Bài 1 (Thứ Tư ngày 19-11-1997) 

 

Thiên Chúa Là Chúa của Thời Gian

  

 

Năm 2000 giờ đây đã gần kề. Bởi thế Tôi muốn lợi dụng dịp này để qui những bài giáo lý Thứ Tư hằng tuần về những đề tài sẽ trực tiếp giúp chúng ta hiểu biết hơn về ý nghĩa của Cuộc Mừng Kỷ Niệm, nhờ đó chúng ta sống Cuộc Mừng Kỷ Niệm này một cách thấm thiá hơn.

          Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, Tôi đã xin tất cả mọi phần tử của Giáo Hội “mở lòng mình ra cho những khơi động của Thần Linh”, để sửa soạn “cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm với một đức tin mới mẻ và một sự tham gia bao rộng” (đoạn 59). Lời kêu mời này càng ngày càng trở nên khẩn thiết hơn khi ngày lịch sử đó đang tiến tới. Thật vậy, biến cố này diễn ra như một lằn mức phân chia giữa hai thiên niên với một giai đoạn mới đang bừng lên tương lai của Giáo Hội cũng như của nhân loại.

          Chúng ta phải sửa soạn cho biến cố này trong ánh sáng của đức tin. Đúng thế, đối với các tín hữu, cuộc vượt qua từ đệ nhị sang đệ tam thiên niên không phải chỉ là một chặng đường trong cuộc tiến hành không ngừng nghỉ của thời gian, mà còn là một dịp đáng kể để nhận thức rõ hơn dự án của Thiên Chúa đang giãi bày trong lịch sử của loài người.

 

2-       Chu kỳ mới của những bài giáo lý đây quả thực nhắm đến việc thực hiện điều này. Qua một thời gian dài, chúng tôi đã hướng dẫn một chương trình thứ tự những suy niệm về Kinh Tin Kính. Đề tài cuối cùng của chúng tôi vừa rồi là Mẹ Maria trong mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội. Trước đây chúng tôi đã suy niệm về Mạc Khải, về Chúa Ba Ngôi, về Đức Kitô với công việc cứu chuộc của Người, về Thánh Linh và về Giáo Hội.

          Tới đây, bản tuyên xưng đức tin mời gọi chúng ta để ý đến việc phục sinh của thân xác và sự sống đời đời liên quan đến tương lai của con người cũng như của lịch sử. Tuy nhiên, đề tài về việc cánh chung này lại hết sức trùng hợp một cách tự nhiên với điều đã được phác họa trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đó là điều diễn tả một con đường để sửa soạn cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm theo chủ điểm về Ba Ngôi Thiên Chúa, mà năm nay chú trọng đến Chúa Giêsu Kitô, rồi tiếp đến năm Chúa Thánh Thần, sau đó tới năm Chúa Cha.

          Theo chiều hướng Ba Ngôi Thiên Chúa này, “những điều sau hết” mới có ý nghĩa, và mới có thể hiểu được một cách sâu xa hơn cuộc hành trình của con người cũng như của lịch sử tiến về đích điểm tối hậu của mình: việc trở về với Thiên Chúa là Cha, Đấng mà Đức Kitô, Con Thiên Chúa và là Chúa của lịch sử, dẫn chúng ta đến nhờ tặng ân ban sự sống của Chúa Thánh Thần.

 

3-       Chân trời bao rộng của lịch sử đang chuyển dịch này gợi lên một số vấn đề căn bản: Thời gian là gì? Đâu là nguồn gốc của thời gian? Đâu là mục đích của thời gian?

          Thật thế, khi chúng ta nhìn đến cuộc hạ sinh của Đức Kitô, tầm mắt của chúng ta chú trọng đến 2000 năm lịch sử phân cách chúng ta với biến cố này. Thế nhưng, cái nhìn của chúng ta cũng hướng về những ngàn năm trước biến cố này và đồng thời chúng ta cũng nhìn lại nguồn gốc của con người cũng như của thế giới. Khoa học đương thời đang xoay quanh việc hình thành những giả thuyết về nguồn gốc và phát triển của vũ trụ. Tuy nhiên, cái mà những dụng cụ cùng với tiêu chuẩn khoa học nắm được không phải là tất cả, và cái mà cả đức tin lẫn lý trí nắm được, ngoài cả những dữ kiện có thể chứng thực và đo lường được, thì qui về trọng điểm của mầu nhiệm. Trọng điểm này được xác định ở ngay câu đầu tiên của Thánh Kinh: “Từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên các tầng trời và đất” (Gn.1:1).

