Bài 39 (Thứ Tư ngày 11-11-1998)
Thánh Linh là Nguồn Hy Vọng
“T
hánh Linh, Đấng Chúa Giêsu Kitô tử giá và phục sinh tuôn đổ “khôn lường”, là “Đấng dựng xây vương quốc của Thiên Chúa trong tiến trình lịch sử để sửa soạn cho cuộc hoàn toàn tỏ hiện của vương quốc này nơi Chúa Giêsu Kitô… sẽ đến vào lúc tận cùng thời gian” (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 45). Trong chiều hướng cánh chung này, các tín hữu được kêu gọi, trong năm (1998) kính Chúa Thánh Thần này, việc tái cảm nhận thần đức trông cậy, một thần đức mà, “một đàng, phấn khích Kitô hữu để họ không bị lạc mất đích điểm là yếu tố làm cho cuộc sống của họ có ý nghĩa và giá trị, đàng khác, hiến cho họ những lý do sâu xa vững chắc trong việc dấn thân hằng ngày để biến đổi thực trạng cuộc sống của họ cho hợp với dự định của Thiên Chúa” (cùng nguồn, đoạn 46).
2- Thánh Phaolô đã chú trọng đến mối liên hệ mật thiết và sâu xa giữa tặng ân Thánh Linh và nhân đức trông cậy. Thánh nhân viết trong thư gửi giáo đoàn Rôma như sau: “Trông cậy không làm chúng ta thất vọng, vì tình yêu Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta” (Rm.5:5). Phải, chính tặng ân Thánh Linh, khi tràn đầy tâm hồn chúng ta bằng tình yêu Thiên Chúa và làm cho chúng ta nên con cái của Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô (x.Gal.4:6), đã gieo vào trong chúng ta một niềm cậy trông mà không gì “có thể làm chúng ta tách khỏi tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được” (Rm.8:39).
Vì lý do này, vào lúc “thời gian viên trọn”, khi tỏ mình ra trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa cho thấy Ngài thực sự là một “vị Thiên Chúa của niềm cậy trông”, Đấng làm cho các tín hữu tràn đầy niềm vui và an bình, để “nhờ quyền phép của Thánh Linh, họ được dồi dào hy vọng” (Rm.15:13). Như thế, Kitô hữu được kêu gọi để làm chứng nhân cho cảm nghiệm hân hoan này trên thế giới, cũng như để “luôn sẵn sàng chứng tỏ cho những ai đặt vấn đề với họ về niềm hy vọng” ở nơi họ (1Pt.3:15).
3- Đức cậy trông Kitô giáo làm viên trọn niềm hy vọng Thiên Chúa đã khơi lên nơi Dân Yến Duyên, và cũng là một đức cậy trông có nguồn gốc cùng mô phạm của mình nơi tổ phụ Abraham, vị “tin tưởng trong khi không có hy vọng gì, nên ông đã trở nên tổ phụ của nhiều dân nước” (Rm.4:18). Được Chúa xác nhận nơi giao ước Ngài thiết lập với dân Ngài qua trung gian Moisen, niềm hy vọng của Yến Duyên liên tục được tái thắp lên bởi lời rao giảng của các vị tiên tri qua các thế kỷ. Để rồi, sau hết nó được tập trung vào lời Thiên Chúa hứa về việc cuối cùng Ngài sẽ tuôn đổ Thần Linh của Ngài xuống trên Đấng Thiên Sai cũng như trên toàn thể dân của Ngài (x.Is.11:2; Ez.36:27; Jl.3:1-2).
Lời hứa này được nên trọn nơi Chúa Giêsu. Người không phải chỉ là chứng nhân cho niềm hy vọng mở ra cho những ai trở thành môn đệ của Người. Chính Người, nơi con người cũng như nơi công việc cứu thế của Người, là “niềm hy vọng của chúng ta” (1Tim.1:1), vì Người rao giảng và hiện thực vương quốc của Thiên Chúa. Những Mối Phúc Đức là một “Magna Charta” (Bản Đại Hiến Chương) của vương quốc này (x.Mt.5:3-12). “Các Mối Phúc Đức hướng niềm hy vọng của chúng ta về trời như về một miền Đất Hứa mới; chúng ghi dấu vết con đường dẫn qua những thử thách đang đợi chờ các người môn đệ của Chúa Giêsu” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1820).
4- Được làm Đức Kitô và là Chúa nhờ mầu nhiệm vượt qua (x.Acts 2:36), Chúa Giêsu đã trở nên “một thần linh ban sự sống” (1Cor.15:45), và các tín hữu, khi được rửa trong Người bằng nước và Thần Linh (x.Jn.3:5), đã được “tái sinh vào một niềm hy vọng sống động” (1Pt.1:3). Từ đó, tặng ân cứu chuộc, nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành một lời đoan hứa và là một dấu ấn (x.2Cor.1:21-22; Eph.1:13-14) cho việc hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa là chính niềm hiệp thông Chúa Kitô dẫn chúng ta tới. Chúa Thánh Thần, như trong Bức Thư gửi cho Titô cho thấy, được “tuôn đổ dồi dào xuống trên chúng ta, nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, để chúng ta được công chính hóa bởi ân sủng của Người và trở nên những người thừa tự nơi niềm hy vọng sự sống trường sinh” (Ti.3:6-7).
