Bài 16 (Thứ Tư ngày 13-5-1998)
Thần Linh được dần dần
mạc khải trong Sách Thánh
T
rong việc sửa soạn cho Cuộc Long Trọng Mừng Kỷ Niệm Năm 2000 thì năm nay là năm đặc biệt dành cho Chúa Thánh Thần. Tiếp tục con đường đã được phác họa cho cả Giáo Hội, và sau khi kết thúc đề tài về Chúa Kitô, hôm nay chúng ta bắt đầu bài suy niệm về Vị “là Chúa và Đấng ban sự sống”. Tôi đã nói rất nhiều về Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa vào nhiều dịp khác nhau. Tôi đặc biệt muốn nói đến Thông Điệp Dominum et Vivificantem và giáo lý về Kinh Tin Kính (phần về Chúa Thánh Thần). Viễn tượng gần đến của Cuộc Mừng Kỷ Niệm lại hiến cho Tôi một dịp nữa để suy niệm về Chúa Thánh Thần, để xét lại, với một tấm lòng sùng bái, tác động của Ngài trong giòng thời gian và lịch sử.
2- Thật vậy, việc suy tư này không phải là dễ, nếu chính Thần Linh không đến trợ giúp nỗi yếu hèn của chúng ta (x.Rm.8:26). Đúng thế, làm sao chúng ta có thể nhận ra việc hiện diện của Thần Linh Thiên Chúa trong lịch sử? Chúng ta chỉ có thể trả lời vấn nạn này bằng việc quay về với Thánh Kinh, một cuốn sách được soi động bởi Đấng An Uûi, là nơi chúng ta thấy tác động và bản vị của Ngài dần dần đươc tỏ ra. Các Sách Thánh, bằng một cách nào đó, diễn đạt cho chúng ta thấy “ngôn từ” của Thần Linh, “kiểu cách” của Thần Linh và “luận điệu” của Thần Linh. Chúng ta cũng có thể phóng tầm mắt xuyên qua những lớp nhận xét thuần túy bề ngoài trong việc giải thích thực tại mà Ngài tác hành, để nhận ra những dấu vết Ngài hiện diện sau những sự vật và sự việc. Chính Sách Thánh, bắt đầu bằng Cựu Ước, đã giúp chúng ta hiểu được rằng không có gì là tốt lành, chân thực và thánh hảo trên thế gian này có thể nhận thấy mà lại không liên quan đến Thần Linh Thiên Chúa.
3- Việc qui chiếu kín đáo đầu tiên ám chỉ Thần Linh được thấy nơi những hàng chữ đầu tiên của Thánh Kinh, nơi bản thánh ca chúc tụng Thiên Chúa Hóa Công, khai mở cho Sách Khởi Nguyên: “Thần Linh Thiên Chúa bấy giờ đang di động trên các mặt nước” (Gn.1:2). Ở đây, từ ngữ Do Thái ruach được dùng thay cho “thần linh”, có nghĩa là “hơi thở” và có thể hiểu về gió hay hơi thở. Như chúng ta đã biết, đoạn văn này thuộc về bản “gốc tư tế” mang niên hiệu từ thời lưu đầy Babylon (thế kỷ 6 BC), thời điểm mà đức tin nơi dân Yến Duyên đã thật sự chấp nhận ý niệm độc thần về Thiên Chúa. Khi dân Yến Duyên nhận ra quyền năng sáng tạo của một Thiên Chúa duy nhất nhờ ánh sáng Mạc Khải, họ nhận thấy rằng Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ bằng quyền năng của Lời Ngài. Vai trò của Thần Linh được thể hiện có liên hệ với Lời Chúa. Nhận xét này còn được sáng tỏ bằng chính việc phân tách ngôn ngữ, khi liên kết chữ lời với hơi thở của môi miệng: “Bởi lời Chúa mà các tầng trời được tạo dựng, và mọi cơ ngũ của chúng là do hơi thở (ruach) từ miệng Ngài” (Ps.33/32:6). Hơi thở sống động và ban sự sống của Thiên Chúa không chỉ giới hạn ở giây phút khởi nguyên của việc tạo dựng, mà còn tiếp tục giữ cho tất cả mọi tạo vật được hiện hữu cùng ban sự sống cho nó, bằng cách liên lỉ canh tân nó nữa: “Khi Ngài gửi Thần Linh tới thì chúng được tạo thành; và Ngài canh tân bộ mặt trái đất” (Ps 104/103:30).
4- Đặc tính nguyên tuyền nhất của mạc khải thánh kinh là đã công nhận lịch sử như một lãnh giới thuận tiện cho hoạt động của Thần Linh Thiên Chúa. Trong khoảng 100 đoạn Cựu Ước, hình ảnh ruach YHWH nói lên việc Thần Linh Chúa hướng dẫn dân Ngài, nhất là ở vào những khúc quanh trong cuộc hành trình của họ. Bởi thế, trong thời các quan án, Thiên Chúa đã sai Thần Linh của mình đến với những con người mỏng dòn và đã làm họ thay đổi thành những nhà lãnh đạo có hồn đầy nhiệt lực thần linh; đây là trường hợp đã xẩy ra nơi Gideon, nơi Jephthah và đặc biệt nơi Samson (x.Jgs.6:34;11:29;13:25;14:6,19).
Khi tới thời quân chủ dưới triều đại Đavít, quyền lực thần linh này, một quyền lực mà cho tới bấy giờ vẫn còn được tỏ hiện một cách không ngờ và rải rác đó đây, đã được vững định. Điều này có thể được thấy rõ nơi việc thánh hiến Đavít làm vua, một việc đã được Sách Thánh viết là: “Thần Linh của Chúa đến một cách mãnh liệt trên Đavít từ ngày đó trở đi” (1Sam.16:13).
Trong thời gian lưu đầy tại Babylon và sau đó, toàn thể lịch sử của dân Yến Duyên được đọc lại như là một cuộc đối thoại dài giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn “bởi Thần Linh của Ngài qua các vị tiên tri trước kia” (Zec.7:12). Tiên tri Eâzêkiên đã cắt nghĩa mối liên hệ giữa Thần Linh và lời tiên tri khi viết, như “Thần Linh Chúa xuống trên tôi, và Ngài đã phán cùng tôi, ‘Hãy nói, Chúa phán thế...’” (Ez.11:5).
Thế nhưng, thị kiến tiên tri, trước hết, là hướng về thời điểm ân huệ trong tương lai, khi mà các lời hứa sẽ được hoàn tất dưới dấu hiệu của ruach thần linh. Tiên tri Isaia đã nói trước về việc hạ sinh của một người miêu duệ được “Thần Linh Chúa sẽ ở trên... thần trí khôn ngoan và thâm hiểu, thần trí huấn dụ và mãnh lực, thần trí minh luận và kính sợ Chúa” (Is.11:2-3). “Đoạn văn này”, như Tôi viết trong Thông Điệp Dominum et Vivificantem, “quan trọng đối với toàn bộ thánh linh học của Cựu Ước, vì nó tạo nên một thứ bắc cầu giữa quan niệm ‘thần trí’ theo thánh kinh, thường được hiểu như là một ‘hơi gió sống động’, với ‘Thần Linh’ như là một ngôi vị và là một tặng ân, một tặng ân dành cho con người. Đấng Thiên Sai của giòng dõi Đavít (“từ gốc Jessê”) chính là con người đó, con người được Thần Linh ‘sẽ ở trên’” (đoạn 15).
5- Có hai dấu vết liên quan đến bản vị nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần có thể thấy được trong Cựu Ước, cũng là các dấu vết sau đó đã được mạc khải Tân Ước xác nhận một cách sâu rộng hơn.
Dấu vết thứ nhất là siêu việt tính tuyệt đối của Thần Linh, Đấng bởi thế được gọi là “thánh” (Is.63:10,11; Ps.51/50:13). Thần Linh Thiên Chúa là “thần linh” trong mọi khía cạnh. Ngài không phải là một thực tại mà con người có thể lấy sức mình mà chiếm được, song là một tặng ân bởi trời: chỉ có thể khẩn cầu và nhận lãnh Ngài mà thôi. Tuyệt đối “khác” với những gì liên quan đến con người, Thần Linh được truyền đạt hoàn toàn nhưng không cho những ai được kêu gọi để cộng tác với Ngài trong lịch sử ơn cứu chuộc. Và khi nhiệt lực thần linh này gặp được một sự chấp nhận khiêm cung và sẵn lòng, thì con người sẽ được tước lột khỏi tính vị kỷ của mình, và được thoát khỏi các lo âu sợ hãi của mình; chân lý và tình yêu, tự do và hòa bình sẽ triển nở trên thế giới.
Một dấu vết khác của Thần Linh Thiên Chúa là quyền lực năng động mà Ngài tỏ ra khi can thiệp vào lịch sử. Hình ảnh thánh kinh về Thần Linh có nhiều lúc đã gặp nguy hiểm bởi những ý niệm gắn liền với các thứ văn hóa, chẳng hạn, ý niệm về “thần linh” như là một điều gì đó chóng tàn phai, bất động và lì lợm. Thế nhưng, ý niệm thánh kinh về ruach, đã cho thấy ruach là một nhiệt lực chủ động, mãnh liệt và bất khả kháng: Thần Linh Chúa, như chúng ta đọc trong sách Tiên Tri Isaia, “như một giòng suối chảy” (30:28). Thế nên, một khi Thiên Chúa Cha đã ra tay can thiệp bằng Thần Linh của mình thì tình trạng hỗn mang (trước khi tạo dựng) được biến thành vũ trụ, thế giới được sinh tồn và làm cho lịch sử chuyển mình.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 20/5/1998)