Bài 45 (Thứ Tư ngày 13-1-1999) 
 

Thiên Chúa từ từ tỏ ra cho thấy vai trò làm Cha của Ngài

 

“N

gài đã dựng nên chúng tôi cho Ngài, ôi lạy Chúa, nên lòng chúng tôi khắc khoải cho tới khi được nghỉ an trong Chúa” (Conf.1,1). Câu nói lừng danh dẫn vào cuốn Tự Thú của Thánh Augustinô này đã nói lên một cách sống động cái nhu cầu không thể đè nén đã thúc đẩy con người trong việc tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa. Các truyền thống tôn giáo khác nhau cũng chứng thực cho thấy cái cảm nghiệm ấy. “Trải suốt giòng lịch sử, ngay cả cho đến ngày hôm nay đây, vẫn thấy xuất hiện nơi các dân nước khác nhau cái nhận thức về một quyền năng kín nhiệm, một quyền năng tiềm ẩn bên trong các chuyển biến của thiên thiên, cũng như tàng ẩn bên trong các biến cố của đời sống con người. Có những lúc còn thấy được cả việc con người biết nhìn nhận một hữu thể tối cao, hay hơn thế nữa, biết nhận ra một Người Cha” (Tuyên Ngôn Nostra Aetate, đoạn 2).

            Thật vậy, nhiều kinh nguyện nơi văn chương của các tôn giáo trên thế giới đều nói lên niềm xác tín là có thể nhận thấy được một Hữu Thể Tối Cao và kêu cầu Ngài như là một người cha, Đấng con người cảm nghiệm được qua việc người cha trần gian chăm sóc cho mình. Chính mối liên hệ này, như một số luồng tư tưởng của chủ nghĩa vô thần hiện đại đặt vấn đề cho rằng tư tưởng về Thiên Chúa là một phóng ảnh từ vai trò của người làm cha. Thật ra vấn đề này không có lý.

            Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình, con người đôi khi thực sự cũng dễ thích so sánh thần tính với các đặc điểm về nhân cách học là những gì hoàn toàn phản ánh thế giới nhân loại. Bởi thế, việc tìm kiếm Thiên Chúa tiếp tục tiến bước “một cách lần mò”, như Thánh Phaolô nói với dân thành Nhã Điển trong một bài diễn từ của ngài (x.Acts 17:27). Do đó, đối với phương diện mập mờ nơi cảm nghiệm về đạo giáo này, cần phải nhớ để nhận thực rằng, chỉ có mạc khải trọn vẹn là những gì  Thiên Chúa tỏ mình ra mới có thể xua tan đi những bóng tối mù mịt và mới chiếu lên ánh sáng chói chang.

 

2-         Theo gương Thánh Phaolô, vị mà ngay trong bài diễn từ của mình nói với dân thành Nhã Điển đã trích lại một câu nói của thi sĩ Aratus về nguồn gốc thần linh của con người (x.Acts 17:28), với một lòng tôn trọng, Giáo Hội cũng cố gắng nhận ra dung nhan của Thiên Chúa được các tôn giáo khác nhau phác tả, bằng việc phân biệt nơi các niềm tin tưởng của họ những gì có thể chấp nhận được với những gì không hợp với Mạc Khải Kitô Giáo.

            Như thế, việc nhìn nhận Thiên Chúa như một Người Cha chung của thế giới và của loài người phải được coi là một minh thức tích cực về đạo nghĩa. Tuy nhiên, tư tưởng về một thần tính do con người chủ quan mường tưởng nghĩ ra ấy không thể nào chấp nhận được. Chẳng hạn, các người Hy Lạp xưa cho Sự Thiện như là một hữu thể thần linh tối cao cũng được gọi là cha, thế nhưng thần Zeus đã tỏ ra cho thấy vị thần này làm cha một cách giận dữ và ác độc cũng như từ ái. Chúng ta đọc thấy nơi tác giả Odyssey thế này: “Lạy cha Zeus, cha là một vị thần sát hại nhất trong các thần: cha không hề thương con người sau khi cha đã sinh ra họ và cha đã bỏ mặc họ cho tà vận cùng với sầu đau giầy vò” (XX, 201-203).

            Thế nhưng, nhu cầu cần đến một vị Thiên Chúa vượt ra ngoài cái con người chủ quan mường tưởng ấy cũng được thấy nơi các người Hy Lạp xưa kia, như rõ ràng qua “Bản Thánh Ca cho Zeus” của nhà thơ Cleanthes. Tư tưởng về một người cha thần linh, một người cha sẵn sàng ban tặng ân sự sống dồi dào và cung cấp các nhu cầu cần thiết, cũng là Đấng nghiêm thẳng ra tay trừng trị mà không cần lúc nào cũng phải có lý do rõ ràng minh bạch, được gắn liền, ở nơi các xã hội cổ xưa, với lề lối tập tục của cha ông và được lưu truyền lại theo quan niệm phổ thông nhất trong lãnh vực tôn giáo. 

