Bài 35 (Thứ Tư ngày 14-10-1998)
Bí Tích Thêm Sức
niêm ấn chúng ta bằng tặng ân Thần Linh
T
rong bài giáo lý lần trước, chúng ta đã suy niệm về bí tích Thêm Sức như là một bí tích hoàn thành ân sủng của phép rửa. Giờ đây chúng ta sẽ xét đến giá trị cứu độ và tác dụng linh thiêng được thể hiện nơi dấu hiệu xức dầu, một dấu hiệu nói lên “ấn tín của tặng ân Thánh Linh” (x. Đức Phaolô VI, Tông Hiến Divinae Consortium Naturae, 15/8/1971; L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 23/9/1971, tr. 4).
Nhờ việc xức dầu này, người lãnh nhận bí tích Thêm Sức lãnh nhận tặng ân Thánh Linh đó một cách trọn vẹn, một tặng ân họ đã thực sự nhận lãnh nơi bí tích Rửa Tội lúc đầu. Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (số 1295) cắt nghĩa thì “ấn tín là biểu hiệu của một người (x.Gn.38:18; Sg.8:6), là dấu hiệu của quyền bính riêng (x.Gn.41:42) hay dấu hiệu của quyền sở hữu sự vật (x.Dt.32:34)…”. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thiên Chúa là Cha đã niêm ấn” Người (Jn.6:27). Cả Kitô hữu chúng ta cũng thế, được tháp nhập với Thân Thể Chúa Kitô bởi đức tin và bí tích Rửa Tội, cũng được ghi dấu ấn tín Thần Linh khi chúng ta lãnh nhận việc xức dầu này. Thánh Phaolô Tông Đồ đã dạy điều này một cách rõ ràng, qua lời ngài nói với Kitô hữu giáo đoàn Côrintô: “Chính Thiên Chúa là Đấng nối kết chúng tôi với anh em trong Chúa Kitô, và đã trao quyền cho chúng tôi; Ngài đã đóng ấn tín trên chúng tôi và đã ban cho lòng chúng tôi Thần Linh của Ngài như một bảo chứng” (2Cor.1:21-22; x.Eph.1:13-14,4:30).
2- Bởi thế, ấn tín Thánh Linh là biểu biểu và làm cho các môn đệ được thuộc trọn về Chúa Kitô, làm cho họ luôn luôn phục vụ Người trong Giáo Hội, ấn tín này đồng thời cũng bao hàm cả lời đoan hứa bảo vệ họ trong các cơn thử thách họ sẽ phải trải qua trong việc họ làm chứng cho đức tin trước mặt thế gian.
Chính Chúa Giêsu đã nói đến điều này, ngay trước cuộc Tử Nạn của Người: “Họ sẽ bắt nộp các con cho các hội đồng; các con sẽ bị đánh đập nơi các hội đường; vì Thày các con sẽ đứng trước các quan quyền và vua chúa để làm chứng cho họ… Khi họ giải các con đến án đường và trao nộp các con thì các con đừng lo tới điều các con sẽ phải đối chất; song cứ nói những gì các con được soi sáng cho lúc ấy, vì không phải là các con nói mà là Thánh Linh” (Mk.13:9,11ff).
Cũng có một lời hứa tương tự như thế ở trong Sách Khải Huyền, qua một thị kiến bao gồm toàn bộ lịch sử Giáo Hội và cho thấy tình hình thảm khốc mà các môn đệ của Chúa Kitô được kêu gọi để đương đầu cùng với vị Chúa tử giá và phục sinh của mình. Đó là hình ảnh nổi bật khắc ghi ấn tín của Thiên Chúa trên trán của thành phần môn đệ này (x.Rev.7:2-4).
3- Bằng việc làm cho ơn rửa tội nên hoàn trọn, bí tích Thêm Sức hiệp nhất chúng ta chặt chẽ hơn với Chúa Giêsu Kitô cũng như với Giáo Hội là Thân Thể của Người. Bí tích này cũng tăng phát các tặng ân của Chúa Thánh Thần nơi chúng ta, ban cho chúng ta “một sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói cũng như bằng việc làm như là các chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, để hiên ngang tuyên xưng danh Chúa Kitô, và không bao giờ hổ thẹn về Thập Giá của Người” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1303; x. Công đồng Florence, DS 1319; Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, các đoạn 11-12).
