Bài 5 (Thứ Tư ngày 17-12-1997)

 

Thời Điểm Chúa Kitô Sống trên Thế Gian

được ghi dấu vết hy sinh cứu độ của Người.
 

 

“C

ửa ngõ cho vĩnh cửu đi vào thời gian qua mầu nhiệm Nhập Thể đã biến cả cuộc sống trần gian của Chúa Kitô trở thành một thời đoạn phi lệ. Thời khoảng của cuộc sống này là một thời điểm đặc thù, một thời điểm làm trọn Mạc Khải, một mạc khải mà Thiên Chúa hằng sống muốn dùng để nói với chúng ta nơi Lời nhập thể của Ngài qua bức màn hiện hữu nhân loại của Lời nhập thể.

          Thời điểm này: một thời điểm của Phúc Aâm, sẽ mãi mãi là một qui diểm chính yếu. Tất cả mọi Kitô hữu đều nhận thức được thời điểm ấy như là thời điểm bắt nguồn đức tin của họ.

          Đó là thời điểm cuộc sống của một người đã làm thay đổi tất cả cuộc sống nhân loại. Cuộc sống của Chúa Kitô ngắn ngủi thật; thế nhưng cường độ và giá trị của cuộc sống này không thể tưởng tưởng nổi. Chúng ta đang đứng trước cả một kho tàng vĩ đại nhất của lịch sử loài người. Là một nguồn phong phú bất tận bởi vì cuộc sống này là kho tàng của vĩnh hằng và của thần linh.

 

2-       Những ai đã sống trong thời điểm của Chúa Giêsu và hoan hỉ được sống gần cận với Người, thấy Người và nghe Người là những người được may mắn đặc biệt. Chính Chúa Giêsu gọi họ là những người có phúc: “Phúc cho những con mắt được thấy điều các con thấy! Vì Thày bảo cho các con biết nhiều tiên tri và vua chúa muốn thấy điều các con thấy mà không được thấy, và muốn nghe điều các con nghe mà không được nghe” (Lk.10:23-24).

          Mẫu ngôn: “Thày bảo cho các con biết” chứng tỏ là điều xác nhận này của Chúa Giêsu vượt ra ngoài việc nhận xét thuần túy theo dữ kiện lịch sử. Điều Chúa Giêsu nói là lời mạc khải chiếu soi ý nghĩa sâu xa của lịch sử. Trong qúa trình trước Người, Chúa Giêsu không phải chỉ nhìn thấy những biến cố bề ngoài sửa soạn cho việc Người đến mà thôi; Người còn nhìn thấy những khao khát sâu xa của những cõi lòng ẩn sau những biến cố này và chờ mong chung cuộc của những biến cố ấy.

          Đa số những người đồng thời với Chúa Giêsu không nhận ra đặc ân của mình. Họ thấy và nghe Đấng Thiên Sai mà không nhận ra Người là Đấng Cứu Thế họ vọng trông. Họ nói với Người mà không nhận ra là họ đang nói với Đấng Thiên Chúa Xức Dầu được các tiên tri báo trước.

          Khi nói: “điều các con thấy”, “điều các con nghe”, Chúa Giêsu mời họ nhận thức một mầu nhiệm vượt ra ngoài bức màn giác quan. Người đặc biệt giúp cho các môn đệ của Người đi sâu vào mầu nhiệm, ở chỗ “Mầu nhiệm của vương quốc Thiên Chúa đã được ban cho các con” (Mk.4:11).

          Đức tin của chúng ta, chính thức dựa vào chứng tá của các vị môn đệ, được ăn sâu vào việc các vị dần dần khám phá ra mầu nhiệm này. Chúng ta không được đặc ân nhìn thấy và nghe thấy Chúa Giêsu, như trong thời gian Người còn sống trên trần gian, nhưng với đức tin, chúng ta nhận được một ân sủng khôn sánh để đi vào mầu nhiệm Chúa Kitô và vương quốc của Người.

