“Hòa Bình Trong Chân Lý”

 

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006

 

 

Theo mạng điện toán toàn cầu VIS ngày 25/6/2005 thì đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2006: “Hòa Bình trong Chân Lý”, như thông báo của văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết.

 

Bản thông báo này loan báo đề tài này nhắc lại Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” khẳng định rằng nhân loại “không thể hoàn thành việc xây dựng cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi một thế giới thực sự nhân bản hơn, trừ khi mỗi người dấn thân mình vì hòa bình bằng một nghị lực mới”.

 

Bản thông báo tiếp tục cho biết: “Hòa bình là những gì thực sự vì nó đáp lại ước vọng Tạo Hóa đã ghi khắc trong lòng tất cả mọi người…. Các thứ nhân quyền cần phải được bênh vực…. Khi sinh hoạt của con người không tôn trọng cấp trật của các sự vật (một thứ ‘văn phạm’ tự nhiên được Đức Gioan Phaolô II nói với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/10/1995), khi nó giới hạn sự sống con người và ngăn trở việc phát triển sự sống, khi nó áp đặt những thứ hy sinh bất khả chấp trên con người, thì hòa bình không thể nào hiện hữu, vì không có vấn đề tôn trọng chân lý của các sự vật”.

 

Bản thông báo cũng nhấn mạnh là “hòa bình là ‘tranquillitas ordinis’, nói cách khác, là tình trạng triển nở trọn vẹn sự thật về con người. Nỗi khao khát sự thật của con người như là mức độ trọn vẹn của con người được chuyển thành ước vọng hòa bình, ước vọng không bị lệch lạc, ước vọng hòa bình đích thực hay ước vọng sự thật hòa bình.

 

“Sự thật thật sự cũng là những gì hòa bình. Nó hòa giải, chấm dứt việc cô lập xa cách. Sự thật thì soi sáng, khiến có thể nhận thức được đường lối liên hệ nhân bản đích thực, giúp cho việc sửa chữa lỗi lầm, mang lại sự hòa giải với bản thân và tha nhân, tính cách liêm khiết nơi việc hành xử và tin tưởng những lời hứa quyết”.

 

 

1.         Trong Sứ Điệp truyền thống này cho Ngày Hòa Bình Thế Giới dịp Tân Niên, tôi xin gửi lời chào thân ái và cầu chúc tốt đẹp đến con người nam nữ khắp nơi, nhất là những ai đang khổ đau vì bạo lực và những cuộc xung đột võ trang. Lời chào chúc của tôi là lời chào chúc đầy hy vọng cho một thế giới yên hàn hơn, một thế giới có nhiều cá nhân và cộng đồng hơn dấn thân cho đường lối công lý và hòa bình.

 

2.         Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi đối với các vị Tiền Nhiệm của tôi là các vị Đại Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II, những vị là các phát động viên tinh anh của hòa bình. Được tác động bởi tinh thần của các Mối Phúc Đức, các vị đã nhận thấy, nơi nhiều biến cố lịch sử đánh dấu Giáo Triều đương thời của các vị, sự can thiệp quan phòng của Thiên Chúa, Đấng không ngừng quan tâm tới tương lai của loài người. Là những người hăng say loan báo Phúc Âm, các vị liên lỉ kêu gọi mọi người hãy lấy Chúa làm khởi điểm cho các nỗ lực của họ hoạt động cho tình trạng hòa thuận và an bình trên khắp thế giới. Sứ Điệp đầu tiên cho Ngày Hòa Bình Thế Giới đây là để tiếp theo đường lối giáo huấn cao quí của các vị; qua sứ điệp đây, tôi muốn lập lại quyết tâm mạnh mẽ của Tòa Thánh trong việc tiếp tục phục vụ lý tưởng hòa bình. Chính danh hiệu Biển Đức tôi đã chọn trong ngày được tuyển lên Tòa Thánh Phêrô là dấu hiệu việc cá nhân tôi dấn thân cho hòa bình. Trong việc nhận danh hiệu này, tôi muốn gợi lên cho thấy cả Vị Thánh Quan Thày của Âu Châu là vị đã khơi dậy một nền văn minh hòa bình ở khắp châu lục này, lẫn Giáo Hoàng Biển Đức XV là vị đã lên án Thế Chiến Thứ Nhất như là một “tàn sát vô ích” ("Appeal to the Heads of the Warring Peoples," [1 August 1917]: AAS 9 [1917], 423.)

 

3.         Đề tài tôi chọn để suy nghĩ trong năm nay là “Hòa bình trong chân lý”, một đề tài nói lên niềm xác tín là bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào con người nam nữ được soi động bởi ánh quang chân lý, thì, theo tự nhiên, họ mới bắt đầu thực hiện con đường hòa bình. Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”, được ban hành 40 năm trước đây vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, đã nói rằng loài người sẽ không thành đạt trong “việc xây dựng một thế giới thực sự nhân bản cho mọi người, mọi nơi trên trái đất, trừ phi tất cả mọi người được canh tân trong tinh thần và hướng về hòa bình đích thực” (khoản 77). Thế nhưng ý nghĩa thực sự của những lời “hòa bình đích thực” đây là gì? Để giải đáp một cách trọn vẹn cho câu hỏi này, chúng ta cần phải nhận thứ rằng hòa bình không thể trở thành việc thuần túy không xẩy ra tình trạng xung đột võ trang, song cần được hiểu là “hoa trái của một trật tự đã được vun trồng nơi xã hội loài người bởi Đấng Sáng Lập thần linh”, một trật tự “cần phải được nhân loại thực hiện theo nỗi khát khao có được một nền công lý trọn hảo hơn bao giờ hết” (cùng nguồn vừa dẫn, khoản 78). Là thành quả của một trật tự theo dự định và mong muốn của Thiên Chúa, hòa bình chất chứa một sự thật nội tại và bất khuất, tương ứng “với niềm trông mong và hy vọng không thể cầm hãm trong chúng ta” (John Paul II, "Message for the 2004 World Day of Peace," 9).

