Bài 37 (Thứ Tư ngày 28-10-1998)

Sự Sống trong Thần Linh

trổi vượt trên cả sự chết

 

“T

hiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một mình, để ai tin vào Con thì không phải chết song sẽ được sự sống trường sinh” (Jn.3:16). Những lời của Phúc Aâm Thánh Gioan này cho thấy mục đích tối hậu của dự án yêu thương nơi Chúa Cha là ở ơn được “sự sống trường sinh”. Tặng ân này mở lối cho chúng ta, qua ân sủng, đến cùng cuộc hiệp thông khôn tả của tình yêu Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh: “Sự sống trường sinh là ở chỗ họ nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất, và Giêsu Kitô là Đấng Cha sai” (Jn.17:3).

          “Sự sống trường sinh” phát xuất từ Chúa Cha, được thông truyền cho chúng ta trọn vẹn bởi Chúa Giêsu trong mầu nhiệm vượt qua của Người nhờ Chúa Thánh Thần. Bằng việc nhận lãnh sự sống ấy, chúng ta được thông dự vào cuộc vinh thắng tối hậu trên sự chết của Chúa Giêsu phục sinh. Chúng ta đã tuyên xưng điều này ở phụng vụ: “Sự chết và sự sống đụng độ nhau trong một trận chiến kịch liệt: Vị Vương Chủ của sự sống đã chết mà vẫn sống hiển trị” (Ca Tiếp Liên Chúa Nhật Phục Sinh).

 

2-       Như thế, vào “thời điểm viên trọn”, Chúa Kitô đã làm hoàn thành, ngoài mọi ước mong, lời hứa “sự sống trường sinh” được Chúa Cha đã ghi khắc trong việc Ngài dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài từ tạo thiên lập địa (x.Gn.1:26).

          Như chúng ta hát Thánh Vịnh 104 là con người cảm thấy rằng sự sống trong vũ trụ, nhất là sự sống của riêng con người, được bắt nguồn từ “hơi thở” do Thần Linh Chúa thông truyền: “Khi Ngài ẩn mặt đi thì chúng khiếp kinh; khi Ngài rút hơi thở của chúng lại thì chúng chết liền và trở về với tro bụi của mình. Khi Ngài gửi Thần Linh của Ngài tới thì chúng được tạo thành; và Ngài canh tân diện mạo trái đất” (các câu 29-30).

          Việc hiệp thông với Thiên Chúa, tặng ân Thần Linh của Ngài, đối với dân Chúa, càng ngày càng trở nên một lời đoan hứa cho một sự sống không giới hạn ở đời này, mà là một sự sống siêu việt và kéo dài một cách mầu nhiệm cho đến muôn đời.

          Trong cuộc lưu đầy khốn khổ ở Babylon, Chúa đã khơi lên một tia hy vọng cho dân Ngài, khi loan báo cho họ biết một giao ước mới và vĩnh viễn được niêm ấn bằng việc tuôn đổ lan tràn Thần Linh (x.Ez.36:24-28): “Này, dân Ta ơi, Ta sẽ mở cửa mồ của các ngươi ra để các ngươi từ đó chỗi dậy; Ta sẽ mang các ngươi về lại mảnh đất Yến Duyên. Các ngươi sẽ nhận biết rằng Ta là Chúa, ôi dân của Ta, khi Ta mở cửa mồ của các ngươi ra để các ngươi từ đó chỗi dậy. Rồi Ta sẽ đặt Thần Trí của Ta trong các ngươi cho các ngươi được sống” (Ez.37:12-14).

          Với những lời này, Thiên Chúa đã loan báo việc canh tân thần trí của Yến Duyên sau những khổ cực lưu đầy. Những biểu hiệu được lời Chúa sử dụng rất thích hợp để nói lên hành trình đức tin mà dân Yến Duyên đang từ từ tiến bước, cho đến khi họ trực giác thấy được sự thật của việc xác thịt phục sinh được Thần Linh hoàn tất vào lúc tận cùng thời gian.

 

3-       Sự thật này càng trở nên chắc chắn hơn trong giai đoạn trước khi Chúa Giêsu Kitô đến không lâu (x.Dn.12:2; 2Mac.7:9-14,23,26;12:43-45), Đấng mạnh mẽ xác nhận nó và khiển trách những ai chối bỏ nó: “Đó không phải là lý do tại sao qúi vị sai lầm hay sao, ở chỗ, qúi vị không biết gì về Sách Thánh cũng như về quyền phép của Thiên Chúa cả” (Mk.12:24). Theo Chúa Giêsu, niềm tin vào việc phục sinh được đặt trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng “không phải là Chúa của kẻ chết mà là của người sống” (Mk.12:27).

