Bài 40 (Thứ Tư ngày 18-11-1998)

 

Những Dấu Hy Vọng

hiện lên cuối trời thế kỷ này

 

V

Iệc chúng ta sâu xa tìm hiểu tác động của Thánh Linh trong Giáo Hội và trong thế giới dẫn chúng ta tới việc để ý đến “những dấu hy vọng hiện lên trong giai đoạn cuối cùng của thế kỷ này, dù chúng thường ẩn khuất trước mắt chúng ta” (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 46). Thật thế, đúng là thế kỷ của chúng ta được đánh dấu bằng những tội ác rất trầm trọng phạm đến con người, cũng như nó bị mù mịt bởi những ý hệ không khuyến khích con người trong việc tự do đón nhận sự thật của Chúa Giêsu Kitô cũng như trong việc phát triển con người trọn vẹn. Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy, Thần Linh của Thiên Chúa, Đấng “tràn đầy thế gian” (Wis.1:7; x. Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 11), vẫn không ngừng gieo rắc muôn vàn hạt giống chân lý, yêu thương và sự sống nơi cõi lòng của các con người nam nữ trong thời của chúng ta đây. Những hạt giống này đã làm trổ sinh nhiều hoa trái tiến bộ, nhân bản hóa và văn minh hóa là những dấu hy vọng đích thực cho nhân loại trong cuộc hành trình của họ.

 

2-       Qua Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, trong những dấu hy vọng này, Tôi đã đề cập đến, trước tiên là “tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và nhất là y khoa trong việc phục vụ sự sống con người” (đoạn 46). Sự sống con người trên thế giới này, trong lãnh vực xã hội và cá nhân, chắc chắn đã thấy được và tiếp tục cảm thấy được mức cải tiến đáng kể nhờ những phát triển khoa học phi thường. 

          Tiến bộ về kỹ thuật, một khi nó tôn trọng việc thăng tiến nhân bản thực sự và trọn vẹn, cũng phải được chấp nhận với một lòng biết ơn, cho dù khoa học và kỹ thuật rõ ràng là không đủ để làm thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của con người. Trong những tiến bộ về kỹ thuật ngày nay cho thấy một tương lai nhân loại đầy hứa hẹn, Tôi muốn đề cập đến những tiến bộ đạt được nơi ngành y khoa. Thật thế, khi chúng cải tiến toàn diện sự sống con người bằng những phương tiện lành mạnh, chúng đã hùng hồn làm sáng tỏ dự án sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa, Đấng muốn con người được viên mãn sự sống trong Chúa Kitô. Chúng ta cũng không quên được sự tiến bộ khổng lồ về lãnh vực của các phương tiện truyền thông. Nếu phương tiện truyền thông xã hội được thực hiện theo lề lối hoàn toàn dân chủ và được sử dụng để truyền đạt những giá trị chân chính, thì nhân loại mới có thể hưởng được nhiều thiện ích và mới cảm thấy một đại gia đình nhân loại.

 

3-       Một dấu hy vọng khác được thể hiện nơi “ý thức nhiều hơn về trách nhiệm của chúng ta đối với môi sinh” (cùng đoạn vừa dẫn). Ngày nay, trong việc tỏ thái độ đối với vấn đề khai thác bất kể các tài nguyên thiên nhiên cho việc phát triển kỹ nghệ, nhân loại đang tái khám phá ý nghĩa và giá trị của môi sinh như là một chỗ cư trú đáng ở (oikos), nơi họ được kêu gọi để sống cuộc đời của mình. Những đe dọa đang treo lủng lẳng trên tương lai nhân loại, vì thiếu tôn trọng mức quân bình của guồng máy môi sinh, đang thúc đẩy con người văn hóa và khoa học cũng như các vị có thẩm quyền phải tìm hiểu và áp dụng các mức hạn cùng với các kế hoạch khác nhau. Chúng chẳng những nhắm vào việc sửa chữa lại cái thiệt hại đã xẩy ra từ trước tới nay, mà nhất là còn phác ra một mức phát triển về mặt xã hội hòa hợp với việc tôn trọng và cảm nhận môi trường thiên nhiên.

