Bài 50 (Thứ Tư ngày 24/3/1999) 

Tình Yêu của Chúa Cha

Quảng Đại và Quan Phòng

 

C

húng ta hôm nay, để tiếp tục suy niệm về Thiên Chúa là Cha, sẽ suy về tình yêu quảng đại và quan phòng của Ngài. “Chứng cớ Thánh Kinh đều đồng nhất với nhau cho chúng ta thấy mối quan tâm của việc quan phòng thần linh thì cụ thể và trực tiếp; Thiên Chúa để ý đến tất cả mọi sự, từ những điều nhỏ nhất cho đến những biến cố vĩ đại trên thế giới cũng như trong lịch sử của thế giới” (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 303). Chúng ta có thể bắt đầu với bản văn của Sách Khôn Ngoan, ở đó, Việc Quan Phòng thần linh được tỏ ra như là việc hướng dẫn con tầu giữa biển khơi: “Ôi Cha, chính Việc Quan Phòng của Cha lèo lái hải trình của con thuyền, vì Cha đã mở đường cho nó trên biển khơi, một lối an toàn giữa sóng nước, chứng tỏ Cha có thể cứu nó khỏi mọi hiểm nguy, để dù kẻ không có khả năng cũng có thể đi biển” (Wis 14:3-4).

            Trong một câu Thánh Vịnh chúng ta còn thấy một hình ảnh về biển khác, một hình ảnh có những con tầu rẽ sóng đầy những con vật lớn nhỏ, một hình ảnh gợi lại việc nuôi dưỡng Thiên Chúa cung cấp cho tất cả mọi sinh vật: “Tất cả những vật này trông chờ Ngài ban cho chúng lương thực đúng lúc. Khi Ngài ban cho chúng thì chúng thu góp lại; khi Ngài mở tay ra thì chúng đầy những điều thiện hảo” (Ps.104:27-28).

 

2-         Hình ảnh con tầu giữa biển khơi đã khéo léo diễn tả tình trạng của chúng ta trước Người Cha quan phòng của mình. Như Chúa Giêsu nói, Ngài “làm cho mặt trời mọc lên cho cả kẻ dữ lẫn người lành, và đổ mưa xuống cho cả người công chính lẫn kẻ bất nhân” (Mt.5:45). Tuy nhiên, ý nghĩa của câu nói này về tinh yêu quan phòng của Chúa Cha khiến chúng ta tự nhiên cũng nghĩ đến việc chịu đựng đau khổ cần được tìm hiểu. Phải công nhận rằng vấn đề chịu đau khổ là một khúc mắc nan giải đối với lý trí con người. Mạc Khải thần linh giúp cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không gây ra đau khổ, vì nó đột nhập vào thế gian là do tội lỗi của loài người (x.Gen.3:16-19). “Thiên Chúa quyền năng…, là sự thiện tuyệt đối, không bao giờ để cho bất cứ sự dữ nào có ở nơi công việc Ngài làm, nếu Ngài không toàn năng và toàn thiện đến biến chính sự dữ thành sự lành” (Thánh Ấu-Cậy-Tin, Enchiridion de Fide, Spe et Caritate, 11, 3: PL 40, 236). Theo ý nghĩa này mới thấy được tầm quan trọng của những lời Giuse nói để trấn an anh em mình là những người đã bán ông rồi sau đó lại phải nhờ đến quyền lực của ông: “Không phải các anh mà là Thiên Chúa đã sai em đến đây… Các anh có ý làm hại em nhưng Thiên Chúa lại muốn dùng nó để làm lành cho nhiều người được sống còn hiện giờ” (Gen.45:8, 50:20).

            Những gì Thiên Chúa định liệu không trùng hợp với những gì con người tính toán; những gì Ngài định liệu vô cùng tốt lành hơn, thế nhưng thường là những gì lý trí con người bất khả thấu. Sách Cách Ngôn nói: “Các bước đi của con người được Chúa ấn định; con người làm sao có thể hiểu được đường lối của Ngài?” (Prov. 20:24). Trong Tân Ước, Thánh Phaolô còn công bố nguyên tắc an ủi này: “Trong tất cả mọi sự Thiên Chúa đều làm lợi  cho những ai yêu mến Ngài” (Rm.8:28).