 

4.         Được nhìn theo chiều hướng ấy, hòa bình trở nên như một tặng ân từ trời và là một ân sủng thần linh là những gì đòi hết mọi tầng lớp thi hành trách nhiệm cao cả nhất, đó là trách nhiệm làm cho lịch sử loài người – trong chân lý, công lý, tự do và yêu thương – hợp với trật tự thần linh. Bất cứ khi nào mất đi tính cách trung thành với trật tự siêu việt ấy, cũng như mất đi việc tỏ ra tôn trọng “cái văn phạm” của vấn đề đối thoại là lề luật luân lý phổ quát được in ấn nơi tâm can con người (Cf. John Paul II, "Address to the Fiftieth General Assembly of the United Nations," [5 October 1995], No. 3), bất cứ khi nào việc phát triển toàn diện con người và việc bảo vệ các thứ quyền lợi nống cốt của họ gặp trở ngại hay bị chối bỏ, bất cứ khi nào vô vàn con người ta bị buộc phải chịu đựng những thứ bất chính và bất công bất khả chấp, thì làm sao chúng ta có thể hy vọng rằng sự thiện hòa bình được hiện thực? Những yếu tố thiết yếu làm nên sự thật của sự thiện ấy bị thiếu hụt. Thánh Âu Quốc Tinh đã diễn tả hòa bình là “transquillitas ordinis”, ("De Civitate Dei," XIX, 13), tức tình trạng quân bình về trật tự. Nói như thế là ngài có ý nói rằng một tình trạng nhằm giúp cho sự thật về con người được hoàn toàn tôn trọng và hiện thực.

 

5.         Bởi vậy, người nào và cái gì có thể ngăn cản hòa bình xẩy ra đây? Thánh Kinh, nơi chính suốn sách đầu tiên của mình là cuốn Khởi Nguyên, đã cho thấy cái dối trá điêu ngoa được vang lên ngay khi mở màn lịch sử bởi một con thú có một miệng lưỡi chẻ ra, vật được Thánh Ký Gioan gọi là “cha của các sự dối trá điêu ngoa” (8:44). Dối trá cũng là một trong những tội được nói tới ở chương sau hết cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh đó là cuốn Khải Huyền, thứ tội đã ngăn cản thành phần dối trá vào Giêrusalem thiên quốc: “bên ngoài là… tất cả những ai yêu chuộng sự dối trá” (22:15). Dối trá có liên hệ với thảm trạng tội lỗi cùng với những hậu quả tai hại của nó, những hậu quả đã và còn tiếp tục có những tác dụng tàn phá nơi đời sống của cá nhân cũng như của chư quốc. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới những biến cố của thế kỷ vừa qua, thời điểm mà các chính sách ý hệ và chính trị cố ý muốn bóp méo sự thật và thực hiện việc khai thác cùng sát hại cả một số lượng kinh hoàng những con người nam nữ, tiêu diệt hết các gia đình và cộng đồng. Sau những kinh nghiệm như thế, làm sao chúng ta lại không thận trọng quan tâm tới những thứ dối trá trong thời đại của chúng ta đây, những thứ dối trá trở thành bối cảnh cho những viễn tượng đe dọa chết chóc nơi nhiều phần đất trên thế giới. Bất cứ một cuộc tìm cầu chân chính nào giành cho hòa bình đều cần phải được bắt đầu từ việc nhận thức rằng vấn đề sự thật và dối trá là mối quan tâm của hết mọi con người nam nữ; nó là những gì quyết định cho tương lai an bình của trái đất chúng ta đây.

 

6.         Hòa bình là ước vọng không thể đè nén nơi tâm can của mỗi một người, bất kể căn tính văn hóa chuyên biệt của họ. Bởi thế, hết mọi người cần phải cảm thấy quyết tâm phục vụ sự thiện cao cả này, và cần phải cố gắng ngăn ngừa những mối liên hệ cho khỏi bị đầu độc bởi bất cứ hình thức dối trá nào. Tất cả mọi người đều là phần tử của cùng một gia đình duy nhất. Việc tôn vinh quá đáng về những cái khác biệt là những gì đụng độ với sự thật nồng cốt này. Chúng ta cần phải tái nhận thức là chúng ta có cùng một định mệnh là những gì siêu việt tối hậu, nhờ đó tối đa hóa những khác biệt về lịch sử và văn hóa của chúng ta, không phải ở chỗ kình chống nhau mà là hợp tác với thành phần thuộc về các nền văn hóa khác.  Những sự thật đơn giản này là những gì làm cho hòa bình trở thành khả dĩ; chúng là những chân lý dễ hiểu khi chúng ta lằng nghe tâm can của mình bằng những ý hướng tinh tuyền. Như thế, hòa bình mới được thấy ở một chiều hướng mới: không phải ở chỗ không xẩy ra chiến tranh, mà là một cuộc chung sống thuận hòa giữa người công dân với nhau trong một xã hội được công lý cai quản, một xã hội có được sự thiện hòa bình này cho từng người trong họ bao nhiêu có thể.

