Bài 41 (Thứ Tư ngày 25-11-1998)
Thần Linh dẫn Giáo Hội bước đi trên con đường canh tân
T
rong bài giáo lý trước, chúng ta đã suy niệm về “những dấu hy vọng” hiện diện trong thế giới. Hôm nay chúng ta tiếp tục bài suy niệm này trong việc xét đến một số “dấu hiệu hy vọng” hiện có trong Giáo Hội để các cộng đồng Kitô hữu có thể hiểu biết hơn và cảm thấy những dấu hy vọng này hơn. Chúng phát xuất từ tác động của Thánh Linh, Đấng mà qua các thế kỷ, “bằng quyền năng của Phúc Aâm… khiến cho Giáo Hội giữ được nét trẻ trung. Ngài không ngừng canh tân Giáo Hội và dẫn Giáo Hội đến tình trạng hoàn toàn hiệp nhất với Tân Lang của Giáo Hội” (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 4).
Trong những biến cố của giáo hội để lại dấu vết đậm nét nơi thế kỷ của chúng ta, biến cố quan trọng nhất là Công Đồng Chung Vaticanô II. Nhờ Công Đồng này, Giáo Hội đã lấy ra từ kho tàng của mình “điều cũ cũng như mới” (x. Mt. 13:52), và cảm nghiệm được một cách nào đó ân sủng của một Lễ Hiện Xuống mới (x. Lời của Đức Gioan XXIII cuối kỳ họp đầu tiên của Công Đồng, III, in Discorsi, Messaggi, Colloqui V, năm 1962/1963, trang 29). Nếu chúng ta nhìn kỹ thì những dấu hy vọng đang làm cho sứ mệnh của Giáo Hội hôm nay linh hoạt đều có liên hệ với việc tuôn tràn Thánh Linh mà Giáo Hội đã cảm thấy trong cuộc sửa soạn, cử hành và áp dụng Công Đồng Chung Vaticanô II.
2- Việc lắng nghe những gì “Thần Linh đang nói với Giáo Hội cũng như cho các Giáo Hội” (Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 23; x. Rev. 2:7ff) đang được thể hiện nơi việc chấp nhận những đoàn sủng mà Ngài phân phối dồi dào. Việc tái khám phá và cảm nhận này của Giáo Hội đã khai mở cho một cuộc hiệp thông chặt chẽ giữa các ơn gọi khác nhau nơi Dân Chúa, như được thể hiện qua lòng nhiệt thành hân hoan mới mẻ đối với việc truyền bá Phúc Aâm.
Đặc biệt là hôm nay đây Thánh Linh đang thôi thúc Giáo Hội phát động ơn gọi và sứ mệnh của người tín hữu giáo dân. Việc họ tham dự và cùng có trách nhiệm trong đời sống nơi cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức của việc tông đồ và việc phục vụ của họ trong xã hội, khiến cho chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của đệ tam thiên niên sẽ có một cuộc “hiển linh” trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân. Cũng thấy có hy vọng ở nơi cả vai trò nữ giới mà họ được kêu gọi để lãnh nhận nữa. Trong xã hội dân sự cũng như Giáo Hội, “khả năng nữ giới” đang càng ngày càng trở nên rõ nét hơn, và khả năng nữ giới này cần phải được nâng đỡ hơn bằng những cách thức xứng hợp với ơn gọi nữ giới theo ý định của Thiên Chúa.
Ngoài ra, chúng ta không thể quên được rằng, một trong những tặng ân Thần Linh đã ban phát rộng rãi trong thời của chúng ta là việc thăng hoa các biến chuyển giáo hội, các biến chuyển mà từ lúc mở màn cho Giáo Triều của mình Tôi vẫn tiếp tục chỉ điểm như là căn nguyên hy vọng của Giáo Hội cũng như xã hội. Chúng “là dấu hiệu của các hình thức tự do, thể hiện một Giáo Hội duy nhất, và chúng cũng biểu hiệu cho nét mới mẻ tốt đẹp đang hoạt động trong giây phút lịch sử hiện tại này, chờ được nhận ra một cách trọn vẹn mọi tác dụng tích cực của nó đối với nước Chúa” (Insegnamenti VII/2 năm 1984, trang 696).
3- Thế kỷ của chúng ta cũng đã từng chứng kiến thấy mầm mống của biến chuyển giáo hội bừng nở và phát triển. Trong cuộc biến chuyển này, Thánh Linh đã dẫn các phần tử của các Cộng Đồng Giáo Hội khác nhau tìm kiếm những đường lối đối thoại để thực hiện việc tái thiết lập hiệp nhất.