5- Cũng theo các vị Giáo Phụ Hội Thánh thì Chúa Thánh Thần là “tặng ân làm chan hòa niềm hy vọng trọn hảo trên chúng ta” (Thánh Hilariô Poitiers, De Trinitate, II, 1). Thật vậy, theo Thánh Phaolô, chính Thần Linh “chứng tỏ với lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, và nếu đã là con cái thì cũng là những kẻ thừa tự, thành phần thừa tự của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Chúa Kitô” (Rm.8:16-17).
Đời sống Kitô hữu phát triển và thành toàn từ “cái đã có” đó (that already) nơi ơn cứu chuộc là sự sống của con cái Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta nhờ Chúa Thánh Linh được trở thành những kẻ thông phần. Từ việc cảm nghiệm được tặng ân này, đời sống Kitô hữu kiên trì tin tưởng mong đợi vào “cái chưa có” (the not yet) cũng như vào “cái còn nữa” (the yet more) được Thiên Chúa hứa cho chúng ta và sẽ ban cho chúng ta vào lúc tận cùng thời gian. Thật thế, Thánh Phaolô chủ trương rằng, nếu người ta thực sự là con thì họ cũng chính là kẻ thừa tự cùng với Chúa Kitô, “vị trưởng tử của một đàn em đông đúc” (Rm.8:29), nơi tất cả những gì thuộc về Chúa Cha. “Tất cả mọi sự Cha có đều là của Thày” (Jn.16:15), Chúa Giêsu đã phán như thế. Vì lý do này, trong việc thông truyền Thần Linh của mình cho chúng ta, Người làm chúng ta được thừa hưởng gia nghiệp của Chúa Cha và ban cho chúng ta lời đoan hứa cùng với các hoa trái đầu mùa. Sự thật thần linh này là một nguồn mạch vô tận của đức cậy trông Kitô giáo.
6- Giáo huấn của Hội Thánh coi đức cậy trông là một trong ba thần đức, được Thiên Chúa nhờ Chúa Thánh Thần đổ vào lòng các tín hữu. Chính nhân đức này “làm cho chúng ta khát vọng nước trời và sự sống trường sinh như là hạnh phúc của chúng ta, khi chúng ta đặt tin tưởng vào lời Chúa Kitô hứa, và không cậy dựa vào sức riêng của mình, mà vào ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1817).
Ơn trông cậy “phải được đặc biệt chú trọng… nhất là vào thời của chúng ta đây, thời mà nhiều người, kể cả một số không ít Kitô hữu, đang chới với trong ảo tưởng hoang đường về cái khả năng vô hạn của mình, cho rằng tự mình có thể cứu lấy mình và đủ cho mình, cũng như đang chao đảo trong cơn cám dỗ bi quan vì thường cảm nghiệm thấy mình không được như ý và bị thảm bại” (Buổi Triều Yết Chung ngày 3 tháng 7 năm 1991; Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, phát hành ngày 8 tháng 7 năm 1991, trang 11).
Nhiều nguy hiểm như thể đang làm hỏa mù tương lai nhân loại, nhiều bất an đang đè nặng trên định mệnh cá nhân con người, và họ thường cảm thấy bất lực trong việc đương đầu với chúng. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng về ý nghĩa cuộc đời cũng như việc nan giải về vấn đề đau thương và sự chết vẫn không ngừng đập vào cửa lòng của con người đương thời chúng ta đây.
Sứ điệp hy vọng phát xuất từ Chúa Giêsu Kitô đang làm sáng lên chân trời mù mịt những bất an và bi quan ấy. Đức cậy trông hỗ trợ và bảo trì chúng ta trong một cuộc chiến đức tin tốt đẹp (x.Rm.12:12). Nó được nuôi dưỡng bằng nguyện cầu, nhất là bằng “Kinh Lạy Cha”, “một bản tóm lược tất cả những gì đức trông cậy làm cho chúng ta biết ước nguyện” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1820).
7- Ngày nay việc làm sao cho lương tâm của các cá nhân tái thức tỉnh cũng chưa đủ; còn cần phải cùng nhau vượt qua ngưỡng cửa hy vọng nữa.
Thật vậy, như chúng ta sẽ được dịp xét đến, đức cậy trông thực sự có một chiều kích cộng đồng và xã hội, bởi đó, những gì Thánh Tông Đồ nói có nghĩa xứng hợp và trực tiếp về Giáo Hội cũng có thể áp dụng theo nghĩa rộng vào ơn gọi của toàn thể nhân loại: “Chỉ có một thân thể và một Thần Linh, cũng như anh em được kêu gọi đến một niềm hy vọng duy nhất, niềm hy vọng thuộc về ơn gọi của anh em” (Eph.4:4).
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 18/11/1998)