Chống Nghèo Khổ Để Xây Dựng Hòa Bình

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI – Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2009

 

 

1-         Một lần nữa, bắt đầu một tân niên, tôi muốn gửi lời những lời chúc tốt đẹp cầu mong hòa bình cho dân chúng ở mọi nơi. Bằng Sứ Điệp này tôi muốn gợi ý về đề tài: Chiến Đấu Chống Nghèo Khổ để Xây Dựng Hòa Bình. Hồi năm 1993, Vị Tiền Nhiệm khả kính của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm đó, đã kéo chú ý tới những âm vang tiêu cực đối với hòa bình khi có toàn bộ những thành phần dân chúng sống trong nghèo khổ.  Nghèo khổ thường là yếu tố dự phần hay là một yếu tố pha trộn gây ra những cuộc xung khắc, bao gồm cả những cuộc xung đột võ trang. Ngược lại, những cuộc xung khắc này lại gây ra những trường hợp nghèo khổ bi thảm hơn nữa. Ngài đã viết: “Thế giới của chúng ta cho thấy chứng cớ gia tăng về một mối đe dọa trầm trọng khác đối với hòa bình, đó là có nhiều cá nhân và thực sự là toàn thể những dân tộc ngày nay đang sống trong những điều kiện cực kỳ bần cùng nghèo khổ. Cái khoảng cách giữa giầu và nghèo càng trở nên rõ nét, ngay cả ở trong các quốc giá tiến triển về kinh tế. Đó là một vấn đề mà lương tâm nhân loại không thể coi thường, vì những điều kiện trong đó một số lớn dân chúng đang sống là những gì xỉ nhục cho phẩm vị bẩm sinh của họ, mà hậu quả của nó là một thứ đe dọa cho mức tiến bộ đích thực và hòa hợp của cộng đồng thế giới” (1)  

 

2-         Trong ý nghĩa ấy thì việc chiến đấu chống nghèo khổ là những gì cần phải chú trong xét đến hiện tượng phức tạp của vấn đề toàn cầu hóa. Điều này quan trọng theo quan điểm về phương pháp học, vì nó gợi lên việc rút tỉa từ những hoa trái của việc nghiên cứu về kinh tế và xã hội học vào nhiều khía cạnh khác nhau của nghèo khổ. Tuy nhiên, cái qui chiếu về vấn đề toàn cầu hóa cũng cần phải làm cho chúng ta cảnh giác về những hàm ý thiêng liêng và luân lý của vấn đề này, thúc đẩy chúng ta, trong vấn đề đối xử với người nghèo, hãy bắt đầu từ nhận thức rõ ràng là tất cả chúng ta đều thông dự vào dự án thần linh của Thiên Chúa, ở chỗ, chúng ta được kêu gọi để hình thành một gia đình duy nhất, trong đó, tất cả mọi người – các cá nhân, những dân tộc và chư quốc gia – khuôn đúc hành vi cử chỉ của mình theo những nguyên tắc của tình huynh đệ và trách nhiệm. Quan niệm này cần phải có một kiến thức về tình trạng nghèo khó đang lan tràn và rất ăn khớp với nhau. Nếu nó chỉ là vấn đề nghèo khó về vật chất mà thôi thì các khoa học về xã hội, những khoa học có thể giúp chúng ta đo lường những hiện tượng này căn cứ chính yếu vào các dữ kiện về số lượng, cũng đủ để chứng tỏ cho thấy các đặc tính chính của nó. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng những hình thức nghèo khổ phi vật chất khác cũng hiện hữu nữa, những hình thức không phải là hậu quả trực tiếp và tự động của tình trạng thiếu thốn về vật chất. Chẳng hạn, nơi các xã hội giầu thịnh tân tiến, nơi đang cho thấy xẩy ra vấn đề ngoài lề hóa xã hội, cũng như xẩy ra một thứ nghèo khổ về tình cảm, luân lý và thiêng liêng nữa, một tình trạng được thể hiện nơi những con người có một đời sống nội tại đang bị lạc hướng và là những người đang trải qua những hình thức khác nhau của nỗi muộn phiền bất kể những gì là thịnh vượng về kinh tế của họ. Tôi đang nghĩ tới, một đàng, những gì được biết như là “một thứ phát triển về luân lý” (2), một đàng là những hậu quả tiêu cực về “một thứ siêu phát triển” (3).  Tôi cũng không thể nào không lưu ý tới các xã hội được gọi là “nghèo khổ”, vấn đề tăng trưởng về kinh tế thường bị ngăn cản bởi những trở ngại về văn hóa khiến không thể hiệu nghiệm sử dụng các nguồn lợi sẵn có trong tay. Tuy nhiên, cũng đúng nữa là hết mọi hình thức nghèo khổ ngoại tại về vật chất bị áp đặt đều bắt nguồn từ vấn đề thiếu tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Khi con người không được lưu ý tới tất cả những gì liên quan tới ơn gọi của mình, và khi những đòi hỏi về một thứ “môi trường nhân loại” (4) thực sự không được tôn trọng thì những quyền lực dữ dội của nghèo khổ bùng nổ, như được thấy rõ nơi một số lãnh vực giờ đây tôi muốn lưu ý tới từng lãnh vực một.