Thánh Ambrôsiô huấn dụ thánh phần lãnh nhận bí tích Thêm Sức bằng những lời cảm kích sau đây: “Anh em hãy nhớ lại rằng, anh em đã lãnh nhận ấn tín linh thiêng là Thần Linh khôn ngoan và thâm hiểu, Thần Linh huấn dụ và hùng dũng, Thần Linh minh luận và thảo hiếu, Thần Linh kính sợ Thiên Chúa. Anh em hãy canh giữ những gì anh em đã lãnh nhận. Thiên Chúa là Cha đã ghi dấu anh em bằng dấu hiệu của Ngài, Đức Kitô là Chúa đã chứng nhận anh em và đã đặt Thần Linh như một cam kết nơi lòng anh em” (De Mysteriis, 7,42; PL 16,402-403).
Tăng ân Thần Linh buộc chúng ta phải làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô cũng như cho Thiên Chúa là Cha, và bảo đảm là chúng ta có khả năng cùng can đảm để thực hiện việc này. Sách Tông Vụ nói với chúng ta một cách rõ ràng là Thần Linh được tuôn đổ xuống trên các Tông Đồ, để các ngài trở nên “các chứng nhân” (1:8; x.Jn.15:26-27).
Thánh Tôma Aquinô đã tóm tắt một cách kỳ diệu truyến thống của Giáo Hội về vấn đề này khi nói rằng, nhờ bí tích Thêm Sức, tất cả mọi sự trợ giúp cần thiết đều được truyền ban cho thành phần lãnh nhận bí tích rửa tội, để họ có thể công khai tuyên xưng trong mọi hoàn cảnh đức tin họ lãnh nhận nơi bí tích Rửa Tội. Thánh nhân dẫn giải: “Mức độ trọn đầy Thánh Thần được ban cho ad robur spirituale (để làm sức mạnh thiêng liêng) là sức mạnh xứng với tình trạng thành nhân” (Summa Theologiae, III,72,2). Tình trạng trưởng thành ấy rõ ràng không phải được đo lường bằng tiêu chuẩn loài người, mà là ở nơi mối liên hệ nhiệm mầu giữa mỗi người với Chúa Kitô.
Giáo lý này, bắt nguồn từ Sách Thánh và theo Thánh Truyền khai triển, cũng được nói đến nơi giáo huấn của Công Đồng Chung Triđentinô, một giáo huấn cho rằng bí tích Thêm Sức được in ấn vào linh hồn như một “dấu thiêng liêng không thể nào xóa bỏ được”: “dấu ấn” (x.DS 1609) này chính là dấu Chúa Giêsu Kitô in nơi Kitô hữu bằng dấu ấn Thần Linh.
4- Tặng ân đặc biệt bởi bí tích Thêm Sức này khiến cho tín hữu thực hiện “sứ vụ rao giảng” của mình để làm chứng cho đức tin. Thánh Tôma giải thích, “con người thêm sức nhận được quyền năng để tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô một cách công khai và thực sự là một cách chính thức (quasi ex officio)” (x. Summa Theologiae, III,72,5,ad.2; Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1305). Hơn nữa, Công Đồng Chung Vaticanô II, khi cắt nghĩa về bản chất thánh thiện và gắn bó của cộng đồng tư tế, trong Hiến Chế Lumen Gentium (đoạn 11), đã nhấn mạnh là “bởi bí tích Thêm Sức, họ (tín hữu) thắt chặt hơn với Giáo Hội và được sức mạnh đặc biệt của Thánh Thần. Nhờ đó, là chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, họ buộc phải truyền bá đức tin bằng lời nói cũng như việc làm một cách triệt để hơn”.
Thành phần tái sinh trong bí tích Rửa Tội lãnh nhận bí tích Thêm Sức, với tất cả ý thức chín chắn, đã long trọng tuyên bố trước Giáo Hội, nhờ ơn trợ giúp của Thiên Chúa, sẵn sàng để Thần Linh Thiên Chúa chiếm cứ, một cách mới mẻ hơn và sâu xa hơn, để làm chứng cho Đức Kitô là Chúa.
5- Việc sẵn sàng này, nhờ Thần Linh là Đấng thấu nhập và tràn đầy lòng họ, thôi thúc họ, cho dù có phải tử đạo, như chúng ta đã thấy nơi hàng loạt chứng nhân Kitô hữu, liên tục từ bình minh Kitô giáo đến thế kỷ của chúng ta đây, không sợ hiến mạng sống trần gian của mình vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (số 2473) nói rằng “tử đạo là một chứng cớ tối hậu cho chân lý đức tin: nó có nghĩa là làm chứng cho đến chết. Vị tử đạo làm chứng cho Chúa Kitô là Đấng đã chết và sống lại, Đấng mà vị tử đạo mến yêu kết hợp với”.
Trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, chúng ta hãy nơi chúng ta khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Được Thần Linh linh hoạt, cuộc sống của chúng ta mới xông “hương thơm Chúa Kitô” (2Cor.2:15) cho đến tận cùng trái đất.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 21/10/1998)