Bài 43 (Thứ Tư ngày 9-12-1998)
Vai trò làm mẹ của Đức Maria
gắn liền với Thần Linh
Đ
ể đúc kết loạt bài suy niệm của chúng ta về Chúa Thánh Thần vào năm dành để kính Ngài trong cuộc chúng ta hành trình tiến đến Đại Năm Thánh này, chúng ta hãy ngước nhìn lên Mẹ Maria. Lời Mẹ ưng thuận lúc Truyền Tin 2000 năm trước đây đã mở màn cho một tân sử của nhân loại. Thật vậy, Con Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta lúc Mẹ Maria thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ Chúa; xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài” (Lk.1:38).
Việc Mẹ Maria cộng tác với Chúa Thánh Thần trong ngày Truyền Tin và Thăm Viếng đã cho thấy thái độ Mẹ liên tục tuân theo các tác động của Đấng An Uûi. Ý thức được mầu nhiệm về Người Con thần linh của mình, Mẹ Maria đã phó mình cho Thần Linh dẫn dắt để Mẹ tác hành cách xứng hợp với sứ vụ làm mẹ của Mẹ. Là một người nữ cầu nguyện đích thực, Đức Trinh Nữ đã xin Chúa Thánh Thần hoàn tất công việc đã được bắt đầu từ cuộc thụ thai, để Con của Mẹ được lớn lên “trong khôn ngoan và tầm vóc, đẹp lòng Thiên Chúa và loài người” (Lk.2:52). Như thế, Mẹ Maria đã tỏ mình ra như là một mô phạm cho các người làm cha làm mẹ, khi Mẹ cho họ thấy nhu cầu cần phải kêu xin cùng Chúa Thánh Thần để tìm ra đường lối đúng đắn trong việc giáo dục khó khăn.
2- Câu truyện hiến dâng Chúa Giêsu trong đền thờ cũng trùng hợp với việc can thiệp quan trọng của Chúa Thánh Thần. Mẹ Maria và Thánh Giuse lên đền thờ để “trình” (x.Lk.2:22), tức là để dâng Chúa Giêsu theo luật Moisen, khoản luật ấn định việc chuộc lấy con trai đầu lòng cũng như việc thanh tẩy người mẹ. Bởi cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa của nghi thức nói lên việc hiến dâng chân thành này, các ngài đã được những lời của ông già Simêon theo ơn thúc đẩy đặc biệt của Thánh Linh nói lên soi sáng.
Trình thuật của Thánh Luca rõ ràng nhấn mạnh đến ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần nơi đời sống của người đàn ông già cả này. Oâng đã được Thần Linh hứa là ông sẽ không chết trước khi được nhìn thấy Đấng Thiên Sai. Vì thế mà, “theo Thần Linh đánh động, ông đã vào đền thờ” (Lk.2:27), cũng vừa lúc Mẹ Maria và Thánh Giuse mang con trẻ tới đó. Bởi thế, chính Chúa Thánh Thần đã là Đấng sắp xếp cuộc gặp gỡ này xẩy ra. Chính Ngài là Đấng khởi hứng nơi ông già Simêon một khúc ca để cử hành cho tương lai của một em nhỏ xuất hiện như “ánh sáng chiếu soi Dân Ngoại” và “vinh quang của dân Người” (Lk.2:23). Mẹ Maria và Thánh Giuse lạ lùng về những lời quảng diễn ấy về sứ vụ của Chúa Giêsu bao gồm tất cả mọi dân nước.
Rồi cũng chính Thần Linh là Đấng khiến cho ông Simêon nói lên lời tiên tri sầu thương: đó là Chúa Giêsu sẽ trở nên “một dấu hiệu phản khắc” và sẽ thành “một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn (Mẹ Maria)” (Lk.2:34, 35). Qua những lời này, Chúa Thánh Thần đã giúp cho Mẹ Maria dọn mình chịu đựng một thử thách cả thể đang đợi chờ Mẹ, và làm cho lễ nghi Mẹ hiến dâng Con Mẹ có một giá trị yêu thương hy hiến. Khi Mẹ Maria nhận lại Con mình từ tay ông già Simêon, Mẹ đã hiểu được rằng, Mẹ lãnh lấy Người là để hy hiến Người. Vai trò mẫu thân của Mẹ dính dáng đến định mệnh của Chúa Giêsu, và những gì phản chống Người đều chạm đến cả trái tim Mẹ nữa.
3- Việc Mẹ Maria hiện diện dưới chân Thập Giá là dấu hiệu nói lên rằng Mẹ đã đi cho đến cùng con đường sầu thương do Chúa Thánh Thần phác tả qua miệng của ông già Simêon.
