công lý và sự thật. Và hiện tượng bạo động khủng bố đang xuất hiện để đẩy cả thế giới đến một tương lai sợ hãi và ưu phiền thì sao? Sau hết, làm sao chúng ta lại không thể lấy làm hết sức tiếc xót chứ, trước màn bi kịch đang diễn tiến ở Iraq, một màn bi kịch từng gây ra những tình trạng thê thảm làm xao động và bất ổn đối với tất cả mọi người?

Để đạt được sự thiện hòa bình, cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng và ý thức rằng bạo lực là một sự dữ bất khả chấp và không bao giờ nó có thể giải quyết được vấn đề. “Bạo lực là một thứ dối trá điêu ngoa, vì nó phản lại sự thật đức tin của chúng ta, sự thật nhân loại của chúng ta. Bạo lực hủy hoại những gì nó choa rằng nó bênh vực, như phẩm giá, sự sống, tự do của con người” (4). Những gì cần thiết ở đây đó là hết sức nỗ lực để hướng dẫn lương tâm con người cũng như để giáo dục thế hệ trẻ về sự thiện hảo, bằng việc tán thành chủ nghĩa nhân bản nguyên vẹn và huynh đệ được Giáo Hội loan báo và phát động. Đó là nền tảng cho một thứ trật tự về xã hội, kinh tế và chính trị biết tôn trọng phẩm giá, tự do và những quyền lợi nồng cốt của mỗi một con người.

Sự thiện hòa bình và công ích.

5.     Việc nuôi dưỡng hòa bình bằng cách lấy sự thiện chế ngự sự dữ là những gì đòi phải cẩn thận suy nghĩ về vấn đề công ích (5) cũng như về những ý nghĩa liên quan của nó về phương diện xã hội và chính trị. Khi công ích được cổ võ ở mọi lãnh vực thì hòa bình cũng được phát động. Có thể nào cá nhân con người tiến đến chỗ hoàn toàn viên trọn mà lại không chú ý tới bản chất xã hội loài người của mình, tức là tới vấn đề họ sống “với” và sống “cho” người khác hay chăng? Công ích là những gì chặt chẽ liên quan đến họ. Nó liên quan chặt chẽ đến hết mọi thứ thể hiện thuộc bản chất xã hội của họ, như gia đình, phái nhóm, hội đoàn, thành phố, vùng đất, quốc gia, cộng đồng các dân tộc và các quốc gia. Mỗi một người, một cách nào đó, được kêu gọi để hoạt động cho công ích, liên lỉ tìm kiếm sự thiện của kẻ khác như thể của chính bản thân mình. Trách nhiệm này đặc biệt là của các vị có thẩm quyền về chính trị ở mọi cấp độ, vì họ được kêu gọi để kiến tạo một thứ tổng hợp các điều kiện xã hội có thể giúp vào việc nuôi dưỡng nơi con người vấn đề phát triển toàn vẹn con người của họ (6).

Thế nên công ích đòi phải tôn trọng và phát triển toàn vẹn con người cùng với những quyền lợi căn bản của họ, cũng như tôn trọng và cổ võ những quyền lợi của các quốc gia ở lãnh vực quốc tế. Về vấn đề này, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhận định rằng “việc liên thuộc gần gũi càng ngày càng gia tăng từ từ bao gồm toàn thể thế giới đây đang dẫn đến một thứ công ích đại đồng tăng phát… và điều này bao gồm cả các thứ quyền lợi cùng nghĩa vụ liên quan tới toàn thể nhân loại. Mỗi một nhóm xã hội cần phải chú ý tới các thứ nhu cầu và các thứ khát vọng hợp lý của các nhóm khác, cũng như đến công ích của toàn thể gia đình nhân loại” (7). Sự thiện của toàn thể nhân loại, bao gồm cả các thế hệ tương lai, đòi phải có việc quốc tế thực sự hợp tác với nhau, một sự hợp tác cần mọi quốc gia đóng góp phần của mình (8).

Một số quan niệm về nhân loại có tính cách suy giảm theo khuynh hướng trình bày công ích thuần túy như là một tình trạng phúc hạnh về kinh tế xã hội không có mục đích siêu việt, do đó làm cho nó mất hết ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Tuy nhiên, công ích có một chiều kích siêu việt, vì Thiên Chúa là cùng đích tối hậu của tất cả mọi tạo vật của Ngài. (9). Kitô hữu biết rằng Chúa Giêsu đã hoàn toàn làm sáng tỏ về cách thức làm sao để chiếm đạt được công ích thực sự. Lịch sử hành trình hướng tới Chúa Kitô và trong Người đạt được tột đỉnh của nó, ở chỗ, bởi Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô và cho Chúa Kitô, hết mọi thực tại về con người mới có thể đi tới chỗ hoàn toàn viên trọn trong Thiên Chúa.

