Bài 11 (Thứ Tư ngày 1-4-1998)

 

Đức Tin và Bí Tích Rửa Tội

là Con Đường dẫn đến Ơn Cứu Độ

 

T

heo Phúc Aâm thánh Marcô thì lời sau hết Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ của Người cho thấy cả đức tin lẫn bí tích rửa tội là đường lối duy nhất dẫn đến ơn cứu độ: “Ai tin và lãnh nhận phép rửa sẽ được cứu độ; còn kẻ không tin sẽ bị luận phạt” (16:16). Và để ghi lại lệnh  truyền giáo Chúa Giêsu đã bảo các Tông Đồ, thánh Mathêu nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa phép rửa và việc rao giảng Phúc Aâm: “Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ khắp mọi dân nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (28:19).

          Để đáp lại lới truyền của Chúa Kitô như thế, vào ngày Lễ Hiện Xuống, thánh Phêrô đã lên tiếng kêu gọi dân chúng trở lại, kêu mới những ai nghe thánh nhân lãnh nhận bí tích rửa tội: “Anh em hãy ăn năn thống hối và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để anh em được thứ tha tội lỗi; rồi anh em sẽ được lãnh nhận tặng ân Thánh Linh” (Acts 2:38). Như thế, trở lại bao gồm chẳng những một thái độ nội tâm mà còn cả việc gia nhập cộng đồng Kitô giáo nhờ bí tích rửa tội nữa, một bí tích tẩy xóa tội lỗi và làm cho con người thành phần tử của Nhiệm Thể Chúa Kitô.

 

2-       Để hiểu được ý nghĩa sâu xa của phép rửa, chúng ta phải suy niệm lại mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu phép rửa vào khởi điểm cuộc đời công khai của Người. Mới nhìn thì đây là một biến cố lạ thường, vì phép rửa của thánh Gioan mà Chúa Giêsu nhận lãnh là một phép rửa “thống hối”, tức phép rửa để sửa soạn cho con người lãnh nhận phép rửa thứ tha tội lỗi. Chúa Giêsu đã thừa biết rằng Ngưòi không cần phải chịu phép rửa thống hối này, vì Người hoàn toàn vô tội. Có lần Người đã thách thức thành phần thù địch với Người rằng: “Ai trong qúi vị có thể kết tội Tôi?” (Jn.8:46).

          Thật ra, trong việc chịu phép rửa của thánh Gioan, Chúa Giêsu đã không lãnh nhận nó để thanh tẩy chính mình, mà là dấu hiệu tỏ ra việc Người gắn bó muốn cứu chuộc các tội nhân. Cử chỉ lãnh nhận phép rửa của Người hệ tại ý hướng cứu độ của Người, vì Người là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Jn.1:29). Về sau Người đã gọi cuộc khổ nạn của Người là một “phép rửa”, diễn đạt phép rửa này như là một thứ trầm mình trong đau khổ được Người chấp nhận để mang lại ơn cứu độ cho phần rỗi tất cả mọi người: “Thày phải lãnh nhận một phép rửa. Thày sầu não biết bao cho tới khi nó được hoàn tất” (Lk.12:50).

 

3-       Nơi phép rửa Người lãnh nhận ở sông Dược Đăng, Chúa Giêsu chẳng những đã tiên báo trước công việc khổ nạn cứu chuộc của Người, mà còn lãnh nhận Thánh Linh được tuôn đổ đặc biệt xuống trên Người dưới hình thể một con chim bồ câu, như là Thần Linh giao hòa và thiện ý thánh hảo. Cuộc hiện xuống này là tiền thân cho tặng ân Thánh Linh, Đấng sẽ được ban cho Kitô hữu khi họ lãnh nhận bí tích rửa tội.

          Cũng có tiếng phán từ trời: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha rất hài lòng vì Con” (Mk.1:11). Chính Chúa Cha đã công nhận Con riêng của Ngài và đã tỏ ra mối liên hệ yêu thương giữa hai Đấng. Chúa Kitô thực sự được hiệp nhất với Chúa Cha trong một mối liên đệ đặc thù, vì Người là Lời hằng sống “cùng bản thể với Chúa Cha”. Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng, nhờ vai trò làm con cái do bí tích rửa tội mà có, những lời của Chúa Cha “Con là Con yêu dấu của Cha”, cũng ám chỉ cho từng người lãnh nhận bí tích rửa tội và được tháp nhập vào Chúa Kitô.