 

Hòa bình đích thực kêu gọi mọi người hãy vun trồng những mối liên hệ phong phú và chân thành; nó phấn khích họ tìm kiếm và đi theo đường lối thứ tha và hòa giải, thanh liêm nơi việc họ đối sử với nhau, và trung thành với lời nói của mình. Đặc biệt là thành phần môn đồ của Chúa Kitô, nhận thấy sự hiện diện quỉ quyệt của sự dữ và nhu cầu cần được giải phóng từ Vị Sư Phụ thần linh, tin tưởng nhìn lên Người, ý thức rằng “Người đã không phạm một tội lỗi nào; không có gì là điêu ngoa nơi môi miệng của Người” (1Pt 2:22; x Is 53:9). Chúa Giêsu tự nhận mình là Sự Thật, và khi nói với nhân vật thị kiến của Sách Khải Huyền, Người đã tỏ thái độ hoàn toàn kị với “những ai yêu thích và hành động gian dối” (Rev 22:15). Người đã cho thấy tất cả sự thật về nhân loại và về lịch sử nhân loại. Quyền năng ân sủng của Người làm cho nhân loại có thể sống “trong” và sống “bởi” sự thật, vì duy một mình Người là Đấng hoàn toàn chân thật và tín trung. Chúa Giêsu là một sự thật ban hòa bình cho chúng ta.

 

7.         Hòa bình đích thực cũng cần phải chiếu giãi ánh sáng thiện hảo của mình ra thậm chí ngay giữa thảm trạng chiến tranh. Các vị Nghị Phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II, trong Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”, đã vạch ra rằng “không phải là mọi sự đều tự động được phép hành động giữa đôi bên hận thù nhau một khi chiến tranh bùng nổ một cách đáng tiếc” (khoản 79). Là phương tiện giới hạn bao nhiêu có thể những hậu quả tàn hại của chiến tranh gây ra, nhất là cho thành phần dân sự, cộng đồng thế giới đã thiết lập một khoản luật nhân đạo quốc tế. Ở các trường hợp khác nhau cũng như nơi các môi trường khác nhau, Tòa Thánh đã bày tỏ việc ủng hộ của mình về khoản luật nhân đạo này, và đã yêu cầu tôn trọng nó và mau mắn áp dụng nó, vì Tòa Thánh xác tín rằng sự thật của hòa bình hiện hữu thậm chí ngay cả giữa chiến tranh nữa. Luật nhân đạo quốc tế cần phải được coi như là một trong những bày tỏ đẹp đẽ nhất và hiệu lực nhất đối với những đòi hỏi nội tại của nền hòa bình đích thực. Chính vì lý do này mà việc tôn trọng đối với luật này cần phải được coi như là những gì ràng buộc tất cả mọi dân tộc. Cần phải cảm nhận được giá trị của nó và bảo đảm việc áp dụng đúng đắn của nó; cũng cần phải cập nhật hóa những qui chuẩn cho xác đáng để áp dụng vào những tình trạng thay đổi của những cuộc xung khắc võ trang ngày nay cũng như vào việc sử dụng các thứ vũ khí mới mẻ hơn và phức tạp hơn.

 

8.         Ở đây tôi muốn bày tỏ niềm tri ân đối với các tổ chức quốc tế cũng như với tất cả những ai hằng ngày dấn thân vào việc áp dụng luật nhân đạo quốc tế. Tôi cũng không quên đề cập tới nhiều quân sĩ đang tham gia vào công việc tinh tế để giải quyết các cuộc xung đột và phục hồi những điều kiện cần thiết cho hòa bình. Tôi muốn nhắc nhở họ bằng những lời của Công Đồng Chung Vaticanô II: “Tất cả những ai nhập ngũ để phục vụ quê hương đất nước của mình cần phải coi mình như là những bảo quản viên an ninh và tự do cho đồng hương của mình, và khi thi hành nhiệm vụ của mình một cách tương xứng, họ cũng góp phần vào việc thiết lập hòa bình nữa vậy” (cùng nguồn vừa dẫn). Các vị Bản Quyền quân đội của Giáo Hội Công Giáo thi hành hoạt động mục vụ của mình ở lãnh vực đòi hỏi này: Tôi xin cả các vị Bản Quyền quân đội lẫn các vị tuyên úy quân đội, ở mọi trường hợp và hoàn cảnh, hãy là những người trung thành loan báo hòa bình đích thực.