 

3-       Thời điểm của Phúc Aâm đã khai mở cho một kiến thức sâu xa về con người của Chúa Kitô. Theo chiều hướng này, chúng ta có thể nhớ lại việc Chúa Kitô phiền trách Philiphê: “Thày đã ở với  con bấy lâu mà con không biết Thày sao hả Philiphê?” (Jn.14:9). Chúa Giêsu đã mong mỏi một kiến thức thấm nhập đầy yêu thương nơi thành phần, như là một vị Tông Đồ, sống rất gần gũi với Thày, và chính vì mối thân tình này, họ phải thấy được dung nhan của Chúa Cha phản ảnh nơi Người: “Ai thấy Thày là thấy Cha” (như trên). Bằng con mắt đức tin, các môn đệ được kêu gọi để nhận ra dung nhan vô hình này của Chúa Cha nơi gương mặt của Chúa Kitô.

 

4-       Thời khoảng cuộc sống trần gian của Chúa Kitô được trình thuật trong Phúc Aâm như là thời gian của một lễ cưới. Nó là một thời gian được thực hiện để lan truyền niềm vui. “Các khách dự tiệc cưới có thể nào chay tịnh trong khi chàng rể còn ở với họ chăng? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ làm sao có thể chay tịnh được” (Mk.2:19). Ở đây, Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh đơn sơ và khêu gợi. Người là chàng rể loan báo lễ cưới của mình, một lễ cưới yêu thương giữa Thiên Chúa và nhân loại. Người là chàng rể muốn thông truyền niềm vui của Người. Các thân hữu của chàng rể được mời chia phần niềm vui của Người bằng cách đến tham dự lễ cưới.

          Tuy nhiên, chính trong khung cảnh cưới hỏi này, Chúa Giêsu đã loan báo thời điểm Người không còn hiện diện nữa: “Sẽ đến những ngày chàng rể bị mang đi khỏi họ, bấy giờ họ mới chay tịnh” (Mk.2:20): điều này rõ ràng ám chỉ đến cuộc hy sinh của Người. Chúa Giêsu biết rằng niềm vui sẽ tiếp với nỗi buồn. Lúc ấy các môn đệ của Người mới “chay tịnh”, tức là, họ mới chịu khổ như tham dự vào cuộc Vượt Qua của Người.

          Việc Chúa Kitô đến trần gian, bằng tất cả niềm vui mang lại cho nhân loại, không thể tách rời khỏi khổ đau. Lễ cưới được đánh dấu bằng màn thảm kịch Thập Giá, song sẽ ngất ngưỡng trong niềm vui vượt qua.

 

5-       Màn thảm kịch này là kết qủa đối chọi bất khả kháng giữa Chúa Kitô với quyền lực sự dữ: “Aùnh sáng chiếu trong tăm tối và tăm tối đã không chế ngự được ánh sáng” (Jn.1:15). Những tội lỗi của nhân loại đóng vai chính trong màn thảm kịch này. Thế nhưng, sự thất bại của một số phái nhóm nơi dân riêng Người trong việc nhận biết Người làm cho Người đặc biệt phiền muộn. Nói về thành Gialiêm, Người đã than trách rằng: “Ngươi đã không nhận biết thời điểm viếng thăm của mình” (Lk.19:44).

          Thời điểm Chúa Kitô hiện diện trên trần gian là thời điểm viếng thăm của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đã có những người tích cực đáp ứng, một đáp ứng của đức tin. Trước khi nhắc lại việc Chúa Giêsu khóc thương thành đô phản loạn này (x.Lk.19:41-44), thánh Luca đã diễn thuật cho chúng ta thấy cuộc tiến vào thành Gialiêm với tư cách “vương giả” và “thiên sai” của Người, khi “toàn thể đám đông môn đệ bắt đầu hoan hỉ và lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa về tất cả những việc uy quyền các vị đã thấy, mà rằng ‘Chúc tụng đức vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên nơi cao thẳm!’” (19:37-38). Thế nhưng, lòng nhiệt thành này, trước con mắt của Chúa Giêsu, đã không thể nào che đậy được sự kiện cay đắng trong việc Người bị các vị lãnh đạo dân chúng cùng với đám đông bị họ dụ hoặc chối bỏ.

          Hơn nữa, trước cuộc khải hoàn tiến vào thành Gialiêm này, Chúa Giêsu đã nói trước về cuộc hy sinh của Người: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ, và để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mk.10:45; x.Mt.20:28).

          Như thế, thời điểm Chúa Kitô sống trên thế gian được ghi dấu vết hy sinh cứu độ của Người. Đó là thời gian của mầu nhiệm vượt qua nơi Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, một mầu nhiệm phát sinh ơn cứu chuộc cho gia đình nhân loại.

 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 31/12/1997)