Bài 44 (Thứ Tư ngày 16-12-1998)
Cuộc Lữ Hành tiến về Nhà Cha
“T
hày từ Cha mà đến trong thế gian; Thày cũng đang lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha” (Jn.16:28).
Dựa vào những lời Chúa Giêsu nói đó, để đi theo chủ đề được phác họa trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến cho giai đoạn dọn mừng Đại Năm Thánh 2000, hôm nay chúng ta bắt đầu một đoản kỳ mới về giáo lý liên quan đến hình ảnh Thiên Chúa là Cha.
Trong đoản kỳ của năm thứ nhất, chúng ta đã suy niệm về Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất. Thật vậy, là việc cử hành Con Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người, Cuộc Mừng Kỷ Niệm đã có tính cách Kitô học rõ ràng. Chúng ta đã suy niệm về ý nghĩa của thời gian, một thời gian đã đạt đến thời điểm chính yếu của mình nơi cuộc hạ sinh của Đấng Cứu Chuộc 2000 năm trước đây. Biến cố hạ sinh này của Đấng Cứu Chuộc chẳng những đã khai mào cho kỷ nguyên Kitô giáo, mà còn mở ra một giai đoạn mới canh tân nhân loại và vũ trụ, với lòng mong đợi lần đến cuối cùng của Chúa Kitô.
Thế nên, các bài giáo lý của năm dọn mừng thứ hai cho cuộc Mừng Kỷ Niệm này, chúng ta đã chú trọng đến Chúa Thánh Thần là Đấng Chúa Giêsu từ Cha sai đến. Chúng ta đã suy niệm về Ngài như Ngôi Vị Tình Yêu và Ngôi Vị Ban Tặng trong công cuộc tạo dựng cũng như trong lịch sử. Chúng ta đã nhấn mạnh đến quyền phép của Ngài, một quyền phép biến tình trạng hỗn mang thành một vũ trụ phong phú lớp lang và đẹp đẽ. Sự sống thần linh đã được truyền đạt nơi Ngài, và cùng với Ngài lịch sử đã trở thành một đạo lộ cứu độ.
Giờ đây chúng ta muốn dùng năm thứ ba dọn mừng Cuộc Mừng Kỷ Niệm nay đã gần kề này như một cuộc hành hương tiến về nhà Cha. Như thế chúng ta bắt đầu cuộc hành hương, khởi từ Cha, dẫn tạo vật về lại Cha, hợp với dự án yêu thương được hoàn toàn mạc khải nơi Chúa Kitô. Cuộc hành trình tiến đến Cuộc Mừng Kỷ Niệm phải trở nên một tác động trọng đại chúc tụng Cha (x.Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 49), để trong Ngài tất cả Ba Ngôi được tôn vinh.
2- Khởi điểm loạt bài suy niệm của chúng ta này là những lời Phúc Aâm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha và là Đấng Mạc Khải Chúa Cha. Việc giảng dạy của Người, sứ vụ của Người, ngay cả cung cách sống của Người, tất cả, trong Người, đều qui chiếu về Chúa Cha (x.Jn.5:19,36; 8:28; 14:10; 17:6). Chúa Cha là trung tâm điểm của đời sống Chúa Giêsu, còn Chúa Giêsu lại là đường lối duy nhất dẫn chúng ta đến cùng Cha. “Không ai đến được với Cha mà không nhờ Thày” (Jn.14:6). Chúa Giêsu là điểm gặp gỡ của nhân loại và Chúa Cha, Đấng trở nên hữu hình nơi Người: “Ai thấy Thày là thấy Cha; sao con lại nói ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Cha?’ Con không tin rằng Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày ư?” (Jn.14:9-10).
