Sứ Điệp Hòa Bình Cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2001

 Việc Gặp Gỡ Trao Đổi Văn Hóa Để Xây Dựng Một Nền Văn Minh Yêu Thương Và Hòa Bình

 

(Trích những ý chính hầu hết của toàn bài Sứ Điệp của ĐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm thứ 34, dài 25 trang, được chia thành 14 đoạn, đề ngày 8/12/2000, được viết bằng 6 ngôn ngữ, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Balan và Bồ Đào Nha, và được chính thức phổ biến ngày 14/12/2000. Sau đây là một số đoạn trích dẫn tiêu biểu theo Màn Điện Toàn Cầu Vatican Information Service ngày 14/12/2000)

 

Vào lúc rạng đông của một tân thiên niên kỷ, người ta thấy hiện lên niềm hy vọng nơi những mối liên hệ giữa người với người càng ngày càng được chi phối bởi lý tưởng của một tình yêu huynh đệ chân thật”.

“Tuy nhiên, đồng thời người ta cũng không thể chối cãi được rằng có những đám mây dầy đặc đang vây phủ những niềm hy vọng sáng lạn này”.

“Bởi thế, Tôi nhận thấy rất cần phải mời gọi các tín đồ theo Chúa Kitô, cùng với tất cả mọi người nam nữ thiện tâm, hãy suy nghĩ về đề tài gặp gỡ trao đổi văn hóa và truyền thống... Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ có những giải quyết dễ dàng hay thực tiễn trong tay đối với một thứ vấn nạn như vậy. ... Nhưng cũng chính vì lý do ấy mà Tôi thấy việc chúng ta cùng nhau suy nghĩ về những vấn đề ấy lại là một việc bổ ích”.

“NHÂN LOẠI VÀ NHỮNG THỨ VĂN HÓA KHÁC NHAU. ... Văn hóa là hình thức con người thể hiện bản thân mình trong cuộc họ hành trình qua giòng lịch sử, ở lãnh vực của cả cá nhân lẫn đoàn thể trong xã hội. ... Một nền văn hóa được phát triển ở một nơi nào đó hầu như cũng bao gồm những yếu tố về địa dư, lịch sử và nòi giống một cách nguyên tuyền và đặc thù. ‘Tính chất đặc thù’ của mỗi một nền văn hóa được phản ánh rõ ràng nhiều ít nơi những ai sống văn hóa ấy. ... Người ta dầu sao cũng cần phải sống theo một thứ văn hóa nào đó”.

“VIỆC CON NGƯỜI PHÁT TRIỂN VÀ LÀM NÊN VĂN HÓA. ... Chính vì cái nền tảng của mối liên hệ chính yếu, chẳng những với ‘nguồn gốc’ riêng của người ta nơi lãnh vực gia đình, mà còn nơi lãnh thổ, xã hội và văn hóa mà con người có được một cảm quan về dân tộc tính của mình, và văn hóa mới có khuynh hướng mặc lấy hình thù ‘dân tộc’ ở một mức độ mạnh yếu tùy nơi. ... Hơn nữa, nếu cẩn thận và nghiêm chỉnh khảo sát, chúng ta sẽ thấy nơi những chênh lệch bề ngoài của các thứ văn hóa các yếu tố đáng kể chung. ... Bởi thế mà tính chất đa văn hóa phải được hiểu trong chiều hướng bao rộng của mối hiệp nhất nhân loại”.

