Bài 30 (Thứ Tư ngày 2-9-1998) 

Thánh Linh là

nguồn tự do đích thực

 

C

uốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “con người tham dự vào ánh sáng và quyền năng của Thần Linh. Nhờ lý trí của mình, họ có khả năng hiểu biết cấp trật của các sự vật được Đấng Hóa Công thiết lập. Nhờ ý muốn tự do của mình, họ có khả năng hướng bản thân về sự thiện chân thực của mình. Họ được trọn hảo ‘trong việc tìm kiếm và mến yêu điều chân thật và thiện hảo’ (x. Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 150” (số 1704).

          Thánh Linh, Đấng “thấu suốt thâm cung của Thiên Chúa”, cùng một lúc vừa là ánh sáng soi dẫn lương tri con người vừa là nguồn tự do đích thực của họ (x. Thông Điệp Dominum et Spes, đoạn 36).

          Trong thánh cung lương tri của mình, thâm cung kín nhiệm nhất của con người, Thiên Chúa làm cho tiếng của Ngài vang vọng và lề luật của Ngài sáng tỏ, một lề luật tiến đến tầm mức trọn lành của mình trong tình mến Chúa và yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu dạy (x. Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 16). Bằng việc tuân theo lề luật này trong ánh sáng và quyền năng Thánh Linh, con người đạt được tự do trọn vẹn của mình.

 

2-       Chúa Giêsu Kitô là một chân lý hoàn toàn hiện thực của dự án Thiên Chúa dành cho con người, thành phần đã lãnh nhận tặng ân cao cả nhất là tự do. Thiên Chúa muốn “con người phải ‘nắm trong tay quyền tự vấn’ (Sir.15:14) để họ có thể tìm kiếm Hóa Công của mình theo ý muốn riêng và tự do đạt tới mức độ trọn hảo hoàn toàn và phúc đức bằng việc gắn bó với Ngài” (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 17; x. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1730). Tuân theo ý định của Thiên Chúa dành cho con người được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô và hoàn tất ý định này nơi đời sống tư riêng của mình tức là nhận thức ơn gọi chuyên chính của tự do con người, như Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ của Người: “Nếu các con tiếp tục ở trong lời Thày, các con thực sự là môn đệ của Thày, rồi các con sẽ nhận biết chân lý và chân lý sẽ giải phóng các con” (Jn.8:31-32).

          Đây không phải chỉ là vấn đề lắng nghe một sứ điệp và ngoan ngoãn dễ dàng chấp nhận một mệnh lệnh. “Sâu xa hơn thế nữa, nó bao gồm việc với chính con người của Chúa Giêsu, bằng việc tham dự vào cuộc sống và định mệnh của Người, thông phần vào việc tuân phục tự do và yêu mến ý muốn của Chúa Cha” (Thông Điệp Veritatis Splendor, đoạn 19).

          Phúc Aâm Gioan nhấn mạnh là không phải là kẻ thù của Chúa Kitô đã lấy mạng Người bằng việc cần phải bạo động dữ dội, mà là Đấng đã tự do hiến nó đi (x.Jn.10:17-18). Bằng việc hoàn toàn tuân hợp ý muốn của Chúa Cha, “Chúa Kitô tử giá đã tỏ ra cho thấy ý nghĩa chân thực của tự do; Người sống ý nghĩa này hoàn toàn bằng tất cả tặng ân trao ban bản thân mình và kêu gọi các môn đệ thông phần vào niềm tự do của Người” (Thông Điệp Veritatis Splendor, đoạn 85). Thật vậy, với một niềm tự do tuyệt đối của tình yêu mình Người muôn đời đã cứu chuộc con người là thành phần đã phản bội Thiên Chúa bằng việc lạm dụng tự do của mình; Người giải thoát con người khỏi làm tôi tội lỗi và ban cho họ, bằng việc làm cho họ được thông phần vào Thần Linh của Người, tặng ân tự do đích thực (x.Rm.8:2; Gal.:5:1,13).

 

3-       “Thần Linh Chúa ở đâu thì tự do ở đó”, Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta như thế (2Cor.3:17). Bằng việc tuôn đổ Thần Linh của mình, Chúa Giêsu phục sinh đã tạo nên một khoảng sống cho tự do con người có thể được hoàn toàn thể hiện.