 

9.         Ngày nay, hòa bình đích thực tiếp tục bị tổn thương và bị loại trừ bởi nạn khủng bố với những đe dọa và các cuộc tấn công đẩy thế giới vào một tình trạng sợ hãi và bất an. Các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II thường nêu lên trách nhiệm ghê gớm của thành phần khủng bố phải chịu, đồng thời các vị cũng lên án các sách lược bất lương và chết chóc của họ. Những hành động ấy thường là hoa trái của chủ nghĩa tuyệt mệnh là chủ nghĩa được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II diễn tả bằng những lời lẽ như sau: “Những ai sát hại bằng những hành động khủng bố thực sự là những người chán chường về nhân loại, về sự sống, về tương lai. Theo quan điểm của họ thì cần phải thù ghết và hủy diệt đi tất cả mọi sự” (Message for the 2002 World Day of Peace, 6).

 

Chẳng những chủ nghĩa tuyệt mệnh mà còn cả chủ nghĩa cuồng tín là chủ nghĩa ngày nay thường đưoơc gán cho cái tên là chủ nghĩa cực bảo thủ, cũng tác dụng và khích động ý nghĩ và hoạt động khủng bố nữa. Ngay từ ban đầu, Đức Gioan Phaolô II đã thấy được cái nguy hiểm bùng phát này dưới hình thức bảo thủ cuống tín, và ngài đã nghiêm nghị lên án nó, trong khi đó ngài cảnh cáo những nổ lực muốn áp đặt hơn là trình bày cho người khác tự tình chấp nhận theo niềm xác tín của họ về sự thật. Ngài đã viết: “Việc cố gắng áp đặt lên kẻ khác bằng phương tiện võ lực những gì mình coi là chân lý là việc vi phạm tới phẩm vị của con người, và trên hết là phạm đến Thiên Chúa nơi họ là hình ảnh của Ngài” (cùng nguồn vừa dẫn).

 

10.       Quan sát kỹ lưỡng thì cả chủ nghĩa tuyệt mệnh và chủ nghĩa cực bảo thủ được chúng ta đang nói đến đây đều có cùng một thứ liên hệ sai lầm đối với sự thật, ở chỗ, thành phần tuyệt mệnh chối bỏ chính sự hiện hữu của sự thật, trong khi thành phần bảo thủ cuồng tín chủ trương có thể áp đặt sự thật bằng võ lực. Cho dù có nguồn gốc và bối cảnh văn hóa khác nhau, cả hai đều cho thấy thái độ nguy hiểm tỏ ra khinh thường con người và sự sống con người, trên hết là chính Thiên Chúa. Thật vậy, cái thành quả thê thảm chung này xuất phát từ một thứ méo mó đối với sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa: chủ nghĩa tuyệt mệnh thì chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa cùng với việc hiện diện quan phòng của Ngài trong lịch sử, trong khi chủ nghĩa bảo thủ cuồng tín lại bôi nhọ dung nhan yêu thương của Ngài, thay thế Ngài bằng những thứ ngẫu tượng được tạo nên theo hình ảnh riêng của nó. Khi phân tích những căn nguyên gây ra hiện tượng khủng bố hiện nay, cần phải cứu xét tới chẳng những các căn nguyên về chính trị và xã hội của nó mà còn cả những động lực sâu xa của nó về văn hóa, tôn giáo và ý hệ nữa.

 

11.       Trước những cơ nguy nhân loại đang phải đối diện trong thời đại của chúng ta đây, tất cả mọi người Công Giáo ở khắp nơi trên thế giới có nhiệm vụ loan báo và hiện thực trọn vẹn hơn nữa “Phúc Âm Hòa Bình”, và chứng tỏ cho thấy rằng việc nhìn nhận tất cả sự thật về Thiên Chúa là điều kiện tiên quyết bất khả châm chước cho việc củng cố hòa bình đích thực. Thiên Chúa là Tình Yêu cứu độ, là một Người Cha yêu thương muốn thấy con cái của mình coi nhau là anh chị em của nhau, ý thức mang những tài năng khác nhau của mình ra phục vụ công ích của gia đình nhân loại. Thiên Chúa là nguồn mạch dồi dào của một niềm hy vọng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Thiên Chúa, và chỉ có một mình Thiên Chúa mà thôi, làm thành tựu hết mọi việc làm thiện hảo và hòa bình. Lịch sử đã rõ ràng chứng tỏ cho thấy rằng việc tuyên chiến với Thiên Chúa để hoàn toàn hất Ngài ra khỏi tâm can của con người chỉ là những gì dẫn một thứ nhân loại sợ hãi và cùng kiệt tới những quyết định hoàn toàn phù phiếm. Việc nhận thức này cần phải thôi thúc thành phần tin tưởng vào Chúa Kitô trở thành những chứng nhân có sức thu phục của Thiên Chúa là Đấng là sự thật và là tình yêu bất khả phân ly, khi họ dấn thân phục vụ hòa bình, bằng cách hợp tác rộng rãi với các Kitô hữu khác, với các môn đồ thuộc các tôn giáo khác, và với tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm.