Sự thiện hòa bình và việc sử dụng những sản vật trên thế gian

6.     Vì sự thiện hòa bình liên hệ chặt chẽ với việc phát triển của tất cả mọi dân tộc mà những đòi hỏi về luân thường đạo lý đối với việc sử dụng các thứ sản vật của trái đất này cần phải được luôn luôn chú trọng. Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý để nhắc nhở rằng “Thiên Chúa đã muốn trái đất này cùng tất cả những gì chất chứa nơi nó là để cho hết mọi người và tất cả mọi dân tộc sử dụng; nên những gì tốt lành của thiên nhiên tạo vật cần phải được cung ứng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người, theo công lý hướng dẫn và đức bác ái điều khiển” (10).

Là một phần tử của gia đình nhân loại, mỗi một người thực sự trở thành một người công dân của thế giới, kèm theo những nghĩa vụ và quyền lợi, vì tất cả mọi người được liên kết bởi một nguồn gốc chung và cùng một định mệnh tối hậu. Bởi nguyên sự kiện được thụ thai, một con trẻ được hưởng những quyền lợi và đáng được chăm sóc và chú trọng; và người ta có nhiệm vụ phải cung ứng những điều ấy. Việc lên án chủ nghĩa duy chủng tộc, việc bảo vệ thành phần vị thành niên, việc cung cấp trợ giúp cho những người bị phân tán và tị nạn, cũng như việc vận động tình đoàn kết quốc tế đối với tất cả mọi thành phần nghèo nàn thiếu thốn chính là việc liên lỉ áp dụng nguyên tắc về vai trò công dân quốc tế này vậy.

7.     Sự thiện hòa bình ngày nay cần phải được thấy liên hệ chặt chẽ với tin mừng phát xuất từ mức tiến bộ trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Cả hai lãnh vực này nữa, trong việc áp dụng nguyên tắc về mục đích đại đồng của các thứ sản vật trên mặt đất này, cũng cần phải được mang ra phục vụ các nhu cầu căn bản của con người. Những sáng kiến thích đáng ở lãnh vực quốc tế có thể góp phần vào việc hoàn toàn áp dụng một cách cụ thể nguyên tắc về mục đích đại đồng của những sản vật, bằng việc bảo đảm cho tất cả mọi người, cá nhân cũng như quốc gia, những điều kiện căn bản để tham dự vào việc phát triển. Điều này trở thành khả dĩ một khi biết loại trừ đi những ngãng trở cũng như những thứ độc quyền làm cho nhiều người bị đẩy ra ngoài lề xã hội (11).

Sự thiện hòa bình sẽ được bảo đảm hơn nữa nếu cộng đồng quốc tế thi hành trách nhiệm hơn nữa đối với những gì được gọi chung là các sản vật công cộng. Đó là những sản vật mà tất cả mọi người công dân tự nhiên được hoan hưởng mà không cần phải ý thức chọn lựa hay đóng góp vào đó gì cả. Đó là trường hợp, ở lãnh vực quốc gia chẳng hạn, có những sản vật như guồng máy tư pháp, chính sách quốc phòng và hệ thống đường xá lưu thông xe hơi xe lửa. Trong thế giới của chúng ta, hiện tượng vấn đề toàn cầu hóa gia tăng có nghĩa là càng nhiều sản vật công cộng đang mặc lấy tính cách toàn cầu, nhờ đó, các lợi lộc chung hằng ngày cũng tăng phát. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới việc chống nghèo, việc cổ võ hòa bình và an ninh, việc quan tâm tới vấn đề đổi thay về khí hậu thời tiết cũng như việc kiểm soát về bệnh nạn thì đủ rõ. Cộng đồng quốc tế cần phải đáp ứng những lợi lộc này bằng một hệ thống rộng lớn hơn của các hiệp ước theo pháp lý, những hiệp ước nhắm đến chỗ qui định việc sử dụng các thứ sản vật công cộng này và là những hiệp ước được tác động bởi những nguyên tắc phổ quát về công bằng và đoàn kết.