 

Vấn đề nghèo khổ và những quan hệ về luân lý

 

3-         Nghèo khổ thường được coi là hậu quả của vấn đề thay đổi về nhân khẩu học. Đó là lý do có những cuộc vận động quốc tế đang được thực hiện để giảm bớt mức độ sinh sản, đôi khi sử dụng những phương pháp không tôn trọng cả phẩm giá của người phụ nữ, hay quyền lợi của cha mẹ trong việc quyết định một cách hữu trách về số con cái (5): còn trầm trọng hơn nữa khi những phương pháp này lại thường không tôn trọng cả đến quyền sống nữa. Việc triệt sinh hằng triệu các trẻ em chưa sinh, nhân danh việc chống lại nghèo khổ, thực sự đã tạo nên vấn đề hủy hoại đi thành phần nghèo khổ nhất trong tất cả nhân loại. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn xẩy ra là, vào năm 1981, khoảng 40% dân số trên thế giới ở dưới mức cực kỳ nghèo khổ, trong khi đó, ngày nay tỉ lệ này đã được giảm bới tới một nửa, và tất cả những người đã thoát khỏi nghèo khổ cho dù đang trải qua tình trạng gia tăng quan trọng về nhân khẩu. Điều này cho thấy là những phương tiện để giải quyết vấn đề nghèo khổ quả thực có đó, cho dù phải đối diện với vấn đề dân số gia tăng. Cũng không được quên rằng, từ cuối Thế Chiến Thứ II, dân số trên thế giới đã gia tăng tới  tỉ người, phần lớn là vì một số quốc gia gần đây mới nhập vào cầu trường quốc tế như là những quyền lực mới về kinh tế và đã trải qua việc phát riển nhanh chóng đặc biệt vì số đông cư dân của họ. Hơn thế nữa, trong số các quốc gia tân tiến nhất, những nước có mức độ sinh cao lại có cơ hội khá hơn cho vấn đề phát triển. Nói cách khác, dân số là những gì đang cho thấy là một thứ tài sản vốn liếng quí báu, chứ không phải là một thứ yếu tố góp phần vào tình trạng bần cùng.

 

4-         Một lãnh vực quan ngại khác nữa đó là những gì liên quan tới các thứ dịch bệnh, chẳng hạn như sốt rét, lao phổi và liệt kháng. Vì chúng ảnh hưởng cả đến những thành phần dân chúng sản xuất giầu có  mà chúng cũng là một yếu tố quan trọng nơi vấn đề suy thoái toàn diện tình trạng sinh sống ở xứ sở liên hệ.  Những nỗ lực để khống chế những hậu quả gây ra bởi những chứng bệnh này nơi dân chúng không phải là bao giờ cũng đạt được các thành quả quan trọng. Vấn đề cũng xẩy ra là các xứ sở bị lây nhiễm bởi một số các dịch bệnh ấy cảm thấy mình như là thành phần bị bắt làm con tin, khi họ cố gắng giải quyết những chứng bệnh ấy với những ai muốn sử dụng việc viện trợ về kinh tế làm điều kiện để ứng dụng những chính sách chống lại sự sống. Đặc biệt là khó chống lại chứng liệt kháng, một căn nguyên chính của tình trạng nghèo khổ, trừ phi giải quyết cả những vấn đề về luân lý liên quan tới tình trạng lan ràn vi khuẩn liệt kháng này. Trước hết và trên hết, cần phải thực hiện những cuộc vận động về giáo dục, đặc biệt nhắm tới giới trẻ, để phát động một thứ đạo lý về tính dục có thể hoàn toàn xứng hợp với phẩm vị của con người; những thứ khởi động này đã từng mang lại các hoa trái quan trọng, giúp giảm bớt tình trạng lan truyền chứng liệt kháng. Thế rồi cần cả đến những thứ thuốc men và việc điều trị thuận tiện cho thành phần dân chúng nghèo khổ nữa. Cần phải có một nỗ lực cương quyết trong việc phát động vấn đề nghiên cứu về y khoa cùng với những hình thức điều trị mới, và việc áp dụng một cách uyển chuyển khi cần, các thứ luật lệ quốc tế trong việc bảo vệ vấn đề nghèo khó về tri thức cũng như trong vấn đề bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe căn bản thiết yếu cho tất cả mọi người.