          Bằng quyền năng của Thánh Linh, tặng ân Chúa Giêsu hiến mình cho Chúa Cha trong cuộc Tử Nạn và Phục Sinh đã trở nên một nguồn mạch và mẫu thức cho mọi liên hệ đích thực của nhân loại  với Thiên Chúa cũng như với anh em mình. Thánh Phaolô đã viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đoể vào lòng chúng ta nhờ Thánh Linh là Đấng được ban cho chúng ta” (Rm.5:5).

          Bằng việc sống động trong Chúa Kitô nhờ đức tin và các bí tích, Kitô hữu cũng “tự do dấn toàn thân mình” cho Thiên Chúa là Cha (x.Hiến Chế Dei Verbum, đoạn 5). Tác động đức tin làm cho họ có những quyết tâm với Thiên Chúa, tin tưởng vào tình yêu của Ngài được tỏ ra nơi Đức Kitô tử giá và phục sinh, cùng phó mình chiều theo tác động của Thánh Linh (x.1Jn.4:6-10) là những diễn đạt tự do cao cả nhất.

          Bằng việc hoan hỉ chu tất ý muốn của Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời theo gương của Đức Kitô và trong quyền năng của Thần Linh, Kitô hữu tiến phát trên con đường tự do chân thực và hy vọng hướng về thời điểm họ sẽ được vào hưởng “sự sống viên trọn” (Jn.10:10) trên quê hương thiên đàng. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Bởi công việc của ân sủng, Thánh Linh giáo dục chúng ta trong tự do linh thiêng để làm cho chúng ta thành những hợp tác viên tự nguyện trong công cuộc của Ngài nơi Giáo Hội cũng như nơi thế giới” (số 1742).

         

4-       Chân trời mới của tự do được Thần Linh tạo tác này cũng hướng dẫn mối liên hệ của chúng ta đối với anh chị em chúng ta gặp gỡ trong cuộc đời của mình.

          Chính vì Đức Kitô đã giải thoát tôi bằng tình yêu của Người và đã ban cho tôi Thần Linh của Người mà tôi có thể và phải yêu thương tự tình hiến thân cho tha nhân của tôi. Chân lý nền tảng này đã được nhắc đến trong Thư Thứ Nhất của Thánh Tông Đồ Gioan: “Chúng ta biết tình yêu là ở chỗ này, đó là Người đã thí mạnh sống vì chúng ta; nên chúng ta cũng phải thí mạng sống cho anh em chúng ta” (1Jn.3:16). Giới răn “mới” của Chúa Giêsu đã gồm tóm lề luật ân sủng; con người chấp nhận giới răn mới này thì thể hiện tự do của mình tới mức viên trọn: “Đây là giới răn của Thày, ở chỗ các con yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con. Không ai có tình yêu nào lớn hơn người thí mạng sống vì bạn hữu mình” (Jn.15:12-13).

          Không ai có thể tiến đến tột đỉnh yêu thương được Chúa Kitô tử giá chiếm đạt này mà không có sự trợ giúp của Đấng An Uûi. Thật vậy, Thánh Tôma Aquina có thể viết rằng “tân luật” là chính ân sủng của Thánh Linh, được ban cho chúng ta nhờ đức tin vào Chúa Kitô (x.Summa Theologiae, I-II, q.105, a.1, conclus. và ad 2).

         

5-       “Tân luật” của tự do này và tình yêu được nhân vật hóa nơi Chúa Giêsu Kitô, nhưng đồng thời lại hoàn toàn tùy thuộc vào Người và vào Ơn Cứu Chuộc của Người, đã được thể hiện nơi Mẹ Thiên Chúa. Tầm mức viên trọn của tự do, tức là tặng ân của Thần Linh, “được biểu lộ một cách tuyệt vời chính ở nơi đức tin của Mẹ Maria, qua việc Mẹ ‘tuân phục của đức tin’ (x.Rm.1:5): đúng thế, ‘Phúc cho người là vị đã tin’!” (Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 51). Vậy xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ chúng ta, nên Đấng hướng dẫn chúng ta nhận thức Thánh Linh là nguôn tự do đích thực trong đời sống chúng ta, sâu xa hơn và hoan hỉ hơn!

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 9/9/1998)