“NHỮNG KHÁC BIỆT VỀ VĂN HÓA VÀ VIỆC TÔN TRỌNG LẪN NHAU. ... Tính chất chính đáng nơi mỗi một nền văn hóa của con người, tính chất lành mạnh nơi tinh hoa của nó, nhờ đó tính chất làm nên giá trị theo luân lý của nó, có thể được đo lường căn cứ vào việc nó dấn thân phục vụ cho con người cũng như vào việc nó có khả năng phát triển phẩm giá của con người ở mọi cấp độ, mọi hoàn cảnh. Tính cách cực đoan về căn tính làm cho văn hóa chống lại với bất cứ một ảnh hưởng phúc lợi nào ở bên ngoài là một tính cách đáng lo ngại; thế nhưng, tính cách thiếu hụt trong việc hòa hợp các nền văn hóa, hay ít là thiếu hụt những khía cạnh chính yếu nào đó nơi chúng, xẩy ra cho các kiểu mẫu văn hóa phát xuất từ thế giới Tây Phương, cũng là những tính cách không kém phần nguy hiểm. Việc tách lìa khỏi nguyên gốc Kitô Giáo của mình, các kiểu mẫu văn hóa Tây Phương này thường bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng sống theo trào lưu tục hóa cũng như theo chủ nghĩa vô thần thực tiễn, và bị ảnh hưởng bởi cả các lối sống theo cá nhân chủ nghĩa cực đoan nữa. Đây là một hiện tượng có một tầm mức bao rộng, được hỗ trợ bởi những vận động dữ dội của truyền thông cũng như được phác họa để tuyên truyền những lối sống, những chương trình xã hội và kinh tế, tóm lại, đó là tất cả một vũ trụ quan soi mòn tận gốc rễ các nền văn hóa và văn minh giá trị khác. Những kiểu mẫu văn hóa Tây Phương đang hấp dẫn và lôi cuốn vì cái hào nhoáng về khoa học và kỹ thuật đáng kể của chúng, thế nhưng, tiếc thay, càng ngày chúng lại càng chứng tỏ cho thấy tình trạng cùng quẫn trầm trọng về nhân bản, tâm linh và luân lý của mình”.

“GẶP GỠ TRAO ĐỔI VĂN HÓA”. ... Việc gặp gỡ trao đổi giữa các nền văn hóa với nhau... nổi lên như là một đòi hỏi nội tại của chính bản tính con người cũng như của văn hóa. Nó là một cuộc gặp gỡ trao đổi để bảo vệ tính cách đặc trưng của các nền văn hóa như là những biểu hiện của lịch sử và của óc sáng tạo nơi mối hiệp nhất cấu kết gia đình nhân loại, cũng như để bảo trì việc hiểu biết và hiệp thông nơi các nền văn hóa này”.

“NHỮNG CƠ HỘI VÀ CƠ NGUY CỦA VIỆC TRUYỀN THÔNG TOÀN CẦU. ... Kỷ nguyên của chúng ta là một kỷ nguyên của việc truyền thông toàn cầu, một việc truyền thông đang khuôn đúc xã hội theo kích thước của những kiểu mẫu văn hóa mới mẻ. ... Việc tự do phổ biến các hình ảnh và ngôn từ... đang làm biến đổi... những mối liên hệ nơi các dân tộc. ... Vấn đề là có một số quốc gia đang chiếm độc quyền về ‘các thứ kỹ nghệ’ văn hóa này và phân phối những sản phẩm của các thứ kỹ nghệ ấy đến mọi ngóc ngách của trái đất một cách công khai chưa từng thấy, có thể trở thành một yếu tố mạnh trong việc làm soi mòn đi tính chất nổi bật của văn hóa”.

“THÁCH ĐỐ NƠI VIỆC DI DÂN. Kiểu cách cũng như văn hóa của việc trao đổi gặp gỡ ấy đặc biệt quan trọng khi xẩy ra vấn đề phức tạp về di dân. ... Trong trường hợp của nhiều nền văn minh thì việc di dân đã mang lại phát triển và phong phú. Có những trường hợp dân địa phương và thành phần di dân cứ sống theo văn hóa riêng của mình song lại cho thấy rằng họ vẫn có thể sống chung với nhau. ... Cần phải nhớ nguyên tắc là bao giờ cũng phải kính trọng các người di dân hợp với nhân phẩm con người”.