8.     Nguyên tắc về mục đích đại đồng của các sản vật cũng có thể làm khả dĩ một đường lối hiệu nghiệm hơn trong việc giải quyết vấn đề thách đố về nghèo khổ, nhất là khi chúng ta để ý tới tình trạng cực bần cùng mà hằng triệu triệu con người đang sống. Cộng đồng quốc tế, vào lúc mở màn cho tân thiên kỷ đây, đã đặt ưu tiên việc làm sao để giảm phân nửa số thành phần nghèo này vào năm 2015. Giáo Hội ủng hộ và khuyến khích quyết tâm này và kêu gọi tất cả mọi người tin tưởng vào Chúa Kitô hãy chứng tỏ, một cách cụ thể và ở mọi lãnh vực, tình yêu thương ưu tiên đối với thành phần nghèo khổ (12).

Thảm trạng nghèo khổ vẫn còn liên hệ chặt chẽ với vấn đề nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể ở lãnh vực này, vấn đề ấy vẫn chưa được giải quyết cách đầy đủ. Mười năm năm trước đây, tôi đã kêu gọi dư luận quần chúng hãy lưu ý tới sự kiện nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo là những gì có “liên hệ chặt chẽ tới một chuỗi những vấn đề khác, như việc đầu tự hải ngoại, việc thi hành xứng hợp của những tổ chức quố ctế chính, giá cả của các thứ vật liệu nguyên sơ v.v.” (13). Những biến chuyển gần đây thuận lợi cho vấn đề giảm nợ, chính yếu nhắm đến những nhu cầu của thành phần nghèo khổ, thực sự đã cải tiến đươc phẩm chất của tình trạng phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, vì một số những yếu tố nào đó, tình trạng phát triển này vẫn còn thiếu hụt về số lượng, nhất là liên quan đến các mục tiêu của ngàn năm đã được đồng ý phác họa. Các xứ sở nghèo vẫn bị lẩn quẩn trong vòng bại hoại: nào là lợi tức thấp và việc yếu kém phát triển làm hạn chế các thứ thu tích giành dụm, ngược lại, các thứ đầu tư yếu kém và việc sử dụng không hiệu nghiệm các khoản giành dụm lại không thuận lợi cho việc phát triển.

9.     Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói và như chính tôi đã tái khẳng định, phương tiện hiệu nghiệm thực sự duy nhất của việc giúp cho các Quốc Gia có thể giải quyết vấn đề trầm trọng của tình trạng nghèo khổ đó là cung cấp cho họ các nguồn lợi cần thiết qua việc cứu trợ ngoại quốc về tài chính, chung cũng như riêng, với điều kiện hợp lý, trong môi trường liên hệ thương vụ quốc tế được qui định một cách công bằng (14). Những gì khẩn trương cần thiết ở đây là cuộc động viên về luân lý và kinh tế, một cuộc động viên tỏ ra tôn trọng các hiệp ước đã được thực hiện có lợi cho các xứ sở nghèo khổ, và đồng thời sẵn sàng kiểm điểm những hiệp ước rõ ràng cho thấy trở thành gánh nặng cho một số quốc gia. Về vấn đề này, cần phải khích lệ chương trình Cứu Trợ Công Cộng Để Phát Triển, cũng như cần phải khai thác những hình thức mới về vấn đề chi phí tiền bạc cho việc phát triển, cho dù có khó khăn chăng nữa (15). Một số chính quyền đang cẩn thận trông chờ vào những đường lối hứa hẹn cho điều ấy; những sáng kiến quan trọng này cần phải được thi hành trong tinh thần chia sẻ thực sự, tỏ ra tôn trọng nguyên tắc trợ thuộc. Việc quản trị các nguồn tài chính nhắm đến việc phát triển các xứ sở nghèo cũng cần phải bao gồm cả việc thận trọng gắn bó, về phần cả thành phần cho lẫn nhận, với các việc thực hành quản trị lành mạnh. Giáo Hội khuyến khích và góp phần vào những nỗ lực ấy. Người ta chỉ cần đề cập tới việc đóng góp quan trọng của nhiều cơ quan Công Giáo hằng dấn thân vào việc cứu trợ và phát triển.