5-         Lãnh vực thứ ba cần lưu ý tới những chương trình chống nghèo khổ, một chú ý một lần nữa nhấn mạnh tới chiều kích luân lý nội tại của nó, đó là tình trạng nghèo khổ của trẻ em. Khi gia đình bị nghèo khổ thì trẻ em là những nạn nhân bị tổn thương nhất: gần một nửa thành phần sống trong cảnh cực bần cùng hiện nay là trẻ em.  Để tỏ ra hỗ trợ trẻ em liên quan tới vấn đề nghèo khổ nghĩa là đặt ưu tiên cho những mục tiêu trực tiếp liên quan đến chúng nhất, chẳng hạn như việc chăm sóc cho các bà mẹ, việc dấn thân cho vấn đề giáo dục, cho vấn đề dễ dàng được chích ngừa, được chăm sóc về y tế và về nước uống, cho vấn đề bảo toàn môi sinh, và nhất là việc dấn thân để bênh vực gia đình và tính cách bền vững cho những mối liên hệ trong gia đình. Khi gia đình bị yếu kém thì trẻ em chắc chắn phải chịu khổ đau. Nếu phẩm giá của nữ giới và của các bà mẹ không được bảo vệ thì trẻ em là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất.

 

6-         Lãnh vực thứ bốn cần đặc biệt chú trọng theo quan điểm luân lý đó là mối liên hệ giữa vấn đề giải giới và việc phát triển. Mức độ hiện tại của vấn đề chi tiêu quân sự trên thế giới đã là nguyên do gây ra quan ngại. Như tôi đã vạch ra trước đây, vấn đề có thể xẩy ra là “việc chi tiêu khổng lồ cho quân sự, bao gồm những phương tiện về thể chất và về nhân lực cùng với các thứ khí giới, thật sự đã là những gì làm lạc hướng của những dự án phát triển cho các dân tộc, nhất là những dân tộc nghèo khổ nhất rất cần đến việc viện trợ. Đó là những gì phản lại với Bản Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc liên quan tới cộng đồng quốc tế và các Quốc Gia đặc biệt phải “cổ võ vấn đề thiết lập và bảo trì nền hòa bình cùng an ninh quốc tế bằng chiến thuật tối thiểu nhất về võ trang trong các phương tiện về nhân lực và kinh tế trên thế giới (khoản 26)” (6)

 

Trạng thái của các sự vụ này không liên quan gì tới việc phát động, thật ra là nghiêm trọng cản trở, vấn đề chiếm đạt những mục tiêu phát triển đầy tham vọng của cộng đồng thế giới. Ngoài ra, vấn đề gia tăng thái quá cho việc chi tiêu về quân sự còn có nguy cơ gây ra tình trạng gia tốc cho vấn đề chạy đua võ trang nữa, làm phát sinh những thứ chậm tiến và tuyệt vọng, từ đó nó mẫu thuẫn trở thành một căn nguyên cho tình trạng bất ổn, căng thẳng và xung khắc. Như Vị Tiền Nhiệm khả kính của tôi là Đức Phaolô VI đã khéo léo nhận định, “danh xưng mới của hòa bình là vấn đề phát triển” (7). Bởi thế, các Quốc Gia được mời gọi nghiêm cẩn phản tỉnh về những lý do sâu xa cho các cuộc xung khắc, những cuộc xung đột thường gây ra bởi bất công, và hãy can đảm thực hiện việc tự kiểm. Nếu những mối liên hệ có thể được cải tiến hơn thì vấn đề giảm bớt chi tiêu cho việc võ trang là những gì khả dĩ. Những nguồn lợi được giành dụm này bấy giờ có thể được sử dụng vào những dự án phát triển hầu trợ giúp các cá nhân và dân chúng nghèo nhất và thiếu thốn nhất: những nỗ lực được chi tiêu như thế sẽ là những nỗ lực cho hòa bình trong gia đình nhân loại vậy.

