Bài 46 (Thứ Tư ngày 20-1-1999)
Thiên Chúa tỏ mình ra
là Cha của dân Yến-Duyên
D
ân tộc Yến-Duyên – như chúng ta đã đề cập đến trong bài giáo lý lần vừa rồi – đã cảm nghiệm được Thiên Chúa như là một người cha. Như tất cả mọi dân tộc khác, họ cảm thấy nơi Ngài có những cảm tình thân phụ là những gì được phản ánh từ cảm nghiệm của một người cha trần gian. Họ nhận thấy nơi Thiên Chúa có một thái độ phụ thân chuyên biệt như thế, nhất là vì họ căn cứ vào những gì họ biết được nơi chính tác động cứu độ đặc biệt của Ngài (x. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 238).
Theo quan điểm đầu tiên là quan điểm dựa vào cảm nghiệm loài người, dân tộc Yến-Duyên đã nhận ra vai trò làm cha của Thiên Chúa qua kỳ công nơi việc tạo thành cũng như nơi việc canh tân sự sống. Phép lạ xẩy ra nơi việc hình thành một con trẻ trong lòng mẹ không thể nào hiểu nổi nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa, như tác giả Thánh Vịnh nhắc lại: “Vì Chúa đã làm nên tạng phủ của tôi, Ngài đã thêu dệt nên tôi trong dạ của mẹ tôi” (Ps.139/138:13). Dân tộc Yến-Duyên cũng có thể thấy Thiên Chúa như là một người cha, khi so sánh Ngài với các nhân vật nắm trọng trách chung, nhất là trọng trách về tôn giáo, được dân coi như là các vị làm cha trong dân, chẳng hạn như các vị tư tế (x.Jgs.17:10; 18:19; Gn.45:8) hay như các vị tiên tri (x.2Kgs.2:12). Hơn nữa, cũng dễ hiểu là, việc xã hội Yến-Duyên đòi phải tôn kính các người làm cha đã có thể dẫn người Do Thái đến chỗ thấy Thiên Chúa như là một người cha không hơn không kém. Thật vậy, lề luật Moisen tỏ ra rất nghiêm khắc với thành phần con cái không biết kính trọng mẹ cha, đến nỗi đã qui định án tử cho những ai đánh đập hoặc chỉ cần chửi rủa cha hay mẹ mình (Ex.21:15,17).
2- Tuy nhiên, ngoài hình ảnh tiêu biểu do cảm nghiệm loài người gợi lên ấy, một hình ảnh đặc biệt hơn nữa về vai trò làm cha của Thiên Chúa nơi dân tộc Yến-Duyên còn được dựa vào các việc Thiên Chúa ra tay cứu vớt họ. Bằng việc cứu họ khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập, Thiên Chúa đã kêu mời dân tộc Yến-Duyên tham dự vào mối liên hệ ước thệ với Ngài, thậm chí Ngài còn coi họ như là đứa con trưởng nam của Ngài. Như thế Thiên Chúa đã tỏ ra cho thấy Ngài là một người cha một cách đặc biệt, như lời Ngài phán với Moisen đã cho thấy rõ ràng như thế: “Ngươi phải nói với Pharaon rằng ‘Chúa truyền như sau: Yến-Duyên là trưởng tử của Ta’” (Ex.4:22). Vào giờ phút tuyệt vọng, dân tộc làm con này của Thiên Chúa mới có thể kêu lên Cha trên trời của mình bằng tước hiệu ân huệ ấy, để Ngài lại ra tay tái diễn phép lạ Xuất Ai Cập: “Ôi Chúa, xin hãy thương đến đám dân được Chúa nhân danh mình mà kêu gọi họ, thương đến Yến-Duyên là dân tộc Chúa đã coi như là một trưởng tử của Chúa” (Sir.36:11). Vì tình trạng này, dân tộc Yến-Duyên buộc phải giữ một thứ lề luật làm họ tách biệt khỏi các dân tộc khác là thành phần họ phải minh chứng cho vai trò làm cha của Thiên Chúa mà họ được hoan hưởng một cách đặc biệt. Sách Nhị Luật đã nhấn mạnh đến điều này, một điều có liên quan tới những gì Giao Ước đòi hỏi phải dấn thân: “Các người là con cái của Chúa, Thiên Chúa của các người… Vì các người là một dân tộc thánh thiện đối với Chúa, Thiên Chúa của các người, và vì Chúa đã chọn các người để làm dân riêng của Ngài trong số tất cả mọi dân tộc khác trên mặt đất này” (Dt.14:1f).