 

3-         Nơi dân tộc Yến-Duyên, việc nhận biết vai trò làm cha của Thiên Chúa dần dần và liên tục bị tác hại bởi khuynh hướng tôn thờ ngẫu tượng là những gì các vị tiên tri đã mạnh mẽ chống đối: “Họ nói với cây cối rằng ‘Các ngươi là cha của chúng tôi’, và với sỏi đá rằng ‘Các ngươi đã sinh ra chúng tôi’” (Jer.2:27). Thật vậy, đối với cảm nghiệm về đạo nghĩa nơi thánh kinh thì nhận thức về Thiên Chúa như là một Người Cha ít có liên quan đến công việc tạo dựng của Ngài cho bằng đến việc can thiệp cứu độ của Ngài trong lịch sử, khi Ngài thiết lập mối liên hệ ước thệ đặc biệt với dân tộc Yến-Duyên. Thiên Chúa thường than rằng mối tình phụ thân của Ngài đã không được đón nhận xứng hợp: “Chúa phán: ‘Những đứa con mà Ta đã nuôi lớn lại nổi lên phản chống Ta’” (Is.1:2).

            Đối với dân tộc Yến-Duyên, vai trò làm cha của Thiên Chúa dường như thật hơn là vai trò làm cha nơi loài người: “Cha tôi và mẹ tôi đã bỏ quên tôi, song Chúa vẫn giữ lấy tôi” (Ps.27:10). Tác giả thánh vịnh, vị đã có cảm nghiệm đau thương bị ruồng bỏ và đã thấy nơi Thiên Chúa một người cha còn chăm sóc hơn cả cha mẹ trần gian của mình nữa, cho chúng ta thấy được cách tác giả đã vươn lên tới vai trò làm cha của Thiên Chúa: “Lòng của tôi nói về Ngài, mắt của tôi tìm kiếm Ngài; Oâi lạy Chúa, tôi tìm kiếm dung nhan Ngài” (Ps.27:8). Việc tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa là một hành trình thiết yếu, cần phải được thực hiện với một tấm lòng chân thành và một cuộc dấn thân liên tục. Chỉ có những cõi lòng chính trực mới có thể hoan hỉ trong việc tìm kiếm dung nhan Chúa (x.Ps.105:3f), và vì thế dung nhan phụ thân của Thiên Chúa mới có thể tỏ hiện ra nơi họ (x.Ps.119:135; x. 31:17; 67:2; 80:4, 8, 20). Nhờ việc tuân giữ lề luật thánh người ta cũng có thể hoàn toàn hoan hưởng việc Thiên Chúa của giao ước bảo vệ họ. Phúc lành Thiên Chúa tưởng thưởng cho dân Ngài, qua vai trò trung gian tư tế của Aaron, thực sự đã nhấn mạnh đến việc dung nhan Thiên Chúa tỏ ra sáng láng: “Chúa đã chiếu tỏ dung nhan Ngài trên các người và ưu ái các người. Diện mạo của Ngài ở với các người, làm cho các người được bình an” (Num.6:25f).

 

4-         Từ lúc Chúa Giêsu đến thế gian, việc tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa là Cha đã có một tính cách quan trọng hơn nữa. Chúa Giêsu đã giảng dạy theo cảm nghiệm làm Con của mình và đã xác nhận ý niệm Thiên Chúa là Cha được phác tả trong Cựu Ước; thật vậy, Người liên tục nhấn mạnh đến ý niệm này, sống ý niệm này một cách sâu xa khôn tả, và đã chia sẻ ý niệm ấy cho ai muốn được cứu độ như là một dự án sự sống vậy.

            Nhất là Chúa Giêsu còn ở trong chính mối liên hệ tuyệt đối đặc thù với vai trò làm cha thần linh của Thiên Chúa, khi Người tỏ mình ra là “con” và lấy mình làm đường lối duy nhất để đến cùng Cha. Người đã trả lời cho Philiphê là môn đệ đã xin Người “tỏ cho chúng con biết Cha thì chúng con sẽ được mãn nguyện” (Jn.14:8), rằng biết Người tức là biết Cha, vì Cha tác hành nơi Người (x.Jn.14:8-11). Bởi thế, những ai muốn gặp Chúa Cha đều phải tin vào Con: “Nơi Con mình, Thiên Chúa không chỉ đoan quyết với chúng ta về việc chăm sóc phụ thân quan phòng của Ngài, mà còn thông ban sự sống của Ngài cho họ nữa, khi làm cho họ trở thành “con cái trong Con mình”. Đó là điều Thánh Tông Đồ Gioan nhấn mạnh bằng một tấm lòng biết ơn sâu xa: “Hãy xem Chúa Cha đã yêu thương chúng ta biết bao, để chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa; và chúng ta thật sự là như thế” (1Jn.3:1). 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 20/1/1999)