 

7-         Lãnh vực thứ năm liên quan tới vấn đề chống nghèo khổ về vật chất có quan hệ tới tình trạng khủng hoảng về thực phẩm hiện nay, một cuộc khủng hoảng gây nguy hiểm cho việc làm thỏa đáng những nhu cầu căn bản. Tình trạng khủng hoảng này không phải ở tại vấn đề bị thiếu hụt về lương thực cho lắm, như bị khó khăn tìm kiếm lương thực cùng với những hình thức đầu tư tích trữ khác nhau: nói cách khác, vấn đề là do thiếu tổ chức của những cơ cấu chính trị và kinh tế có khả năng đáp ứng những nhu cầu và những gì khẩn trương. Vấn đề mạo dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân gây ra việc gây tổn hại về tâm thần và thể lý cho dân chúng, khiến cho nhiều người bị hụt hẫng về nghị lực cần thiết trong việc thoát khỏi tình trạng nghèo khổ không được trợ giúp. Điều này góp phần vào khoảng cách rộng lớn của vấn đề bất quân bình, và có thể gây ra những phản ứng bạo động. Tất cả mọi dấu chỉ về tình trạng tương đối nghèo khổ trong những năm gần đây cho thấy một thứ chênh lệch gia tăng giữa giầu và nghèo. Không thể phủ nhận được những nguyên nhân chính cho vấn đề này dó là, một bên, những tiến triển về kỹ thuật, những gì chính yếu mang lại lợi ích cho thành phần giầu thịnh, và bên kia, những thay đổi về giá cả của những sản phẩm kỹ nghệ, những giá cả tăng lên mau chóng hơn những giá của các sản phẩm về nông nghiệp và các thứ nguyên liệu trong tay các quốc gia nghèo. Bởi thế mà đa số dân chúng ở các xứ sở nghèo khổ nhất đang phải chịu cảnh sống bên lề xã hội gấp hai lần hơn, gây ra từ các tác dụng ngược chiều của lợi tức thấp mà giá cả lại tăng cao hơn.  

 

Mối liên đới toàn cầu và việc chống nghèo khổ

 

8-         Một trong những đường lối quan trọng nhất của việc xây dựng hòa bình đó là qua hình thức của một thứ toàn cầu hóa nhắm đến những thiện ích của toàn thể gia đình nhân loại (8). Tuy nhiên, để quản trị việc toàn cầu hóa này cần phải có một cảm quan mãnh liệt về mối liên đới toàn cầu (9) giữa các nước giầu và nghèo, cũng như trong mỗi xứ sở, bao gồm cả các nước giầu thịnh. Cũng cần phải có một “qui tắc đạo lý chung” (10), bao gồm những tiêu chuẩn không phải được căn cứ duy vào việc đồng thuận mà bắt nguồn từ luật lệ tự nhiên được Đấng Hóa Công in ấn vào lương tâm của hết mọi người (cf. Rm 2:14-15). Không phải là hết mọi người trong chúng ta đều cảm thấy sâu xa trong lương tâm mình một tiếng gọi trong việc thực hiện việc đóng góp cá nhân cho công ích cũng như cho hóa bình trong xã hội hay sao? Việc toàn cầu hóa loại trừ đi một số cản trở, thế nhưng nó vẫn có thể tạo nên những ngãng trở mới; nó mang các dân tộc lại với nhau, thế nhưng trạng thái gần gũi về không gian và thời gian tự nó không tạo nên những điều kiện cần tiết cho mối hiệp thông thực sự cũng như cho hòa bình. Những phương tiện hiệu nghiệm trong việc điều chỉnh việc cho ra rìa xã hội thành phần nghèo khổ trên thế giới qua việc toàn cầu hóa sẽ chỉ được tìm thấy nếu dân chúng khắp nơi tự cảm thấy bất bình trước những bất công trên thế giới và trước những vi phạm nhân quyền kèm theo. Giáo Hội, “một dấu hiệu và là phương tiện hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất của toàn thể nhân loại” (11), sẽ tiếp tục cống hiến những đóng góp của mình để những thứ bất công và hiểu lầm được giải tỏa, dẫn đến một thế giới bình an và đoàn kết hơn.