          Cảm thức trách nhiệm nhạy bén đối với môi trường ấy cũng phải phấn khích Kitô hữu tái khám phá ra ý nghĩa sâu xa của dự định sáng tạo được Thánh Kinh bày tỏ cho thấy. Thiên Chúa đã muốn ủy thác cho con người nam nữ, như là đại diện của Ngài, công việc nhân danh Ngài mà sinh sôi nẩy nở đầy mặt đất và làm chủ nó (x.Gn.1:28), làm nối dài và, bằng một cách nào đó, làm hoàn tất việc tạo dựng của riêng Ngài.

 

4-       Trong số các dấu hy vọng ở thời chúng ta, chúng ta cũng phải nhớ đến “những nỗ lực phục hồi hòa bình và công chính ở bất cứ nơi nào chúng bị vi phạm, ước muốn hòa giải và kết đoàn giữa các dân khác nhau, nhất là mối liên hệ phức tạp giữa miền Bắc và miền Nam trên thế giới” (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 46). Ở thế kỷ mà nay đã gần kết thúc, chúng ta đã chứng kiến thấy tình trạng tàn khốc khủng khiếp của hai cuộc thế chiến, và ngày nay vẫn còn những cuộc chiến cùng với căng thẳng khác nữa làm cho dân chúng và các quốc gia trên khắp thế giới lầm than đau khổ. Chưa bao giờ như thế kỷ này lại có các khối người cảm thấy và tiếp tục trải qua những điều kiện sống bất xứng với thân phận con người như thế – một phần là do guồng máy khai thác tệ hại.

          Bởi vì cả lý do này nữa mà lương tâm con người, được thúc đẩy bởi tác động mầu nhiệm của Thần Linh, đã tiến tới giải pháp lấy việc kiến tạo hòa bình và công bình chính trực làm ưu tiên không thể không thực hiện. Ngày nay lương tâm con người coi việc tồn tại của các điều kiện sống bất chính, tình trạng kém phát triển và việc vi phạm nhân quyền như một tội ác không thể dung thứ. Hơn nữa, việc dùng chiến tranh như đường lối giải quyết những đối chọi nhau đều bị phủ nhận một cách chính đáng. Cũng đang phát triển chiều hướng cho rằng chỉ có đường lối đối thoại và hòa giải mới có thể hàn gắn được các thương tích do lịch sử gây ra nơi cuộc sống của các quốc gia. Chỉ có đối thoại và hòa giải mới có thể mang lại một giải quyết tích cực cho các trục trặc vẫn còn ở nơi mối liên hệ quốc tế.

          Thế giới hiện đại này chắc chắn đang được cấu tạo để thành nên một thể chế liên thuộc ở lãnh vực kinh tế, văn hóa và chính trị. Người ta không thể nào chỉ căn cứ trên căn bản lợi ích, dù sâu nặng đến đâu, của riêng các dân tộc và các quốc gia mà lý luận nữa: một nhận thức đại đồng thực sự cần phải được đạt tới.

 

5-       Vì lý do này, vị tiền nhiệm của Tôi là Đức Phaolô VI đã tiên ước trong việc hướng cái nhìn của nhân loại về mục tiêu “văn minh yêu thương”, một mục tiêu làm cho lý tưởng nhân loại chỉ là một gia đình mới có thể khả đạt, trong khi vẫn tôn trọng căn tính của mỗi một phần tử gia đình và chia sẻ tặng ân cho nhau.

          Trên con đường tiến đến “văn minh yêu thương” này, các tín hữu, dễ dạy theo tác động của Thánh Linh, được kêu gọi để thực hiện một việc đóng góp không thể thiếu, trong việc chiếu tỏa vào lịch sử ánh sáng của Chúa Kitô, Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể. Như Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc nhở thì Người “tỏ cho chúng ta thấy rằng ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Jn.4:8), và đồng thời dạy chúng ta rằng lề luật trọn lành căn bản cho con người, cũng là lề luật biến đổi thế giới, là giới răn mới yêu thương. Người bảo đảm với những ai tin tưởng vào đức ái của Thiên Chúa là con đường yêu thương được mở ra cho tất cả mọi người, và nỗ lực trong việc thiết lập tình huynh đệ đại đồng sẽ không bị uổng phí” (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 38). 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 25/11/1998)