“VIỆC TÔN TRỌNG VĂN HÓA VÀ ‘THỂ DIỆN VĂN HÓA’ CỦA CÁC VÙNG ĐẤT KHÁC NHAU. Lại càng khó khăn hơn nữa trong việc xác định mức độ thành phần di dân được quyền công nhận về pháp lý theo phong tục đặc biệt của văn hóa họ, một thứ văn hóa có thể vẫn chưa am hợp với những thói tục của đa số người công dân. ... Phải lệ thuộc rất nhiều vào việc dân chúng có tha thiết với tinh thần cởi mở hay chăng, một tinh thần có thể bao gồm cả mối quan tâm về căn tính của mình lẫn ước muốn sẵn sàng tiến đến việc gặp gỡ trao đổi với nhau, song không nhượng bộ trước việc coi thường những giá trị. ... Trong việc gặp gỡ trao đổi giữa các nền văn hóa, không bên nào có thể bị ngăn cản trong việc trình bày cho bên kia thấy những giá trị mình tin tưởng, miễn là việc trình bày này được thực hiện một cách tôn trọng tự do và lương tâm con người. ‘Chân lý chỉ có thể bị áp đặt bởi quyền lực của chính chân lý mà thôi, một quyền lực thấu nhập tâm trí  cách vừa nhẹ nhàng vừa mãnh liệt’”.

“VIỆC CÔNG NHẬN NHỮNG GIÁ TRỊ CHUNG. Cuộc gặp gỡ trao đổi giữa các nền văn hóa... được dựa trên việc công nhận là có những giá trị chung cho tất cả mọi nền văn hóa, vì chúng bắt nguồn từ bản tính của con người. ... Cần phải bồi bổ cho dân chúng cái ý thức về những giá trị chung này, dẹp đi những tự ái về ý hệ cùng với những lợi lộc vị kỷ, để chăm bón ‘mảnh đất’ văn hóa đại đồng theo bản chất của nó, một mảnh đất nẩy sinh lên cuộc gặp gỡ trao đổi tốt đẹp và xây dựng”.

“GIÁ TRỊ CỦA TÌNH ĐOÀN KẾT. Việc cổ võ công bình chính trực là tâm điểm cho một nền văn hóa đích thực của tình đoàn kết. Nó không phải là vấn đề bố thí những cái thừa thãi của mình cho những ai đang túng thiếu, mà là ‘việc ra tay trợ giúp tất cả những ai đang bị loại trừ hay bị bỏ rơi để họ có thể nhập cuộc phát triển kinh tế và nhân bản’”.

“GIÁ TRỊ CỦA BÌNH AN. Việc tăng thêm vũ khí đến mức báo động, cùng với việc ngập ngừng không dám tiến tới chỗ dứt khoát giải giới vũ khí nguyên tử, đưa đến một nguy cơ là nuôi dưỡng và truyền bá một thứ văn hóa tranh thủ và đối chọi, một thứ văn hóa chẳng những bao gồm cả Quốc Gia mà còn cả những thực thể vô cơ cấu nữa, như những nhóm bán quân sự và những tổ chức khủng bố. ... Và còn phải nói gì về cái nguy cơ thường xuyên xẩy ra nơi tình trạng xung khắc giữa các quốc gia, nơi các cuộc chiến dân sự ở một số Quốc Gia cũng như nơi tình trạng tràn lan bạo lực, là những gì làm cho các tổ chức quốc tế và các chính quyền quốc gia hầu như phải chịu bó tay bất lực? Đối diện chạm trán với những đe dọa như vậy, ai cũng cảm thấy mình phải có nhiệm vụ về luân lý, được tỏ ra bằng những việc cụ thể và hợp thời để làm sao vận động cho hòa bình và việc hiểu biết nơi các dân tộc.

