Bài 28 (Thứ Tư ngày 19-8-1998)

 Tạo thành

phải là nơi cư trú của bình an

 

T

rong chương tám của Thư gửi giáo đoàn Rôma, khi cắt nghĩa về tác động của Thánh Linh là Đấng làm cho chúng ta trở nên con cái của Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô (8:14-16), Thánh Tông Đồ Phaolô đã đưa ra một đề tài về  đường lối thế giới tiến đến tầm vóc viên thành của mình theo ý định của Thiên Chúa. Thật thế, Thánh Linh, như chúng ta đã dẫn giải ở các buổi giáo lý trước đây, hiện diện và hoạt động nơi tạo thành và trong lịch sử cứu độ. Chúng ta có thể nói rằng Ngài gói ghém vũ trụ trong tình yêu và lòng xót thương  của Thiên Chúa, nhờ đó hướng lịch sử con người về mục đích tối hậu của nó.

          Vũ trụ được Thiên Chúa tạo dựng như nơi cư ngụ cho con người và là một khấu trường cho cuộc thám du tự do của con người. Trong việc đối thoại với ân sủng, mỗi một người được kêu gọi để đảm nhận tặng ân được làm con cái thần linh trong Đức Giêsu Kitô. Vì lý do này, thế giới tạo thành mang một ý nghĩa chân thực nơi con người và cho con người. Dĩ nhiên con người không thể làm theo ý mình muốn nơi vũ trụ mà họ sống, nhưng phải dùng lý trí của mình để làm hoàn thành một cách ý thức công việc của Hóa Công.

          Hiến Chế Gaudium et Spes dạy rằng “con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, và theo lệnh Ngài truyền phải làm chủ trái đất cùng tất cả những gì thuộc về nó, rồi phải quản trị thế giới trong công chính và thánh thiện: con người phải công nhận Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành mọi sự và qui hướng bản thân mình cũng như toàn thể tạo vật về Ngài, để nhờ việc con người thống trị mọi sự mà danh Thiên Chúa được hiển dương trên toàn trái đất” (đoạn 34).

 

2-       Vì dự án thần linh cần phải được hoàn thành mà con người phải sử dụng tự do của mình hợp với ý muốn của Thiên Chúa và chế ngự tình trạng lệch lạc do tội lỗi đưa vào đời sống con người cũng như vào thế giới. Không có tặng ân của Thánh Linh thì việc chiếm đạt lưỡng diện này không thể nào xẩy ra. Các vị tiên tri thời Cựu Ước đã đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề này. Bởi thế mà theo lời tiên tri Eâzêkiên: “Ta sẽ ban cho các người một trái tim mới, và ta sẽ đặt trong các người một thần trí mới; Ta sẽ lấy đi khỏi xác thể các người trái tim bằng đá mà ban cho các người một trái tim bằng thịt. Ta sẽ đặt thần trí Ta trong các người, khiến các người bước đi theo các chỉ thị của Ta và cẩn thận giữ các sắc lệnh của Ta... các người sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các người” (Ez.36:26-28).

          Tình trạng canh tân cá nhân cũng như cộng đồng sâu xa này, một tình trạng canh tân đợi chờ vào “thời điểm viên trọn” và hoàn thành bởi Thánh Linh, ở một mức độ nào đó, sẽ bao hàm toàn thể vũ trụ. Tiên tri Isaia viết: “Cho đến khi Thần Linh được tuôn đổ xuống trên chúng ta từ trên cao,/ và hoang địa trở nên một cánh đồng phì nhiêu.../ Bấy giờ sự công chính sẽ cư ngụ trong hoang địa,/ và đức chính trực sẽ ở trong cánh đồng phì nhiêu./ Rồi tác hiệu của đức chính trực sẽ là hòa bình,/ và hoa trái của đức chính trực sẽ là sự lặng lẽ và niềm tin tưởng muôn đời./ Dân Ta sẽ ở trong một nơi trú ngụ bình an”. (Is.32:15-18).

 

3-       Đối với Thánh Tông Đồ Phêrô thì lời hứa này được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô tử giá và phục sinh. Thật vậy, nhờ Thần Linh, Đức Kitô cứu chuộc và thánh hóa bất cứ ai chấp nhận Lời cứu độ của Người trong đức tin, khi Người biến đổi tâm can họ và theo đó cả những liên hệ xã hội của họ.