 

9-         Nơi lãnh vực mậu dịch và tài chính quốc tế, ngày nay có những tiến trình đang được thực hiện cho phép xẩy ra một thứ hội nhập tích cực của các ngành kinh tế, dẫn tới một cuộc cải tiến toàn diện về các điều kiện, thế nhưng cũng có những tiến trình theo chiều nghịch đảo, khi phân chia và loại trừ dân chúng, và tạo nên những tình trạng nguy hiểm có thể bùng nổ các cuộc chiến tranh và xung đột. Từ Thế Chiến Thứ Hai, việc mậu dịch quốc tế về sản vật và dịch vụ đã gia tăng quá mau chóng, một thời điểm chưa từng thấy trong lịch sử. Nhiều cuộc mậu dịch này đã dính dáng tới những quốc gia phát triển sớm sủa về kỹ nghệ, được nhập cuộc đông đảo bởi những quốc gia mới phát triển giờ đây cũng xuất hiện trên khấu trường thế giới.  Tuy nhiên có những quốc gia khác với nguồn lợi tức thấp kém vẫn còn đang bị loại trừ một cách nghiêm trọng về vấn đề mậu dịch. Việc tăng trưởng của những quốc gia ấy đã bị ảnh hưởng một cách tiêu cực bởi việc suy thoái nhanh chóng, như được thấy trong các thập niên gần đây, nơi các thứ giá cả của những loại hàng hóa, những loại hàng hóa trên thực tế là tất cả những gì họ xuất cảng. Ở những xứ sở này, những xứ sở hầu hết ở Phi Châu, vấn đề lệ thuộc vào việc xuất cảng các thứ hàng hóa vẫn tiếp tục tạo nên một yếu tố khả dĩ nguy hiểm. Ở đây tôi muốn lập lại lời kêu gọi là hãy cho tất cả mọi quốc gia có được những cơ hội ngang nhau tham dự vào thị trường quốc tế mà không loại trừ nhau hay gạt nhau ra ngoài.

 

10-       Nơi lãnh vực về tài chính cũng thế, một lãnh vực là những gì chính yếu của hiện tượng toàn cầu hóa, nhờ ở việc phát triển về kỹ thuật và những chính sách giải phóng hóa cái luồng vốn liếng giữa các quốc gia. Khách quan mà nói thì phần vụ quan trọng nhất của vấn đề tài chính đó là duy trì cái khả thể của việc đầu tư dài hạn và do đó của cả vấn đề phát triển. Ngày nay, điều này đang trở nên hết sức mong manh: nó đang cảm thấy những âm vang tiêu cực của một hệ thống đương đầu về vấn đề tài chính – cả ở tầm mức quốc gia lẫn quốc tế – dựa trên chính ý nghĩ ngắn hạn nhắm vào việc gia tăng gia trị của những hoạt động của tài chính và tập trung vào việc điều hành về kỹ thuật của những hình thức nguy hiểm khác nhau. Cuộc khủng hoảng mới đây cho thấy hoạt động về tài chính có những lúc nó có thể hoàn toàn bị thất bại ra sao, khi thiếu mất việc cân nhắc dài hạn về công ích. Việc hạ thấp những mục tiêu về vấn đề tài chính toàn cầu xuống những gì rất ngắn hạn làm suy giảm khả năng của nó trong việc tác hành như là một nhịp cầu nối giữa hiện tại và tương lai, và như một thứ kích thích cho việc kiến tạo nên những cơ hội mới đối với việc sản xuất cũng như đối với việc làm dài hạn. Vấn đề tài chính bị hạn chế về kiểu cách theo tình trạng ngắn hạn và rất ngắn hạn này đang trở thành những gì gây nguy hiểm cho hết mọi người, thậm chí cho cả những ai hưởng lợi khi thị trường diễn tiến tốt đẹp (12).