“GIÁ TRỊ CỦA SỰ SỐNG. ... Sự sống của con người không thể bị coi như một đối tượng chúng ta muốn làm gì tùy thích, mà là như một thực tại trần gian thánh hảo nhất bất khả vi phạm. Không thể nào có bình an một khi con người không biết bảo vệ sự thiện căn bản nhất này. Không thể nào kêu cầu hòa bình mà lại khinh thường sự sống. Thời đại của chúng ta đã từng chứng kiến thấy những tấm gương sáng ngời trong việc quảng đại và dấn thân phục vụ sự sống, song cũng thấy cả cảnh tượng buồn thảm của hằng trăm triệu con người nam nữ, thành phần mà lòng tàn bạo và lạnh lùng đã phải đầu hàng chịu thua trước cái định mệnh đau thương và tang thương. Tôi đang muốn nói đến một cơn lốc thê thảm của chết chóc bao gồm việc sát nhân, tự tử, phá thai, trợ an tử, cũng như những việc cắt bỏ phần thân thể, việc hành hạ về thể lý và tâm lý, những hình thức cưỡng buộc bất công, giam nhốt vô lý, việc sử dụng án tử hình không cần thiết, những việc đầy ải, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Chúng ta còn phải thêm vào bảng liệt kê này những việc làm vô trách nhiệm nơi kỹ thuật về truyền giống, như việc ghép sinh vô tính dục (cloning) cũng như việc sử dụng bào thai của con người vào vấn đề nghiên cứu, những việc được biện minh bằng một đòi hỏi bất hợp pháp cho tự do, cho tiến bộ về văn hóa, cho bước tiến của nhân loại”.

“GIÁ TRỊ CỦA VIỆC GIÁO DỤC. Giáo dục đóng một vai trò đặc biệt trong việc xây dựng một thế giới hiệp nhất hơn và bình an hơn. Nó có thể giúp vào việc xác nhận rằng chủ nghĩa nhân bản toàn vẹn, hướng về khía cạnh luân lý và đạo lý của cuộc sống, là chủ nghĩa cảm nhận được tầm quan trọng của việc hiểu biết cũng như việc tỏ ra tôn trọng những nền văn hóa khác cùng với những giá trị tinh thần nơi những nền văn hóa ấy”.

“VIỆC THỨ THA VÀ HÒA GIẢI. Trong Cuộc Kỷ Niệm Đại Hỷ, một cuộc mừng kỷ niệm hai ngàn năm sau Chúa Giêsu giáng sinh, Giáo Hội đã có được một kinh nghiệm mãnh liệt về lời kêu gọi khó thực hiện để có thể tiến đến việc hòa giải. ... Nhớ đến việc thanh tẩy ký ức quan trọng của Cuộc Mừng Kỷ Niệm, Tôi muốn đặc biệt kêu gọi Kitô hữu hãy trở nên chứng nhân và là những vị thừa sai cho lòng tha thứ và hòa giải”. 

“LỜI KÊU GỌI GIỚI TRẺ. Tôi muốn kết thúc Sứ Điệp hòa bình này bằng lời kêu gọi đặc biệt gửi đến các bạn là giới trẻ trên toàn thế giới, thành phần là tương lai của nhân loại và là những viên đá sống động trong việc xây dựng một nền văn minh yêu thương. Tôi còn giữ trong lòng Tôi kỷ niệm về ... Ngày Giới Trẻ Thế Giới vừa qua ở Rôma. ... Cảm thấy quí bạn gần gũi với mình, Tôi cảm nhận được một lòng tri ân sâu xa đối với Chúa, Đấng đã ban cho Tôi ơn được chiêm ngưỡng thấy... một phép lạ của tính cách Giáo Hội đại đồng, công giáo và duy nhất. ... Quí bạn trẻ của mọi ngôn ngữ và văn hóa thân mến, một việc làm cao cả và đầy phấn khởi đang đợi chờ quí bạn, đó là quí bạn hãy trở nên những con người nam nữ có khả năng biết đoàn kết, sống an bình và yêu chuộng sự sống, bằng một lòng tôn trọng mọi người. Quí bạn hãy trở nên những con người thủ công viên cho một tân nhân loại, khi mà anh chị em và tất cả mọi phần tử của cùng một gia đình cuối cùng có thể sống trong hòa bình”.