10.     Vào lúc kết thúc Đại Năm Thánh 2000, trong Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, tôi đã nói đến nhu cầu khẩn trương của một thứ sáng tạo mới của đức bác ái (16), để truyền bá Phúc Âm hy vọng trên thế giới. Chúng ta rõ ràng thấy được nhu cầu này khi chúng ta quan tâm tới nhiều vấn đề khó khăn đang chặn đường phát triển ở Phi Châu: như nhiều cuộc xung đột võ trang, những thứ bệnh nạn truyền nhiễm càng tăng bội gây ra bởi tình trạng cực bần cùng, và tình hình bất ổn về chính trị càng gây bất an hơn nữa. Đó là những tình trạng thê thảm cần phải có một chiều hướng thực sự mới cho Phi Châu: cần phải tạo ra những hình thức mới của tình đoàn kết, ở cả lãnh vực song phương và đa phương, bằng việc mọi người phải cương quyết dấn thân hơn nữa, với niềm xác tín trọn vẹn là tình trạng phúc hạnh của các dân tộc ở Phi Châu là một điều kiện bất khả châm chước để đạt tới công ích đại đồng.

Nhiều dân tộc ở Phi Châu đã trở thành những vai chủ yếu trong việc nắm lấy tương lai của mình cũng như trong việc phát triển về văn hóa, dân sự, xã hội và kinh tế của mình! Chớ gì Phi Châu không còn chỉ là một lãnh nhận viên viện trợ nữa, mà trở thành một tác nhân hữu trách trong vấn đề chia sẻ một cách ý thức và sinh lợi! Việc đạt được mục tiêu này đòi phải có một nền văn hóa chính trị, nhất là nơi lãnh vực hợp tác quốc tế. Một lần nữa, tôi muốn nói rằng việc không tôn trọng những hứa quyết được lập lại trong chương trình Cứu Trợ Công Cộng Cho Việc Phát Triển, những vấn đề chưa được giải quyết về vấn đề nặng nợ ngoại quốc của các quốc gia Phi Châu và việc không đặc biệt lưu tâm tới các quốc gia ấy trong mối liên hệ thương vụ quốc tế, là những gì làm ngăn trở trầm trọng cho hòa bình cần phải được lên tiếng và giải quyết. Ngày nay, hơn bao giờ hết, điều kiện quyết liệt để mang lại hòa bình cho thế giới đó là việc công nhận mối liên thuộc giữa các xứ sở giầu thịnh và nghèo khốn, để nhờ đó, “việc phát triển một là trở thành việc tham dự chung ở hết mọi phần đất trên thế giới, hay là phải trải qua một tiến trình suy thoái, thậm chí ở ngay cả những vùng được cho là liên tục tiến bộ” (17).

Tính cách đại đồng của sự dữ và niềm hy vọng của Kitô giáo.

11.     Đối diện với nhiều tình trạng thể thảm đang xẩy ra trên thế giới ấy, Kitô hữu khiêm tốn tin tưởng tuyên xưng rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể giúp cho cá nhân con người cũng như cho các dân tộc thắng vượt được sự dữ và chiếm hữu được sự lành. Bằng cuộc tử nạn và phục sinh của mình, Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta và đã chuộc lại chúng ta “bằng giá cao” (1Cor 6:20, 7:23), chiếm lấy phần rỗi cho tất cả mọi người. Với sự giúp đỡ của Người, hết mọi người mới có thể thắng được sự dữ bằng sự lành.

Dựa vào niềm tin tưởng là sự dữ sẽ không thể nào thắng cuộc, Kitô hữu nuôi dưỡng một niềm hy vọng bất khuất là những gì duy trì những nỗ lực của họ trong việc cổ võ công lý và hòa bình. Bất chấp tội lỗi chung riêng đánh dấu tất cả mọi hoạt động của loài người, niềm hy vọng này vẫn liên lỉ cống hiến cho chúng ta một động lực mới để dấn thân hoạt động cho công lý và hòa bình, cũng như cho một niềm tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Cho dù “mầu nhiệm lỗi lầm” (2Thes 2:7) có hiện diện và năng động trên thế giới này, chúng ta cũng không được quên rằng nhân loại được cứu chuộc có khả năng chống lại nó. Mỗi một tín hữu, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Kitô cứu chuộc, “Đấng một cách nào đó liên kết mình với mỗi một con người” (18), có thể cộng tác vào việc chiến thắng này của sự thiện. Hoạt động của “Thần Linh Chúa tràn đầy trái đất” (x Wis 1:7). Kitô hữu, nhất là thành phần tín hữu giáo dân, “bởi thế, không được che giấu niềm hy vọng của mình nơi thâm cung lòng của họ, song phải bày tỏ nó ra qua những hoàn cảnh họ sống đời trần thế, trong việc liên tục hoán cải cùng chiến đấu ‘chống lại các tay thống lãnh thế giới tối tăm, chống lại những quyền lực thiêng liêng gian tà’ (Eph 6:12” (19).