          Hơn nữa, Chúa Giêsu đã liên kết niềm tin vào việc phục sinh với bản thân của Người: “Thày là Sự Sống Lại và là Sự Sống” (Jn.11:25). Nơi Người, nhờ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Người, lời hứa thần linh về tặng ân “sự sống trường sinh” được hoàn thành. Sự sống này bao hàm cả cuộc toàn thắng trên sự chết: “Giờ đang đến khi mà tất cả mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe thấy tiếng (của Con) để ra khỏi mồ, những ai đã làm lành sẽ sống lại để được sự sống trường sinh…” (Jn.5:28-29). “Vì đây là ý muốn của Cha Tôi, đó là ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống trường sinh; và Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Jn.6:40).

 

4-       Lời hứa của Chúa Kitô bởi thế sẽ được hoàn tất một cách mầu nhiệm vào lúc tận cùng thời gian, khi Người trở lại trong vinh quang “để phán xét kẻ sống và kẻ chết” (2Tim.4:1; x.Acts 10:42; 1Pet.4:5). Bấy giờ thân xác tử vong của chúng ta sẽ sống lại bởi quyền phép của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta như “lời đoan hứa cho phần nghiệp của chúng ta, là hoa trái đầu mùa của ơn cứu chuộc viên trọn” (Eph.1:14; x.2Cor.1:21-22).

          Tuy nhiên, cũng không nên nghĩ rằng sự sống sau khi chết chỉ bắt đầu sau cuộc sống lại cuối cùng. Cuộc sống lại cuối cùng này được mở đầu bằng một tình trạng đặc biệt mà mọi người phải trải qua sau cái chết thể lý. Đó là một trung đoạn, khi mà thân xác mục rữa đi, thì “một yếu tố thiêng liêng vẫn sống và tồn tại sau khi chết, một yếu tố có ý thức và ý muốn, để ‘cái mình của con người’ tồn tại”, cho dù thiếu mất phần xác của nó (Thánh Bộ Đức Tin, Văn Thư về Một Số Vấn Đề Liên Quan đến Việc Cánh Chung, 17/5/1979: AAS 71/941).

          Các tín hữu cũng tin rằng mối liên hệ của họ với Chúa Kitô trong việc thông dự sự sống vẫn không thể bị sự chết làm ngưng lại, mà cứ tiếp tục sau đó. Chúa Kitô thực sự đã phán: “Ai tin vào Thày thì dù có chết cũng sẽ được sống” (Jn.11:25). Giáo Hội luôn luôn tuyên xưng niềm tin này, nhất là đã diễn đạt nó ra nơi kinh nguyện của Giáo Hội để cùng với tất cả các thánh dâng lên Thiên Chúa, cũng như nơi lời Giáo Hội cầu xin cho thành phần kẻ chết chưa được hoàn toàn tinh sạch. Lại nữa, Giáo Hội còn nhấn mạnh đến việc tôn trọng đối với những di tích của mọi người quá cố, vì phẩm vị của con người mà chúng thuộc về, cũng như vì giá trị nơi xác thân của thành phần đã trở nên đền thờ của Thánh Linh nhờ Bí Tích Rửa Tội. Bằng chứng đặc biệt về điều này là phụng vụ an táng và kính tôn dành cho các di tích của các thánh đã được Giáo Hội nắm giữ từ các thế kỷ đầu tiên. Xương cốt của các vị thánh, như Thánh Paulinô Nôla nói, “không bao giờ thiếu sự hiện diện của Thánh Linh, một sự hiện diện làm cho các ngôi mộ thánh được ân sủng sự sống” (Carmen XXI, 632-633).

 

5-       Như thế, chúng ta thấy rằng Thánh Linh như một vị Thần Linh sự sống chẳng những ở mọi giai đoạn của cuộc sống trần gian của chúng ta đây, mà cũng còn ở cả trong tình trạng mở màn một sự sống viên trọn được Chúa đã hứa cho thân xác tử vong của chúng ta sau khi chết. Nếu càng như vậy thì chúng ta lại càng phải nhờ Thánh Linh mới thực hiện được “cuộc hành trình” cuối cùng của chúng ta trong Chúa Kitô về với Chúa Cha. Thánh Basiliô Cả đã nhận định: “Nếu suy nghĩ kỹ người ta sẽ hiểu được rằng, ngay cả khi chúng ta đang chờ đợi việc Chúa chúng ta từ trời lại đến, thì Thánh Linh cũng không thể thiếu vắng được, như một số người vẫn tin tưởng; không, Ngài cũng sẽ hiện diện vào ngày Chúa chúng ta tỏ hiện, lúc mà Người phán xét thế giới trong công bình chính trực như một vị thống chủ thần linh duy nhất của nó vậy” (De Spiritu Sancto, XVI, 40).

  

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 4/11/1998)