Bài 26 (Thứ Tư ngày 5-8-1998) 

Thần Linh là Nguồn Sứ Vụ

 

T

ân Ước đã chứng tỏ sự hiện diện của những đoàn sủng cùng sứ vụ được Thánh Linh tác động nơi các cộng đồng Kitô giáo khác nhau. Chẳng hạn, Sách Tông Vụ đã diễn tả cộng đồng Kitô hữu Antiôkia như thế này: “Tại Giáo hội Antiôkia có các tiên tri và thày dạy, Banabê, Simêon người được gọi là Niger, Lucius thành Cyrênê, Manaen là phần tử trong triều thần của quận vương Hêrôđê, và Saolê” (Acts 13:1).

          Cộng đồng Antiôkia hiện lên như một thực thể sống động với hai vai trò khác nhau rõ rệt: vai trò của các vị tiên tri của thành phần nhận thức được đường lối Thiên Chúa và loan báo đường lối của Ngài, và vai trò của các vị tiến sĩ, tức các thày dạy là thành phần đào sâu và quảng bá đức tin. Nơi thành phần tiên tri, người ta nhận thấy có vẻ linh động hơn, và nơi thành phần thày dạy có vẻ cơ cấu hơn, song cả hai trường hợp đều cùng chiều theo Thần Linh Thiên Chúa. Hơn nữa, việc cấu hợp này nơi yếu tố linh động và cơ cấu có thể được nhận thấy ở ngay lúc ban đầu của cộng đồng Antiôkia - một cộng đồng được thành nên sau cái chết của Thánh Stêphanô cũng như sau cuộc phân tán của các Kitô hữu - nơi mà một số anh em đã giảng Tin Mừng cho cả dân ngoại, gặt hái được nhiều cuộc trở lại. Nghe thấy sự kiện này, cộng đồng mẹ ở Gialiêm đã cử Banabê đến thăm cộng đồng mới. Thêm vào đó, Thánh Luca còn viết, khi Banabê nhận thấy ơn Chúa ở đó thì “vui mừng; và huấn dụ họ tất cả hãy vững tâm trung thành với Chúa; vì Banabê là một con người tốt lành, đầy Thánh Linh và đức tin” (Acts 11:23-24).

          Nơi đoạn văn này, đường lối lưỡng diện mà Thần Linh Thiên Chúa dùng để cai quản Hội Thánh được rõ ràng tỏ hiện: một đàng, Ngài trực tiếp khích lệ sinh hoạt của các tín hữu, bằng cách tỏ ra những đường lối mới mẻ và bất ngờ trong việc công bố Phúc Aâm, đàng khác, Ngài cung cấp chứng cớ chân thực nơi việc làm của họ qua sự can thiệp chính thức của Giáo Hội, ở đây được biểu hiện nơi công việc của Banabê do cộng đồng mẹ ở Gialiêm sai đến.

 

2-       Thánh Phaolô đã đặc biệt cho thấy một cách sâu xa về các đoàn sủng và sứ vụ. Thánh nhân nói lên điều này nhất là ở các chương 12 đến 14 trong bức Thư Thứ Nhất gửi cho Giáo Đoàn Côrintô. Dựa vào đoạn văn này, người ta có thể tập hợp một số yếu tố để phác ra một môn thần học xác đáng về các đoàn sủng.

          Điều chính yếu là Thánh Phaolô đã thiết lập một tiêu chuẩn căn bản cho việc nhận thức, một tiêu chuẩn có thể được diễn tả có liên quan đến “Kitô học”: một đoàn sủng sẽ không chân thực trừ phi nó dẫn đến việc công bố rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa (x.12:1-3).

          Rồi Thánh Phaolô tiếp tục ngay vào việc nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa các đoàn sủng cũng như sự hiệp nhất nơi nguồn gốc của chúng: “Có nhiều tặng ân khác nhau song chỉ có một Thần Linh” (12:4). Những tặng ân của Thần Linh, những tặng ân mà Ngài phân phối “tùy theo Ngài muốn” (12:11), có thể nhiều như Thánh Phaolô liệt kê (x.12:8-10) mà vẫn thật sự chưa hoàn toàn đầy đủ. Rồi Thánh Tông Đồ dạy rằng sự đa diện của các đoàn sủng không được tạo nên chia rẽ, theo đó chúng có thể được ví như các phần thể khác nhau trong cùng một thân thể (x.12:12-27). Sự hiệp nhất của Giáo Hội thì năng động và theo cơ cấu, và tất cả các tặng ân của Thần Linh đều hệ trọng đến việc sống còn của toàn Thân Thể.