12.     Không một con người nam hay nữ thiện tâm nào có thể loại trừ cuộc chiến đấu chế ngự sự dữ bằng sự lành. Cuộc chiến đấu này chỉ có thể chiến đấu một cách hiệu nghiệm với vũ khí yêu thương mà thôi. Khi sự lành chế ngự sự dữ thì tình yêu thắng thế và ở đâu có yêu thương là ở nay có hòa bình. Đó là giáo huấn của Phúc Âm, được Công Đồng Chung Vaticanô II lập lại: “lề luật nồng cốt của việc hoàn hảo con người, nhờ đó của việc biến đổi thế giới, đó là giới răn mới yêu thương” (20).

Điều này cũng đúng cả nơi các lãnh giới xã hội và chính trị nữa. Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã viết rằng những ai mang trách nhiệm bảo trì hòa bình liên hệ tới các dân tộc đều phải nuôi dưỡng nơi mình và thắp lên nơi kẻ khác “đức bác ái là đệ nữ chủ nhân và là nữ hoàng của tất cả mọi nhân đức” (21). Kitô hữu cần phải trở thành những chứng nhân xác tín của sự thật này. Họ cần phải tỏ ra cho thấy qua đời sống của mình là tình yêu là mãnh lực duy nhất có thể mang lại tầm vóc viên trọn cho con người cũng như cho xã hội, một quyền lực quy nhất có khả năng điều khiển giòng lịch sử theo chiều hướng sự thiện và an bình.

Trong năm được giành cho Thánh Thể này, chớ gì con cái nam nữ của Giáo Hội tìm thấy được nơi bí tích yêu thương tận tuyệt này giòng suối của tất cả mọi niềm hiệp thông: hiệp thông với Chúa Giêsu Cứu Chuộc, và trong Người, với hết mọi con người. Nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, được hiện thực một cách bí tích nơi mỗi một cuộc cử hành Thánh Thể, chúng ta được cứu khỏi sự dữ và có thể làm lành. Với một sự sống mới được Chúa Kitô ban cho, chúng ta có thể nhìn nhận nhau là anh chị em, bất chấp mọi khác biệt về ngôn ngữ, quốc tịch và văn hóa. Tóm lại, bằng việc thông phần vào một tấm bánh duy nhất và một chén duy nhất, chúng ta nhận thức được rằng chúng ta là “gia đình của Thiên Chúa” và cùng nhau chúng ta có thể góp phần hiệu nghiệm của mình vào việc xây dựng một thế giới theo các giá trị của công lý, tự do và hòa bình.

Tại Vatican ngày 8/12/2004
Gioan Phaolô II

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh được phổ biến ngày Thứ Năm 16/12/2004. (Những chỗ được in đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh, còn những chữ in nghiêng hoàn toàn từ nguyên bản)
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/peace/documents/hf_jp-ii_mes_20041216_xxxviii-world-day-for-peace_en.html

Ghi chú:
(1) In this regard, Saint Augustine observed that "two loves have established two cities: love of self, carried to contempt for God, has given rise to the earthly city; love of God, carried to contempt for self, has given rise to the heavenly city" (De Civitate Dei, XIV:28).
(2) Cf. Address to the General Assembly of the United Nations for its Fiftieth Anniversary (5 October 1995), 3: Insegnamenti XVIII/2 (1995), 732.
(3) Catechism of the Catholic Church, No. 1958.
(4) John Paul II, Homily at Drogheda, Ireland (29 September 1979), 9: AAS 71 (1979), 1081.
(5) The common good is widely understood to be "the sum of those conditions of social life which enable groups and individuals to achieve their fulfilment more completely and readily". Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 26.
(6) Cf. John XXIII, Encyclical Letter Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 417.
(7) Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 26.
(8) Cf. John XXIII, Encyclical Letter Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 421.
(9) Cf. John Paul II, Encyclical Letter Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 844.
(10) Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 69.
(11) Cf. John Paul II, Encyclical Letter Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 837.
(12) Cf. John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 42: AAS 80 (1988), 572.
(13) Address to Participants in the Study Week of the Pontifical Academy of Sciences (27 October 1989), 6: Insegnamenti XII/2 (1989), 1050.
(14) Cf. Paul VI, Encyclical Letter Populorum Progressio, 56-61: AAS 59 (1967), 285-287; John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 33-34: AAS 80 (1988), 557-560.
(15) Cf. John Paul II, Message to the President of the Pontifical Council for Justice and Peace: L'Osservatore Romano, 10 July 2004, p. 5.
(16) Cf. No. 50: AAS 93 (2001), 303.
(17) John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 17: AAS 80 (1988) 532.
(18) Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 22.
(19) Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution Lumen Gentium, 35.
(20) Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 38.
(21) Encyclical Letter Rerum Novarum: Acta Leonis XIII 11 (1892), 143; cf. Benedict XV, Encyclical Letter Pacem Dei: AAS 12 (1920), 215.