Qua những lời Chúa Giêsu phán trên đồi Canvê với Mẹ Người cũng như với môn đệ yêu dấu của Người, chúng ta thấy một đặc điểm khác của tác động Chúa Thánh Thần: đó là việc Chúa Thánh Thần muốn bảo đảm cho hy tế của Chúa Giêsu sinh hoa kết trái. Chính những lời của Chúa Giêsu cho thấy phương diện “Thánh Mẫu” nơi việc sinh hoa kết trái này: “Này bà, đó là người con của bà!” (Jn.19:26). Chúa Thánh Thần không rõ ràng tỏ hiện nơi những lời này. Thế nhưng, vì biến cố Thập Giá cũng như toàn thể cuộc đời của Chúa Kitô đều diễn tiến trong Chúa Thánh Thần (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 40-41), nên cũng trong cùng một vị Thần Linh ấy mà Chúa Cứu Thế đã xin Mẹ Người hợp với hy tế của Con Mẹ để mẹ trở nên mẹ của đoàn con đông đúc. Vị Thần Linh này muốn bảo đảm là hy sinh cao cả ấy của Mẹ Chúa Giêsu phải trổ sinh muôn vàn hoa trái: Mẹ đóng một vai trò làm mẹ mới bao gồm tất cả mọi người nam nữ.
Từ Thập Giá, Đấng Cứu Thế muốn đổ xuống trên nhân loại những giòng sông chảy nước sự sống (x.Jn.7:38), tức là đổ xuống dồi dào Thánh Linh. Thế nhưng, Người muốn việc trào đổ ân sủng này phải được gắn liền với dung nhan của một người mẹ, Mẹ của Người. Vậy Mẹ Maria đã hiện lên như một tân Evà, một người mẹ sinh linh, hay Nữ Tử Sion, người mẹ của tất cả mọi dân nước. Tặng ân mẫu thân phổ quát này được bao gồm trong sứ vụ cứu chuộc của Đấng Thiên Sai: “Sau đó, biết rằng tất cả đã hoàn tất, Chúa Giêsu…”, Thánh Ký viết lời này ngay sau hai câu: “Này bà, người con của bá đó!” và “Đó là người mẹ của con!” (Jn.19:26-28).
Nơi khung cảnh này, chúng ta có thể hiểu được sự hòa điệu của ý định Thiên Chúa liên quan đến vai trò của Mẹ Maria trong tác động cứu độ của Chúa Thánh Thần. Nơi mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ đã đóng một vai trò trọng yếu trong việc Mẹ cộng tác với Thần Linh; nơi mầu nhiệm hạ sinh và tăng trưởng con cái Thiên Chúa, việc trợ giúp từ mẫu của Mẹ Maria cũng gắn liền với tác động của Chúa Thánh Thần.
4- Theo ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói trên đồi Canvê, việc Mẹ Maria hiện diện nơi cộng đoàn môn đệ để chờ ngày Lễ Ngũ Tuần đạt được ý nghĩa trọn vẹn của mình. Thánh Luca, vị thánh ký đã chú trọng đến vai trò của Mẹ Maria trong cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu, cũng muốn nhấn mạnh đến việc hiện diện quan trọng của Mẹ trong cuộc Giáo Hội được hạ sinh. Cộng đoàn này qui tụ chẳng những các vị Tông Đồ và các vị môn đệ, còn cả những người phụ nữ nữa, mà người nữ duy nhất được Thánh Luca kể đến tên là “Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu” (Acts 1:14).
Thánh Kinh đã cho chúng ta thấy một chi tiết khác về Mẹ Maria sau thảm kịch Canvê. Thế nhưng, cần phải biết rằng, Mẹ cũng đã thông dự vào đời sống cộng đồng Giáo Hội sơ khai và vào việc đồng tâm nhất trí sốt sắng nguyện cầu. Mẹ chắc chắn đã có mặt nơi cuộc tuôn tràn Thần Linh vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Vị Thần Linh đã ngự trị nơi Mẹ Maria, làm nên những kỳ công ân sủng nơi Mẹ, bấy giờ lại xuống với lòng Mẹ, thông ban những tặng ân và đoàn sủng cần thiết cho việc Mẹ thực hiện vai trò làm mẹ thiêng liêng của mình.
5- Mẹ Maria tiếp tục thực thi trong Giáo Hội vai trò mẫu thân đã được Chúa Kitô ủy thác cho Mẹ. Trong sứ vụ từ mẫu này, người nữ tỳ khiêm hạ của Chúa không tranh giành vai trò của Chúa Thánh Thần; trái lại, Mẹ được vị Thần Linh này kêu gọi cộng tác với Ngài trong vai trò làm mẹ. Ngài tiếp tục làm cho Giáo Hội nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với người môn đệ dấu yêu: “Đó là người mẹ của con!”, và mời gọi các tín hữu yêu mến Mẹ Maria như Chúa Kitô đã mến yêu Mẹ. Một khi mối liên hệ với Mẹ Maria càng trở nên sâu đậm thì tác động của Thần Linh trong đời sống Giáo Hội lại càng sinh hoa kết trái hơn.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 16/12/1998)