 

12.       Nhìn vào tình hình thế giới hiện nay, chúng ta có thể mãn nguyện nhận thấy một số những dấu hiệu hy vọng nơi việc xây dựng hòa bình. Chẳng hạn, tôi nghĩ về việc suy giảm số lượng các cuộc xung đột võ trang. Ở đây chúng ta đang nói về một ít bước tiến, những bước tiến rất ngập ngừng trên con đường hòa bình, tuy nhiên lại là những bước tiến thậm chí cho tới nay có thể bảo đảm một tương lai yên hàn hơn, nhất là cho nhân dân đau khổ ở Palestine, quê hương của Chúa Giêsu, cũng như cho những ai sống ở một số miền thuộc Phi Châu và Á Châu, thành phần đang đợi chờ qua bao năm tháng tình trạng kết thúc tốt đẹp cho những tiến trình đang diễn tiến của công cuộc hòa bình và hòa giải. Đó là những dấu hiệu tái bảo đảm cần phải được xác nhận và củng cố bằng việc không ngừng hợp tác và hoạt động, nhất là về phía cộng đồng quốc tế và những cơ quan của cộng đồng là những cơ cấu mang trách nhiệm ngăn ngừa các cuộc xung đột và đưa ra giải pháp hòa bình cho những ai trong cuộc.

 

13.       Tuy nhiên, tất cả những điều này không được đưa đến chỗ ngây ngô lạc quan. Không được quên rằng, thê thảm thay, các cuộc huynh đệ dữ dội tương tàn và các cuộc chiến tranh tàn hại vẫn đang tiếp tục gieo rắc châu lệ và chết chóc ở những phần đất rộng lớn trên thế giới. Có những trường hợp ở những nơi xẩy ra cuộc xung khắc, được âm ỉ như ngọn lửa dưới đống tro, có thể bùng lên nữa và gây ra tình trạng hủy diệt cả thể. Những người có thẩm quyền, thay vì hết sức cổ võ hòa bình, lại xúi bẩy công dân của mình tỏ ra hận thù đối với các quốc gia khác, thì phải chịu trách nhiệm nặng nề: đặc biệt nơi những vùng có cơ nguy, họ hủy hoại đi cái quân bình mong manh đã đạt được bằng giá của những cuộc thương thảo nhẫn nại, và vì thế họ góp phần vào việc làm cho tương lai của nhân loại trở thành bấp bênh và đáng lo ngại hơn.

 

Người ta cũng có thể nói gì về những chính phủ cậy dựa vào các thứ vũ khí nguyên tử như phương tiện để bảo đảm an ninh quốc gia của mình? Cùng với vô số con người thiện chí, người ta có thể nói rằng quan điểm này chẳng những là một quan điểm độc hại mà còn sai lầm nữa. Trong cuộc chiến tranh nguyên tử sẽ không có ai là kẻ chiến thắng hết, mà chỉ có nạn nhân thôi. Hòa bình đích thực đòi hỏi là tất cả – cho dù là những chính phủ công khai hay bí mật có các thứ vũ khí nguyên tử, hay những ai đang có dự án chiếm hữu chúng – đồng lòng thay đổi chiều hướng của mình bằng những quyết định rõ ràng và mạnh mẽ, và cố gắng thực hiện một cuộc giải giới nguyên tử một cách tiến triển và nhịp nhàng. Để rồi những nguồn lợi được giành dụm ấy có thể đem sử dụng vào các dự phóng phát triển hầu mang lại lợi ích cho toàn thể nhân dân của họ, nhất là thành phần nghèo khổ.

 

14.       Về vấn đề này, người ta chỉ có thể ghi nhận một cách buồn nản trước chứng cớ về một tình trạng gia tăng liên tục nơi vấn đề chi tiêu cho quân sự cũng như về việc phát triển ngành buôn bán vũ khí, trong khi đó tiến trình về chính trị và pháp lý được cộng đồng quốc tế thiết lập để phát động việc giải giới chỉ dậm chân tại chỗ một cách thờ ơ. Làm sao có được một tương lai hòa bình khi vẫn còn những cuộc đầu tư vào việc sản xuất vũ khí cũng như vào việc nghiên cứu để chế tạo ra những thứ vũ khí mới? Chỉ có thể hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ có được sự khôn ngoan và can đảm để, một lần nữa, tiếp tục, một cách liên hợp và với một niềm xác tín mới, tiến trình giải giới, nhờ đó, bảo đảm một cách cụ thể quyền sống hòa bình cho mọi người và mọi dân tộc. Bằng việc dấn thân để bảo toàn sự thiện hòa bình, các cơ quan khác nhau của cộng đồng quốc tế sẽ lấy lại được thẩm quyền cần thiết trong việc thực hiện những sáng kiến đầy uy tín và hiệu năng của mình.

 

15.       Đối tượng đầu tiên được lợi bởi quyết định dứt khoát trong vấn đề giải giới sẽ là các quốc gia nghèo, những quốc gia có lý để đòi hỏi, sau khi đã nghe quá nhiều lời hứa hẹn, việc áp dụng cụ thể cho quyền họ được phát triển. Quyền này đã được trân trọng tái xác nhận trong Tổng Hội Đồng mới đây của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, một tổ chức năm nay mừng kỷ niệm 60 năm thành lập của mình. Giáo Hội Công Giáo, dù khẳng định niềm tin tưởng của mình vào cơ cấu quốc tế này, cũng kêu gọi cơ cấu này  canh tân về cấu trúc và hoạt động để giúp cho nó có thể đáp ứng những nhu cầu đổi thay của thời điểm hiện nay, những đổi thay mang đặc tính của một hiện tượng toàn cầu hóa bao rộng. Tổ Chức Liên Hiệp Quốc cần phải trở nên một dụng cụ hữu hiệu hơn trong việc cổ võ các thứ giá trị công lý, đoàn kết và hòa bình trên thế giới.