 

11-       Tất cả những điều này cho thấy rằng việc chống nghèo cần đến sự hợp tác của cả về lãnh vực kinh tế lẫn lãnh vực pháp lý, cũng thế, để cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia nghèo, biết nhận định và áp dụng những phương sách được phối hợp để giải quyết các vấn đề được bàn đến trên đây, nhờ đó, cống hiến một đường lối hiệu nghiệm về pháp lý cho kinh tế, cần phải khuyến khích thiết lập những tổ chức dự phần một cách hiệu năng, cũng như cần phải hỗ trợ trong việc chống tội ác cùng duy trì một nền văn hóa pháp lý. Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng các chính sách quá chú trọng tới việc trợ giúp là những gì chất chứa nhiều sự thất bại trong việc cống hiến viện trợ cho các quốc gia nghèo. Việc đầu tư vào vấn đề huấn luyện dân chúng và việc phát triển một nền văn hóa đặc biệt và hội nhập tốt đẹp của việc kinh doanh hiện nay dường như là một phương pháp thích hợp trung hạn và dài hạn. Nếu các hoạt động kinh tế cần phải có một môi trường thích thuận để phát triển, thì không được bỏ qua nhu cầu cần phải làm nẩy sinh vấn đề tổng thu nhập nữa. Thế nhưng dù việc nhấn mạnh tới vấn đề gia tăng lợi tức tổng sản lượng không thể là mục đích tối hậu của hoạt động chính trị và kinh tế có đúng chăng nữa, thì việc gia tăng này vẫn là một phương tiện để đạt được mục tiêu chống tình trạng đói khổ và cực bần cùng. Thế nên, cần phải loại trừ đi cái ảo tưởng là chỉ cần có một chính sách tái phân phối vấn đề giầu có hiện hữu là dứt khoát có thể giải quyết được vấn đề. Nơi một nền kinh tế tân tiến, giá trị của các nguồn vốn liếng hoàn toàn lệ thuộc vào khả năng làm phát sinh ra việc tổng tu nhập trong hiện tại và tương lai. Bởi vậy mà việc tạo lập vấn đề giầu có trở thành một nhiệm vụ bất khả tránh, một nhiệm vụ cần phải nhớ để việc chống nghèo về thể chất được hiệu nghiêm dài hạn.

 

12-       Nếu người nghèo được ưu tiên thì vẫn có đủ chỗ cho một đường lối về đạo lý cho các nền kinh tế về phía của những ai hoạt động trong thị trường quốc tế, một đường lối đạo lý cho các thứ chính trị về phía những ai hoạt động cho quần chúng, và một đường lối đạo lý cho việc tham phần có khả năng củng cố những đóng góp của xã hội dân sự ở lãnh vực địa phương và quốc tế. Chính các cơ quan quốc tế đã tiến đến chỗ nhận thấy được giá trị và lợi ích của những hoạt động kinh tế do các việc quản trị xã hội dân sự và địa phương thực hiện để cổ võ vấn đề giải phóng và bao gồm về xã hội những thành phần dân chúng thường ở bên dưới mức độ cực bần cùng mà lại không dễ dàng có được sự viện trợ cính thức. Lịch sử của việc phát triển kinh tế thế kỷ 20 dạy chúng ta rằng những chính sách phát triển tốt đẹp muốn có công hiệu đều lệ thuộc vào việc áp dụng hữu trách của các tác nhân con người cũng như vào việc thiết lập những mối giao hữu tích cực giữa các thị trường, xã hội dân sự và các Quốc Gia. Xã hội dân sự đặc biệt đóng một phần chủ chốt trong hết mọi tiến trình phát triển, vì phát riển là một hiện tượng về văn hóa có tính cách thiết yếu, và là một thứ văn hóa được xuất phát và phát triển trong lãnh vực dân sự (13).

 