Qua việc không tuân giữ lề luật Thiên Chúa, Yến-Duyên đã sống ngược lại với tình trạng làm con của mình, đáng bị Người Cha ở trên trời của họ khiển trách: “Các người đã không còn nhớ gì đến Đá Tảng đã sinh các người vào đời, và các người đã lãng quên Thiên Chúa là Đấng đã sinh ra các người”. Tình trạng làm con này bao gồm tất cả mọi người trong dân tộc Yến-Duyên, nhưng nó được áp dụng đặc biệt cho giòng dõi và vị thừa kế của Đavít, như lời tiên tri qúa quen thuộc của Nathan đã nói lên lời của Thiên Chúa: “Ta sẽ là cha của nó và nó sẽ là con của Ta” (2Sam 7:14; 1Chr.17:13). Căn cứ vào lời tiên tri này, truyền thống thiên sai đã gán vai trò con cái thần linh cho Đức Kitô: “Con là con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Ps.2:7; x.110/109:3).
3- Vai trò làm cha của Thiên Chúa theo quan điểm của dân tộc Yến-Duyên được đánh dấu bằng một tình yêu tha thiết, liên lỉ và cảm thương. Bất chấp những bất trung của dân tộc này, cùng với các ngăm dọa trừng phạt theo đó, Thiên Chúa vẫn tỏ ra cho thấy Ngài không thể nào rút lại tình yêu của Ngài. Ngài đã diễn đạt tình yêu của Ngài ở chỗ hết sức êm ái, thậm chí có lúc Ngài còn phải khóc than việc thiếu đáp ứng của con cái mình nữa: “Chính Ta là Đấng đã dạy cho Ephraim bước đi, Ta đã ẵm chúng lên trong cánh tay của Ta; thế nhưng chúng không nhận biết là Ta đã chữa lành cho chúng. Ta đã dẫn dắt chúng bằng sợi xót thương, bằng giây tình ái; Ta đã chăm lo cho chúng như người ta ôm ẵm đứa con nhỏ của họ vào lòng, rồi Ta đã cúi xuống trên họ và dưỡng nuôi họ… Làm sao Ta có thể ruồng bỏ các ngươi cho đành, Ephraim ơi! Làm sao Ta có thể trao nộp các ngươi cho được, Yến-Duyên hỡi?… Ruột gan Ta rạo rực, lòng thương của Ta càng thêm nồng ấm và thiết tha” (Hos.11:3f, 8; Jer.31:20).
Ngay cả việc sửa trị cũng trở nên một diễn đạt cho mối tình yêu ưu đãi này, như Sách Cách Ngôn đã cho biết: “Hỡi con, đừng coi thường việc huấn luyện của Chúa hay nhàm chán việc sửa trị của Ngài, vì Chúa sửa trị kẻ Ngài yêu, như một người cha đối xử với đứa con mình yêu dấu” (Prv.3:11-12).
4- Vai trò làm cha của Thiên Chúa như thế, một vai trò làm cha cũng rất “con người” được thể hiện qua các hình thức diễn đạt của mình, bao gồm tất cả mọi đặc tính thường được gán cho tình yêu của một người mẹ. Mặc dù họa hiếm, các hình ảnh trong Cựu Ước sánh ví Thiên Chúa với một người mẹ cũng có tầm vóc rất là quan trọng. Chẳng hạn như chúng ta đọc thấy trong Sách Isaia: “Sion nói: ‘Chúa đã bỏ rơi tôi, Chúa của tôi đã lãng quên tôi rồi’. ‘Làm sao lại có người đàn bà quên được đứa con măng sữa của mình, đến nỗi bà không biết thương đến đứa con do lòng bà sinh ra được chứ?’ Cho dù chuyện này có xẩy ra đi nữa thì Ta cũng chẳng bao giờ quên được ngươi đâu” (Is.49:14-15). Còn nữa: “Như đứa nhỏ được mẹ ủi an thế nào thì Ta cũng sẽ an ủi các người như vậy” (Is.66:13).
Như thế, thái độ của Thiên Chúa đối với dân tộc Yến-Duyên cũng có những đặc tính mẫu thân, những đặc tính nói lên niềm êm ái và nỗi cảm thông (x. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 239). Tình yêu này Thiên Chúa đã đổ xuống trên dân của Ngài dồi dào đến nỗi làm cho Tôbia cha phải thốt lên: “Ôi con cái Yến-Duyên, hãy nhận biết Thiên Chúa trước mặt các dân nước; vì Ngài đã phân tán chúng ta ở giữa họ. Hãy làm cho sự cao cả của Ngài được họ nhận biết, và hãy tôn vinh Ngài trước mắt tất cả mọi sinh linh; vì Ngài là Chúa và là Thiên Chúa, Ngài là Cha muôn thuở của chúng ta” (Tob.13:3-4).
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 27/1/1999)