Bài 21 (Thứ Tư ngày 17-6-1998)
Thánh Linh hạ sinh Giáo Hội
C
húa Giêsu đã nói cùng Các Tông Đồ trong bữa Tiệc Ly: “Thày bảo thật cho các con biết: Thày đi thì có lợi cho các con, vì nếu Thày không đi, Đấng Dẫn Dụ sẽ không đến với các con; song nếu Thày đi, Thày sẽ sai Ngài đến cùng các con” (Jn.16:7). Vào buổi tối Ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã giữ lời hứa: Người đã hiện ra với 11 Vị đang tụ họp ở Lầu Tiệc Ly, thở hơi trên các vị mà phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh” (Jn.20:22). 50 ngày sau, vào lễ Ngũ Tuần, đã xẩy ra “một cuộc biểu hiện thực sự về điều đã được thành tựu cũng ở Lầu Tiệc Ly trong Ngày Phục Sinh” (Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 25). Sách Tông Vụ đã trình thuật biến cố này cho chúng ta (Acts 2:1-4).
Suy nghĩ về đoạn sách này, chúng ta có thể nhận thấy một số đặc tính nơi bản thân huyền nhiệm của Chúa Thánh Thần.
2- Điều quan trọng thứ nhất thấy được là sự liên hệ giữa ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái với ngày Lễ Hiện Xuống tiên khởi của Kitô Giáo.
Khởi đầu Lễ Ngũ Tuần là ngày lễ 7 tuần (x.Tb.2:1), lễ thu hoạch mùa màng (x.Ex.23:16), thời gian dâng lên Thiên Chúa hoa mầu mới (x.Num.28:26; Dt.16:9). Rồi sau đó ngày lễ mang một ý nghĩa mới: nó trở thành một ngày lễ Giao Ước Thiên Chúa đã thiết lập với dân Ngài ở núi Sinai, khi Ngài ban lề luật của Ngài cho họ.
Thánh Luca đã diễn tả biến cố Hiện Xuống như là một cuộc thần hiện, một cuộc tỏ hiện của Thiên Chúa giống như cuộc tỏ hiện của Ngài trên Núi Sinai (x.Ex.19:16-25): có tiếng động ồn ào, có gió mạnh, có các lưỡi lửa. Ý nghĩa của cuộc thần hiện này đã rõ ràng nói lên rằng biến cố Hiện Xuống là một biến cố Tân Sinai; Chúa Thánh Thần là Tân Ước; tức là tặng ân của tân luật. Thánh Augustinô đã nắm được chính xác mối liên hệ giữa hai biến cố này như sau: “Hỡi anh em, đây là một mầu nhiệm cao cả và lạ lùng: nếu anh em để ý kỹ thì sẽ thấy, vào ngày Lễ Ngũ Tuần (người Do Thái) đã lãnh nhận lề luật được viết bằng ngón tay của Thiên Chúa, và cũng vào ngày Lễ Ngũ Tuần này, Chúa Thánh Linh đã đến” (Ser.Mai.,158,4). Và một Giáo Phụ đông phương là Severian Gabala cũng đã nhận định thế này: “Thật là xứng hợp cho ân sủng của Thánh Linh được ban tặng vào cùng ngày lề luật cũ được ban bố” (Cat. in Act. Apost., 2,1).
3- Như thế là lời Thiên Chúa hứa với các vị cha ông đã được hoàn tất. Chúng ta đọc thấy lời hứa này trong sách tiên tri Giêrêmia: “Đây là giao ước mà Ta sẽ thiết lập với nhà Yến-Duyên sau những ngày này, Chúa phán: ‘Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong họ, và Ta sẽ viết nó trên trái tim họ’” (Jer.31:33). Trong sách tiên tri Eâzêkiên cũng thế: “Ta sẽ ban cho các ngươi một con tim mới, và Ta sẽ đặt trong các ngươi một thần trí mới; Ta sẽ lấy khỏi các ngươi con tim bằng đá để thay vào một con tim bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần Linh của Ta trong các ngươi, và sẽ khiến các ngươi bước đi theo các huấn thị của Ta và cẩn thận giữ các sắc chỉ của Ta” (Ez.36:26-27).