13-       Như Vị Giáo Hoàng Tiền Nhiệm đáng kính Gioan Phaolô của tôi đã có lần nhận dịnh, vấn đề toàn cầu hóa “là những gì mâu thuẫn đáng kể trong tư tưởng” (14), và vì thế cần phải được điều hành một cách rất thận trọng khôn ngoan. Điều này bao gồm việc đặt ưu tiên cho các nhu cầu của các người nghèo trên thế giới, cũng như việc thắng vượt cái tai hại của tình trạng bất quân bình giữa những vấn đề nghèo khổ và những biện pháp đã được chấp thuận để giải quyết chúng. Tình trạng bất quân bình này xuất phát từ cả lãnh vực văn hóa lẫn chính trị cũng như cả lãnh vực thiêng liêng lẫn luân lý. Thật vậy, chúng ta thường chỉ xem xét đến những căn nguyên nghèo khổ theo bề ngoài và về phương tiện mà không lưu ý tới những lãnh vực ẩn nấp trong tâm can con người, như tham lam và thiển cận. Những vấn đề của việc phát triển, của viện trợ và của việc hợp tác quốc tế đôi khi được nói đến nhưng không hề thực sự chú trọng tới yếu tố nhân loại, mà chỉ thuần là những vấn đề về kỹ thuật – tức là được giới hạn vào việc thiết lập những cấu trúc, việc đặt ra những thỏa thuận mậu dịch, và việc phân phối tài trợ bâng quơ. Những gì mà cuộc chiến chống nghèo cần thực sự ở đây đó là con người nam nữ sống tình huynh đệ sâu xa và có thể hỗ trợ các cá nhân, gia đình và cộng đồng trong những cuộc hành trình phát triển dích thực của nhân loại.   

 

Kết luận

 

14-       Trong Thông Điệp “Bách Niên”, Đức Gioan Phaolô II đã cảnh giác về nhu cầu “cần loại trừ đi cái tâm thức coi người nghèo – cá nhân cũng dân chúng – như là một gánh nặng, như là những kẻ đột nhập mang cảm giác khó chịu đang cố gắng tiêu thụ những gì người khác sản xuất”. Ngài đã viết, người nghèo “yêu cầu có được quyền đươc cia sẻ vào việc hoan hưởng những sản vật về thể chất và sử dụng khả năng của họ để làm việc, nhờ đó tạo nên một thế giới công bằng và tịnh vượng hơn cho tất cả mọi người” (15). Trong thế giới được toàn cầu hóa ngày nay, càng ngày càng thấy rõ là hòa bình chỉ có thể được xây dựng nếu hết mọi người được bảo đảm có được một khả thể phát triển hợp lý: không sớm thì muộn hết mọi người đều phải trả giá cho những méo mó lệch lạc gây ra bởi những hệ thống bất công. Thật là ngu xuẩn trong việc xây dựng một ngôi nhà sang trọng ở giữa sa mạc hay thối nát. Vấn đề toàn cầu hóa tự nó không có khả năng xây dựng hòa bình, và ở trong nhiều trường hợp, nó còn thực sự tạo ra những thứ chia rẽ và xung khắc nữa. Nếu cần phải nói tới nhu cầu thì đó là việc cần phải hướng tới một mục tiêu của tình liên kết sâu xa chỉ biết tìm kiếm thiện ích cho mỗi và mọi người. Theo chiều hướng ấy thì vấn đề toàn cầu hóa cần phải được coi như là một cơ hội tốt để chiếm đạt một cái gì đó quan trọng trong việc chống nghèo, cũng như trong việc sử dụng những phương tiện về công lý và hòa bình vốn hiếm thấy trước đó.

 

15-       Giáo huấn về xã hội của Giáo Hội bao giờ cũng quan tâm tới người nghèo. Vào thời điểm của bức Thông Điệp “Tân Sự”, người nghèo được đồng hóa chính yếu với thành phần lao động trong xã hội mới kỹ nghệ hóa; trong Huấn Quyền về xã hội của Đức Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, những hình thức nghèo khổ mới đã dần dần được khám phá ra, như là phạm vi của vấn đề xã hội được lan rộng để tiến đến những thứ cân xứng trên toàn cầu (16). Việc lan rộng vấn đề xã hội này ra tầm cấp thế giới đã được coi không phải chỉ là một thứ lan rộng về lượng mà còn như một thứ tăng trưởng về phẩm nơi việc hiểu biết về con người cùng với những nhu cầu của ia đình nhân loại. Đó là lý do, trong khi thận trọng theo dõi hiện tượng hiện nay của vấn đề toàn cầu hóa cùng với ảnh hưởng của nó trên tình trạng nghèo khổ của con người, Giáo Hội vạch ra những khía cạnh mới của vấn đề xã hội, không phải chỉ có bề rộng của nó mà còn cả chiều sâu của nó nữa, vì nó liên quan tới căn tính của con người và mối liên hệ của họ với Thiên Chúa. Những nguyên tắc về giáo huấn xã hội có mục đích làm sáng tỏ những mối liên hệ giữa tình trạng nghèo khổ và vấn đề toàn cầu hóa, và chúng giúp hướng dẫn hành động hướng tới việc xây dựng hòa bình. Trong số những nguyên tắc ấy, thật là đúng lúc để đặc biệt nhắc lại nguyên tắc “yêu thương biệt đãi người nghèo” (17), theo chiều hướng căn bản của đức bác ái, một đức bác ái được chứng thực qua truyền thống Kitô giáo, bắt đầu từ truyền thống của Giáo Hội sơ khai (cf. Acts 4:32-36; 1Cor 16:1; 2Cor 8-9; Gal 2:10).