Đặc biệt nhờ Công Đồng Chung Vaticanô II, việc tìm kiếm hiệp nhất và quan tâm đại kết đã dứt khoát trở thành “một lãnh vực cần thiết cho toàn bộ đời sống Giáo Hội”, và là một cuộc dấn thân ưu tiên của Giáo Hội Công Giáo trong việc “muốn đóng góp bằng mọi cách có thể” (Insegnamenti VIII/1 năm 1991, trang 1999). Việc đối thoại về sự thật, được mở đường và hỗ trợ bằng việc đối thoại bằng bác ái, đang dần dần gặt hái được những hoa trái đáng kể. Cũng thấy có một ý thức mãnh liệt hơn về linh hồn thực sự của trào lưu trong việc phục hồi hiệp nhất Kitô giáo là ở trào lưu đại kết thiêng liêng, tức là ở việc cải thiện tâm hồn, nguyện cầu và sống thánh thiện (x. Unitatis Redintegratio, đoạn 8).
4- Sau hết, trong số nhiều dấu hiệu hy vọng khác, Tôi muốn đề cập đến “khuynh hướng phát triển trong việc đối thoại với các tôn giáo khác cũng như với văn hóa hiện đại” (Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 46).
Riêng việc đối thoại với các tôn giáo khác, người ta chỉ cần nhớ lại tính cách tiên tri mà Tuyên Ngôn Nostra Aetate của Công Đồng Chung Vaticanô II về liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo vẫn được dần dần thể hiện. Nhiều cuộc gặp gỡ và đối thoại ở các cấp khác nhau đã được thực hiện và đang được thực hiện ở mọi phần đất trên thế giới giữa đại diện của các tôn giáo khác nhau. Tôi hân hoan nhắc lại cách riêng bước tiến dài đã đạt tới trong việc đối thoại với Anh Em Do Thái, “chư huynh” của chúng ta.
Việc các tôn giáo đang tin tưởng xích lại gần nhau để đối thoại, và cảm thấy có một nhu cầu khẩn trương trong việc hợp lực để cổ võ mức tiến bộ cũng như để đóng góp với các quốc gia dấn thân phục vụ nền luân lý, là một dấu hy vọng quan trọng cho nhân loại. Niềm tin tưởng vào tác động liên lỉ của Thần Linh khiến chúng ta hy vọng rằng, nhờ cùng một đường lối quan tâm và hiểu biết nhau ấy, mọi người có thể mở lòng mình ra cho Chúa Kitô, Aùnh Sáng đích thực “chiếu soi mọi người” (Jn.1:9).
Còn việc đối thoại với văn hóa, tinh thần của Công Đồng Chung Vaticanô II cũng đang chứng tỏ cho thấy cái công hiệu linh cảm của mình: “Theo khuynh hướng của thế giới, Giáo Hội được công nhận biết là một thực tại xã hội và là một lực đẩy trong lịch sử thế nào, Giáo Hội cũng không phải là không cảm nhận thấy mình đã được hưởng lợi bởi lịch sử cũng như bởi việc phát triển nhân loại như vậy” (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 44). Những liên hệ đạt được trong lãnh vực này đã thắng lướt những tổn thương bất trắc. Việc các trào lưu văn hóa khác nhau trong thời chúng ta đã chú tâm hơn đối với nghiệm thức tôn giáo, nhất là với Kitô giáo, đang thôi thúc chúng ta kiên trì tiến bước trên con đường chúng ta đã lựa chọn, hướng về một cuộc gặp gỡ mới mẻ giữa Phúc Aâm và văn hóa.
5- Trong nhiều dấu hiệu hy vọng ấy chúng ta không thể không nhận ra tác động của Thần Linh Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong việc hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài cũng như trong việc hiệp thông với Ngài, Tôi cũng muốn thấy có cả vai trò của Mẹ Maria nữa, Đấng “được Thánh Linh khuôn đúc và được hình thành như một tạo vật mới” (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 56). Là một người mẹ, Mẹ Maria chuyển cầu cho Giáo Hội và dẫn Giáo Hội tiến bước trên con đường thánh thiện và dễ dạy đối với Đấng An Ủi. Vào buổi bình minh của một thiên niên mới, chúng ta có thể vui mừng nhận ra rằng “bản tóm lược về Mẹ Maria” của Giáo Hội (Insegnamenti X/3 năm 1987, trang 1483) là điều mô tả ý nghĩa sâu xa nhất cho cuộc canh tân của Công Đồng Chung Vaticanô II.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 2/12/1998)