          Nhờ tặng ân Thánh Linh, thế giới con người trở nên một “spatium verae fraternitatis”, một nơi chốn của tình huynh đệ chân thực (x.Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 37). Việc biến đổi hành vi cùng với mối liên hệ xã hội của họ được thể hiện nơi đời sống giáo hội, nơi việc dấn thân cho các thực tại trần thế và nơi việc đối thoại với tất cả mọi người thành tâm thiện chí. Việc làm chứng này trở thành một dấu tiên tri và là men trong lịch sử hướng đến  mùa vọng của nước trời, khi nó chế ngự mọi sự làm cản trở mối hiệp thông nơi con người.

 

4-       Vũ trụ cũng được kêu gọi, bằng một đường lối nhiềm mầu nhưng thực tế, để tham dự vào tình trạng canh tân sự sống này, ở việc xây đắp một nền hòa bình phổ quát nhờ công lý và yêu thương. Như Thánh Phaolô dạy, “tạo vật nóng lòng chờ đợi việc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa; vì tạo vật bị lụy thuộc tình trạng vong bại không phải bởi ý muốn của mình song bởi ý của Đấng bắt chúng lụy thuộc trong hy vọng; bởi chính tạo vật sẽ được giải cứu khỏi cảnh làm tôi cho hư hoại mà chiếm được niềm tự do của con cái Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng toàn thể tạo vật đang cùng nhau quằn quại lâm bồn cho đến nay; mà không phải chỉ có tạo vật còn cả chính chúng ta nữa, thành phần có những hoa trái đầu mùa của Thần Linh, đang rên xiết trong lòng khi chúng ta đợi chờ được thừa nhận như những người con, việc cứu chuộc thân xác chúng ta” (Rm.8:19-23).

          Tạo vật, lãnh nhận sự sống nhờ sự hiện diện của Thần Linh Hóa Công, được kêu gọi để trở nên “một nơi cư trú của hòa bình” cho toàn thể gia đình nhân loại. Tạo vật chiếm được mục đích này nhờ tự do của con người, thành phần Thiên Chúa đã đặt để như bảo hộ viên của nó. Nếu con người co rút vào trong vỏ ốc vị kỷ, bởi quan niệm sai lầm về tự do, thì họ đã tàn nhẫn lôi kéo chính tạo vật vào trong tình trạng hư hoại này.

          Ngược lại, nhờ tặng ân Thánh Linh được Chúa Giêsu Kitô tràn đổ trên chúng ta từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người trên thập giá, con người chiếm được một niềm tự do đích thực của con cái trong Chúa Con. Nhờ đó, họ có thể hiểu được ý nghĩa chân thực của tạo vật và hoạt động để làm cho nó nên một “nơi cư trú an bình”.

          Theo ý nghĩa này, Thánh Phaolô có thể nói rằng tạo vật đang rên xiết và đợi chờ việc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người, được soi động bởi Thánh Linh, nhận biết chính mình là một người con của Thiên Chúa trong Đức Kitô và nhìn tạo vật với một tình cảm huynh đệ, toàn thể vũ trụ mới có thể được giải cứu và chuộc lại theo dự án thần linh.

 

5-       Tác dụng của những suy tư này thật là an ủi: Thánh Linh là niềm hy vọng đích thực của thế giới. Ngài chẳng những làm việc nơi cõi lòng con người, nơi Ngài cho họ được tham dự vào mối liên hệ con cái như Chúa Giêsu Kitô sống với Chúa Cha, mà còn thăng hóa và làm hoàn hảo các hoạt động của con người trong thế giới này nữa.

          Như Công Đồng Chung Vaticanô II dạy, họ “phải được thanh tẩy và hoàn hảo bởi Thập Giá và Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Được cứu chuộc bởi Chúa Kitô và được trở nên tạo vật mới bởi Thánh Linh, con người có thể, thật ra họ phải, yêu mến những sự vật do Thiên Chúa tạo thành: chính bởi Thiên Chúa mà họ đã nhận được chúng, và chính vì chúng đến từ bàn tay Thiên Chúa mà họ phải coi sóc và bảo trì chúng. Con người cám ơn vị ân nhân thần linh của mình về tất cả những sự vật này, họ sử dụng chúng và hưởng dùng chúng theo tinh thần nghèo khó và tự do: như thế là họ trở thành một sở vật đích thực của thế giới, như thể không có gì mà lại có mọi sự: ‘Tất cả (mọi sự) là của anh em; anh em là của Đức Kitô; và Đức Kitô là của Thiên Chúa’ (1Cor.3:22-23)” (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 37).

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 26/8/1998, trang 11,

cùng một số báo với bài giáo lý tuần vừa rồi)