Chúa Thánh Thần là một Giao Ước mới và vĩnh cửu như thế nào? Ở chỗ Ngài xóa bỏ tội lỗi và tuôn đổ tình yêu Thiên Chúa vào cõi lòng con người: “Luật của Thần Linh sự sống trong Chúa Giêsu Kitô đã giải cứu tôi khỏi luật tội lỗi và sự chết” (Rm.8:2). Lề luật Moisen đã cho thấy những ràng buộc nhưng không thay đổi được lòng trí con người. Cần phải có một con tim mới và con tim mới này chính là những gì Thiên Chúa hiến ban cho chúng ta nhờ ơn cứu chuộc do Chúa Giêsu hoàn tất. Chúa Cha lấy đi con tim bằng đá của chúng ta và ban cho chúng ta con tim bằng thịt như con tim của Chúa Kitô, một con tim được Thánh Linh làm cho sôi động giúp chúng ta tác hành theo tình yêu thương (x.Rm.5:5). Trên căn bản tặng ân này, một Giao Ước mới đã được thiết lập giữa Thiên Chúa và loài người. Bằng một cảm thức xác đáng, Thánh Tôma Aquinô nói rằng chính Chúa Thánh Thần là Tân Ước, phát sinh tình yêu là sự viên trọn lề luật nơi chúng ta (x.Comment. in 2Cor.,3,6).
4- Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống và Giáo Hội đã được sinh ra. Giáo Hội là một cộng đồng của những ai “được hạ sinh bởi trên cao”, “bởi nước và Thần Linh”, như chúng ta đọc thấy trong Phúc Aâm Thánh Gioan (x.Jn.3:3,5). Cộng đồng Kitô Hữu tự căn bản không phải là thành qủa từ việc quyết chọn của các tín hữu; tự căn nguyên của mình, trước hết và trên hết, là do việc khởi xướng nhưng không của Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng đã hiến ban tặng ân Thánh Linh. Việc đức tin chấp nhận tặng ân yêu thương này là một “đáp ứng” đối với ân sủng và chính nó cũng được ân sủng tác động. Bởi thế, giữa Thánh Linh và Giáo Hội có một mối liên hệ sâu xa bất khả phân ly. Về điểm này Thánh Irênêô đã nói: “Bất cứ Giáo Hội ở đâu, Thần Linh Thiên Chúa cũng ở đó; và bất cứ Thần Linh Chúa ở đâu, Giáo Hội cũng ở đó cùng với mọi ân sủng” (Adv.Haer., III,24,1). Thế nên chúng ta mới hiểu tại sao Thánh Augustinô dám nói rằng: “Thánh Linh được chiếm hữu tùy theo người ta yêu mến Giáo Hội” (In Io.,32,8).
Đoạn về biến cố Hiện Xuống nhấn mạnh đến chỗ Giáo Hội phổ quát vào lúc được hạ sinh: đó là tầm mức quan trọng của các thành phần dân chúng - người Parthian, Mêđê, Eâlamite v.v. (x.Acts 2:9-11) - những người đã nghe bài công bố đầu tiên của Thánh Phêrô. Chúa Thánh Thần được ban cho tất cả mọi dân tộc thuộc mọi chủng tộc và quốc gia, và hoàn tất nơi họ mối hiệp nhất mới của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Bằng một nhận định sống động, Thánh Gioan Kim Khẩu đã đề cao mối hiệp thông do Chúa Thánh Thần mang lại thế này: “Đấng ngự ở Rôma biết cả những người ở Aán Độ cũng là phần thể của mình” (In Io., 65,1; PG 59,361).
5- Bởi Chúa Thánh Thần là “Tân Ước” mà công việc của Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa ở tại việc làm cho Chúa Kitô phục sinh cùng với Thiên Chúa là Cha hiện diện. Thần Linh thực hiện tác động cứu rỗi của mình bằng việc làm cho Thiên Chúa hiện hiện tức thời. Giáo Ước mới và vĩnh cửu là ở chỗ Thiên Chúa giờ đây có thể được mỗi người chúng ta đạt tới. Mọi người, “từ nhỏ nhất tới lớn nhất” (x.Jer.31:34), được ban cho, theo một nghĩa nào đó, một trực thức về Chúa, như chúng ta đọc thấy trong Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan: “Việc xức dầu mà anh em đã nhận lãnh từ Đấng ở trong anh em, và anh em không cần ai dạy cho anh em mọi sự, một việc xức dầu chân thực, một việc xức dầu không lừa dối, như việc xức dầu này đã dạy anh em, anh em hãy ở trong Ngài” (1Jn.2:27). Như thế, lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ của Người trong Bữa Tiệc Ly đã được hoàn tất: “Đấng Dẫn Dụ là Thánh Thần, Đấng Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thày, Ngài sẽ dạy các con mọi sự, và sẽ làm cho các con nhớ lại tất cả những gì Thày đã nói với các con” (Jn.14:26).
Nhờ Chúa Thánh Thần, việc chúng ta gặp gỡ Chúa xẩy ra trong mối tương giao tự nhiên của cuộc sống làm con, trong một cuộc gặp gỡ “diện kiến” thân tình, nơi cảm nghiệm về Thiên Chúa là Cha, là Anh, là Bạn và là Vị Phu Quân. Cuộc gặp gỡ này là một biến cố Hiện Xuống. Cuộc gặp gỡ này là một Tân Ước.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 24/6/1998)