 

Về phần mình, Giáo Hội, trung thành với sứ vụ đã lãnh nhận từ Vị Sáng Lập của mình, dấn thân loan báo khắp nơi “Phúc Âm Hòa Bình”. Bằng một niềm xác tín vững mạnh, Giáo Hội cống hiến một dịch vụ bất khả thiếu cho tất cả những ai nỗ lực cổ võ hòa bình, Giáo Hội nhắc nhở hết mọi người rằng, hòa bình nếu chân chính và bền vững nó cần phải xây dựng trên nền tảng sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người. Chỉ có duy sự thật này thôi mới có thể tạo nên một cảm quan công lý và sự cởi mở yêu thương đoàn kết, khi nó phấn khích mọi người hãy hoạt động cho một gia đình nhân loại thật sự tự do và thuận hòa. Nền tảng của hòa bình chân chính là ở sự thật về Thiên Chúa và về con người.

 

16.       Để chấm dứt Sứ Điệp này, tôi xin ngỏ lời đặc biệt cùng tất cả mọi tín hữu của Chúa Kitô, một lần nữa kêu gọi họ hãy trở thành những người môn đệ quan tâm và dấn thân của Chúa. Khi chúng ta nghe Phúc Âm, anh chị em thân mến, chúng ta học biết cách xây dựng hòa bình trên sự thật của một cuộc sống hằng ngày được sinh động bởi giới luật yêu thương. Hết mọi cộng đồng cần phải thực hiện một tiến trình sâu rộng về giáo dục và về chứng từ nhắm mục đích làm cho mọi người ý thức hơn nữa nhu cầu cần phải cảm nhận trọn vẹn hơn về hòa bình đích thực. Tôi cũng xin hãy gia tăng lời cầu nguyện, vì hòa bình trước hết là tặng ân của Thiên Chúa, một tặng ân cần phải liên lỉ kêu xin. Nhờ ơn Chúa giúp, việc loan báo và làm chứng của chúng ta cho hòa bình chân thực càng trở nên thu phục và rạng ngời hơn. Với lòng tin tưởng và niềm phó thác thơ thảo, chúng ta hãy hướng mắt về Mẹ Maria, Mẹ của Vua Hòa Bình. Trong ngày Tân Niên này, chúng ta hãy xin Mẹ hãy trợ giúp tất cả dân Chúa, ở bất cứ nơi nào, đều hoạt động cho hòa bình và được hướng dẫn bởi ánh sáng của chân lý giải phóng con người (x Jn 8:32). Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chớ gì toàn thể loài người cảm nhận hơn sự thiện căn bản này và cố gắng làm cho nó hiện diện hơn bao giờ hết trên thế giới của chúng ta, nhờ đó, cống hiến cho các thế hệ mai sau một tương lai an toàn hơn và yên hàn hơn.

 

Tại Vatican ngày 8/12/2005

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20051213_xxxix-world-day-peace_en.html

 

 

Nhận Định Tổng Tóm


Sứ Điệp Hòa Bình đề ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2005 là sứ điệp hòa bình đầu tiên của vị Giáo Hoàng xuất thân từ một nước gây ra hai Thế Chiến kinh hoàng trong Thế Kỷ 20 với, vị Giáo Hoàng đã khẳng định ngay trong phần mở đầu của sứ điệp là “Chính danh hiệu Biển Đức tôi đã chọn trong ngày được tuyển lên Ngai Tòa Thánh Phêrô là dấu hiệu việc cá nhân tôi muốn dấn thân cho hòa bình”. Và Sứ Điệp Hòa Bình khai triều của vị Giáo Hoàng lấy danh hiệu của hai nhân vật liên quan đến hòa bình là Thánh Biển Đức, một trong các vị Quan Thày của Âu Châu, và Vị Giáo Hoàng Biển Đức XV ở thời Thế Chiến Thứ Nhất, sứ điệp mang tựa đề là “Hòa Bình trong Chân Lý”. Chủ đề “Hòa Bình trong Chân Lý” này đã được vị đương kim Giáo Hoàng bố cục và diễn giải, có thể nói, bao gồm những ý tưởng chính yếu sau đây: Một Hòa Bình Đích Thực, Dối Trá Phá Hòa Bình, Luật Nhân Đạo Quốc Tế, Hai Chủ Nghĩa Diệt Vong, Một Hiện Tình Thế Giới, và Cái Nền Tảng Hòa Bình.