          Như thế, nguồn gốc của bí tích rửa tội Kitô giáo và ý nghĩa phong phú của bí tích này được tìm thấy nơi việc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa.

 

4-       Thánh Phaolô đã cắt nghĩa bí tích rửa tội chính yếu là một việc thông phần vào hoa trái của công cuộc Chúa Kitô cứu chuộc, khi thánh nhân nhấn mạnh đến nhu cầu từ bỏ tội lỗi và bắt đầu một cuộc sống mới. Thánh nhân đã viết cho Kitô hữu giáo đoàn Rôma: “Anh em không biết rằng tất cả chúng ta là những người đã được lãnh nhận phép rửa trong Đức Giêsu Kitô hay sao? Thế nên, chúng ta đã được chôn táng với Người trong sự chết bởi bí tích rửa tội, để như Chúa Kitô nhờ vinh quang của Chúa Cha mà sống lại từ trong kẻ chết thế nào, chúng ta cũng bước đi trong cuộc sống mới như vậy” (6:3-4).

          Vì phép rửa là một việc trầm mình vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô mà phép rửa Kitô giáo đã có một giá trị cao cả hơn rất nhiều những lễ nghi làm phép rửa của Do Thái và của dân ngoại, những lễ nghi gột rửa tượng trưng cho việc thanh tẩy song không có khả năng xóa bỏ tội lỗi. Trong khi đó phép rửa Kitô giáo là một dấu hiệu thực sự thanh tẩy lương tâm và thứ tha tội lỗi. Phép rửa Kitô giáo còn phát sinh một tặng ân cao cả hơn nữa, đó là một sự sống mới của Chúa Kitô phục sinh, là tặng ân biến đổi tội nhân đến tận gốc rễ.

         

5-       Thánh Phaolô đã cho thấy hiệu qủa chính yếu của bí tích rửa tội khi thánh nhân viết cho Kitô hữu giáo đoàn Galata: “Tất cả anh em đã lãnh nhận phép rửa trong Đức Kitô thì anh em đã mặc lấy Người” (3:27). Kitô hữu mang sâu xa nơi mình hình ảnh Chúa Kitô, ở tại tặng ân họ được trở thành những đứa con thừa nhận thần linh. Chính là vì đã “rửa trong Chúa Kitô” mà Kitô hữu là “những người con cái của Thiên Chúa” một cách đặc biệt. Bí tích rửa tội làm nên một cuộc “tái sinh” thực sự.

          Chủ trương của Thánh Phaolô có liên hệ với giáo huấn của Phúc Aâm Thánh Gioan truyền lại, nhất là đoạn Chúa Giêsu đàm thoại với Nicôđêmô: “Con người sẽ không thể vào nước Thiên Chúa, nếu không được hạ sinh bởi nước và Thần Linh. Vì cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, và cái gì sinh bởi Thần Linh là Thần Linh” (3:5-6).

          “Hạ sinh bởi nước” là một qui chiếu rõ ràng về bí tích rửa tội, một bí tích bởi vậy được coi như một cuộc tái sinh bởi Thần Linh. Nơi bí tích này con người lãnh nhận Thần Linh sự sống, Đấng “đã thánh hiến” nhân tính của Chúa Kitô ngay từ giây phút Nhập Thể và cũng là Đấng chính Chúa Kitô tuôn tràn nhờ công việc cứu chuộc của mình.

          Chúa Thánh Thần thực hiện việc hạ sinh và tăng trưởng nơi Kitô hữu một sự sống “thiêng liêng” thần linh. Sự sống này sinh động và thăng hóa hữu thể của họ. Nhờ Thần Linh, chính sự sống của Chúa Kitô sinh hoa kết trái nơi cuộc sống người Kitô hữu.

          Bí tích rửa tội là một tặng ân cao cả và diệu huyền biết bao! Rất mong rằng tất cả mọi con cái Giáo Hội sẽ ý thức sâu xa hơn về bí tích này, nhất là trong thời gian dọn mừng Cuộc Mừng Kỷ Niêm. 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 8/4/1998)