 

3-         Chúng ta phải có thái độ nào đối với hành động của Thiên Chúa quan phòng nhìn xa trông rộng như vậy? Chắc chắn chúng ta không được chờ đợi một cách thụ động những gì Ngài gửi đến cho chúng ta, mà phải cộng tác với Ngài trong việc hoàn thành những gì Ngài đã bắt đầu nơi chúng ta. Chúng ta phải nhiệt tình tìm kiếm những sự trên trời trước hết mọi sự. Những sự trên trời này phải đến trước, như Chúa Giêsu nói: “Trước hết các con hãy tìm kiếm nước của Ngài cùng sự công chính của Ngài đã” (Mt.6:33). Còn những vấn đề khác không được trở thành đối tượng quan tâm thái qúa, vì Cha trên trời của chúng ta biết những gì chúng ta cần, đó là điều Chúa Giêsu đã dạy chúng ta khi Người xin các môn đệ “phó mình như một con trẻ cho việc quan phòng của Cha trên trời là Đấng săn sóc những nhu cầu nhỏ mọn nhất của con cái mình” (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 305): “Đừng tìm kiếm những gì các con phải ăn và những chi các con cần uống, cũng đừng lo lắng trong lòng. Vì tất cả mọi dân nước trên thế giới đều tìm kiếm những điều này; và Cha các con biết rằng các con cần đến những điều ấy” (Lk.12:29f).

Bởi thế, chúng ta được kêu gọi để cộng tác với Thiên Chúa bằng một thái độ hết lòng tin tưởng. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta xin Cha trên trời lương thực hằng ngày (x.Mt.6:11; Lk.11:3). Nếu chúng ta biết ơn lãnh nhận lương thực hằng ngày này, chúng ta cũng sẽ tự nhiên nhớ rằng không có gì thuộc về chúng ta cả, và chúng ta phải sẵn sàng để cho đi: “Hãy ban phát cho những ai hỏi xin các con; và đừng đòi lại kẻ nào lấy đi những gì các con có” (Lk.6:30).

 

4-         Niềm xác tín được Thiên Chúa yêu thương làm chúng ta tin tưởng vào việc quan phòng thân phụ của Ngài ngay cả giữa những lúc trục trặc nhất trong cuộc đời. Niềm tin tưởng hoàn toàn này nơi Thiên Chúa là Người Cha quan phòng, cho dù giữa cơn khốn khó, được Thánh nữ Têrêsa Giêsu khéo diễn tả là “đừng để sự gì làm xao xuyến; đừng để sự gì làm hoảng sợ. Mọi sự đều qua đi. Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Nhẫn nại là đạt được tất cả. Ai có Thiên Chúa thì không còn muốn gì nữa. Một mình Thiên Chúa là đủ rồi” (Poems, 30).

Thánh Kinh đã cống hiến cho chúng ta một mẫu gương sống động về lòng tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, qua trường hợp Abraham quyết định sát tế Isaac con mình. Thực ra, Thiên Chúa đâu có muốn người con của ông phải chết mà là muốn đức tin của người cha. Và Abraham đã chứng tỏ đức tin của mình một cách trọn vẹn, vì khi Isaac hỏi ông về con chiên để làm của lễ toàn thiêu thì ông đã dám trả lời là: “Đã có Thiên Chúa lo” (Gen.22:8). Vậy ông đã cảm nhận ngay được Việc Quan Phòng lòng lành của Thiên Chúa, Đấng cứu lấy đứa nhỏ và tặng thưởng đức tin của ông, làm ông tràn đầy phúc lộc.

Những đoạn Thánh Kinh như thế này cần phải được hiểu theo ý nghĩa của toàn thể Mạc Khải, một mạc khải được viên trọn nơi Chúa Giêsu Kitô. Người dạy chúng ta đặt hết lòng trông cậy của chúng ta nơi Thiên Chúa, cho dù gặp những lúc khốn khó nhất: bị treo trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã hoàn toàn phó mình cho Cha: “Lạy Cha, con xin phó thần trí của con trong tay Cha” (Lk.23:46). Với thái độ này, Người đã tăng giá trị cho những gì ông Gióp đã tóm gọn trong câu nói thời danh của ông: “Chúa đã ban cho và Chúa đã lấy đi; xin chúc tụng danh Chúa” (Jb.1:21). Ngay cả những gì bất hạnh theo loài người cũng có thể là những gì phát xuất từ dự án cao cả của tình yêu vô cùng Chúa Cha dành cho phần rỗi của chúng ta.

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 31/3/1999)