 

Hòa Bình Đích Thực

 

Theo Đức Thánh Cha, Hòa Bình Đích Thực đây là “hòa bình chất chứa một sự thật nội tại và bất khuất, tương ứng với niềm trông mong và hy vọng không thể cầm hãm trong chúng ta”. Ngài đã viết ở đoạn 3:

 

·         Đề tài tôi chọn để suy nghĩ trong năm nay là “Hòa bình trong chân lý”, một đề tài nói lên niềm xác tín là bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào con người nam nữ được soi động bởi ánh quang chân lý, thì, theo tự nhiên, họ mới bắt đầu thực hiện con đường hòa bình. Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”, được ban hành 40 năm trước đây vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, đã nói rằng loài người sẽ không thành đạt trong “việc xây dựng một thế giới thực sự nhân bản cho mọi người, mọi nơi trên trái đất, trừ phi tất cả mọi người được canh tân trong tinh thần và hướng về hòa bình đích thực” (khoản 77). Thế nhưng ý nghĩa thực sự của những lời “hòa bình đích thực” đây là gì? Để giải đáp một cách trọn vẹn cho câu hỏi này, chúng ta cần phải nhận thứ rằng hòa bình không thể trở thành việc thuần túy không xẩy ra tình trạng xung đột võ trang, song cần được hiểu là “hoa trái của một trật tự đã được vun trồng nơi xã hội loài người bởi Đấng Sáng Lập thần linh”, một trật tự “cần phải được nhân loại thực hiện theo nỗi khát khao có được một nền công lý trọn hảo hơn bao giờ hết” (cùng nguồn vừa dẫn, khoản 78). Là thành quả của một trật tự theo dự định và mong muốn của Thiên Chúa, hòa bình chất chứa một sự thật nội tại và bất khuất, tương ứng “với niềm trông mong và hy vọng không thể cầm hãm trong chúng ta” (John Paul II, "Message for the 2004 World Day of Peace," 9).

 

Dối Trá phá Hòa Bình

 

Theo Đức Thánh Cha, Dối Trá phá Hòa Bình đây đã được chứng thực qua kinh nghiệm lịch sử thật thê thảm ở  thế kỷ 20 với “các chính sách ý hệ và chính trị cố ý muốn bóp méo sự thật. Ngài đã viết ở đoạn 5:

 

·         Dối trá có liên hệ với thảm trạng tội lỗi cùng với những hậu quả tai hại của nó, những hậu quả đã và còn tiếp tục có những tác dụng tàn phá nơi đời sống của cá nhân cũng như của chư quốc. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới những biến cố của thế kỷ vừa qua, thời điểm mà các chính sách ý hệ và chính trị cố ý muốn bóp méo sự thật và thực hiện việc khai thác cùng sát hại cả một số lượng kinh hoàng những con người nam nữ, tiêu diệt hết các gia đình và cộng đồng. Sau những kinh nghiệm như thế, làm sao chúng ta lại không thận trọng quan tâm tới những thứ dối trá trong thời đại của chúng ta đây, những thứ dối trá trở thành bối cảnh cho những viễn tượng đe dọa chết chóc nơi nhiều phần đất trên thế giới. Bất cứ một cuộc tìm cầu chân chính nào giành cho hòa bình đều cần phải được bắt đầu từ việc nhận thức rằng vấn đề sự thật và dối trá là mối quan tâm của hết mọi con người nam nữ; nó là những gì quyết định cho tương lai an bình của trái đất chúng ta đây.

 

Luật Nhân Đạo Quốc Tế

 

Theo Đức Thánh Cha, “Luật Nhân Đạo Quốc Tế được coi như là một trong những bày tỏ đẹp đẽ nhất và hiệu lực nhất đối với những đòi hỏi nội tại của nền hòa bình đích thực”. Ngài đã viết ở đoạn 7:

 

·         Hòa bình đích thực cũng cần phải chiếu giãi ánh sáng thiện hảo của mình ra thậm chí ngay giữa thảm trạng chiến tranh. Các vị Nghị Phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II, trong Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”, đã vạch ra rằng “không phải là mọi sự đều tự động được phép hành động giữa đôi bên hận thù nhau một khi chiến tranh bùng nổ một cách đáng tiếc” (khoản 79). Là phương tiện giới hạn bao nhiêu có thể những hậu quả tàn hại của chiến tranh gây ra, nhất là cho thành phần dân sự, cộng đồng thế giới đã thiết lập một khoản luật nhân đạo quốc tế. Ở các trường hợp khác nhau cũng như nơi các môi trường khác nhau, Tòa Thánh đã bày tỏ việc ủng hộ của mình về khoản luật nhân đạo này, và đã yêu cầu tôn trọng nó và mau mắn áp dụng nó, vì Tòa Thánh xác tín rằng hòa bình đích thực hiện hữu thậm chí ngay cả giữa chiến tranh nữa. Luật nhân đạo quốc tế cần phải được coi như là một trong những bày tỏ đẹp đẽ nhất và hiệu lực nhất đối với những đòi hỏi nội tại của nền hòa bình đích thực. Chính vì lý do này mà việc tôn trọng đối với luật này cần phải được coi như là những gì ràng buộc tất cả mọi dân tộc. Cần phải cảm nhận được giá trị của nó và bảo đảm việc áp dụng đúng đắn của nó; cũng cần phải cập nhật hóa những qui chuẩn cho xác đáng để áp dụng vào những tình trạng thay đổi của những cuộc xung khắc võ trang ngày nay cũng như vào việc sử dụng các thứ vũ khí mới mẻ hơn và phức tạp hơn.

