Bài 24 (Thứ Tư ngày 22-7-1998)
Loài Người
được Thánh Linh Thánh Hóa
“T
ác động Chúa Giêsu “thở hơi” trên các Tông Đồ, một tác động thông truyền Thánh Linh cho các vị (x.Jn.20:21-22), nhắc lại việc tạo dựng nên con người được sách Khởi Nguyên diễn tả như là một việc thông truyền “hơi thở sự sống” (Gn.2:7). Thánh Linh thực sự là “hơi thở” của Đấng Phục Sinh, Đấng đã gieo sự sống mới vào Giáo Hội được tiêu biểu nơi các vị môn đệ đầu tiên. Dấu hiệu tỏ tường nhất của sự sống mới này là quyền năng tha tội. Thực vậy, Chúa Giêsu đã phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì họ được tha tội” (Jn.20:22-23). Ở đâu “Thần Linh thánh thiện” (Rm.1:4) được tuôn tràn thì bất cứ điều gì phản lại với sự thánh thiện, chẳng hạn như tội lỗi, đều bị hủy diệt. Theo lời của Chúa Giêsu thì Thánh Linh là Đấng “sẽ làm cho thế gian nhận biết tội lỗi” (Jn.16:8).
Ngài làm cho chúng ta nhận thức tội lỗi, và đồng thời cũng chính Ngài là Đấng thứ tha tội lỗi. Về điều này Thánh Tôma đã nhận định: “Vì chính Thánh Linh là Đấng thiết lập mối thân tình giữa chúng ta đối với Thiên Chúa thì việc Thiên Chúa nhờ Ngài mà tha tội là điều dĩ nhiên” (Contr. Gent., IV,21,11).
2- Thần Linh Chúa chẳng những hủy diệt tội lỗi mà còn hoàn thành việc thánh hóa và thần hóa loài người nữa. “Thiên Chúa đã chọn” chúng ta, Thánh Phaolô viết: “từ ban đầu để được cứu rỗi, nhờ việc thánh hóa bởi Thần Linh và nhờ niềm tin vào chân lý” (2Thes.2:13).
Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn vào những gì được gồm tóm trong “việc thần-thánh-hóa” này.
Thánh Linh là “Ngôi Tình Yêu; Ngài là Ngôi Tặng Aân” (Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 10). Tình yêu này được Ngôi Cha ban tặng, được Ngôi Con nhận lãnh và hỗ tương, được thông ban cho thành phần được cứu độ, một thành phần nhờ đó trở nên “con người mới” (Eph.4:24), “tạo vật mới” (Gal.6:15). Kitô hữu chúng ta chẳng những được thanh tẩy khỏi tội lỗi, mà còn được tái sinh và thánh hóa. Chúng ta nhận lãnh một sự sống mới, vì chúng ta đã trở nên “những kẻ thông phần bản tính thần linh” (2Pt.1:4); chúng ta được “gọi là con cái của Thiên Chúa và thực sự chúng ta là như thế!” (1Jn.3:1). Đó là sự sống ân sủng: một tặng ân nhưng không mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta thành những người tham phần vào sự sống Ba Ngôi của Ngài.
Trong mối liên hệ của mình với con người được rửa tội, Ba Ngôi Thần Linh không bị phân rẽ - vì mỗi Ngôi luôn luôn tác động trong niềm hiệp thông với các Ngôi khác - cũng không bị lẫn lộn, vì mỗi Ngôi thông truyền như là một Ngôi Vị.
Khi nghĩ đến ân sủng chúng ta không được nghĩ như là một “sự vật”. Aân sủng “trước hết và trên hết” là “tặng ân của Thần Linh, Đấng công chính và thánh hóa chúng ta” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2003). Chính tặng ân của Thánh Linh, Đấng làm cho chúng ta nên giống như Ngôi Con và đặt chúng ta vào trong mối liên hệ con cái với Ngôi Cha: trong một Thần Linh mà chúng ta qua Đức Kitô đến với Chúa Cha (x.Eph.2:18).
3- Sự hiện diện của Thánh Linh biến đổi con người một cách thực sự và sâu xa: đó là ơn thánh hóa hay thần hóa, một ơn thăng hóa hữu thể và tác động của chúng ta, khiến chúng ta sống trong mối liên hệ với Chúa Ba Ngôi. Điều này xẩy ra nhờ các thần đức tin, cậy và mến, “những thần đức thích ứng các tài năng của con người cho việc thông phần vào bản tính thần linh” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1812). Do đó, nhờ đức tin, tín hữu coi Thiên Chúa, anh em mình và lịch sử không thuần túy theo quan điểm lý trí, mà theo cái nhìn của Mạc Khải thần linh. Nhờ đức cậy, con người nhìn đến tương lai bằng niềm tin tưởng, bằng sự vững mạnh, bằng niềm hy vọng không còn hy vọng (x.Rm.4:18), bằng cái nhìn gắn chặt vào mục tiêu hạnh phúc đời đời và hoàn toàn chiếm hữu vương quốc Thiên Chúa. Nhờ đức mến, người môn đệ buộc mình phải yêu mến Thiên Chúa bằng cả tấm lòng của mình, và yêu thương những người khác như Chúa Giêsu đã yêu họ, tức là yêu đến toàn hiến bản thân mình.