 

Nhận định về Sứ Điệp của ĐTC GPII cho Ngày Hòa Bình Thế Giới thứ XXXVIII 1/1/2005

Hôm Thứ Năm 16/12/2004, tại phòng báo chí của Tòa Thánh, ĐHY Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hòa Bình, cùng với ĐGM Giampaolo Crepaldi và Đức Ông Frank J. Dewane, thư ký và phó thư ký của phân bộ này, đã phổ biến Sứ Điệp của D0TC GPII cho Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 38 vào đầu năm Dương Lịch 1/1/2005.

Theo ĐHY chủ tịch thì ĐTC đã chọn một câu trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma để làm đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2005, đó là câu “Đừng để sự dữ chế ngự mà là hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành”.

ĐHY nhận định rằng, Thánh Tông Đồ muốn “mời gọi chúng ta hãy nhận thứ, cả ở phương diện cá nhân cũng như đoàn thể, về những vấn đề sự dữ hệ trọng cùng ảnh hưởng thê thảm của nó nơi đời sống con người, và khuyên chúng ta hãy theo trách nhiệm trưởng thành của mình để chấp nhận sự lành và quảng bá sự lành”.

ĐHY cho biết bố cục cho nội dung của sứ điệp hòa bình năm 2005 gồm có hay được chia ra làm 3 phần, như sau: ở phần thứ nhất, “vấn đề hòa bình được trình bày liên quan đến sự thiện về luân lý. Ở phần thứ hai, vấn đề hòa bình được thấy liên quan đến nguyên tắc cổ thời về giáo huấn xã hội của Giáo Hội, đó là nguyên tắc về công ích. Ở phần thứ ba, vấn đề hòa bình được nói tới liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng các sản vật của trái đất này cũng như đến một nguyên tắc quan trọng khác của giáo huấn về xã hội đó là mục đích đại đồng của các sản vật”.

Trích lại một câu sứ điệp của ĐTC: “Ở cốt lõi thảm kịch sự dữ có một nhân vật chính: đó là con người cùng với tự do và tôị lỗi của họ”, ĐHY đã dẫn giải là ĐTC có ý nói rằng: “để đương đầu với những hình thức sự dữ nhiều thứ về xã hội và chính trị thì nhân loại tân tiên cần phải trân quí cái gia sản chung về các thứ giá trị luân lý được Thiên Chúa ban cho”. ĐHY cho biết, ĐTC đã nhắc lại việc ngài kêu gọi vào năm 1995 trước Tổng Hội Đồng LHQ về “thứ văn phạm của lề luật luân lý phổ quát, một đường lối duy nhất khả dĩ liên kết dân chúng lại với nhau theo chiều hướng đa văn hóa mà thôi”.

Trong sứ điệp, ĐTC lên án bạo lực, và nhắc đến những cuộc xung đột đang xẩy ra trên thế giới là Phi Châu, Palestine, nạn khủng bố và Iraq.

Sau khi kêu gọi mọi người dấn thân cho công ích, nhất là việc dấn thân của thành phần có thẩm quyền, ĐTC liên kết việc cổ võ công ích với việc tôn trọng con người cùng với các quyền lợi căn bản của họ, cũng như tôn trọng quyền lợi của các Quốc Gia theo quan điểm chung, khi kêu gọi thực hiện việc bắt đầu một cuộc hợp tác quốc tế thực sự”. ĐTC, về phần tiêu cực, kêu gọi hết mọi người đừng “biến công ích thành tình trạng phúc hạnh thuần túy về xã hội kinh tế. Điều ấy khả dĩ nếu công ích hướng tới chiều kích siêu việt”.

ĐHY chủ tịch nói rằng phần thứ ba của sứ điệp này bàn đến việc sử dụng các thứ sản vật của trái đất, một việc sử dụng liên quan đến giáo huấn về xã hội đối với mục đích phổ quát của những thứ sản vật ấy. Những nguyên tắc về mục đích phổ quát của các thứ sản vật trên trái đất cũng như của vai trò làm công dân thế giới “tạo nên hai hải đăng khả dĩ soi sáng cho những quyết định về chính trị của cộng đồng thế giới trong vấn đề cổ võ phát triển các dân tộc theo quan điểm luân thường đạo lý và văn hóa, hai hải đăng chiếu giãi vào việc phát triển con người một cách toàn vẹn và liên đới”.

Theo chiều hướng luân thường đạo lý và văn hóa ấy, ĐHY chủ tịch cho biết ĐTC đã đặt ra một số vấn đề rất khẩn trương, những vấn đề mà “việc giải quyết thường dính dáng tới vấn đề chấp nhận quyền sống hòa bình và quyền được phát triển”. Vấn đề thứ nhất liên quan tới “việc sử dụng và mục đích của những thứ sản vật mới là hoa trái của kiến thức khoa học và tiến bộ kỹ thuật”. Vấn đề thứ hai liên quan tới “các thứ sản vật công cộng, những sản vật được tất cả mọi người công dân hoan hưởng một cách tự động mà không cần phải có những quyết định chính xác, tuy nhiên lại là những sản vật cho thấy những lợi ích chung”. Vấn đề thứ ba là “cuộc chiến đấu chống tình trạng nghèo khổ, một tình trạng vẫn là mục tiêu chính cho hoạt động của Cộng Đồng Thế Giới vào lúc mở màn cho Thiên Kỷ này”.

Để giải quyết vấn đề nghèo khổ, ĐTC GPII đã đề cập tới vấn đề ưu tiên đầu tiên là việc giải quyết nợ nần hải ngoại của các quốc gia nghèo túng. Ngoài ra, ĐTC còn đề cập tới cả “việc quốc tế dấn thân mới nơi vấn đề tài trợ phát triển” là những gì cần thiết với “một tác lực mới” tiến đến chỗ phát triển cứu trợ công cộng.

Tâm điểm của việc chống nghèo khổ cần phải nhắm đến là Phi Châu là châu lục “bị ngăn chặn việc phát triển bởi nhiều thứ trục trặc khác nhau; những cuộc xung đột võ trang, những bệnh nạn dịch tễ, những hoàn cảnh khốn cùng, tình hình chính trị bất ổn và tình hình xã hội bất an”. Việc giải quyết cho những tình trạng ấy là ở chỗ “tôn trọng các lời hứa quyết liên quan tới việc hỗ trợ phát triển chính thức, giảm thiểu thực sự gánh nặng nợ nần hải ngoại, mở cửa các thị trường và gia tăng việc trao đổi thương vụ”.

ĐHY chủ tịch đã kết luận rằng: “Trước những viễn cảnh kinh hoàng hiện lên từ sự hiện diện của sự dữ ấy, ĐTC kêu gọi hết mọi người hãy hướng mắt nhìn lên Thiên Chúa, Đấng bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, đã ban cho tất cả mọi người khả năng lấy lành thắng dữ”.

 

Bài Giảng Lễ Mẹ Thiên Chúa về sứ mệnh cổ võ hòa bình của mọi người

Vào lúc 10 giờ sáng ngày đầu năm dương lịch 1/1/2005, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chủ sự cử hành Lễ Trọng Kính Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, dịp cử hành Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 38. Vị chủ tế Thánh Lễ này là ĐHY Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh Angelo Sodano. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ĐTC:

1.         “Kính mừng Thánh Mẫu! Con trẻ được Mẹ hạ sinh là Đức Vua trời đất đến muôn đời” (Entrance Antiphon).

Vào ngày thứ nhất của một năm, Giáo Hội hồi tưởng trong nguyện cầu trước hình ảnh Mẹ Thiên Chúa và hân hoan tôn kính vị đã ban cho thế giới hoa trái của lòng mình, đó là Chúa Giêsu, “vua hòa bình” (Is 9:5).

2.         Theo truyền thống nối kết thì Ngày Hòa Bình Thế Giới được cử hành cũng vào ngày này. Đó là lý do tôi hân hoan gửi tới những lời chúc thiết tha tới những tôn vị lãnh sự thuộc phái đoàn ngoại giao làm việc tại tòa thánh. Cách riêng tôi chào các vị lãnh sự của các quốc gia đang đặc biệt gặp hoạn nạn trong những ngày này gây ra bởi một cuộc đại tai biến xẩy ra cho họ.

Tôi cũng xin cám ơn các phần tử thuộc phủ Quốc Vụ Khanh dưới quyền lãnh đạo của ĐHY Angelo Sodano, cũng như các phần tử thuộc Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, cách riêng vị chủ tịch của phân bộ này là ĐHY Renato Martino.

3.         Ngày Hòa Bình Thế Giới là ngày mời gọi Kitô hữu cũng như tất cả mọi người thiện tâm hãy canh tân lại việc quyết tâm dấn thân xây dựng hòa bình. Điều này đòi phải chấp nhận đòi hỏi luân lý nồng cốt là những gì được diễn tả rõ ràng nơi những lời của Thánh Phaolô, đó là “đừng để bị sự dữ chế ngự nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành” (Rm 12:21).

Đối diện với nhiều hình thức của sự dữ, những hình thức sự dữ bất hạnh thay đang hành hạ gia đình nhân loại, thì cái đòi hỏi tối ưu tiên đó là việc cổ võ hòa bình, bằng cách liên tục sử dụng những phương tiện, đặt nặng vấn đề đối thoại, vấn đề các hoạt động công lý, và giáo dục làm sao để biết thứ tha cho nhau (cf. Message for World Day of Peace 2005, 1).

 

4.         Việc thắng vượt sự dữ bằng những thứ khí giới yêu thương làm biến đổi đường lối mà mỗi một người có thể góp phần xây dựng hòa bình. Kitô hữu và thành phần tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau được kêu gọi để bước theo con đường ấy, cùng với những ai chấp nhận lề luật luân lý phổ quát.

 

Anh chị em thân mến, việc cổ võ hòa bình trên thế giới này là sứ vụ chung của chúng ta!

 

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta thực hiện được những lời của Chúa Kitô: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa” (Mt 5:9).

 

 

Huấn Từ Truyền Tin Lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1/2005 về Hòa Bình Thế Giới

 

1.         Chúng ta bắt đầu một tân niên bằng việc cử hành một lễ về Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, “Theotokos”.

 

Đức Trinh Nữ này cống hiến cho thế giới Đấng Thiên Sai là phúc lành của Thiên Chúa ban cho mỗi một người cũng như cho toàn thế giới. Căn cứ vào phúc lành này chúng ta trao đổi nhau những lời chúc mừng: những lời chúc tốt đẹp nhất, vì trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta hết mọi sự thiện hảo; những lời chúc an bình, vì “Người là sự bình an của chúng ta” (Eph 2:14).

 

2.         Trong bối cảnh phụng vụ này còn có Ngày Hòa Bình Thế Giới, một ngày nhắm đến chủ đề cho năm nay theo lời huấn dụ của Thánh Tông Đồ Phaolô: “Đừng để bị sự dữ chế ngự nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành” (Rm 12:21).

 

Sự dữ “là hậu quả của tự do con người” (cf. Message for World Day of Peace 2005, 2) và bị đánh bại khi tự do của con người, nhờ tác động của ân sủng, mạnh mẽ hướng đến sự thiện, tức là hoàn toàn hướng đến Thiên Chúa.

 

3.         Xin Mẹ Maria, nữ vương hòa bình, giúp cho tất cả chúng ta biết cùng nhau xây dựng sự thiện chính yếu này cho việc con người cùng chung sống với nhau. Chỉ có thế cuộc chung sống của con người mới tiến bước trên con đường công lý và tình đoàn kết huynh đệ.

 

Chúc Năm Mới hạnh phúc!

 

(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ngài nhớ đến cuộc thiên tai ở Nam Á Châu liên quan đến riêng tình đoàn kết đồng loại và hoạt động cứu trợ như sau:)

 

Trong khi nguyện cầu cho các nạn nhân của tai ương này cũng như cho gia đình của họ, tôi hân hoan thấy được những nỗ lực liên đới đang diễn tiến ở khắp nơi trên thế giới. Cảm quan liên đới nhân loại này, cùng với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đang làm vươn lên niềm hy vọng cho những ngày tháng tốt đẹp hơn trong một năm được bắt đầu vào ngày hôm nay đây.

 

(Ngoài ra, sau khi hát “Te Deum” trong giờ Kinh Phụng Vụ tối áp Lễ Mẹ Thiên Chúa 31/12/2004 ở Đền Thờ Thánh Phêrô, vào nửa đêm, ĐTC đã dâng lễ riêng tại nguyện đường của ngài để cầu cho nạn nhân của thiên tai biển động sóng thần, như được văn phòng báo chí tòa thánh cho biết: “Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Lễ ở nguyện đường riêng của Ngài cho tất cả mọi nạn nhân sóng thần ở Đông Nam Á. Ngài sẽ nhớ đến các gia đình của nạn nhân cũng như tất cả những ai đang khổ đau trong những ngày này gây ra bởi thảm họa ấy, cũng như những ai đang cố gắng để làm nhẹ bớt khổ đau kinh hoàng của thành phần gặp hoạn nạn”).