 

Hai Chủ Nghĩa Diệt Vong

 

Theo Đức Thánh Cha, Hai Chủ Nghĩa Diệt Vong đây là chủ nghĩa tuyệt mạng và chủ nghĩa bảo thủ cuồng tín là nhu4nư chủ nghĩa đều có cùng một thứ liên hệ sai lầm đối với sự thật”. Ngài đã viết ở đoạn 10:

 

·         Quan sát kỹ lưỡng thì cả chủ nghĩa tuyệt mệnh và chủ nghĩa bảo thủ cuồng tín được chúng ta đang nói đến ở đây đều có cùng một thứ liên hệ sai lầm đối với sự thật, ở chỗ, thành phần tuyệt mệnh chối bỏ chính sự hiện hữu của sự thật, trong khi thành phần bảo thủ cuồng tín chủ trương có thể áp đặt sự thật bằng võ lực. Cho dù có nguồn gốc và bối cảnh văn hóa khác nhau, cả hai đều cho thấy thái độ nguy hiểm tỏ ra khinh thường con người và sự sống con người, trên hết là chính Thiên Chúa. Thật vậy, cái thành quả thê thảm chung này xuất phát từ một thứ méo mó đối với sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa: chủ nghĩa tuyệt mệnh thì chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa cùng với việc hiện diện quan phòng của Ngài trong lịch sử, trong khi chủ nghĩa bảo thủ cuồng tín lại bôi nhọ dung nhan yêu thương của Ngài, thay thế Ngài bằng những thứ ngẫu tượng được tạo nên theo hình ảnh riêng của nó. Khi phân tích những căn nguyên gây ra hiện tượng khủng bố hiện nay, cần phải cứu xét tới chẳng những các căn nguyên về chính trị và xã hội của nó mà còn cả những động lực sâu xa của nó về văn hóa, tôn giáo và ý hệ nữa.

 

Một Hiện Tình Thế Giới 

 

Theo Đức Thánh Cha, thế giới hiện đang xẩy ra tình trạng huynh đệ tương tàn, với những đe dọa của vũ khí nguyên tử là những gì cần phải giải giới để giành quĩ giúp giảm nghèo. Ngài đã viết ở đoạn 13 và 14:

 

·         Các cuộc huynh đệ dữ dội tương tàn và các cuộc chiến tranh tàn hại vẫn đang tiếp tục gieo rắc châu lệ và chết chóc ở những phần đất rộng lớn trên thế giới… Người ta cũng có thể nói gì về những chính phủ cậy dựa vào các thứ vũ khí nguyên tử như phương tiện để bảo đảm an ninh quốc gia của mình? Cùng với vô số con người thiện chí, người ta có thể nói rằng quan điểm này chẳng những là một quan điểm độc hại mà còn sai lầm nữa. Trong cuộc chiến tranh nguyên tử sẽ không có ai là kẻ chiến thắng hết, mà chỉ có nạn nhân thôi. Hòa bình đích thực đòi hỏi là tất cả – cho dù là những chính phủ công khai hay bí mật có các thứ vũ khí nguyên tử, hay những ai đang có dự án chiếm hữu chúng – đồng lòng thay đổi chiều hướng của mình bằng những quyết định rõ ràng và mạnh mẽ, và cố gắng thực hiện một cuộc giải giới nguyên tử một cách tiến triển và nhịp nhàng. Để rồi những nguồn lợi được giành dụm ấy có thể đem sử dụng vào các dự phóng phát triển hầu mang lại lợi ích cho toàn thể nhân dân của họ, nhất là thành phần nghèo khổ.

 

Về vấn đề này, người ta chỉ có thể ghi nhận một cách buồn nản trước chứng cớ về một tình trạng gia tăng liên tục nơi vấn đề chi tiêu cho quân sự cũng như về việc phát triển ngành buôn bán vũ khí, trong khi đó tiến trình về chính trị và pháp lý được cộng đồng quốc tế thiết lập để phát động việc giải giới chỉ dậm chân tại chỗ một cách thờ ơ. Làm sao có được một tương lai hòa bình khi vẫn còn những cuộc đầu tư vào việc sản xuất vũ khí cũng như vào việc nghiên cứu để chế tạo ra những thứ vũ khí mới?

 

Cái Nền Tảng Hòa Bình


Theo Đức Thánh Cha, chính vì chủ đề của Sứ Điệp Hòa Bình này là “Hòa Bình Trong Chân Lý” mà Nền Tảng của và cho Hòa Bình ở tại “sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người. Ngài đã viết ở đoạn 15:

 

·         Về phần mình, Giáo Hội, trung thành với sứ vụ đã lãnh nhận từ Vị Sáng Lập của mình, dấn thân loan báo khắp nơi “Phúc Âm Hòa Bình”. Bằng một niềm xác tín vững mạnh, Giáo Hội cống hiến một dịch vụ bất khả thiếu cho tất cả những ai nỗ lực cổ võ hòa bình, Giáo Hội nhắc nhở hết mọi người rằng, hòa bình, nếu chân chính và bền vững, nó cần phải xây dựng trên nền tảng sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người. Chỉ có duy sự thật này thôi mới có thể tạo nên một cảm quan công lý và sự cởi mở yêu thương đoàn kết, khi nó phấn khích mọi người hãy hoạt động cho một gia đình nhân loại thật sự tự do và thuận hòa. Nền tảng của hòa bình chân chính là ở sự thật về Thiên Chúa và về con người.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL