Bài 2 (Thứ Tư ngày 26-11-1997)

Với Chúa Kitô,

Vĩnh Cửu đã đi vào Thời Gian  

 

 

V

iệc cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô như là tận điểm của thời gian trước Người và như là khởi điểm của tất cả thời gian sau Người. Thật thế, Người đã khai mào cho một tân sử, không những cho những ai tin Người mà còn cho cả cộng đồng nhân loại, vì ơn cứu chuộc Người hoàn thành là để hiến cho mỗi một con người. Từ đó, những hoa trái của việc Người cứu chuộc được thấm nhập tràn lan khắp giòng lịch sử một cách mầu nhiệm. Với Chúa Kitô vĩnh cửu đã đi vào thời gian.

          “Ngay từ ban đầu đã có Lời” (Jn.1:1). Bằng những lời này, thánh Gioan khai mở cho Phúc Aâm của ngài, mang chúng ta vượt ra ngoài khởi điểm thời gian của mình, đến tận cõi vĩnh hằng thần linh. Lời diễn tả này đã vang vọng lời diễn tả trong đoạn sáng tạo: “Ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên các tầng trời và đất” (Gn.1:1). Thế nhưng, trong việc tạo dựng, nó là một vấn đề của thời gian, trong khi đó, nơi mà Lời được nói đến, lại là một vấn đề của vĩnh hằng.

          Có hai khoảng cách vô cùng giữa hai yếu tố. Nó là một khoảng cách giữa thời gian và vĩnh cửu, giữa tạo vật và Thiên Chúa.

 

2-       Là Lời từ đời đời hiện hữu, Chúa Kitô có một nguồn gốc vượt xa khỏi cuộc hạ sinh của Người trong thời gian.

          Lời minh xác của thánh Gioan được căn cứ vào chính những lời của Chúa Giêsu. Để trả lời cho những người Do Thái hạch trách Người vì Người cho rằng Người đã thấy Abraham trong khi Người chưa đầy 50 tuổi, Chúa Giêsu đáp: “Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho qúi vị hay, Tôi hiện hữu trước khi có Abraham” (Jn.8:58). Lời minh xác này nhấn mạnh đến cái tương phản giữa việc trở nên (the becoming) của Abraham và việc hiện hữu (the being) của Chúa Kitô. Chữ “genésthai” được dùng trong bản văn Hy Lạp chỉ về Abraham thực sự có nghĩa là “trở nên” (to become), hay “hình thành” (to come into being): nó là một động từ xác đáng để chỉ về thể thức hiện hữu hợp với loài tạo vật. Ngược lại, chỉ có một mình Chúa Giêsu mới có thể nói: “Tôi hiện hữu” (I am), một diễn tả xác định mức độ hoàn toàn của hiện thể, vượt ra ngoài tất cả những năng thể. Như thế là Người chứng tỏ Người nhận thức được việc Người có một hiện hữu cá biệt từ đời đời.

3-       Khi áp dụng lời “Tôi hiện hữu” cho chính mình, Chúa Giêsu đã làm cho danh của Thiên Chúa thành tên của Người, một danh xưng được tỏ cho Moisen trong sách Xuất Hành. Sau khi trao cho Moisen sứ mệnh giải thoát dân của mình khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập, Giavê là Chúa đã bảo đảm sẽ hộ giúp và sát cánh với Moisen, và để đoan quyết cho lòng trung thành của mình, Ngài đã tỏ cho ông biết mầu nhiệm danh tánh của Ngài: “Ta là Đấng hiện hữu” (Ex.3:14). Nhờ đó, Moisen có thể nói cùng các người Yến-Duyên rằng: “Đấng hiện hữu đã sai tôi đến với qúi vị” (ibid.). Danh xưng này chẳng những nói lên sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa dành cho dân của Ngài, mà còn nói lên mầu nhiệm khôn thấu của Ngài.

          Chúa Giêsu lấy danh hiệu thần linh này làm của mình. Trong Phúc Aâm thánh Gioan, lời diễn tả này xuất hiện một số lần trên môi miệng Người (xem 8:24,28,58;13:19). Với danh hiệu này, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một cách thực sự rằng, nơi bản thân Người, vĩnh cửu chẳng những có trước thời gian mà còn đi vào thời gian nữa.

          Cho dù chia sẻ với thân phận con người, Chúa Giêsu vẫn nhận thức được việc hiện hữu đời đời của mình, một hiện hữu khiến cho tất cả mọi hoạt động của Người có một giá trị cao cả hơn. Chính Người đã nhấn mạnh giá trị đời đời này: “Trời đất có qua đi nhưng những lời của Tôi sẽ không qua đi” (Mk.13:31; par.). Những lời của Người, cũng như những tác hành của Người, có một giá trị chuyên biệt chung kết, và sẽ tiếp tục kêu gọi loài người đáp ứng cho đến cùng thời gian.

4-       Việc làm của Chúa Giêsu có hai phương diện liên hệ chặt chẽ với nhau: việc của Người là một việc cứu độ giải thoát con người khỏi quyền lực sự dữ, việc của Người cũng là một việc tân tạo để con người được tham dự vào sự sống thần linh.

          Việc giải thoát khỏi sự dữ đã được báo trước trong Cựu Ước, nhưng chỉ một mình Đức Kitô mới hoàn toàn chiếm được nó. Chỉ có một mình Người là Con mới có quyền năng vĩnh hằng trên lịch sử con người: “Nếu Con giải thoát cho qúi vị, qúi vị sẽ thực sự được giải thoát” (Jn.8:36). Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái cũng hết sức nhấn mạnh đến sự thật này, khi tỏ cho thấy hy tế duy nhất của Con đã chiếm lấy cho chúng ta “ơn cứu độ đời đời” (Heb.9:12), vượt trên giá trị của những hy tế Cựu Ước.

          Việc tân tạo chỉ có thể đạt được bởi Đấng toàn năng, vì nó bao hàm việc thông truyền sự sống thần linh cho việc hiện hữu của con người.

 

5-       Quan điểm về nguồn gốc đời đời của Lời, đặc biệt được nhấn mạnh trong Phúc Aâm thánh Gioan, thôi thúc chúng ta đi sâu hơn vào mầu nhiệm này.

          Bởi thế, chúng ta hãy tiến đến Cuộc Mừng Kỷ Niệm, bằng việc tuyên xưng đức tin của mình nơi Đức Kitô càng ngày càng mãnh liệt hơn bao giờ hết: “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Aùnh Sáng bởi Aùnh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Những đoạn của Kinh Tin Kính đây hiến cho chúng ta lối tiến vào mầu nhiệm này; chúng là một lời mời gọi tiến đến mầu nhiệm này. Chúa Giêsu tiếp tục làm chứng cho thế hệ của chúng ta, như Người đã làm 2000 năm trước đối với các môn đệ của Người cũng như với những ai nghe Người, về việc Người nhận thức được căn tính thần linh của Người: mầu nhiệm Tôi hiện hữu.

          Vì mầu nhiệm này, lịch sử nhân loại không còn rơi vào tình trạng băng hoại nữa, nhưng có một ý nghĩa và một hướng đi: một cách nào đó, lịch sử nhân loại đã được thai nghén với vĩnh cửu. Lời hứa an ủi mà Chúa Kitô đã nói với các môn đệ của Người vang lên cho mọi người là: “Này đây Thày luôn ở cùng các con cho đến cùng thời gian” (Mt.28:20). 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 3/12/1997)