          Mọi sự được Thiên Chúa tạo dựng. Bởi thế, không một sự gì đã hiện hữu trước công cuộc tạo dựng trừ Thiên Chúa. Ngài là một vị Thiên Chúa siêu việt, Đấng đã tác tạo nên mọi sự bằng quyền năng riêng của mình, không bị chi phối bởi một thiết yếu nào, với một tác động tuyệt đối tự do và nhưng không, hoàn toàn do tình yêu thôi thúc. Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng mạc khải mình là Cha, Con và Thánh Thần.

         

4-       Trong việc tạo dựng vũ trụ Thiên Chúa đã dựng nên thời gian. Từ Ngài mà thời gian bắt đầu có cùng với việc tỏ hiện sau đó của nó. Thánh Kinh nhấn mạnh đến việc các sinh vật lệ thuộc từng giây từng phút vào tác động thần linh: “Khi Ngài ẩn mặt đi chúng thất kinh; khi Ngài rút hơi thở chúng lại, chúng chết đi và trở về chỗ tro bụi của mình. Khi Ngài gửi Thần Linh tới, chúng được tạo thành; và Ngài canh tân diện mạo trái đất” (Ps.104/103:29-30).

          Do đó, thời gian là quà tặng của Thiên Chúa. Được liên tục tạo dựng bởi Thiên Chúa, nó ở trong tay Ngài. Ngài hướng dẫn việc tỏ hiện của nó hợp với ý định của Ngài. Từng ngày là một tặng ân của tình yêu thần linh dành cho chúng ta. Với quan niệm này, chúng ta nghênh đón ngày của Cuộc Đại Hỷ như một món quà tặng của tình yêu.

         

5-       Thiên Chúa là Chúa của thời gian không những như đấng hoá công của thế giới, mà còn như tác giả của một cuộc tân tạo trong Đức Kitô nữa. Ngài nhúng tay vào việc chữa lành và cải hoá thân phận con người đã bị tội lỗi đả thương sâu nặng. Ngài đã dùng nhiều thời gian trong việc sửa soạn dân Ngài cho quang vinh của cuộc tân tạo này, đặc biệt qua lời của các vị tiên tri: “Này đây, Ta tác tạo trời mới và đất mới; rồi những cái trước kia sẽ không còn được tưởng nhớ hay gợi nhớ nữa. Hãy vui mừng và hoan hỉ luôn mãi nơi cái mà Ta tạo dựng; này đây, Ta tạo cho Gialiêm niềm hoan lạc và dân thành niềm vui sướng” (Is.65:17-18).

          Lời hứa của Ngài đã nên trọn 2000 năm trước đây qua việc hạ sinh của Đức Kitô. Theo ý nghĩa này, biến cố kỷ niệm mừng là một lời mời gọi cử hành một kỷ nguyên Kitô giáo như là một giai đoạn canh tân đối với nhân loại cũng như đối với vũ trụ. Cho dù khó khăn và khổ đau, những năm qua đã là 2000 năm ân phúc.

          Những năm tới đây, cũng thế, ở trong bàn tay của Thiên Chúa. Tương lai của con người, trước hết là tương lai của Thiên Chúa, theo nghĩa là chỉ có một mình Ngài biết nó, sửa soạn cho nó và thực hiện nó. Dĩ nhiên, Ngài kêu gọi và mời con người cộng tác, thế nhưng, Ngài không ngừng là “vị chủ trì” siêu việt của lịch sử.

          Nắm vững như vậy, chúng ta ra tay thực hiện việc sửa soạn cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm. Chỉ một mình Thiên Chúa biết tương lai sẽ ra sao. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng trong bất cứ một biến cố nào nó cũng sẽ là một tương lai ân phúc; nó sẽ là việc hoàn tất ý định yêu thương thần linh đối với toàn thể loài người cũng như đối với mỗi một người trong chúng ta. Đó là lý do tại sao, khi chúng ta nhìn về tương lai, chúng ta tràn đầy hy vọng và không sợ hãi. Cuộc hành trình tiến đến việc Mừng Kỷ Niệm là một hành trình hy vọng cao vời. 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 26/11/1997)