Cuộc tỏ hiện rõ ràng nhất của mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là thân phận của Người sau cuộc Phục Sinh, biến cố tột đỉnh cho sứ vụ của Người và là nguồn mạch sự sống mới trường sinh cho những ai tin vào Người. Thế nhưng, việc hiệp nhất giữa Con và Cha, cũng như việc hiệp nhất giữa Con và thành phần tin vào Người, xẩy ra nhờ mầu nhiệm “nâng lên” nơi Chúa Giêsu, như lối diễn tả đặc biệt của Phúc Aâm Thánh Gioan. Sử dụng chữ “nâng lên”, Thánh Ký Gioan có ý nói đến cả việc chịu đóng đanh và được tôn vinh của Chúa Kitô; cả hai việc này đều phản ảnh nơi thành phần tin vào Người: “Vậy Con Người phải bị nâng lên, để ai tin vào Người thì có sự sống đời đời. Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến ban Con duy nhất của mình, để ai tin vào Con thì không phải chết song có sự sống đời đời” (Jn.3:14-16).
“Sự sống đời đời” này không là gì khác ngoài việc các tín hữu được tham dự vào chính sự sống của Chúa Giêsu phục sinh và ở tại việc họ tham gia vào chuyển vận tình yêu hiệp nhất Cha Con, Đấng duy nhất (x.Jn.10:30; 17:21-22).
3- Cuộc hiệp thông sâu xa của Cha, Con và các tín hữu có cả Chúa Thánh Thần, vì Ngài là mối liên hệ đời đời hiệp nhất Cha Con và bao gồm nhân loại trong mầu nhiệm tình yêu khôn tả này. Được ban cho các tín hữu như là “Đấng Chỉ Đạo”, Thần Linh “cư ngụ” nơi các môn đệ Chúa Kitô (x.Jn.14:16-17) để làm cho Ba Ngôi hiện diện.
Theo Thánh Ký Gioan, Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người như thế, ngay chính lúc Người hứa sai Đấng An Uûi đến với các vị: “Vào ngày đó các con sẽ biết rằng Thày ở trong Cha, rồi các con ở trong Thày và Thày ở trong các con” (Jn.14:20).
Chính Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn con người vào mầu nhiệm sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi. Là “Thần Chân Lý” (Jn.15:26;16:13), Ngài tác động sâu xa nơi các tín hữu, để làm cho Sự Thật là Chúa Kitô chiếu sáng trong tâm trí của họ.
4- Thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc chúng ta hướng về Chúa Cha nhờ Thần Linh của Chúa Kitô là Đấng ngự trong chúng ta. Vị Tông Đồ này cho đó là vai trò thực sự làm con khiến chúng ta được quyền gọi Thiên Chúa là Cha, giống như danh xưng Chúa Giêsu đã dùng: Abba (x.Rm.8:15).
Tất cả mọi tạo vật đều được bao gồm trong chiều kích mới liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa ấy, và “đang ngong ngóng trông đợi việc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa” (Rm.8:19). Tạo vật cũng “đang cùng nhau rên xiết quằn quại cho đến nay” (Rm.8:22), trông mong ơn cứu chuộc trọn vẹn sẽ tái thiết và làm hoàn hảo tình trạng hòa hợp của vũ trụ trong Chúa Kitô.
Khi diễn tả mầu nhiệm này, mầu nhiệm hiệp nhất loài người và toàn thể tạo vật với Chúa Cha, Thánh Tông Đồ cũng cho thấy vai trò của Chúa Kitô và tác động của Thần Linh. Chính bởi Chúa Kitô, “hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Col.1:15) mà tất cả mọi sự đã được tạo thành.
Người là “nguyên ủy, là trưởng tử của kẻ chết” (Col.1:18). Trong Người “tất cả mọi sự trên trời cũng như dưới đất được hiệp nhất” (x.Eph.1:10), và việc của Người là giải cứu họ cho Cha (x.1Cor.15:24), để Thiên Chúa là “tất cả đối với mọi người” (1Cor.15:28). Cuộc hành trình này của nhân loại và của thế giới tiến đến Chúa Cha cũng được quyền phép Chúa Thánh Thần bảo trì nâng đỡ, Đấng hộ giúp chúng ta trong nỗi hèn yếu của chúng ta và “chuyển cầu cho chúng ta bằng những lời than khôn tả” (Rm.8:26).
Như thế Tân Ước đã rõ ràng dẫn chúng ta nhập cuộc chuyển vận khởi từ Cha rồi qui về Cha. Chúng ta hãy chú ý đến việc chuyển vận này trong năm cuối sửa dọn cho Đại Năm Thánh.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 28-30/12/1998)