4- Việc thánh hóa cá nhân tín hữu luôn luôn xẩy ra qua sự liên kết với Giáo Hội. “Sự sống của cá nhân người con Thiên Chúa được liên kết trong Chúa Kitô, và nhờ Chúa Kitô, bằng một liên kết tuyệt vời, với tất cả anh em Kitô hữu khác. Cùng nhau, họ hợp thành một mối hiệp nhất siêu nhiên trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, để mỗi một con người mầu nhiệm được thực sự hình thành” (Đức Phaolô VI, Tông Hiến Indulgentiarum doctrina, đoạn 5).
Đây là mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Mối giây đức ái đời đời liên kết tất cả các “thánh” lại, những vị đã đạt đến quê hương trên trời hay đang được thanh tẩy trong luyện tội, cũng như những kẻ còn đang hành trình trên thế gian. Nơi họ còn có một cuộc trao đổi vô vàn những tặng ân, đến nỗi, sự thánh thiện của người này giúp đỡ tất cả các người khác. Thánh Tôma nói rằng: “Bất cứ ai sống trong đức ái thì đều tham dự vào tất cả sự thiện được thực hiện trên thế gian này” (In Symb. Apost.); vả lại: “hành động của người này được hộ giúp bởi đức ái của người khác, đức ái mà nhờ đó chúng ta tất cả là một trong Chúa Kitô” (In IV Sent., d.20, a.2; q.3 ad 1).
5- Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở là “tất cả mọi tín hữu, ở trong bậc sống hay lối sống nào, cũng được kêu gọi đến sự viên trọn của cuộc sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của đức ái” (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 40). Thực tế mà nói, đường lối để tín hữu nên thánh là đường lối trung thành với ý muốn của Thiên Chúa, như ý muốn này được diễn đạt cho chúng ta thấy nơi Lời của Ngài, nơi những huấn lệnh và nơi những thần hứng của Thánh Linh. Như trường hợp của Mẹ Maria cũng như của tất cả mọi vị thánh, của cả chúng ta nữa, đức ái trọn hảo ở tại việc tin tưởng phó mình vào bàn tay của Chúa Cha, theo gương Chúa Giêsu. Điều này có thể thực hiện được, một lần nữa, bởi có Thánh Linh, Đấng mà ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, cũng vẫn làm cho chúng ta cùng với Chúa Giêsu lập lại rằng: “Này con đến để làm theo ý Cha” (x.Heb.10:7).
6- Sự thánh thiện này được phản ánh đặc biệt nơi đời sống tu trì, một đời sống lời thánh hiến rửa tội, bằng việc dấn thân tận tuyệt theo Chúa, qua những lời khuyên phúc âm là thanh tịnh, khó nghèo và tuân phục. “Như mọi cuộc sống Kitô giáo, ơn gọi sống đời tận hiến liên kết chặt chẽ với công việc của Thánh Linh. Qua mọi thời đại, Thần Linh vẫn khiến cho những người nam người nữ mới nhận ra lời kêu mời của một chọn lựa cần thiết... Chính Thần Linh là Đấng gợi lên niềm ước vọng đáp ứng trọn vẹn; chính Ngài là Đấng điều động việc phát triển của niềm ước vọng này, giúp cho nó chín chắn hơn trong việc tích cực đáp ứng và bảo trì nó khi nó được trung thực chuyển thành hành động; chính Ngài là Đấng hình thành và uốn nắn tâm can của những kẻ được kêu gọi, làm cho họ nên giống Chúa Kitô, Đấng thanh sạch, khó nghèo và tuân phục, cùng thúc đẩy họ nhận lấy sứ vụ của Người làm của họ” (Tông Huấn Vita Consecrata, đoạn 19).
Một diễn tả nổi bật của sự thánh thiện được thực hiện bởi quyền phép Thánh Linh là tử đạo, một tuyên cớ bằng máu cao cả làm chứng cho Chúa Giêsu. Thế nhưng, việc dấn thân Kitô giáo vẫn là một hình thức thiết yếu và hiệu lực của việc làm chứng nhân, một khi nó được sống động - từ ngày này qua ngày khác, trong những sinh trạng khác nhau - trong việc trọn vẹn trung thành với giới răn yêu thương.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 29/7/1998)