 

Đức Lêô XIII vào năm 1891 đã viết rằng “hết mọi người phải bắt tay vào việc theo phần vụ của mình, ngay lập tức”, và ngài còn thêm rằng “đối với Giáo Hội, việc hợp tác của Giáo Hội sẽ không bao giờ thiếu vắng, tùy lúc hay tùy trường hợp những gì có thể” (18). Đó là tinh thần cho tới nay Giáo Hội vẫn thi hành công việc của mình đối với người nghèo là thành phần Giáo Hội thấy được Chúa Kitô (19), và Giáo Hội liên lỉ nghe thấy âm vang nơi tâm can mình lệnh của Vị Hoàng Tử Hòa Bình truyền cho các Tông Đồ của Người: “Vos date illis manducare - các con hãy đích thân kiếm gì đó cho họ ăn đi” (Lk 9:13). Trung thành với lời hiệu triệu này của Chúa, cộng đồng Kitô hữu bởi thế sẽ không bao giờ thôi bảo đảm với toàn thể gia đình nhân loại về việc hỗ trợ của Giáo Hội qua những cử chỉ của mối liên đới sáng tạo, không phải bằng “việc cống hiến những gì dồi dào của mình” mà trên hết bằng “một thứ thay đổi những lối sống, những kiểu cách sản xuất và tiêu thụ, và những cấu trúc được thiết định về quyền lực đang quản trị xã hội ngày nay” (20). Bởi vậy, vào lúc mở màn cho một Tân Niên, tôi muốn gửi đến hết mọi người môn đệ của Chúa Kitô cũng như hết mọi con người thành tâm thiện chí lời mời gọi hãy ân cần trong việc vươn rộng cõi lòng của mình ra để đáp ứng những nhu cầu của người nghèo và hãy thực hiện những bước tiến cụ thể để giúp đáp họ. Không thể phủ nhận được sự thật của câu châm ngôn “chống nghèo khổ là xây dựng hòa bình” vậy.

 

Tại Vatican ngày 8/12/2008

 

Biển Đức XVI

 

 

Những chú dẫn:


[1] Message for the 1993 World Day of Peace, 1.

[2] Paul VI, Encyclical Letter Populorum Progressio, 19.

[3] John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 28.

[4] John Paul II, Encyclical Letter Centesimus Annus, 38.

[5] Cf. Paul VI, Encyclical Letter Populorum Progressio, 37; John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 25.

[6] Benedict XVI, Letter to Cardinal Renato Raffaele Martino on the occasion of the International Seminar organized by the Pontifical Council for Justice and Peace on the theme: “Disarmament, Development and Peace. Prospects for Integral Disarmament”, 10 April 2008: L'Osservatore Romano, English edition, 30 April 2008, p. 2.

[7] Encyclical Letter Populorum Progressio, 87.

[8] Cf. John Paul II, Encyclical Letter Centesimus Annus, 58.

[9] Cf. John Paul II, Address to the Christian Associations of Italian Working People, 27 April 2002, 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XXV:1 (2002), p. 637.

[10] John Paul II, Address to the Plenary Assembly of the Pontifical Academy of Social Sciences, 27 April 2001, 4: L'Osservatore Romano, English Edition, 2 May 2001, p. 7.

[11] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution Lumen Gentium, 1.

[12] Cf. Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 368.

[13] Cf. ibid., 356.

[14] Address to Leaders of Trade Unions and Workers' Associations, 2 May 2000, 3: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XXIII, 1 (2000), p. 726.

[15] No. 28.

[16] Cf. Paul VI, Encyclical Letter Populorum Progressio, 3.

[17] John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 42; cf. Encyclical Letter Centesimus Annus, 57.

[18] Encyclical Letter Rerum Novarum, 45.

[19] Cf. John Paul II, Encyclical Letter Centesimus Annus, 58.

[20] Ibid

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20081208_xlii-world-day-peace_en.html