 

3-       Thánh Phaolô còn dạy rằng Thiên Chúa đã thiết lập một phẩm trật trong Giáo Hội (x.12:28): trước hết là “các vị tông đồ”, rồi tới “các vị tiên tri”, đoạn tới “các thày dạy”. Ba vai trò này đều quan trọng và được liệt kê theo thứ tự quan trọng của mình.

          Thánh Tông Đồ sau đó cảnh giác là việc phân phối các tặng ân thì khác nhau: không phải ai cũng được tặng ân này hay tặng ân kia (x.12:29-30); mỗi người được tặng ân riêng của mình (x.7:7) và phải nhận lãnh với lòng biết ơn, quảng đại đem nó ra phục vụ cộng đồng. Việc tìm kiếm cho niềm hiệp thông này được thúc đẩy bởi tình yêu là những gì vẫn tiếp tục là “đường lối hoàn hảo nhất” và là tặng ân cao cả nhất (x.13:13), mà thiếu nó thì các đoàn sủng sẽ chẳng còn giá trị gì nữa (x.13:1-3).

         

4-       Các đoàn sủng, bởi thế, là các ơn Thánh Linh ban xuống cho một số phần tử trong tín hữu để sửa soạn cho họ góp phần vào việc xây dựng công ích của Giáo Hội.

          Sự khác nhau của các đoàn sủng tương đương với sự khác nhau của các công vụ, những công vụ có thể tạm thời hay vĩnh viễn, riêng tư hay công khai. Các sứ vụ thánh chức của các vị Giám Mục, linh mục và phó tế là những công vụ được thừa nhận một cách vĩnh viễn và công khai. Những sứ vụ giáo dân, bắt nguồn từ Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, có thể được Giáo Hội qua vị Giám Mục công nhận chính thức hay theo sự việc mà thôi.

          Trong số các sứ vụ giáo dân, chúng ta nhắc đến những sứ vụ được thiết lập bằng một nghi thức phụng vụ: các thừa tác vụ đọc sách hay giúp lễ. Ngoài ra còn có các thừa tác viên Thánh Thể và những người có phận sự đối với các sinh hoạt giáo hội, trước hết là các giáo lý viên, rồi chúng ta cũng cần phải kể đến “những hướng dẫn viên cầu nguyện, ca hát và phụng vụ; các vị phụ trách những đơn vị cộng đồng dân Chúa và các nhóm học Thánh Kinh; những người có trách nhiệm lo việc từ thiện bác ái; các vị điều hành các nguồn lợi Giáo Hội; những vị phụ trách các hình thức làm việc tông đồ khác nhau; những người dạy tôn giáo nơi các học đường” (Thông Điệp Redemptoris Missio, đoạn 74).

 

5-       Theo sứ điệp của Thánh Phaolô cũng như của Tân Ước, Công Đồng Chung Vaticanô II (x. Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 12) thường nhắc lại và chứng tỏ là không có chuyện Giáo Hội này theo “kiểu đoàn sủng” và Giáo Hội kia theo “kiểu cơ cấu”. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc ngược chống nhau giữa đoàn sủng và cơ cấu “hết sức tai hại” này (x.Ngỏ Lời với các tham dự viên Hội Nghị Quốc Tế Lần Hai về Các Phong Trào Trong Giáo Hội, ngày 2/3/1987, tuần san L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, ngày 16/3/1987, trang 12).

          Phận sự của các Vị Chủ Chăn là nhận thức rõ tính chất đích thực của các đoàn sủng và hướng dẫn  chúng thể hiện bằng thái độ khiêm tốn tuân phục Thần Linh, bằng một tình yêu vô tư cho lợi ích của Giáo Hội và bằng một lòng chân thành trung tín với lề luật tối cao cho phần rỗi các linh hồn.

 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 12-19/8/1998)